Về Võ Thuật
MỐI QUAN HỆ GIỮA VÕ THUẬT VÀ CHIẾN TRANH ?
Xưa nay, ít thấy có người bàn luận về mối quan hệ giữa "chiến tranh" với "võ thuật" hay nghệ thuật của bộ môn "võ thuật" với nghệ thuật của bộ môn "chiến tranh". Nay Shaolaojia xin mạn phép thử bàn về vấn đề này.
VÕ THUẬT VÀ CHIẾN TRANH ?
1. Lịch sử hình thành và phát triển của võ thuật
a. Khái niệm võ thuật:
Có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về võ thuật. Ở đây, chúng tôi xin được giải thích về cụm danh từ "võ thuật" như sau:
Võ thuật là một loại hình vận động mang tính thể dục được tạo thành bởi sự kết hợp một cách chặt chẽ giữa động tác của cơ thể con người với các loại binh khí như đao, thương, côn, kiếm... nhằm mục đích rèn luyện thân thể, tăng cường sức mạnh và khi cần thiết dùng để phòng ngự, tấn công trấn áp, khuất phục đối phương.
b. Lịch sử hình thành và phát triển
Võ thuật được sinh ra từ chính quá trình lao động, quá trình sản xuất, trong chiến đấu… Võ thuật có quá trình hình thành và phát triển xuyên suốt lịch sử của xã hội loài người.
Mục đích ban sơ của võ thuật chỉ có nghĩa giản đơn là để bảo vệ. Để làm tốt tính năng bảo vệ của mình, cùng với sự phát triển của xã hội võ thuật cũng từng bước tự đổi mới, tự hoàn thiện mình khi chủ động mở rộng đối tượng bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; chủ động sáng tạo khi xuất xưởng ra ngoài xã hội hàng loạt phương châm, thủ đoạn như “chủ động tiến công”, “kiến quyết trấn áp”, “chủ động phòng ngừa”; hay như “bảo vệ từ xa”, “mở rộng biên giới an ninh ra ngoài phạm vi cơ thể”… cũng chỉ cốt đạt được mục đích cuối cùng là nhằm tự bảo vệ mình, để thể hiện tính uy vũ, sự hơn thua, đôi khi cũng chỉ để chứng minh khả năng vượt trội của con người trước vạn vật mà thôi.
Vào thời nguyên thủy, con người lúc đầu chủ yếu sinh sống bằng việc hái lượm là chính. Về sau, do lượng thức ăn ngày càng khan hiếm, để duy trì cuộc sống, con người buộc phải nghĩ ra cách săn bắt các loại động vật để làm thức ăn cho mình. Chính từ những kỹ thuật mang tính sơ khai ban đầu dùng trong việc hái lượm như các kỹ thuật túm, nắm, vặt, ngắt, véo, nhảy lên, thụp xuống v.v. đến các kỹ thuật dùng để săn bắt và phòng chống sự tấn công của các loại động vật như: chụp, bắt, quật, chặt chém, đè, đến tay đấm chân nhá, tay nhá chân dứ..... lúc đầu chỉ là những động tác đơn lẻ, về sau vì kế sinh tồn và để bảo vệ mình trước sự tấn công của các loài mãnh thú, con người đã nghĩ ra đủ mọi phương kế, từ những động tác tay không đơn giản, biến pháp thành các kỹ thuật phức tạp, biết kết hợp các kỹ thuật tay không với các loại vũ khí thô sơ sẵn có trong thiên nhiên như gậy gộc, đất đá..... từ đấu tranh đơn lẻ đến sự hợp đồng tác chiến có sự tham gia của nhiều người… Tất cả các quá trình đó, quá trình đấu tranh vì mục đích sinh tồn, chinh phục thiên nhiên hay để tự khẳng định mình của con người. Cho dù có nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa cũng chính là những hình thức, kỹ thuật sơ khai đầu tiên của bộ môn Võ Thuật sau này.
Tần Thủy Hoàng Duyệt binh và cảnh ra trận xưa.
Khi xã hội ngày càng phát triển, của cải vật chất ngày càng khan hiếm, mâu thuẫn giai cấp, xung đột xã hội ngày càng trở nên gay gắt. Vì sinh tồn, con người còn nghĩ ra cách cướp bóc, thôn tính lẫn nhau. Tất cả các hình thức, kỹ thuật còn sơ khai trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên trước kia, đã được con người từng bước trải nghiệm, đúc kết, lần lần hoàn thiện và hệ thống, có lớp lang, bài bản thành môn võ thuật nhằm phục vụ đắc lực cho mục đích của mình. Từ kỹ thuật tay không đơn điệu xưa kia, con người đã phát minh ra kỹ thuật chiến đấu kết hợp giữa tay không với các loại binh khí như : đao, thương, côn, kiếm....., từ các loại binh khí ngắn cho đến các loại binh khí dài, từ chiến thuật du kích đơn lẻ đến chiến thuật tập thể. Từ cách đánh trên bộ (bộ binh) đến đánh dưới nước (thủy binh), từ mặt đất cho đến cách đánh trên ngựa (kỵ binh)..... Và với bộ óc thông minh và sáng tạo, con người còn nghĩ ra các loại trận pháp, đấu pháp nhằm tiêu diệt, thôn tính lẫn nhau như: Bát quái trận đồ, mai hoa trận, sinh tử trận, Quan Công phò nhị tẩu, Lương Sơn hào kiệt trận.....
Không những thế, các nhà mưu lược xưa trên cơ sở quan sát các kỹ thuật tiến công phòng vệ của võ thuật buổi ban sơ mà soạn ra các loại binh thư (sách dạy kỹ thuật đánh nhau, cách điều binh khiển tướng dùng trong quân đội), các sách lược, chiến lược rất được hậu thế tán thưởng và ngày càng bổ xung hoàn thiện, phát triển và coi đó như bảo bối của mình. Các sách được lưu truyền vang danh trong thiên hạ phải kể như:
- Tư Mã binh pháp của Điền Nhương Thư sống vào thời xuân thu (phỏng chừng Chu Cảnh Vương thứ 18. 527 tr. CN).
- Tôn Tử binh pháp gồm 13 thiên (Tôn Tử tên là Vũ dâng binh pháp cho vua Ngô Hạp Lư và được Hạp Lư phong làm tướng quốc; Hạp Lư ở ngôi 514 - 496 tr. CN, Chu Kính Vương năm thứ 6).
- Ngô Khởi binh pháp, Tam Thập Lục Kế...
Ở Việt Nam ta, nổi tiếng có:
- Binh Thư Yếu Lược của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Quốc Tuấn sinh khoảng năm 1226 - 1300, đã căn cứ vào các sách binh pháp của Tôn Vũ và Ngô Khởi mà soạn ra sách Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược hay Binh Thư Yếu Lược trong đó dạy cho tướng sĩ phép dùng binh đánh giặc giữ nước).
- Vạn Kiếp Tôn Bí Truyền thư cũng của đức Trần Hưng Đạo soạn vào thế kỷ 13 (hiện nay đã thất lạc).
- Hổ Trướng Khu Cơ của Đào Duy Từ (Đào Duy Từ 1572 - 1634 người xã Hoa trai, huyện Ngọc Sơn nay là Tĩnh Gia, tỉnh Thanh hóa làm quan cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên tám năm và thường được chúa Nguyễn ví như Tử Phòng tức Trương Lương nhà Hán, Gia Cát Khổng Minh).
Ngày nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Khoa học - Kỹ thuật. Nghệ thuật chiến tranh cũng theo đà phát triển một cách mạnh mẽ, các cuộc chiến ngày càng trở nên cam go và khốc liệt, ngày càng qui mô rộng lớn lôi kéo nhiều quốc gia tham chiến. Đó là sự phối hợp, hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng Hải, Lục, Không quân. Là chiến tranh hạt nhân, vũ khí sinh học....
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sức mạnh của cơ bắp trong thời đại ngày nay đã không còn được coi trọng và phát huy tác dụng. Võ thuật với những mốc vàng son một thời oanh liệt giờ bị đẩy lùi vào dĩ vãng, sự phát triển có chăng cũng chỉ nhằm mục đích bảo tồn và đậm tính thể thao rèn luyện thân thể... Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho võ thuật đang có nguy cơ không theo kịp nghệ thuật chiến tranh...
Chiến tranh và sự ứng dụng linh hoạt...
2. Quá trình hình thành và phát triển của lịch sử chiến tranh.
Tuy sinh sau đẻ muộn, lại kém năm kém tháng so với người anh em “võ thuật”. Nhưng ngay từ khi ra đời, “chiến tranh” đã khiến cho cả thế giới phải ngỡ ngàng bởi bản lĩnh của nó, cách nó thể hiện, cách nó chứng minh cái tôi, cái tài, cái tính nghệ thuật của nó… Nó mới tàn bạo làm sao! Tàn khốc, ác liệt làm sao! Những là tưởng nó hiền lành, tử tế (Chiến tranh lạnh, Diễn biến hòa bình…) chứ nào có ngờ đâu…. Trong thiên hạ, từ kẻ thường dân áo vải đến kẻ chí khí anh tài, giang hồ hảo hán, phàm là người hễ nghe đến tên thôi (chiến tranh) đã thấy chán, thấy ghét, thấy sợ nhất là những ai đã từng gặp qua nó…Thế nhưng, nó vẫn tồn tại, vẫn phát triển và ngày càng phát triển !!! Ấy là vì sao !?
a. Khái niệm về chiến tranh:
Chiến tranh là sự đối đầu song phương hoặc đa phương với nhau (cá nhân, nhóm người, tập thể, quốc gia hay rộng lớn hơn là các liên minh dân tộc, liên minh ... ) để giải quyết các tranh chấp, các mâu thuẫn bằng vũ lực hoặc bằng trí lực với nhau (chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, diễn biến hòa bình, cách mạng màu…) mà mục đích cuối cùng là để phân hơn thiệt, thắng thua.
Tôn Tử và Bồ Đề Đạt Ma, hai bậc thầy của "chiến tranh" và "võ thuật"
b. Quá trình hình thành và phát triển:
Vào cái thủa hồng hoang của vũ trụ, trong khi muôn loài còn đang tẽn tò, còn ngờ nghệch, miệng ngoác chữ o chẳng biết mình là ai, ai sinh ra mình… thì con người, mặc dù trong hồ sơ quản lý của Nam Tào Bắc Đẩu (phần lý lịch trích ngang) có ghi rõ ràng là sinh sau đẻ muộn so với một số loài, thế nhưng với bản tính láu cá (đẻ ra đã có), hiếu chiến, lại ỉ có cái đầu thông minh, phát triển có tính vượt trội… nên con người đã tự cho mình cái trách nhiệm lãnh đạo vạn vật, làm chủ tương lai, làm chủ vũ trụ.
Với nhận thức sai lầm ấy, ngay từ khi còn sống trong xã hội bầy đàn, con người đã chủ động tấn công và tiêu diệt muôn loài. Vì háo danh, hám lợi, hám chức vụ (lãnh đạo thiên nhiên, làm chủ vũ trụ, có khi chỉ để khẳng định mình v.v.), con người không từ bỏ bất kỳ một thủ đoạn nào, không tha thứ cho bất kỳ một sinh vật nào! Vạn vật, dù là nhỏ bé và vô hại đến bao nhiêu, nhưng lỡ bị con người liệt vào danh sách có "nguy cơ đe dọa" đến vị trí độc tôn trong lãnh đạo vũ trụ (của con người), đe dọa đến an ninh, sự ổn định và phát triển của con người thì sinh vật đó e rằng chỉ có nước tuyệt chủng. Để tự khẳng định mình trước thiên nhiên hùng vĩ và để ra uy với muôn loài, con người thường hùa với nhau, kết bè phái và sử dụng mọi phương thức để tiêu diệt muôn loài. Họ cố tình quên rằng: cũng như con người, vạn vật cũng có quyền được sống, được tự do phát triển, tự do… đó là những cái quyền cơ bản và tối thiểu của mọi sinh linh. Cái quyền ấy là cái quyền mà ngày nào, con người thường vẫn trạo mồm ra giao giảng đấy thôi (!).
Lịch sử như cái bánh xe, cứ mãi quay, mãi phát triển, mãi hiện đại mà không bao giờ dừng lại. Vì lý do tồn vong, con người cũng không ngừng ra tay tàn hại muôn loài. Cũng như lịch sử, hành vi chém giết, tàn sát, hủy hoại giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người cũng ngày càng phát triển và không ngừng được nâng cấp, chỉnh sửa nhằm ngày càng hoàn thiện.
Ngày nay, hành vi chém giết, tàn hại thiên nhiên để tự bảo vệ mình (của con người) được xem như một môn nghệ thuật. Và để biện minh, người ta thống nhất gọi với cái tên là “Nghệ thuật chiến tranh”.
3.Tổng luận:
Chiến tranh và võ thuật là hai phạm trù về ngữ nghĩa tưởng là khác nhau nhưng xét về bản chất, về nguồn gốc thật ra chúng cũng như đám "gà cùng một mẹ". Từ hai khái niệm trên, chúng ta thấy "chiến tranh" hay "võ thuật" về cơ bản đều được sử dụng với mục đích để phân hơn thiệt, thắng thua (khi cần thiết). Ai đã từng học võ cũng đều biết rằng, để giải quyết tranh chấp, giải quyết mâu thuẫn, giải quyết bất đồng... võ thuật cũng giống như "chiến tranh", cũng có lúc phải dùng vũ lực (giao thủ, động thủ) nhưng có khi để giải quyết mâu thuẫn, người võ sinh có lúc cũng chỉ cần dùng đến "võ mồm" (động khẩu, [khẩu hình công]…). Xét như thế mới thấy chúng có dây mơ rễ má, máu mủ với nhau, có quan hệ khắng khít với nhau (!).
Cùng với thời gian, văn minh của nhân loại cũng ngày càng phát triển. Do chịu sự điều chỉnh, chi phối bởi những thiết chế xã hội, võ thuật ban sơ đậm tính hoang dại và thô lỗ ngày càng bị hạn chế, bị cảm hóa bởi những giá trị trị đức truyền thống tốt đẹp. Tính nhân văn trong võ thuật được hình thành, tinh thần thượng võ được đề cao, “Đạo” trong võ đã được xác lập và đấy chính là nguyên do “võ thuật” tuy mang mục đích, ý nghĩa là đấu tranh nhưng võ thuật lại không mang tính khốc liệt, bạo tàn như chiến tranh. Do vậy võ thuật khiến cho người ta yêu, đam mê, tôn sùng võ thuật… Trong khi đó, người anh em của nó (chiến tranh) lại chẳng có ai … yêu!.