Chim Trời Cá nước
TRUNG QUỐC: TỨ BỀ THỌ ĐỊCH
TRUNG QUỐC - TỨ BỀ THỌ ĐỊCH !
Nhìn những hành động gây hấn trên Biển Đông và thái độ bất chấp của Trung Quốc trước dư luận quốc tế, ai cũng nghĩ rằng Trung Quốc đã đạt đến vị thế cao đạo của một nước lớn mạnh về cả kinh tế và quân sự nên chẳng sợ ai.
Khi gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc thực sự là có thực lực kinh tế và quân sự mạnh hơn Việt Nam nhiều lần. Nhiều người có vẻ ngán ngại, nhưng thực ra Trung Quốc hiện nay đang trong thế “Tứ bề thọ địch” phải căng trải ra để đối phó nên không dễ gì dốc được toàn lực để mà ăn hiếp Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á.
Trong nội địa, xã hội Trung Quốc đang chứa đựng nhiều bất ổn ở nhiều nơi ở mức có thể bùng phát thành bạo động, nội loạn bất cứ lúc nào. Đấy là sự bất mãn của người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương về vấn đề dân tộc và sự phân hóa giầu nghèo trong so sánh với miền Đông. Những bất ổn ấy đã châm ngòi cho nhiều vụ đánh bom liều chết, chém giết tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ và cả thủ đô Bắc Kinh. Đấy là sự bất mản vì nghèo đói và chính sách Hán hóa nền văn hóa của dân Tây Tạng, người Tây Tạng đã đứng lên đấu tranh đòi độc lập dưới ngọn cờ của Đạt Lai Lạt Ma bằng ngọn lửa tự thiêu. Đấy là ngọn lửa đòi dân chủ của linh hồn hàng ngàn thanh niên sinh viên bị tàn sát vẫn âm ỉ cháy trên quảng trường Thiên An Môn suốt 25 năm qua. Đấy là những bất đồng trong chính giới giữa các phe phái chưa bao giờ yên…
Đặc biệt, trong lịch sử và hiện tại, Trung Quốc luôn là đối tượng phải dè chừng với các dân tộc có chung biên giới với họ. Đất nước rộng lớn ấy có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 14 nước. Với chính sách "Cận công, viễn giao" Trung Quốc đã gây sự với tất cả.
Phía Đông Bắc họ có hơn 3600km biên giới với nước Nga. Mặc dù tình hình quan hệ Trung Nga đang nồng ầm với việc Nga và Trung Quốc vừa ký hiệp định kinh tế lên đến trên 400 tỷ USD Mỹ, nhưng xem ra mối tình đó cũng chỉ là “mạt cưa, mướp đắng” mà thôi. Vì rằng, với tư tưởng dân tộc đại Nga, đại Hán, lịch sử quan hệ hai nước lớn ấy luôn ở tình trạng sớm nắng, chiều mưa. Hôm nay là bạn nồng ấm, ngày mai có thể là kẻ thù, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn. Năm 1969 đã xẩy ra xung đột nghiêm trọng tại các vùng biên giới phía Đông Trung Quốc –Liên Xô. Chính vì thế đối với vùng biên giới này kể cả Nga và Trung quốc vẫn phải duy trì một lực lương quân đội hùng hậu. Hơn thế nữa, những năm gần đây, nước Nga luôn dè chừng về dòng người Hoa di cư đang ngày càng tăng sang vùng Viễn Đông đất rộng người thưa của Nga. Gần đây, Trung Quốc đang ve vãn về một dự án thế kỷ con đường xuyên Xi Bê Ri để khai thác nguồn tài nguyên vô biên ở phía Đông của Nga. Sớm muộn cũng sẽ gây nên tình hình bất ổn vì Trung Quốc luôn cho vùng này thuộc Trung Quốc bị các triều đại Nga Hoàng thôn tính.
Phía Đông Bắc, Trung Quốc có 1416 km đường biên giới tiếp giáp với Bắc Triều tiên, một quốc gia không phải lúc nào cũng có thể lường được mọi chuyện bất trắc. Quốc gia ấy đang tìm kiếm sức mạnh bằng vũ khí nguyên tử trên nền sự cùng kiệt kinh tế. Một quốc gia luôn tỏ ra hung hăng trong đối xử quốc tế và gây hấn. Chiến tranh và tị nạn có thể đến bất cứ lúc nào. Tình hình bất ổn trong quan hệ giữa Bắc-Nam Triều Tiên có thể lôi kéo nước Mỹ, đồng minh của Hàn Quốc, có lực lượng quân sự hùng mạnh vượt trội vào cuộc, khiến Trung Quốc không thể không tính đến việc duy trì lực lượng quân sự tại đây.
Ở miền Tây Bắc, nơi Trung quốc có hang ngàn km biên giới chung với các nước Kazakhstan (1.533 km); Kyrgyzstan (858 km); Pakistan (523 km); Tajikistan (414 km); Afghanistan (76 km) là trung tâm của Đạo Hồi và vùng sinh sống của tộc người Duy Ngô Nhĩ, điểm nóng thường xẩy ra các vụ khủng bố xuyên quốc gia. Nhiều tháng nay, phong trào thánh chiến đang đun nóng Tân Cương làm chính quyền trung ương phải huy động một lực lượng lớn để đối phó.
Ở phía Tây, với hơn 3338km biên giới với Ấn độ, nơi mà Chính phủ Ấn độ và nhân dân Ấn độ vẫn luôn ghi nhớ và nhắc nhở Trung Quốc đã chiếm một vùng đất rộng lớn của Ấn Độ trong chiến tranh biên giới Trung -Ấn năm 1962. Đã nhiều năm, Casơmia vẫn là miếng xương không thể nuốt trôi trong quan hệ ngoại giao Trung - Ấn. Gần đây, Thủ tướng mới đắc cử của Ấn Độ nhờ vào cương lĩnh tranh cử có đường lối cứng rắn với Trung quốc. Ấn Độ lại là nơi nương nhờ của lực lượng ly khai Tây Tạng. Vì thế Trung quốc không thể không duy trì một lực lường quân sự hùng hậu tại đây.
Ở Tây Nam, trung Quốc có vùng biên giới tiếp giáp với: Myanma 2185km; Nepal 1.236 km; Bhutan 470 km. Trước đây, trong mối quan hệ lệ thuộc, Myanma ít làm cho Trung Quốc lo lắng. Song, với việc thực hiện các cải cách dân chủ, buông lơi với Trung Quốc, ngả theo Mỹ và phương Tây gần đây, Myanma đã làm Trung quốc lo lắng.
Chỉ còn vùng biên giới miền Nam tiếp giáp với Lào (423 km); Việt Nam (1.281 km), sau nhiều năm yên tĩnh đã xảy ra chiến tranh. Năm 1979, Trung Quốc đã phát động cuộc chiến biên giới với Việt Nam. Đây là vết nhơ tệ nhất trong lịch sử quan hệ của hai quốc gia được cho là có cùng ý thức hệ. Cuộc chiến biên giới 1979 đã làm sụp đổ tất cả lòng tin cả chính giới và nhân dân hai nước.
Về phía biển, với trên 14.500km đường biển ở phía Đông, Trung Quốc cũng có các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo và vùng biển đối với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philiphin, Malaysia, Inddonexia, Việt Nam, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan đang mong muốn độc lập với Trung Quốc. Điểm nóng về tranh chấp phải kể đến là Nhật Bản, Philippin và Việt Nam. Cả ba nước này đều đã có xung đột với Trung Quốc và đều ở thế không có sự nhượng bộ dẫu Trung Quốc có đe dọa bằng vũ lực.
Trong số các nước này, ở Nhật bản, Hàn quốc đều có căn cứ quân sự của Mỹ và bản thân Hàn quốc, Nhật bản cũng có một lực lượng hải quân và lực lượng quân sự hùng hậu. Đài Loan, Philippin đều có các hiệp ước phòng thủ với Mỹ. Indonexia, Malayxia là các đồng minh truyền thống của Mỹ và Mỹ coi các nước này là các nước có cùng nền dân chủ với Mỹ. Như vậy Hải quân Mỹ hầu như giăng khắp các vùng biển tiếp giáp với Trung quốc kể cả vùng biển Hoa Đông lẫn vùng biển Đông.
Vậy là, trong tất cả 14 nước tiếp giáp trên đất liền và vùng biển gắn với Trung quốc đâu đâu cũng là nỗi lo của Trung Quốc. Vì vậy, không dễ gì Trung Quốc có thể dốc toàn lực về Biển Đông. Đấy là chưa nói đến dư luận và hành động của quốc tế nếu Trung Quốc gây chiến.