Login Form

Số Người Truy cập

04232255
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
307
2265
6463
2583821
13861
15674
4232255

2024-04-19 10:00

Home

Mưu Trí Người Xưa...

1. Án Anh Đi Sứ...

 Án Anh (tiếng Trung: 晏嬰; bính âm: yàn yīng; Wade-Giles: Yen Ying) tự Bình Trọng là một nhân vật lịch sử sống và làm quan hai triều vua Tề Trang công và Tề Cảnh công thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng trí tuệ thông minh và là một vị quan tài ba của nước tề.

 Khi Án Anh đi sứ nước Sở, Sở vương muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày nhiều trò để hạ nhục ông. Nhưng Án Anh bằng tài trí thông minh đã tõ rõ tiết tháo của kẻ trung thần trước quần hùng nước Sở, giữ gìn quốc thể, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua giao. Ông xứng đáng là chính trị gia có tài kinh bang tế thế, nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.

 

dsc03861

Án Trọng Tử

      Nước Sở cường thịnh, chư hầu đều có ý sợ hãi, sai sứ đến triều cống. Quan đại phu nước Tề là Án Anh (tên tự là Bình Trọng) phụng mệnh Tề Cảnh công sang sứ nước Sở. Sở Linh vương bảo triều thần rằng:

      – Án Anh mình không đầy năm thước, mà chư hầu đều khen là người giỏi. Nay các nước chỉ có Sở ta là cường thịnh hơn cả, ta muốn làm cho Án Anh phải sỉ nhục, để nâng cao cái uy của nước Sở, các ngươi thử nghĩ xem có kế gì ?

      Quan thái tể là Viễn Khải Cương mật tâu rằng:

      – Án Anh là người tài ứng đối, tất phải dùng nhiều cách mới sỉ nhục được hắn.

      Viễn Khải Cương liền đem mưu kế nói với Sở Linh vương. Sở Linh vương nghe lời. Đêm hôm ấy, Viễn Khải Cương đem quân ra khoét một cái lỗ nhỏ ở bên cửa đông, vừa vặn độ năm thước, rồi truyền cho quân canh cửa, đợi khi nào sứ nước Tề đến thì đóng chặt cửa giữ lại, rồi bảo chui qua cái lỗ nhỏ ấy mà vào. Được một lúc, Án Anh mặc áo cừu rách, đi cái xe xấu và con ngựa gầy, đến cửa đông, trông thấy cửa thành đóng, liền dừng xe lại, sai người gọi cửa. Quân canh cửa trỏ vào cái lỗ nhỏ ở bên cạnh mà bảo Án Anh rằng:

      – Ngài đi qua cái chỗ ấy, cũng rộng rãi chán, cần gì phải mở cửa!

      Án Anh nói:

      – Đó là chỗ chó chui, chứ không phải chỗ người đi. Có sang sứ nước chó thì mới vào cửa chó, chứ sang sứ nước người thì tất phải đi cửa người.

Read More

      Quân canh cửa đem lời nói ấy phi báo với Sở Linh vương. Sở Linh vương nói:

      – Ta muốn giỡn hắn, ai ngờ lại bị hắn giỡn lại!

      Nói xong truyền mở cửa thành cho Án Anh vào. Án Anh vào trong thành, thấy có một toán xa kỵ, người nào cũng to lớn lực lưỡng và rậm râu, tay cầm một ngọn giáo thật dài, trông như vị thiên thần, đến đón Án Anh, có ý muốn tỏ rõ Án Anh là người thấp lùn bé nhỏ, Án Anh nói:

      - Ta sang sứ hôm nay là vì việc giao hiếu, chứ không phải là muốn gây việc chiến tranh, dùng làm chi những kẻ vũ sĩ ấy!

dsc02484

Án Trọng Tử đi sứ nước Sở

      Án Anh nói xong bão vũ sĩ đứng ra một bên, rồi giục xe thẳng tới cửa triều. Ngoài cửa triều có hơn mười viên quan, đều mũ cao áo dài, đứng sắp hàng hai dãy. Án Anh xuống xe, chắp tay vái chào. Trong hàng các quan, có một viên trẻ tuổi hỏi Án Anh rằng:

      – Ngài có phải là Án Bình Trọng, người ở đất Di Duy (tức là Lai Địa) đó không Án Anh nhìn xem ai thì tức là con Đấu Vi Qui, tên gọi Đấu Thành Nhiên, hiện đang làm quan Giao doãn . Án Anh đáp rằng:

      – Phải! chính tôi đó! chẳng hay ngài định dạy điều gì ?

      Đấu Thành Nhiên nói:

      – Nước Tề, kể từ đời Thái công thuở xưa, vốn là một nước cường thịnh, sao từ khi Hoàn công mất đi rồi, trong nước nhiều loạn, tranh cướp lẫn nhau, hết bị Tấn đánh, lại bị Tống đánh. Vua Tề ngày nay, cũng chẳng kém gì Hoàn công, mà cái hiền đức của ngài phỏng có thua gì Quản Trọng (tức là Quản Di Ngô), sao ngài không biết giúp vua Tề để chấn hưng cơ nghiệp cũ, mà chịu cúi đầu thờ nước lớn như đám nô bộc, thật tôi không hiểu ra làm sao!

      Án Anh đáp rằng:

      – Có biết thời thế mới gọi là tuấn kiệt, có thông cơ biến mới gọi là anh hào. Từ khi nhà Chu suy, Tề và Tấn làm bá chủ ở Nam Man, dẫu bởi có nhân tài, nhưng chẳng qua cũng là do khí vận. Kìa như Tấn Tương công và Tần Mục công cường thịnh biết bao mà sau cũng phải hèn yếu; nước Sở từ khi vua Trang vương mất đi, cũng thường bị quân Tấn và quân Ngô đến đánh, cứ gì một nước Tề! Chúa công tôi hiểu lẽ ấy, cho nên vẫn luyện tập quân mã để đợi thời; nay sai tôi sang đây là theo lễ giao hiếu với lân quốc, sao gọi là nô bộc được ? Ngài có phải là dòng dõi Tử Văn đó không ? Tử Văn khi xưa là một bậc danh thần ở nước Sở, biết thời thế, thông cơ biến, mà sao lời nói của ngài nghe trái với Tử Văn nhiều lắm!

      Đấu Thành Nhiên thẹn đỏ mặt lên, cúi đầu lui ra. Được một lúc, trong hàng bên tả lại có người hỏi Án Anh rằng:

      - Án Bình Trọng tự phụ là người biết thời thế, thông cơ biến, nhưng trong khi Thôi Chữ và Khánh Phong nổi loạn, thì triều thần nước Tề, từ Giải Cử trở xuống, bao nhiêu người tử tiết, Trần Văn Tử cũng bỏ cả cơ nghiệp mà đi. Ngài là thế gia nước Tề, đã không dám đánh giặc, cũng không biết tử tiết, còn bo bo giữ lấy danh vị làm chi!

      Án Anh nhìn xem ai thì tức là quan thượng đại phu nước Sở, tên gọi Dương Mang, tên tự là Tử Hà. Án Anh đáp rằng:

      - Người có tiết lớn thì không cần những điều nhỏ mọn, người biết lo xa thì không nghĩ đến những sự tầm thường. Ông vua vì nước mà chết thì bề tôi nên chết theo, nay vua Trang công tôi không phải vì nước mà chết, những người chết theo, toàn là vì tình riêng, tôi dẫu hèn mạt, có đâu dám liều chết để mua lấy cái hư danh ấy! Vả bề tôi gặp lúc trong nước có nạn không thể làm gì được thì mới nên bỏ đi, tôi không đi là để lập vua mới mà giữ lấy nước, chứ có phải là vì tham danh vị đâu ? Nếu ai cũng đi cả thì việc nước còn trông cậy nỗi gì! Huống chi việc biến loạn, nước nào chẳng có, ngài chắc các quan triều thần nước Sở đều là những người một lòng tử tiết cả hay sao ? Sao ngài chỉ biết trách người mà không biết trách mình ?

      Dương Mang nín lặng không đáp được nữa. Bỗng thấy trong hàng bên hữu lại có một người ra hỏi Án Anh rằng:

      – Ngài nói là ngài muốn lập vua mới để giữ lấy nước, câu nói ấy có ý khoe khoang quá! Trong khi họ Thôi và họ Khánh giết nhau, họ Trần và họ Bão tranh quyền nhau, chẳng thấy ngài có mưu kế gì lạ cả, nếu quả ngài có lòng báo quốc thì sao lại như thế!

n anh  i x

Án Anh biện thuyết tại Sở

      Án Anh cười mà nói rằng:

      – Ngài biết điều ấy, nhưng chưa biết điều khác! lúc bấy giờ, tôi ở liền bên cạnh chúa công, tôi bày mưu lập kế, để giữ yên nước nhà, những kẻ bàng quan tài nào mà biết rõ được ?

      Trong hàng bên tả lại có một người ra bảo Án Anh rằng:

      – Đại trượng phu gặp thời, đã có đại tài lược, tất có đại qui mô! Tôi xem ra thì ngài khó lòng mà tránh khỏi được cái tiếng bỉ lận.

      Án Anh nhìn xem ai thì là quan thái tể nước Sở tên gọi Viên Khải Cương. Án Anh nói:

      - Tại sao ngài lại biết là tôi bỉ lận ?

      Viễn Khải Cương nói:

      - Thân danh ngài làm tướng quốc thì mũ áo và xe ngựa, tưởng cũng nên trang sức để tỏ cái ân huệ của vua, cớ sao lại mặc áo cừu rách, cưỡi con ngựa gầy, mà đi xứ nước ngoài như vậy, chẳng lẽ lương ăn không đủ hay sao ? Tôi nghe nói cái áo cừu của ngài, may từ thuở bé, đã ba mươi năm nay không thay; mà mỗi khi tế lễ, ngài dùng con lợn nhỏ quá, đến nỗi vai lợn không chật mâm, như thế không phải bỉ lận là gì!

      Án Anh vỗ tay cười rầm lên mà nói rằng:

      – Sao kiến thức của ngài thiển cận như vậy! Tôi từ khi làm tướng quốc đến giờ, suốt trong họ hàng nhà tôi đều được mặc áo đẹp, ăn miếng ngon, không ai phải đói rét; những nguời hàn sĩ nhờ tôi mà được ấm no, cả thẩy đến hơn bảy mươi nhà, thế thì muốn tỏ cái ân huệ của vua, còn gì bằng điều ấy!

      Án Anh nói chưa dứt lời thì trong hàng bên hữu lại thấy có một người trỏ tay vào mặt Án Anh mà cười vừa nói:

      - Tôi nghe nói vua Thành Thang mình cao chín thước là bậc hiền vương, Tử Tang sức địch muôn người là bậc danh tướng. Nay ngài mình thấy không đầy năm thước, sức yếu không tròi nổi một con gà, chỉ nghề bẻo lẻo mồm miệng, tự phụ là tài giỏi, tôi tưởng nên lấy làm xấu hổ lắm mới phải!

      Án Anh nhìn xem ai thì tức là cháu công tử Chân, tên gọi Nang Ngoã, tên tự là Tử Thường, hiện đang làm chức Xa hữu. Án Anh tủm tỉm cười mà đáp rằng:

      – Tôi nghe nói cái quả cân dẫu nhỏ, bao giờ cũng đè được nghìn cân; cái chèo dẫu dài, bao giờ cũng ngâm ở dưới nước. Trương Địch người cao mà bị giết ở Lỗ, Nam Cung Trường vạn sức khỏe mà bị giết ở Tống; túc hạ mình dài sức khỏe, có lẽ cũng giống hai người ấy. Tôi biết thân không có tài cán gì, nhưng hỏi thì phải nói, sao ngài lại chê là bẻo lẻo mồm miệng ?

      Nang Ngoã không biết nói thế nào nữa. Bỗng nghe báo cáo quan lệnh doãn và Viễn Bái đến. Các quan đều sắp hàng đứng đợi. Ngũ Cử mời Án Anh vào triều, rồi bảo các quan đại phu rằng:

      - Án Bình Trọng là hiền sĩ nước Tề, sao các ngài lại nói quá như vậy ?

      Được một lúc Sở Linh vương ra ngự triều. Ngũ Cử đưa Án Anh vào yết kiến. Sở Linh vương trông thấy Án Anh liền hỏi rằng:

      – Quái lạ ! Nước Tề quả thật là thiếu người hay sao ?

      Án Anh nói:

      – Người nước Tề tôi, hà hơi thì thành ra mây, vẩy mồ hôi thì thành ra mưa, đi thì phải chen vai, đứng thì phải chen chân, sao gọi là thiếu người ?

chin quc

Nước Tề (phía Đông Bắc) trong thời Chiến quốc

      Sở Linh vương nói:

      – Thế thì sao lại sai tiểu nhân sang sứ nước ta ?

      Án Anh nói:

      – Nước tôi vẫn có lệ: người hiền sang sứ nước hiền, người ngu sang sứ nước ngu, đại nhân sang sứ đại quốc, tiểu nhân sang sứ tiểu quốc. Tôi là tiểu nhân, bất tài bất đức, vậy mới phụng mệnh sang sứ nước Sở.

      Sở Linh vương nghe nói có ý hổ thẹn, nhưng trong lòng lấy làm lạ. Gặp bấy giờ có người ở ngoại thành đem dâng hộp hoan quất (quít). Sở Linh vương cầm ngay một quả đưa cho Án Anh. Án Anh cắn ăn cả vỏ. Sở Linh  vương vỗ tay cười ầm lên mà bảo rằng:

      – Người nước Tề dễ thường không ăn quít bao giờ ! Cớ sao lại không bóc vỏ ?

      Án Anh nói:

      – Cứ theo trong lễ thì vua đưa cho quả gì, bề tôi cũng không được bóc võ mà quẳng đi. Nay đại vương đưa cho tôi, cũng như là chúa công tôi đưa cho tôi vậy. Đại vương không truyền cho bóc vỏ, nên tôi phải ăn cả.

      Sở Linh vương bất giác kính phục, mời ngồi uống rượu . Được một lúc, có ba bốn võ sĩ giải một tên tù đi qua dưới thềm. Sở Linh vương nói:

      – Tên tù ấy người ở đâu ?

      Võ sĩ tâu:

      - Người nước Tề.

      Sở Linh vương hỏi:

      - Phạm tội gì ?

      Võ sĩ tâu:

      – Tội ăn trộm .

      Sở Linh vương ngoảnh lại bảo Án Anh rằng:

      – Người nước Tề dễ thường quen tính ăn trộm hay sao!

      Án Anh biết là Sở Linh vương cố ý bày ra chuyện ấy để chế nhạo mình, mới đáp lại rằng:

      – Tôi nghe nói giống quít ở xứ Giang Nam, đem sang trồng ở xứ Giang bắc thì hóa ra chua, là tại thổ nghi không giống nhau. Nay người nước Tề, khi ở nước Tề thi không ăn trộm, khi sang Sở thì hóa ra ăn trộm, thế là tại thổ nghi nước Sở, chứ có tại gì người nước Tề!

      Sở Linh vương nín lặng hồi lâu rồi nói rằng:

      – Ta định chế nhạo nhà ngươi, chẳng ngờ lại bị nhà ngươi chế nhạo!

      Bèn tiếp đãi Án Anh rất trọng thể, cho đến khi về nước Tề.

Tp. Hồ Chí Minh ngày 23.5.2013
Shaolaojia theo "Đông Chu Liệt Quốc"

******************************

2. Án Trọng Tử mượn đào giết đám võ phu

      Tề Cảnh công biết là nước Tấn không có chí lớn nên muốn khôi phục lại sự nghiệp bá chủ của Tề Hoàn công thuở xưa bèn bảo quan tướng quốc là Án Anh rằng :

       - Nước Tấn làm bá chủ ở phía tây bắc, ta làm bá chủ ở phía đông nam, cũng được chứ sao!

       Án Anh nói :

       - Nước Tấn xây đắp lâu đài để làm khổ dân, bởi vậy mà chư hầu ly tán. Nay chúa công muốn làm bá chủ, không gì bằng thương dân !

       Tề Cảnh công nói :

       - Thương dân thì làm thế nào ?

       Án Anh nói :

       - Giảm bớt hình phạt thì dân khỏi oán, nhẹ bớt thuế má thì dân biết ơn. Tiên vương ngày xưa, hễ thấy dân nghèo khổ, tất lấy thóc kho mà chu cấp, nay chúa công cũng nên bắt chước.

        Tề Cảnh công nghe lời Án Anh, lấy thóc kho ra để chu cấp cho những người nghèo khổ. Người trong nước ai cũng bằng lòng. Nước Tề lại đòi các nước ở phía đông triều cống. Nước Từ không chịu theo. Tề Cảnh công sai Điền Khai Cương làm tướng, đem quân đi đánh. Hai bên đánh nhau ở đất Bồ Toại (đất Từ). Điền Khai Cương chém được tướng nước Từ là Doanh Sáng và bắt giáp sĩ năm trăm người. Vua Từ sợ lắm, sai sứ đến cầu hoà.

       Tề Cảnh công liền ước với vua Đàm, vua Cừ và vua Từ cùng ăn thề ở đất Bồ Toại. Vua Từ đem cái đỉnh của nước Thân Phủ đến lễ đút Tề Cảnh công. Vua tôi nước Tấn dẫu biết như vậy, mà không dám hỏi đến. Từ bấy giờ nước Tề mỗi ngày một cường thịnh cùng với nước Tấn cùng làm bá chủ. Tề Cảnh công thường cùng Điền Khai Cương dẹp được nước Từ, và cùng Cổ Gia Tử chém được con giải, đều cho vào hàng “ngũ thặng tân”. Điền Khai Cương lại tiến dẫn cùng tên Tiệp là người vũ dũng. Nguyên công tôn Tiệp mặt như chàm đổ, hai mắc ốc nhồi, mình cao hơn trượng, sức khoẻ mang nổi mấy nghìn cân. Tề Cảnh công trông thấy lấy làm lạ, mới cùng công tôn Tiệp đi săn ở Đông Sơn.

       Đang săn, bỗng trông thấy một con hổ, trán có đốm trắng, ở khe núi gầm thét chạy ra, toan vồ con ngựa của Tề Cảnh công. Tề Cảnh công kinh hãi. Công tôn Tiệp ở trên xe nhảy xuống, chẳng có gươm giáo gì cả, hai tay không xông vào bắt con hổ ấy, tay trái nắm lấy gáy con hổ, tay phải đấm mạnh một cái, con hổ chết ngay lập tức, Tề Cảnh công khen là vũ dũng, cũng cho dự vào hàng “ngũ thặng tân”. Công tôn Tiệp liền cùng với Điền Khai Cương và Cổ Gia Tử kết làm anh em, tự xưng là “tam kiệt” ở nước Tề. Bọn “tam kiệt” cậy mình có công to và sức khoẻ, vẫn thường khinh bỉ các quan triều thần, nhiều khi ở trước mặt Tề Cảnh công mà ăn nói hỗn láo, chẳng có lễ phép chút nào cả. Tề Cảnh công tiếc cái tài ba của ba người ấy cũng có ý khoan dung cho.

       Bấy giờ trong triều có một kẻ nịnh thần là Lương Khâu Cứ, Tề Cảnh công cũng yêu lắm. Lương Khâu Cứ trong thì siểm nịnh Tề Cảnh công để được tin dùng, ngoài thì giao kết với “tam kiệt” để thêm vây cánh. Bấy giờ có Trần Vô Vũ đang phóng tiền của thu lòng người, có ý muốn chiếm nước Tề, mà Điền Khai Cương lại là thân thuộc với Trần Vô Vũ, Án Anh lấy làm lo lắm, vẫn muốn lập kế trừ đi, nhưng sợ Tề Cảnh công không nghe, lại sinh kết oán với bọn “tam kiệt” vì thế cũng không dám nói.

       Một hôm, Lỗ Chiêu công cũng vì cớ không phục nước Tấn, muốn kết giao với Tề, thân hành sang triều kiến Tề Cảnh công. Tề Cảnh công bày tiệc để thết đãi. Nước Lỗ thì Thúc Tôn Nhược (con Thúc Báo) làm tướng lễ. Nước Tề thì Án Anh làm tướng lễ. Bọn “tam kiệt” chống gươm đứng ở dưới thềm; kiêu căng ngạo mạn, không coi ai ra gì ! Lỗ Chiêu công và Tề Cảnh công rượu đã ngà ngà say. Án Anh tâu rằng :

       - Trong vườn quả kim đào đã chín, xin sai người ra trẩy để chúc thọ hai vua.

       Tề Cảnh công nghe lời, truyền cho người giữ vườn đem kim đào vào dâng. Án Anh tâu rằng :

       - Kim đào là một của báu, tôi xin thân hành đi coi xét việc trẩy quả.

       Án Anh bèn lĩnh chìa khoá cửa vườn rồi đi ngay. Tề Cảnh công nói với Lỗ Chiêu công rằng :

       - Đời Tiên công tôi ngày xưa, có người Đông Hải, đem cái hột đào đến để dâng, nói là giống “Vạn thọ kim đào”, nguyên giống ở Độ Sách sơn ngoại bể, cũng gọi tên là “Bàn đào” nữa. Nước tôi trồng đã hơn ba mươi năm, cành lá rất tốt, nhưng chỉ khai hoa mà không kết quả; mãi đến năm nay, mới bói được mấy quả, tôi lấy làm quý lắm, nên phải khoá cửa vườn lại, nay nhân có nhà vua tới đây, tôi xin đem ra để dâng nhà vua.

       Lỗ Chiêu công chấp tay cảm ơn, lát sau thì Án Anh đưa người giữ vườn bưng mâm đào vào dâng. Trong mâm có sáu quả đào, quả nào cũng to bằng cái bát, sắc đỏ như viên than hồng, mùi hương bay ngào ngạt, thật là một thứ của quí. Tề Cảnh công hỏi rằng :

       - Chỉ có bấy nhiêu quả đào thôi à ?

       Án Anh nói :

       - Còn ba, bốn quả nữa chưa chín, bởi vậy chỉ trẩy có sáu quả.

       Tề Cảnh công sai Án Anh mời rượu, Án Anh tay bưng chén ngọc, đến dâng trước mặt Lỗ Chiêu công. Thị vệ bưng mâm đào đến. Án Anh chúc một câu rằng :

“Đào to bằng đấu
Thiên hạ ít có
Hai vua cùng ngự
Nghìn năm hưởng thọ !”

     Lỗ Chiêu công uống xong chén rượu, cầm ăn một quả đào, thấy ngon ngọt lạ thường, nên ngợi khen mãi không ngớt mồm. Đến lượt Tề Cảnh công, cũng uống một chén rượu, cầm ăn một quả đào, ăn xong, lại bảo quan đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Nhược rằng :

       - Thứ đào này quí lắm! Quan đại phu có tiếng là người giỏi, nay lại làm tướng lễ ở đây, cũng nên xơi một quả.

       Thúc Tôn Nhược quì xuống mà tâu rằng:

       - Hiền đức của tôi, còn kém quan tướng quốc (trỏ Án Anh) muôn phần. Quan tướng quốc trong thì sửa sang chính trị, ngoài thì khiến cho chư hầu phải phục, có công to lắm, vậy thứ đào này nên nhường để quan tướng quốc xơi, tôi đâu dám tiếm!

       Tề Cảnh công nói :

       - Đã như vậy thì ban cho cả hai người, mỗi người một chén rượu và một quả đào.

       Án Anh và Thúc Tôn Nhược lạy tạ rồi lĩnh lấy. Án Anh tâu với Tề Cảnh công rằng:

       - Trong mâm còn hai quả đào, chúa công nên truyền lệnh cho các quan, người nào có công lao nhiều thì ra mà lĩnh lấy quả đào ấy.

       Tề Cảnh công khen phải, rồi sai thị vệ truyền dụ cho các quan rằng :

       - Trong hàng các quan ai cũng có công lao nhiều, đáng ăn quả đào này thì cho được đứng ra mà tâu. Đã có quan tướng quốc xét công lao mà cho đào.

       Công tôn Tiệp đứng ra tâu rằng :

       - Ngày xưa tôi theo chúa công đi săn ở Đông Sơn, ra sức giết được hổ thì công ấy thế nào ?

       Án Anh nói :

       - Cái công bảo giá (bảo vệ nhà vua) to ngất trời ấy, còn gì hơn nữa !

       Án Anh nói xong, đưa cho một chén rượu và một quả đào. Công tôn Tiệp lãnh lấy rồi lui xuống. Cổ Gia Tử đứng ra mà tâu rằng :

       - Giết hổ chưa lấy gì làm lạ! Khi trước tôi giết được con giải yêu quái ở sông Hoàng Hà, khiến chúa công nguy mà lại yên, công ấy thế nào ?

       Tề Cảnh công nói :

       - Ta còn nhớ lúc bấy giờ sóng gió dữ dội, nếu không có tướng quân chém được con giải ấy thì thuyền ta tất phải đắm, đó thật là một kỳ công trên đời, đáng uống rượu và ăn đào lắm!

       Án Anh vội đưa rượu và đào cho Cổ Gia Tử. Bỗng thấy Điền Khai Cương bước lên mà nói rằng :

       - Tôi phụng mệnh chúa công đi đánh Từ, chém được tướng Từ, bắt sống được hơn năm trăm quân Từ, vua Từ cùng vua Đàn, vua Cử đều sợ hãi mà phải xin hoà, tôn chúa công lên làm chủ, cái công ấy có đáng ăn đào hay không ?

       Án Anh tâu với Tề Cảnh công rằng :

       - Cái công của Điền Khai Cương ví với hai tướng trước, lại còn gấp mười, nhưng nay hết đào rồi thì hãy tạm thưởng cho một chén rượu, đợi đến năm khác sẽ hay.

       Tề Cảnh công bảo Điền Khai Cương rằng :

       - Công nhà ngươi to lắm, chỉ tiếc thay nói chậm, thành ra hết cả đào.

       Điền Khai Cương chống gươm nói rằng :

       - Giết hổ và chém giải, chẳng qua là những việc nhỏ mà thôi. Ta đây xông pha tên đạn ở ngoài nghìn dặm, biết bao nhiêu công khó nhọc, lại không được ăn đào, chịu nhục ở trước mặt hai vua, để tiếng cười về mai hậu, còn mặt mũi nào mà đứng trong triều đình nữa !

       Nói xong, đâm cổ chết ngay. Công Tôn Tiệp giật mình, cũng rút gươm mà nói rằng :

       - Chúng ta công nhỏ mà được ăn đào, họ Điền công to mà không được ăn. Ta ăn đào mà không biết nhường, sao gọi là liêm; thấy người ta chết mà không theo, sao gọi là dũng !

       Nói xong, cũng đâm cổ chết. Cổ Giả Tử kêu rầm lên rằng :

       - Ba chúng ta kết nghĩa với nhau, thề cùng nhau sống chết, nay hai người đã chết, ta còn ham sống làm gì!

       Nói xong, lại cũng lấy gươm đâm cổ chết. Tề Cảnh công vội vàng sai người ngăn lại, nhưng không kịp. Lỗ Chiêu công cũng đứng dậy nói :

       - Tôi nghe ba tướng ấy đều là những bậc tài giỏi nhất thiên hạ, tiếc thay trong một buổi sớm mà chết mất cả ba người !

       Tề Cảnh công nghe nói, thì biến sắc, chỉ làm thinh không đáp. Án Anh thong dong đáp rằng :

       - Đó chẳng qua là mấy kẻ vũ dũng ở nước tôi mà thôi, dẫu có chút công nhỏ mọn, cũng không đáng tiếc.

       Lỗ Chiêu công nói :

       - Ở bên quí quốc, những kẻ vũ dũng như thế phỏng được mấy người ?

       Án Anh đáp rằng :

       - Những kẻ bày mưu lập kế ở chốn miếu đường, có tài làm tướng quốc hoặc làm nguyên soái thì đến vài ba mươi người, còn những kẻ vũ dũng ấy thì chẳng qua chỉ để chúa công tôi sai khiến mà thôi, dẫu sống hay chết, nước Tề tôi cũng không hơn thiệt gì cả !

      Tề Cảnh công nghe nói, mới được yên lòng. Án Anh lại rót rượu mời Lỗ Chiêu công và Tề Cảnh công. Hai vua cùng uống rượu thật vui rồi tan về.

       Khi Lỗ Chiêu công về rồi, Tề Cảnh công gọi Án Anh mà hỏi rằng :

      - Trong tiệc mới rồi, khanh nói khoe khoang để giữ thể diện cho nước Tề ta; nhưng ta chỉ lo không biết lấy ai thay vào bọn “tam kiệt” ?
      Án Anh nói :
       - Tôi xin tiến cử một người giỏi hơn “tam kiệt”.
       Tề Cảnh công hỏi :
       - Khanh định tiến cử ai?
       Án Anh nói :
       - Có Điền Nhương Thư *, văn võ toàn tài, dùng làm đại tướng được.
Shaolaojia, theo "Đông Chu Liệt Quốc".
-----------------------------------------------------
* Điền Nhương Thư được Án Anh  tiến cử nên được Tề Cảnh Công phong làm Đại tư mã nên gọi là Tư Mã Nhương Thư, tác giả cuốn "Tư Mã Binh Pháp".

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG