Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại
Thế giới du đãng Sài Gòn Trước Năm 1975 (kỳ III)
Bài 1
Sơn “Đảo” tên trùm du đãng chết không nhắm mắt
Trong thế giới du đãng Sài gòn trước năm 1975 chỉ có vài người là “văn võ song toàn”, tức vừa có học, yêu thích văn chương, vừa giỏi võ nghệ. Một trong số đó là Sơn Đảo. Thế nhưng Sơn Đảo lại làm một việc mà giới giang hồ Sài Gòn ngày đó rất coi khinh, đó là dựa vào bọn lính dù Sài Gòn để khuếch trương thanh thế, tranh giành lãnh địa. Cuộc đời của Sơn Đảo kết thúc cũng “không giống ai”: không phải bị đối thủ ngang tầm hạ bệ, mà bị một tên đàn em tật nguyền giết chết chỉ vì Sơn Đảo chót cho hắn một tát tai để thị uy với gái
Học trò của Sơn Vương
Sơn Đảo tên thật là Vũ Đình Khánh, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Gia đình Vũ Đình Khánh di cư vào vùng Hố Nai – Biên Hòa vào khoảng năm 1955. Tại đây, Khánh tiếp tục được ăn học và tỏ ra có khiếu văn chương. Thế nhưng, việc học của Khánh bị dở dang khi gia đình gặp cảnh khốn khó vào năm 1960, phải dời về sống ở quận Tân Bình – Sài Gòn. Khánh đã bỏ học, đi làm kiếm sống, rồi trở thành một tay du đãng nhóc. Với chút vốn liếng chữ nghĩa, cộng với máu giang hồ có sẵn trong người, Khánh nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của đám du đãng ở quân Tân Bình. Khi tướng “râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ lên nắm giữ chức vụ lãnh đạo Ủy ban hành pháp trung ương Ngụy, ông ta đã chủ trương “vãn hồi trật tự” ở Sài Gòn, không để cho các băng du đãng tiếp tục lộng hành. Ông Kỳ chỉ đạo cho chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan lập ra đội quân “đặc quyền” chuyên trấn áp các băng du đãng. Vũ Đình Khánh bị bắt trong một lần cướp giật tiền của khách đi taxi, bị đưa tòa xét xử, lãnh bản án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo cùng hàng trăm du đãng cộm cán khác.
Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Đình Khánh đã tình cờ gặp được một tướng cướp – người tù lừng danh mà Khánh hằng hâm mộ lúc còn ở Sài Gòn. Để rồi sau đó, Khánh chính thức xin làm đệ tử của ông ta và đổi tên thành “Sơn Đảo” để cho giống với cái tên của thầy là Sơn Vương.
Đẳng cấp giang hồ thể hiện qua các hình xăm
Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại, sinh năm 1910 ở Gò Công (Tiền Giang ngày nay), lớn lên ông tham gia phong trào yêu nước của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Năm 1926, Sơn Vương bị Pháp bắt khi đi nghe chí sĩ Nguyễn An Ninh diễn thuyết. Sau đó, Sơn Vương học và theo nghề báo. Trong suốt 10 năm từ 1927 – 1937, Sơn Vương còn viết trên 20 đầu sách, là những quyển chuyện nhỏ loại bỏ túi, mỗi cuốn vài chục trang. Tính khí mạnh mẽ, không né tránh trong hoạt động chống Pháp đã làm cho Sơn Vương liên tục vào tù ra khám. Để rồi ông bị thực dân Pháp dành cho mức án cao nhất ở Sài Gòn với tổng số năm tù là… 79 năm. Khi ông ngồi tù được 34 năm thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “ân xá”. Ông bị kết án lần 1 là 5 năm tù; lấn 2 là 10 năm tù; lần 3: 32 năm (án chung thân) và lần 4: 32 năm (án chung thân).
Năm 1939, khi đang thụ án tù 10 năm Sơn Vương bị vu cáo giết một người tù, nên bị xử tăng mức án thành chung thân. Ông lần lượt qua các trại giam Hà Tiên, Phú Quốc, Bù Sặt (Purast) ở Campuchia. Tại nhà tù Bù Sặt, ông vượt ngục qua Băng Cốc – Thái Lan, đây chionhs là thời gian Sơn Vương trở thành tên tướng cướp lừng danh. Nhưng rồi ông cũng bị bắt lại và đày ra Côn Đảo. Cuối tháng 8 năm 1945, phái đoàn của Chính quyền Cách mạng Nam Bộ ra Côn Đảo rước tù chính trị về đất liền. Do trong hồ sơ Sơn Vương là “thường phạm” (cướp giật) chứ không phải là “chính trị phạm” nên ông chưa được về đất liền đợt đầu, tiếp tục phải ở lại đảo. Nhờ vậy sau đó ông được tín nhiệm bầu vào chức danh Chủ tịch Ủy ban hành chánh Côn Đảo. Sau khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ, rồi đánh chiếm Côn Đảo, chúng đã bắt Sơn Vương giam lại án tù chung thân. Năm 1953, vì khử một tên đại ác trong tù (tục gọi là cò Út) Sơn Vương nhận thêm một án chung thân nữa. Ông tiếp tục ở tù đến ngày 18/11/1968 thì được Nguyễn Văn Thiệu trả tự do.
Là người sớm có lòng yêu nước từ thời niên thiếu, lại thêm tính cách hiệp sĩ phiêu liêu nên Sơn Vương hoạt động mang đặc điểm của tay giang hồ hảo hán. Khi trở thành tướng cướp, ông cũng thể hiện tính nghĩa hiệp, chuyên cướp của bọn cường hào, địa chủ, quan lại, đem chia lại cho dân nghèo. Tính khí ấy được Sơn Vương thể hiên trong các tác phẩm văn học của mình. Thật hiếm có người vừa là nhà văn lại vừa là tướng cướp. Sau khi ra tù năm 1968, Sơn Vương đã viết hồi ký, được đăng tải trên báo chí gây xôn xao dư luận một thời.
Gặp được bậc thầy về cướp bóc và văn chương ở nhà tù Côn Đảo, Vũ Đình Khánh xin được làm đệ tử và đổi tên thành “Sơn Đảo” – chữ Sơn theo tên của Sơn Vương, gắn thêm “Đảo” để nhớ về cuộc gặp gỡ ở Côn Đảo. Thế nhưng, “Sơn Đảo” đã không thể hiện được dù chỉ một chút ít bản lĩnh, nhân cách, khả năng văn chương của người “thầy” Sơn Vương.
Vua ở quận Tân Bình
Sau 5 năm tù ở Côn Đảo, Sơn Đảo được thả về đất liền vào năm 1971. Nếu như trước khi đi “Đảo” vào năm 1966, Vũ Đình Khánh chỉ là tên du đãng bình thường, chưa có “số má” trong giới giang hồ Sài Gòn, thì ngày từ Côn Đảo trở về với cái tên mới “Sơn Đảo”, tay du đãng này bất đầu ngoi lên “chiếu trên” trong giới tội phạm Sài thành. Lúc ấy, trong giới du đãng ở Sài Gòn có “luật bất thành văn” là những tay giang hồ nào chưa trải qua các nhà tù, thì chưa “nên người”, không được giới giang hồ coi trọng. tên du đãng nào càng được “thử thách” nhiều trong nhà lao, khi ra ngoài càng có “số má”. Vì vậy mà với bản án 5 năm lưu đày Côn Đảo, khi trở về Sài Gòn, Sơn Đảo nghiễm nhiên trở thành tay du đãng “đàn anh”, được các băng đảng khác kiêng nể. ý thức được lợi thế ấy của mình, Sơn Đảo đã nhanh chóng hùng cứ một phương ,ở khu vực quân Tân Bình. Sơn Đảo mở sòng bạc và trở thành ông trùm trong giới đỏ đen tại đây. Thời ấy, ở Tân Bình có nhiều sòng bạc lớn nhỏ, chủ yếu là hoạt động bất hợp pháp. Ban đầu, Sơn Đảo đứng ra bảo kê cho các sòng bạc. ai chịu đóng “bảo kê” cho Sơn Đảo thì làm ăn yên ổn, ai không chịu đóng thì trước sau cũng bị cảnh sát Tân Bình hốt gọn. tiến hành thêm một bước, Sơn Đảo mua lại một sòng bạc đang có nguy cơ phá sản, rồi bằng mối quan hệ “ngầm” mà lôi kéo các con bạc về, nhanh chóng đưa sòng bạc phát triển với qui mô ngày càng lớn. Sơn Đảo rất thích thể dục thể hình, thần tượng các lực sĩ ở Sài Gòn và trên thế giới. Tên du đãng khét tiếng ấy đã trang bị cho mình cả một phòng tập thể hình thuộc loại hiện đại nhất Sài Gòn thời ấy. sau vài năm khổ luyện, Sơn Đảo sở hữu một cơ thể thật đẹp, ngực nở phồng to tướng, hai cánh tay đồ sộ không thể khép sát vào nách. Với tài văn chương vốn có, là đệ tử của Sơn Vương, từng ngồi tù Côn Đảo, lại là một lực sĩ có thân hình rất đẹp, Sơn Đảo được xem là du đãng “quí tộc” ở Sài Gòn. Thế nhưng, cũng chính vì được xem là du đãng quí tộc mà Sơn Đảo đã phạm một sai lầm chết người, đó là giao du, kết thân với quân đội Sài Gòn, dựa vào họ mà nâng cao thanh thế. Đó là điều mà thế giới giang hồ Sài Gòn không thể chấp nhận, vì vậy Sơn Đảo đã vô tình đứng đối lập với thế giới ngầm Sài Gòn.
Vũ khí thường dùng của các băng đãng giang hồ
Những năm tháng ấy, người Sài Gòn thấy Sơn Đảo thường xuyên xử dụng xe phân khối lớn đi kè kè với tay trung tá Đường (Sư đoàn trưởng Sư đoàn dù của ngụy quân Sài Gòn). Thời điểm bấy giờ, trong họ hàng giới quan chức và tướng tá Sài Gòn cũng có cái “mốt’ là chơi thân với các băng nhóm giang hồ, vừa để phô trương thanh thế, vừa tìm cơ hội để làm giàu bất chính. Biện pháp thường thấy nhất là các tướng tá đứng ra bảo kê cho các băng giang hồ. đi xa hơn một chút là họ xây các tòa nhà cho các băng đảng giang hồ thuê để mở vũ trường, sàn nhảy thoát y, sòng bạc và kể là nơi công khai buôn bán ma túy. Thời ấy, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có một người em vợ hay la cà trong giới giang hồ, được các du đãng Sài Gòn gọi là “cậu Mười”. Dựa hơi anh rể là Tổng thống, chị gái là “Đệ nhất phu nhân”, cậu mười đã bất chấp pháp luật, mở rộng giao du với đám giang hồ. Cậu mười xây dựng một tòa nhà 5 tầng trên đường Trương Minh Ký để cho các đại ca giang hồ mở sòng bạc, vũ trường trong đó coa Sơn Đảo. vừa được sự đỡ đầu của cậu Mười, vừa chơi thân với sư đoàn trưởng sư đoàn dù, thanh thế của Sơn Đảo tưởng như quá vững, nhưng chính sự vững vàng đầy tính quí tộc này đã là nguyên nhân đưa đến cái chết tức tưởi của Sơn Đảo.
Cái tát tai định mệnh
Thời ấy, ở khu vực phía sau bệnh viện Từ Dũ, tệ nạn hút chích ma túy rất phức tạp, đây là một trong những điểm hút chích nổi tiếng ở Sài Gòn. Tại đây có một tay “giang hồ vặt” chuyên bán lẻ thuốc phiện cho các con nghiện. Hắn tên là Phạm Bá Y, bị thọt một chân, lại có bệnh kinh phong, mỗi lần lên cơn là toàn thân co giật liên hồi, nên được các du đãng gán cho biệt danh “Y Càlết”. Y Càlết cũng vào tù ra khám, sau khi ra tù lại trở về khu vực bệnh viên Từ Dũ để buôn bán “hàng trắng”. lúc này ở quận Tân Bình, Sơn Đảo cũng đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang buôn bán ma túy. Biết mình chỉ thuộc vào hàng đàn em của Sơn Đảo, Y Càlết phải bỏ địa hạt “hàng trắng” mà Sơn Đảo đang nắm độc quyền, qui về buôn bán thuốc phiện ở khu vực hẻm Cháo Lòng, Xóm Đạo cạnh bệnh viên Từ Dũ nơi Y cư trú. Dù vậy thì trong giới du đãng Sài Gòn, Y Càlết vẫn được xem là có “số má” trong lĩnh vực buốn bán ma túy. Chính điều đó đã làm cho Sơn Đảo không hài lòng, vì một khu rừng không thể có hai con cọp. Dù con cọp Y Càlết biết thân phận thấp bé của mình, không dám đụng chạm đến đàn anh Sơn Đảo. Câu chuyện giữa hai trùm buôn bán ma túy tưởng như không có gì nghiêm trọng, mạnh ai nấy sống, nếu như không có sự xuất hiện của một “bóng hồng” trong vũ trường Barcarat.
Vào thời ấy ở sài Gòn hầu hết các vũ trường đều có màn múa “thoát y” để thu hút khách. Vũ trường Barcarat thuộc loại nổi tiếng nhất nhờ màn múa thoát y độc đáo của mình. Hằng đêm, cũng là các màn khiêu vũ bình thường như trước. Cho đến nửa đêm khi mọi người đã chếnh choáng, tiếng nhậc đã quay cuồng, đó là lúc bắt đầu màn vũ thoát y. một cô gái với thân hình bốc lửa từ từ bước lên sàn pist trong tiếng vỗ tay hoan hô của khách. Cô gái nhảy múa cuồng loạn theo điệu nhạc, rồi lần lượt từng mảnh xiêm y trên mình cô gái sẽ rơi dần ra. Ban đầu là chiếc khăn buộc tóc, rồi chiếc áo khoác bên ngoài, áo trong, rồi áo trong nữa… Chiếc váy ngắn cũn cỡn cũng bất ngờ rơi xuống… Lúc đó, trên mình cô chỉ còn độc một chiếc quần lót thật “tiết kiệm vải” (giới sành điệu gọi là “lá nho”) che kín chỗ còn lại cuối cùng. Đó là lúc chủ vũ trường “khuyến mãi” cho khách bằng trò “bốc thăm trúng thưởng”. người “may mắn” trúng thưởng được bịt mắt lại, đưa lên sân khấu để cùng nhảy với cô gái. Sau một bản nhảy với cô gái thoát y, nếu người ấy dùng răng gỡ được chiếc quần lót của cô vũ nữ (tất nhiên là trước mặt mọi người) thì cô gái sẽ thuộc về người ấy cho tới sáng. Vũ trường Barcarat có ba vũ nữ chuyên vũ thoát y, trong đó nổi tiếng hơn cả là Trang, cô gái có thân hình bốc lửa, những bước nhảy điêu luyện, đặc biệt là đôi mắt như hớp hồn khách làng chơi. “Trang Barcarat” từng làm điêu đứng bao đại gia, tướng tá, giới ăn chơi Sài Gòn, trong đó có cả Sơn Đảo. khi đã nổi danh và kiếm được khá tiền Trang Barcarat bỏ nghề vũ nữ thoát y để chuyên chạy áp phe cho các tướng tá trong quân đội Sài Gòn.
Một hôm, Sơn Đảo đến thăm Trang Barcarat. Tình cờ cũng là lúc Y Càlết đang ngồi với người đẹp trong phòng khách nhà Trang. Thấy Sơn Đảo vào, Y Càlết cũng tỏ cử chỉ trân trọng khẽ gật đầu chào. Vốn đã không ưa gì Y Càlết trong chuyện buôn bán ma túy, giờ lại thấy tay du đãng cà thọt chân đèo bòng đến nhà Tran Barcarat, Sơn Đảo nghĩ ra trò làm nhục đối thủ trước mặt người đẹp. Sơn Đảo trịch thượng hỏi Y Càlết: “Ai cho mày tới đây?”. Bị bất ngờ bởi câu hỏi trịch thượng của Sơn Đảo, Y Càlết lúng túng nói không nên lời, hắn lắp bắp nói “cà lăm”: “Dạ… thì tôi đến… chơi… thăm Trang…”. Nhìn bộ dạng tội nghiệp của Y Càlết, Sơn Đảo cười khoái chí, đồng thời kéo Trang ngồi xuống đùi mình. Bị xúc phạm, Y Càlết không dám phản ứng gì, chỉ lẳng lặng đứng dậy định ra về. Sơn Đảo như say men chiến thắng, bước tới tát thẳng tay vào mặt Y Càlết và nói: “Tao cấm mày từ đây không đên đây chơi bời thăm viếng gì ráo trọi, nếu không đừng trách”. Y Càlết lĩnh nguyên cái tát in cả năm dấu ngón tay trên mặt. hắn không phản ứng gì, chỉ nói lắp bắp: “Tui… làm gì… mà… mà… anh oánh tui?”. “Thích oánh là tao oánh. Thấy mặt mầy tao ghét quá nên oánh cho mày chừa. Được không?”. Sơn Đảo vừa nói vừa vuốt ve cơ thể của Trang. Y Càlết vừa cúi gằm mặt bước ra cửa, vừa nói với lại: “Anh là… đàn anh… mà chơi… chơi vậy… là không ngon. Tui… tui… nói thiệt… anh đừng ỷ… ỷ lớn. rồi sẽ… có… có… lúc… lúc anh hối hận…”.
Đối với bọn du đãng, nỗi nhục lớn nhất của chúng là khi bị làm nhục trước mặt người đẹp, nhất là khi người đẹp đó lại đang là đối tượng si mê, theo đuổi. Y Càlết cũng vậy, tên du đãng có thừa tiền nhưng bị tật nguyền bẩm sinh này rất say mê Trang Barcarat, nhưng chưa được người ddepj đoái hoài. Vậy mà bất ngờ Y Càlết lại bị Sơn Đảo đánh, làm nhục ngay trước mặt người đẹp. mối hận này đối với một tên du đãng tật nguyền là rất lớn, không gì rửa cho sạch. Về nhà, uống rượu suốt ba ngày, mỗi lần uống rượu là mỗi lần Y Càlết lấy rượu rửa thật kỹ bên mặt bị Sơn Đảo đánh như để nỗi nhục được rửa sạch. Thế nhưng, càng uống rượu, càng rửa thì tên du đãng tật nguyền này càng thấy nhục hơn, ê chề hơn. Để rồi, một kế hoạch tàn khốc đã lóe lên trong đầu Y Càlết. Hắn rời Sài Gòn, dắt theo một số đàn em thân tín lên Đà Lạt, thuê phòng khách sạn trong suốt ba tháng. Hắn trả tiền trước và yêu cầu chủ khách sạn hàng ngày ghi tên lưu trú của hắn đầy đủ tại đây, không cần biết hắn đi đâu. Rồi Y Càlết âm thầm quay lại Sài Gòn để âm thầm thực hiện kế hoạch trả thù.
Em chết trước, anh chết sau
Sơn Đảo có người em ruột rất giỏi võ tên là Vũ Đình Cương. Cương từng thượng đài thi đấu và đoạt giải ở Sài Gòn, vì vậy nên có biệt danh là Cương “võ sĩ”. Theo chân người anh, Cương “võ sĩ” cũng trở thành du đãng, cùng người anh tên Sơn bảo kê, mở sòng bạc, buôn ma túy ở khu vực quận Tân Bình. Một lần, khi đi lấy hàng (ma túy) Cương bị bắt, phải ngồi tù Chí Hòa. Trong khi Sơn Đảo ở bên ngoài lo chạy cho đứa em ra khỏi tù, thì một chuyện kinh khủng đã xảy ra trong tù. Vì trch giành làm “đại bàng” trong tủ, mà một tên du đãng cộm cán khác tên là Lâm “Chín ngón” đã đâm chết Cương “Võ sĩ” ngay trong nhà lao. Nhận được hung tin, Sơn Đảo gầm lên như con hổ bị trúng tên, hắn thề: “Tao mà không giết được Lâm “Chín ngón” thì sẽ từ bỏ thế giới giang hồ!”. sơn Đảo âm thầm lên kế hoạch giết Lâm “Chín ngón” bằng cách bỏ ra mấy trăm cây vàng để thuê một tay giang hồ đang bị giam trong khám Chí Hòa tìm cách tiếp cận để giết Lâm “Chín ngón”. Người lãnh sư mạng đó lsf tên du đãng Hoàng “Đầu lâu”. Thế nhưng, khi vừa mới được chuyển đến ở chung buồng giam với Lâm “Chín ngón”, chưa kịp ra tay, thì Hoàng “Đầu lâu” đã bị đối thủ phát hiện âm mưu ra tay trước, chém Hoang “Đầu lâu” chết tại chỗ. Ở ngooaif, Sơn Đảo lại lồng lộn tìm cách giết tiếp tục giết Lâm “Chín ngón”. Nhưng trong khi cố công tìm cách giết chết kẻ thù trong tù thì Sơn Đảo lại không để ý đến kẻ thù ở bên ngoài…
Giang hồ và... kết cục.
11 giờ đêm ngày 18 tháng 1 năm 1975, Sơn Đảo cùng trung tá Đường (Sư đoàn trưởng Sư đoàn dù) rời vũ trường Crystal trong trạng thái chếnh choáng men rượu và men tình. Đến bên chiếc mô tô 125 phân khối, Sơn Đảo phát hiện bánh sau của xe bị xẹp. tên trùm du đãng không hề biết rằng, trong lúc hắn đang ôm cô vũ nữ đung đưa theo điệu Slow bên trong vũ trường thì ở bên ngoài có một đứa bé đánh giày được Y Càlết thuê tới xì bánh chiếc xe 125 phân khối. Sơn Đảo buộc phải đẩy chiếc xe qua tiệm sửa xe bên kia đường nhờ xem hộ. Bất ngờ, một chiếc Honda 67 trờ tới kém theo tiếng kêu: “Sơn Đảo!”. Tên du đãng bất ngờ khi nghe gọi tên mình, chưa kịp phản ứng thì một tiếng nổ đanh thép vang lên, viên đạn găm vào vai làm Sơn Đảo ngã quỵ, ôm vai đau đớn. Y Càlết xuất hiện, hỏi: “Mày có nhớ tao không Sơn?”. Sơn Đảo đau đớn thều thào: “Không lẽ vì chuyện nhỏ hôm rồi mà mày bắn tao sao Y Càlết?”. Y Càlết lạnh lùng chĩa súng vào Sơn Đảo và nói: “Vì cái tát đó nên hôm nay mày phải chết”. Nói rứt lời, Y Càlết nã tiếp hai phát đạn vào bụng Sơn Đảo rồi lên xe máy đàn em chờ sẵn rú ga bỏ chạy. Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến thiếu tá Đường mặc dù có súng lăm lăm bên người nhưng không dám rút ra mà bỏ chạy theo hướng khác. Sơn Đảo được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết sau đó hai tiếng đồng hồ.
Sau đó là đám tang Sơn Đảo thật rình rang, kinh dị và sặc mùi xã hội đen. Hàng chục xe jeep chở đầy lính dù với súng tuốt lê trần đã hộ tống xe chở quan tài Sơn Đảo chạy khắp khu trung tâm Sài Gòn, quân Tân Bình, chạy qua vũ trường Crystal… khi đoàn xe tang chạy qua khu vực Xóm Đạocủa băng nhóm Y Càlết, đám lính dù trên xe chĩa súng lên trời bắn rền hàng chục loạt. như thề với Sơn Đảo sẽ trả thù. Nhưng đàn em của Sơn Đảo chưa kịp tìm ra được tung tích của Y Càlết thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Sau ngày giải phóng, Y Càlết vẫn không bỏ con đường cũ, tiếp tục phạm tội giết người và y đã bị kết án tử hình. Trước khi ra pháp trường, Phạm Bá Y cũng đã thừa nhận chính mình đã bắn chết Sơn Đảo để trả thù cho cái tát trước mặt người đẹp.
Bấm vào chữ NEXT để xem tiếp bài viết về TƯỚNG CƯỚP BẠCH HẢI ĐƯỜNG
Bạch Hải Đường - tên giang hồ cộm cán
Sài Gòn là hàng ổ của thế giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 với những cái tên khét tiếng như Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Sơn “đảo”... Thế nhưng, tên giang hồ lừng danh nhất miền Nam trước năm 1975 lại không xuất thân từ các băng đảng trên đường phố Sài Gòn, mà là ở miền Tây Nam bộ, bên dòng sông Hậu hiền hòa, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang).
Đó là tên giang hồ Bạch Hải Đường, người được dư luận đồn thổi là có tài xuất quỷ nhập thần, có khả năng bẻ mọi ổ khóa, vượt ngục như làm ảo thuật. Cảnh sát chế độ Sài Gòn gần như bó tay trước khả năng kỳ diệu của Bạch Hải Đường, hắn chỉ thật sự bị thúc thủ trước mạng lưới an ninh nhân dân và sự dũng cảm của các chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam. Đây là tên giang hồ duy nhất ở miền Nam mà cuộc đời được viết thành sách, dựng thành phim và tái hiện trên sân khấu cải lương.
Từ sông nước miền Tây hiền hòa
Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950, quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Trước khi trở thành tên giang hồ khét tiếng, Nguyễn Ngọc Truyện vốn là đứa trẻ có tuổi thơ đầy gian khó, lam lũ, nhưng rất hiếu thảo với cha mẹ, anh em. Thuở ấy, nơi xóm nghèo của thị xã Long Xuyên, anh Nguyễn Văn Của và chị Lê Thị Huê gặp và kết duyên vợ chồng. Anh Của làm nghề bốc vác, đẩy xe ở khu vực chợ Long Xuyên, bến xe, còn vợ anh ngày ngày ngồi bên cái thúng bánh mì ở bến xe mời gọi người qua đường ghé mua. Họ sống cực nhọc, nhưng hạnh phúc và hy vọng cho mai sau.
Năm 1950, đứa con trai đầu lòng chào đời, anh đặt tên cho nó là Nguyễn Ngọc Truyện. Đứa bé khôi ngôi, tuấn tú, trắng trẻo... như làm cho vợ chồng anh Của quên đi cái vất vả, nhọc nhằn, giúp anh có thêm nghị lực trong cuộc sống. Cuộc sống gia đình cứ lặng lẽ trôi qua trong nghèo khó nhưng tràn đầy hạnh phúc, chị Huê lần lượt sinh thêm bốn đứa con gái, cuộc sống càng thêm nghèo khó trong tiếng cười vui của 5 đứa trẻ nhỏ. Như bao đứa trẻ cùng trang lứa, Truyện cũng đến trường, nhưng chỉ mới đến lớp bốn là bắt đầu bỏ học, đi chơi với những nhóm trẻ con bên ngoài. Cuộc sống tụ tập, lê la ở những nơi đông đúc, náo nhiệt của những đứa trẻ bụi đời đã hấp dẫn Truyện hơn những lời dạy của thầy cô trong trường. Truyện ngày càng cứng đầu, lầm lỳ, ít nói, ít cười với cha mẹ và các em. Nó thường lê la đến những quán cà phê, những độ đá gà, đánh bạc... Rồi Truyện bỏ nhà, gia nhập đám trẻ sống bằng nghề lượm ve chai khắp khu chợ, bến đò, bến xe, bến phà, hàng quán. Vừa lân la lượm ve chai bán cho các chủ vựa kiếm tiền xài, vừa ăn ngủ vật vờ bất cứ đâu, như bao trẻ lang thang khác. Năm Truyện 15 tuổi, ông Của lâm bệnh, ngày càng nặng, nhưng vẫn phải đi làm lơ xe cho những chuyến xe đò từ Long Xuyên đi Sài Gòn để kiếm tiền nuôi gia đình. Tình cảm đối với người cha đã trỗi dậy trong lòng thằng con trai bụi đời, Truyện từ bỏ cuộc sống đường phố, trở về nhà thay cha lênh đênh trên những chuyến xe đò của hãng xe Tam Hữu chạy từ Long Xuyên về Sài Gòn. Bôn ba trên những chuyến xe, bến phà từ Long Xuyên đến Sài Gòn, Truyện có điều kiện tiếp xúc với các “anh chị”, đại ca ở nhiều nơi, làm cho máu giang hồ trong cậu bé càng có điều kiện phát triển. Vừa đi lơ xe, Truyện vừa đi học võ ban đêm ở một võ đường vùng Thốt Nốt (nay thuộc TP. Cần Thơ). Làm lơ xe được 3 năm, khi bước sang tuổi 18, Truyện trở thành chàng thanh niên mạnh khỏe, giỏi võ, đẹp trai, rồi gá nghĩa vợ chồng với người phụ nữ đầu tiên trong đời tên là Hồ Thị Lãnh. Cô Lãnh đã sinh cho Truyện hai đứa con trai kháu khỉnh. Ở thị xã Long Xuyên cuộc sống quá khó khăn, Truyện cùng vợ con về quê vợ ở Thốt Nốt, vừa để trốn quân dịch, vừa chạy xe lôi kiếm tiền nuôi vợ con. Truyện lúc đó vẫn là người cha, người chồng có trách nhiệm, chăm lo gia đình. Nhìn hai đứa con trai lớn lên, vợ chồng Truyện rất hạnh phúc. Nhưng rồi nghề chạy xe lôi của Truyện không đủ nuôi gia đình. Con cái lại liên tục đau bệnh. Ôm con trên tay, nhìn cảnh đời ngang trái vì con nhà người khác lại được nằm viện, được bác sĩ chăm sóc, Truyện càng thấm thía nỗi nhục của cái sự nghèo khó. Truyện đưa vợ con quay về Long Xuyên sống và vẫn thuê một chiếc xe lôi để chạy kiếm tiền. Cho đến một ngày đầu năm 1971, đứa con đầu đau nặng, không có tiền mua thuốc, trong khi Truyện phải trốn quân dịch, không thể chạy xe lôi để kiếm tiền. Túng quẩn, Truyện liều lấy trộm một chiếc xe honda người ta dựng ngoài đường, đem bán lấy tiền về mua thuốc cho con.
Con đường trộm cướp của Truyện chính thức bắt đầu từ đó. Vốn không ưa lính Mỹ ngông nghênh khắp đó đây, nên Truyện mở đầu cuộc đời trộm cướp của mình cũng bằng cách nhắm vào người Mỹ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1971, Truyện đã đột nhập vào các gia đình người Mỹ sống tại Long Xuyên đến tám lần, lấy được năm cái tivi, năm máy thâu băng, ba cái radio, ba máy ảnh, bốn thùng rượu, hai thùng thuốc lá Mỹ, đem bán lấy tiền về lo cho con trị bệnh. Bước sang tháng 4 năm 1971, tần suất ra tay của Truyện càng dày đặc, với bảy chiếc xe honda trộm được, mỗi chiếc bán với giá từ 20 đến 25 ngàn đồng. Qua tháng 5 năm 1971, số chiến lợi phẩm của Truyện là 20 xe honda... Những vụ đột nhập nhà người Mỹ lấy nhiều tài sản có giá trị, chỉ trong mấy tháng mà thành phố Long Xuyên có cả trăm chiếc xe honda bị mất, những điều đó đã làm cho lực lượng cảnh sát thành phố phải đặt trong tình trạng báo động. Một chiến dịch truy quét quy mô được tiến hành, nhiều tên trộm cướp bị bắt, riêng Truyện thì vẫn bình yên và tạm “gác kiếm” một thời gian. Chính thức bước vào thế giới giang hồ, Nguyễn Ngọc Truyện sớm nổi danh là Truyện “xăm mình” vì khắp mình mẫy của y được xăm những dòng chữ, hình ảnh khác người. Những tình cảm tuổi thơ, những đau đớn trong tình yêu, thất vọng trong cuộc sống... đã được Truyện thể hiện trên cơ thể mình bằng kim nhọn và mực Tàu.
"Bạch Hải Đường sinh ra hổng phải để ở tù (?!)".
Thuở ấy ở Long Xuyên có một “nghệ sĩ” rất khéo tay, xăm hình rất đẹp, Truyện đã là khách hàng thường xuyên của người “nghệ sĩ” này. Đầu tiên là hình Đức Phật được Truyện xăm ngay giữa ngực, như muốn nói rằng anh ta vốn xuất thân từ lương thiện, từ bi. Quả thực, trong suốt cuộc đời tội lỗi của mình, Truyện không hề nổ một phát súng nào, không đụng đến mạng người, mà chủ yếu dùng tài năng xuất quỷ nhập thần, võ nghệ cao cường để cướp đoạt, trốn tránh pháp luật. Là một kẻ từng rất thương yêu mẹ cha, nên phía trên hình Đức Phật trên ngực Truyện là dòng chữ “Phụ mẫu tri ân”. Không chỉ vậy, trên bắp chân rắn chắc của mình, Nguyễn Ngọc Truyện xăm dòng chữ để tỏ lòng thương mẹ: “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”. Sau lưng mình Truyện cho xăm con đại bàng xòe cánh, đạp lên quả địa cầu với dòng chữ “Vượt trùng dương ra hải đảo”. Vốn rất tôn trọng “luật giang hồ”, sống chết với chiến hữu, nên trên cánh tay trái của Truyện xăm dòng chữ “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương”. Tên tướng cướp gây bao đau khổ cho mọi người, hắn cũng biết kêu khổ với dòng chữ trên cánh tay phải: “Tạo hóa ơi, bao giờ con hết khổ?”. Từng bị cay đắng trong tình trường, ngập ngụa trong trụy lạc, Truyện thể hiện bằng hình xăm lên bụng: một cô gái lõa thể và dòng chữ “Thương người chung thủy - hận kẻ bạc tình”, kề bên là con dao găm đâm vào quả tim đang ứa máu...
Xuất quỷ nhập thần
Trong những năm cuối cùng trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cái tên Bạch Hải Đường bỗng nổi bật trong giới tội phạm, lấn át hết những cái tên có “số má” khác ở Sài Gòn. Nhiều giai thoại được đồn thổi rất ly kỳ xung quanh tên cướp, người ta thêu dệt hắn là một tay giang hồ hào hiệp - chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên trả thù bằng cách dùng tài nhập nha thần kỳ để trộm vợ của những cố vấn Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội cao cấp chế độ cũ. Rồi những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương đã được xây dựng nhân vật từ những tình tiết hư cấu này, làm Bạch Hải Đường càng thêm nổi tiếng. Vụ cướp gây tiếng vang đầu tiên của Nguyễn Ngọc Truyện, làm cho y có biệt danh là Bạch Hải Đường, đó là vụ đột nhập vào nhà của dân biểu L.P.S và tư dinh của đại úy Triệu, sếp phó của lực lượng cảnh sát Long Xuyên vào năm 1971. Một người đẹp tên Lệ là nhân tình của Nguyễn Ngọc Truyện vì quá ghen tuông nên đã báo tin cho đại úy Triệu đến bắt Bạch Hải Đường tại một nơi bí mật. Truyện bị bắt và bị đại úy Triệu đánh đập dã man, xong cho 2 viên quân cảnh lực lưỡng áp giải về trại giam. Bị còng tay, nhưng khi xe đang chạy, Truyện đã dùng hai cùi chỏ đánh gục hai quân cảnh và phi cú đá như trời giáng vào đầu lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát. Lực lượng ứng cứu chạy tới kịp thời, nhưng chỉ để cứu 3 quân cảnh đang kêu la vì những vết thương làm ê ẩm mình mẩy. Sau vụ đó, giới giang hồ Long Xuyên đặt cho truyện biệt danh “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, vì nó giống với câu chuyện tên tướng cướp trong tiểu thuyết và bộ phim Đài Loan đang rất thịnh hành khi đó là “Phi tặc Hải Đường Hồng” Cho đến ngày nằm trong trại giam Long Xuyên vào năm 1983, biết không qua khỏi vì bệnh tật, Bạch Hải Đường đã xin cán bộ trại giam giấy viết để tường thuật về những vụ trộm cướp đáng kể trong cuộc đời của mình.
Trong bản tự khai, Bạch Hải Đường kể lại hơn 40 vụ đột nhập nhà của các dân biểu Sài Gòn, doanh nhân người Mỹ, cố vấn quân sự Mỹ, nhân viên ngoại giao, cảnh sát, quân cảnh của chế độ cũ... Hầu hết những căn nhà của họ đều rất kiên cố, có lính canh gác 24/24, nhưng Bạch Hải Đường luôn ra vào trót lọt, chưa bao giờ bị phát hiện? "Trong thời gian đi lấy trộm đồ, tôi toàn vô nhà của người giàu có, nhà của người nước ngoài, nhất là người Mỹ", Bạch Hải Đường viết. Một lần, Bạch Hải Đường vào nhà ông chủ tên Chuẩn chuyên cho bác sĩ nước ngoài ở thuê. Do bên dưới có lính canh nên Bạch Hải Đường leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà của bác sĩ Chuẩn, "trổ" mái nhà chui xuống ngay phòng của một bác sĩ người Úc đang ngủ. Trong căn phòng chật hẹp, y đã "dọn" quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy “thâu băng”... ra khỏi phòng mà ông bác sĩ Úc vẫn rất ngon giấc. Mãi sáng hôm sau thức dậy, nhìn mái nhà có lỗ thủng, bác sĩ này chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Ông chủ nhà tên Chuẩn đã huy động lực lựơng để tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho khu nhà. Thế nhưng, chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường lại "viếng thăm" khu nhà một lần nữa, vào phòng của một bác sĩ người Mỹ dọn sạch tất cả đồ đạc có giá trị, kể cả vàng và đô la, chỉ để lại cho gia chủ khẩu súng trong ngăn kéo. Nhân viên, bác sĩ làm việc trong tòa nhà này sau đó đã dọn đi vì không tin cảnh sát sẽ đảm bảo cho tài sản của họ được an toàn. Có người còn nghi ngờ hai vụ mất trộm do nội bộ thực hiện, bởi lúc nào lính cũng gác rất chặt ở cửa.
Tiếp theo Bạch Hải Đường đột nhập nhà ông Nguyễn Đắc Dần ở đường Gia Long, thị xã Long Xuyên, cho mấy kỹ sư người Mỹ thuê. Lọt vào nhà, y thấy hai người Mỹ đang ngủ say sưa. Bạch Hải Đường lấy hai cái rương lớn cho tất cả những thứ cần lấy vào. Chưa vội rời khỏi hiện trường, Bạch Hải Đường còn lân la xuống nhà bếp, mở tủ lạnh... Hắn lôi rượu thịt đem ra bàn, ngồi chén say sưa, đến gần hết chai rượu vang đỏ mới chịu vác 2 va ly đồ đu dây qua cửa số thoát xuống đất. Sáng hôm sau, 2 kỹ sư Mỹ đã khiếp vía trước hiện trường để lại, họ vội vã dọn đồ đi nơi khác. Cũng tại ngôi nhà này, vài tháng sau Bạch Hải Đường đột nhập vào nhà hai người Nhật, lấy nhiều tài sản có giá trị. Trong một lần khác, BHĐ lại ngông nghênh quá mức khi vào nhà một nữ bác sĩ lấy đồ, đưa đồ ra ngoài rồi y lại vào tìm chìa khóa nhà để mở két sắt. Nhưng chưa tìm ra chìa khóa thì một ông người Mỹ khác phát hiện và đã bắn nhiều phát. Bạch Hải Đường vừa tránh đạn vừa vác bao đồ bỏ chạy. Sau đó vài tuần, Bạch Hải Đường đột nhập vào căn cứ hải quân của Mỹ ở gần kho xăng Quản Trung Hòa. Mấy ngày sau, y lại mò đến căn cứ Mỹ phía sau ngân hàng Tín Nghĩa, vào nhà một sĩ quan lấy được một tivi, quần áo, ba cái gương, một ít tiền đôla Mỹ... Không chỉ vào nhà của những đại gia, sĩ quan ở Long Xuyên, mà mỗi lần đi thăm "bạn bè" ở tỉnh nào đó, đêm đến, y thường "tranh thủ" làm vài vụ. Trong một lần qua nhà người bạn tên Phước Hùng ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch Hải Đường cũng đã vào nhà người nước ngoài hai lần. Tại Cần Thơ, y cắt kẽm gai chui vào khu nhà của một trung tá Mỹ lấy một bao đồ, máy chụp hình, tivi, và một số tiền. “Tôi leo lên lầu nhà này thì thấy một chiếc trực thăng đậu trên đó. Tôi có leo vào trực thăng kiếm đồ nhưng chỉ lấy được một nón phi công, một đôi bao tay, một bao đồ và một xấp giấy tờ. Tôi mang giấy tờ ra xem thì mới biết đó là nhà của trung tá không quân", Bạch Hải Đường kể. Khi thông tin vụ đột nhập này được tiết lộ ra ngoài, lực lượng quân cảnh, cảnh sát chế độ cũ lại được một phen... náo loạn vì chiến dịch truy bắt kẻ đột nhập. Sở dĩ Bạch Hải Đường dám “liều mạng” vào nhà của phi công này là vì có một lời thách thức từ nhóm giang hồ ở Cần Thơ: Nếu ai vào được nhà của phi công trên, vào được máy bay, mang được cả nón phi công ra thì sẽ được tất cả giới giang hồ ở Tây Đô tôn làm "đại ca", chính thức thống lĩnh toàn bộ thế giới giang hồ ở miền Tây.
Bạch Hải Đường không còn cơ hội để bẻ khóa
Ngoài khả năng đột nhập vào bất kỳ ngôi nhà nào nếu muốn, Bạch Hải Đường còn chứng tỏ 2 khả năng kỳ lạ khác, đó là: sực chịu đựng (đòn đánh và súng đạn) và trình độ vượt ngục. Khi đã bị bắn 3 – 4 phát đạn vào chân mà y vẫn đủ sức đánh trả lại 3 – 4 chiến sĩ công an, phá vòng vây chạy thoát. Hầu như mọi buồng giam đều không có ý nghĩa đối với Bạch Hải Đường, chuyện vượt ngục đối với y dễ dàng như trở bàn tay.
Ngày miền Nam được giải phóng, Bạch Hải Đường đang ngồi trong trại giam. Một ngày sau, lợi dụng tình hình “tranh tối tranh sáng”, hắn đã trốn trại, sau khi để lại dòng chữ trên tường: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”. Nhưng ít lâu sau, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì đột nhập vào khách sạn ở Long Xuyên trộm cướp. Tháng 8.1975, Bạch Hải Đường lại trốn trại, để lại một lá thư: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa. Ký tên: Bạch Hải Đường”.
Thế nhưng, tên cướp này không giữ đúng lời hứa – hắn không về quê sản xuất để sống, mà trở lại con đường trộm cướp như đã ăn sâu vào máu của hắn. Ngày 21.3.1980, Bạch Hải Đường sau khi cướp được 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc, đã trở về ẩn náu bí mật ở Long Xuyên. Ngày 22-3-1980, nguồn tin từ cơ sở báo về Công an tỉnh An Giang cho biết Bạch Hải Đường vừa thực hiện một vụ cướp tiệm vàng tại biên giới và đang trên đường về ăn mừng chiến thắng tại thị xã Long Xuyên. Nơi ăn mừng chiến thắng vừa cướp tiệm vàng tại nhà của một đối tượng tên là Cùi Cang trong hẻm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu (khóm 6 phường Mỹ Long, thị xã Long Xuyên). Khoảng 19 giờ tối 22-3-1980, khi Bạch Hải Đường và bốn tên khác đang nâng những ly rượu mừng thì ba họng súng đen ngòm chỉa thẳng vào làm tất cả im phăng phắc. Khi tất cả chưa kịp hoàn hồn, Bạch Hải Đường đã bật ngửa ra phía sau bằng một thế võ điệu nghệ, phi ra cánh cửa sau nhà rồi lao xuống con rạch đầy bùn lầy tẩu thoát. Sau nhiều tiếng ra lệnh nhưng hắn không dừng lại, ba tiếng nổ chát chúa xé tan màn đêm, cả 3 viên đạn bắn ở cự ly gần đều trúng vào bắp chân y. Nhưng thật kinh khủng, Bạch Hải Đường chỉ khựng lại bước chân trong giây lát, rồi tiếp tục chạy băng băng quanh co trong những con hẻm chằng chịt. Ra tới đầu hẻm, hắn bị 1 tổ chiến đấu chắn bắt. Với đôi chân đang bị thương nặng, Bạch Hải Đường đánh trả 4 chiến sĩ công an và chạy tiếp vào một con hẻm. Thế nhưng, cả 2 đầu hẻm đều bị khóa chặt bởi hàng chục chiến sĩ công an, như 2 gọng kềm. Tuy vậy, hắn cũng quần nhau một lúc với các chiến sĩ, cho tới khi kiệt sức vì mất nhiều máu, mới chịu thúc thủ. Thế nhưng, khi vết thương chưa kịp lành, giữa tháng 5.1980, Bạch Hải Đường lại tự tháo còng, đục thủng tường trại giam và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.
Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng đã đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt lại bắt đầu. Thời gian đã trôi qua hơn hai tháng, Bạch Hải Đường vẫn bặt tăm, có ý kiến cho rằng hắn đã chết do những vết thương bị bắn. Thế nhưng, một nguồn tin ở Sóc Trăng cho hay Bạch Hải Đường đang lẫn trốn ở đó. Ngày 25-7-1980, tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh An Giang lên đường, hướng về thị xã Sóc Trăng - nơi mà Bạch Hải Đường đã ẩn trú trong nhà một người thân. Bạch Hải Đường đang ngồi “lai rai” với một bạn tù cũ trong một quán cóc ven đường. Bất ngờ, bằng linh tính của một tên cướp lừng danh, hắn nhận ra hai bóng người đi bộ bên kia đường có điều gì đó khác thường. Hắn thay đổi thế ngồi nhìn quanh quan sát, như chuẩn bị thoát thân. Từ bên kia đường, ánh mắt nhà nghề của thượng úy Phạm Thanh Sơn (người chịu trách nhiệm chính trong vụ truy lùng Bạch Hải Đường) cũng chợt nhận ra sự bất thường của Bạch Hải Đường nên nháy mắt ra hiệu cho đồng đội lao thẳng vào quán. Một cuộc đấu võ và đấu trí đã diễn ra giữa 2 sĩ quan công an dày dạn trận mạc với tướng cướp Bạch Hải Đường, cuối cùng hắn đã bị thúc thủ sau khi bị trúng đạn. Lần này, tỉnh An Giang cử hẳn một trung tá công an là Trần Thanh Tình canh giữ nghiêm ngặt tên giang hồ khét tiếng này. Chính thời gian “cùng ăn, cùng ở” với tên “tướng cướp” này trong trại giam, đồng chí Tình phần nào hiểu được vì sao tên cướp khét tiếng này đã khiến cho lực lượng giữ gìn trật tự của chế độ cũ phải vô cùng vất vả. Hắn bị ngồi trong nhà giam với cả còng tay, còng chân, chỉ được di chuyển trong một không gian hạn hẹp.
Thế nhưng, trong một buổi trưa, sau khi ăn cơm trưa cùng một số đồng chí và chuẩn bị nghỉ trưa thì từ bên phòng mình, đồng chí Tình nghe được những tiếng lộc cộc khả nghi phát ra từ căn phòng giam sát bên bức tường. Khi nhìn qua cửa thì đồng chí hoảng hốt vì nền nhà giam hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại mấy cái còng. Khi mở cửa phòng giam để vào, đồng chí Tình không thể ngờ rằng, Bạch Hải Đường đang đu người như một con vượn trên trần nhà giam để hòng tháo lưới chui ra ngoài, dù vết thương vẫn còn rất nặng trên chân của hắn. Đó không phải là lần duy nhất Bạch Hải Đường đã tháo được ổ khóa, tháo còng để đào thoát. Hầu như tất cả ổ khóa dùng để khóa còng chân đều không thể “khóa” được y. Sau nhiều lần như thế, đồng chí Tình đã nghĩ ra cách để khống chế được tên cướp vốn có tài “ra khỏi nhà giam” này: Cùm chân được lồng vào một cây sắt to và dài, luồn qua tận bên phòng của đồng chí Tình và làm móc khóa ở đó. Thế là Bạch Hải Đường không còn cơ hội bẻ khóa nữa. Hắn chỉ biết ngồi một chỗ và gầm rú như một con thú dữ cho đến ngày hắn không còn nữa.
Do nhiều lần bị thương, không chịu chữa trị, xem thường tính mạng, nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng. Dù đã được cán bộ quản giáo tận tình chữa trị, lo thuốc men, nhưng Bạch Hải Đường không thoát khỏi số phận ở tuổi 33. Hắn bình thản nhắm mắt sau khi chân thành cảm ơn các cán bộ quản giáo và sau khi kể lại toàn bộ tội lỗi của mình trong 13 năm làm “tướng cướp”! Cái chết của Bạch Hải Đường không chỉ chấm dứt huyền thoại về y, mà còn kết thúc những câu chuyện đầy thêu dệt của giới giang hồ miền Nam, hậu quả của một xã hội bệ rạc trước năm 1975 ở Sài Gòn. Kể từ đó, giang hồ Sài Gòn biến mất dần, mãi cho tới khi Năm Cam xuất hiện trở lại hơn 10 năm sau.
Tg: Hoàng Dũng