Login Form

Số Người Truy cập

04236653
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
439
1003
3181
2586895
18259
15674
4236653

2024-04-25 10:05

Tin Tức

KẺ SĨ TRONG HỌC THUYẾT CỦA KHỔNG TỬ

 

 BẢY LUẬN ĐIỂM VỀ KẺ SĨ
 
trong học thuyết Khổng Tử
dsc02477
Khổng Tử giáo đồ

Tác giả: HOÀNG VĂN LÂN

Toàn bộ sự nghiệp của Khổng Tử (551 - 479 TCN) bao gồm chủ yếu ở hai phương diện sau đây:

Một là, Xây dựng nên học thuyết mang tên ông.

Hai là, Đào tạo nên những con người đảm đương việc truyền bá và thực hiện học thuyết đó.

Việc xây dựng học thuyết đã được Khổng Tử thực hiện suốt cả cuộc đời. Hơn thế nữa, việc xây dựng học thuyết đó còn được Khổng Tử thực hiện đồng thời với việc đào tạo ra những con người mà Luận ngữ gọi là kẻ sĩ, suốt đời gắn bó với học thuyết.

 

Để thực hiện sự nghiệp trên đây của mình, trước hết Khổng Tử đã phải làm hai việc lớn đối với lịch sử văn minh phương Đông.

Thứ nhất, Đưa việc đào tạo con người thoát ra khỏi sự tỏa chiết của đẳng cấp quý tộc thị tộc để đi thẳng xuống quảng đại dân chúng, điều mà sách xưa gọi là “trúc bạch hạ thứ dân” – tre lụa dung để ghi văn tự đi xuống thứ dân.

Thứ hai, Xác lập sự tương đồng về nhân cách của con người, xác định rằng chỉ cần là con người, là đồng loại, thì có sự tương đồng về nhân cách.

Xuất phát từ hai việc đó, Khổng Tử đã sang lập ra “tư học” [đối lập với cái gọi là “học tại quan phủ” của quý tộc thị tộc từ thời Tây Chu (1111 - 770 TCN)] để dạy mọi hạng người, không phân biệt xuất thân của họ, lễ nhập học chỉ là một bó nem (Thuật nhi, VII/7). Ông dạy cho họ về những phẩm chất chỉ con người mới có nên con người cần phải giữ lấy, về nhân cách con người, về giá trị làm người, về cách làm người, khiến cho con người có mục đích sống rõ rang và biết sống hữu ích cho cuộc đời. Bên cạnh đó, ông còn dạy cho họ lục nghệ để họ có thể tham gia vào việc trị nước dù là lĩnh trách nhiệm lớn hay nhỏ. Ông cho rằng, muốn gánh vác việc đời thì phải học và điều đáng lưu tâm thời nay là phải học trước đã rồi mới làm chính sự được. Nếu dung kẻ vô học cai trị dân thì theo Khổng Tử, thế là “làm hại con người ta” (Tiên tiến, XI/24).

Suốt đời mình, Khổng Tử đã đào tạo ra một lớp người đặc biệt trong xã hội, dù tham gia chính sự hay không, đều gọi chung là kẻ sĩ, thuở sinh thời Khổng Tử, số lượng mới chỉ có khoảng ba ngàn người.

Read More

Khổng Tử tạ thế năm 479 TCN nhưng học thuyết của ông vẫn được các thế hệ học trò liên tục thừa truyền cho nhau đời này sang đời khác, với quy mô ngày càng lớn, vượt qua các ngôn ngữ và các biên giới quốc gia cổ đại. Nhờ thế, kẻ sĩ theo học thuyết Khổng Tử vẫn cứ nối tiếp nhau gánh vác việc đời, việc xây dựng xã hội, xây dựng đất nước suốt thời văn minh nông nghiệp ở các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam) cho đến khi các quốc gia này tiếp xúc với làn sóng văn minh công nghiệp từ phương Tây ập tới.

Điều quan trọng đối với thế hệ chúng ta ngày nay là, lớp người được gọi là kẻ sĩ đó hiện nay không còn nữa, nhưng họ đã để lại những đặc trưng, những dấu ấn không thể phai mờ, tạo nên tính cách và tâm thức của con người Việt Nam có học, của trí thức Việt Nam đích thực.

Trước khi xét tới vấn đề đó, cần tìm hiểu đến nơi đến chốn xem sách Luận ngữ đã xác định những gì về kẻ sĩ.

Luận điểm một: Bản chất xã hội của kẻ sĩ

Khổng Tử yêu cầu kẻ sĩ sống phải có trách nhiệm với xã hội, với cuộc đời, với đồng loại, với con người.

Dù xã hội này, cuộc đời này có thế nào đi chăng nữa thì kẻ sĩ vẫn phải tận lực nhập thế, nỗ lực dấn thân vào cuộc đời chứ không thể lấy lý do “tránh đời ô trọc” để lẩn tránh trách nhiệm kẻ sĩ. Đoạn đối thoại của 4 người (giữa Trường Thư và Kiệt Nịch đang cày ruộng gieo hạt với Tử Lộ và giữa Tử Lộ với Khổng Tử) được Luận ngữ ghi lại ở chương 6 thiên Vi tử (XVIII/6) và Sử ký của Tư Mã Thiên (145 - 85? TCN) ghi lại ở chương “Khổng Tử thế gia”, đã thể hiện quan điểm nhân đạo sau đây trong học thuyết Khổng Tử: con người không thể tồn tại ngoài thế giới người, cũng tức là, con người không thể sống ngoài xã hội của chính mình. Thành ra con người và loài người không thể có cách tồn tại nào khác ngoài cách tồn tại chung bên nhau để sống và phát triển. Theo chúng tôi, lý thuyết về đạo Nhân của Khổng Tử đã lấy quan điểm đó làm tiền đề.

“Trường Thư và Kiệt Nịch đang cặp đôi cày ruộng gieo hạt. Khổng Tử đi qua, sai Tử Lộ đến hỏi bến đò ở đâu.

Trường Thư hỏi lại Tử Lộ: Này, người đang cầm cương trên xe kia là ai vậy?

Tử Lộ đáp:

- Là thầy Khổng Khâu.

- Có phải ông Khổng Khâu ở nước Lỗ không?

- Đúng thế.

Trường Thư nói: Thế thì tự ông ấy biết bến đò rồi mà!

Tử Lộ bèn quay sang hỏi Kiệt Nịch.

Kiệt Nịch hỏi lại: Thế anh là ai vậy?

- Là Trọng Do.

- Có phải học trò ông Khổng Khâu nước Lỗ không?

- Dạ, phải.

Kiệt Nịch nói: Khắp thiên hạ ly loạn, đâu đâu cũng là dòng nước đục cuồn cuộn. Thế thì ông Khổng Khâu còn mong cùng người nào thay đổi tình thế thiên hạ được? Vả lại, đi theo kẻ sĩ tránh người, sao bằng đi theo kẻ sĩ tránh đời?

Vừa nói vừa tiếp tục bừa phủ lên luống cày mới được gieo hạt.

Tử Lộ trở về xe, kể lại tất cả với Khổng Tử.

Khổng Tử bùi ngùi nói rằng:

- Chỉ có loài chim loài thú, con người mới không thể đánh bán với thôi. Ta không sống chung với người trong xã hội này thì sống chung với ai đây? Nếu thiên hạ yên trị rồi thì Khâu này còn cần gì phải tham dự vào việc thay đổi nữa!”.

Luận ngữ chính văn, Vi tử XVIII/6, bản chép tay xưa truyền lại.

Luận điểm hai: Hai thang bậc phẩm giá của kẻ sĩ: kẻ sĩ đích thực là kẻ sĩ hữu danh vô thực. 

Trong kẻ sĩ thường có một bộ phận làm quan, tham dự chính sự, gánh vác việc đời, việc xã hội. Hình như bộ phận này thường có thể theo bậc thang danh vọng, lợi lộc mà đánh mất dần dần nhân cách kẻ sĩ của họ. Đã đành. Vấn đề là ở chỗ: giữa kẻ sĩ thật và kẻ sĩ giả kia rất khó phân biệt danh với thực và người đời thường lầm lẫn kẻ sĩ danh tiếng hão với kẻ sĩ chân chất đích thực.

Thế cho nên, trong cuộc giải đáp câu hỏi của học trò Tử Trương, Khổng Tử đã vạch ra lầm lẫn đó, và đã xác định rõ sự khác biệt này thong qua việc xác định nội hàm khái niệm “đạt” (thấu triệt, thành tựu) với khái niệm “văn” (1) (có tiếng tăm, nổi tiếng).

Theo Khổng Tử, gọi là “đạt” là để chỉ kẻ sĩ chân chất đích thực và đây chính là kẻ sĩ đã thấu suốt và thành tựu về nhân cách, về trách nhiệm kẻ sĩ, có ảnh hưởng đến cả xã hội.

Khổng Tử nêu ra 4 chuẩn mực của kẻ sĩ được gọi là “đạt” (tức “đạt sĩ”) đó như sau:

Một là, Chất trực, tức trung thực và ngay thẳng, khí khái, không vì bất cứ một tư lợi nào - dù nhỏ - mà so vai rụt cổ trước các thế lực đối nghịch với lẽ phải và sự thật (thường nói gọn là cương trực liêm khiết). Và đó là phẩm chất đầu tiên của kẻ sĩ.

Hai là, Hiếu nghĩa, tức hào hiệp, khảng khái, không tiếc sức mình làm việc cho quốc gia xã hội, dám hy sinh chịu thiệt thòi vì chân lý.

Ba là, Sát ngôn quan sắc, tức là đối với công việc và con người cần có cách nhìn và tầm nhìn, mẫn cảm với thời thế.

Bốn là, Cẩn thận trong giao tiếp với người, nhún mình nhường người nuôi lấy đức độ, lúc nào cũng lưu ý điều chỉnh bản thân mà không cầu người ta phải biết đến mình.

Còn kẻ sĩ gọi là “văn”, tức là kẻ sĩ có tiếng tăm thì hoàn toàn khác với kẻ sĩ gọi là “đạt”.

Kẻ sĩ có tiếng tăm là kẻ chỉ thạo làm những việc hình thức, thường khéo tạo ra cái vẻ nhân đức, thương dân nhưng việc làm thì lại trái với nhân đức, coi dân như phương tiện để thủ lợi, luôn luôn tự cho mình là phải, chẳng biết kiêng sợ gì, thường vì cái danh bên ngoài mà làm rối loạn cái thực bên trong. Cho nên gọi là “nổi tiếng”, “có tiếng tăm”, nhưng không có thực chất, chỉ là danh suông vì cái danh không đi đôi với cái thực. Kẻ sĩ vì danh và kẻ sĩ vụ lợi, tuy tên gọi khác nhau nhưng cùng một bản chất trục lợi, bất chấp nhân nghĩa liêm sỉ. 

Luận điểm ba: Phân biệt ba bậc sĩ

 Chương 20 thiên Tử Lộ (XIII/20) sách Luận ngữ đã ghi lại gần như đầy đủ một cuộc đối thoại dài giữa Khổng Tử và Tử Cống, học trò nổi tiếng ở khoa ngôn ngữ ngoại giao (Tiên tiến, XII/2). Chủ đề cuộc đối thoại là câu hỏi sau đây của Tử Cống: “Phải làm thế nào mới đáng được gọi là kẻ sĩ?”.

Toàn bộ nội dung giải đáp của Khổng Tử đã cho ta biết trong quan niệm của Khổng Tử, kẻ sĩ có thể bao gồm ba bậc.

Bậc một: Tiêu chuẩn đầu tiên của kẻ sĩ bậc một này là biết nhục, biết xấu hổ, hiểu rõ rằng không biết nhục không phải là người. Do đó mà nỗ lực giữ mình có liêm sỉ. Họ sống thanh cao. Những ai được cử đi sứ trong thiên hạ đều không làm nhục đến quốc thể, đến danh dự đại diện cho một nước.

Bậc hai: Môi trường sống của kẻ sĩ thời văn minh nông nghiệp là gia đình, họ hang, quê hương, làng nước. Cho nên, xuống đến kẻ sĩ bậc hai, phải có phẩm chất sau: hiếu thảo với gia đình họ hàng, hòa mục với xóm làng, biết giữ tín nghĩa và đối xử khoan dung với mọi người.

Bậc ba: Tiêu chuẩn của bậc ba này được xét ở lời nói và việc làm. Kẻ sĩ bậc này nhất thiết phải: lời nói đáng tin cậy, việc làm có hiệu quả. Được như thế thì tuy bụng dạ hẹp hòi cố chấp đi chăng nữa cũng vẫn đáng xếp bậc ba của kẻ sĩ.

Cuối cùng, Tử Cống hỏi về những người đang làm chính sự ở nước Lỗ thời bấy giờ. Tâm trạng Khổng Tử không vui và ông thẳng thắn đánh giá với học trò của mình rằng, những người ấy tầm thường nhỏ bé như cái đấu, cái sao (dụng cụ đo lường ở nước Lỗ thời Xuân Thu), họ làm quan chỉ cốt để thu lợi, thử hỏi trong họ có mấy ai để tâm đến quốc gia đại sự, có mấy ai lo đến quốc kế dân sinh, có mấy ai lo cho dân.

“Tử Cống hỏi: Phải như thế nào mới đáng được gọi là kẻ sĩ?

Khổng Tử trả lời rằng: Giữ mình có liêm sỉ, đi sứ bốn phương không để nhục mệnh vua. Như vậy có thể gọi là kẻ sĩ.

Tử Cống lại hỏi: Dám hỏi bậc dưới đó phải ra sao?

Trả lời: Họ hang khen là người hiếu, xóm làng khen là người đễ.

Tử Cống lại hỏi: Dám hỏi bậc dưới nữa phải ra sao?

Trả lời:Lời nói đáng tin cậy, làm việc có hiệu quả; tuy rằng bụng dạ hẹp hòi cố chấp đi chăng nữa cũng vẫn đáng xếp bậc ba kế đó.

Tử Cống lại hỏi: Những người làm quan đời nay (ở nước Lỗ) thì sao?

Khổng Tử nói: Ôi! Hạng người nhỏ mọn như cái đấu, cái sao ấy có đáng kể gì!”

Luận ngữ chính văn, Tử Lộ XII/20, bản chép tay xưa truyền lại. 

Luận điểm bốn: Phẩm chất đặc trưng cho kẻ sĩ xưa nay

 Đến đây, xuất hiện vấn đề quan trọng bậc nhất sau đây: Trách nhiệm cơ bản và chung thân suốt đời của kẻ sĩ là gì? Nói cách khác, kẻ sĩ sở dĩ là kẻ sĩ, là do đâu?

Vấn đề này đã được Tăng Tử (505 TCN - ?) xác định và được ghi lại ở chương VII thiên Thái bá, sách Luận ngữ. Tăng Tử nói: “Lấy điều nhân làm trách nhiệm của mình, chẳng là nặng hay sao? Thực hiện điều nhân cho đến chết mới thôi, như vậy thì đường đi chẳng còn xa sao?” Như vậy thực hiện điều nhân là phẩm chất đặc trưng cho kẻ sĩ. Do đó, để hiểu kẻ sĩ, chúng ta không thể không xét kỹ vấn đề: Nhân mà kẻ sĩ “tự lấy làm trách nhiệm của mình” (nhân dĩ vi kỷ nhiệm) có nội dung như thế nào?

Toàn bộ sách Luận ngữ có 12.700 chữ tượng hình, trong đó chữ nhân được ghi 105 lần. Thế nhưng Khổng Tử và các môn đệ chỉ cho biết chữ nhân trong từng trường hợp cụ thể, có đối tượng cụ thể; hơn nữa, người đương thời cũng như hậu thế cũng chỉ hiểu chữ nhân của Khổng Tử trong từng trường hợp cụ thể như thế. Ví dụ, một trong nhiều định nghĩa của chữ nhân - “nhân là lòng yêu người” - vốn là lấy ra từ một cuộc đối thoại giữa Khổng Tử với Phàn Trì. Phàn Trì hỏi về nhân, Khổng Tử đáp: Yêu người, ấy là nhân. Hỏi về trí. Đáp: Phân biệt được người, ấy là trí” (Nhan Uyên/XII/22). Đối với một môn đệ nổi tiếng ở khoa đức hạnh là Nhan Uyên thì Khổng Tử giải thích nhân như sau: “Chế thắng tư dục (khắc kỷ) mà trở về lễ, thì là nhân… Làm điều nhân là do mình, chứ đâu có do người?” (Nhan Uyên, XII/1). Với một môn đệ khác là Trọng Cung thì Khổng Tử lại có cách giải thích nhân khác nữa, trong đó có một mệnh đề đã trở thành danh ngôn trong tinh hoa tư tưởng phương Đông: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người” (Nhan Uyên XII/2). Trong số hàng ngàn môn đệ, Khổng Tử chỉ khen một mình Nhan Hồi là có thể giữ được đức nhân trong liền 3 tháng. Còn những người khác, may mắn lắm được một ngày, một tháng (Ung dã VI/5). Khi Mạnh Võ Bá (Công Dã Tràng V/7) hỏi Khổng Tử rằng Tử Lộ, Nhiệm Cầu, Công Tây Xích có phải là người nhân không, Khổng Tử đều khen họ mỗi người có một tài năng riêng, nhưng Tử Lộ giỏi về võ bị, Nhiệm Cầu về trị nước, Công Tây Xích về ngoại giao. Nhưng còn vấn đề “họ có phải là người nhân không” thì, tuy khen như thế nhưng Khổng Tử đều nhất mực đáp “còn nhân hay không thì không biết”

*

 Sau khi Khổng Tử qua đời (năm 479 TCN), học thuyết mang tên ông vẫn không ngừng phát triển. Các thế hệ truyền thừa đã mong muốn làm cho khái niệm nhân vừa mang được nghĩa gốc từ thời Khổng Tử, lại vừa thích nghi được với thời đại và thời thế của mình. Giải trình và tổng kết sự phát triển đó là rất cần thiết cho việc tiếp nhận và phát huy tinh hoa tư tưởng phương Đông. Trong phạm vi có hạn ở đây, chúng tôi chỉ xin giải trình cách giải thích nội dung điều nhân và phương pháp thực hiện điều nhân của ba nhà văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX, trình bày theo thứ tự năm sinh: Phan Bội Châu (1867 - 1940), Hồ Chí Minh (1890 -1969), Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1993).

Ÿ Bị đưa về an trí ở Huế từ năm 1926, nhưng Phan Bội Châu vẫn viết một tác phẩm đồ sộ nhan đề “Khổng học đăng” (Ngọn đèn Khổng học) hoàn thành năm 1929. Mục đích cuốn sách đã được Phan giải trình hết sức rõ rang ở “Phàm lệ” như sau:

1. Mục đích người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc. 2. Lại cốt phát huy chân lý để duy trì nhân tâm; bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt. Vậy nếu ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách này, mà tác giả cũng xin chớ đọc. 3. Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho tinh thần thời ví như làm nhà: Học cũ là nền tảng, mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giúp cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ và học mới; hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản. Nếu ai chưa để mắt vào cuốn sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn, hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, hễ có ý kiến ấy thì xin chớ đọc. 4. Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của Á châu từ thuở xưa, nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.

Các danh từ học cũ chẳng phải là cái để đánh cắp áo mũ cân đai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim khánh đâu! Vậy nên tác giả xin thề trước với ba hạng người:

a) Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng.

b) Hạng người muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc.

c) Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh than.

Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc đến quyển sách này, mà tác giả cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản sách này nói nhân đạo, họ đọc làm gì?

… Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay, thời xin chớ đọc (2).

Trong việc kẻ sĩ thực hiện đức nhân, Phan phân biệt ra phạm vi xã hội, tức phạm vi “lớn như cứu đồng bào, thương nòi giống…”, và phạm vi cá nhân công dân, tức phạm vi nhỏ “thời lo làm sao cho lương tâm mình khỏi hư hỏng”, và nếu lương tâm mình khỏi hư hỏng thì “cho dù chưa hoàn toàn được nhân nhưng cũng chắc không đến nỗi làm việc gì xấu” (3). Điều đáng chú ý ở đây là, Phan xác định rõ đức nhân hoàn toàn xa lạ với cái mà thời chúng ta gọi là chủ nghĩa cá nhân, còn Phan thì dung thuật ngữ của Luận ngữ mà gọi là “vô ngã”. Phan khẳng định như sau: “Ngã nghĩa là mình ta. Hễ người ta làm việc gì, vô luận nhỏ hay lớn, đối đãi với người thân hay sơ, nhưng bệnh căn sở dĩ đến sai lầm là vì chữ “ngã”. Ta chỉ biết có ta, hoặc là vì cái lợi ích cho ta, hoặc là thuận ý kiến của ta; trừ ngoài cái “ta” ra, hoàn toàn không nghĩ tới gì nữa, tất nhiên trái với nhân tình, mất hẳn thiên lý, thật ra là một cái bệnh thống rất to…” (4).

Đối với việc thực hiện điều nhân, quan điểm của Phan rất rõ ràng quyết liệt: “Nhân chỉ là cái lòng tốt của người, và chính là cái chân lý để làm người vậy. Hễ người đã bất nhân, tất là không phải người, người với cầm thú, chỉ khác nhau nhân với bất nhân mà thôi” (5).

Ÿ Trong cuốn sách nhan đề Sửa đổi lối làm việc, với bút danh XYZ, Hồ Chí Minh đã vận dụng tinh hoa tư tưởng phương Đông nằm trong học thuyết Khổng Tử vào việc huấn luyện, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ.

Ở đây, vấn đề mà Hồ Chí Minh đặt ra trước tiên là vấn đề “Chí công vô tư”. “Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt như sau ngày càng thêm.

Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, vì thế mà không ham giàu sang, không sợ cực khổ, không sợ oai quyền.

Những người đã không ham, không sợ gì thì việc gì là phải họ đều làm được […].

Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại… (XYZ, Sửa đổi lối làm việc, Nxb Sự thật, in lần thứ nhất, tr. 32).

Đức nhân và việc thực hiện đức nhân vốn được coi như phẩm chất cơ bản, đặc trưng cho kẻ sĩ gánh nặng đường xa - cách chúng ta 25 thế kỷ, đã gia nhập vào đạo đức cách mạng thời hiện đại của chúng ta một cách tự nhiên như vậy.

Ÿ Tháng 10-1962, tạp chí La Pensée của giới trí thức tinh hoa của Pháp đã công bố một luận văn của Nguyễn Khắc Viện, nhan đề “Confucianisme et Marxisme au Vietnam” (Học thuyết Khổng Tử và học thuyết Mác ở Việt Nam). Lần đầu tiên, nội dung của chữ nhân cũng như học thuyết Khổng Tử ở Việt Nam hàng ngàn năm qua đã được Nguyễn Khắc Viện phân tích giải trình sâu sắc và có sức thuyết phục trên một tạp chí lớn của Pháp và cũng là của châu Âu. Ông nhận định: “Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại đã tập trung mọi sự chú ý của con người vào những vấn đề thuần túy con người. Ông là nhà nhân văn chủ nghĩa đầu tiên, theo đúng nghĩa của nó. Đọc lại sách Luận ngữ, ta thấy hầu hết những câu chuyện của ông đều xoay quanh chữ nhân… Định cho chữ nhân một nội dung cụ thể rất khó, vì đó là đức tính tối cao, khiến con người trở thành “Con Người” nhất. Nếu cần phải định nghĩa nội dung chủ yếu thì có thể nêu lên bốn điểm:

- Rộng lượng với mọi người. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân).

- Hiểu biết để có một thái độ đúng trong mọi hoàn cảnh.

- Dũng cảm nhận trách nhiệm.

- Giữ mình đúng lễ. Nói tóm lại là có tính người và tình người”.

Trong vấn đề học thuyết Mác đến Việt Nam, Nguyễn Khắc Viện nhận định: “Chủ nghĩa Mác đến Việt Nam không phải với tư cách một học thuyết giống như các học thuyết khác, mà với tư cách một công cụ giải phóng… Nó kế tục học thuyết Khổng Tử để đem lại cho đất nước một học thuyết chính trị và xã hội, giúp cho đất nước giải quyết những vấn đề thực tiễn; nó vấp phải học thuyết Khổng Tử, nó gặp gỡ học thuyết Khổng Tử trong sự phát triển lịch sử, chứ không phải gặp trong những cuộc tranh luận kinh viện… Từ nhiều thế kỷ trước, học thuyết Khổng Tử đã quen hướng tư tưởng người ta vào những việc của cuộc đời, ở đây học thuyết Mác không gặp khó khăn như khi du nhập vào những xã hội Hồi giáo hay Thiên chúa giáo… Chủ nghĩa Mác không làm cho các nho sĩ bị ngỡ ngàng khi tập trung suy nghĩ về các vấn đề chính trị và xã hội, học thuyết Khổng Tử cũng có cùng mục tiêu suy nghĩ tương tự”.

22 năm sau (tức năm 1984), khi bổ sung luận văn 1962 (6), Nguyễn Khắc Viện đã đưa ra một cảnh báo, thời đó còn ít được chú ý như sau: “Nhưng cũng như Nho giáo, lúc Đảng đã nắm chính quyền, thì nguy cơ quan liêu hóa của chủ nghĩa Mác luôn luôn đe dọa; và một chủ nghĩa Mác quan liêu hóa về nhiều mặt rất giống với Nho giáo”.

Tới tháng 6-1993, trước khi qua đời, Nguyễn Khắc Viện còn đưa ra một đối chiếu học thuyết Khổng Tử với học thuyết Mác: “Cái gốc duy lý của đạo Nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác. Cơ sở nhân bản, lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc, đúng vậy. Phân tích xã hội để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lý không được nổi bật và cụ thể như trong học thuyết Nho giáo. Có thể nói không có học thuyết nào, chủ nghĩa nào đặt vấn đề “Xử thế” rõ ràng và đầy đủ như trong học thuyết Nho giáo này. Cuối cùng, Nguyễn Khắc Viện đề xuất nội dung của đức nhân và phương pháp thực hiện điều nhân như sau: “Thế nào là nhân? Cả đạo Nho xoay quanh một chữ Nhân. Nhân là tính người, khác với thú vật, nhân là tình người, nối kết người này với người khác. Có sự kiềm chế, khắc kỷ, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy “văn” mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác mới thật là người. Có thấu hiểu bản than, tri thiên mệnh, mới là con người trưởng thành”.

Sau khi nhận rõ nội dung vừa sâu xa vừa rộng lớn, vừa giải trình sơ bộ trên đây của chữ nhân, chúng ta mới có thể hiểu được cái gánh nặng trên đường còn xa của kẻ sĩ. Và khi đã hiểu được vấn đề đó chúng ta mới có thể hiểu vì sao học thuyết Khổng Tử đòi hỏi kẻ sĩ phải có đặc trưng cơ bản tạo thành kẻ sĩ là nuôi chí lớn và nghị lực lớn. Ở đây, điều ngày nay chúng ta có thể ngạc nhiên là, tất cả nội dung ấy, ý tưởng ấy đã được Tăng Tử xác lập chỉ bằng 29 chữ tượng hình, có thể lạm dịch như sau:

Kẻ sĩ không thể không có chí lớn và nghị lực lớn. Là bởi vì, gánh trên vai thì nặng mà đường thì còn xa.

Lấy điều nhân làm trách nhiệm của mình, thế chẳng là nặng hay sao?

Thực hiện điều nhân đến chết mới thôi, thế thì đường chẳng còn xa hay sao?

(Luận ngữ chính văn, Thái Bá VIII/8, bản chép tay xưa truyền lại). 

Luận điểm năm: Nhân của thánh nhân và nhân của kẻ sĩ

 Trong học thuyết Khổng Tử, nhân vừa là lý tưởng đạo đức nhưng lại vừa là lý tưởng xã hội. Bởi vì, cứu cánh mang tính chất thánh thiện của nhân là mưu cầu “điều tốt lành cho khắp dân chúng, giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no” (bác thí ư dân nhi năng tế chúng). Cho nên khi (Ung Dã, VI/28) Tử Cống hỏi: “Giá như có một người đưa lại nhiều điều tốt lành cho khắp dân chúng, lại có thể giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no, thì thế nào (hà như)? Có thể gọi là nhân được không? (Khả vị nhân hồ) thì Khổng Tử trả lời ngay, rằng đó không còn thuộc chuyện nhân mà thuộc chuyện thánh rồi. Và phải gọi người như thế là thánh mới đúng. Rồi Khổng Tử còn nói rõ them rằng, dù là Nghiêu Thuấn đi nữa, cũng còn lo chưa làm nổi việc của thánh nhân đó.

Thánh còn chưa làm được, huống hồ kẻ sĩ không phải là thánh. Rất có thể vì thế mà khi tiếp tục đối thoại với Tử Cống - cao đệ ở khoa ngôn ngữ (Tiên tiến, XI/2) - Khổng Tử chỉ giải trình cách làm điều nhân (nhân chi phương) trong cảnh giới của kẻ sĩ như sau: Phàm kẻ sĩ có nhân, phải dẹp lòng vị kỷ, loại bỏ giới hạn tách biệt người với mình; hễ mình muốn tự lập được thì cũng thành lập cho người (kỷ dục lập nhi lập nhân), hễ mình muốn được thành đạt thì lo cho người cũng được thành đạt (kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Hãy lấy điều gần ngay trong lòng mình mà suy đạc đến lòng người, coi lòng người cũng như lòng mình, xem người cũng như mình, lấy cách đối đãi với người (năng cận thủ thí). Thế mới gọi là cách làm nhân của kẻ sĩ vậy (khả vị nhân chi phương giã dĩ).

Như vậy, quan điểm của Khổng Tử rõ ràng là: làm điều nhân để trở thành thánh nhân là một điều thực tế chỉ là ảo tưởng, nhưng để trở thành người có đức nhân thì kẻ sĩ ai cũng có thể làm được, chỉ cần đạt ba điều kiện sau:

Một là, mình đã lập được sự nghiệp thì cũng muốn người khác lập nên sự nghiệp. Con người ta thường mắc phải bệnh hại người để lợi mình: muốn có địa vị, chỗ đứng trong xã hội lại thường bài xích, lật đổ người khác và thông thường là “ố nhân thắng kỷ” (ghét người khác hơn mình).

Hai là, mình muốn thành đạt trong cuộc đời, cũng muốn người khác thành đạt. Con người thường mắc bệnh đố kỵ, người có thì ghen ghét, người không có thì chê bai, chỉ biết vui mừng khi thấy mình hưng thịnh mà không hề vui mừng khi thấy người hưng thịnh. Do đó xảy ra tình trạng đố kỵ lẫn nhau không bao giờ dứt giữa người với người trong cùng một cộng đồng, dù chỉ có một nhúm người đi nữa.

Ba là, làm bất cứ việc gì cũng biết lấy mình để đối chiếu, lấy mình làm thử để hiểu thấu ý muốn của người. Một người đối với mọi người, nhân hay bất nhân, có thể nhìn rất rõ từ bản thân mình.

Cách làm điều nhân của kẻ sĩ được Khổng Tử đề xuất trong cuộc đối thoại giữa ông với Tử Cống đã được Luận ngữ ghi chép lại (Ung dã/VI/28) có thể lạm dịch như sau:

Tử Cống hỏi: “Giá như có người đưa lại nhiều điều tốt lành cho khắp dân chúng, lại có thể giúp rập mọi người có cuộc sống ấm no, thì thế nào? Có thể gọi là người nhân được không?”

Khổng Tử đáp rằng: “Sao lại có chuyện nhân ở đây (hà sự ư nhân)? (Đó là chuyện thánh chứ). Tất phải gọi người ấy là thánh mới đúng. Đến như Nghiêu Thuấn cũng còn lo không làm nổi việc đó của thánh nhân nữa là!

Còn như người nhân, mình muốn gây dựng điều gì cho mình thì cũng gây dựng cho người điều đó, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt; biết lấy bản thân mình làm mục tiêu so sánh để hiểu thấu lòng người, khá gọi đó là phương pháp để thực hiện điều nhân vậy”.

(Luận ngữ chính văn, Ung dã/VI/28, bản chép tay xưa truyền lại). 

Luận điểm sáu: Nội dung nhân trên đường chính trị của kẻ sĩ

 Một vấn đề xưa cũng như nay thường băn khoăn là kẻ sĩ thường phải làm công việc mà Luận ngữ (Tử Lộ/XII/20) gọi là “tòng chính” (tức làm chính trị, làm quan). Và một khi đã nhô lên khỏi mặt bằng của một cư dân cộng đồng nào đó (một tổ dân phố, một xóm, một làng cho đến cả một quốc gia) thì họ thường thay lòng đổi dạ đối với cộng đồng cũ, mới. Và việc thực hiện điều nhân “gánh nặng đường xa” được xác định ở luận điểm IV nói trên ngày càng trở nên xa lạ với đám kẻ sĩ này. Theo Phan Bội Châu (1867 – 1940) trong hàng ngàn kẻ sĩ theo học Khổng Tử, người đầu tiên đề xuất việc đó chính là Tử Trương. Trong cuốn Khổng học đăng (Ngọn đèn Khổng học), Phan Bội Châu đã giải trình trường hợp này như sau: Tử Trương có ý phân vân “có thể đem chữ nhân làm ở trên đường chính trị mà không tổn hại gì tới đức nhân không? – Là trong ý Tử Trương nghi ngờ chính trị không làm được nhân”. Khi trả lời Tử Trương, Khổng Tử cho rằng “nếu điều hành việc thiên hạ mà biết làm được năm đức cho thiên hạ thì đó chính là nhân”. Tử Trương xin Khổng Tử cho biết năm đức ấy, Khổng Tử đáp:

1. Cung (nghĩa là tự mình có yêu cầu đối với mình, từ ý thức tư tưởng trong nội tâm đến hành vi biểu hiện ra ngoài đều thực sự nghiêm túc, biết tự mình ràng buộc mình, tự mình quản lý lấy mình. Làm một người điều hành xã hội, biết ràng buộc mình, quản lý mình là mấu chốt thành công.

2. Khoan (tức là khoan dung, độ lượng, có tấm lòng rộng mở đối với mọi người).

3. Tín (có lòng tự tin và có lòng tin ở cấp dưới, tin quần chúng, luôn luôn giữ tín, nói thì phải làm, không nói một đằng làm một nẻo, không lừa dối người dân để trục lợi).

4. Mẫn (mẫn cán siêng năng, gặp việc có phản ứng nhanh lẹ, làm việc có hiệu quả thực sự).

5. Huệ (nghĩa là biết đưa lại lợi ích cho nhân dân, có tình cảm thật sự với nhân dân, không tráo trở với dân, cùng dân mưu sự nghiệp chứ không tìm cách dùng sức dân, tiền thuế của dân để mưu đồ giàu sang trên sự nghèo hèn của dân).

Sau khi đề xuất năm đức trên, Khổng Tử giải thích tác dụng của từng đức đối với người làm chính trị như sau: “Cung thì không khinh người và không bị người khinh. Khoan thì được lòng người. Tín thì được người ta tín nhiệm. Mẫn thì nên công. Huệ thì dễ điều khiển người”.

Xét như vậy thì, xưa nay trong kẻ sĩ “gánh nặng đường xa” có hai loại người làm chính trị, loại người làm chính trị có nhân và loại người làm chính trị bất nhân.

Loại thứ nhất là loại “xử (lý) việc thiên hạ mà biết làm được năm đức (cung, khoan, tín, mẫn, huệ) cho thiên hạ”. Còn loại thứ hai thì làm ngược lại năm đức ấy. 

Luận điểm bảy: Lý thuyết “sát than thành nhân” của kẻ sĩ 

Xét tổng quát, đời sống trọn vẹn đầy đủ của một con người, thường có thể bao gồm 4 đời sống bộ phận hợp thành như sau: 1. Đời sống vật chất (bao gồm cả thân mình, gia đình, họ hàng…) 2. Đời sống tinh thần; 3. Đời sống luân lý; 4. Đời sống tâm linh.

Cùng nằm trong một con người và chịu sự chi phối của xã hội nhưng 4 đời sống bộ phận ấy lại có thể không ăn khớp với nhau, thậm chí so le, trái ngược nhau để rút cục tạo nên khó khăn đau khổ cho con người.

Hơn 25 thế kỷ trước, trường đào tạo kẻ sĩ do Khổng Tử sáng lập đã chính thức đặt ra vấn đề nan giải xưa nay đó trên bình diện lý thuyết.

Trung tâm của vấn đề phải giải quyết là sự xung đột giữa việc thực thi đức nhân (đời sống tinh thần, đời sống luân lý…) và sinh mạng kẻ sĩ (đời sống vật chất…) tới mức buộc kẻ sĩ phải lựa chọn lấy một trong hai đời sống bộ phận đó.

Theo như thiên Vệ Linh công của Luận ngữ thì lý thuyết giải quyết của Khổng Tử là như sau:

Kẻ sĩ nuôi chí lớn (chí sĩ) chỉ làm điều mình cho là phải, bậc chí sĩ có đức nhân (chí sĩ nhân nhân) thường coi việc nghĩa nặng hơn sự sống “nghĩa nặng hơn người”. Đã là kẻ sĩ, chỉ có thể giết được chứ không làm nhục được (“sĩ khả lục bất khả nhục”). Đời sống tinh thần, đời sống luân lý… tồn tại lâu dài hơn sinh mạng (thuộc bộ phận đời sống vật chất) của kẻ sĩ. Vì thế kẻ sĩ bao giờ cũng nuôi chí lớn nghị lực lớn để thực hiện đức nhân như một “gánh nặng đường xa” mà kẻ sĩ đã nhận trách nhiệm suốt đời (luận điểm IV). Kẻ sĩ chỉ yên tâm giã biệt thế giới này khi đã hoàn thành trách nhiệm suốt đời vì đức Nhân đó. Cho nên, có lúc bật chí sĩ có đức nhân vui vẻ xả thân mình để hoàn thành lý tưởng nhân của mình (sát thân thành nhân).

Lý thuyết đó đã được xác lập bằng 18 chữ tượng hình, có thể diễn đạt ra tiếng Việt như sau:

“Bậc chí sĩ có đức nhân không cầu mong được sống để làm hại điều nhân, mà có khi còn xả thân để giữ trọn đạo nhân”.

(Luận ngữ chính văn, Vệ Linh công/XV/8, bản chép tay xưa truyền lại).

*

 Chúng ta đã theo dõi đầy đủ bảy luận điểm cơ bản trong vấn đề kẻ sĩ của sách Luận ngữ. Nói cơ bản, vì ngoài bảy luận điểm đó, Luận ngữ còn ghi lại khá nhiều mệnh đề khác cũng nói về kẻ sĩ nữa. Nhưng những mệnh đề này không có tính độc lập, thường có thể suy ra từ ít nhất một trong bảy luận điểm cơ bản trên. Do đó theo lý thuyết tiên đề, không thể tách ra để xếp hàng ngang với bảy luận điểm cơ bản đã được giải trình rõ ràng trên.

Vấn đề quan trọng ở đây là, bảy luận điểm cơ bản về kẻ sĩ trên đây đã liên kết với nhau để tạo thành cốt cách đặc trưng cho kẻ sĩ ở các phương diện đạo lý làm người, giá trị làm người, lương tâm, bản lĩnh và danh dự của con người v.v… trong đó điểm mạnh và điểm yếu thường xen kẽ lẫn nhau, có khi rất khó phân biệt.

Rồi thông qua vai trò xã hội của kẻ sĩ trong cộng đồng xã hội thuở xưa, vốn thuộc làn sóng văn minh nông nghiệp, cái cốt cách ấy đã lan rộng và hòa vào đời sống cộng đồng ấy tới mức mà, không ít người Việt xưa và nay – dù ít học vấn đi nữa – vẫn hiểu được và kính nể cái thường được gọi là “cương trực của kẻ sĩ” hoặc “khí khái của kẻ sĩ”.

Nhưng từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, cốt cách kẻ sĩ đã trải qua những biến thiên sâu sắc, và cho tới cuối thế kỷ XX lại nay thì cơ hồ không còn giữ được nổi nữa. Người ta nói rằng, lớp kẻ sĩ hiện đại – tức thế hệ trí thức đích thực hiện nay – của chúng ta, không còn giữ được sĩ khí, không còn giữ được cốt cách kẻ sĩ như một giá trị truyền thống của người Việt Nam nữa. Có đúng thế không? Nếu có thì vì sao lại có thực trạng đó? Liệu cốt cách kẻ sĩ có còn giá trị nào đó trong thời đại mới, tình thế mới của đất nước hay không? Làm sao cốt cách đó lại có thể duy trì và duy trì như thế nào trong đời sống hiện đại? 

--------------------------------------------------

1. Văn ở đây có nghĩa là “nghe” trong “nghe tiếng” (văn kỳ thanh).

2. Phan Bội Châu toàn tập, tập X, Nxb Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2000, tr. 13-14.

3. sđd, tr. 33.

4. sđd, tr. 24.

5. sđd, tr. 40.

6. Luận văn “Confucianisme et Marxisme au Vietnam” của Nguyễn Khắc Viện ra đời năm 1962, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng; năm ấy Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) dịch ra tiếng Việt nhưng không in. Mãi 31 năm sau, vào năm Nguyễn Khắc Viện qua đời (1993), luận văn của ông mới lại được Nhà xuất bản Thế giới (Đào Hùng và Trần Văn Quý dịch) ấn hành.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG