Login Form

Số Người Truy cập

04216535
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
170
1201
2895
2571464
13815
28625
4216535

2024-03-28 10:04

Khí Công - Dưỡng Sinh

THUẬT TRƯỜNG THỌ VÀ BÍ KÍP LUYỆN CÔNG

 

 

THUẬT TRƯỜNG THỌ VÀ BÍ QUYẾT LUYỆN CÔNG [1]

                                        Bài viết của Võ sư: Thiều Ngọc Sơn

Trước tiên cần phải khẳng định: Mục tiêu của bộ môn Khí công là Kiện thân tráng cốt, khu trừ tật bệnh, ích thọ diên niên.(xin xem lại bài viết "Hiểu biết cơ bản về Khí công".

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó không phải cứ có những bài tập hoa mỹ, những động tác phức tạp hay kỹ thuật khéo léo là có thể “kiện thân tráng cốt, khu trừ tật bệnh”. Cũng không phải cứ nửa đêm gà gáy hay chính Ngọ chang chang, say sưa tập luyện như một số người và cho rằng mình đã nắm bắt được bí quyết của thuật trường sinh(!?) thiết nghĩ đấy là những quan niệm hoàn toàn sai lầm!

 

Chúng ta hãy xét một đoạn đối đáp trong kinh văn Hoàng đế Nội kinh giữa nhân vật Hoàng đế và Kỳ Bá.

Hoàng đế viết: “Dư văn thượng cổ chi nhân, Xuân thu giai đạt bách tuế nhi động tác bất suy; Kim thời chi nhân niên bán bách nhi động tác giai suy giả, thời thế dị da? Nhân tương thất chi da?”.

Kỳ Bá đối viết: “Thượng cổ chi nhân kỳ tri đạo giả, pháp vu Âm Dương, hòa vu thuật số, thực ẩm hữu tiết, khởi cư hữu thường, bất tác vọng lao, cố năng hình dữ thần cụ nhi tận chung kỳ thiên niên đạt bách tuế nãi khứ. Kim thời chi nhân tắc bất nhiên dĩ tửu vi tương, dĩ vọng vi thường, túy dĩ nhập phòng, dĩ dục kiệt kỳ Tinh, dĩ hao tán kỳ Chân, bất tri trì mãn, bất thời ngự Thần, vụ khoái kỳ Tâm, nghịch vu sinh lạc, khởi cư vô tiết, cố bán bách nhi suy dã” (Tố vấn/ Thượng cổ thiên chân luận).

Dịch nghĩa:

Hoàng đế nói:

- Ta nghe nói con người thời thượng cổ, về tuổi tác đạt đến trăm tuổi mà động tác (ý nói năng lực, trí lực và sự hoạt động) của họ vẫn khỏe mạnh không suy giảm. Người ngày nay, tuổi mới năm mươi nhưng sao đã thấy chậm chạp, già nua. Thế là thế nào? do thời thế khác chăng hay là do không biết sống?

Read More

 Kỳ Bá đáp:

- Người thời thượng cổ đều biết rõ phép Dưỡng sinh, họ tuân theo quy luật của Âm Dương, nắm vững thuật tu tâm dưỡng tính, tiết chế sự ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi theo mùa, không làm lụng quá sức, không vô cớ tiêu hao sinh lực nên thân thể khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, sống trên trăm tuổi. Còn người ngày nay họ không theo kiểu ấy, uống rượu như uống canh, sinh hoạt trái với thói thường, say vào thì làm chuyện phòng the, không biết giữ gìn Chân khí, ham muốn nhất thời làm trái qui luật. Bởi vậy Tinh khô Khí kiệt, Tiên thiên bất túc cho nên mới năm mươi tuổi trông đã thấy già cỗi vậy.

dsc03871 dsc02373

                             Hoàng Đế vấn Kỳ Bá...

Và chúng ta hãy lắng nghe Lão Tử phàn nàn : “Nhân hữu kê khuyển phóng nhi tri cầu chi. Hữu phóng kỳ Tâm nhi bất tri cầu” nghĩa là: “Con người khi thấy mất con gà, con chó thì biết lo đi tìm. Còn như đánh mất Lương tâm (ý là đắm vào Thất tình lục dục) lại chẳng biết lo tìm”.

dsc02360 dsc02657

                         Lão Tử và danh Y Hoa Đà

Hóa ra, thuật “Kiện thân tráng cốt, Ích thọ diên niên” của người xưa đâu phải chỉ chú trọng về kỹ thuật động tác mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân. Không những thế, mà người tập còn phải nắm vững qui luật của trời đất, phải có hiểu biết nhất định về phương pháp Dưỡng sinh. Trong Tố vấn/ Thượng cổ thiên chân luận ghi: “Phù thượng cổ thánh nhân chi giáo hạ dã, giai vị chi hư tà tặc phong, tỵ chi hữu thời điềm đạm hư vô chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ bệnh an tòng lai. Thị dĩ chí nhàn nhi thiểu dục, tâm nhàn nhi bất cụ, hình lao nhi bất quyện, khí tùng lai thuận, các tùng kỳ dục, giai đắc sở nguyện” (Bậc thánh nhân thời thượng cổ thường dạy khi có trái gió trở trời (hư hà phong tặc = gió không đúng mùa, tức bất chính khí) phải lánh trốn kịp thời, phải chú ý bảo dưỡng tinh thần (điềm đạm hư vô) làm cho tinh thần được thư thái an nhiên thì chân khí được sung túc, tinh thần vững chắc, được như thế thì bệnh từ đâu mà vào được? Lại như biết hạn chế lòng tham, tâm hồn trong sáng, không tham sân si, không bị kinh động, thì dù có làm lụng nhiều cũng không biết mệt bởi là do Chân khí an định, hòa thuận, từ đấy mới có thể đạt sở nguyện (ý đạt mục đích kiện khang, khu trừ tật bệnh) vậy.

Vậy thực chất “bí kíp” có tính quyết định trong tu luyện Khí công là gì? Khí công chú trọng vào vấn đề gì trong quá trình tu luyện? và làm thế nào để có thể đạt đến “bách tuế nhi động tác bất suy”…?

Có thể khẳng định bí kíp trong thuật tu tiên đắc đạo của cổ nhân xưa gồm:

- Bí kíp thứ nhất chính là nằm trong câu “Thanh tâm quả dục” của Lão Tử. Tức là phải chú trọng trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân, phải thực sự hạn chế lòng tham lam, tính ích kỷ, sống chan hòa với mọi người; sống vui, sống khỏe, sống có ích. Không để cho những thứ như Thất tình lục dục chi phối bản thân. Đây là bí kíp có tính quyết định và quan trọng nhất, người luyện công có đạt được mục đích của mình hay không là nằm ở bí kíp này (chúng ta sẽ bàn kỹ vấn đề này ở phần sau).

- Bí kíp còn lại được gói gọn trong ba chữ “Tinh – Khí – Thần”(còn gọi là ba đại dược hay tam bảo) và một câu khẩu quyết: “bế Tinh, bảo Khí, tồn Thần”. Tinh – Khía – Thần có vị trí đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định sự tồn vong, thọ yểu đối với con người. Vì vậy việc bảo tồn ba đại dược nói trên cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và bền bỉ.

Tóm lại, đối với bộ môn Khí công nói riêng và các phương pháp Dưỡng sinh cổ truyền của Á Đông, đặc biệt là các nước bị ảnh hưởng bởi văn hóa Âm Dương ngũ hành thì hai khẩu quyết trên cũng chính là kim chỉ Nam trong thuật “Trường thọ”, là “phương châm” chủ đạo được các bộ môn triệt để tuân thủ, áp dụng xuyên suốt trong quá trình tu luyện. Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu kỹ về hai bí kíp trong thuật trường thọ của người xưa.

                     BÍ KÍP THỨ NHẤT:             THANH TÂM QUẢ DỤC

Thế nào là “Thanh tâm quả dục”

a. Thanh tâm:

Giải thích từ ngữ: Trong tiếng Hán, “thanh” có nghĩa là thanh khiết, tĩnh lặng, trong sáng; “tâm” là tâm hồn, tâm tính, tâm can, tâm tình, là những nỗi suy tư, niềm khát vọng v.v. “Thanh tâm” tức là phải giữ cho lòng được thanh thản, an nhiên tự tại, thanh đạm hư vô, không buồn phiền lo nghĩ, cái cốt lõi là phải “Tu tâm dưỡng tính”.

Thanh tâm không những thể hiện trong suy nghĩ mà còn được thể hiện rõ nét trong hành vi đối xử của con người như tình thương yêu đồng loại, không tranh giành đấu đá, không tham lam ích kỷ, sống vì mọi người, yêu thương vạn vật… Thanh tâm là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với người luyện công. Nếu trong tâm trí của chúng ta không vướng bận bởi nỗi lo cơm áo, không bị thất tình, lục tặc chi phối thì chắc chắn chúng ta không những sẽ công thành trong luyện tập mà còn thành công mĩ mãn trong cuộc sống. Ngược lại lúc luyện công mà trong đầu toàn suy nghĩ đến các khoản tiền chợ, tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền học hành của con cái v.v. thì chắc chắn đầu óc của chúng ta sẽ không được thảnh thơi thư giản, không tập trung tư tưởng, do vậy hiệu quả trong việc trị liệu sẽ không cao.

Có người ví đầu óc con người như một chú ngựa bất kham. Người lại bảo trí óc của chúng ta chẳng khác gì một con gì đó “thả rông”(!?) Sự ví von này có lẽ cũng đúng. Giống như con ngựa thả rông (tạm coi như thế), trí óc chúng ta nó cứ lan man hết chuyện này sang chuyện khác, từ chuyện vui, chuyện buồn đến những khoái lạc đời thường, những bi ai hờn tủi v.v. Mà kể cũng lạ, hẳn trong chúng ta ai cũng từng gặp, có những lúc ta muốn tập trung vào vấn đề gì thì trong đầu lại càng hiện ra những ý nghĩ đâu đâu. Đôi khi ta cố quên đi một người nào đó thì hình ảnh của người đó và những việc có liên quan lại càng hiện lên một cách rõ rệt, như cố ý trêu chọc, thách thức chúng ta. Quả thật, muốn sống cho thanh đạm hư vô, không buồn phiền lo nghĩ thật chẳng khác nào chuyện “mò kim đáy bể”. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, việc bắt một người, nhất là người chủ gia đình phải Thanh tâm quả dục thì quả là một thách thức hết sức khó khăn và vô lý. Nhưng bạn hãy cứ cố gắng, cố gắng rũ bỏ nếu có thể được. Đấy cũng chính là bạn đã thanh tâm. “Thanh tâm” không những giúp cho con người có đầu óc minh mẫn, phán đoán chính xác và xử lý nhạy bén trong sinh hoạt hàng ngày mà “thanh tâm” còn giúp cho não bộ có thời gian nghỉ ngơi, có điều kiện ức chế hưng phấn làm cho hệ thần kinh được khỏe mạnh…

b. Quả dục

Giải thích từ ngữ: “Quả” là ít, như “quả phụ” (người đàn bà cô đơn vì góa chồng); Dục là lòng ham muốn. Quả dục có nghĩa là phải ít riêng tư, hạn chế lòng ham muốn – tức là phải biết đủ và biết như thế nào là đủ.

Lão Tử nói: Họa không gì lớn bằng không biết tự đủ, không hại nào to bằng lòng tham muốn chiếm cho được nhiều “Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc” và ông nhấn mạnh: Người mà biết đủ cái đủ của mình thì không bị nhục, biết dừng đúng lúc thì không nguy. Được như thế thì có thể trường tồn (Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi. Khả dĩ trường cửu). Xưa các cụ ta hay nói: “tri túc thường năng lạc” hay giản đơn hơn có câu: “biết đủ thì nó đủ” cũng là cái ý ấy chứ không như ai chỉ lo “Vinh thân phì gia” mà bất chấp mọi thủ đoạn, coi tình người như rơm rác, sẵn sàng chà đạp lên luân thường đạo lý, vô pháp vô thiên miễn sao thỏa mãn được sở nguyện của mình(!). Một chuyện rất buồn cười là đại đa số người ta đi chùa, chỉ thấy cầu xin cho riêng mình hoặc gia đình mình làm ăn phát đạt mà không mấy ai cầu xin cho Quốc thái dân an; chỉ thấy có cầu cho buôn may bán đắt mà không thấy ai cầu cho mọi người ai cũng mua được thật rẻ và thật nhiều…(!?)

dsc03852 dsc03849

                                Vui thú điền viên:  "Bần nhi lạc"

“Thanh tâm quả dục” là vấn đề được các môn đồ của Đạo gia cực kỳ coi trọng (Đạo gia chủ về tính mệnh song tu, lấy thanh tĩnh vô vi làm mục đích tu luyện). Người đời nay ai cũng biết như vậy nhưng việc nói và làm lại là đầu Ngô thân Sở. Bút giả cũng có cơ duyên được dự nhiều đám chiêu đãi vì trúng lớn trong một phi vụ làm ăn nào đó. Có người mời vì trúng đậm Chứng khoán, lại có kẻ chiêu đãi vì mới bán được căn nhà lời vài chục cây vàng(?) – Họ vẫn biết người mua là vợ chồng làm nông nơi tỉnh lẻ, vì ước nguyện của con cái nên mới phải dời bỏ thôn quê để nương nhờ nơi thành thị. Vẫn biết số vàng mà bạn của bút giả xơi được là thành quả lao động, là mồ hôi công sức, là nỗi nhọc nhằn mà cả gia đình người nông phu từ con đến cháu, từ già đến trẻ phải quần quật suốt bao năm trời, phải đánh vật với mấy mẫu Cafe; "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cùng với vài công đất trồng tiêu và điều (quả là tiêu điều). Bạn của bút giả giải thích, vẫn biết như thế là không tốt, là trái với đạo lý, cũng hổ thẹn với lương tâm đấy (!?), nhưng xã hội ai cũng thế, ai gặp họ cũng xơi như vậy? Chao ôi! hễ ăn được là người ta ăn không thương tiếc, không sợ tắc cổ và họ vẫn mong có được nhiều phi vụ làm ăn như thế, cũng cốt chỉ để… được ăn(!?).

Chuyện đời quả là nhiêu khê, lớn hiếp bé, thằng khôn hiếp đáp thằng đần, “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” phải chăng là qui luật? Phải chăng chuyện Thanh tâm quả dục, chuyện Tu tâm tích đức chỉ là chuyện của người xưa! Phải chăng...?

Mời các bạn bấm vào chữ next phía dưới đây để xem: Bí kiếp thứ hai...

 

 

BÍ KÍP THỨ HAI:    

                       Tam Bảo “TINH – KHÍ –THẦN”

Thế nào là tam bảo Tinh – Khí – Thần?

Người xưa cho rằng, trong vũ trụ có Tam tài (Thiên – Địa – Nhân) và Tam quang là (Nhật – Nguyệt – Tinh); người có Tam bảo tức là Tinh – Khí – Thần. Trời đất phân chia ra ngày đêm để dung dưỡng muôn vật và vạn vật có phát triển là nhờ vào cái đức của “Tam quang” thay nhau soi sáng vũ trụ vậy. Các nhà Dưỡng sinh xưa nay, đặc biệt là các môn đồ thuộc phái Đạo gia rất coi trọng ba đại dược Tinh – Khí – Thần và coi đó là sự tồn vong của sinh mệnh. Họ cho rằng nếu Tinh hao, Khí tổn, Thần bị thương thì không thọ. Muốn thọ, con người phải dồi dào về tinh lực, xung mãn về khí huyết, thần thái phải tiêu dao “Khí túc bất tư phạn, Thần túc bất tư miên, Tinh túc bất úy hàn” (Khí tràn đầy tất không thấy đói, Thần đầy đủ đến ngủ cũng chẳng cần, Tinh sung túc sợ chi băng giá), xem như thế thấy Tinh – Khí – Thần quả là quan trọng. Chính vì lẽ đó, phái Đạo gia luôn tìm mọi cách để “bế Tinh, dưỡng Khí và tồn Thần” (ngay trong chuyện phòng the họ cũng tìm cách không cho xuất tinh ra ngoài). Vậy ba đại dược đó đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với con người mà được cổ nhân xưa coi trọng như thế?

a. Tinh:

        Tinh, gồm có Tinh Tiên thiên và Tinh Hậu thiên. Tinh Tiên thiên tức là tinh khí của cha và huyết khí của mẹ di truyền cho thai nhi; Tinh Hậu thiên chính là chất dinh dưỡng, là tinh hoa của trời đất được con người hấp thụ thông qua ẩm thực mà thành. Cũng như Khí, Tinh Tiên thiên nếu thiếu hụt cũng sẽ được cơ thể bổ xung bởi tinh Hậu thiên nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của mỗi cá nhân. Tinh Hậu thiên sau khi được hấp thụ vào cơ thể, thông qua quá trình chuyển hóa lập tức nó biến thành năng lượng và tồn tại dưới nhiều hình thức nó tỏa ra khắp hang cùng ngõ hẻm trong cơ thể, sẵn sàng nhận và hoàn thành một cách xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao (xem hình minh họa phía dưới). Tinh còn có chức năng sản xuất ra tinh trùng hay noãn sào nhằm duy trì nòi giống và mang tính di truyền (gene ADN). Dâm dục quá độ cũng làm hao mòn tinh khí dẫn đến suy nhược cơ thể, chóng già.

Trong thuật dưỡng sinh của ta, Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, hai vị tiền bối trong Y học cổ truyền Việt Nam cũng đề xuất “bế Tinh” hay “giữ Tinh”. Tuệ Tĩnh chủ trương:

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

                             Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình"

 Hải Thượng Lãn Ông, người kế thừa quan điểm dưỡng sinh, chữa trị bệnh tật của Tuệ Tĩnh cho rằng cần phải sửa một vài chữ cho dễ hiểu đối với người Việt. Do vậy, Ông đã sửa:

“ Giữ tinh, dưỡng khí, tồn thần,

         Thanh tâm, tiết dục, chủ chân, luyện hình”

 Việc bảo tồn tinh khí hay tinh lực là một việc rất quan trọng đối với mỗi cá nhân. Nếu tinh khí hao hụt sẽ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, suy nhược tinh thần và là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật phát triển. Người xưa nói: “Dân dĩ thực vi tiên” (dân lấy ăn làm đầu), lại có câu “có thực mới vực được Đạo” âu cũng là vì thế. Các bạn hãy thử hoặc tưởng tượng xem nếu chúng ta ngừng cung cấp năng lượng (tinh Hậu thiên) cho cơ thể vài bữa thì thế nào nhỉ? Điều gì sẽ sảy ra? Các cụ bảo: “Đói chỉ nghĩ đến ăn” không biết có đúng hay không?. Thực chất, tất cả các cuộc chiến xưa nay là gì? Cũng chỉ vì miếng ăn (gọi thế thì tục tỉu quá, bởi vậy nhiều người gọi các cuộc chiến tranh đó là vì mục tiêu Kinh tế cho nó dễ lọt tai lại lịch sự), mục đích cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu ăn sung mặc sướng của con người(!). Xem thế đủ biết Tinh quan trọng như thế nào.

 Vị trí huyệt đạo của Tinh: Tinh là nguồn của sự sống nên nơi đồn trú của Tinh là Thận (Thận tàng Tinh/ Tố vấn) do vậy chúng ta thấy những bệnh nhân suy thận thường mất hết sinh khí, vô lực. Theo các học giả muốn luyện Tinh thì tinh thần quán trú tại huyệt Quan nguyên, vị trí dưới rốn 3 tấc [1] (còn gọi là Đan điền Hạ [2]).

 b. Khí

 Có thể khẳng định: Khí đóng vai trò quyết định đến mạng sống của con người. Không có Thần thì có thể vẫn sống (đời sống thực vật hoặc khùng khùng điên điên), không có Tinh (Tinh lực) thì chí ít còn lay lắt sống răm bữa nửa tháng. Nhưng nếu không có Khí thì bảo đảm dù ai đó có tài giỏi mấy đi chăng nữa, cũng khó tồn tại sau năm phút đồng hồ (não sẽ chết sau ba phút nếu không được cung cấp đầy đủ ôxy. Đây là sự giải thích vì sao có hàng loạt vụ chết ngạt tại các hầm mỏ, tàu cá mà không sao cứu kịp). Theo Hoàng đế Nội kinh: “Nhân thủy sinh, tiên thành tinh. Thành tinh nhi não tủy sinh. cốt vi can, mạch vi doanh, cân vi cương, nhục vi tường, bì phu kiên nhi mao phát trường. Cốc nhập vu vị, mạch đạo dĩ thông, khí huyết nãi hành. Linh khu/ Kinh mạch” (vật chất cơ bản cấu thành con người đầu tiên chính là “Khí”, quá trình phát triển và hoàn thiện ban đầu gọi là “Tinh”; trong cơ thể có Phủ Tạng và các bộ phận bao gồm não, tủy, gân, mạch, lông, tóc… đều do tinh biến hóa mà thành. Sau khi hình thành, tiến hành hấp thụ ngũ cốc làm cho mạch đạo khai thông, khí huyết thay nhau luân chuyển vậy).

 Khí không hình (chúng ta chỉ có thể cảm nhận) nhưng ngày đêm thay nhau luân lưu khắp lục phủ ngũ tạng. Không đâu là không có Khí, Khí khi đi vào cơ thể (mặc dù đã có giấy thông hành) nhưng vẫn phải trải qua sự kiểm tra sàng lọc gắt gao của các Phế nang (còn gọi là túi phổi), sau đó chúng được phân loại, chỉ khí oxy đẹp trai, trong trắng mới được duyệt cấp Visa để tiếp tục cuộc hành trình, nhưng phải rón rén men theo vách Phế nang rồi qua vách Mao mạch mới được phép hiên ngang hòa vào dòng chảy của hồng cầu (Hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng để đem nuôi cơ thể, giúp cho quá trình chuyển hóa, đốt cháy năng lượng và đào thải độc tố ra ngoài cơ thể được tốt hơn). Còn loại xấu trai ô tạp, lý lịch có vấn đề như dioxyt cacbon đành phải lẽo đẽo đi về theo con đường ngược lại.

 Cũng như Tinh, Khí cũng được chia ra làm khí Tiên thiên và khí Hậu thiên. Khí Tiên thiên tức là khí huyết của cha mẹ truyền lại cho con cái, khí Hậu thiên còn gọi là khí Hậu đắc tức là thứ khí do ẩm thực, hấp thụ mà thành (xin xem lại phần nói về khí ở trên). Khí Tiên thiên lại được chia làm Chân khí và Tông khí; Khí Hậu thiên lại được chia làm Thiên khí và Địa khí, Dinh khí, Vệ khí.v.v. như trong các kinh văn đã luận: Dinh khí giả, tiết kỳ tân dịch, chú chi vi mạch, hóa dĩ vi huyết, dĩ dinh tứ mạt, nội chú ngũ tạng lục phủ (Linh khu/ tà khách thiên); Vệ khí giả, sở dĩ ôn phân nhục, sung bì phu, phì tấu lý, tư khai hợp giả dã… (Linh khu/ bản tạng thiên).

 Vị trí huyệt vị của Khí: Khí là nguồn của sinh lực do vậy nơi đồn trú của Khí là huyệt Thần khuyết (xem hình. 2ab, minh họa phía dưới) có vị trí ngay tại rốn (Thần khuyết được gọi là Đan điền trung).

 c.  Thần

 Là hình thức năng lượng cao cấp mà các động vật đều có, nhưng mức cao nhất chỉ có ở con người. Đó là bộ não cùng với hệ thần kinh, nhờ đó mà con người biết tư duy, có ý thức, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật. Thần được sinh ra và nuôi dưỡng bởi Tinh và Khí nhưng ngược lại ích Tinh bổ Khí đều phải cậy nơi Thần.

 Thần là trung tâm quyền lực, nơi ban hành các văn bản, các chủ trương chính sách và cũng là Bộ Tổng Tham mưu có chức năng ban bố các hiệu lệnh, chỉ huy giám sát mọi hoạt động của các cơ quan hữu quan trong cơ thể, kể cả các hoạt động tinh thần lẫn thể xác của con người. Nơi đồn trú của Thần là huyệt Ấn đường - nơi giao nhau giữa hai chân mày và huyệt Bách hội (được gọi là Đan điền Thượng).

dsc02730 dsc02589

         Hình. 2ab: vị trí huyệt đạo của Tinh – Khí - Thần.

 d.  Mối quan hệ giữa Tinh - Khí - Thần

 Theo Gs.Bs Ngô Gia Hy: Tinh-Khí-Thần thực ra là “Khí” mà Tinh và Thần là trạng thái hoạt tính cao của Khí (Khí công sức khỏe&điều trị/STVT). Nói đến luyện khí trong Khí công cũng chính là nói đến việc gián tiếp luyện Tinh và Thần. Mục tiêu tối thượng của Khí công là: “tồn Thần để tăng Khí, tồn Khí để tăng Tinh; luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn hư” (xem hình minh họa. 3)  

dsc02744

   Hình. 3: Mối qua hệ giữa Tinh, Khí và Thần

 Như vậy:

 - (Tinh – Khí – Thần), tuy phân làm ba nhưng kỳ thực chúng là một thực thể thống nhất, tương hỗ lẫn nhau phát huy tác dụng. Khí sinh ra Tinh, nhưng Tinh lại là cội nguồn để sinh ra Khí; Khí là nơi dung dưỡng của Thần. Người xưa nói: “Tinh khí tợ uyên thủy, Thần tợ thủy trung ngư. Tinh vượng Khí túc thần ngư dược hoạt. Tinh kiệt, Khí khô thần ngư vô sở y tồn, tắc vạn sự quy không” (Tinh và Khí tựa như hồ và nước, Thần là cá, hồ rộng, nước tràn, cá tha hồ vùng vẫy. Nhược như hồ cạn nước khô, cá dựa đâu mà sống? Thế gọi là vạn sự bằng không vậy).

 - (Tinh – Khí – Thần) là một thực thể tồn tại khách quan và không thể nào tách rời, phân biệt. Giữa chúng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và mật thiết với nhau không thể đơn độc hoạt động (hình. 5). Tinh là gốc của sự sống, được nuôi dưỡng hàng ngày bởi Khí và chịu ảnh hưởng của Nguyên khí; Khí sinh ra từ Tinh, Tinh cường tráng thì Khí dồi dào; Thần do Khí và Tinh dung dưỡng, Tinh Khí xung mãn thì trí tuệ anh minh, đầu óc sáng suốt và tinh anh.

Tp.HCM, cuối năm 2011.

Shaolaojia.

 Mời các bạn đón đọc bài: "Những vấn đề cần chú ý khi luyện công" của Võ sư Thiều Ngọc Sơn.

[1] Tấc là đơn vị đo lường trong Đông y được dùng khá phổ biến trong việc xác định các huyệt vị. Thường 1 tấc bằng bề ngang của ngón tay cái hoặc bằng chiều rộng lóng tay thứ 2 của ngón giữa. Tấc và thốn cũng tùy thời đại mà có sự khác nhau lại cũng tùy vào cơ địa của mỗi người mà các Lương y có cách xác định huyệt vị khác nhau…

[2]Trong khí công, Đan điền được ví như nơi mà Tinh - Khí tụ họp, nơi phát sinh ra nguyên khí và là “gốc của sự sống”. Đan điền được đại đa số các học giả cho rằng có vị trí là khoảng không nằm ngay tại rốn, phía trước có huyệt Thần khuyết và phía sau có huyệt Mệnh môn. Luyện khí trong Khí công thường vận khí để “Khí trầm Đan điền” hay có câu “Ý thủ Đan điền” là vì Đan điền là tâm điểm đi qua của các kinh mạch như mạch Nhâm, mạch Âm kiểu, mạch Xung, mạch Đới, kinh Thận, kinh Vị… do vậy khi luyện khí, ý tập trung tại Đan điền là tác động trực tiếp vào các phủ tạng. Trong Khí công người ta lại còn chia ra Đan điền thượng (Đan điền Thần), Đan điền trung (Đan điền Khí) và Đan điền hạ (Đan điền Tinh) để luyện tam bảo Tinh – Khí – Thần.

 



[1] Để tiện cho bạn đọc dễ hình dung, người soạn quyết định đưa mục “bí quyết luyện công” trình bày trước, thay vì sẽ trược trình bày ở phần Thực hành luyện công.

 

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG