Home
THIỀU GIA VÕ THUẬT GIẢN GIỚI
Trước tiên cần khẳng định: Thiều gia võ thuật 韶家武术 là một môn võ của dòng họ Thiều, một dòng họ có nguồn gốc từ Bắc Việt. Một võ phái thuần Việt do võ sư Thiều Ngọc Sơn 韶玉山 chấp chưởng.
Như tất cả các môn võ khác, võ thuật Thiều gia không những có đầy đủ hệ thống cơ sở lý luận (có giáo trình huấn luyện được biên soạn tỉ mỉ, công phu) mà còn rất đa dạng, phong phú về nghệ thuật kỹ kích.
Về lý luận (理论的基础):
Võ thuật của dòng họ Thiều được xây dựng từ học thuyết Khổng Lão, từ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của Á Đông và lấy đó làm nguyên tắc đối đãi, tôn chỉ mục đích, làm phương châm chủ đạo cho mọi hoạt động của mình, lấy nhân nghĩa lễ trí tín để xây dựng niềm tin và hoàn thiện tính cách của môn đồ “trên vì nước, dưới vì người”. Trong hành động, lấy “xả kỷ tùng nhân” để hòa mình vào cuộc sống, lấy triết lý âm dương ngũ hành cùng qui luật phản phục làm nền tảng trong hoạt động công thủ.
TOÀN VĂN LỜI CHIA SẺ, GIÃI BÀY CỦA SƯ THÍCH MINH TUỆ
TOÀN VĂN LỜI CHIA SẺ, GIÃI BÀY CỦA SƯ THÍCH MINH TUỆ
1. Giữa tháng 7/2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa , tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng.
2. Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.
3. Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà, nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.
4. Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1 , rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.
5. Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực.
Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.
6. Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.
7. Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú).
8. Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ.
9. Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu , thiền định, trí tuệ , thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc.
10. Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học.
11. Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.
12. Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm.
13. Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào.
14. Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường.
15. Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ.
16. “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy.
17. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội.
18. Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.
19. Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.
20. Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.
21. Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.
22. Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.
23. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
24. Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng , chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với 4 nổi khổ: sinh, già , bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.
25. Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc.
26. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.
27. Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.
28. Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay.
29. Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật – Pháp – Tăng.
30. Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.
31. Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.
32. Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.
33. Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ.
34. Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con.
35. Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.
36. Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uống, cần phải sống để giữ nó.
37. Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.
38. Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi.
39. Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc.
40, Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra 2 tâm trạng : người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.
41. Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân VN giống như mọi người thôi . Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng.
42. Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.
43. Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, y áo vật thực hay cái gì đó. Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới , đó là bố thí pháp.
44. Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của GHPGVN, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó.
Shaolaojia biên tầm & giới thiệu
TÌM HIỂU THUẬT NGỮ “GIỚI – ĐỊNH – TUỆ” TRONG ĐẠO PHẬT
TÌM HIỂU THUẬT NGỮ “GIỚI – ĐỊNH – TUỆ” TRONG ĐẠO PHẬT
Trong đạo Phật, thuật ngữ “Giới – Định – Tuệ” được hiểu là con đường duy nhất để đưa hành giả tiến đến “giác ngộ” và “giải thoát”. Vậy “giới định tuệ” là gì? Tầm quan trọng của Giới, Định, Tuệ trong tu tập như thế nào? Vì sao đệ tử xuất gia và tại gia cần trau dồi, tăng trưởng mạnh mẽ “Giới – Định – Tuệ” để đạt được mục đích giải thoát khỏi khổ đau trong “sinh tử luân hồi”? Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp phía dưới đây.
1. Định nghĩa, khái niệm về Giới – Định – Tuệ: “Giới – Định – Tuệ” hay còn gọi là “Tam vô lậu học”, là con đường, lộ trình tu tập giúp hành giả có thể giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, đạt được mục đích cứu cánh trên con đường tu hành và có thành tựu Niết bàn.
Đây là khái niệm quan trọng trong Phật giáo, là một nếp sống đạo hạnh và trí tuệ mang lại hạnh phúc cho bản thân và người khác.
2. Giải thích từ ngữ
– GIỚI: Giới là quy tắc để bảo vệ thân thể, lời nói, tâm trí khỏi những điều ác, ngăn chặn hành vi xấu xa. Giới dùng để kiểm soát tâm thái của con người, tránh những suy tư ác ý và nghiện ngập vật chất. Giới sẽ giúp chúng ta biết đủ, biết dừng, không tham quá, đánh bại được tâm tham lam của bản thân.
– ĐỊNH: Định là việc kiểm soát tâm trí và cảm xúc của bản thân. Khi thiếu định lực, chúng ta sẽ dễ bị tâm sân, mọi việc đều khiến bạn phiền lòng, có thể tự đánh bản thân mình. Để tránh điều này chúng ta cần tu định để có định lực.
– TUỆ: Tuệ trong giới định tuệ chính là sự hiểu biết về thực tế và khả năng tỉnh táo trong suy nghĩ, hành động. Nhờ đó mà mọi quyết định và hành động đều trở nên đúng đắn.
Khi không có trí tuệ khiến bản thân bị tâm sân và không nhận được việc xảy ra một cách rõ ràng. Người có trí tuệ sẽ có định lực để xử lý vấn đề dễ dàng, hiệu quả. Theo pháp Phật, người hiểu rõ Phật pháp là người có trí tuệ và sẽ sử dụng trí tuệ một cách hiệu quả.
2. Tầm quan trọng của Giới – Định – Tuệ
Giới – Định – Tuệ như kiềng ba chân, nếu thiếu một không thể đứng vững, nếu người tu không giữ giới thì chỉ có thể đạt được định, tuệ của ngoại đạo. Cho nên, không thể trụ vững trên mảnh đất Giới, thì Định và Tuệ không thể nẩy mầm. Kinh Lăng Nghiêm đã khẳng định: “Dẫu có người tu hành được đắc định, đắc tuệ mà không có giới, thì cũng như ma đạo mà thôi”.
Tóm lại: Giới – Định – Tuệ là con đường duy nhất cho người xuất gia hầu làm thanh tịnh thân tâm, đoạn trừ hết tất cả vô minh tham ái, triền phược nhiễm ô, giúp cho người tu hành có một cuộc sống đạo đức an lạc thật sự. Đối với xã hội, Giới-Định-Tuệ còn có giá trị đích thực nhằm thiết lập một trật tự đạo đức văn minh. Đối với nhân loại, Giới là cơ sở vững chắc để xây dựng một nền hòa bình nhân ái.
Tu tập Giới – Định – Tuệ, cũng chính là tu tập tất cả các pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy. Có Giới-Định-Tuệ sẽ khai thông được những vướng mắc trở ngại giữa cõi trần thế khổ đau này.
Quận 12, đêm 25.5.2024
Shaolaojia sưu tầm & giới thiệu.
LẠM BÀN QUYỀN NĂNG CỦA PHÁP TU “HẠNH ĐẦU ĐÀ”
Ôm mỗi cái, lõi nồi cơm điện
Đầu đội trời, thân diện “phấn y”¹
Chân trần, chẳng dép, đen chì
Nhàn du khắp cõi, hiển kì…, quái sư².
Dân quỳ lạy, kính như Phật tổ
Giáng trần gian, cứu khổ, độ nguy
Chẳng đao, không kích, chẳng chùy
Xàm tăng, tút tận, biên thùy… hãi kinh.
Thị thành “sãi”, giật mình, thon thót
Thích “cúng dường”³, ngưng “hót” líu lô
Lê Hà⁴, miệng há chữ “Ô”
Mặt y đứa gọi “phản đồ”…, chết trân!
Chỉ nhiêu đấy, tự Tần chí Tấn
Thảy tham quan, nhìn “phấn tảo y”
Bỗng dưng, dzà soát, nhiệm kỳ
Suốt năm năm chẵn…, ăn gì, sạch không?
…
Lõi cơm điện, cường công, quan cách
Tảo phấn y, thiện trách, xàm tăng
Lạm bàn, nhị chữ “quyền năng”
Với tôi, Minh Tuệ sáng bằng…, chư tiên !.
Tp.HCM, ngày 23.5.2024
Thiều Ngọc Sơn
—————-
Ghi chú:
¹. Phấn y: tên đầy đủ là Y phấn tảo, một loại y phục quy định bắt buộc đối với những đệ tử Phật môn tu theo phái “hạnh đầu đà”. Y phấn tảo là loại y phục được làm từ những miếng vải vụn, rách nhặt ở nghĩa địa, ven đường,… được giặt sạch, khâu lại để mặc.
². Kỳ quái sư: chỉ khất sĩ Thích Minh Tuệ. Ông tên thật là Lê Anh Tú (sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Minh Tuệ vì mộ Phật nên nguyện cả đời sống và thực hành pháp tu “hạnh đầu đà – 行頭陀”. Và tính từ lúc bắt đầu tu (2015) đến nay, sư đã đi khất thực 4 lần từ Nam ra Bắc và vòng lại.
³. Thích “cúng dường”: Tên cộng đồng mạng đặt cho một Thượng tọa ở Bà Ria-Vũng Tàu. Do vị này hễ mở miệng thuyết pháp, giảng đạo là kêu gọi phật tử cúng nhà, đất, tiền bạc cho nhà chùa.
⁴. Lê Hà: nguyên là tục danh (cũng kêu thế danh) của sư Thích Bửu Chánh (Sinh 1961, nguyên quán xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, phó ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN, Phó trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai… Sư Thích Bảo Chánh được cộng đồng mạng gọi là sư “hiến kế”, sư “tin tin” v.v. nhân vì trong một lần họp, sư đã hiến kế cho các cao tăng đồng tu khác kiếm tiền làm giàu bằng cách xin số đt, số zalo, facebook của phật tử sau đó đợi đến SN của phật tử thì… nhắn tin chúc mừng. Sư khẳng định mỗi năm chỉ 1 lần nhắn tin chúc SN, ngay lập tức thẻ ngân hàng của thầy sẽ “tin tin”, và tiền sẽ đổ vào… như nước (?!).