Login Form

Số Người Truy cập

04216593
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
228
1201
2953
2571464
13873
28625
4216593

2024-03-28 13:16

Khí Công - Dưỡng Sinh

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN THỞ TRONG KHÍ CÔNG

THỞ VÀ CÁC PHÉP THỞ TRONG KHÍ CÔNG

1.     Thở và tầm quan trọng của việc tập thở

Trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống hiện đại, có rất nhiều lý do, nhiều chuyện quan trọng chi phối và có ảnh hưởng đặc biệt đến cuộc sống của chúng ta. Từ chuyện ăn uống học hành, chuyện công danh sự nghiêp, chuyện đối nhân xử thế v.v. chuyện nào cũng quan trọng, cũng mang tính sống còn, mang tính quyết định đáng để chúng ta phải quan tâm. Thế nhưng, có việc rất quan trọng, thậm chí là “đặc biệt quan trọng” và chính nó mới thực sự mang tính sống còn, mang tính quyết định đến toàn bộ cuộc sống của con người, đến sự giàu sang, phú quí, đến thọ yểu thì lại bị con người đặc biệt thờ ơ. Đó chính là việc thở.

 

      Thở, đương nhiên không cần học mà tự ai cũng biết và ai cũng coi đó là việc “thường ngày ở huyện”. Chính vì chuyện không cần học, và vì thở là chuyện quá đỗi thường ngày nên rất ít người quan tâm, chịu bỏ thời gian tập thở, càng rất ít người quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu xem nó có tầm quan trọng như thế nào? 

      Trong Khí công, thở có nghĩa là  “điều tức” là điều chỉnh hơi thở (chữ Tức là theo tiếng Hán = hơi thở; chữ Điều có nghĩa là điều hòa, làm cho cân bằng). Thở thực chất là quá trình hấp thụ khí Oxy và trao trả khí CO2 giữa cơ thể với môi trường bên ngoài.

      Phàm là người thì ai cũng phải thở để sống. Thở rất quan trọng với đời sống của con người, tạo hóa ban cho con người cái quyền được thở, trong trường hợp nào đó nếu bạn không thể thực hiện được cái quyền tối thiểu ấy thì các bác sĩ sẽ tìm cách can thiệp (bằng cách này hay cách khác) để giúp bạn thực hiện cái quyền mà tạo hóa đã ban cho. Và nếu ai đó từ chối cái quyền được thở trong vòng vài phút thì cũng có thể đồng nghĩa với việc người đó đã: ô hô ai tai!

Read More

         Từ xa xưa, con người đã biết nếu muốn sống thì ngoài việc phải nạp năng lượng như thức ăn, thức uống, cơ thể còn phải biết thở tức là phải nạp thêm không khí của tự nhiên để sống. Người ta cũng nhận thức được rằng con người có thể nhịn ăn 30 ngày, nhịn uống 3 ngày mà vẫn chẳng làm sao nhưng nếu nhịn thở quá 3 phút thì không phải ai cũng có thể làm được. Mỗi một ngày, bình thường ta có thể ăn 3 bữa, uống 3 lần, nhưng thở thì mỗi phút 16 lần vẫn cứ coi như còn ít, còn quá thiệt thòi.

Theo Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh: Cuộc sống của con người được bắt đầu từ động tác hít vào và kết thúc bằng động tác thở ra. Theo ông, dung tích sống trung bình của người Việt là 3000 – 3500 ml ở nam, trong khi ở nữ là 2500 – 3000 ml. Một người “tiêu chuẩn” với chiều cao 1,70 – 1,75 m, nặng 65 -70 kg, trong trạng thái nghỉ ngơi mỗi 1 lần hít vào khoảng 500 ml không khí và khi thở ra cũng xấp xỉ ngần ấy, thế nhưng trong 500 ml khí hít vào chỉ có 350 ml khí là đi vào trong phế nang, còn 150 ml chỉ vào đến đường dẫn khí - còn được gọi là khoảng chết và số khí này hoàn toàn không tham gia trao đổi oxy với máu (xem hình minh họa. 7). Đấy là đối với một người “chuẩn” còn người “không chuẩn” – số này hơi bị nhiều, thì mỗi lần thở vào không biết được bao nhiêu?

dsc02746 dsc02587

  Hoạt động sống và Lượng khí lưu thông từ ngoài vào phổi.

Như vậy, việc tăng cường “dung tích sống” [1]và làm thế nào để giảm thiểu lượng không khí vô tích sự nằm trong khoảng chết là hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng. Trong sách giáo khoa Sinh học lớp 8 cho rằng để có dung tích sống lý tưởng bạn phải tăng cường luyện tập thể dục thể thao đúng cách và chỉ rõ bằng cách: không ngừng tập vận động cơ xương, xương, đồng thời với tập thở thường xuyên đều đặn từ bé, hay được tập luyện trong độ tuổi cơ xương còn phát triển (< 25 tuổi ở nam,

dsc02669

Đồ thị phản ánh hít vào - thở ra bình thường và gắng sức

    Thở để sống thì ai cũng phải thở. Có điều thở như thế nào, thở bằng gì, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thở đối với sức khỏe con người ra sao? Chuyện này thiết nghĩ không phải ai cũng rạch ròi. Chẳng hạn, khi hướng dẫn tập Khí công chúng tôi vẫn thường gặp những câu:  Khi luyện công thì thở bằng gì, bằng mũi hay bằng miệng? hoặc: Sao em dồn khí mà nó không xuống dưới bụng được ạ? ... Ơ, lạ nhỉ! Cái miệng tưởng để ăn chứ lại dùng để thở à(?) Nếu đúng như thế vậy tạo hóa còn sinh ra cái mũi để làm gì? Thiết tưởng chúng ta cũng cần nhất trí với nhau rằng: mũi sinh ra là để thở, miệng chẳng qua cũng chỉ là bà con xa gần, việc thở là chức phận của mũi. Việc bắt miệng làm thay chức năng của mũi chẳng qua cũng chỉ là bất đắc dĩ, kiểu như bắt mèo ăn rau vậy. Mũi là cổng chính của hệ thống hô hấp, bao gồm khoang mũi, hai lỗ và có rất nhiều lông. Lông mũi cũng giống như những viên Cảnh sát bảo vệ môi trường tận tụy với công việc, hoạt động không biết mệt mỏi, chúng có trách nhiệm ngăn chặn, không cho phép những thành phần bất hảo, thành phần ô tạp, rơ bẩn lợi dụng sự tự do đi lại, chính sách mở cửa, trà trộn vào trong không khí, xâm nhập vào bên trong nhằm phá hoại nội bộ của cơ thể. Lông mũi cũng tựa như lũy tre làng, khi cần nó có thể ngăn giông bão bảo vệ cơ quan hô hấp mỗi khi ta hít thở. Ngoài ra, trong khoang mũi còn được bao phủ bằng một lớp niêm mạc và thường xuyên tiết ra dịch nhầy nhằm giữ lại các loại vi khuẩn và bụi bặm không cho chúng xâm nhập vào phổi… đến đây chúng ta có thể thấy mũi quan trọng như thế nào đối với sức khỏe của con người. Việc dùng mũi để thở là hoàn toàn hợp lý và khoa học. Một số người có thói quen dùng miệng để thở là không tốt, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có điều kiện xâm nhập thẳng vào bên trong cơ thể, dễ gây ra các chứng bệnh về hô hấp, viêm phế quản, thanh quản, các bệnh về đường ruột… Để minh chứng cho bạn đọc hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự thở đối với sức khỏe của con người, chúng tôi xin mượn câu chuyện về dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện [2] để mọi người cùng khảo nghiệm:

“Thời trẻ, tôi là một thanh niên khỏe mạnh, hay đá bóng, chạy nhảy, bơi lội, xà đơn xà kép cũng thường xuyên tập. Năm 27 tuổi, vốn thể dục ấy và mảnh bằng Bác sĩ không ngăn cản được mắc bệnh Lao nặng, nằm viện mất 10 năm, lên bàn mổ 6 lần. Lúc ra viện, sức thở còn 1/3; trên hồ sơ đề mấy chữ:  thiếu thở trầm trọng; không được làm việc, và Bác sĩ tiên đoán: Sống thêm nhiều lắm là vài ba năm, không chết vì bệnh phổi cũng chết vì suy tim…”

Theo Gs. Hồ Đắc Di: năm 1978 [3], Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện 65 tuổi, đo lường chức năng phổi cho thấy dung tích thở của Bác sĩ Viện còn đúng 1000 ml (năm 1950 sau 6 lần mổ, dung tích thở là 1300 ml), vậy mà kể từ khi ra viện cho đến nay (1978) chỉ thấy nằm viện một hai lần do bị Cúm, Viêm phế quản.

Quả là một kỳ công: Sinh năm 1913, năm 27 tuổi bị bệnh phổi; nằm viện 10 năm (1960), sau 6 lần mổ chỉ còn 1/3 lá phổi mà vẫn sống quá 45 năm so với dự đoán, thọ 84 tuổi (1913 – 1997). Không những thế, theo GS. Hồ Đắc Di: “… xét bệnh tình, anh là một người rất yếu, nhưng lấy công tác mà xét, lại là một người có hiệu suất cao. Điều đó chứng minh cụ thể nhất cho phương pháp tập luyện anh đã áp dụng”. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống và hoạt động tốt được như vậy là nhờ vào phương pháp luyện thở. Theo Bác sĩ Viện, thở sâu, nhẹ nhàng, đều đặn và chậm rãi rất có lợi cho sức khỏe. Và theo bác: “Không cần đợi giờ giấc nào, ngồi ở đâu, lúc nào cũng được, ngồi họp, ngồi cắt tóc, xem phim, đợi tàu xe…. đều có thể Khí công vài phút, mỗi ngày làm như vậy vài lần, vài chục lần. Lúc nào mệt mỏi, bực mình, đầu óc căng thẳng, tăng cường thở như trên”.

2.     Các phép thở trong Khí công

Qua câu chuyện và phần phân tích ở trên, thiển nghĩ đến đây chúng ta đã hiểu điều tức có ý nghĩa quan trọng như thế nào? và đã biết cách thở như thế nào, thở bằng gì? Còn một vấn đề liên quan đến điều tức rất được người luyện công quan tâm đó là có bao nhiêu phương pháp trong khi tiến hành điều tức?  Về vấn đề này, sách vở xưa nay đề cập rất nhiều, tuy lan man nhưng cũng có thể tóm lược được một số phương pháp như:

-        Tự nhiên hô hấp pháp (hít thở tự nhiên).

-        Phúc thức hô hấp pháp (phép thở bụng tức là phình bụng hít vào, hóp bụng thở ra).

-        Đan điền hô hấp pháp (thở bằng Đan điền tức khí trầm đan điền).

-        Tiểu, đại chu thiên hô hấp (thở theo vòng tiểu chu thiên, đại chu thiên).

-        Thuận nghịch hô hấp pháp (phép thở thuận thở nghịch, tập thở ngược với phép thở bụng trên kia).

-        Tị hấp khẩu hô pháp (hít bằng mũi thở bằng miệng).

-        Đình bế hô hấp pháp (phép 3 kỳ hít nín thở hoặc thở theo 4 kỳ hít, nín, thở, nín)…

Như vậy, phương pháp thở xưa nay theo như soạn giả thấy chủ yếu tập chung gồm có mấy phương pháp trên mà thôi. Việc chọn phương pháp tập luyện nào để luyện tập, thiển nghĩ cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.

dsc03549 dsc03586

                  Tận dụng thời gian và hãy tập thở mọi lúc, mọi nơi.

Từ kinh nghiệm của soạn giả mà nói thì nên chọn phương pháp tập luyện của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tức là cứ hít sâu, thở đều, nhẹ nhàng êm ái, thở mọi lúc mọi nơi. Đây có thể là phương dược “trân bảo” nhất, có giá thành rẻ nhất đối với sức khỏe của con người. Nhược bằng cơ thể ốm yếu, bệnh hoạn, nên có sự hướng dẫn của các bậc Khí công lão luyện, hoặc có hiểu biết về Y lý thì chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian chữa trị vừa hiệu quả.



[1]  Dung tích sống là một trong những tiêu chí phản ánh tình trạng sức khỏe. Dung tích sống bẩm sinh có thể khác nhau tùy người, dung tích sống lớn hơn là cơ sở của sức khỏe tốt hơn. Người năng hoạt động và rèn luyện có thể tăng dần dung tích sống của mình. Người lớn từ 40 tuổi trở lên, do phổi bị sơ hóa làm dung tích khí cặn trong phổi tăng lên làm cho dung tích sống giảm dần, vì vậy khả năng hoạt động gắng sức cũng giảm dần.

[2]  Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997) người xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhà nghiên cứu, truyền bá và giao lưu văn hóa Việt Nam với nước ngoài, dịch giả, soạn giả các công trình khoa học như: Tuyển tập văn học Việt Nam (3000 trang bằng tiếng Pháp), Lịch sử Việt Nam (tiếng Pháp), Việt Nam, tổ quốc tìm lại được (tiếng Pháp), truyện Kiều (dịch ra tiếng Pháp), Đạo nho v.v… Do những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp văn hóa, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý  của nước ngoài và Huân chương Độc lập của nhà nước ta.

[3]  Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho xuất bản cuốn sách “Từ Sinh lý đến Dưỡng sinh”, Giáo sư Hồ Đắc Di viết lời tựa.

 

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG