Login Form

Số Người Truy cập

04232801
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
90
763
7009
2583821
14407
15674
4232801

2024-04-20 01:42

Võ Lâm & Nhân Vật Võ Lâm

Ký sự: VÕ LÂM SÀI GÒN - CHỢ LỚN (Kỳ II)

 

Bài 1

  ĐƯỜNG ĐAO CỦA ĐẠI SƯ MAI VĂN PHÁT

      Giới võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn luôn dành vị trí trang trọng nhất trong những lần họp mặt cho một vị thiền sư tóc búi cao, râu bạc dài, đôi mắt sáng quắc tinh anh trong bộ cà sa vàng mượt, tác phong ông thư thái, tay lần chuỗi hạt. Đó là vị chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát, pháp danh Thích Thiện Tánh, trụ trì tại Long Hoa tự (phường Tân Định, TPHCM)…

VL ky4.jpg Võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn: Kỳ 4: ĐƯỜNG ĐAO CỦA ĐẠI SƯ MAI VĂN PHÁT

VL ky4.jpg %282%29 Võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn: Kỳ 4: ĐƯỜNG ĐAO CỦA ĐẠI SƯ MAI VĂN PHÁT

    Tổ sư Mai Văn Phát Tổ sư Mai Văn Phát và chưởng môn Lam Sơn võ đạo Quách Phước

Read More
     LÃNH HỘI TUYỆT KỸ CHỐN THÂM SƠN
      Đại sư Mai Văn Phát sinh năm 1917 tại xã Thới Đông, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nông dân. Thuở nhỏ ông là một đứa trẻ ốm yếu, thường hay bệnh tật, nên khoảng 10 tuổi được gia đình đưa lên Hải Sơn tự ở núi Thất Sơn (Châu Đốc – An Giang) theo hòa thượng Thích Thiện Hoa tu học. Vị hòa thượng trụ trì Hải Sơn tự nguyên là thủ hạ của Nguyễn Trung Trực – vị anh hùng cầm đầu nghĩa quân đốt cháy tàu Espéranto của thực dân Pháp trên dòng Nhật Tảo. Khởi nghĩa thất bại, người cận tướng của Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp truy lùng, phải lánh nạn tại Hải Sơn tự, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa. Chốn thiền môn không chỉ là chỗ người nghĩa quân dung thân, ông còn dùng sân chùa đêm đêm bí mật rèn luyện võ nghệ cho thanh niên trai tráng trong làng dưới chân núi. Nơi cửa chùa, ngoài Phật pháp, cậu bé Phát còn được sư phụ truyền dạy võ công. Sau 14 năm, cậu bé Mai Văn Phát gầy gò bệnh tật năm nào giờ đã trở nên rắn rỏi, săn chắc, tinh thông quyền cước và thập bát ban binh khí. Năm 24 tuổi sư phụ viên tịch, Mai Văn Phát xuống núi đem sở học mà thầy đã chân truyền ra giúp đời.
        Năm 1941, võ sư Mai Văn Phát về quê nhà Cần Thơ, đêm đêm dạy võ cho trai tráng trong thôn. Một hôm ông may mắn được võ sư Lào Thêm – một bậc cao thủ người Hẹ ẩn tích tại núi Bà Đen (Tây Ninh) tình cờ hành hiệp ngang qua sân luyện võ, thấy Mai Văn Phát cốt cách tinh anh, tác phong quân tử nên đem lòng yêu mến và nhận làm nghĩa tử, sau đó chân truyền các tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hạc và Thiếu Lâm Chu Gia (võ Hẹ). 
      Năm 1955, võ sư Mai Văn Phát rời Ô Môn lên Sài Gòn sinh sống, vừa đi làm vừa dạy võ tại nhà, đồng thời nghiên cứu, hệ thống hóa tinh hoa võ thuật từ hai vị ân sư, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao. Năm 1963, sau khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính quyền miền Nam xáo trộn, nhằm thu hút thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, võ sư Mai Văn Phát quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp danh Thích Thiện Tánh với ước mong dùng việc dạy võ để giáo huấn thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức làm người và khả năng tự vệ hữu hiệu, ông sáng lập môn phái Trung Sơn võ đạo (Thiếu Lâm Nguyên thủy Mật truyền) từ chi đoàn Trúc Lâm (hướng đạo sinh Phật tử), võ đường đặt tại Long Hoa tự (P.Tân Định, TPHCM).
        Năm 1969, cùng với 13 võ sư, đại sư Mai Văn Phát vận động thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam, giữ chức phó chủ tịch (nhiệm kỳ 1969 – 1971, 1973 – 1975), chủ tịch (1971 – 1973). Sau 1975, đại sư Mai Văn Phát tham gia tổ chức Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, được cử giữ chức trưởng ban cố vấn. Tại Liên hoan Võ thuật Việt – Pháp tổ chức tại NTĐ Phan Đình Phùng (TPHCM) tối 11-11-1997, dù đã bước qua tuổi 80, đại lão võ sư Mai Văn Phát vẫn biểu diễn bài đại đao với những đường múa uyển chuyển, đầy uy lực trong tiếng vỗ tay tán thưởng của hàng ngàn cặp mắt ngạc nhiên lẫn thán phục của các võ sư, môn sinh và quan khách. Ngoài dạy võ, đại lão võ sư Mai Văn Phát còn nhận chữa trị các bệnh khớp xương và thần kinh tọa. Tạp chí chuyên về võ thuật của Pháp Karate Bushido (6-1995) đã đăng bài viết của võ sư Việt kiều Phan Châu Toàn về đại lão võ sư Mai Văn Phát, tác giả Phan Châu Toàn đã gọi đại lão võ sư Mai Văn Phát là “vị thầy tu giỏi võ, một huyền thoại sống”.
      Ngày 8-12-1997, đại lão võ sư Mai Văn Phát viên tịch sau một cơn bạo bệnh, để lại môn phái Trung Sơn võ đạo đã tồn tại đến nay tròn 45 năm, hiện TPHCM có 24 đơn vị đang hoạt động, số môn sinh khoác áo Trung Sơn võ đạo đã lên đến hàng vạn.

VL ky4.jpg %281%29 Võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn: Kỳ 4: ĐƯỜNG ĐAO CỦA ĐẠI SƯ MAI VĂN PHÁT
     Các võ sư Trung Sơn võ đạo bên bàn thờ tổ môn phái

      VANG DANH TRUNG SƠN VÕ ĐẠO

      Sau 45 năm thành lập, Trung Sơn võ đạo của đại lão võ sư Mai Văn Phát sản sinh ra nhiều đệ tử tài năng như Lê Ngọc Điệp, Nguyễn Thanh Sơn, Trần Văn Hồng, Phạm Ngọc Hùng, Lê Tấn Phát, Lư Kim Toàn, Trần Hùng Khanh, Nguyễn Minh Trang, Trần Minh Tâm, Nguyễn Văn Thanh (Tâm Lương), Lê Thị Nhiều, Thanh Phượng… Là thiền sư, lấy chữ Bi làm đầu, đại sư Mai Văn Phát cấm môn đồ thượng đài, bởi ông tâm niệm “võ thuật nhằm rèn luyện nhân cách, học võ không phải để tranh tài cao thấp, phân định hơn thua”, dù vậy trong hai thập kỷ 60 – 70, võ đường Long Hoa tự vẫn thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên đến xin tập luyện.

      Trung Sơn võ đạo là môn võ cương nhu tương tế, trong đó có các bài quyền đặc trưng: La Hầu quyền, Hắc Long đao, Song tô lão hổ… Môn đồ Trung Sơn võ đạo thiện nghệ binh khí đơn đao, song tô, kiếm, côn. Đơn đao sử dụng hai tay gọi là Song thủ đới, chú trọng vào sức mạnh và tốc độ ra đòn, chiêu thức đơn giản nhưng đòi hỏi môn sinh phải khổ luyện. Đao pháp Trung Sơn võ đạo, trong thì ý, khí, lực, ngoài thì thân, thủ, bộ pháp uy lực đúng với khẩu quyết “đao như mãnh hổ”. Trung Sơn võ đạo còn có 10 thế điểm huyệt mật truyền: Nữ hầu chưởng ngọc; Thiết sa chưởng; Hầu xiềng; Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực; Phụng hoàng sang điểm thủy; Hắc hổ du tâm; Hầu xiềng điểm huyệt yết hầu; Song hầu thủ điểm giáng kinh; Đơn hầu thủ, điểm huyệt toàn cơ; Mãnh hổ du sơn.

Mời các bạn bấm vào chữ next phía dưới để đọc thêm

 

 

 Bài 2

    "Tam Nguyệt Danh Gia" Quách Văn Kế

      Hằng năm, vào dịp hạ tuần tháng 8 Âm lịch, võ đường Lam Sơn võ đạo đều tổ chức lễ giỗ vua Lê Thái Tổ – Thánh tổ của môn phái, tức người anh hùng áo vải đất Lam Sơn – Lê Lợi, vị chưởng môn sáng lập Lam Sơn võ đạo là võ sư Quách Văn Kế.
       VỊ VÕ SƯ - CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG

       Cố chưởng môn Quách Văn Kế (1897 – 1976) sinh tại Tô Lịch (Hà Nội). Từ nhỏ đã có niềm đam mê võ thuật đến kỳ lạ, hễ nghe ở đâu có thầy võ giỏi là ông tìm đến bái sư. Người thầy đầu tiên là Ba Cát – vị võ tướng cuối cùng của triều Nguyễn. Năm 1918, Quách Văn Kế thọ giáo thầy Lê Bái – chưởng môn phái Hàn Bái đường. Học được mười năm thì thầy Hàn Bái đột ngột từ trần. Năm 1930, Quách Văn Kế bỏ xứ vào Sài Gòn làm kế toán viên. Tại đây ông may mắn hội ngộ và thọ giáo võ thuật với thầy Bảy Mùa. Võ sư Quách Văn Kế đâu thể ngờ rằng ông đã “có phước lớn” khi được lãnh giáo võ học của Tam Nhật danh gia trong lịch sử  võ thuật Việt Nam là Ba Cát, Hàn Bái và Bảy Mùa.

      Sau 33 năm khổ luyện nội công, quyền cước và binh khí, Quách Văn Kế được xem là một trong những cao thủ của làng võ Sài Gòn – Chợ Lớn thập niên 40 – 70. Ngưỡng mộ tài nghệ võ sư Quách Văn Kế, ký giả Trần Văn Hạnh – chủ nhiệm Nhật báo Dân Báo kiêm chủ nhà in Tín Đức thư xã đã bỏ tiền lập võ đường để thầy Kế truyền lại sở học cho thế hệ trẻ.

                               Vl ky5 1 copy Võ lâm Sài Gòn   Chợ Lớn: Kỳ 5: “TAM NGUYỆT DANH GIA” QUÁCH VĂN KẾ

                           Võ sư Quách Phước trong một thế kiếm…

      Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân cả nước nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hòa trong khí thế cách mạng, võ sư Quách Văn Kế trở thành bộ đội Cụ Hồ cầm súng đánh giặc, lập được nhiều chiến công. Năm 1949, với tư cách Hội phó “Hội Bắc Việt tương tế”, võ sư Quách Văn Kế sáng lập Hội TDTT Lam Sơn, sau đó ông còn tổ chức dạy Phương pháp cận chiến cấp tốc cho thanh niên tiền phong ở SVĐ Hoa Lư và Phan Đình Phùng (Sài Gòn), được một năm ông về Vườn Thơm (Đức Hòa – Đức Huệ, Long An) huấn luyện võ thuật cho lực lượng vũ trang rồi quay lại Sài Gòn làm nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hoạt động nội thành cho tới ngày ký kết Hiệp định Geneve (1954). Thời gian này, võ sư Quách Văn Kế dạy võ ở đền thờ Trần Hưng Đạo (36 đường Mayer, nay là Võ Thị Sáu, Q1) dưới danh nghĩa Hội TDTT Lam Sơn và sau đó chính thức thành lập môn phái Lam Sơn võ đạo, nhận vị anh hùng dân tộc Lê Lợi làm thánh tổ. Năm 1967, khi đã 70 tuổi, võ sư Quách Văn Kế truyền chức chưởng môn lại cho con trai út là võ sư Quách Phước (34 tuổi) nhằm tiếp tục truyền bá môn phái Lam Sơn võ đạo cho thế hệ sau. Những học trò tài danh của chưởng môn Lam Sơn võ đạo Quách Văn Kế là võ sư Nghiêm An Thạch (sau lập Nam Hải võ đạo ở Ý), võ sư Nguyễn Văn Du, Huỳnh Thị Ngọc Sương, Nguyễn Sô… Võ sư Quách Văn Kế được xem là một trong Tam Nguyệt danh gia (hai võ sư còn lại là cụ Võ Bá Oai – môn phái Hàn Bái Đường và cụ Trương Thanh Đăng – môn phái Sa Long Cương).

      Môn phái Lam Sơn võ đạo kết hợp tinh hoa hai dòng võ Thiếu Lâm (Trung Hoa) và Tây Sơn – Bình Định. vì thế tính chiến đấu cao. Sở trường đòn ngắn, nhập nội, thế đánh tốc độ, dũng mãnh. Lam Sơn võ đạo có các bài võ trấn môn như Phượng Hoàng quyền, Phượng Hoàng song đao, Lão Mai côn, Quách gia đại đao… danh bất hư truyền!

             Vl ky5 2 copy Võ lâm Sài Gòn   Chợ Lớn: Kỳ 5: “TAM NGUYỆT DANH GIA” QUÁCH VĂN KẾ
                         … và một bài đao

      TUYỆT KỸ QUÁCH GIA ĐẠI ĐAO

       Không chỉ thừa hưởng tinh hoa võ thuật từ cha – chưởng môn Lam Sơn võ đạo Quách Văn Kế, võ sư Quách Phước còn tìm học thêm với bác sĩ – võ sư Đỗ Như Ánh, võ sư Thanh Vân (Thiếu Lâm Bắc phái Thăng Long) và võ sư Tám Kiển (chưởng môn phái Nam Tông). 18 tuổi, võ sư Quách Phước đã được Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam cấp bằng HLV, tiếp tục cùng cha truyền bá môn phái Lam Sơn võ đạo tại đền thờ đức Trần Hưng Đạo. Năm 1969, võ sư Quách Phước được bầu chọn vào chức vụ Tổng Thư ký của Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, cũng năm đó ông cùng 13 võ sư là Tám Kiển, Mai Văn Phát, Trần Xil, Mười Mách, Kim Kê, Từ Thiện, Xuân Bình, Minh Sang… thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam mà ông là tổng thư ký.

      Vóc người nhỏ con (cao 1m58, nặng 50kg) nhưng võ sư Quách Phước đã vang danh thiên hạ hơn nửa thế kỷ qua với biệt danh Song thần thủ, sở trường cây Quách gia đại đao (dài 1m98, nặng trên 4kg), sử dụng thuần thục các tuyệt kỹ của môn phái như Cửu khúc Bạch long tiên (9 khúc sắt nối liền nhau, dài 1m33, nặng 32kg) và cây trượng Phượng Hoàng với nhiều đòn thế cương mãnh, Liên hoàn thiên địa trảm (đao), Phi thân trảm (kiếm), Phi thân tảo địa Thăng Long cước, Song long hổ cước… 

      50 năm truyền bá Lam Sơn võ đạo, võ sư Quách Phước đã đào tạo nhiều đệ tử tài năng như võ sư Trần Văn Ba Jacques, Đặng Đức, Hồ Ngọc Toàn, Lam Ngọc, Quách Phát (con trai võ sư Quách Phước)… Võ sư Trần Văn Ba Jacques quản lý 20 võ đường Lam Sơn võ đạo trải dài từ Montpellier đến Paris (Pháp), tại miền Nam Australia, Lam Sơn võ đạo đã phát triển ba chi nhánh ở Woodville Gardens, Mansfield Park, Salisbury do võ sư Hồ Ngọc Toàn và Lam Ngọc phụ trách, thu hút hàng ngàn môn sinh, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ… tham gia luyện tập. Các tạp chí chuyên về võ thuật như Budo International, Karate Bushido, Arts Combat, Ceinture Noire, Castries… đã có nhiều bài viết kèm ảnh giới thiệu môn phái Lam Sơn võ đạo, đặc biệt nhấn mạnh về thân thế và sự nghiệp vị chưởng môn đời thứ hai Quách Phước.

      Võ sư Quách Phước còn là họa sĩ (ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1953 loại xuất sắc), ông đã xuất bản hai cuốn sách võ thuật: Cẩm nang Lam Sơn võ đạo và 120 thế tự vệ cho phụ nữ. Cẩm nang Lam Sơn võ đạo đã có ấn bản bằng Anh ngữ, Pháp ngữ phát hành rộng rãi ở Pháp và Australia.

Mời các bạn bấm vào chữ next phía dưới để đọc thêm

 

 

  Bài 3 

   VÕ LÂM TÂN KHÁNH - BÀ TRÀ

      Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà hình thành vào khoảng thế kỷ XVII tại làng Tân Khánh thuộc vùng đất Đồng Nai xưa (nay là xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên và xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Các bậc tiền bối góp phần sáng lập võ phái đặc thù Nam bộ này là những tay võ dũng trong đoàn người Việt khai phá vùng đất mới vừa được quốc vương Chân Lạp nhượng cho chúa Nguyễn ở đàng Trong. Chốn rừng thiêng nước độc, những người đi khẩn hoang đa số là dân đất võ Tây Sơn – Bình Định đã cùng một số người Hoa vốn là binh sĩ, nhà sư, cướp biển võ nghệ siêu quần hợp sức chống lại thú dữ: cá sấu, trâu rừng, heo rừng và nhất là cọp, từ đó dần hình thành môn võ miệt rừng: Võ lâm Tân Khánh.

                volamky6 1 copy Võ lâm Sài Gòn   Chợ Lớn:Kỳ 6: VÕ LÂM TÂN KHÁNH   BÀ TRÀ
       Võ sư Từ Thiện (thứ ba từ phải sang) cùng 13 võ sư thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam

      Đến thế kỷ XIX, môn Võ lâm Tân Khánh ghép thêm một tên người: Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà. Bà Trà là cao thủ võ lâm, con gái một bộ tướng của Tây Sơn Nguyễn Huệ. Bà Trà lập căn cứ tại Truông Mây (Tân Uyên – tỉnh Sông Bé cũ) chiêu mộ nghĩa binh chống lại triều đình Tự Đức (năm 1850), bà nổi tiếng với cặp kiếm, xông trận như vào chỗ không người. Năm 1853, có kẻ tạo phản trong hàng ngũ nghĩa quân, nửa đêm căn cứ Truông Mây bị quân triều đình “đánh úp”, bà Trà “mở đường máu” thoát thân cùng sáu nữ binh thân tín chạy đến vùng Chòm Sao (gần chợ Bún ngày nay) lập một ngôi chùa, ẩn náu tại đây đến những ngày cuối đời…

      Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà ngoài các bậc danh sư như Hai Ất, Ba Giá, Năm Vuông, lớp hậu duệ có Sáu Trực, sau đó đào tạo được đệ tử giỏi là Bảy Phiên (Võ Văn Phiên) – một thầy võ danh tiếng ở Tân Khánh (1939-1959), nhà cách mạng Nguyễn An Ninh từng là học trò ông Trực, Võ Văn Đước, Đỗ Văn Mạnh… lẫy lừng với những chiến công đả hổ.

      KỲ NHÂN HỒ VĂN LÀNH

       Võ sư Hồ Văn Lành sinh năm Giáp Dần (1914) tại làng Tân Khánh, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ ông đi làm thuê ở lò gốm để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Quá hâm mộ ngọn roi đả hổ của thầy Hai Ất, Ba Giá, năm 14 tuổi cậu bé  Lành theo thọ giáo nghề võ với người dượng thứ sáu tức võ sư Bảy Phiên (đệ tử đời thứ hai của lão sư Hai Ất).

811-ho-v-lanh2 vo su ho tuong

    Di ảnh cố Võ sư Từ Thiện và người con kế nhiệm, chưởng môn TKBT

        Sau bốn năm miệt mài khổ luyện, Hồ Văn Lành lẫy lừng với những pha nhập nội thần tốc khiến các đồng môn đàn anh phải bái phục! Năm 20 tuổi, Lành có tên trong đoàn võ sĩ xứ Tân Khánh (do Cai tổng Thêm làm trưởng đoàn) đi đánh võ đài, đánh đâu thắng đó, vang dội khắp miền Đông Nam bộ. Năm 1939, Hồ Văn Lành mở lò dạy Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà, lấy biệt danh “Từ Thiện” với mong muốn dùng võ thuật để hướng môn đồ đến điều thiện. Thời gian này, võ sư Từ Thiện đã giúp vốn cho ông Huỳnh Bá Phước – một cao thủ môn phái Thiếu Lâm Bạch Hạc, người gốc Vân Nam – Trung Quốc, mở tiệm thuốc Đông y, nên được Huỳnh sư phụ truyền dạy Thiếu Lâm Bạch Hạc và Vịnh Xuân cũng như khoa trật đả. Năm 1955, võ sư Từ Thiện vào Sài Gòn truyền bá môn võ xứ đả hổ ở Khánh Hội (Q4) sau qua Cầu Muối (Q1). Năm 1959, ông gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, đào tạo võ sĩ thượng đài, võ sư Từ Thiện còn học hỏi thêm quyền anh với Lư Hòa Phát, Denis Minh, Kid Dempsey…

      Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà giai đoạn 1955-1970 đào tạo nhiều võ sĩ nổi tiếng như Từ Thanh Tòng, Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín, Từ Y Văn, Hồ Ngọc Thọ, Từ Y Tuấn, Hồ Thanh Phượng, Từ Hoàng Minh, Từ Hoàng Út… từng hạ nhiều võ sĩ Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Miến Điện… Những võ sĩ chưa một lần thất bại sau 10 trận đăng đài của “võ đường Từ Thiện” là Từ Hùng, Hồ Hoàng Thủy, Từ Dũng, Hồ Hoàng Hạnh, Từ Bạch Long, Hồ Tố Nguyệt… Cần nói thêm, võ sĩ “võ đường Từ Thiện”, nam được đặt họ “Từ”, nữ họ “Hồ” – hai họ của chưởng môn Hồ Văn Lành tức Từ Thiện.   

      TUYỆT KỸ VÕ LÂM TÂN KHÁNH – BÀ TRÀ

      Võ sư Hồ Tường (con trai võ sư Từ Thiện), chưởng môn đời thứ hai Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà: “Ngoài thập bát binh khí, môn phái còn có 12 loại binh khí phụ gọi là thập nhị phân cơ như  thiết lĩnh, khăn quấn đầu, sợi dây… Binh khí đả hổ của môn phái là côn, tiên và trường thương. Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà lừng lẫy với các loại binh khí như Độc kiếm, Song kiếm, Tứ Môn côn, Ngũ Môn côn, Roi Phụng Hoàng, Roi Thần Đồng, Roi Giáng Hỏa, Côn Tấn Nhứt và các bài danh quyền như Lão Mai, Ngọc Trản, Bạch Hạc, Tiểu Niệm đầu, Đồng Nhi, Thái Sơn… với cách đánh liên hoàn, xuất thủ chớp nhoáng, công thủ toàn diện, uyển chuyển của Thiếu Lâm Bạch Hạc pha trộn quyền thuật võ dân tộc Chân Lạp cùng cước pháp và binh khí đặc trưng võ trận Tây Sơn – Bình Định.

       Võ sư Từ Thiện vang danh khắp võ đài Sài Gòn – Chợ Lớn nhờ tuyệt kỹ “rờ-ve” (đòn tay móc ngược) thần tốc. Năm 1969, võ sư Từ Thiện cùng 13 võ sư Tám Kiển, Mai Văn Phát, Trần Xil, Mười Mách, Kim Kê, Quách Phước, Xuân Bình, Minh Sang… sáng lập Tổng hội Võ học Việt Nam nhằm trấn hưng, bảo tồn và phát huy tinh hoa võ học nước nhà. Năm 1991, võ sư Từ Thiện xuất bản sách Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà. Năm 2003, Ủy banTDTT quốc gia trao tặng ông huân chương “Vì sự nghiệp TDTT”. Võ sư Từ Thiện từng cho rằng: “Luyện võ giúp ta tăng cường sức khỏe, kỹ năng tự vệ đồng thời đó cũng là cách luyện tinh thần, tính kiên nhẫn và lòng tự tin”.

tns09

dsc03693

                                    Cố Võ sư Từ Thiện và VLTK ngày nay

      Năm 2005, đại lão võ sư Từ Thiện về cõi vĩnh hằng, thượng thọ 91 tuổi. Người con trai – võ sư Hồ Tường tiếp tục truyền bá môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà tại NVH Thanh Niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q1), nơi đây từng đào tạo nhiều võ sĩ tài danh đoạt HCV qua các giải thi đấu võ cổ truyền cấp thành phố và cả nước.

Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG