Login Form

Số Người Truy cập

04236580
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
366
1003
3108
2586895
18186
15674
4236580

2024-04-25 08:10

Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại

Thế giới du đãng Sài Gòn Trước Năm 1975 (Kỳ II).

 

 ĐIỀN KHẮC KIM
Tên tướng cướp chuyên nhắm vào người Mỹ

      Trong thế giới du đãng Sài Gòn trước năm 1975, cái tên Điền Khắc Kim không làm kinh khiếp giới giang hồ như Đại Cathay hay Huỳnh Tỳ, nhưng lại làm mất ăn mất ngủ những gia đình người Mỹ sống ở Sài Gòn (cả quân sự và dân sự). Điền Khắc Kim “chinh chiến” một mình, không có “đồ đệ” như các trùm du đãng khác, vì vậy tên du đãng này được báo chí Sài Gòn thời ấy đặt cho cái tên “Tướng cướp cô độc”. Đặc biệt hơn mọi trùm du đãng khác, Điền Khắc Kim chỉ cướp của gia đình người Mỹ, xong cưỡng hiếp những phụ nữ Mỹ...

 

      Những phi vụ làm kinh hoàng người Mỹ

      Những năm cuối của thập niên 1960, dư luận và báo chí Sài Gòn được một phen xôn xao khi tại đây liên tiếp xảy ra những vụ cướp rất kỳ lạ, có cùng đặc điểm, chứng tỏ do cùng 1 người gây ra. Đó là, các vụ cướp chỉ nhằm vào các gia đình người Mỹ sống ở Sài Gòn. Đặc biệt, sau khi cướp của, hung thủ luôn giở trò đồi bại với người phụ nữ là chủ nhà (cũng là người Mỹ). Vụ cướp đầu tiên được ghi nhận vào giữa tháng 2/1968, tên cướp đột nhập vào nhà một kỹ sư công chính người Mỹ trên đường Trần Quang Khải. Tên cướp dùng súng khống chế bà vợ ông kỹ sư, cướp 5.000 USD và một số vàng, hột xoàn trị giá khoảng 17 triệu đồng. Giá trị tài sản bị cướp như thế là rất lớn vào thời đó, bởi lúc ấy vàng chỉ có 25.000đồng/lượng và 1 USD thì trị giá bằng 10 USD theo giá ngày nay. Sau khi dồn hết số tài sản cướp được vào bao tải, tên cướp bắt bà vợ Mỹ không còn trẻ trung gì của ông kỹ sư ra hãm hiếp.

Read More

      Mấy tháng sau, liên tiếp 3 vụ cướp tương tự được lặp lại, với cùng một kiểu cách. Đặc biệt là tên cướp rất liều lĩnh, khi các vụ cướp liên tiếp xảy ra tại cùng một cư xá Mỹ trên đường Trần Cao Vân, quận 1, gần hồ Con Rùa. Tên cướp đã lần lượt dọn sạch những tài sản có giá trị trong 3 căn hộ, với tổng số tiền bị cướp khoảng 11 triệu đồng. Cả 3 bà vợ Mỹ chủ nhà đều lần lượt bị tên cướp khống chế cưỡng hiếp, trong số ấy có một người tuổi đã lớn, dáng phốp pháp, không có gì gọi là hấp dẫn đàn ông. Nếu như vụ cướp đầu trên đường Trần Quang Khải chỉ được báo chí Sài Gòn đưa qua loa rồi thôi, thì đến 3 vụ cướp tiếp theo, báo chí đã khai thác mạnh, như là một hiện tượng. Đùng một cái, vào tháng 5/1969, đến lượt bà vợ của tay Giám đốc hãng sản xuất băng đĩa Columbia trở thành nạn nhân của một vụ cướp tương tự. Hôm ấy bà vợ Calorine ở nhà một mình tại nhà riêng ở Xóm Chùa, quận Bình Thạnh. Tên cướp bất ngờ xuất hiện, khống chế  bà chủ, lấy đi khoảng 8 triệu đồng và “cướp” cả tình.  Cả Sài Gòn xôn xao khi các tờ báo lớn đồng loạt giật tít đậm ở trang nhất về vụ cướp vừa mới xảy ra. Câu chuyện càng nhuốm màu huyền bí khi cảnh sát không lần ra chút manh mối nào về tên cướp, bởi hắn hành động cực kỳ xuất quỷ nhập thần. “Bóng ma cướp của – hãm hiếp” trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các gia đình người Mỹ hoặc các bà mệnh phụ giàu có có chồng là người Mỹ sống ở Sài Gòn.  An ninh tại nhà riêng và các cư xá Mỹ được tăng cường tối đa, người ta thuê hẳn các đội bảo vệ chuyên nghiệp trong lực lượng cảnh sát thay nhau canh gác 24/24 ở những nơi có đông gia đình người Mỹ sinh sống.

      Thế nhưng, dù vậy thì tên cướp vẫn cứ ung dung đột nhập vào những nơi có người Mỹ ở. Một ngày tháng 11/1969, tên cướp lại đột nhập nhà một gia đình chồng Mỹ vợ là gái bán bar người Việt ở cư xá Đô Thành. Sau khi khống chế cô chủ nhà xinh đẹp, lấy đi 6 triệu đồng, tên cướp bắt đầu giở trò đồi bại với cô gái, hắn sờ soạng khắp người, cởi áo nạn nhân... Thế nhưng, tên cướp chỉ “trêu hoa ghẹo nguyệt” một chốc rồi bỏ đi, không cưỡng hiếp nạn nhân như những lần trước. Khi bị tên cướp bất ngờ đột nhập vào nhà, dùng súng khống chế, cô gái chủ nhà đinh ninh rằng rồi mình cũng cùng số phận với nạn nhân các vụ cướp trước đó. Đến chừng thấy tên cướp “tha” không cưỡng hiếp, xách túi tiền bỏ đi, cô gái nạn nhân quá ngạc nhiên trước sự may mắn của mình, đã buột mồm hỏi: “Tên anh là gì?”. Câu hỏi bất ngờ làm tên cướp sững người lại, hắn nhìn cô gái, nghĩ ngợi vài giây, xong trả lời: “Điền Khắc Kim!”. Tên cướp còn “lãng mạn” mượn cô gái cây viết để viết cái tên Điền Khắc Kim ra giấy và ném lại cho cô gái. Xong hắn nói: “Cô may mắn đó. Tôi chỉ trả thù mấy thằng Mỹ chứ không trả thù người Việt” trước khi lao người ra ngoài đường.

Điền Khắc Kim

 Điền Khắc Kim và khu vực giam ngoài Côn Đảo

      Ngày hôm sau, trên trang nhất tất cả các tờ báo ở Sài Gòn đều chạy những hàng tít giật gân về vụ cướp nhà người Mỹ với cái tên Điền Khắc Kim thật to. Thế nhưng Điền Khắc Kim là ai, sau đó cảnh sát Sài Gòn tiếp tục bó tay với cái tên Điền Khắc Kim bí ẩn giữa thành phố 4 triệu dân này. Nhiều tờ báo đã nhảy vào làm loạt bài điều tra về tên cướp Điền Khắc Kim, họ thêu dệt thành nhiều chuyện kỳ bí, giật gân về tên cướp, để cuối cùng biện minh cho hành động làm nhục nạn nhân của Điền Khắc Kim ở các vụ trước đó là để “trả thù dân tộc (?!).

       Chuyện tình buồn trong khói pháo

      Mãi cho tới khi tên cướp bị bắt, người ta mới biết Điền Khắc Kim có tên thật là Lê Văn Minh, con trai thứ hai trong một gia đình nheo nhóc có bốn anh chị em ở làng Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp.

      Cái tên Điền Khắc Kim mà tên cướp xưng với “người đẹp” ngày nào, là do hắn đọc thấy ở đâu đó trong các cuốn truyện Tàu. Khi bị cô gái mà hắn tha không hiếp hỏi tên, Lê Văn Minh bị bất ngờ, không biết trả lời thế nào. Hắn không thể nói tên thật, mà không trả lời thì cũng “kỳ”, nên hắn bịa đại một cái tên Điền Khắc Kim để trả lời cô gái. Để rồi cái tên Điền Khắc Kim đi theo suốt cả đời tên cướp Lê Văn Minh (còn gọi Minh con). Minh “con” có tuổi thơ nhọc nhằn trong một xóm lao động nghèo ở Hạnh Thông Tây, dưới một mái nhà rách nát, lợp bằng những tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ, vách là những mảnh bìa carton... Vào mùa nắng, ngôi nhà của gia đình Minh “con” nóng hầm hập, còn mùa mưa thì dột nát, ngập nước như ở ngoài đường. Gia đình có bốn chị em, cha mất sớm, toàn bộ gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ ốm yếu. Mới chút tuổi đầu, Minh “con” phải hàng ngày dậy sớm phụ mẹ bán bánh mì. Tuổi thơ vất vả và thiếu thốn khiến Minh không lớn nổi, gầy gò, đen đúa, nên chúng bạn trong xóm đặt cho biệt danh là Minh “con”. Tất nhiên, Minh “con” cũng không được học hành gì, chỉ viết được tên mình cùng phép cộng trừ nhân chia. Cảnh nghèo, vất vả đã làm cho người mẹ khó tính hơn. Bà hay “phát” cho chị em Minh “con” những trận đòn mỗi khi có lỗi lầm dù lớn dù nhỏ. Mỗi lần Minh “con” bị đánh đòn, thường có một “cô bé nhà bên” lén nhìn vào trêu chọc, cặp mắt đen tròn của cô như làm cho Minh “con” quên bị đòn đau. Con bé ấy tên Nguyễn Thị Diễm, nhỏ hơn Minh “con” 1 tuổi. Nhà Diễm cũng nghèo, cũng sống cơ cực, nên nó cũng đen đúa, ốm đói như Minh “con”, nên dân trong xóm gọi nó là “Diễm đèo”. Diễm “đèo” và Minh “con” càng ngày càng thân nhau, cùng nghịch ngợm, nhiều khi cũng châm chọc nhau. Một lần bị Diễm “đèo” trêu chọc, Minh “con” tức lắm, rắp tâm tìm cách trả đũa. Làng Hạnh Thông Tây có nghề làm pháo gia truyền, quanh năm suốt tháng cứ đầy những tiếng đì đùng của pháo. Minh “con” nhặt pháo rơi rớt trong làng, cất để dành, chờ cho Diễm “đèo” đi ngang qua là đốt ném cho “biết mặt”. Diễm “đèo” sợ khóc thét lên, báo hại làm Minh “con” phải xin lỗi, dỗ dành. Cứ thế, hai đứa trẻ nghèo cứ lớn dần theo thời gian, tình cảm khác lạ trong chúng cũng đâm chồi, nảy nở theo tuổi tác...

      Năm Diễm “đèo” 16 tuổi, cũng là lúc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Khu vực Hạnh Thông Tây mọc đầy trại lính, sở Mỹ, cuộc sống sôi động và phức tạp hẳn lên.  Cái xóm nghèo của Minh “con”, Diễm “đèo” bắt đầu mọc lên những quán rượu, nhà chứa, snack-bar để lính Mỹ tiêu tiền mỗi khi lãnh lương. Tuổi 16, Diễm “đèo” dù chưa trở thành thiên nga xinh đẹp, nhưng cũng không còn là con vịt trời xấu xí. Mái tóc cô đã mượt hơn, làn da bớt đen đúa, môi ửng hồng, ngực đã chớm nở... Một ngày nọ, Minh “con” bỗng thẫn thờ khi nhìn thấy Diễm “đèo” lột xác thành một Hélen Diễm. Cô tiếp viên xinh đẹp của quan bar mới mở hàng ngày mặc váy ngắn cũn cỡn, cặp tay những tên lính Mỹ to con gấp đôi, đi vào trong snack-bar. Minh “con” cũng bị cuốn vào cuộc sống xô bồ, phức tạp đó, hắn trở thành một thằng ma cô chuyên dắt mối cho gái điếm. Làm ma cô phải làm luôn nhiệm vụ bảo kê cho gái điếm, Minh “con” bắt đầu biết đánh đấm, thậm chí đâm chém, đôi khi một mình đối đầu với cả băng giang hồ từ nơi khác kéo tới... Cậu bé hiền lành ngày xưa đã trở thành thằng Minh “con” ma cô lầm lì với vết sẹo dài vắt qua má trái hậu quả của một trận thư hùng. Tên tuổi của Minh “con” dần trở thành nỗi khiếp sợ của người dân khu vực Hạnh Thông Tây, ngã ba Chú Ía, vành đai sân bay Tân Sơn Nhất.

Báo chí Sài Gòn viết về Điền Khắc Kim

 in-khc-kim iii

                              Báo chí Sài Gòn đưa tin về Điền Khắc Kim

      Dù đã trở thành tay anh chị, nhưng Minh “con” vẫn không thể nào quên kỷ niệm tuổi thơ êm đềm với Diễm “đèo”. Một lần, Minh “con” đã chặn Hélen Diễm khi cô đang cặp kè với một tên lính Mỹ, hỏi thẳng: “Mấy thằng lông khỉ này có gì hay? Sao cô cứ đeo bám theo chúng?”. Bất ngờ bị Minh “con” chặn đường xúc phạm, Hélen Diễm tàn nhẫn trả lời: “Hỏi vô duyên. Hổng có gì hay, nhưng tụi nó có tiền! Anh có tiền như nó hôn, tui bỏ nó về với anh!”. Rồi Diễm cùng tên lính Mỹ bước vào quán bar, bỏ lại Minh “con” đứng ngơ ngác. Khoảng cuối năm 1967, Minh “con” chính thức bỏ nhà đi làm “giang hồ” ở khu chợ Dân Sinh, quận 1. Trước lúc ra đi, Minh “con” mua một phong pháo và tìm đến cái snack-bar nơi Hélen Diểm làm tiếp viên xin được gặp cô. Không nói không rằng, Minh “con” lôi phong pháo ra, cầm trên tay và mồi lửa. Pháo nổ tung tóe khiến cả quán bar nhốn nháo, nhưng Hélen Diễm thì không nhắm mắt, bịt tai hay bỏ chạy như ngày nào. Cô cứ đứng yên, ngó trân trân dây pháo nổ điếc màng nhĩ trên tay người bạn bụi đời. Pháo vừa dứt, Minh “con” không nói một lời, lặng lẽ quay lưng, bỏ lại một Hélen Diễm nước mắt ròng ròng trước cách tỏ tình có một không hai của thằng con trai hàng xóm.

      Chưa tới một tháng sau, Minh “con” tình cờ đọc trên mục “đua xe cán chó” của một tờ báo, thấy mẩu tin: “Một cô gái điếm cỡ 18 tuổi bị một toán lính Mỹ thay nhau hãm hiếp rồi lột truồng vứt xác ngoài bãi rác ở Gò Vấp”. Nhìn khuôn mặt nạn nhân, Minh “con” biết ngay là Diễm “đèo”. Hắn như điên dại, chạy như bay về Hạnh Thông Tây, cũng là lúc cỗ quan tài của Hélen Diễm vừa hạ huyệt! Mối tình đầu câm lặng của Minh “con” kết thúc quá bi thảm. Minh “con” càng trở nên lầm lì, hắn tìm mua một khẩu Colt 45 với mấy băng đạn giắt vào bụng rồi lặng lẽ đi vào trong đêm tối. Sau đó là hàng loạt các vụ cướp của, hãm hiếp nhắm vào gia đình những người Mỹ sinh sống trên đất Sài Gòn.

        Làm thủ lĩnh trong tù
       Sau vụ tự xưng là “Tướng cướp Điền Khắc Kim” một thời gian, vào tháng 5/1970, Minh “con” - Điền Khắc Kim lại đột nhập vào nhà một người Mỹ là Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần). Điền Khắc Kim đột nhập vào nhà lúc 2 vợ chồng người Mỹ đang ân ái. Tên cướp đã dùng súng khống chế, bắt trói người chồng, nhét giẻ vào miệng, xong đem nhốt vào nhà tắm, rồi thu gom tiền bạc, chuẩn bị giở trò đồi bại với bà vợ. Trong phòng tắm, tay giám đốc đã cởi được dây trói, chạy thoát ra ngoài gọi cảnh sát. Điền Khắc Kim bị bắt, phải ra tòa lãnh án 20 năm tù vì các lần cướp và hãm hiếp trước đó cộng lại.

      Trong trại giam Chí Hòa, dù Điền Khắc Kim không băng đảng, không phe phái nào, nhưng vẫn nghiễm nhiên được đám tù du đãng, trộm cướp xếp vào hàng “đại ca”. Chính sự liều lĩnh và những tiếng đồn “trả thù dân tộc” chuyên nhắm vào người Mỹ được các báo công khai thán phục đã làm cho Điền Khắc Kim nổi danh trong giới giang hồ, các băng đảng khác dù rất mạnh nhưng cũng nể phục Điền Khắc Kim. Nhờ được tôn là “đại ca” trong trại giam, Điền Khắc Kim đã lo lót cho các người cai ngục để mua được một tờ “giấy đi phép”, được tự do ra ngoài 12 hoặc 24 giờ, sau đó về trình diện. Lợi dụng “giấy đi phép”, Điền Khắc Kim đã trốn luôn, trở thành tên tù vượt ngục. Trốn khỏi tù, Minh “con” càng liều lĩnh hơn. Hắn đã mò ngày vào nhà một tên thiếu tá Mỹ để cướp và hiếp. Tên sĩ quan Mỹ đã kịp thời móc súng chống trả, Điền Khắc Kim bị trúng một viên đạn vào bụng, quỵ ngay tại chỗ và bị cảnh sát tóm cổ đưa vào Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Quân Y viện 175) để chữa trị theo chế độ đặc biệt của tù vượt ngục.  Với hình hài còn quấn đầy bông băng, ngay trước mũi của nhưng cảnh sát đứng gác ngày đêm, Điền Khắc Kim lại cưa còng trốn thoát khỏi bệnh viện.

      Khi vết thương còn chưa lành, Điền Khắc Kim lại đột nhập vào một nhà doanh nhân người Mỹ ở số 190 đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi), cướp được 5.000 USD và 20 triệu đồng. Cũng với trò cũ, sau khi gom tiền, hắn ra tay giở trò đồi bại người nữ chủ nhà. Bất ngờ ông chồng chủ nhà trở về. Một cuộc đọ súng đã nổ ra. Cả hai tay súng đều bị trúng đạn và đều nằm quỵ tại hiện trường, chờ cho cảnh sát tới tóm Điền Khắc Kim đem về nhà tù.  Vào tù, Điền Khắc Kim lại được bọn đầu trộm đuôi cướp trong tù tôn là “đại ca”, được đám cai ngục ở đây phong cho chức “thư ký đề lao”. Là “thư ký đề lao”, nghiễm nhiên Điền Khắc Kim trở thành vua một cõi. Trại giam Chí Hòa từ ngày có Điền Khắc Kim càng trở nên hỗn loạn; cảnh đâm chém, thanh trừng nhau diễn ra liên miên. Để đối phó, cuối năm 1974, chính quyền Sài Gòn tống những tên “đại bàng” của trại này sang quân lao Gia Định, trong đó có Điền Khắc Kim.

 

hunh t

Điền Khắc Kim và 2 con

                                       Điền Khắc Kim và 2 con

     Tại đây đã xảy ra một vụ đụng độ nảy lửa giữa Điền Khắc Kim và Lâm Chín ngón. Dù rất hung hăng, nhưng do nhỏ con, Điền Khắc Kim bị gã hộ pháp Lâm Chín ngón kẹp cổ, dùng bút máy đâm vào giữa trán, máu tuôn xối xả. Đầu năm 1975, Điền Khắc Kim và một loạt tù trọng án tại quân lao Gia Định bị chính quyền Sài Gòn đày ra Côn Đảo. Chỉ một thời gian sau là Côn Đảo giải phóng. Lợi dụng tình hình lúc tranh tối tranh sáng, Điền Khắc Kim và nhiều tên tù hình sự khác đã đánh lính gác, cướp súng chạy thoát ra ngoài.

      Kết cục bệ rạc của một huyền thoại   

      Trên đảo, Điền Khắc Kim xông vào khu gia binh, gây liền hai vụ cướp, xong rút lên núi trốn. Nhưng chỉ mấy hôm sau, Điền Khắc Kim đã bị lực lượng quân quản của đảo bắt giữ, đưa về đất liền, giam giữ tại trại giam Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Tại đây, vào tháng 5/1978, Điền Khắc Kim đã cạy vách nhà xí phòng giam trốn trại về Sài Gòn, ẩn náu tại nhà vợ bé của y ở đường Hưng Phú, quận 8. Minh “con” có vợ đầu là một phụ nữ bình thường nhà ở đường Tôn Đản, quận 4. Thế nhưng, tiền bạc cướp được, hắn chỉ ăn chơi, đập phá cho kỳ hết, chẳng giúp được gì vợ con, bỏ mặc vợ con sống nghèo khó.

       Năm 1969, trong một lần trốn sự truy lùng của Biệt đội hình cảnh Sài Gòn (chuyên bài trừ các băng du đãng ở Sài Gòn), tại khu vực Bến Tàu, quận 8, Minh con tình cờ gặp người con gái tên Phạm Thị Dung lúc đó đang bán dạo sương sâm. Tên tướng cướp Điền Khắc Kim gọi liền một lúc 10 ly sương sâm, rồi ngồi ăn cho bằng hết, bù lại cơn đói do tránh sự truy lùng của cảnh sát. Ăn xong hắn bảo với người bán: “Đói quá, tôi ăn sương sâm trừ cơm. Bữa nay không có tiền, em cho tôi thiếu, mai mốt muốn bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”. Cô gái bán sương sâm nghèo không nỡ làm dữ, chỉ im lặng thở dài và quảy gánh đi. Một thời gian sau, Điền Khắc Kim quay lại và đưa cho cô gái bán sương sâm một xấp tiền dày cộm bằng tiền lời cả năm buôn bán của cô. Hắn nói: “Để đó tôi ăn sương sâm trừ dần”. Rồi hắn lại bắt chị ngồi múc từ từ đủ 10 ly để hắn ngồi nhẩn nha ăn, vừa ăn vừa nói đủ chuyện, làm cô gái thấy có cảm tình với hắn. Không mất nhiều thời gian để cô gái bán sương sâm trở thành vợ hai của Điền Khắc Kim.

      Ở với nhau được một mặt con, cô gái bán sương sâm mới biết chồng mình đã có vợ con và là tên tướng cướp Điền Khắc Kim khét tiếng. Rồi “tướng cướp cô đơn” bị bắt, bị đày ra Côn Đảo biệt tăm, người vợ ở nhà kể như chồng đã chết, âm thầm nuôi con. Bất ngờ Điền Khắc Kim vượt ngục trở về từ Hậu Giang. Dù biết chồng là tên tù vượt ngục, nhưng người vợ không nỡ tố cáo. Ở nhà vợ nhỏ một thời gian, Điền Khắc Kim mò ra đường Hồ Văn Ngà, tìm một người bạn cũ nhờ tìm sinh kế. Hắn đã bị công an phát hiện và bắt giữ, sau đó bị đưa lên cải tạo tại trại Tống Lê Chân (Sông Bé). Ngồi trại đến tháng 7/1983, hắn lại trốn về Sài Gòn. Vừa đặt chân trở lại Sài Gòn, hắn đã một mình gây hàng loạt vụ cướp mới. Lần này, đa số nạn nhân của tên cướp hết thời đều là đàn bà, con nít, những kẻ yếu ớt, cô đơn. Một lần, vừa cướp được một chiếc xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì hắn bị công an vây bắt. Cùng đường, hắn kê súng vào bụng anh công an bóp cò nhưng đạn lép, không nổ nên bị tóm tại trận.

      Trở vào trại giam, cố hết sức, Điền Khắc Kim vận công, gồng bụng làm bục vết thương Mỹ bắn ngày nào. Được công an đưa vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu. 3 giờ sáng, lợi dụng lúc anh công an gác cửa ngủ gục, hắn lại bẻ còng trốn thoát. Tiếng tăm lẫy lừng là thế nhưng đoạn cuối cuộc đời ngang dọc, Điền Khắc Kim đã tự biến mình thành một tên lưu manh mạt hạng.  Không còn những vụ đột nhập xuất quỉ nhập thần, không còn các phi vụ rượt đuổi và đấu súng dữ dội, cái còn lại của hắn chỉ là những vụ trộm cắp, cướp giật vặt vãnh của một tên hạ lưu bần tiện.

      Lần cuối cùng, hắn bị dân phòng phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh tóm cổ trong đêm khi đang tẩu tán một chiếc xe đạp và mớ quần áo cũ do một đàn trộm được ở một căn nhà bên cầu Rạch Ông, quận 8 vào tháng 4.1985. Khi người vợ nhỏ dẫn 3 đứa con nhỏ vào trại giam thăm nuôi, Điền Khắc Kim đã ngượng ngùng cúi mặt. Những thương tích trong cuộc đời “tướng cướp cô đơn” đã bắt đầu hành hạ Điền Khắc Kim, để rồi hắn trút hơi thở sau cùng vào năm 1986 tại trại giam Chí Hòa.

      Ban đầu, Minh “con” trở thành hung thần, chuyên cướp, hiếp những người Mỹ giàu có khởi nguồn từ cái chết bi thảm của Hélen Diễm, mục đích chính là để trả thù.  Từ đó mà tiếng tăm của hắn nổi như cồn. Thế nhưng, sau này, Điền Khắc Kim đi cướp chỉ vì một mục đích duy nhất là kiếm tiền ăn chơi phè phỡn. Diễm “đèo” chỉ là kỷ niệm thoáng qua, một màn sương mờ cay nồng khói pháo trong thời thơ ấu và tuổi mới vào yêu. Càng về sau tên “tướng cướp cô đơn” càng trở nên bệnh hoạn, làm nô lệ của đồng tiền. Người ta kể rằng, mỗi lần cướp về, hắn thường xổ tung tiền, vàng cho chúng bay vung vãi khắp nhà rồi nằm lăn lộn trên đó để tìm khoái cảm. Hoặc hắn trải đầy tiền vàng ra dưới tấm drapp để “nằm cấn lưng nghe kêu rột rột đã tai chơi”. Kết cục của cuộc đời Điền Khắc Kim là không thể khác hơn!

 Mời các bạn bấm  vào chữ Next phía dưới để xem tiếp bài viết.

 

 

LÂM CHÍN NGÓN
Bức chân dung “hoàn hảo” du đãng Sài Gòn

      Du đẵng ở Sài Gòn trước năm 1975 có đến hàng ngàn, du đãng có "số má" cũng lên đến hàng chục, hàng trăm. Nhưng những tên du đãng để lại dấu ấn đậm trong thế giới giang hồ Sài  Gòn chỉ khoảng 10 người. Cò những tên du đãng khét tiếng cả trước và sau năm 1975 chỉ có vài người, trong đó có Lâm "chín ngón" và Năm Cam. Lâm "Chín ngón" có "duyên nợ" cả với trùm du đãng trước năm 1975 là Đại Cathay và với trùm xã hội đen xau này là Năm Cam. Nếu như Đại Cathay đưa Lâm "Chín ngón" lên hàng "chiếu trên" của thế giới giang hồ Sài gòn thì Năm Cam đã đặt dấu chấm hết cuộc đời du đãng của  Lâm Chín ngón với cú tạt a xít kinh hoàng. Lâm Chín ngón cũng là tội  phạm ở tù "xuyên" 2 thời kỳ, trước và sau năm 1975, mỗi thời kỳ trên dưới 10 năm...

      Người ơn của Đại Cathay

       Lâm Chín ngón tên thật là Lê Ngọc Lâm. Trong một lần liều chết để cứu “chủ tướng” là Đại Cathay, Lâm đã bị đối phương chém rùng 1 ngón tay, hai bàn tay chỉ còn lại 9 ngón, vì vậy mà có biệt danh “Lâm Chín ngón”. Sinh năm 1945 tại Hà Tây, trong một gia đình Công giáo, Lâm đã cùng gia đình di cư vào Năm lúc mới 9 tuổi. Tại Hố Nai (Biên Hòa), gia đình Lâm đã gặp nhiều biến cố, suy sụp, mới 12 tuổi Lâm đã bị xô ra xã hội, rồi được đưa vào làng cô nhi Thủ Đức, nơi nuôi dạy những đứa trẻ lang thang, không nơi nương tựa. Tại làng cô nhi, Lâm tiếp tục được học đến “tú tài”, nhưng cũng nơi đây đã “dạy” cho Lâm làm “giang hồ vặt” khi Lâm cũng những đứa trẻ cô nhi khác đã lân ra ra ngoài nhập vào đám quân bụi đời, bán báo trước làng cô nhi... Những trận đụng độ xảy ra như cơm bữa đã biến Lâm từ một cậu bé sùng đạo, hiền lành thành một kẻ ngang tàng, bất chấp và rất lì đòn.

       Năm 1963, Lê Ngọc Lâm bị bắt quân dịch. Trong thời gian “ba tháng quân trường”, Lâm đã bỏ trốn về Sài Gòn sống lang thang, được Đại Cathay nhận vào băng du đãng mới nổi lên ở khu Da Heo quận 1. Có chút học thức, đánh đấm giỏi, lại lỳ đòn, Lâm nhanh chóng được Đại Cathay tin dùng trong các trận thư hùng nhằm tranh giành lãnh địa. Không bao lâu, Lâm trở  thành trợ thủ đắc lực của Đại. Một lần, Đại Cathay dắt quân tập kích vào khu vực rạp Hào Huê ở quận 5, là lãnh địa của băng du đãng Hắc Đạo người Hoa do Tín Mã Nàm làm thủ lĩnh. Băng Hắc Đạo không đương đầu nổi với băng của Đại Cathay, nên bỏ chạy. Say men chiến thắng, Đại bị băng Hắc Đạo dụ chạy sâu vào trong các con hẻm, sau đó hạ cửa sắt bít đường rút đầu các hẻm lại và phản công. Băng của Đại Cathay chỉ khoảng 10 người, trong khi băng của Hắc Đạo mấy chục tên với đủ thứ “đồ chơi”. Đại và các “chiến hữu” rơi vào cửa tử, bị đánh, chém tơi tả, chống cự trong vô vọng. Trong lúc bế tắc, Lâm đã liều chết mở đường máu, tiếp cận được cửa hậu, dùng “đại dao” chém đứt được sợi dây xích khóa cửa, rồi tả xung hữu đột giúp Đại Cathay tháo chạy thoát thân. Trong trận này Lâm bị chém rớt ngón cái trên bàn tay phải, biệt danh Lâm Chín ngón bắt đầu từ đó, do chính Đại Cathay đặt.

      Không chỉ 1, mà đến 2 lần Lâm cứu Đại Cathay thoát chết. Lần sau là vào năm 1966, tại nhà hàng Olympic, Đại Cathay và các “chiến hữu” bất ngờ bị đám vệ sĩ của tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan tấn công bằng vũ khí “nóng” (dùng súng). Đại Cathay bị bắn bể đầu gối, nằm quỵ xuống sàn, Lâm Chín ngón đã lấy thân che đạn cho “chủ tướng”, vừa bắn chặn đối phương, rồi dìu Đại Cathay thoát khỏi “chiến địa” nồng nặc mùi khói súng. May mắn Đại Cathay và Lâm Chín ngón khi người tài phán của vũ trường đã cắt cầu dao điện, cả vũ trường chìm trong bóng tối, những làn đạn đan xen nhau trong bóng đêm, nhờ vậy mà Lâm Chín ngón và Đại Cathay mới thoát thân được an toàn. 

alt

                                        Lâm Chín ngón thời trẻ

      Cuối năm 1966, Tổng giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành – chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan - mở chiến dịch bài trừ du đãng. Hàng loạt du đãng cộm cán ở Sài Gòn bị bắt, trong đó có Đại Cathay và Lâm Chín ngón. Cả bọn bị chở ra “Trung tâm cải huấn” trên đảo Phú Quốc, nơi được giới tội phạm đặt lại tên là Trại Cửu Sừng, lấy tên một quân bài trong bộ bài mạt chược. Đầu năm 1967, Đại Cathay cùng một nhóm tù du đãng tổ chức vượt ngục với kế hoạch khá mạo hiểm và chu đáo, sau khi thoát khỏi trại sẽ có tàu cao tốc đón đưa về đất liền. Biết cuộc vượt ngục này “lành ít dữ nhiều”, Đại Cathay không muốn cho Lâm Chín ngón, người ơn đã 2 lần cứu Đại thoát chết, tham gia. Theo ý của Đại, nếu lỡ “có bề nào” thì “sự nghiệp” của Đại cũng còn có người đáng tin cẩn là Lâm Chín ngón nối nghiệp. Trước khi chia tay không biết là sinh ly hay tử biệt, Đại bắt Lâm thề phải bỏ ma túy, đồng thời tự tay Đại chích 1 liều ma túy cuối cùng cho Lâm Chín ngón. Liều ma túy nặng gấp đôi bình thường ấy đã làm Lâm say ngủ như chết và nằm lại trại, đến ngày hôm sau khi tỉnh dậy thì Lâm nhận được hung tin: Đại Cathay và gần một chục tên vượt ngục khác sau khi ra khỏi trại đã bị phát hiện và truy sát, tất cả đều bị bắn chết.

       Về sau, Lâm mới biết rằng chính tướng Nguyễn Ngọc Loan đã “gài” vụ cượt ngục này để ra tay hạ sát Đại Cathay vì Đại đã dám “vuốt râu hùm” – hạ sát một cận vệ của Nguyễn Ngọc Loan ở Sài Gòn.

      Trong tù 2 lần giết người

       Sau khi Đại Cathay bị bắn chết ở Phú Quốc, Lâm Chín ngón ở tù thêm một thời gian, cuối năm 1969 được thả ra. Trở về đất liền, băng du đãng của Đại Cathay đã tan rã, không còn chỗ cho Lâm Chín ngón dựa, “người kế thừa sự nghiệp Đại Cathay” không đủ sức xưng hùng, xưng bá để thu thuế, lấy xâu như trước nữa.

      Lâm Chín ngón trở lại thế giới du đãng bằng nghề đi cướp đường bằng xe gắn máy. Chẳng bao lâu, đường phố Sài Gòn đã bị ám ảnh bởi một tên cướp chạy xe như bay, thách thức lực lượng cảnh sát. Lâm đi cướp bằng xe Honda 67, loại mới nhập cảng vào Sài Gòn, Lâm đem về “đôn dên” để tăng dung tích xi lanh cho xe. Tốc độ thiết kế của xe Honda 67 tối đa là 90km/h, Lâm Chín ngón “cải tiến” nâng lên ngoài 100km/h, các phương tiện giao thông chuyên dùng của cảnh sát cũng phải chào thua. Lâm Chín ngón thường ra tay cướp của ở trước cửa các ngân hàng, nạn nhân là những người vừa lĩnh tiền từ ngân hàng ra.

      “Ăn bay” được đúng 1 năm, vào cuối năm 1970, Lâm Chín ngón đã xui rủi va chiếc xe Honda 67 vào chiếc xe xích lô khi hắn đang cố chạy thoát sau 1 vụ cướp. Chiếc xe bị ngã ra đường, Lâm chưa kịp bò dậy chạy tiếp thì cảnh sát đã ập đến, bắt Lâm tống vào trại giam Chí Hòa. “Kinh nghiệm” ở tù ngoài Phú Quốc trước đó đã giúp Lâm Chín ngón nhanh chóng trở thành “đại bàng” trong trại giam. Cảnh sống trong tù và ngoài đời đối với Lâm Chín ngón không mấy khác nhau, tức cũng cướp bóc, ăn nhậu, bài bạc, hút sách... “Đại bàng” mới Lâm Chín ngón vào trại đã sớm đụng chạm với những “cựu tù” có số má trong khám Chí Hòa, bắt đầu xảy ra những cuộc đâm chém tranh giành ngôi vị, lãnh địa trong trại giam. Giám thị, cai tù thì bị vô hiệu hóa bởi “đạn” bắn từ bên ngoài – người thân của các “đại bàng” dùng tiền mua chuộc giám thị, cai ngục. Trong trại giam Chí Hòa không thiếu thứ gì, bên ngoài có gì thì trong trại giam cũng có thứ ấy, nếu như người tù có nhu cầu và có tiền. Thậm chí có lần Lâm Chín ngón chơi ngông, đặt tiệc ở nhà hàng bên ngoài, họ mang vào tù tất cả những món ngon vật lạ bảo đảm vẫn còn nóng sốt.

      Trại Chí Hòa lúc đó có khoảng 2.000 phạm nhân. Rất nhiều người trong họ là đệ tử của “nàng tiên nâu” lúc ở ngoài đời, khi vào tù họ cũng có nhu cầu hút chích. Bán thuốc phiện ngoài đời đã siêu lợi nhuận, bán “cái chết trắng” trong tù lại càng lời “khủng”. Lâm Chín ngón độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, sau đó mon men mở rộng lãnh địa ra toàn trại giam Chí Hòa. Lúc ấy, ở khu AB quyền cung cấp thuốc phiện thuộc về một “đại bàng” có tên là Chương khùng. Bị Lâm Chín ngón tranh giành chuyện làm ăn trong tù, Chương “khùng” tức tối chuẩn bị kế hoạch xử Lâm Chín ngón. Một buổi chiều, khi Lâm Chín ngón đang chơi bóng chuyền ở sân trại, một đàn em cấp báo cho y biết có Chương “khùng” tới tìm. Bỏ ngang trận đấu bóng chuyền, Lâm Chín ngón ra cửa gặp Chương “khùng”. Một cuộc tỉ thí đã xảy ra, phần thắng thuộc về Lâm Chín ngón, Chương “khùng” thua trận bỏ chạy về “méc” cho đại ca của mình là Cương Võ sĩ. Cương võ sĩ tên thật Vũ Đình Cương là một võ sĩ quyền anh nổi danh khắp miền Nam, qua cả Campuchia. Cương bị bắt vì tội buôn ma túy. Là một võ sĩ, lại là em ruột của Sơn Đảo, một trùm du đãng ở Sài Gòn thời bấy giờ ở bên ngoài, nên trong tù uy thế của Cương rất lớn, trở thành trùm du đãng trong trại Chí Hòa. Khi các băng nhóm trong trại có xích mích, chỉ cần Cương đứng ra nói một lời là tất cả đều răm rắp tuân theo. Tuy nhiên, Cương ít khi lộ diện đâm chém, vì vậy nên y mới được gán cho biệt danh “Hiệp sĩ trong bóng tối”.

Thấy đàn em tên Chương “khùng” ôm đầu máu chạy về vì bị Lâm Chín ngón hạ thủ, Cương võ sĩ tức giận chửi: “Đ.M nó! ở đây tao là đàn anh hay thằng Lâm là đàn anh? Nó muốn qua mặt tao hả, để tao cho nó một bài học!”. Cương hùng hổ dẫn một mấy đệ tử sang khu FG để hỏi tội Lâm Chín ngón. Phần Lâm Chín ngón, sau màn ra tay khá nặng với Chương “khùng”, đang ngồi nghỉ thì một tên đàn em chạy vào cấp báo có Cương võ sĩ đến hỏi tội. Lâm Chín ngón lặng lẽ đứng dậy, nhét con dao lá lúa vào người, rồi đi ra cửa khám. Chạm mặt nhau, Cương Võ sĩ hất hàm hỏi: “Ở đây mày với tao ai là đàn anh?”. Không đợi Lâm trả lời, Cương Võ sĩ ỷ thế giỏi võ đã tung ngay một cú đấm như trời giáng vào mặt Lâm. Dù đã có ý đề phòng, nghiêng người né tránh, nhưng cú đấm của Cương Võ sĩ quá chuyên nghiệp, nên Lâm cũng bị dính đòn sượt ngang mặt. Cú đấm quá mạnh không thật trúng đích đã làm Cương Võ sĩ bị lỡ đà, ngã chồm về phía trước. Lâm Chín ngón lợi dụng khoảnh khắc đó, chộp cổ áo Cương Võ sĩ và rút dao... Những đàn em của Cương Võ sĩ chỉ kịp thấy ánh thép lóa lên, tiếp theo là tiếng “ực” rất gọn của Cương Võ sĩ, tên trùm du đãng trong trại giam Chí Hòa ngã vật ra sàn, chết ngay lập tức vì nhát dao đâm trúng tim. Lâm Chín ngón trước khi đưa tay cho cai ngục dẫn đi về trại biệt giam, còn kịp nhắn lại: “Tôi không cố ý, tại anh Cương... Thôi, anh em thắp cho ảnh mấy nén nhang giùm tôi”.

      Tên trùm du đãng Sơn Đảo (tức Vũ Đình Khánh) bên ngoài nhận được hùng tin đứa em ruột bị giết chết trong trại giam Chí Hòa, đã tức lồng lộn, thề: “Tao mà không giết được Lâm Chín ngón thì sẽ từ bỏ thế giới giang hồ!”. Sơn Đảo âm thầm lên kế hoạch giết Lâm Chín ngón: Gửi sát thủ từ bên ngoài vào hoặc nhờ một tay giang hồ nào đó trong trại Chí Hòa giết chết Lâm Chín ngón. Cuối cùng, Sơn Đảo chọn phương án 2, tức người trong tù. Đó là Nguyễn Văn Hoàng, tự Hoàng “đầu lâu”, vì trên bả vai của y có xăm hình chiếc đầu lâu. Hoàng Đầu lâu võ nghệ cao cường, mang đai đen tứ đẳng Taekwondo, từng thượng đài lúc chưa vô tù. Sơn Đảo tiếp cận Hoàng “đầu lâu” bằng cách bỏ tiền mua một căn nhà mặt phố nhỏ đem tặng cho vợ con Hoàng đang sống chui rúc trong nhà trọ nơi hẻm sâu ở quận 8. Sau đó Sơn Đảo lại sang một sạp vải ở chợ cho vợ Hoàng đứng bán, làm kế sinh nhai. Chỉ cần như thế, Hoàng “đầu lâu” trong tù đã chấp nhận thực hiện yêu cầu của Sơn Đảo. Lúc ấy, Hoàng “đầu lâu” đang mang án tù nhẹ, không chung khu giam giữ với tù trọng án, nên không thể tiếp cận được Lâm Chín ngón. Sơn Đảo đã dày tổ chức cho Hoàng phạm tội ngay trong tù để thành tù trọng án. Lúc ấy, trong trại Chí Hòa có một cai ngục là trung sĩ Cách rất hống hách, ăn chặn tiền bạc, đồ ăn của tù nhân. Hoàng “đầu lâu” đã đón chặn trung sĩ Cách chém rớt sóng mũi của y, máu tuôn xối xả, trung sĩ Cách ôm mặt quằn quại... Sau đó, Hoàng “đầu lâu” nghiễm nhiên trở thành tù trọng án. Ở bên ngoài, Sơn Đảo tiếp tục bung tiền lo lót với giám thị, cai tù để cho Hoàng “đầu lâu” chuyển sang ở cùng một buồng giam với Lâm Chín ngón.

       Từ sau khi giết Cương Võ sĩ, Lâm Chín ngón hình dung rằng thế nào Sơn Đảo ở ngoài cũng tìm cách trả thù. Vì vậy mà khi theo dõi câu chuyện Hoàng “đầu lâu” chém trung sĩ Cách, rồi bất ngờ tên tội phạm này được đưa về giam chung buồng với mình, kèm theo những lời thì thào to nhỏ trong đám giang hồ trong trại giam, Lâm thừa biết Hoàng sắp giết ai. Lâm Chín ngón âm thầm chuẩn bị cho cuộc tỉ thí. Lâm nhờ đàn em kiếm một chiếc quai đeo ba lô hình chữ X bằng inox đem vào trại giam. Chờ lúc Hoàng “đầu lâu” ra khỏi phòng, Lâm lấy thanh inox ra mài xuống sàn xi măng thành một lưỡi dao nhọn. Xong Lâm nhờ người mua cho mình một chai rượu Remy Martin về mời Hoàng “đầu lâu” nhậu. Không chút suy xét, Hoàng “đầu lâu” nốc rượu thoải mái sau bao ngày nhịn thèm. Say rượu, Hoàng “đầu lâu” nằm lăn ra ngủ. Lâm Chín ngón lẵng lặng nấu nồi nước “để tắm”. Khi nước vừa sôi, Lâm bê nguyên cả nồi đổ ụp xuống mặt Hoàng “đầu lâu”, xong rút dao tự chế đâm Hoàng “đầu lâu” tổng cộng 37 nhát, cho đến khi nạn nhân tắt thở. 

      Khi Lâm Chín ngón đến báo mình đã giết người, viên cai ngục đang ngủ gà ngủ gật vẫn không tin. Đến khi chạy vào, nhìn xác Hoàng đẫm máu nằm thẳng đơ trên nền gạch, ông ta mới thất kinh hỏi Lâm Chín ngón: “Sao mày lại giết nó?”Lâm Chín ngón vứt dao, chùi máu đính trên tay, thản nhiên trả lời: “Tôi không đâm nó, nó cũng giết tôi! Tôi không còn con đường nào khác để chọn”. Lâm Chín ngón lại bị tống vào biệt giam. Ở bên ngoài, Sơn Đảo lại lồng lộn thề thốt sẽ tìm cách giết Lâm Chín ngón cho bằng được. Nhưng chưa kịp nghĩ ra cách nào giết Lâm thì chính Sơn Đảo đã bỏ mạng bởi một đàn em làm phản. Trong tù hay tin, Lâm Chín ngón thở phào.

       Người chủ quán thịt chó

       Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lâm Chín ngón đang trong trại giam. Lâm Chín ngón tiếp tục sống trong trại giam từ Chí Hòa, đi Côn Đảo, về trại cải tạo Cà Mau, sang Trại Z30D Hàm Tân, Bình Thuận, lại chuyển qua trại Phú Sơn, Phú Khánh.
       Năm 1988, Lâm Chín ngón được trả tự do sau 18 năm ở tù qua 2 thời kỳ. Trở về đời thường, Lâm tỏ ra chí thú làm lại cuộc đời. Năm 1993, Lâm cưới vợ và sinh con, cùng vợ mở một quán thịt chó bình dân trên đường 3-2, quận 10 TP.HCM. Tưởng như tên trùm du đãng ngày nào giờ đã lo chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ. Nhưng, nghiệp chướng tiếp tục đeo bám, không để cho Lâm an phận với cuộc hoàn lương. Một ngày cuối năm 1994, có 3 tên “xã hội đen” còn trẻ là chỗ quen biết vào quán thịt chó của Lâm ăn nhậu. Rượu vào, lời ra, bọn chúng kể cho Lâm nghe một “phi vụ” mà chúng vừa thực hiện: Bảo kê các cảng cá Vũng Tàu, Long Hải và Phước Tĩnh. Có tiền, bọn chúng đã “đập phá” ở thành phố biển, bị công an tạm giam và tịch thu xe... Bọn chúng nhờ “anh Lâm” xuống Vũng Tàu xin lại xe máy chúng. Vào một ngày Tết năm 1994, Lâm cùng ba tên xuống Vũng Tàu.

      Dù đã “gác kiếm từ lâu”, nhưng uy danh của “Lâm Chín ngón” vẫn chưa phai trong giới xã hội đen ở Vũng Tàu, nhờ vậy mà y không khó nhờ “anh em” giúp xin lại được mấy chiếc xe. Để trả ơn, mấy tên “đàn em” đã bao cho “đại ca Lâm” ăn chơi mấy ngày và chính thức mời “anh Lâm” xuống Vũng Tàu hợp tác “làm ăn”. Thấy nguồn lợi quá lớn, so với quán thịt chó kiếm “bạc cắc” hàng ngày, Lâm Chín ngón đồng ý. Ở Vũng Tàu, sự có mặt của Lâm Chín ngón đã khiến các băng nhóm lưu manh khác khiếp vía, dạt ra hết, tạo điều kiện cho Minh Samasa và Dũng Ba lém tha hồ độc chiếm cảng cá, tha hồ nâng hạ giá, bán mua tùy ý để làm giàu. Đổi lại, Lâm Chín ngón chỉ việc chường mặt ra cảng cá nhưng không phải mó tay vào bất cứ việc gì, mọi chi phí ăn uống chơi bời đều được “bao cấp”, kèm số lương 5 triệu đồng một tháng. Thấy đất Vũng Tàu làm giàu quá dễ, Lâm Chín ngón nảy ra ý đồ làm ăn riêng, tranh giành lãnh địa cho riêng mình. Tuy có “số má” nhưng thế cô, Lâm Chín ngón không đương đầu nổi với đám giang hồ Vũng Tàu, nên chỉ một thời gian Lâm bị đánh bật, phải trở về với quán thịt chó ở Sài Gòn.

      Bất ngờ, vào khoảng 8 giờ tối ngày 14.7.1999, khi Lâm chở vợ và đứa con trai 6 tuổi đi ăn ở quán Lồi (cư xá Bắc Hải, quận 10), tai họa đã ập xuống và chôn vùi vĩnh viễn tương lai của Lâm Chín ngón. Khi Lâm vừa dựng xe cho vợ con bước xuống, một kẻ lạ bất ngờ tạt thẳng vào mặt Lâm một ca đầy a xít. Lâm đau đớn, ôm mặt ngã xuống mặt đường quằn quại. Trận đòn thù quá hiểm ác, làm Lâm biến dạng toàn bộ khuôn mặt, hai tai rụng, mũi rụng, cằm chảy ra dính chặt vào ngực, hai mí mắt cũng chảy ra dính vào nhau, bịt kín con mắt, hai mắt gần như mù lòa...
Dù vậy, Lâm Chín ngón không cho vợ con, gia đình thưa, báo công an. Lâm cho rằng, tai vạ xảy ra chính là nghiệp chướng mà anh ta đã vay thì phải trả. Thậm chí, anh ta cho rằng kẻ hại mình đã chơi đúng luật giang hồ, chỉ xử Lâm chứ không hề đụng đến vợ con y... 

5-cam lm

                        Năm Cam và sản phẩm của cú ra đòn...

      Thật ra, Lâm Chín ngón biết rất rõ ai là kẻ ra tay hại mình, nhưng vì để giữ sự bình yên cho vợ con, Lâm đành ôm hận, nín lặng. Mà nếu muốn làm gì thì Lâm cũng cũng có đủ lực, trong khi người ám hại Lâm lại là một trùm giang hồ mới. Cho đến tháng 12.2001, khi Năm Cam bị tóm cổ, Lâm Chín ngón đã lập tức tìm đến cơ quan công an để tố cáo chính Năm Cam là kẻ chủ mưu trong vụ tạt a xít ám hại Lâm. Toàn bộ sự thật đã được phơi bày. Năm 1988, khi Lâm Chín ngón được trả tự do trở về Sài Gòn, chính Năm Cam đã dang tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho Lâm sinh sống, cưới vợ. Vậy mà, sau khi bị đám giang hồ đánh bật khỏi các cảng cá ở Vũng Tàu, nghi là có bàn tay của Năm Cam, Lâm Chín ngón đâm hận Năm Cam và “lấy oán trả ân”. Về thành phố Hồ Chí Minh, đi đâu Lâm cũng rêu rao thoá mạ, công khai chửi bới, coi thường uy thế của Năm Cam. Thậm chí có lần, vào năm 1998, Lâm chủ động mời Năm Cam (cùng nhiều tay trong giới xã hội đen) đến một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo ăn nhậu. Khi Năm Cam bước vào, những tên thuộc hàng đàn em đều nhất loạt đứng lên chào “anh Năm”. Bất ngờ, Lâm Chín ngón gầm lên: “Thằng Năm Cam là cái đếch gì mà tụi bay phải bợ đỡ. Tao coi nó là cái đinh. Đ.M, thằng nào quị luỵ Năm Cam thì đừng coi tao là đàn anh nữa!”.Bất ngờ bị Lâm Chín ngón chửi bới, hạ nhục, nhưng Năm Cam vẫn tươi cười: “Anh Lâm say rồi! Tôi cũng hơi mệt, thôi anh em ngồi chơi, tôi về trước”.

       Ngày 11.7.1999, Năm Cam cho gọi Dung Hà đến nhà riêng để nhờ “dạy” Lâm Chín ngón một bài học. Dung Hà nhận lời, tức thì Thọ Đại úy (cháu Năm Cam) mang về cho Dung Hà một can a xit đậm đặc...Sau đó 3 ngày sau, Lâm Chín ngón vĩnh viễn trở thành người tàn phế.  Cuộc đời Lâm Chín ngón có thể nói là điển hình cho giới du đãng Sài Gòn trước năm 1975: xuất thân từ trẻ bụi đời, lớn lên trong cô nhi viện; nhờ liều lĩnh, đánh đấm mà trở thành du đãng; giết người không gớm tay; vào tù ra khám như đi chợ; sau ngày giải phóng dù cố hoàn lương nhưng không chiến thắng được những cám dỗ; cuối cùng lại trở về với thế giới giang hồ và kết thúc cuộc đời trong cay đắng, tăm tối... Con đường giang hồ vốn dĩ như thế, bước vào tội ác thì dễ nhưng khi muốn bước ra thì vô cùng khó khăn. Đến cuối đời, hơn ai hết Lâm Chín ngón đã nhận ra điều đó, khi đã trở thành một kẻ tàn phế mù lòa. Câu chuyện của Lâm Chín ngón, và nhiều gương du đãng khác, rất đáng để nhiều người biết đến và suy ngẫm!

Mời các bạn đón đọc Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975 kỳ III. 

     Bài 1: Sơn Đảo, tên trùm du đãng chết không nhắm mắt.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG