Login Form

Số Người Truy cập

04454273
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
6
1068
3246
2806914
14126
28301
4454273

2024-11-22 00:09

Chim Trời Cá nước

Nước Việt Mến Yêu & Những Điều Kỳ Thú

Thanh Hóa

Bí ẩn về “Giếng thần” Nam - Nữ của người Mường

(Dân trí) - Câu chuyện bí ẩn về chàng rắn trắng đào giếng tạo phúc cho dân làng có nước sinh hoạt dưới chân núi Ái Làng xưa kia, vẫn được bà con nơi đây truyền tai nhau. Những truyền thuyết ly kỳ chưa lời giải đáp xung quanh đôi “giếng thần” mang tên Nam - Nữ này.

Hàng bao đời nay người dân xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy vẫn thường kể cho nhau nghe về truyền thuyết đôi “giếng thần” và coi đôi giếng này như một "của hồi môn", một giá trị tinh thần vô giá đối với cộng đồng người Mường nơi đây.

 

Sự tích “chàng rắn” và cuộc hành trình tìm nới trú ẩn

Trải qua quãng đường gần 100km từ thành phố Thanh Hoá, chúng tôi tìm về xã Cẩm Quý để mục sở thị và nghe câu chuyện kỳ bí về đôi “giếng thần” (giếng trời ban). Các cụ cao niên trong làng Chiềng, xã Cẩm Quý cho biết, đôi "giếng thần" có từ khi nào cũng chẳng ai biết được, người dân nơi đây chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy có đôi giếng nước đó rồi.

alt

Ông Cao Viết Bảo cho biết, người dân gọi đây là khu giếng nữ.

Bà Cao Thị Chắt (77 tuổi), người dân tộc Mường, cho biết, từ ngày còn bé bà đã thấy đôi “giếng thần”, nước trong xanh không bao giờ vơi cạn nằm ở đó, hỏi cũng chẳng ai rõ về thời gian xuất hiện hai giếng nước. Bà Chắt chỉ nghe kể lại rằng, trước đây ở làng bà đang ở chỉ có hơn 20 hộ gia đình dân tộc Mường sinh sống. Ngày đó, nơi đây xung quanh còn là rừng rậm hoang vu.

Read More

Tương truyền, vào một ngày nọ có người đàn ông họ Cao tên tuổi không ai nhớ rõ, đi xúc tôm, xúc tép ở bờ suối, xúc được một quả trứng to bằng quả trứng ngan, ông nghĩ quả trứng này không còn ăn được nữa liền ném nó đi nhưng lạ thay, mỗi lần xúc tiếp theo quả trứng lại nằm trọn trong rổ, bực mình ông xách rổ ra về mang theo quả trứng.

Về nhà, ông bỏ quả trứng cho gà ấp, hơn một tháng trôi đi trong yên lặng rồi vào một ngày trời đất bỗng tối sầm lại, đàn gà kêu lên thảng thốt, đàn trâu cũng lồng lên trong chuồng, một con rắn màu trắng tinh nằm cuộn tròn trông ổ gà. Thấy đó không phải là điềm lành ông liền mang con rắn đi vứt bỏ nhưng lạ thay, cứ mỗi lần ném nó thật xa thì về nhà lại thấy rắn trên xà nhà.

alt

Bà Cao Thị Chắt kể lại sự tích "giếng thần".

alt

Bia đá khắc chữ ghi lại công ơn của chàng rắn.

Vứt bỏ không được, ông đành phải nuôi nó, rồi ông gọi rắn bằng con. Rắn mỗi ngày một to lớn cho đến khi ông già đi không còn đủ sức nuôi rắn nữa, ông nói với rắn rằng: "Bố đã già rồi không còn đủ sức nuôi con nữa. Vì vậy, bố phải mang con đi ở chỗ khác".

Ông bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chỗ ở cho chàng rắn. Lúc đầu ông mang rắn đến “vực cùng” của con sông Mã nhưng rắn không đồng ý, hai cha con lại đi, đi hết cánh rừng già này đến vực thẳm khác rắn cũng không đồng ý ở lại. Bực mình, ông liền lấy mai nhằm mình rắn đâm thẳng, may mắn rắn chỉ đứt phần đuôi, thấy máu rắn đổ ra lênh láng, thương rắn ông lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chỗ ở cho rắn.

Cách xa chỗ làng của ông ở đến mấy ngày đường có một con sông, ở đó có nhiều vực thẳm sông lại không chảy xiết rắn ngụp lên ngụp xuống mấy cái rồi gật đầu ưng ý ở lại. Trước khi ra về ông dặn rắn ở lại đừng quấy phá dân làng xung quanh, rắn bất ngờ khóc và nói với ông bố hãy ước một điều ước để con đền ơn nuôi dưỡng của bố bấy lâu nay. Ông nghĩ làng mình quanh năm khô hạn, bà con phải đi xa mới có nước ăn, vậy con hãy cho làng một nguồn nước không bao giờ cạn để bà con đỡ khổ.

alt

Dù thời tiết khô hạn đến đâu, nhưng giếng ở đây vẫn đầy ắp nước.

Về đến làng ông thấy có hai cái giếng ùn lên dòng nước vô tận ngập hết một khu vực quanh làng. Và từ đó đền giờ chưa năm nào hai cái giếng cạn nước. Tương truyền rằng, sau này ông họ Cao chết, rắn mang về cúng bố rất nhiều cá rồi từ đó không bao giờ rắn quay trở lại nữa.

Những bí ẩn quanh “Giếng thần”

Thấy nguồn nước quá mạnh, dân làng phải tìm những tảng đá to nhất từ trên núi về chặn bớt sức chảy. Ông Cao Viết Bảo (60 tuổi), người trông coi đôi “giếng thần” cho biết: “Trước đây có tảng đá to lắm nhưng từ khi làng tu sửa lại giếng, đã mang tảng đá ra bắc làm cái cầu đi ở đầu làng rồi”.

Lúc đầu giếng rất sâu nhưng càng tôn cao bao nhiêu nước lại dâng lên bấy nhiêu. Ông Bảo cho biết thêm: “Trước đây cá trong giếng nhiều lắm, có đủ các loại cá nhưng do thanh niên trong làng bắt hết, mấy năm nay không thấy nhiều nữa”.

alt

Nhiều chữ trên tấm bia đã bị nhòe do thời gian.

alt

Khu mộ tổ họ Cao - người đã có công nuôi chàng Rắn.

Tương truyền, sau khi về làm ma cho bố, rắn quay lại sông, rắn ngày một to lớn hơn, thức ăn quanh vùng không đủ ăn nữa, rắn thường xuất hiện quấy phá và ăn thịt những ai qua sông, người dân quanh vùng đã đổ vôi bột xuống sông khiến rắn chết.

Cách đây gần 10 năm, trong lần tu tạo đôi giếng khi cho vôi làm vữa xây thì giếng bất ngờ chảy mạnh và nước đục ngầu lên, dân làng phải xây xi măng thì đôi giếng mới trở lại bình thường, cho đến nay cũng chưa ai giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng (55 tuổi), nhà ngay cạnh đôi giếng thần: “Quanh đây cũng có nhiều cái giếng khác nhau nhưng ít nước hơn, nhà tôi cũng có một cái ở cuối vườn nhưng tôi lấp để làm vườn rồi”.

Hàng năm vào mỗi đêm giao thừa, cả làng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa hát hò, nhảy múa. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng dâng một mâm cỗ gồm một con gà (phải là gà trống tơ), xôi, hoa quả, một chai rượu làm lễ cúng giếng.

Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho tất cả những người có mặt. Lễ xong mỗi người lấy một ít nước mang về nhà lấy may đầu năm, phong tục đó đã trở thành thông lệ và không chỉ có người dân ở làng mà còn rất nhiều người từ nơi khác đến lấy nước vào đêm 30 tết mang về cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn.

Ông Bảo cho biết, trước đây khung cảnh nên thơ, hùng vĩ đó như tôn thêm vẻ kỳ bí cho đôi giếng Thần. Bà con dân tộc Mường ở làng Chiềng tôn thờ, coi đôi giếng thần này là hiện thân của bản làng và là nơi giao lưu văn hóa tâm linh của bà con trong làng.

alt

Khu "giếng thần" nhìn từ phía ngoài vào.

alt

Nước giếng trong xanh.

Những năm 60, khi phong trào bài trừ mê tín diễn ra mạnh mẽ, cây đa và rừng tre cũng bị người dân nơi đây phá bỏ để làm ruộng. Trải qua thời gian, tấm bia đá khắc những dòng chữ Nho ghi lại lich sử của đôi giếng thần kỳ bí này đã mờ đi phần nào.

Để cho tiện cho việc sinh hoạt hơn, dân làng đã quy định một bên là giếng nam bên kia là giếng nữ, từ đó mới có tên là đôi đôi giếng thần Nam - Nữ.

Ngoài bia đá cổ có khắc chữ nho trong khu vực đôi “giếng thần”, ở giữa làng vẫn còn ngôi mộ tổ của dòng họ Cao đang được con cháu dòng họ Cao thờ cúng. Đây là đôi giếng kỳ bí, là nguồn nước phục vụ cho việc sinh hoạt ăn uống của người dân nơi đây.

Điệp Oanh - Duy Tuyên

--------------------------------------------------------------------------

 

Hòa Bình

Giải mã bí ẩn hòn đá "đòi ăn… thịt người" và giếng nước thần

 Hòa Bình vốn nổi tiếng với câu nói “Nước Sơn La, ma Hòa Bình”. Có lên vùng đất này mới thấy hết những câu chuyện kì lạ được dân gian truyền tụng qua bao đời.

 Đi tìm hòn đá thèm ăn… thịt

Trải qua năm tháng dâu bể với bao biến cố lịch sử, người dân ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) đến nay vẫn còn nhắc đến một hòn đá tự nhiên kì lạ có tên: Dạ Há. Tuy nhiên, nói đến gốc tích thực sự của hòn Dạ Há kì lạ này chỉ còn rất ít người biết.

Theo lời chỉ dẫn của những người dân địa phương, tôi phải vòng vo qua nhiều con đường đất đỏ rất xấu và những dốc núi mới tới được xóm Mận. Đây là một xóm nhỏ nằm sát những ngọn núi bơ vơ lừng lững giữa núi rừng Hòa Bình. Không như tưởng tượng ban đầu của tôi, đường vào xóm Mận ngoài đường đất đỏ khó đi còn có một cái khó khác là nhà cửa người dân khá thưa thớt nên việc hỏi thăm càng khó hơn. Đó là chưa kể đến việc những người trẻ tuổi ở xóm Mận không biết nhiều về hòn Dạ Há huyền thoại. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được một người dẫn đường rất nhiệt tình có tên Bùi Văn Nhinh đưa nhóm phóng viên đi tìm hòn Dạ Há kì lạ. Ông Nhinh khẳng định rằng, những chuyện kì bí quanh hòn Dạ Há là... hoàn toàn có thật và đến nay hòn đá này vẫn còn ở trong vườn của một người dân.

Đi theo hướng ông Nhinh chỉ, hóa ra chúng tôi đã đi qua hòn Dạ Há ngay trên đường đi mà không hề hay biết. Vừa chỉ tay về phía khoảnh vườn có hòn Dạ Há, giọng ông Nhinh run run pha chút hơi sợ hãi nói: “Hòn Dạ Há này thiêng lắm. Không ai có thể xoay được trừ khi phải có thày mo đến làm lễ và cần đến tận bốn cậu trai trẻ mới xoay được sau khi Dạ Há đã được… ăn thịt”. Hòn Dạ Há cũng không quá khó tìm vì nằm ngay giữa một khoảnh vườn cây cỏ tranh mọc um tùm của một người dân trong xóm Mận. Vạt những đám cỏ dại, tôi cuối cùng cũng đã được mục sở thị hòn Dạ Há huyền thoại của người Mường với “thú vui” thích ăn thịt và gieo tai họa.

Giải mã bí ẩn hòn đá

Hòn Dạ Há kì lạ của người Mường

Dạ Há trước mắt tôi một hòn đá tự nhiên, cao chừng nửa mét và có hình thù kì dị. Theo truyền tụng dân gian nơi đây, Dạ Há là hòn đá thiêng mỗi khi ngoảnh cái miệng há ngoác lè lưỡi ra như miệng của một con rắn lớn đang ẩn mình trong lòng đất lại làm dân trong vùng khốn khổ. Ông Nhinh khẳng định rằng, hòn Dạ Há có cái miệng rất độc. Mỗi khi làm lễ để xoay đầu hòn Dạ Há về hướng nào thì năm đó người dân ở hướng đó làm ăn thất bát. Sở dĩ người Mường vẫn xoay hòn Dạ Há là vì muốn “chia đều” sự may mắn và rủi ro cho từng vùng sau lễ hội cúng hòn Dạ Há. Đến nay, việc thờ cúng hòn Dạ Há đã không còn nhưng nói đến cái tên này, nhiều người dân ở xóm Mận vẫn run run vì sợ uy lực vô hình qua lời truyền tụng về hòn đá này. Những người già cả trong làng sống xung quanh khu vực có hòn Dạ Há đều khẳng định rằng, hòn Dạ há chứa đựng nhiều điều huyền bí đối với người dân nơi đây. Trước đây, cứ ba năm một lần người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội và đặc biệt phải treo thịt lợn lên trên hòn Dạ Há vì tương truyền hòn Dạ Há rất thích… ăn thịt. Khi cho ăn thịt rồi thì mới xoay được hòn Dạ Há.

Để chứng minh thêm “uy lực” của hòn Dạ Há rất đáng sợ, ông Nhinh đưa tôi tìm gặp thày mo Bùi Văn Minh là người rất am hiểu về những điều kì bí nhất của người Mường, trong đó có hòn Dạ Há.

Sự thật về hòn Dạ Há

Bước chân vào ngôi nhà sàn của thày mo Minh, với cái nắng nóng của vùng núi Hòa Bình, thày mo Minh vẫn rất cởi mở lý giải về những chuyện kì lạ xung quanh hòn Dạ Há. Thày mo Minh kể lại tất cả những gì mà từ trước đến nay ngay đến những người già cả như ông Bùi Văn Nhinh cũng chưa từng được biết. Thày mo Minh khẳng định rằng, hòn Dạ Há và những câu chuyện kì lạ quanh hòn đá này đã có từ rất lâu rồi. Để biết nó có từ bao giờ thì chưa có sử sách, tư liệu nào trong làng ghi lại. Chỉ biết rằng, theo tục lệ của người Mường ở xóm Mận xưa kia, cứ ba năm tổ chức một lần lễ hội cúng Dạ Há, trước lễ hội thường tổ chức các trò chơi như kéo co, ném còn, chơi cờ... Ngoài lễ lớn ba năm một lần, hàng năm có lễ nhỏ vào rằm tháng hai, tháng bảy, tháng tám. Không chỉ thế, xưa kia ở gần hòn Dạ Há còn có đình Khênh và cách vài năm lại mở hội để cầu mong no ấm cho nhân dân trong vùng cũng như quay hòn Dạ Há. Hòn đá Dạ Há nằm ở phía đông nam so với nhà đình xưa kia. Người Mường thường phải làm lễ rất cẩn thận để xoay tượng Dạ Há theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng từ hồi kháng chiến chống Pháp đến nay, dân xóm Mận không mở hội, không xoay hòn Dạ Há nữa và ngay cả ngôi đình Khênh giờ cũng đã bị san phẳng.

Giải thích rõ hơn về hòn Dạ Há không như nhiều người vẫn lưu truyền. Thày Minh lục lại trí nhớ và những cuốn sách đã úa vàng đầy chữ nho theo thời gian cho biết, hòn Dạ Há không phải là miệng của một con vật ác, con vật này thường ăn thịt người. Thực tế, hòn Dạ Há là… đầu của một bà mẹ chồng hay cãi nhau với con dâu và theo truyền tụng dân gian là thích ăn thịt người. Nói thêm về gốc tích của hòn Dạ Há, thày Minh kể rằng xưa kia ở trong xóm Mận có một người mẹ chồng thích ăn thịt người. Vì vậy, khi người con trai lấy vợ về nhà sau đó đi làm lính cho ông Chưởng Tín và Triệu Ân, vợ ở nhà sinh con thì bà mẹ chồng nằng nặc đòi ăn thịt đứa trẻ và rình bằng mọi cách để bắt cóc đứa bé. Người con dâu lúc đó sợ hãi ném một cái hoa chuối xuống dưới nhà cho bà mẹ chồng khát máu ăn… tạm. Thấy cái hoa chuối ném xuống bên dưới, bà mẹ chồng nhai ngấu nghiến để thỏa cơn thèm thịt người. Tuy nhiên, ăn thấy chát, bà mẹ chồng mới phát hiện ra mình bị lừa thì người con dâu đã bế con trốn mất từ lâu rồi. Tức giận lồng lộn và đói khát, bà mẹ chồng cuối cùng đã chết đi và biến thành hòn Dạ Há như bây giờ. Từ sau đó, hòn Dạ Há trở thành một biểu tượng của sự ác độc và là nơi ẩn náu của các loại ma chết non trong vùng. Hòn Dạ Há này thực chất chính là miệng của bà mẹ chồng đòi ăn thịt người năm xưa chứ không phải miệng của một con quái vật như một số người vẫn biết. Chính vì vậy, trong các lễ tế hòn Dạ Há năm xưa phải có thịt nhưng không phải là… thịt người mà là thủ lợn mới có thể xoay vần được hòn đá quái dị này.

Giải mã bí ẩn hòn đá

Hình thù kì dị của hòn Dạ Há

Tiếp lời thày mo Minh, cụ Bùi Văn Nhưởng là thân sinh ra thày mo Minh tiết lộ rằng, hồi ông còn trai trẻ từng tham gia xoay hòn Dạ Há và vào lúc đó để xác định hướng xoay của hòn đá Dạ Há thèm ăn thịt, phải nhờ đến một thầy mo cao tay nhất vùng gieo quẻ âm dương. Việc làm này rất quan trọng vì nó sẽ xác định xem năm đó hòn Dạ Há “thích” đến “quấy” vùng nào. Nếu thầy mo gieo quẻ hai đồng tiền xu nằm sấp thì hòn Dạ Há sẽ phải xoay về hướng Đông Tây, quẻ nằm ngửa sẽ phải quay về hướng Nam Bắc. Các thanh niên chưa vợ trong làng xoay đá đúng theo hướng đã gieo quẻ thì dừng lại và cũng không thể quay được nữa. Cụ Nhưởng cho biết, có năm, hòn Dạ Há quay về hướng Thượng Cốc (Tân Lạc) làm khu vực này mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ. Không chịu thấu, người dân Thượng Cốc cử một đám thanh niên chưa vợ lên xoay trộm cho hòn Dạ Há hướng cái miệng cực độc của mình đi hướng khác nhưng không làm sao nhúc nhích được hòn Dạ Há. Cuối cùng, đám trai tráng đành lủi thủi quay về nhà. Thày mo Bùi Văn Minh lý giải thêm rằng, hình thù của hòn Dạ Há từ xa xưa đã như vậy, không hề có bàn tay can thiệp của con người. Xưa kia, hòn Dạ Há còn có chiếc lưỡi bằng đá to kẹp vào giữa miệng nhìn rất đáng sợ. Nhưng về sau, không hiểu vì lý do gì đã biến mất. Thày mo Minh nói rằng, uy lực thực sự của hòn Dạ Há có thực hay không, không ai kiểm chứng được. Chỉ biết, những gia đình sống trong khu vực có hòn Dạ Há đến nay đều có những biểu hiện lạ như việc gia đình quanh năm ốm đau, bệnh tật, có người mắc bệnh không tìm ra nguyên nhân…

Những câu chuyện dân gian, sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của người xưa đã hằn sâu, trở thành một phần tín ngưỡng, đi qua bao đời, bao thế hệ... Và những chi tiết kì lạ được những người dân thêu dệt thêm càng làm cho hòn Dạ Há thêm phần huyền bí ...
Kỳ 2: Giếng nước thần của người Mường.

 

 

Lạ kỳ “giếng nước thần” của người Mường Hòa Bình

 (GDVN) - Ngay cạnh hòn Dạ Há ‘thích” ăn thịt có một chiếc giếng kì lạ mà người Mường ở xóm Mận vẫn quen gọi là “giếng thần”.

Giếng nước thần lúc cạn lúc đầy

Điểm kì lạ của chiếc giếng này là hoàn toàn tự nhiên không có sự can thiệp của con người và nằm lộ thiên ngay giữa đám cỏ dại. Theo lời ông Bùi Văn Nhinh và cụ Bùi Văn Nhưởng là hai người viết rõ về giếng nước kì lạ này nhất, chiếc giếng thần có nhiều bí ẩn và đương nhiên có liên quan đến hòn Dạ Há đòi ăn thịt. Người dân nơi đây thường gọi chiếc giếng thần là giếng Biệng. Cụ Nhưởng năm nay đã 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Rít một hơi thuốc lào dài cụ kể cho tôi nghe về những sự lạ quanh chiếc giếng thần mà cụ từng là nhân chứng sống đã đi lấy nước và be bờ cho nước chảy về hòn Dạ Há lúc mới 15 tuổi.

alt

Đường nước chảy ra từ miệng giếng nước thần

Vào năm đó, làng có mở hội, gia đình cụ Nhưởng được giao nhiệm vụ be bờ làm đường dẫn nước từ giếng thần vào sát hòn Dạ Há để lấy nước làm lễ tế. Mất cả ngày hì hục đào bới từ miệng giếng thần lộ thiên đang khô cong chẳng có giọt nước nào, cụ Nhưởng khá mệt mỏi. Đến chập tối, khi đã làm đường dẫn nước xong vẫn chẳng có giọt nước nào chảy ra nhưng bố của cụ Nhưởng vẫn bắt 12h đêm phải ra lấy nước mới là giờ hoàng đạo. 

Lúc đó chính bản thân cụ Nhưởng cũng không hề tin vào việc có nước chảy ra từ giếng nước thần chỉ là một khoảnh đất dốc xuống vườn nên đã cãi lại bố. Tuy nhiên, thật bất ngờ, đúng 12h đêm là giờ làm lễ tế lấy nước về đóng rượu cho vua uống thì không hiểu từ đâu, nước ở giếng thần bắt đầu chảy ra theo đường dẫn đã được be lại đến sát miệng hòn Dạ Há. Nước trong vắt và chảy ra rất từ từ khiến cụ Nhưởng không khỏi giật mình vì ngạc nhiên và cả vì sợ.

 Nước từ đâu ra?

Điều lạ là trước khi mùa lễ hội diễn ra, giếng nước cạn kiệt không có bất cứ giọt nước nào, nhưng khi tổ chức lễ hội người dân dâng lễ vật trước giếng, nước ở chiếc giếng Biệng này lại tuôn ra rất đúng thời điểm.  "Vào mùa khô hạn nước giếng thần luôn cạn sạch nhưng dạo gần đây tự dưng nước giếng lại chảy ra chút ít từ một khe nước nhỏ xíu. Tuy nhiên, ngày trước đa phần là giếng Biệng rất khô cằn và chỉ chảy ra vào đúng dịp khi nào làm lễ xin nước đóng rượu cho vua uống mà thôi", cụ Nhưởng khẳng định. Tôi đặt câu hỏi đã bao giờ mọi người tìm nguồn gốc của nước thần chảy ra từ đâu chưa thì cụ Nhưởng chỉ lắc đầu và kể tiếp. Trước đây khi còn diễn ra lễ hội thì không có nhà dân nào ở sát khu có giếng thần. Nhưng sau chiến tranh rồi hòa bình lập lại, xung quanh đó đã có thêm nhiều hộ dân từ nơi khác đến xin đất canh tác ở ngay cạnh miệng giếng thần năm nào. Do không biết nên thậm chí có nhà làm cả chuồng lợn sát miệng giếng. Không hiểu vì do “phạm thượng” hay như thế nào mà lợn nuôi của gia đình đó cứ còi cọc không lớn được. Chưa kể đến chuyện người nhà thì thường xuyên đau ốm liên miên không rõ lý do.

alt

Ông Bùi Văn Nhinh đang chỉ miệng giếng nước thần lúc vơi lúc đầy

Cụ Nhưởng kể thêm rằng, rất có thể việc làm chuồng lợn rồi để đường nước thải ô uế chảy thẳng ra miệng giếng nước thần vốn chỉ dùng để đóng rượu cho vua uống đã làm vua… nổi giận nên mới phạt như vậy. 

Những điều kỳ lạ được tận mắt chứng kiến càng khiến cụ Nhưởng và nhiều người dân nơi đây thêm căn cứ để cho rằng chiếc giếng nước lúc cạn lúc đầy ngay sát hòn Dạ Há là “giếng thần”. Chính cụ cũng phải công nhận nguồn nước không rõ từ đâu chảy ra là có thật.  “Tôi là người từng đi lấy nước ở chiếc giếng đó nên được chứng kiến cả. Các cụ ngày xưa cũng kể rằng giếng nước đó là giếng nước thần rất thiêng. Ai mà phạm phải thì mệt lắm. Tôi cũng không biết vì sao nước lại có thể chảy ra ở đó và lộ thiên ngay trên mặt đất chứ không phải dưới lòng đất phun lên”, cụ Nhưởng cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc giếng thần kì lạ cạnh hòn Dạ Há đòi ăn thịt, tôi quay trở lại miệng giếng. Mặc dù nói là miệng giếng nhưng thực ra chỉ là một khoảnh đất ẩm. Đúng như lời cụ Nhưởng và người dẫn đường là ông Bùi Văn Nhinh, xung quanh miệng giếng chẳng có một dòng sông hay suối nào nhưng nước vẫn rỉ ra rất kì lạ và đặc biệt là mạch nước nằm trên mặt đất. Để giải tỏa thắc mắc bao đời nay của người dân nơi đây, và tránh đi những thông tin đồn thổi mê tín dị đoan, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu, lý giải…

 Thieugia (theo báo GDVN)

P/s: Xin xem tiếp tại đây: http://thaicucthieugia.com/forum/showthread.php?2647-N%C6%B0%E1%BB%9Bc-Vi%E1%BB%87t-M%E1%BA%BFn-Y%C3%AAu-amp-Nh%E1%BB%AFng-%C4%90i%E1%BB%81u-K%E1%BB%B3-Th%C3%BA...

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG