Tản Mạn

Hồ sơ: HỘI TAM HOÀNG - TRUNG QUỐC

Thứ Năm, 14/10/2010 18:22
Hội Tam Hoàng được cho là xuất hiện từ thế kỷ 17, khi những người trung thành với triều đại nhà Minh liên kết với nhau trong những hội kín để đấu tranh chống lại triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu thống trị Trung Nguyên từ năm 1644, nhưng dần biến dạng và trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức chặt chẽ. Trong thế kỷ 18 và 19, hội Tam Hoàng phát triển mạnh ở Trung Quốc khi cộng sinh với các công chức tham nhũng.
Lịch sử Hội Tam Hoàng

Thời hoàng kim của hội Tam Hoàng bắt đầu từ năm 1772, khi người Anh, dưới quyền cai quản của Toàn quyền Anh tại Ấn Độ Warren Hastings bắt đầu bán thuốc phiện từ thuộc địa Ấn Độ sang Trung Quốc. Nhưng vì thuốc phiện bị cấm ở Trung Quốc từ 1729, nên chỉ những hội kín, được sự che chở của các công chức tham nhũng mới có thể mua được khối lượng lớn để chuyên chở tới nơi tiêu thụ. Địa điểm buôn bán chính ban đầu là Quảng Đông, hải cảng duy nhất được mở cho người châu Âu khi đó. Sau khi năm 1800, Hoàng đế Trung Hoa một lần nữa ban hành sắc lệnh cấm thuốc phiện thì các chuyến hàng không được chở thẳng vào cảng nữa mà phải chuyển giao cho những chiếc thuyền buôn lậu của hội Tam Hoàng đợi sẵn ở bên ngoài hải cảng. Từ năm 1821, Công ty Jardine, Matheson & Co đã đảm nhận cả việc buôn lậu ở những hải cảng cấm người châu Âu, chiếm tới 60% thị phần thuốc phiện và đứng đầu trong số 46 doanh nghiệp buôn bán thuốc phiện và 50 hãng tàu chuyên chở thuốc phiện. Việc buôn bán thuốc phiện gia tăng cũng làm các tổ chức tội phạm phân phối thuốc phiện ở Trung Quốc tăng cường quyền lực và trở nên giàu có.

alt

Thành viên trong băng đảng hội Tam Hoàng

Việc buôn bán thuốc phiện đã không ngừng gia tăng, từ 340 tấn/năm trong khoảng thời gian 1811 tới 1820 lên tới 1.841 tấn/năm trong khoảng thời gian từ 1829 tới 1839 và việc này đã dẫn tới một khối lượng bạc khổng lồ được chuyển ra nước ngoài để mua ma túy, gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc phải tính tới việc tìm cách ngăn chặn thuốc phiện tràn ngập thị trường. Từ 1840, với cuộc chiến tranh nha phiến, Chính phủ Anh trên thực tế đã buộc Trung Quốc phải mở cửa cho việc nhập khẩu thuốc phiện với việc nhượng Hồng Công lại cho Anh năm 1842 và mở cửa 5 thành phố cảng nữa, trong đó có Thượng Hải cho việc buôn bán. Tuy nhiên, về mặt chính thức, thuốc phiện vẫn bị cấm, nên hội Tam Hoàng vẫn là đối tác buôn bán chính. Năm 1858, Trung Quốc phải mở cửa hoàn toàn các hải cảng, cho phép người nước ngoài được nhập cảnh không bị kiểm soát và đảm bảo việc tự do buôn bán tất cả các sản phẩm. Năm 1880, việc nhập khẩu thuốc phiện đã lên tới mức kỷ lục là 6.500 tấn/năm để cung cấp cho 20 triệu con nghiện, nhưng lúc này, Chính phủ Trung Quốc đã tham gia hưởng lợi với việc đánh thuế nhập khẩu.

 

Read More


Giờ đây, Hoàng đế Trung Hoa ra lệnh tự trồng thuốc phiện ở Trung Quốc và vào khoảng đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã tự sản xuất 22.000 tấn thuốc phiện, trong khi việc nhập khẩu thuốc phiện từ Ấn Độ giảm xuống còn 3.500 tấn/năm. Từ 1880, chất morphin được nhập khẩu ồ ạt và từ năm 1900, tại Tsingtau, thuộc địa của Đức, sản phẩm hêrôin của hãng Bayer, khi đó còn được coi là thuốc trị bách bệnh, được phát hành rộng rãi để chữa bệnh nghiện thuốc phiện (!?). Ngoài ra, việc buôn bán thuốc phiện cũng là nguồn kinh phí quan trọng của các sứ quán, sau khi chính quyền Hoàng gia tan rã.

Thành phố Thượng Hải khi đó bị hai hội Tam Hoàng chi phối chính, đó là Hồng Hội, đối tác của Công ty Jardine, Matheson & Co của Anh và Cơ quan mật vụ Anh, do Chang Hsiao-lin cầm đầu và Lục Hội, hợp tác với người Pháp trong buôn bán ma túy và hoạt động mật vụ, do Huang "rỗ" cầm đầu. Ngoài ra còn có hội Tong và Hiệp hội Thiên Địa.

Công việc làm ăn chính của chúng là sản xuất và bán cái gọi là thuốc viên chống thuốc phiện, được làm từ hêrôin, strychnin, quinnin, coffein, đường, sữa với lợi nhuận khổng lồ. Người làm trung gian môi giới giữa hai hội kín này là Tu Yueh-sheng, nguyên là thủ lĩnh của Lục Hội. Năm 1925, sau khi Tôn Dật Tiên qua đời, ba thủ lĩnh băng đảng này gia nhập Quốc Dân Đảng và ủng hộ thủ lĩnh mới của nó là Tưởng Giới Thạch.

Tháng 2/1926, Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải tổ chức một cuộc tổng bãi công của công nhân chống lại các thế lực nước ngoài. Những người nước ngoài ủng hộ Tưởng Giới Thạch muốn rằng họ Tưởng phải đập tan cuộc tổng bãi công này. Nhưng vì sợ mang tiếng, Tưởng đã cố chần chừ điều quân thật chậm cho tới 21/3 mới tới được trước thành phố Thượng Hải. Tưởng đã mở kho vũ khí phát cho các thành viên hội Tam Hoàng, nên ngày hôm sau cả thành phố nhan nhản những tên tội phạm được trang bị vũ khí. Ngày 12/4/1927, chúng bắt đầu một cuộc thảm sát những người cộng sản và công nhân ở đó.Để thưởng công, Tu Yueh-sheng được bổ nhiệm làm thiếu tướng của Quốc Dân Đảng và Phó Thống đốc Thượng Hải. Ngoài ra, y trở thành chủ tịch danh dự của Công ty Điện lực Thượng Hải đang nằm dưới quyền sở hữu của Mỹ.

Tháng 8/1927, Tưởng Giới Thạch biến việc cấm thuốc phiện thành một độc quyền của nhà nước, mà những người được cấp phép giao dịch đầu tiên là ba thủ lĩnh hội Tam Hoàng Tu Yueh-sheng, Huang và Chang Hsiao-lin. Mặc dù chỉ thu lệ phí rất ít, nhưng việc độc quyền phân phối đã mang lại cho chính phủ 40 triệu USD trong một năm. Nhưng dưới sức ép của nước ngoài, sự độc quyền phân phối thuốc phiện của nhà nước đã bị bãi bỏ cuối năm 1928. Để đổi lại, Tu Yueh-sheng được cấp giấy phép điều hành công ty xổ số nhà nước mới được thành lập. Hai thủ lĩnh còn lại của hội Tam Hoàng được phân chia lãnh địa làm ăn, trong đó Huang được phân chia phụ trách các nước phía đông của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ và Chang được phân chia phía tây, đặc biệt là châu Âu.

Năm 1935, sau khi Nhà máy Luxol ở Elberfeld bị đóng cửa và một mạng lưới buôn lậu của người Do Thái ở Viên bị phá vỡ làm đình trệ việc cung ứng trong nhiều năm, Mayer Lansky, một trùm tội phạm Mỹ, đã giành cho mình quyền được cung ứng khối lượng lớn hêrôin từ Thượng Hải, được chế biến trong nhà máy của Chang và thông qua tay chân của Huang đưa sang Mỹ.

Sau khi những người cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc năm 1949, lực lượng Quốc Dân Đảng tổ chức việc sản xuất hêrôin ở khu vực "Tam giác Vàng" và qua Băngcốc, được mạng lưới của hội Tam Hoàng đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi trên thế giới. Tại châu Âu thì Amsterdam là hải cảng nhập khẩu quan trọng nhất.
 
Hội Tam Hoàng tại Sài Gòn và Đông Nam Á

Nhưng sau đó, quyền lực của quân Bình Xuyên bị bẻ gãy vì vua Bảo Đại đặt cược vào người Pháp, trong khi Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở đây. Đại tá Edwaed G. Lansdale, đại diện quyền lợi Mỹ đã cung cấp 8,6 triệu USD để hỗ trợ Thủ tướng Ngô Đình Diệm, một người chống Pháp và thân Mỹ. Diệm ra lệnh cho một số đơn vị quân đội dưới quyền Đại tá Dương Văn Minh kéo về Sài Gòn chiến đấu và đánh bại quân Bình Xuyên. Năm 1955, sau các cuộc thương lượng của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles ở Pari, vua Bảo Đại bị phế truất và Mỹ nhảy vào thay chân Pháp ở Việt Nam.

Anh em Diệm, Nhu đặt cược vào Hồng Hội. Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Chang "Mũi đỏ", họ kiểm soát hầu hết các quán thuốc phiện và ổ gái điếm ở khu vực cảng. Sau khi thỏa thuận chia chác 15% doanh thu cho Ngô Đình Nhu, những người Corse dưới sự chỉ huy của Bonaventura Francisi giờ đây cung cấp thuốc phiện cho Hồng Hội dưới sự bảo trợ của Nhu. Trước đó, Hồng Hội phải mua thuốc phiện từ Lào và Băng Cốc để đưa về Sài Gòn. Năm 1963, Mỹ đã ngầm cho tay chân đảo chính lật đổ và giết chết Diệm, Nhu. Tuy nhiên, sau đó họ đã không tìm được một đối tác đáng tin cậy nào nữa cho chính quyền độc tài quân sự của họ.

Sau khi "Việt cộng" đánh bom CLB sĩ quan Mỹ ở Sài Gòn vào đêm Noel 1964 và Sứ quán Mỹ ngày 29/3/1965, Mỹ muốn dựng lại hệ thống của Ngô Đình Nhu. Người được lựa chọn là tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ với người thực thi là tướng Nguyễn Ngọc Loan, người sau này nổi tiếng thế giới khi dã man bắn chết một người bị nghi là "Việt cộng" trước ống kính của các nhà báo. Cuối năm 1965, Loan đã đưa 4 trong 6 băng đảng tội phạm của Sài Gòn vào hệ thống cai trị của mình. Không quân của chính quyền Sài Gòn đảm nhận việc chuyên chở thuốc phiện thay cho những người Corse cùng với các hãng hàng không do CIA chi phối là Air America, Continental Air Service và Lao Development Air Service.

Nhóm này xung đột quyền lợi với một nhóm xung quanh Tổng thống và người đứng đầu chính quyền quân sự Nguyễn Văn Thiệu và nhóm của Thiệu đã giành phần thắng năm 1968. Từ năm 1970, hêrôin cũng được bán đại trà cho binh lính Mỹ và tới mùa hè 1971 đã có tới 20% binh sĩ Mỹ bị nghiện hêrôin. Năm 1972 có khoảng 500.000 lính Mỹ đồn trú ở Nam Việt Nam thì có tới trên 100.000 người thường xuyên sử dụng hêrôin. Sau khi chính quyền ngụy Sài Gòn sụp đổ trước các lực lượng cách mạng ngày 30/4/1975, những nhóm Quốc Dân Đảng cuối cùng đã cùng với những người H'Mông chuyển đại bản doanh của họ sang miền bắc Thái Lan.

Bên cạnh việc buôn bán ma túy trên khắp thế giới và tống tiền các doanh nhân Trung Quốc, hội Tam Hoàng có một chân quan trọng trong các sòng bạc ở Ma Cao. Trên hòn đảo nhỏ chỉ với 470.000 dân này, vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, các sòng bạc là nguồn kinh tế chính. Sau khi Ma Cao được trao trả cho Trung Quốc năm 1999, việc đánh bạc ở đặc khu hành chính này không những không giảm mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2003, độc quyền tổ chức sòng bạc bị bãi bỏ, doanh thu của các sòng bạc năm 2006 đã tăng lên 22% thành 6,95 tỉ USD và lần đầu tiên vượt qua Las Vegas (Mỹ). Chỉ trong vòng 6 năm, số người tới các sòng bạc đã tăng lên gấp ba lần. Riêng trong năm 2006 đã có tới gần 20 triệu lượt người ở Trung Hoa đại lục tới đặc khu hành chính này để thăm và thử trò may rủi.

alt

Trước khi Trung Quốc thu hồi Ma Cao, đây là một trung tâm tội phạm có tổ chức ở châu Á. Hội Tam Hoàng làm chủ Ma Cao và quản lý các bàn đánh bạc có doanh thu cao tại các phòng VIP của sòng bạc Lisboa, nơi các con bạc sát phạt nhau tới bạc triệu USD và người ta "chiêu đãi" nhau gái đẹp và ma túy như các món "sơn hào hải vị". Ngay trước khi kết thúc chính quyền thuộc địa, các băng đảng Tam Hoàng đã kịch chiến trên đường phố để phân chia lãnh địa, làm hàng trăm người thiệt mạng. Cho tới khi Trung Quốc đưa quân vào, tình hình mới tạm lắng.

Tại Ma Cao, nhiều tập đoàn tổ chức sòng bạc là những doanh nghiệp có niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các sòng bạc có doanh thu nhiều nhất ở các bàn VIP, theo một người trong cuộc, các bàn VIP chiếm tới trên 70% doanh thu. Nhưng vì số lượng bàn đánh bạc tăng nhanh hơn thị trường nên cạnh tranh cũng gay gắt hơn và không phải lúc nào cũng bằng những phương tiện trong sạch. Năm 2006, Chao Yeuk-hong, nữ Giám đốc của phòng VIP Golden Palace trong sòng bạc Lisboa của trùm sòng bạc Stanley Ho, người nổi tiếng với biệt danh "Big Sister Cat", đã bị cắt cổ chết trong xe ô tô. Một nhà quản lý của một tập đoàn sòng bạc nước ngoài không muốn tiết lộ danh tính nói: "Trong vài năm qua có vẻ yên, nhưng tội phạm có tổ chức chưa bao giờ thực sự biến mất". Giờ đây, sự cạnh tranh gia tăng lại có thể làm sống lại các hoạt động tội phạm của hội Tam Hoàng.

Trong thời gian diễn ra World Cup ở Nam Phi mùa hè vừa qua, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã tiến hành lục soát hàng trăm sòng bạc và trung tâm cá cược ở Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan, Trung Quốc cũng như hai đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hồng Công và Ma Cao vì tình nghi cá cược bóng đá bất hợp pháp, bắt giữ trên 5.000 người và tịch thu khoảng 10 triệu USD. Tại các sòng bạc và trung tâm cá cược này, trong thời gian World Cup đã có 155 triệu USD được đưa vào cá cược. Giám đốc điều hành Interpol, Jean-Michel Louboutin, cho biết: "Những nhóm cá cược bóng đá bất hợp pháp này không chỉ có quan hệ rõ ràng với các băng đảng tội phạm có tổ chức, mà còn liên quan tới tham nhũng, rửa tiền và mại dâm". Đòn tấn công vào các tổ chức tội phạm này sẽ có tác dụng lâu dài.
 
Hội Tam Hoàng ở châu Âu

Khác với mafia Italia, thủ lĩnh của một hội Tam Hoàng không phải đứng đầu một hoạt động gia đình có thể bao quát được, bởi vì một hội Tam Hoàng có thể có tới 20.000 thành viên. Mặc dù hội Tam Hoàng được coi là hoạt động trên khắp thế giới, nhưng tại châu Âu, có lẽ chỉ có Scotland Yard, tổ chức cảnh sát Anh, là chuyên gia am hiểu về hội Tam Hoàng, vì Hồng Công - trung tâm đầu não của hội Tam Hoàng với ước tính có từ 50 tới 60 hội - từng là thuộc địa của Anh trong nhiều năm trời.

 Tại châu Âu, hội "Wo", hội Tam Hoàng lớn và mạnh nhất, có địa bàn hoạt động là Manchester, Anh từ những năm 1930. Hội "14 - K" hoạt động ở Hà Lan và hội "Big Circle" kiểm soát quận 13 ở Pari, Pháp. Hội Tam Hoàng nổi tiếng vì những biện pháp trừng phạt dã man đối với những thành viên có sai phạm. Mối lo ngại trên khắp thế giới ngày càng gia tăng về hoạt động của các hội Tam Hoàng. Hội Tam Hoàng không theo thứ bậc chặt chẽ. Đàn em không phải thông báo mọi hoạt động tội phạm và xin phép "đại ca". Thông thường, các ông trùm hoạt động hợp pháp như các doanh nhân thành đạt và chỉ can thiệp để hòa giải khi có xung đột. Hội Tam Hoàng hoạt động ở tất cả những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống. Các doanh nhân người Hoa thường là nạn nhân phải nộp tiền bảo kê. Ngược lại, các hội Tam Hoàng thường sử dụng các nhà hàng và công ty làm bình phong che giấu các hoạt động thực sự. Một trong những lĩnh vực hoạt động đặc trưng của chúng, kể cả ở Đức, là buôn lậu người.

Theo các nhà điều tra châu Âu, ví dụ như nhóm "Đầu rắn" sử dụng các kênh ở Đông Âu để đưa lậu những người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Cách đây 6 năm, hội "Wan-Kuok-Koi", một hội Tam Hoàng mạnh ở Ma Cao, được cho là đã tổ chức đưa 58 người Hoa quá cảnh qua nước Đức, những người sau đó bị phát hiện đã chết trong một container ở hải cảng Dover của Anh. Nhìn chung, giới chuyên môn cho rằng, các hội Tam Hoàng đang tăng cường chuyển sang Anh hoặc thành lập nhiều Chinatowns (khu phố Hoa kiều) trên khắp thế giới. Họ tăng cường tìm kiếm những kẽ hở luật pháp trên khắp thế giới, vì về lâu dài, việc thắt chặt luật pháp ở Hồng Công và Trung Hoa đại lục sẽ gây khó cho các tổ chức tội phạm như hội Tam Hoàng. Người ta cho rằng về trung hạn, những trùm hội Tam Hoàng sẽ tìm cách di cư ra nước ngoài, cũng như tăng cường hợp tác với tổ chức tội phạm Yakuza của Nhật Bản. Các hội Tam Hoàng ở Hồng Công đang làm chủ thị trường hêrôin ở Ôxtrâylia, Mỹ và Hà Lan, trung tâm buôn bán hêrôin của châu Âu.

Đối với các nhà chức trách châu Âu, việc điều tra rất khó khăn, vì ngôn ngữ bất đồng, các thành viên của các tổ chức này lại nói nhiều thổ ngữ khác nhau như tiếng Quan thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến... trong khi nhà chức trách có rất ít phiên dịch có thể tin cậy được. Thêm vào đó, các nạn nhân người Hoa bị tống tiền thường sợ không dám hợp tác với cảnh sát cũng như không dám ra làm chứng trước tòa. Vì vậy, ở Mỹ, người ta thường tạm giam các nhân chứng hoặc nạn nhân để họ khỏi biến mất trước khi phiên tòa được mở. Những nét đặc trưng châu Á này lại đi đôi với việc sử dụng những phương tiện hiện đại nhất. Các cuộc điều tra người Hoa ở Hà Lan cho thấy, họ rất cơ động và có một mạng lưới quan hệ hoàn hảo. Tổ chức này không chỉ hoạt động ở Hà Lan mà trên toàn châu Âu. Chuyên gia Willi van Mechelen trong Cục tội phạm có tổ chức của cảnh sát quốc gia Bỉ đã phải than vãn: "Chúng tôi không biết được gì về hoạt động của chúng nữa. Chúng tôi không còn tay trong ở tổ chức này. Tất cả đều đã chết!". Dù ở Soho của Luân Đôn, ở quận 13 của Pari, ở khu người Hoa tại Amxtécđam hay Rotterdam, ở Viên, ở Buđapét với tư cách là "thủ đô người Hoa ở châu Âu", hay ở các thành phố lớn của Đức như Frankfurt am Main, Hamburg, Munich, Béclin, dường như các nhà hàng Trung Hoa đều phải trả tiền bảo kê. Một nhà văn kể rằng ông nghe nói, nhà hàng nuôi càng nhiều cá thì phải trả tiền bảo kê càng nhiều, nên khi ông cố tình đếm cá trong bể để khiêu khích thì chủ nhà hàng phát hoảng. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi một vị khách đến một quán Trung Hoa ở Munich-Soelln, tình cờ biết được chủ quán phải nộp tiền bảo kê đã báo với cảnh sát, ít lâu sau, khi vị chủ quán này sang Hồng Công thì bị đánh chết.

Mặc dù các hội Tam Hoàng hoạt động kín đáo và những người liên quan phải tuyệt đối giữ im lặng, người ta vẫn biết chung chung về hoạt động buôn người trong nhiều năm, tham nhũng, rửa tiền, bắt nộp tiền bảo kê, đánh bạc bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Chúng cũng không ngần ngại đe dọa giết người. Để đưa lậu người vào châu Âu, chúng hào phóng quyên tặng để xây dựng quan hệ, mua chuộc các công chức tham nhũng để hợp pháp hóa giấy tờ cho những người nhập cư bất hợp pháp. Tại nhiều nhà hàng Trung Hoa, bên trên thì ăn uống bình thường, nhưng dưới nhà hầm là các trò đánh bạc bất hợp pháp và ở phòng bên phân phối ma túy (có trường hợp ma túy được giấu trong các quả bóng bàn).

Các chuyên gia cho rằng phải có một sự hợp tác tích cực trên bình diện quốc tế mới có thể đấu tranh có hiệu quả chống lại tội phạm có tổ chức ở châu Á. Vì vậy, xuất phát từ thành công của mô hình EUROPOL (Cảnh sát châu Âu) tại một hội nghị của UNAFEI (Viện châu Á và Viễn Đông của LHQ về ngăn ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội) tại Fuchu (Nhật Bản) năm 2000, các chuyên gia đã đề nghị thành lập ASIAPOL cho châu Á để thúc đẩy nhanh chóng việc liên lạc giữa các cơ quan điều tra trên toàn thế giới.
 
Cuộc săn đuổi tội phạm ở Trung Quốc

Tối 2/12/1997, gần nửa năm sau khi Anh trao trả Hồng Công cho Trung Quốc, có 60 người đàn ông bước vào quán "Ho Choi" trên bán đảo Kowloon của Hồng Công và ngồi xuống 8 chiếc bàn đã đặt sẵn. Dự kiến, sau bữa ăn, mọi người sẽ bàn về công chuyện làm ăn và chiến lược loại bỏ đối thủ. Tuy nhiên, trước khi món chính được đưa ra, cảnh sát đã ập tới và bắt giữ toàn bộ các vị khách tuổi từ 19 tới 45.

Một nguồn tin mật báo là nhóm "Hung" trong hội Tam Hoàng "14K" sẽ tụ tập tại đây để thảo luận về những vấn đề nảy sinh trong thị trường hêrôin. Nhóm này đã lo ngại nhận thấy rằng băng đảng "Chuen" đã tiếp quản được thị trường hêrôin trên đường Bedford. Chúng muốn bàn cách dằn mặt băng đảng đối địch. Các biện pháp thường dùng làâ đe dọa, đốt nhà, dùng dao rạch mặt đối phương cho tới giết người.

Những sự kiện xảy ra đêm đó cho thấy, thế giới ngầm của Hồng Công vẫn như xưa, cho dù Trung Quốc đã tiếp quản Hồng Công. Theo cảnh sát Hồng Công, tại đặc khu hành chính của Trung Quốc này có từ 50 tới 55 hội Tam Hoàng với khoảng 160.000 thành viên, ước tính khoảng 3% dân số. Theo ngôn ngữ hiện đại, người ta gọi họ là "Xã hội Đen", "Hội Đen".

Những hội Tam Hoàng quan trọng nhất là Sun Yee On với khoảng 40.000 thành viên, Sap Sie Kee hoặc 14K với 20.000 thành viên, Wo Shing Wo với 25.000 thành viên, Wo Lee Kwan, Wo On Lok, Ah Kong ở Xinhgapo, Tongs ở Mỹ... Chúng thường sử dụng cái gọi là ngân hàng ngầm để chuyển tiền thu được từ ma túy và tống tiền từ châu Âu sang châu Á và ngược lại.

Mặc dù các hội Tam Hoàng hoạt động rất kín đáo, nhưng trên thực tế, cảnh sát cũng biết được đôi điều về tên tuổi của những thủ lĩnh cầm đầu, biết được họ có một thủ quỹ. Nhưng họ khó biết cụ thể để làm bằng chứng. Francis Yim-fui Cheung, người đứng đầu cơ quan điều tra của Văn phòng chống tội phạm có tổ chức và hội Tam Hoàng của cảnh sát Hồng Công cho biết, mỗi năm cảnh sát cũng bắt giữ và kết án được một số thành viên hội Tam Hoàng. Nhưng đây cũng chỉ là những con cá nhỏ. Rất hiếm khi các nhà điều tra đạt được thành công lớn như năm 1993, khi họ gài được điệp viên "Ricky" vào mạng lưới "Sun Yee On", một tổ chức hội Tam Hoàng hùng mạnh ở Hồng Công và góp phần bắt giữ 107 người, trong đó có 56 người bị kết tội tù giam. Dần dần, 4 hội Tam Hoàng lớn nhất chia nhau những thị trường bất hợp pháp của thuộc địa trước đây, trong đó hội Sun Yee On kiểm soát 80% quán bar và các cơ sở trong khu giải trí Tsim Sha Tsui...

Những người hưởng lợi từ việc tống tiền các doanh nhân và sự phụ thuộc của các con nghiện thì cũng không ngại ngần trong việc bắt cóc trẻ em vào làm thuê cho chúng. Trong 9 tháng đầu năm 2009, có tới 2.420 trẻ em bị thông báo mất tích ở Hồng Công. Bọn tội phạm hoạt động rất xảo quyệt và tinh vi, vì hiếm khi một cảnh sát lại nghi ngờ rằng một học sinh mặc đồng phục, đi bộ tới trường hoặc bằng xe buýt lại là kẻ bán ma túy. Năm 2008, cảnh sát đã bắt giữ hai học sinh 11 tuổi đang vận chuyển ma túy từ quận Tuen Mun ở đông bắc Đặc khu này đi Mong Kok trị giá tới 350.000 đô la Hồng Công, trong khi chúng chỉ nhận được 200 đô la Hồng Công tiền công mỗi ngày.

Hoạt động của hội Tam Hoàng đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn đối với các nhà chức trách Trung Quốc. Tháng 10/2009, một phiên tòa đã được mở ra tại Chongqing để xét xử hai anh em sinh đôi Liu Bo và Liu Tao. Trong những năm qua, băng đảng của chúng đã nhiều lần gây náo loạn Chongqing khi chúng sử dụng gậy sắt và dao xông vào các sòng bạc và đe dọa các con nợ. Vụ án bắt đầu vào tháng 6/2009, khi cảnh sát lục soát một nhà máy vũ khí bất hợp pháp, tịch thu 1.700 khẩu súng lục và súng máy. Như một sự tình cờ, các nhà điều tra đã thành công trong việc giáng một đòn lớn vào mạng lưới bùng nhùng của hội Tam Hoàng. Và đột nhiên, nhiều mối liên hệ mới với nhà máy sản xuất vũ khí xuất hiện.

Theo "Thời báo Kinh tế Chongqing", có tới 25.000 cảnh sát được huy động tham gia cuộc điều tra và từ tháng 6 tới tháng 9 đã bắt giữ gần 5.000 người bị nghi là thành viên hội Tam Hoàng, trong đó có hàng chục chính khách cao cấp, 200 cảnh sát, nhiều thẩm phán và 3 nhà tỉ phú. Đây có lẽ là trường hợp tội phạm có tổ chức lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc được phát giác. Vụ việc này cũng làm hé lộ hậu trường trong guồng máy quan liêu của Trung Quốc, nơi các chính khách tỉnh và địa phương có thế lực cai trị như những lãnh chúa thời trung cổ mà không ai kiểm soát quyền lực của họ.

Wen Qing là người đứng đầu cơ quan tư pháp Chongqing và trước đó làm việc 16 năm trong ngành cảnh sát. Trong thời gian này, ít nhất y đã kiếm được 10 triệu euro thông qua các công việc làm ăn tội phạm như tổ chức mại dâm, hoạt động vận tải bất hợp pháp, buôn bán bất động sản, rửa tiền và hoạt động ngân hàng bất hợp pháp. Báo chí đã đăng tải những lời khai của Wen nói rằng đã buộc những trẻ vị thành niên phải quan hệ tình dục, trong đó có nhiều ca sĩ, diễn viên. Y cũng có mối quan hệ bất chính với người đứng đầu cảnh sát chống ma túy, người hiện nay cũng đang ngồi tù. Vì lý do an ninh, Wen không cất giữ tiền trong nhà. Sau khi y bị bắt, cảnh sát đã tìm thấy 2 triệu euro tiền mặt được cất giấu trong một hồ cá gần xa lộ đi sân bay.
 
Tội phạm có tổ chức và tham nhũng không chỉ có ở Chongqing. Năm 2008, thậm chí Huang Songyou đã bị bắt, vào thời điểm đó ông ta là Phó chánh án Tòa án Tối cao ở Bắc Kinh. Theo thông báo của cơ quan điều tra, Huang đã lạm dụng chức quyền để làm giàu cá nhân. Sau đó, Huang Songyou đã bị kết án tù chung thân.

Câu chuyện của Huang Guobi, 47 tuổi cho thấy vết sẹo còn lâu mới lành được. Cách đây 4 năm, chồng chị đã bị giết chết một cách dã man. Từ đó, bao giờ có vụ xét xử các thành viên hội Tam Hoàng, chị đều có mặt trước trụ sở tòa án. Chị chờ đợi Wang Lijun, người đứng đầu cơ quan điều tra mới của Chongqing, người được báo chí mô tả là người hùng trong cuộc đấu tranh chống hội Tam Hoàng. Mọi người tin tưởng Wang và hy vọng rằng anh ta có thể giải phóng thành phố khỏi tay hội Tam Hoàng. Nhưng Wang sống trong nguy hiểm, vì nghe nói hội Tam Hoàng đã treo giải rất cao cho cái đầu của anh.

Vũ Long(Tổng hợp theo các báo Đức)