Login Form

Số Người Truy cập

04217516
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
734
417
3876
2571464
14796
28625
4217516

2024-03-29 11:45

Chim Trời Cá nước

Tản mạn về Thăng Long - Hà Nội

Shaolaojia:

Hà Nội (Thăng Long xưa) trong mắt người Việt Nam từ cổ chí cận kim luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Hà nội chỉ mới đây thôi, ở cái thời "tiền mở cửa" vẫn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt, vẫn là nơi mà cả nước hướng về, dõi trông với niềm tin, niềm hy vọng và cả nỗi lo âu...

Thế nhưng những năm gần đây, trong mắt du khách nước ngoài và người dân trong nước, Hà Nội chả khác nào một cái chợ chiều với văn hóa chém chặt mạnh ai nấy họp; từ bà bán phở gia truyền cho đến những "truyền nhân" chuyên bán quần áo trong chợ Đồng Xuân, những nam thanh nữ tú v.v. hễ cứ mở miệng ra là "miệt thị, chửi người" ? Chửi mà có vần, có điệu, âm vận lúc bổng lúc trầm, chửi nghe hay hình như đang là mốt của người Hà Nội bây giờ (?!).

Người dân cả nước đang rất buồn lòng và chán ghét kẻ "Tràng An".

 

Phần I: Hà Nội Bây giờ

alt

Hà nội -  nơi mà cả nước hướng về...

 ha-noi-mua-thu-va-em

Hà Nội mùa thu là

Bài 1.

Ăn hàng Hà Nội: Miệng nhai, tai nghe chửi

   Với ối người, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" hấp dẫn như... màn biểu diễn họ được thưởng thức khi ăn. Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến thực khách nhớ rồi thành nghiện "ghé".

"Thượng đế"... ăn xin

   Khi mà quán cháo chửi nổi tiếng cạnh Nhà thờ Lớn... hết chửi (có thể do thưa khách dần, và cháo gà không đủ hấp dẫn thực khách bằng những món ăn hiện đại mới "nổi"), người sành ăn Hà Nội lại bổ sung vào danh sách ghé chân, là những quán ăn mới, vừa bán vừa chửi "ác liệt" hơn.

   Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng thơm ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, hông chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... "xả giận".

Read More

 

   Trưa 15/02, một khách mới dừng xe trước quán hỏi: "Chị ơi, để xe ở đâu?". Bà đốp ngay vào mặt: "Để lên nóc nhà này này!". Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: "Đây không có rau, tự trồng mà ăn!".

   Nghe bà chửi đã quen, một chị khách sau bữa trưa ngon miệng dũng cảm lại gần bà bảo: "Chị gói cho em 1 cái lưỡi về nhà, nhà em ít người, chị cho cái be bé". Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi ngút khói, mặt đỏ phừng phừng quắc mắt: "Đây không có hàng bé! 60 nghìn đổ đầu". Chị khách bắt đầu hãi, gật đầu ngay. Nhưng bà hàng chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng, múc nước chấm, vừa nguýt chị khách: "Đã muốn ăn ngon lại còn đòi rẻ!". Rồi cơn cáu giận dâng cao trào, bà móc cái lưỡi lợn ra khỏi túi nilon định đưa cho khách, ném vào rổ: "Thôi không bán nữa đâu, về đi!". Chị khách tím mặt lủi thủi ra về.

   Tại nhiều quán đông và ngon khác ở Hà Nội, cảnh các thượng đế "xin ăn" không khiến nhiều người ngạc nhiên. Chị Hồng Hạnh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) kể, một lần cùng chồng đến quán mỳ vằn thắn trên phố Trần Hưng Đạo, chờ mãi không thấy nhân viên đến hỏi, chồng chị đành ra tận quầy bà chủ quán gọi món. 10 phút sau không thấy ai mang đồ ăn ra, hai vợ chồng ngại quán đông, đứng dậy ra về. Vừa ra khỏi cửa, đã nghe một giọng đàn ông chửi với theo: "Loại giẻ rách, có C. tiền mà ăn!".

   "Mình mất tiền, chẳng phải để được cung phụng nhưng ít ra cũng phải được phục vụ cho đáng đồng tiền. Đi ăn để bị chửi, nhục lắm" - chị Hạnh nói.

   Nỗi nhục đi ăn bị chửi, với chị Hằng (một phiên dịch) đến giờ vẫn còn đầy. Trước Tết, chị cùng bạn đến hàng quẩy trên phố Tô Hiến Thành. Gọi 2 suất nhưng bà chủ mang ra một đĩa đầy và bảo ăn không hết thì trả lại. Đĩa quẩy còn 5 cái, chị Hằng xin trả lại để tính tiền, bà hàng trừng mắt: "Mang về cho chó nó gặm nhé, chó chê thì vứt sọt rác".

   Chị Hương và vợ chồng chị Hạnh không bao giờ quay lại những quán chửi đó nữa, nhưng mỗi lần đi qua, họ thấy người ăn vẫn vòng trong vòng ngoài. Có vẻ như nhiều thực khách không "nặng nhẹ" chuyện bị chửi, và quán vẫn giữ "phong cách".

"Phong cách" vừa bán, vừa chửi

   Bị chửi mà vẫn ăn được, nữa là vừa ăn vừa được... xem chửi. Cũng nóng mặt đấy, nhưng... vui.

   Chị Cẩm Tú, một giáo viên từng giật mình khi vừa ngồi xuống ghế đã nghe bà chủ một quán bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo xa xả: "Mày đi đâu mà giờ mới vác xác đến, ở nhà chôn bố mày à?".

   Thì ra nạn nhân là cô giúp việc mới đang chôn chân chịu trận trước bà chủ và hàng chục thực khách đang tất bật nhai và... nhẫn nại nghe. Bà chủ quán thấy nhiều người ngẩng đầu ngó, như được động viên, tay làm hàm càng... chửi!. Một khách thấy chị Tú mắt tròn mắt dẹt thì bảo: "Bà này phải được chửi bán mới... hăng. Cái cô người làm này mới nên chưa quen, chứ giúp việc cũ biết tính bà, bị bà chửi rách tai vẫn toe toét".

   Ở hàng hủ tiếu nổi tiếng trong "ngõ ẩm thực" phố Hàng Chiếu, bà hàng cũng phải chửi người làm liên tục mới bán được. Được cái, bà này chua với người làm bao nhiêu thì ngọt với khách bấy nhiêu. Nên "bài chửi" của bà du dương với cả "nốt thăng" lẫn "nốt giáng": "Mày có rồ không mà cắt rau dài thế này? - Em không ăn rau sống, nhỉ?", "Cái con ngu vạ ngu vật kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài mà cứ đứng như con chết rồi thế kia? - Chưa đến lượt em, đợi tí, gái nhé!", "Xéo về quê mà hốc C.! Loại lười thối thây như mày chỉ tổ ngứa mắt tao! - Ngồi xuống đây em, chật chội tí, thông cảm nhá!"...

   Qua trò chuyện, nhiều người khẳng định họ đều ít nhất 1 lần vừa ăn hàng vừa... được nghe chủ quán chửi người làm. Bà Lan (bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần trước, cả nhà bà đến quán hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến Thành. Bà chủ ở đấy đang quát tháo một nhân viên, thỉnh thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía cậu người làm; cậu này thì mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì. Các cháu bà Lan ngồi cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng trước mặt.

   Trước những chủ quán mồm năm miệng mười, chửi người làm như hát hay, ối khách nghẹn. "Nuốt chưa hết miếng đã muốn đứng lên, ăn một lần là cạch đến già" - bà Lan nói.

   Nhưng cũng với ối người, nghe chửi ở quán hàng thường như... vừa ăn vặt vừa xem biểu diễn (cốt sao tiếng chửi không dành cho mình!). Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn (vốn đã ngon hơn nhiều quán) thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến người ăn nhớ rồi thành nghiện "ghé".

   Thế nên, "phong cách bán hàng" kiểu... chửi không chỉ tự phát ở các quán hàng nhỏ, mà còn được lẳng lặng xây dựng ở hệ thống nhà hàng bậc trung như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố Phan Bội Châu)... Mặc kệ những khách âm thầm ôm bực về nhà rồi cạch mặt nhà hàng, nhà hàng kiên trì giữ "phong cách", để lượng "fan" sẵn sàng xem chửi khi chống cằm đợi thức ăn đông dần. Cứ thế, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" không còn xa lạ với một bộ phận người Tràng An. Và đôi khi, một số người âm thầm chấp nhận như một "nét riêng" của Hà Nội.

   Theo Hoàng Dũng - Người Hà Nội

----------------------------------------------------------

 Bài 2.

  Bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội (?!)

  Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc

 Gần đây, trên tờ Giáo Dục Việt Nam có một loạt bài khá thú vị về phong cách phục vụ tại một số tiệm ăn ở Hà Nội. Về đề tài này, trước, tôi đã từng viết, nhưng nay, đọc các bài thảo luận trên Giáo Dục, tôi không thể kiềm chế được sự “ngứa ngáy”, nên xin bàn tiếp.

 Loạt bài do nhiều người viết. Giới nghiên cứu có; giới phóng viên có; giới độc giả cũng có. Nhiều người kể lại những kinh nghiệm cụ thể mà mình từng mắt thấy tai nghe hoặc có khi chính mình là nạn nhân của thứ văn hóa “bún mắng cháo chửi” ấy.

 Một người kể: Đang đứng tần ngần chọn món để gọi, ông bị chủ quán mắng ngay: “Đứng chầu mồm à? Ăn không thì bảo?”. Ông vội vàng trả lời: “Chị cho xin một tô.” và lại bị mắng tiếp: “Tô, tô cái gì? Ra đây phải gọi là bát nhá!” Lại chịu đựng. Lại đứng tần ngần. Và lại nghe chủ quán mắng tiếp: “Vậy ông ăn bằng miệng hay ăn bằng tai? Ăn bằng miệng thì ngồi xuống. Bà kia! Xích cái đít mỡ ra một chút cho người ta ngồi.”

 Một người khác, gốc Hà Nội, so sánh phong cách phục vụ trong các tiệm ăn ở Hà Nội và ở Sài Gòn:

 “Trong khá nhiều lần đi công tác vào miền Nam, khi vào sử dụng dịch vụ ở các nhà hàng tại Sài Gòn, tôi nhận thấy rằng, thái độ phục vụ, dù chỉ là những anh bồi bàn thôi thì cũng đã rất dễ chịu, lịch sự, thân thiện, tôn trọng khách hàng, khác xa so với ở ngoài Hà Nội.

 Ở những nhà hàng, cửa hàng ở Sài Gòn mà tôi đã từng đặt chân đến, dù là đông khách hay vắng khách thì những nhân viên ở đây vẫn tạo cho tôi cảm giác được chào đón hết sức nồng nhiệt.

 Những nụ cười cùng những lời đề nghị hết sức lịch thiệp là điều mà chúng tôi luôn thấy ở các nhân viên phục vụ dù rằng phải tiếp đón một lượng khách lớn, rất mệt mỏi. Họ cũng sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình cũng như giải thích nhẹ nhàng, cặn kẽ với những gì chúng tôi còn thắc mắc, chưa hiểu.

 Khi chúng tôi có những lời góp ý họ luôn dành nụ cười và lời cảm ơn chân thành. Tôi cũng nhận thấy, trong cung cách phục vụ ở đây, những nhân viên, quản lý nếu sai thì sẽ sẵn sàng xin lỗi khách hàng và nếu khách hàng có sai thì họ cũng nhẹ nhàng chứ không bao giờ có những lời lẽ theo kiểu "dạy dỗ" như ở không ít nhà hàng tại Hà Nội...

 Tôi là một người cũng khá khó tính trong việc "chấm điểm" cung cách phục vụ của các nhân viên dành cho mình nhưng quả thật, tôi cũng đã phải móc hầu bao để thưởng thêm cho một anh chỉ là bồi bàn tại một nhà hàng ở Sài Gòn vì thái độ phục vụ quá chu đáo, nhiệt tình, tôn trọng khách... Điều đó, cũng xin thưa rằng, ở Hà Nội tôi chưa bao giờ làm cả, vì thấy nó không xứng đáng...”

 Số người đồng ý với nhận xét ở trên nhiều đến độ báo Giáo Dục viết hẳn một bài tổng kết với nhan đề “Ai cũng công nhận rằng văn hóa phục vụ ở Hà Nội kém xa Sài Gòn”.

 Đào sâu vào những sự so sánh như thế chắc chắn là một điều thú vị và bổ ích. Nhưng xin hẹn một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào hai vấn đề:

 Thứ nhất, tại sao người Hà Nội lại có thứ văn hóa phục vụ thô lỗ, hỗn láo và tục tằn đến độ quái gở như thế?

Thứ hai, tại sao người dân Hà Nội lại có thể chịu đựng được thứ văn hóa phục vụ khủng khiếp đến như thế?

Trong hai câu hỏi ở trên, theo tôi, câu hỏi thứ hai quan trọng và cần thiết hơn câu hỏi thứ nhất.

Bình thường, người bán hàng lịch sự và dễ thương với khách không hẳn là vì tâm tính của họ vốn vậy. Lý do chủ yếu là vì lợi. Ở Tây phương, người ta thường cho rằng để bán hàng chạy, cần có ba điều kiện chính: một, địa điểm; hai, chất lượng; và ba, phong cách phục vụ. Điều kiện thứ ba đặc biệt quan trọng trong lãnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống. Chính vì vậy, khi tuyển nhân viên phục vụ trong các tiệm ăn và các quán cà phê, người ta thường chú ý nhiều đến ngoại hình; trong ngoại hình, yếu tố được chú ý nhất là gương mặt; trên gương mặt, yếu tố được chú ý nhất là nụ cười. Những nụ cười thân thiện của chủ quán và của những nhân viên phục vụ được xem là một trong những nguyên tắc chiến lược tạo nên sự thành công của việc buôn bán: Chúng đẻ ra tiền. Biết thế, ngay cả những người bẳn tính nhất, khi làm việc, cũng trở thành hòa nhã với khách.

Ở Hà Nội, ngược lại, người ta không tôn trọng khách, không cần khách, sẵn sàng chửi thẳng vào mặt khách. Tại sao? Một số người trả lời: Vì đó là những người nhập cư, đến từ các tỉnh lẻ, vốn ít học và thiếu văn hóa. Chắc chắn đó không phải là câu trả lời chính xác. Ở đâu lại không có người nhập cư? Tỉ lệ dân nhập cư ở Sài Gòn chắc chắn phải cao hơn hẳn Hà Nội. Nhưng tại sao Sài Gòn có thể “văn hóa hóa” họ được mà Hà Nội lại không? Vả lại, nói thế cũng đồng nghĩa với việc đánh giá thấp người dân ở nông thôn, những người tuy không được xem là lịch sự nhưng lại nổi tiếng là thân thiện và dễ mến.

Câu trả lời, tôi nghĩ, một phần nằm trong văn hóa hợp tác xã từng ngự trị ở miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, trong suốt mấy chục năm, từ năm 1954 đến ít nhất cuối thập niên 1990. Ở các hợp tác xã ấy hầu như lúc nào cũng có bảng hiệu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nhưng trên thực tế, đó là những trung tâm quyền lực, ở đó, nhân viên tha hồ tác oai tác quái và khách hàng chỉ biết năn nỉ ỉ ôi để được mua từng chút, từng chút nhu yếu phẩm cho sự tồn tại của bản thân và gia đình. Chính các hợp tác xã ấy đã quan liêu hóa lãnh vực kinh doanh và dịch vụ khiến người bán hàng xem khách là những kẻ ăn xin chứ không phải là nguồn lợi của mình.

Nhưng vấn đề là: Tại sao khách lại chịu đựng những sự nhục mạ như vậy? Ngày xưa, thời bao cấp, sự chịu đựng như vậy là điều dễ hiểu. Không chịu đựng được thì đói. Nhưng còn bây giờ? Hàng quán ê hề, ở đâu cũng có, không vào tiệm này thì vào tiệm khác, vậy tại sao người ta vẫn cứ tiếp tục bước vào các tiệm “bún mắng cháo chửi” để chịu nhục? Thức ăn ở các tiệm ấy ngon ư? Nhưng, thứ nhất, liệu cái ngon ấy có đáng được trả giá bằng sự nhục nhã không? Thứ hai, tại sao dù nhục nhã như vậy, người ta vẫn không thấy nghẹn trong họng và vẫn thấy ngon?

Chủ quán và nhân viên phục vụ thô lỗ và thô bỉ có thể là do bản tính. Nhưng chấp nhận bước vào các tiệm có thứ văn hóa phục vụ thô lỗ và thô bỉ như vậy lại là sự chọn lựa của khách hàng. Đó không phải là sự chọn lựa giữa tiệm này và tiệm khác, giữa món ăn này và món ăn khác. Mà là sự chọn lựa giữa miếng ăn và lòng tự trọng.

Đến đây, chúng ta không thể không tự hỏi: chẳng lẽ lòng tự trọng của người Hà Nội -xin lỗi, của một số người Hà Nội - lại yếu đến vậy sao?

Chỉ một số thôi ư? Chắc hẳn đó phải là một số không nhỏ. Nếu không, các hàng quán “bún mắng cháo chửi” ấy đã phải đóng cửa rồi.

----------------------------------------------------

Bài 3

Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác một... cái chợ (?!).

 alt Bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay, họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của Thủ đô đã kém đi một cách nghiêm trọng, kể từ sau khi Hà Nội đổi mới...

 Văn hóa xuống cấp từ rất lâu

Theo hoạ sĩ - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành.

alt
Họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Internet

 Đến khoảng những năm 1980, Hà Nội đã rất khác. Lúc này, những đầm lầy Kim Liên, Giảng Võ... đã được lấp hết và nhiều nhà tập thể bốn năm tầng mọc lên. Nhiều làng trong nội đô đã phố hóa hoàn toàn, dân số tăng vọt sau chiến tranh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp lúc đó mọi người đều vất vả, và đều nghèo như nhau. Điện nước, lương thực thì khó khăn.

Sau khi đổi mới, Hà Nội là nơi phản ánh rõ nét nhất với sự thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu gạo. Đó là những thay đổi rất tốt, nhưng có một thay đổi không tốt đó là đời sống văn hóa của thủ đô kém đi nghiêm trọng.

Thủ đô bao giờ cũng là trung tâm văn hóa, vậy nơi đó phải có nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhiều nhiều nhà hát, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao... cái này thì Hà Nội đang thụt lùi. Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu. Người Hà Nội không đi xem triển lãm, không xem tranh ảnh, không nghe giao hưởng... chỉ ăn nhậu, chơi, tiều xài đắt tiền. Thực ra ý thức về giao thông, môi trường, ứng xử liên quan trực tiếp đến sự hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Sự hưởng thụ quá ít, quá thấp, nên ý thức sống cũng thấp. Hưởng thụ văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng cho việc hình thành tính cách người đô thị. (Theo PNTD)

 Văn hóa ứng xử ngoài đường của người Hà Nội xuống cấp một cách đáng báo động. Những người sống ở Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động, dễ gây gổ, đánh nhau, chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục ...

Người làm kinh doanh, bán hàng thì chảnh chọe, kiêu căng, bất cần - Đây là hệ quả của kinh tế bao cấp người bán không cần người mua vẫn còn tồn tại trong người dân Thủ đô. Đến khi kinh tế khó khăn thì nhanh chóng cướp khách, bán hàng, thu vốn, mà không còn nghĩ đến chữ tín và đầu tư lâu dài.

Bên cạnh đó, công nghệ du lịch cũng chưa có, tất cả đều là tự phát, khiến cho khách nước ngoài luôn phải chịu tình cảnh hai giá...
“Chung quy lại thì tất cả là do văn hóa xuống cấp, người ta không tự chủ được trong một môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt". - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.

Sự phát triển không đồng bộ chính là nguyên nhân

Lý giải cho sự thay đổi thụt lùi về đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Chính tính không đồng bộ trong những bước phát triển của Hà Nội đã tạo ra những cái dở nghiêm trọng. Ví dụ, môi trường sống – không khí, nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh là tồi nhất nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm tính con người. Giao thông cũng là vấn đề lớn, khi đáng nhẽ nó phải được làm trước khi xây các khu đô thị mới.

Sự giáo dục và ý thức công dân cũng không tốt, người ta sống ở thành phố mà luộm thuộm và tự do vi phạm giao thông, môi trường như ở làng xã.

Bên cạnh đó, cũng không có thủ đô hiện đại nào người ta lại cho xây dựng đủ các kiểu như Hà Nội. Và cũng không có một thủ đô hiện đại nào mà không có được một vỉa hè phẳng phiu, vững chãi như ở Hà Nội".

Cho nên, “tính cách con người sống ở Hà Nội thay đổi cũng là tất yếu. Và nếu đặt Hà Nội vào trong bối cảnh xuống cấp chung của văn hóa đạo đức toàn quốc, thì tất yếu thủ đô là nơi phản ánh những nét căn bản nhất của dân tộc” - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

----------------------------------------------------------------

Bài 4.

Chỉ Hà Nội mới có "văn hóa chửi"

alt - “Tôi cũng may mắn được đi đến nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài. Được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi chưa thấy ở đâu có văn hóa chửi như Hà Nội”. Đó là nhận xét của PGS.TS, nhà văn Văn Giá về hiện tượng “Ăn hàng Hà Nội. Miệng nhai tai nghe chửi”.

Văn hóa chửi xuất phát từ dân trí thấp

 Tự nhận là một người may mắn và có khuôn mặt hiền lành, PGS.TS Văn Giá cho biết: “Tôi may mắn chưa bị vào ăn ở những quán mắng, cháo chửi ở Hà Nội”. Tuy nhiên, nhà văn cũng thừa nhận, đây là một hiện trạng đáng buồn biểu hiện cho sự xuống cấp văn hóa của một bộ phận người Hà Nội mới. Ngày nay, Hà Nội là nơi pha tạp của hàng trăm thứ dân, họ đem theo nền văn hóa hòa lẫn với nền văn hóa đẹp của người Hà Nội xưa.

alt
Nhà văn Văn Giá chia sẻ những bức xúc về sự xuống cấp văn hóa của người Hà Nội.

Theo nhà văn, sự xuất hiện của văn hóa chửi từ việc đi ăn ở các hàng quán xá, đi chơi, đi du lịch hay đi đường thậm chí là đến cơ quan… cũng bị chửi là một nghịch lý. Nhà văn cho biết “thượng đế ngày nay đi ăn mất tiền mà cứ như đi xin bát cơm, bát cháo rồi hứng chịu đủ lời tục tĩu chửi bới của người chủ quán”.

PGS.TS Văn Giá cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến “văn hóa chửi” của người Hà Nội là đó là dân trí thấp, người dân còn nghèo, học ít nên khi mở quán kinh doanh lại được tiếp xúc với đủ loại người từ người có học thức cho đến những du côn đầu đường xó chợ, cướp, người mới ra tù…Đúng theo định nghĩa “thuốc bắc ngấm lâu” dần dần những chủ hàng quán này cũng phải thích nghi với môi trường kinh doanh nghĩa là trở thành du côn hóa, sẵn sàng gây chiến tại chỗ. Đây chỉ là cách để tự bảo vệ họ giữa thủ đô thôi.

 Tuy nhiên, vì sao bún mắng, cháo chửi vẫn đông nghịt khách ra vào mặc dù cách hành xử với khách hàng của người chủ quán vô cùng lỗ mãng, tục tĩu thậm chí chửi mắng, đánh nhau với khách khi họ lỡ phàn nàn về đồ ăn của quán. Giải thích về điều đó, PGS.TS cho rằng đó là do Hà Nội bây giờ đông quá, một thủ đô rộng lớn với cả chục triệu người, không có người này ăn, người kia lại đến “trăm người bán vạn người mua”.

Nói về nguy cơ xâm chiếm của văn hóa chửi vào văn hóa của người Hà Nội, nhà văn Văn Giá trấn an: “Không cần lo lắng quá cho Hà Nội đâu! Hà Nội là nơi tụ hội văn hóa bốn phương có tính tinh lọc văn hóa, tôi tin rằng Hà Nội đủ sức đề kháng để miễn dịch với thứ văn hóa chửi bới, quát mắng thượng đế này”.

Người Hà Nội mơ ước văn hóa Sài Gòn

Là người đã từng được đi nhiều nơi cả trong nước và trên thế giới, nhà văn Văn Giá nhận xét: “Chỉ Hà Nội mới có thứ văn hóa chửi. Người nước ngoài họ lịch sự, nhiệt tình đón khách chứ không như người dân nước mình tìm mọi cách chèo kéo bắt chẹt khách cốt sao đầy túi tiền”.

Ngay cả giữa văn hóa của người Hà Nội và người Sài Gòn cũng có nhiều cái khác biệt. Nhà văn cho biết người Sài Gòn có văn hóa phục vụ khách hàng mà người Hà Nội phải mơ ước.

Họ ngọt ngào, chu đáo và tận tình, sẵn sàng xin lỗi và đền bù thiệt hại cho khách nếu như xảy ra sự cố. Còn một bộ phận người Hà Nội bây giờ đánh mắng, chửi khách xơi xơi , người phục vụ thái độ cau có, nhăn mặt khi khách hàng ý kiến, đặc biệt nhiều chủ hàng còn cho phép nhân viên của mình chửi khách, hàng quán đã bẩn, thái độ phục vụ cũng không khá hơn.

Có một điều đáng chú ý là khi đi ăn ở Sài Gòn khách hàng luôn được miễn phí nước uống còn ở Hà Nội tất cả đều phải dùng tiền và mua mới có. Vài điểm khác biệt để thấy “người Hà Nội bây giờ phải học người Sài Gòn nhiều lắm, từ cái ăn uống hàng ngày đến các tiêu chí phục vụ niềm nở với khách hàng”…

Nhà văn Văn Giá rất ủng hộ phong trào tẩy chay các hàng quán bẩn, ứng xử vô văn hóa với khách hàng và cho rằng: “Đây là một cách rất hay, một khi không còn khách hàng nữa các hàng quán này buộc phải thay đổi cách hành xử với thượng đế nếu như không muốn đóng cửa”.

Đồng thời nhà văn cũng cho biết trên thế giới có rất có rất nhiều các nước, như Singapore, Trung Quốc… đã thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn để tuyên truyền, bài trừ các thói ứng xử xấu của con người. Đó là điều mà Việt Nam nên học tập để tiến bộ.

Theo nhà văn để “văn hóa chửi chết mòn” thì truyền thông, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông rộng rãi, tổ chức sự kiện tuyên truyền đồng thời các cơ quan công quyền cần quan tâm và xử phạt thật nặng những hàng quán vi phạm việc niêm yết giá, mở các hội, diễn đàn trên facebook để mọi người quan tâm, chia sẻ các quán ăn bẩn rồi mọi người cùng tẩy chay. Mặc dù rất yêu văn hóa quán xá, quán cóc vỉa hè của Hà Nội xưa nhưng “về lâu dài tôi ủng hộ việc dẹp bỏ các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong ở Hà Nội vì đây là cái nơi mà văn hóa chửi loạn nhất”- nhà văn chia sẻ.

Huệ Bạch (ghi)

----------------------------------------------------

Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu.

 

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG