Login Form

Số Người Truy cập

04236899
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
685
1003
3427
2586895
18505
15674
4236899

2024-04-25 15:39

Chim Trời Cá nước

100 BÀI THƠ HAY NHẤT VIỆT NAM THẾ KỶ 20

BẾN ĐÒ NGÀY MƯA
                                               Tg: Anh Thơ

     Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1921, quê tại vùng sông Thương, Bắc Giang. Bà là nhà thơ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 với tập Bức Tranh Quê - được ví như một bức tranh tĩnh vật bằng thơ trước cách mạng. Tác phẩm chính của bà gồm có: Bức Tranh Quê (thơ - 1941), Răng đen (tiểu thuyết - 1942), Cuối Mùa Hoa (thơ), Từ Bến Sông Thương (hồi ký), Tiếng Chim Tu Hú, Bên Dòng Chia Cắt (hồi ký văn học). Bà từng được ca ngợi là một cô nữ sĩ xinh đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc, 17 tuổi đã đoạt giải thưởng Tự lực văn đoàn, làm điên đảo những văn tài thời đó như Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Bính, Tú Mỡ... Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh.

 

alt
Cố nữ sĩ Anh Thơ

Read More

       Quan niệm của Anh Thơ nữ sĩ về thơ: "Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ trong tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kỳ câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận. Thơ là hào quang soi rọi những bước đường kháng chiến gian khổ nhất. Thơ giải phóng được cuộc đời bình lặng của lớp người con gái dưới thời phong kiến. Tôi yêu thơ như yêu một lẽ sống ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi".

      Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: "Những thi sĩ lớp 1930 - 1945 đã có những cống hiến đặc biệt vào thơ hiện đại Việt Nam. Và cũng chính họ đã từng là chủ lực trong nền thơ cách mạng sau tháng 8-1945. Anh Thơ thuộc vào lớp người đó, tuy chị là người đến sau. Khi chị đến thì phong trào Thơ mới đã ổn định với các tên tuổi tiêu biểu của nó, nhưng chị vẫn có đóng góp riêng: những bức tranh thôn quê xứ Bắc. Cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình".

BẾN ĐÒ NGÀY MƯA
                                               Tg: Anh Thơ
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng giầm mưa.
Và giầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu chơ vơ.
 
do ngang

Bến đò...

Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng so ro...
 Một bác lái ghé vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
alt
 
Rồi âm thầm, bến lại lặng trong mưa.
 
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.

Tp. HCM, ngày 23/8/2012
Fangzi sưu tầm và giới thiệu
QUÊ HƯƠNG

      Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, quê xã Ninh Bình (Ninh Hoà, Khánh Hoà), nay ở tại 46, Yersin, TP. Nha Trang. Ông tham gia cách mạng từ tháng 7-1945. Trước khi về hưu, nhà thơ từng giữ nhiều cương vị quan trọng như Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, đại biểu Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng, cả đến bây giờ, suy ngẫm lại cuộc dời mình, Giang Nam cũng không ngờ có điều quan trọng, khá bất ngờ, đã đẩy ông đi tới trên con đường thơ cách mạng, trở thành một trong hai người vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 1 về Văn học - Nghệ thuật đầu tiên ở Khánh Hoà.

giang nam
 Nhà thơ Giang Nam và vợ (bà Phạm Thị Chiều)

Ngỡ mất vợ, có bài thơ hay da diết

     Năm 1960, trên chiến khu ở Khánh Hoà, Giang Nam nhận được tin dữ, đau xé lòng: Vợ anh (chị Phạm Thị Chiều) và con gái đầu lòng của anh chị mới hơn một tuổi (cháu Trang) đã bị Mỹ - nguỵ sát hại trong tù. Bài thơ Quê hương của Giang Nam ra đời trong hoàn cảnh ấy. Viết liền mạch. Đúng là tâm trạng: “Đau xé lòng anh, chết nửa con người!”. Viết xong, Giang Nam trình lên đồng chí Nguyễn Xuân Hữu (Bảy Hữu), Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà hồi đó, “xin ý kiến”. Anh Bảy trầm ngâm: “Hay lắm! Nhưng hơi buồn... Cậu ráng giữ tinh thần và ý chí tiến công. Hy sinh, mất mát là chuyện bình thường trong chiến tranh. Mình tin vào Giang Nam lắm đó!”. Bản thảo bài thơ theo đường giao liên Trường Sơn đi dần ra Bắc. Mãi 11 tháng sau, vào năm 1961, Giang Nam mới được đọc bài thơ Quê hương in trên báo Văn nghệ gửi từ Hà Nội vào. Tác giả nhận ngay được giải nhì về thơ. Bởi nó rất hay, hay đến thật lòng, hay da diết. Nhưng, số phận không chỉ mỉm cười riêng với thơ. Năm sau (1962), có ai ngờ, vợ con anh vẫn còn sống và thoát ra khỏi ngục tù của Mỹ - ngụy. Năm 1964, tổ chức bố trí cho chị Chiều và cháu Trang từ Sài Gòn - Chợ Lớn lên thăm anh ở căn cứ Trung ương Cục. Song, một lần nữa, thật nghiệt ngã, chị cùng con gái lại bị địch bắt bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Lần này, chị và cháu ở tù cùng với chị Châu (vợ anh Lê Hồng Tư, tức chị X. trong tác phẩm “Sống như anh” của Trần Đình Vân), chị Quyên (vợ liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi) và một số đồng chí nữ trung kiên khác. Hơn 10 năm sau, khoảng giữa năm 1973, anh chị và cháu gái mới lại được gặp nhau. Ngỡ không thể nhận ra được nhau nữa, ngay trên Củ Chi - đất thép Thành Đồng.

     Chiến tranh, cả những hy sinh, mất mát đã lùi xa. Nhưng, bài thơ Quê hương vẫn da diết đọng lại trong tâm khảm người đọc nhiều thế hệ. Mãi đến năm 1998, nhớ chuyện cũ, Giang Nam vẫn còn viết: “… Ôi con cò, con vạc. Nhớ thương bay mãi đến bây giờ…”. Tuổi mới yêu - dù ở thế hệ nào - rồi cũng bắt nhịp được trái tim mình vào tứ thơ “cười khúc khích” - “vẫn khúc khích cười, khi tôi hỏi nhỏ”. Quả thật, đời thường và sự nghiệp của anh đều hạnh phúc. Chỉ riêng một bài thơ như vậy, dường như cũng đã nói đủ về Giang Nam…

Bài thơ: QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
"Ai bảo chăn trâu là khổ''
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

{flv}quehuong{/flv}

Ngâm thơ: Nghệ sĩ Lệ Quyên

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em để yên trong tay tôi nóng bỏng...
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

Tg: Giang Nam

 

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG