Chuyện Xưa Tích Cũ
Chị Thìn
Chị Thìn
Tôi còn nhớ, năm tôi học cuối cấp phổ thông, cũng là năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Nhà trường bắt học sinh cuối cấp phải học trọ. Tôi cũng như lũ bạn cùng lớp nháo nhào đi tìm nhà trọ. Những nơi gần thì hết, chỉ còn những nơi xa. Nói xa, nhưng cũng chỉ cách trường một cây số là cùng. Tôi đang nghiêng ngó, thì chợt có tiếng hỏi:
- Em tìm nhà ai thế em?
Tôi ngoái lại, thấy một chị trạc ngoài hai mươi, tầm thước, vẻ mặt hiền lành. Ngay cái giọng nhẹ nhàng khi hỏi tôi, cũng nói lên chị là người như thế. Tôi rụt rè:
- Dạ… em đang tìm có nhà nào cho trọ học…
Chị xoa đầu tôi thân mật:
- Ồ, bé tẹo thế này mà đã học lớp mười rồi cơ à? Này, chị bảo, đi theo chị!
Tôi bé thật. Mười sáu tuổi, nặng chưa đến bốn chục cân, cao chưa đến một thước rưỡi. Lại còn cái vẻ bề ngoài nữa chứ : quần âm lịch, áo đông xuân, tất cả đều màu nâu, đã sờn cũ, lại đeo một cái túi “dết” căng phồng những sách vở, người vẹo đi. Ngõ hẹp quanh co. Thỉnh thoảng, chị lại phải kéo vai tôi cho nghiêng người, hai chị em mới đi lọt. Tôi nhìn thấy cái áo nhuộm gụ chị mặc có hai miếng vá rất khéo ở vai, còn cái quần đen đã ngả sang màu “cò lửa”. Chắc chị cũng nghèo. Ðến một căn nhà nhỏ, chị xăm xăm đi trước, nâng phên liếp lên, dựng nó ở chái, ngoảnh lại bảo tôi:
- Ðây, nhà chị đây! Nếu em không chê nghèo, thì ở đây cho nó có chị em.
Tôi nhìn thoáng: tường bằng đất nện, không có buồng, mái rạ đã mòn. Một gian bếp bé tẹo, gọi là lều thì đúng hơn. Trong nhà chỉ kê một cái chõng tre, một cái bàn uống nước cũng bằng tre, hai cái ghế dài bằng tre ghép… nghĩa là tịnh không có một thứ gì bằng gỗ có mặt ở ngôi nhà này. Chị xuống bếp lấy một cái ấm đất, hai cái bát, rót đầy hai bát nước nụ vối:
- Uống đi em…
Rồi, như đón được cái nhìn dò hỏi của tôi, chị lặng lẽ:
- Anh đi bộ đội, hai năm rồi…
Chị tên là Thìn, lấy năm sinh Canh Thìn làm tên, cho dễ nhớ. Lúc chị em tâm sự, chị hay chép miệng:
- Chị tuổi Thìn, lại “Canh” nữa, phải qua hai lần đò mới xong… “Canh côi Mậu quả” mà em! Mà chắc gì lần đò thứ hai đã trót lọt…
Giọng chị lúc ấy thật trầm, như một tiếng thở hắt ra. Tôi không biết nói làm sao, chỉ thấy thương chị, thật thương…
Chị Thìn đối với tôi như một người chị cả tần tảo. Nào có nhiều nhặn gì cho cam: hai bữa cơm rau dưa, ăn còn đói. Nhiều buổi trưa nắng, chị đi bắt cua, tát cá về, mặt mày đỏ gay, lấm tấm bùn, cái áo gụ bạc khoang mồ hôi. Chị cười hồn hậu:
- Có thêm tí cua, tí cá, em ăn ngon miệng, học cho sáng dạ… Chị thì chịu thôi! Chị dốt lắm!
Chiếc chõng tre duy nhất, chị nhường cho tôi. Còn chị trải chiếu dưới đất. Nói là chiếu, thực ra là mấy mảnh bao manh cói, tháo ra, ghép vào. Mùa đông, chị lấy rạ, đánh thành tranh, lót ổ cho cả hai chị em. Chị nằm ổ dưới đất, đắp thêm hai bao manh cói. Còn tôi, nằm chõng, may có một chiếc chăn sợi cũ. Tối tối, chị lau bóng đèn, đổ dầu, khêu bấc, chuẩn bị chỗ cho tôi học bài, nhưng thường chỉ khi nào tôi khêu nhỏ ngọn dèn, đi ngủ, thì chị mới chịu ngủ. Không biết những lúc tôi ngồi học, chị ngả lưng trên cái ổ rạ, không dám trở mình, thì chị nghĩ gì…
Cũng có khi, chợt một ý nghĩ buột ra:
- Này, em đã là cậu Tú rồi đấy! Ngày xưa, cậu tú là oai lắm, tha hồ sướng. Còn học xong đại học, đã là ông Cử… Không biết lúc ấy, em có quên chị không?…
Kèm theo, là một tiếng thở dài, một cái chép miệng của chị. Suốt gần năm tháng trời, chị Thìn thay mẹ tôi. Có mấy lần, mẹ tôi sang nhà chơi với chị, và chị cũng thế. Chị nhận xét:
- Nhà em nghèo, nhưng có nền nếp. Ðời em chả sướng đâu!…
Cả cuộc đời tôi, câu ấy thật nghiệm. Sao chị lại có thể có được một nhận xét như vậy? Chị Thìn ốm. Ðấy là vào những ngày giữa đông. Thương chị lắm, nhưng tôi chẳng biết làm gì. Cháo thì sượng, rau muống luộc thì vừa sống vừa oi khói. Chị cố ăn cho tôi vui lòng, miệng không ngớt khen ngon, mà chị đâu có nuốt được, chỉ trệu trạo vài miếng. Những ngày ấy, tôi dứt khoát bắt chị phải ngủ ở cái chõng tre, còn tôi nằm dưới đất.
Năm ấy, sao mà rét. Một đêm, khi tôi khêu nhỏ ngọn đèn dầu, chui vào ổ rạ, cố ngủ nhưng không ngủ nổi, thì nghe tiếng chị Thìn:
- Hà ơi… em có lạnh không?
- Cũng lạnh chị ạ.
Chị lần mò một lúc, tháo chiếc màn cũ, ôm chiếc bao manh, bước xuống chỗ tôi nằm:
- Chị cũng không ngủ nổi. Thôi, hai chị em nằm chung cho ấm.
Tôi dịch vào, lấy chỗ cho chị. Lần đầu tiên, tôi nằm chung với một người đàn bà xa lạ. Dầu rằng đó là chị Thìn, ngườl tôi yêu quý, kính trọng như chị cả, như mẹ, tôi vẫn thấy có một cái gì đó khang khác. Quả là hai người có ấm hơn. Dần dà, tôi thiếp đi trong lời thủ thỉ của chị kể về người chồng, những lời than thở của một người vợ có chồng đi bộ đội, về thân phận người đàn bà một thân một mình mà trong nhà không có người đàn ông…
Trong giấc ngủ ngon lành và nhẹ nhõm, tôi vẫn cảm nhận được vòng tay chị Thìn nâng đầu tôi lên, cho gối vào cánh tay tròn lẳn của chị, những ngón tay thô ráp cực nhọc của chị vuốt tóc tôi ra sao, và chị xoay mặt tôi về phía chị, cái hơi ấm nồng nàn tôi hít thở tỏa ra từ ngực chị. Tôi chỉ thấy yên ổn trong tình thương rất tự nhiên của một người như chị, kể cả những cử động của bàn tay chị đang vuốt nhè nhẹ khắp người tôi…
Chợt tôi choàng tỉnh, bởi vòng tay chị ôm tôi chặt hơn, và bàn tay táo bạo, da diết hơn. Tôi vùng dậy, còn chị thì cố níu kéo giữ tôi lại:
- Em đi đâu… Chị sẽ không làm thế nữa… Ngoài lạnh lắm…
Tôi vẫn cố vùng dậy bằng được. Tôi thấy mình bị xúc phạm, và còn hơn thế nữa. Có một cái gì đổ vỡ, một cái gì mất mát vừa xảy đến với tôi. Tôi khêu to ngọn dèn, vội vàng lấy sách ra học bài, mặc những lời van nài của chị. Cả khi chị dậy, len lén lấy chăn quàng cho tôi, tôi cũng vùng vằng hất ra. Cứ thế, chị ngồi trên ổ rạ, khóc rấm rứt. Mà chị thì đang ốm…
Sáng tinh mơ, tôi đã gói ghém chăn màn, sách vở. Chị không dám ngăn, cứ đứng quanh quẩn, tần ngần. Rồi chị hỏi:
- Em bỏ đi thật à? Em giận chị thật à?
- Hôm nay, nhà em có giỗ, em phải về…
Bỗng, chị xô đến tôi, nắm chặt hai cánh tay tôi, rồi chị gần như quỳ xuống, ôm hai chân tôi:
- Em tha lỗi cho chị, chị xin em… chị lạy em… em đừng bỏ đi… Chị xấu hổ lắm! Nếu em bỏ đi, suốt đời chị sẽ phải xấu hổ! Em thương chị, em đừng đi… Chị xin em…
Tôi vẫn dứt khoát đi, vừa đi vừa khóc, như đứa trẻ bị đòn oan. Còn chị, ngồi bệt dưới đất, một tay níu lấy cái chõng tre, một cánh tay đưa ngang miệng, mà tiếng khóc vẫn cứ bật ra, cay đắng. Tôi lại tìm nhà trọ khác, thật xa. Còn chị Thìn, cũng không lần nào đến cổng trường tìm tôi, dẫu từng có lúc, tôi thầm mong như vậy. Bốn năm học đại học, cũng là bốn năm chiến tranh phá hoại. Tôi không có cơ hội nào đề tìm về nhà chị, để gặp chị. Cái giận dữ con trẻ nguôi dần, nguôi dần. Còn cái băn khoăn, cái tự trách mình cứ lớn dần trong tôi, khi tôi ngày càng nhận ra sự phong phú cũng như phức tạp, sự trần tục cũng như thiêng liêng của tình cảm con người. Và, không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về chị, tôi càng thấy mình có một điều gì không phải. Và điều đó không bao giờ chuộc lại được…
Cho đến lần cuối cũng tôi gặp lại chị khi hai chị em đã xa cách nhau bảy năm rưỡi trời. Ðó là năm thứ ba khi tôi ra trường, được nhận công tác và xin nghỉ phép về quê.
Tôi tìm đến nhà chị Thìn. Nhà đã có chủ khác ở. Nó khang trang hơn. Bà chủ nhà nói rằng chị Thìn đã đi lấy chồng. Chồng chị, hy sinh cách đây hơn ba năm. Nói là lấy chồng, thực ra làm lẽ thứ ba một người trong làng. Hai vợ trước của ông ta, bà cả thì chết, bà hai thì dở người. Ông ta hơn chị gần hai chục tuổi, tiếng là vợ lẽ, nhưng quá con ở…
Nghe bấy nhiêu chuyện, đầu óc tôi choáng váng. Thế ra bảy năm đã đủ thời gian để định đoạt số phận một con người.
Tôi tìm đến nhà mới của chị Thìn theo lời chỉ dẫn. Tôi gọi to. Một ông “đồ tể” cởi trần chạy ra, gắt:
- Thìn nào? Cậu là ai?
Tôi trình bày. Ông chõ vào phía nhà bếp:
- Cô Thìn, có người hỏi..
Tiếng chân đất bước vội vàng. Chị Thìn! Người tôi run lên:
-Chị Thìn, chị không nhận ra em sao?
Chị vẫn ngơ ngác. Chị già đi mau quá. Mới bảy năm…
- Ối, Giời Phật ơi! Cậu Hà… Cậu còn nhớ chị à? Cậu đã nhớn thế này rồi à?
Sau đó, thì chị cuống quýt:
- Vào đây! Vào đây em!… Ðây là cậu Hà, trọ học nhà em năm xưa… Bây gì em làm gì rồi?
Tôi kể cho chị nghe. Còn chị cứ xuýt xoa. Ông “đồ tể” dần dần cũng có vẻ nể, đi pha nước mời tôi, nhắc:
- Cô hỏi gì mà hỏi lắm thế! Ði xem mua cái gì về ăn!
Lúc bấy giờ, chị Thìn mới sực tỉnh, vội đưa tay quệt ngang mặt, chùi chùi vào ống quần. Nước mắt và bụi tro trên mặt làm mặt chị nhem nhuốc, trông lại càng già đi. Chị ăn vận thì vẫn thế: chiếc áo gụ sờn và chiếc quần đen đã ngả sang màu “cò lửa”.
Suốt bữa ăn, chị cứ gắp cho tôi, y như ngày xưa. Tôi không dám nhìn ánh mắt van nài của chị. Chị hỏi tôi về công việc, tôi chỉ đáp qua loa. Nhưng sau, tôicố nói có ngành ngọn, có phần “bốc” một tí, khi chợt hiểu ràng chị tự hào về tôi và đấy là cái tự hào hiếm hoi để “mặc cả” với ông chồng “đồ tể”. Ông chồng chị cứ nằng nặc giữ tôi lại qua đêm, nhưng tôi chối từ. Còn chị, không dám ra mặt vồn vă, mặc dù trong thâm tâm, tôi biết chị muốn nói với tôi nhiều chuyện, muốn kể với tôi tất tật những gì chị đã nếm trải hơn bảy năm qua.
Tôi xin phép về. Chị tiễn tôi đi. Tôi đoán có lẽ là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, chị có đủ lý do để dám tiễn một người thân, từ khi về làm lẽ ông “đồ tể”. Chị hiểu tôi đã biết mọi chuyện, nên chị không hề nhắc lại vì sao chị phải đến ở nhà này. Và tôi cũng không dám… Ðến một ngõ lội, tôi đưa tay cho chị:
- Khéo kẻo ngã, chị ạ!
Chị cứ nắm mãi tay tôi, rồi dừng hẳn lại, khẽ khàng:
- Chị tiếc cái hồi chị em mình ở với nhau…
Vậy là chị hiểu! Thời gian đã sàng lọc tất cả, chỉ để lại những gì cần phải nhớ!
Chợt chị thở dài:
- Em đừng trách chị. Chị biết làm thế nào được? Cũng may mà còn có miếng ăn, em ạ… Liệu em có về với chị được luôn không?
Chi khóc, gục vào vai tôi. Tiếng khóc tiếc nuối, cay đắng và cam phận. Bây giờ, tôi là một người lớn, là đàn ông. Còn chị, là một cô bé con, giống như nàng Lọ Lem trong chuyện cổ tích nào đó…
- Thôi, chị ạ! Cái số phận nó đã như thế…
Sao tôi lại có thể vô duyên đến như vậy? Mà tôi có còn cách nào khác để giằng chị ra khỏi hiện tại nữa đâu?
Chúng tôi chia tay nhau. Chị Thìn giúi vào túi áo tôi một gói:
- Em cầm tiêu tạm… Chị phải về…
Rồi chị quày quả bỏ đi như chạy, không ngoái lại…