Login Form

Số Người Truy cập

04216585
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
220
1201
2945
2571464
13865
28625
4216585

2024-03-28 12:51

Tản Mạn

Tìm Hiểu Về Hòn Đá: Tam Sinh Thạch

Tìm hiểu sự tích hòn đá
Tam Sinh Thạch
三生石

Vào đời Ðường, triều vua Huyền Tông, lúc ấy có loạn An Lộc Sơn hưng binh tác quái phá hoại đông đô là Lạc Dương. Vị thủ tướng của thành là quan lễ bộ thượng thư, tên Lý Ðăng, vì không hàng giặc nên bị giết chết. Các người con của Lý Ðăng đều theo cha nên bị hại cả, chỉ có người con tên Lý Bàng vì nhậm chức ở Hàm Ninh nên không bị nạn. Một người con khác là Lý Nguyên, mới lên tám tuổi, đã tự đào thoát, rồi phiêu bạt, làm tôi tớ cho người, lưu lạc trong nhân gian.Hàng Châu, Tây Hồ có một cục đá tên là tam sinh thạch. Cục đá ấy có sự tích như sau:

 

tam sinh thch

Bảy tám năm sau, có người quen biết với gia đình Lý Ðăng nhận diện ra được Lý Nguyên nên đem chàng về giao lại cho quyến thuộc. Bấy giờ căn nhà cũ của Lý Ðăng đã bị sung công làm chùa, tên là Huệ Lâm Tự.

Read More

Ngày tháng thấm thoát thoi đưa, mấy năm sau, triều đại lại đổi vua. Bây giờ vua Ðường Ðại Tông nghe được Lý Nguyên là hậu duệ của trung thần Lý Ðăng nên hạ chiếu phong Lý Nguyên làm Tham Quân ở phủ Hà Nam, sau đó tấn phong làm Ty Nông Chủ Bạc. Nhưng Lý Nguyên trong lòng đau buồn chuyện cha bị giặc giết nên chẳng còn hứng thú gì làm quan. Chàng phát thệ rằng trọn đời sẽ không làm quan, không cưới vợ, không ăn thịt uống rượu, để tận lòng hiếu thảo. Vì vậy chàng khước từ quan vị, quyết định trở về quê cũ, thăm nhà là ngôi chùa Huệ Lâm.

Trải qua mấy tuần hết đi ngựa lại ngồi thuyền, chàng mới về tới được quê nhà. Ðứng trước cửa, nhìn cảnh củ, đã trải qua bao đổi thay, lòng chàng bồi hồi. Ngẫm nghĩ đắn đo, chàng thấy nhà mình đã biến thành chùa cũng là điều tốt, vì là cúng dường Tam bảo, còn hơn là rơi vào tay kẻ ích kỷ tự lợi. Chàng bước tới, run tay gõ cửa.

tam sinh thch 3

Vị sư trụ trì là thiền sư Viên Trạch ra mở cửa. Thiền sư cũng còn niên thiếu, hai người gặp nhau, chỉ bao phút hàn huyên , đã cảm thông như bạn cũ. Sư Viên Trạch dẫn Lý Nguyên lên điện lễ Phật xong, lại đưa chàng tới phòng của Lý Ðăng xưa kia trú ngụ. Thầy nói rằng: Tiên sư của tôi có dạy rằng cư sĩ Lý Ðăng là bậc trung thần nhân nghĩa, mười mấy năm trước gia tộc họ Lý quyết định đem nhà sung công này ra cúng dường Tam Bảo, là việc hết sức phước đức. Bởi vậy chùa giữ lại phòng của cư sĩ để làm kỷ niệm. Khi Lý Nguyên thấy phòng của phụ thân chàng vô cùng cảm động, bậc khóc cho người đã khuất bóng.

Thế rồi Lý Nguyên quyết định ở lại chùa, ngày ngày lễ Phật, tu tập tham thiền, ăn ngày một bửa, theo học khuôn khổ người xuất gia. Mỗi ngày chàng lại để giờ tới trước phòng cha mình, quỳ xuống lễ lạy, tỏ tình hiếu thảo.

Thời gian thắm thoát, lại mấy mươi năm qua đi. Bấy giờ Viên Trạch và Lý Nguyên cũng đã ngoài sáu mươi. Một hôm, Lý Nguyên nói với sư rằng: "Trạch công! Tôi nghe nói Ðức Phổ Hiền Bồ Tát ở núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên rất linh cảm thù thắng. Hiện tại chúng ta còn có sức lực tôi muốn cùng ngài triều bái thắng cảnh, ý ngài ra sao?"

Ngài Viên Trạch trả lời: "Tôi đã nghe qua đạo tràng ở Nga Mi. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy."

Lý Nguyên nói: "Chúng ta có thể ngồi thuyền xuống Kinh Châu, Hồ Bắc, luôn tiện xem cảnh non nước."

Thiền sư trầm ngâm, lộ vẻ khó xử: "Tôi nghĩ mình nên dùng đường bộ tới Trường An, ngắn hơn đi đường thủy."

Lý Nguyên phản đối: "Không xong! Trường An tôi có rất nhiều kẻ quen biết. Vì tôi không muốn làm quan, nên nếu đi ngang đó e sẽ gặp rất nhiều kẻ quen, chỉ thêm phiền hà." Thế rồi hai người ý kiến bất đồng không giải quyết được, nên mãi sáu tháng sau mới quyết định sẽ đi đường thủy.

Vào ngày lên đường, Thiền sư gọi chú thị giả Liễu Tịnh vào phòng, giao cho một bức thư, nói rằng: "Ðây là bức thư thầy viết cho Lý cư sĩ. Khi Lý cư sĩ về lại chùa, con hãy trao tận tay bức thư này giùm ta." Liễu Tịnh vô cùng ngạc nhiên không biết thầy mình vì sao không lập tức trao thư, phải nhờ mình đợi Lý Nguyên trở về mới giao. Song không dám trái lời, Liễu Tịnh chỉ biết cất thư, chờ đợi.

Thế rồi hai người lên đường, ngày đi đêm nghỉ, hết cởi ngựa lại sang thuyền. Cứ thế tiêu dao tự tại, hân thưởng sơn thanh thủy tú, thật vô cùng khoái lạc. Bửa chiều nọ khi con thuyền ngang qua huyện Nam Phủ để trọ đêm, họ chợt thấy một phụ nhân từ ngôi nhà ven sông bước ra, men tới bờ sông để múc nước. Vừa nhìn thấy thiếu phụ, bước đi chậm chạp vì đang hoài thai, thiền sư Viên Trạch đã lộ vẻ bàng hoàng, loạng choạng thối lùi, tay vịn vách thuyền để khỏi té ngã.

Lý Nguyên vội hỏi: "Trạch công! Ngài thân thể có gì bất an chăng?"

Thiền sư chỉ thở dài: "Tôi...tôi... Chẳng phải tôi thân thể bất an, mà là... mà là..." Nói đến đây, thiền sư từ từ ngồi xuống. Ngài trầm ngâm giây lát, mới thở dài, nói tiếp: "Hà! Chỉ nghĩ tới lúc chúng ta phải vĩnh biệt, lòng tôi thật đau buồn."

Lý Nguyên hỏi: "Trạch công! Sao ngài lại nói lời bất tường như vậy!"

Thiền sư lắc đầu mà nói rằng: "Lý cư sĩ! Ngài có thấy vị thiếu phụ kia chăng? Nguyên lai là tôi phải đi đầu thai làm con bà thiếu phụ kia đó..."

Lý Nguyên thảng thốt: "A! Ngài nói thật sao?"

Thiền sư gật đầu, tiếp rằng: "Ðúng vậy! Nhưng vì tôi không muốn đi đầu thai quá sớm nên thiếu phụ ấy hoài thai đã lâu mà vẫn chưa thể sinh con. Trước kia tôi tính không đi đường thủy, chỉ vì muốn tránh mặt bà ấy. Ngờ đâu nhân duyên, nghiệp quả thật không thể tránh né được. Bây giờ, đã gặp mặt, thấy bà ấy vất vả với bào thai như vậy, tôi làm sao có thể ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, rồi ỷ vào năng lực thiền định để cưỡng lại nghiệp lực?"

Lý Nguyên bật khóc: "Phải chi, thầy sớm nói rõ, chúng ta sẽ không đi đường thủy, và sẽ không gặp bà này, và..."

Thiền sư an ủi: "Thật chẳng ai có thể đổi thay định nghiêp! Dầu tôi muốn tránh cũng không được. Bây giờ anh hãy giúp tôi lo liệu chuyện hậu sự vậy. Sau ba ngày nữa anh hãy tới nhà thiếu phụ ấy thăm tôi. Khi gặp anh tôi sẽ mỉm cười để chứng minh. Sau đó mười ba năm, vào đêm trung thu anh hãy tới phía sau chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu để gặp tôi."

Lý Nguyên chỉ đành gạt lệ, chẳng biết nói sao cho phải.

Ðêm ấy, thiền sư tắm rửa sặch sẽ, mặc y áo chỉnh tề, chính thân đoan tọa, cáo biệt Lý Nguyên rồi an nhiên nhắm mắt, nhập định thị tịch. Sáng lại Lý Nguyên cho người đi lo liệu hậu sự, đồng thời thông tin cho đệ tử, tín đồ. Ðến ngày thứ ba thì Lý Nguyên mới một mình đi tìm tới nhà thiếu phụ nọ. Khi tới nơi, Lý Nguyên được người nhà cho biết là bà ta đã sinh vào hai đêm trước rồi. Song có điều lạ, họ nói rằng, cháu bé sinh ra đã hơn hai ngày nay, khóc lóc không ngừng. Lý Nguyên mới đánh bạo nói rằng: "Tôi có phương pháp làm cho em ngừng khóc và mĩm cười, bà có thể cho tôi thăm em chăng?" Người nhà bèn dẫn Lý Nguyên vào. Khi em bé được mẹ bồng vào, em khóc lóc om sòm. Lý Nguyên hỏi em: "Trạch Công, phải chăng là ngài? Nếu là Trạch công, ngài hãy mỉm cười cho tôi biết." Chú bé dường như hiểu ý, lập tức mỉm cười, ngoắt tay, ra vẻ thân thiết vô cùng. Bấy giờ, Lý Nguyên tin chắc đây là hậu thân của thiền sư Viên Trạch rồi, nên chàng khóc oà lên, vui buồn lẫn lộn. Người mẹ ngạc nhiên vô ngần, hỏi Lý Nguyên vì sao anh khóc. Thế là chàng đem đầu đuôi tự sự kể lại cho bà và người trong gia đình nghe. Ai cũng động tâm kinh ngạc. Chàng nói: "Tôi hiện trú tại chùa Huệ Lâm, Lạc Dương. Hy vọng về sau chúng ta giữ mối liên lạc. Tôi nhất định sẽ tới thăm chú bé thường xuyên." Nói xong, chàng cáo từ.

Trở về bến đò lo liệu lễ hỏa táng cho thiền sư Viên Trạch xong, Lý Nguyên quyết định lập tức quay về Lạc Dương. Khi Liễu Tịnh mở cửa chùa, thấy Lý Nguyên, chú ngạc nhiên lắm, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, sao chẳng thấy sư phụ cùng về. Lý Nguyên bèn kể lại những diễn biến vừa qua. Bấy giờ Liễu Tịnh mới ngậm lệ nói rằng: "Trước khi ra đi sư phụ có để lại bức thư cho Lý cư sĩ đấy. Ðể tôi lấy cho anh coi!" Nói rồi Liễu Tịnh vào thư phòng lấy ra một phong thư. Lý Nguyên, quỳ xuống, trang trọng nhận lấy thư. Thư ấy viết:

Kì quân nhẫn khổ, vật ưu quyến,
Thù nghiệp luân hồi vô khả diên,
Duyên kết tam sinh tình vị liễu,
Ðãi tùng tha tuế, thoại tiền duyên.

Ý thơ là: Xin bạn nhẫn khổ, chớ lo lắng quyến luyến. Nghiệp đã tạo ra trong luân hồi, giờ đây tôi phải trả, chẳng thể trì hoãn kéo dài đặng. Song tình bạn giữa chúng ta trong ba đời vẫn chưa dứt hết. Thôi hãy chờ. Tương lai có dịp mình sẽ hàn huyên chuyện cũ, duyên xưa.

Tạm dịch:

Nhẫn khổ mong ai thôi bịn rịn,

Luân hồi nghiệp thúc lẽ nào quên,

Ba đời gắn bó dây bền chặt,

Xin hẹn ngày sau kể túc duyên. (1)

Ðọc xong thư, Lý Nguyên không thể tự kềm đôi hàng lệ tuôn trào. Nguyên lai Trạch công đã biết trước chuyện này. Nếu ta biết được việc này là thế, ắt ta không đi đường thủy làm gì.

Mấy tháng sau, vào một ngày thu lá rụng, mưa rơi, Lý Nguyên nhận được một lá thư từ thiếu phụ ở Nam Phủ. Song khi xem thư xong lòng chàng sửng sốt: Em bé mà Thiền sư Viên Trạch đầu thai đã qua đời. Lý Nguyên suy nghĩ: "Nếu Trạch công ở tại Nam Phủ thì cớ gì lại muốn ta tới Chùa Thiên Trúc tương kiến. Nguyên lai là Trạch công đã sớm tiên tri đến đời thứ ba của ngài rồi. Ðó phải chăng là ý nghĩa của câu: Duyên kết tam sinh tình vị liễu." Lý Nguyên im lặng đứng bên song cửa, trầm ngâm về ý nghĩa của nhân sinh, về đời Trạch công, về nghiệp duyên của mình...

Thế rồi thời gian thắm thoát thoi đưa. Chớp mắt đã mười ba năm. Lý Nguyên giờ đây thân tuy vẫn trú ngụ tại chùa Huệ Lâm song nét người đã khác với năm xưa. Sức trai tráng, tinh anh lúc mới vào chùa, giờ đây đã nhường lại cho tóc hoa râm, gậy trúc đỡ chân. Song mối tình đạo khắng khít với Trạch công vẫn như xưa. Gần tới ngày tết Trung Thu năm ấy, Lý Nguyên nôn nao chuẩn bị ngựa xe lên đường, nhắm hướng Tây Hồ ở Hàng Châu.

Nghi rằng Trạch công nhất định phải đầu thai ở vùng phụ cận chùa Thiên Trúc, Lý Nguyên bèn đi khắp các nơi quanh chùa để dọ tin, song chàng chẳng tìm được tin tức gì. Cuối cùng, đúng như lời Trạch công phú chúc, chàng tới phía sau chùa chờ đợi. Chàng tìm thấy một con lạch nước chảy quanh co, hai bên cây cối u nhã. Hoàng hôn lẹ làng buông xuống trùm phủ khắp nơi...

Một chặp sau, ánh trăng rằm đêm Trung Thu từ từ vươn ra khỏi ven núi, thăng lên giữa trời, soi sáng bốn bề. Nhưng Lý Nguyên nào còn lòng dạ để ngắm trăng? Bụng dạ chàng cứ nao nao, bồn chồn: "Không biết Trạch công có nhớ lời hứa chăng? Với râu tóc, mặt mày biến đổi theo tuế nguyệt của ta, Ngài có nhận ra ta chăng?" Cảm thấy chỗ ngồi của mình không phải dễ dàng để kẻ khác thấy, Lý Nguyên bèn rảo bước tìm một tảng đá cực lớn, rồi leo lên đứng trên ấy, chờ đợi.

Chẳng bao lâu, tiếng bước chân lao xao vang lại từ bên kia con lạch. Nhìn kỹ, Lý Nguyên thấy một em bé diện mạo đoan chính, thanh thản tự tại, cỡi lưng trâu, từ từ tiến tới. Tràn ngập xúc động, Lý Nguyên lắp bắp: "Phải chăng là Trạch..." Chàng chưa dứt lời, em bé miệng mỉm cười, thong thả ngâm lên bài thơ rằng:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt ngâm phong mạc yếu luận,
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
Thử thân tuy dị tánh trường tồn.

Ý thơ là: Lý Nguyên, kẻ đang đứng trên hòn đá ấy là bạn cũ trong ba đời của ta. Song chúng ta chớ nói chuyện ngắm trăng, ngâm thơ, đàm luận làm gì. Ta thật hổ thẹn để người bạn thân thương từ xa đến thăm viếng. Thân ta tuy đã đổi thay song bản tánh Phật của ta thì còn mãi mãi.

Tạm dịch:

Ba đời trên đá khổ công rèn,

Vịnh gió ngâm trăng gác lại bên,

Thẹn lòng đối bạn từ xa viếng,

Thân dẫu khác xưa tánh vẫn nguyên. (2)

Biết chắc là Trạch công, Lý Nguyên mừng rỡ xúc động: "Ðúng là Trạch công! Trạch công..."

Chú bé thong dong tiếp lời: Lý cư sĩ! Ngài thật là giữ đúng chữ tín! Lý cư sĩ! Ðường của ngài và của tôi thì khác nhau lắm. Duyên đời của ngài vẫn còn chưa hết. Nếu ngài tiếp tục tu hành, không đọa lạc vào tam ác đạo thì tương lai chúng ta sẽ còn hội ngộ.

Lý Nguyên ngỡ ngàng: "A! Trạch công, nói thế, phải chăng ngài chẳng có ý về chùa Huệ Lâm?"

Chú bé mỉm cười: "Lý cư sĩ! Nhân duyên trên đời hễ có họp thì phải có tan. Có hoa nào nở rồi chẳng tàn, lá mọc mà chẳng rụng, cuộc họp mặt chẳng tan? Buồn đau quyến luyến nào có ích gì."

Nói rồi, chú bé vỗ lưng trâu, mà rằng: "Ði thôi trâu! Lý cư sĩ! Xin ngài hãy nhớ lời tôi nhé: tiếp tục tu hành, đừng đọa vào ba ác đạo thì tương lai chúng ta sẽ lại tương kiến."

Thế rồi chú cỡi trâu thong thả quay đầu bước về hướng mà trâu đã tới. Chú bé từ từ nhè nhẹ cất lên lời ngâm thơ êm ả:

Thân tiền thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường,
Ngô Việt tam xuyên tầm dĩ biến,
Khước hồi yên trạo thướng Cù Đường.


Thân tiền . . . . .

Ý thơ là: Ðời trước và kiếp sau mọi chuyện thật là mênh mang mịt mùng. Muốn nói hết nhân duyên mọi chuyện nhưng sợ rằng bạn sẽ đau buồn đứt ruột. Núi này song nọ tôi đã tìm hết thảy, nhưng chỉ có trở về nơi nhà đây mới thấy nó (Phật tánh).

Tạm dịch:

Thân trước thân sau sự mịt mùng
Muốn nói nhân duyên sợ điếng lòng
Ngô Việt núi sông tìm đã khắp
Khua chèo trở lại đến Cù Ðường. (3)

Thân trước ... 


Lý Nguyên đứng lặng như trời trồng, chẳng biết phải phản ứng ra sao. Chàng tự nghĩ cuộc hội ngộ hôm nay lẽ nào ngắn ngủi đến thế. Mình phải mời cho được Trạch công về lại chùa cũ để hàn huyên tâm sự... Ðến khi bóng trâu và em bé từ khuất lần sau lùm cây, chàng mới giật mình choàng tỉnh. Hốt hoảng chàng kêu lên: Trạch công! Trạch công! . . . Rồi cố gắng hết sức mình, chàng vội vã leo xuống tảng đá. Hớt hãi vì sợ không đuổi theo kịp Trạch công, chàng hấp tấp bước ngang qua lạch. Trong lúc cấp bách, chàng vất chân, té nhoài xuống lạch. Cố gắng đứng dậy, toàn thân ướt đẩm, phải khó khăn lắm chàng mới lê bước qua được con lạch. Bấy giờ đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy dưới ánh trăng rằm, mọi nơi yên lặng như tờ. Tiếng côn trùng gọi réo về đêm vang vọng bốn bề. Nhưng đâu là bóng dáng Trạch công? Bất giác hai hàng lệ tuôn dài trên má Lý Nguyên.

Lý Nguyên về sau trở lại chùa Huệ Lâm tiếp tục tu hành. Hai năm sau quan ngự sử là Lý Ðức Dục tấu biểu rằng Lý Nguyên là người trung hậu, chí hiếu, đạo đức, thỉnh vua phong quan trọng dụng. Bấy giờ Ðường Mục Tông nghe tấu bèn phong Lý Nguyên chức Gián Nghị đại phu, song chàng cương quyết thối từ. Chàng tiếp tục tu hành tinh tấn ở chùa, giúp đỡ giáo hóa bạn đạo hiểu rõ ý nghĩa nhân quả. Chàng cảm nhận sâu xa sức mạnh vô biên của nghiệp, và nổi hiểm nghèo sống và lưu chuyển trong cõi Ta Bà này. Thật chẳng có gì cấp bách hơn thành tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ, để vĩnh thoát luân hồi.

Thieugia sưu tầm
------------------
Ghi chú:
(1) và (2): Bản dịch thơ của Đạo Hữu Nguyên Minh
(3):  Bản dịch thơ trong Cao Tăng Dị Truyện bài

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG