Login Form

Số Người Truy cập

04265017
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
532
781
5825
2612278
21844
24779
4265017

2024-05-19 20:49

Chuyện Xưa Tích Cũ

CHUYỆN VỀ CÁC SƯ NGƯỜI VIỆT - CỞI CÀ SA KHOÁC CHIẾN BÀO... ĐÁNH GIẶC

Chùa Trấn Quốc Hà Nội

Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến chống Pháp" của Hồ Chủ tịch, 27 nhà sư của thành Nam Định đã tự thành lập đoàn "Nghĩa sĩ Phật tử “ xông ra trận tuyến trừ... hung bạo.

Cà sa gửi lại...

Theo Đại tá Đinh Thế Hinh, 79 tuổi, nguyên chính uỷ trung đoàn 542, QĐND VN (xem hình phía dưới): Cuối năm 1946, giặc Pháp tràn vào Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... dã tâm của chúng đã bộc lộ hung hãn muốn tái chiếm VN, lúc đó tôi mới tròn 20 tuổi, là đại đức của chùa Cổ Lễ.


Một buổi chiều mùa đông năm 1946, hòa thượng trụ trì chùa Cổ Lễ Thích Thế Long gọi tôi (Đại đức Thích Pháp Lữ) và Đại đức Thích Trí Không lên trai phòng hỏi:
- Giặc dữ hoành hành, cơ đồ nghiêng ngả, muôn vạn sinh linh lâm cảnh tang thương... Phật dạy: “Việc đạo không rời việc đời”, hai vị có ý kiến gì không? 

Tôi và Trí Không chắp tay, thưa rằng:
- Việc đời loạn thì nghiệp tu cũng không thể yên ổn. Mong sư phụ làm lễ “giải pháp y” cho phép số tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường dẹp giặc!

Đại tá Đinh Thế Hinh

Và thế là ngày 27-2-1947, nhân dân huyện Trực Ninh đổ về chùa Cổ Lễ đông nghẹt, trước cổng chùa căng băng rôn đỏ nổi bật dòng chữ: "Lễ cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Từ tháp Liên Hoa, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu sân chùa, vườn chùa, đâu đâu cũng thấy người nói cười và cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Trước đó, tôi và Trí Không, Thích Tường Minh đã đi vận động khắp các chùa trong huyện Trực Ninh và thành Nam Định được tổng cộng 27 người, trong đó có hai ni cô Đàm Hồng, Đàm Nhung và một hình đồng (chú tiểu) Thích Chấn Hưng đi tham gia kháng chiến. Các nhà sư trước ngày ra trận được đại đức Thích Tường Minh luyện tập võ thuật, hai ni cô được học cấp tốc những bài thuốc, cách chăm sóc thương binh, may vá quần áo bộ đội...
Đúng 8 giờ 30 phút sáng 27-2-1947, sau lễ chào cờ trang trọng, mặc niệm các anh hùng đã quên thân vì Tổ quốc, là hồi chuông, trống gióng giả vang lên từ trong chùa chính, trang trọng nghênh đón đoàn nhà sư khoác áo cà sa đi chân đất, xếp hàng đi ra, cuối hàng là hai ni cô vai khoác túi Hồng thập tự. Tất cả xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam Bảo nơi đặt lễ đài. Hoà thượng Thích Thế Long đọc diễn văn khai mạc, nêu rõ: “Giặc ngoại xâm đe doạ chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông...”. Tiếp đó, đại đức Thích Pháp Lữ lên đọc bài thơ phát nguyện, thề: “... Nghe theo tiếng gọi của núi sông/ Cà sa gửi lại chốn thư phòng/ Xông ra trận tuyến trừ hung bạo/ Thực hiện từ bi lực phải hùng”.


Một hồi chuông vang lên ngân nga báo hiệu cử lễ “Tam Bảo”, “Tú Ân” theo điển thức lễ trọng. 27 tăng ni đồng loạt ngồi toạ thiền, rồi đồng thanh tụng một bài kinh Bát Nhã và đọc 4 câu nguyện của Chư Phật, Bồ Tát. Khi câu kệ vừa dứt, các nhà sư nam giới đứng lên cùng cởi áo cà sa, để lộ những thân hình trai tráng rắn rỏi. Hoà thượng Thích Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật. Đại đức Thích Tường Minh hô: “Đội mũ!”. Đồng loạt các tăng ni đội mũ có gắn sao vàng lên đầu. Bầu trời lúc ấy như nổ tung bởi các tiếng hò reo, vỗ tay như sấm dậy của bà con đến chứng kiến lễ phát nguyện. “Thế là từ lúc ấy, chúng tôi đã trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn”, Đại tá Đinh Thế Hinh xúc động nói.

Sau buổi lễ phát nguyện nhập thế - ra trận trang trọng ấy, 27 nhà sư chiến sĩ được các đơn vị bộ đội tiếp nhận huấn luyện, giao nhiệm vụ bảo vệ thành Nam Định và chùa Non Nước (Ninh Bình). Sau khi tăng ni phát nguyện lên đường giết giặc, Hoà thượng Thích Tâm Long cũng rời chùa đi tản cư kháng chiến. Trước khi ra đi, Hoà thượng sai người đem chôn giấu quả chuông nặng 9 tấn và các đồ vật quý giá khác của nhà chùa xuống hồ sen phòng khi giặc Pháp đến càn quét, phá huỷ. Hai tháng sau lễ phát nguyện, quân Pháp tiến công dữ dội thành Nam Định và chùa Non Nước, chúng đã vấp phải sức kháng cự anh dũng, tinh thần quyết tử của bộ đội, tự vệ và các nhà sư - chiến sĩ thành Nam.

Cứu chúng sinh nguyện xả thân

Ông thủ từ chùa Cổ Lễ Nguyễn Văn Am cho biết trong trận bảo vệ thành Nam Định và chùa Non Nước (Ninh Bình) có 12 nhà sư - chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong đoàn quân phát nguyện của chùa Cổ Lễ đã ngã xuống. Đại tá Đinh Thế Hinh cho hay, đến bây giờ cũng không ai rõ thế danh của các vị ấy, gia đình họ cũng không biết họ đi đâu. Họ ra đi chỉ để lại pháp danh mà nhà chùa đặt cho và khi vào bộ đội, rồi hy sinh vẫn giữ nguyên tên như: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm...

Bà Nguyễn Thị Vang, 80 tuổi, nguyên là ni cô Đàm Nhung, hiện ngụ tại khu tập thể Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cũng ngỡ ngàng khi chúng tôi đến thăm. Bà Vang mở tủ lấy tấm ảnh ngày xưa khi còn là ni cô chùa Vấn Khâu (huyện Nam Trực - Nam Định) cho chúng tôi xem, bà cảm động: “Tấm ảnh này tôi phải giữ gìn cẩn trọng lắm, nhưng đó là việc xưa đã qua lâu rồi!”

Ni cô Đàm Nhung - bà lão Vạng hôm nay rưng rưng nước mắt khi nói về phần đời nơi cửa Phật cách đây hơn 60 năm. Sinh ra trong gia đình khá giả của huyện Nam Trực. Năm 16 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Vạng xuất gia, đi tu tại chùa Vấn Khâu đến năm 23 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch tham gia kháng chiến, bà đã tìm đến chùa Cổ Lễ phát nguyện cởi áo cà sa lên đường chiến đấu, sau vào bộ đội làm y tá cứu thương mặt trận thành Nam.

Đến năm 1955 bà rời quân ngũ về làm công nhân dệt Nam Định, sau chuyển về nhà máy dệt 8-3 (Hà Nội) lấy chồng, sinh con. Trung đội nghĩa sĩ Phật tử chùa Cổ Lễ năm xưa cũng mỗi người mỗi cảnh, người đi Nam tiến, có người lại trở về chốn cửa thiền,người về với đời thường. Họ bặt tin tức về nhau từ ngày hoà bình vì những lý do riêng.

Bà Vạng cho biết, khi vào làm nhà máy dệt, để giấu tung tích bà đã lấy lại thế danh là tên cha mẹ đặt cho mình từ khi còn bé. Ở nhà máy dệt, không ai biết bà có thời là ni cô, và đã từng là y tá cứu thương mặt trận thành Nam. Đại tá Đinh Thế Hinh cũng vậy, trong phần lý lịch của ông trong quân đội, thời đánh Pháp, ông khai là học sinh! Ông Hinh cho biết, từ năm 2000 trở lại đây, một số người dân khu nhà E3, khu tập thể Thanh Xuân Bắc mới hay, ở cùng chung cư với họ còn có một vị đại tá nguyên là nhà sư!

“Cho mãi đến khi về hưu, chúng tôi mới lại tìm đến được với nhau!”, Đại tá Đinh Thế Hinh cười vui vẻ. Đoàn quân phát nguyện năm xưa nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Họ cùng nhau ôn lại chuyện xưa, tập hợp tư liệu. Mới phát hiện trong trận chống càn tại Nam Trực còn có một vị ni cô Đàm Hồng đã ngã xuống. Bà Vạng kể lại: “Chúng phát hiện ra ni cô đang cứu chữa cho một số thương binh ở trong hầm, gọi lên hàng nhưng ni cô không lên, ni cô chụp lấy súng bắn lên, khi súng bắn hết đạn, ni cô và các thương binh bị chúng tung lựu đạn ném xuống giết tất cả!”.

Năm 1999, các đại đức, ni cô phát nguyện “cởi áo cà sa khoác chiến bào” năm xưa còn sống gồm: Thích Tường Minh, Thích Trí Không, Thích Tâm Trinh, Thích Thanh Hải, Thích Pháp Lữ, ni cô Đàm Nhung... cùng đại đức Thích Tâm Vượng, giám viện chùa Cổ Lễ hiện nay, lập bia “Nghĩa sĩ Phật tử”. Văn bia ghi rõ: “Dường như Bồ Tát giáng dương trần/ Cứu nguyện chúng sinh nguyện xả thân/ Danh tiết nhà sư lưu dấu ấn/ Phần đời cửa Phật tiếng chuông ngân”.

ĐỖ HỮU LỰC

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG