Thành Ngữ Điển Cố
Ngày Xuân Tản Mạn Về Chuyện Lì Xì
Lì xì & Cảm giác được Lì xì...
Shao Lao Jia
Theo luật tục, tết cổ truyền Việt có hai tập tục đặc biệt quan trọng ấy là tục Đi tết và tục Mừng tuổi.
- Luật tục "Đi tết": Đi tết tuy là luật tục Bất Thành Văn nhưng trong đấy lại qui định rất rõ rằng tất cả đám "hậu bối" tức cái lũ sinh sau phải đặc biệt tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ, các cô dì chú bác, phải hiếu kính với người già, người cao niên, cán bộ lão thành... và hàng năm vào dịp xuân về tết đến không ít thì nhiều phải có trách nhiệm đóng góp tiền của (cũng có một số trường hợp được đặc cách miễn trừ như gia cảnh quá ư khó khăn hoặc do chưa đủ "lông" đủ cánh), bạc vàng để tỏ lòng hiếu kính với các bậc bề trên. Tập tục "đi tết" được tiến hành từ ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời và chấm dứt trước thời khắc giao thừa (sau thời điểm đó mọi sơn hào hải vị, tuyệt kỹ kungfu, chân tàng bí bản... đều trở nên không có giá trị vì người Việt cho rằng như thế là không hiếu kính tổ tiên - đây cũng là lý do vì sao cứ tết đến lại ách tắc tàu bè ).
- Luật tục Lì xì: Không hiểu nguồn gốc của hai chữ lì xì có từ thời nào và đến từ đâu ? Người bảo rằng nó là tiếng Pháp, người bảo đó là tiếng "lợi thị - 利 市" của mấy chú A Hú, A lía người Quảng Đông... nhưng theo tui biết, ở quê tui các cụ nói đấy là tục "mừng tuổi".Xưa kia do xã hội thường xuyên động lãng, chinh chiến liên miên do vậy cuộc sống quá ư bất ổn, khó khăn trong khi đó nhà nào cũng con đàn cháu đống* nên chẳng ai thích con cái cứ "đẹt", cứ còi cọc mãi bao giờ. Ông bà cha mẹ thì mong cháu con "Hay ăn chóng nhớn" để gánh vác trọng trách gia đình, của giang san xã tắc; các anh chị mong cho em "chóng nhớn" để đỡ đần, san xẻ công việc với mình; người thân, láng giềng hàng xóm cũng mong cho "chóng nhớn" để giúp đỡ gia đình, để thôn cường hương thịnh... và thậm chí có người còn mong cho chóng lớn chỉ để dỡ phải... lì xì .
Theo tập tục, thủ tục Lì xì chỉ được tiến hành từ thời khắc giao thừa, kéo dài cho hết ba ngày xuân (hiện nay do cơ chế thông thoáng nên các cụ cho phép được quyền nhận và đòi tiền lì xì đến hết "mùng"). Và cũng chỉ có trẻ con mới được lì xì và có quyền được háo hức chờ người lớn lì xì và quyền "đòi" được lì xì - mừng tuổi.
Hôm qua đi chúc tết, được đứa cháu lì xì (1 tr), chợt thấy mình như bé lại, tuy da dẻ nhăn nheo nhưng xúc động vô cùng . Cả đêm suy nghĩ rà soát lại tất cả cổ luật thấy không có bất cứ khoản, mục nào qui định mình được hưởng cơ chế "lì xì". Chỉ khi giở đến "Sinh Tử Bạ - 生 死 簿" thấy trong đó ghi: Kẻ nào vượt qua ngưỡng "tri thiên mệnh" thì được phép nhận Lì Xì
!!!!
Dù gì cũng cảm ơn "Sinh Tử Bạ" .
------------------------------
* Người xưa quan niệm nhà nào có con đàn cháu đống thì dòng họ thịnh vượng, gia đình hạnh phúc. Bởi vậy thường chúc: "Đa tử đa tôn đa phú quí" là vậy.