Võ Thuật

Nguyễn Thái Bình - Người thanh niên trí thức yêu nước

      Xuất thân từ một gia đình tư chức, sau khi học xong tiểu học tại Cần Giuộc, Nguyễn Thái Bình theo cha lên Sài Gòn học tại trường Pétrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong). Năm 1966, sau khi đỗ tú tài phần hai, anh lần lượt thi đỗ vào các trường Y, Dược, Nông Lâm Súc và cả Học viện Quốc gia hành chánh Sài Gòn lúc bấy giờ. Anh đã chọn học trường Cao đẳng Nông Lâm Súc. Sau sự kiện Tết Mậu Thân không lâu, tháng 3-1968, Nguyễn Thái Bình nhận được học bổng do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cấp để sang Mỹ du học. Đó cũng là năm Nixon bước vào Nhà Trắng và cho ra đời “Học thuyết Nixon” với kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.

alt 

Sinh viên Nguyễn Thái Bình phát biểu tại một diễn đàn phản chiến tại Hoa Kỳ và khẳng định “Tôi là người Việt Nam”.

 

      Sau một năm học tập tại Đại học cộng đồng ở Fresno, California, anh chuyển đến học tại Đại học Washington, trở thành một trong những sinh viên xuất sắc trong ngành ngư nghiệp của Đại học Washington. Trong quá trình du học, Nguyễn Thái Bình dần nhận ra tình cảnh đất nước đang bị chìm trong lửa đạn, nhân dân phải sống trong cảnh chia đôi Nam - Bắc... Trong lá thư ghi âm gửi về nước ngày 27-3-1971, anh thổ lộ: “Tôi nghĩ thà rằng cho tôi làm hạt cát phù sa để bón cho cây lúa của nông dân nghèo còn hơn làm viên kim cương lấp lánh trên tay bà mệnh phụ kênh kiệu, giàu có nhờ tham nhũng và bóc lột”.

      Thay vì lặng lẽ sống và học tập ở xứ người để có được tiền tài, quyền lực và địa vị, anh đã theo tiếng gọi của con tim hướng về Tổ quốc, cùng các du học sinh khác xuống đường tổ chức những cuộc biểu tình phản chiến. Đỉnh cao của các phong trào này là ngày 10-2-1972, cùng với chín du học sinh khác, Nguyễn Thái Bình đã đột nhập và chiếm tòa lãnh sự của chế độ Sài Gòn tại New York, yêu cầu nhà cầm quyền miền Nam trả tự do cho tù nhân chính trị đang bị giam; Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức; quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam vô điều kiện và giải tán chế độ dã man tại miền Nam Việt Nam. Cuộc đột nhập và chiếm giữ này không lâu vì bị cảnh sát Hoa Kỳ can thiệp, Nguyễn Thái Bình bị bắt. Ngày 19-5-1972, tại Hoa Kỳ, anh đã cùng các sinh viên Việt Nam yêu nước khác tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, Nguyễn Thái Bình bị mất học bổng để theo học lên cao học tại Đại học Washington và buộc phải về nước. Tại buổi lễ trao học vị của mình (tháng 5-1972), anh đã phát biểu: "Hôm nay, để nhận được tấm bằng tốt nghiệp, nhiều bạn đã phải trả nợ nhà trường hàng ngàn đôla, còn đối với tôi, tôi phải chịu món nợ bằng máu xương của hàng triệu người Việt Nam bởi thời gian yên ổn học tập của tôi ở đây trị giá bằng cái chết, sự đau khổ của dân tộc tôi, sự tàn phá trên quê hương Việt Nam của tôi... ", và anh đã phân phát truyền đơn phản chiến làm gián đoạn nghi lễ khi cho rằng “Chính Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về những tội ác tàn phá Việt Nam và cả Đông Dương”.

       Nguyễn Thái Bình đã viết hai lá thư ngỏ cho “Những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới” và cho tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Richard Nixon trước khi bị trục xuất về nước. Trong thư có đoạn: “Thưa ông Tổng thống, để tàn phá, giết chóc, bắn phá ở Việt Nam cũng như Đông Dương, ông nắm trong tay tất cả những vũ khí tối tân, giết người hiệu quả nhất. Còn trong cuộc chiến đấu vì tình thương yêu, hòa bình và công lý, tôi chỉ có lòng tin vào nhân loại... Hiện nay, quả bom duy nhất của tôi là trái tim của tôi. Trái tim này có thể nổ vì tôi chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa, để kêu gọi tình thương yêu để khôi phục niềm tin của con người vào công lý...”.

      Năm 1970, sau kỳ nghỉ hè tại quê nhà, trở lại nước Mỹ, Nguyễn Thái Bình bắt đầu liên hệ với các tổ chức phản chiến và tích cực hoạt động chống chiến tranh Việt Nam bằng cách tổ chức, tham gia mít-tinh, biểu tình, diễn thuyết, hội thảo, tham gia sáng lập tờ Thời Báo Gà - cơ quan ngôn luận của tổ chức phản chiến của người Việt Nam tại Hoa Kỳ để viết bài, sáng tác văn nghệ và công bố những nghiên cứu về những thiệt hại to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội... bởi chiến tranh do Mỹ gây ra. Hành động này của anh cộng với các hoạt động yêu nước khác trong hàng ngũ sinh viên Việt Nam trong phong trào phản chiến suốt bốn năm ở đây đã làm cho cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nhận ra rằng họ đã chọn lầm đối tượng trong dự định biến anh thành kẻ phục vụ cho guồng máy của chế độ thực dân mới bởi tiền tài và danh vọng không thể nhào nặn lương tâm và tri thức của người thanh niên yêu nước này theo hình mẫu mong muốn. 

      Lúc 10 giờ ngày 2-7-1972, trên chuyến bay mang số 841 của hãng Pan American do cơ trưởng Gene Vaughn điều khiển bay từ Hoa Kỳ về Tân  Sơn Nhất, địch đã ám sát anh bằng bốn phát đạn vào ngực. Báo chí sau đó đã vạch trần tác giả của vở kịch vụng về và dối trá này là CIA.

sv - hs

Hs-sv trí thức miền Nam, đấu tranh phản đối hành vi đê hèn của bọn CIA trong việc sát hại Sv.  Nguyễn Thái Bình & di ảnh của Anh Hùng LLVT - Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.

ntb 2

      Nguyễn Thái Bình đã phát huy cao độ lòng yêu nước và tranh đấu cho độc lập dân tộc của đất nước. Nguyễn Thái Bình đã kế thừa tuyệt đối tinh thần bất khuất của các bậc tiên liệt Việt xưa và ngời sáng như là người kế tục xứng đáng truyền thống bất khuất của những “nghĩa sĩ, nghĩa dân” Cần Giuộc. 

      "Trái bom duy nhất là trái tim" của người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Thái Bình đã bị nổ tung trên phi trường Tân Sơn Nhất bởi loạt đạn hèn nhát của kẻ thù. Cuộc đời của người Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng Võ trang nhân dân Nguyễn Thái Bình tuy ngắn ngủi nhưng mãi mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 2010, người thanh niên trí thức yêu nước Nguyễn Thái Bình đã được Đảng và nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

      Trong thời buổi kim tiền hiện nay, liệu rằng còn có bao nhiêu trái tim người Việt Nam đủ sức công phá như một quả "bom"  Nguyễn Thái Bình trước đại họa "Tàu Ô" cứ hăm he đe dọa hằng ngày trên biển đảo quê hương.

TP. HCM ngày 17.7.2012
Shaolaojia tổng hợp.