Login Form

Số Người Truy cập

04228598
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
727
885
2806
2583821
10204
15674
4228598

2024-04-16 16:19

Chuyện Xưa Tích Cũ

LƯƠNG CHÂU TỪ & NHỮNG BẢN DỊCH KHÁC NHAU

Theo KTNN số 173, ngày 10-5-1995

            ĐỘC GIẢ: Xin phân tích và cho biết xuất xứ bài thơ tứ tuyệt sau đây:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

 

Nguyên văn:

葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催.
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回?
Read More

      AN CHI: Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này là của Vương Hàn … đời Đường, nhan đề là “Lương Châu từ” … . Việc tìm hiểu nhan đề bài thơ có thể góp phần vào việc tìm hiểu xuất xứ và nội dung của nó.

tuy ngoa sa truong ci bang

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

      Từ là “ thể thơ thường dùng làm lời của các khúc nhạc, không hạn định số chữ, số câu, câu ngắn xen kẽ với câu dài tùy theo tiết tấu, và vần thường ở cuối câu” (Từ điển tiếng Việt – 1992). Còn Lương Châu, vốn là tên của một châu, đã được dùng theo hoán dụ để chỉ những bản nhạc của người bản địa châu này, do đô đốc của phủ Tây Lương là Quách Trí Vận tiến hiến cho nhà Đường vào đời Đường Huyền Tông. Nhũng bản nhạc này mang đậm sắc thái địa phương và đã phối hợp những điệu hát của người Khương, người Hồ ở phía Tây Trung Hoa. Thiên “Lễ nhạc chí” của sách Đường thư chép rằng “các bản nhạc đời Thiên Bảo (một trong 2 niên hiệu của Đương Huyền Tông – AC ) đều lấy tên đất biên giới làm tên, như Lương Châu, Cam Châu, Y Châu. Những bản nhạc đó là do các quan trấn nhậm tiến hiến cho triều đình, chẳng hạn Y Châu là bài hát do tiết độ sứ Tây Lương là Cáp Gia Vận tiến dâng, vốn là một điệu hát của xứ Tân Cương (X. Từ nguyênTừ hải, các mục Lương Châu, Lương Châu phá, Cam Châu, Y Châu v.v. ). Nội dung những bài hát đó đương nhiên đề cập đến sinh hoạt và tâm tình của người địa phương. Bài Lương Châu cũng nằm trong trường hợp đó.

      Vậy “Lương Châu từ” là lời từ là lời lẽ ứng với giai điệu của bản nhạc Lương Châu. Còn bài thơ “Lương Châu từ” của Vương Hàn thì lại là một bài thơ mà cảm hững đã bắt nguồn từ nội dung của bài từ trên đây. Đúng như Lý Việt Dũng đã viết, “Lương Châu từ có thể là bài thơ nói về sinh hoạt của rợ Hồ miền Lương Châu xưa” (“Thử có một cái nhìn mới về bài Lương Châu từ”, Bách khoa văn học , số 9, 9/1991, tr.11). Ông đã nêu những luận cứ sau đây:

      - Rượu bồ đào là “quốc tửu” của người Hồ.
      - Chén dạ quang, theo sách “Đông Phương Sóc, Thập châu Ký” ( thực ra là sách Thập châu ký của Đông Phương Sóc – AC ), cũng do người Hồ tiến hiến cho Trung Hoa vào thời Chu Mục Vương. Vậy nó cũng là đặc sản của người Hồ.

      - Đặc biệt, việc thúc giục quân sĩ lên đường bằng tiếng đàn tỳ bà là nét độc đáo riêng của người Hồ không thể lẫn lộn được. (X. bđđ, tr.12).

      Vậy Lương Châu từ của Vương Hàn là một bài thơ cảm khái của tác giả trước cảnh ngộ và tâm tình của một quân nhân người Hồ. Quân nhân này là một vị tướng ( nên mới được dùng chén dạ quang) và vị tướng này sắp sửa chia tay với một người mà ngôn từ của bài thơ, cũng là lời nói (hoặc tâm tư) của vị tướng, đã gọi bằng từ quân. Người này là một mỹ nữ có lẽ đang còn dở chốc rượu cho vị tướng lúc tiếng tì bà trên lưng ngựa thúc giục quân sĩ lên đường xuất chinh (các tướng lãnh người Hồ có quyền mang theo người đẹp để phục thị trong trướng). Vì vậy, theo Lý Việ Dũng, từ quân trong câu thứ ba của bài thơ có thể được dịch là nàng. Ông viết: “Vậy tiếng “quân” (…) nên hiểu là Nàng cho ý vị bài thơ thêm nồng nàn, thơ mộng? Như vậy, hẳn có độc giả sẽ trách chúng tôi cường điệu, vì từ xưa đến nay, chữ “quân” chỉ dùng để gọi nam giới trong cách xưng hô (…). Từ lâu, do quán tính ngữ pháp, chữ “quân” ít phổ biến để gọi phụ nữ trong xưng hô, nên bài thơ trên, người ta đã không chịu dụng công tìm hiểu bối cảnh của nó nên đã giản dị hóa mà dịch là “bạn” hay “các người”. Dịch như thế thiết tưởng đã làm giảm mất một phần ý vị bài thơ, nhất là cảnh bi hung giữa tướng quân và người đẹp trong mối cảm khái lần chia tay hầu như sẽ vĩnh biệt! Thơ hay, gái đẹp, rượu nồng. Cảnh vật mới có tình”.( Bđđ, tr.12-13).

      Chúng tôi thấy Lý Việt Dũng đã có lý. Chỉ xin nói thêm rằng ông quá dè dặt khi phải phân trần về cách dịch từ quân thành nàng. Vì quá dè dặt như thế cho nên ông phải chứng minh thêm cho cách dịch đúng của mình bằng hai đoạn của truyện “Thanh Mai” và truyện “Bành Hải Thu” trong Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (X. bđđ, tr.13). Thực ra việc gọi phụ nữ bằng từ quân trong xưng hô là một hiện tượng bình thường đã được ghi nhận trong các từ điển, như chúng tôi đã nêu rõ ở mục CĐCT trên KTNN 124, tr.38, chứ không phải “từ xưa nay, chữ quân chỉ được dùng để gọi nam giới trong cách xưng hô”, như Lý Việt Dũng đã viết. Vì vậy mà chúng tôi nhất trí với ông rằng quân ở đây là người đẹp mà vị tướng người Hồ đã đem theo trong trướng của mình. Và cũng chính vì vậy mà từ quân ở đây có thể dịch là nàng, là em (nếu dịch là người thì cũng chú rõ đây là phụ nữ) cho đúng với bối cảnh và cảm hứng của bài thơ và đúng với ý muốn diễn đạt của nhà thơ, chứ không thể nói như Lý Việt Dũng rằng “Nên hiểu là Nàng cho ý vị bài thơ thêm nồng nàn thơ mộng”. Nếu quân ở đây là một đấng mày râu thì cũng không thể vì muốn “cho ý vị bài thơ” thêm “nồng nàn, thơ mộng” mà dịch thành “nàng” được.

      Sau đây xin chép bản dịch bài thơ đó thành thơ lục bát của Trần Trọng Kim:

Bài hát Lương Châu

Rượu nho kèo chén lưu ly
Uống thì trên ngựa tiếng tì dục sôi
Say nằm bãi cát chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai đã về.

(Đường thi, Sài Gòn, 1950, tr.357)

 

Và một số bản dịch khác:

Nguyên tác Hoa ngữ:
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催.
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回?
Dịch:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?

Bản dịch của Trần Trọng San 

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười ?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!

Bản dịch của Nguyễn Khuê 

Rượu bồ đào, chén dạ quang,
Chưa vơi, trên ngựa tiếng đàn giục đi.
Say nằm bãi cát cười chi,
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về!

Bản dịch của Hải Đà 

Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Ly chưa cạn, tiếng tỳ bà giục đi
Sa trường say, hỏi làm chi
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về.

Phụng Hà

Rượu đào rót chén ngọc nhâm nhi,
Chưa thoả, tiếng đàn giục ngựa đi.
Chinh chiến xưa nay ai trở lại?
Sa trường say ngủ, chớ cười chi!

Bản dịch của Vũ Hùng 

Này rượu bồ đào, này chén dạ quang,
Muốn rót uống mà tiếng đàn đã giục.
Anh chớ cười khi nhìn tôi say gục,
Hỏi xưa nay chinh chiến mấy ai về ?

Bản dịch của Hoàng Đình Quang 

Rượu ngon, ly cốc ngời ngời
Chưa chi đã giục "Chàng ơi lên đường!"
Đừng cười gã sỉn nằm sương
Mấy ai chiến đấu còn đường rút lui.

Tp. HCM, ngày 22 tháng 8 năm 2012
Trần Trung Đông, Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG