Tin Tức
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè thế giới
Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới. Sự tôn vinh này của UNESCO khẳng định những công lao đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam, cho nhân dân thế giới.
Đời đời tạc dạ ghi nhớ công đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
“HỒ CHỦ TỊCH là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta.
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu”.
(trích Điếu văn trong lễ Truy Điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng trong sáng, tư tưởng và đạo đức của người chính là kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức văn hóa của nhân dân thế giới.
Cảm phục trước vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, nhiều chuyên gia và phóng viên nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả lòng kính trọng.
1. Người Pháp, người Mỹ nói về Bác Hồ
Tuần báo "Day Paris" ra ngày 18-6-1946 là một trong những bài viết sớm nhất, tương đối đầy đủ nhất về phong cách của Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ áo ka ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mỉm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các vùng quê”?. Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hành hạ mình cho khổ sở mà là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông.
Bác Hồ dùng cơm cùng với cán bộ chiến sĩ
Trong những ngày thường, ông dùng cơm ở Bắc Bộ phủ, ngồi chung với hết thảy mọi người. Người ta thấy quây quần xung quanh bàn ăn: các bộ trưởng, những thư ký và cả những cậu thiếu niên phục vụ bàn giấy. Nhờ có đức tính giản dị của ông mà khi ngồi ăn với mọi người ông không làm ai phải giữ kẽ nhiều quá, mà trái lại, không khí chung lộ ra, lúc nào cũng thân mật, cũng vui vẻ, gây cho bữa ăn một vẻ gia đình.
Tính giản dị và thân mật của ông còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn. Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được. Ngày ông viết xã luận cho báo Cứu Quốc, trước khi đem bài cho nhà in, bao giờ ông cũng đem đọc cho một số người không biết chữ, ông già, bà già cùng nghe. Nếu ông thấy thính giả tỏ vẻ không hiểu mấy những ý tưởng trong bài viết lập tức ông viết lại ngay bài khác. Tất cả đức tính Hồ Chí Minh bao gồm trong một cử chỉ bé nhỏ đó.
Bác Hồ trong chiến khu
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét lối nói khoa trương, văn vẻ. Mỗi bài diễn văn của ông là một bài học nhỏ kết luận bằng một ý kiến đạo đức. Bởi những ý tưởng hết sức giản đơn ấy mà bài diễn văn của ông có một tiếng vang lớn trong giới trí thức và dân chúng”.
Hai mươi lăm năm sau bài viết trên, năm 1971 – sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Đâyvít Hanbơcstơn trong cuốn sách Hồ của mình, do Nhà xuất bản Răngđôm Haosơ ở New York ấn hành đã viết:
“...Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam . Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam , ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất - một phong cách mà Phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông.
Trong một nước khi mà dân chúng đã thấy những người cầm đầu đạt tới một địa vị nào đó rồi trở thành “Tây” hơn là “Việt Nam”, bị quyền lực, tiền bạc và lối sống phương Tây làm thối nát; trong một nước khi những người đó đã ngoi lên khá cao thì không làm gì cho dân chúng cả, lập tức bị bán mình cho người nước ngoài, tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam : kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử, đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách, những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ biết. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội kém phát triển...”.
2. Thế giới nói về người - Hồ Chí Minh
Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta
“Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX sẽ tồn tại mãi mãi”, phóng viên Denis Gray của Hãng tin AP khẳng định.
Không riêng Gray, nhiều phóng viên nước ngoài khác cũng cảm nhận rất rõ tình cảm của người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của dân tộc, và đã viết về Hồ Chủ tịch với sự kính phục.
Trong bài viết Hồ Chí Minh – Chiến thắng một tầm nhìn trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda nói rằng, sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân Việt Nam đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo này. Ông ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường.
Nhà báo Canada George Fogarasi kể lại trong bài Con phượng hoàng của Bác Hồ đứng dậy từ tro tàn của cuộc chiến tranh trên tờ the Straits Times của Singapore: “Tôi hỏi một người đạp xích lô về Bác Hồ, người này đã có thời kỳ đi học tập cải tạo vì từng đứng trong hàng ngũ của chế độ Sài Gòn cũ. Nhưng anh vẫn kính trọng đạo đức của Bác Hồ, và gọi Bác là một người Việt Nam chân chính”.
Trên tờ Time (Mỹ), nhà báo, tác giả cuốn Việt Nam – Một lịch sử Stanley Karnow đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng người là người cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như ông đã làm”. Và Time đã bình chọn Bác Hồ là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX.
Xã luận trên tuần báo Bằng chứng Thiên chúa giáo viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ 3, của các dân tộc nghèo đói và khát khao cuộc sống cho ra con người”. Tờ Manila Times thì viết: “Cụ Hồ là một biểu tượng của châu Á. Không những cụ đã thành công trong sự lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy “Một dân tộc dù nhỏ bé nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất”.
Tờ Tiến lên của Xri Lanca nhận định: “Người (Hồ Chủ tịch) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”./.
Hồ Chí Minh, một nhân cách hoàn hảo, hình mẫu về con người mới của tương lai"... Chúng ta được tiếp xúc với một người. Người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp Người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn... Thật là một điều hân hạnh được gặp con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt đối với chúng ta. Mặc dầu trong thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Bác Hồ, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người... tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả".
(Trích lời phát biểu trong tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-2-1958)
“Người không phải chỉ là một người yêu hoà bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, Người là một con người của quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất. Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
(Bài đăng trên Báo Người yêu nước của Ấn Độ, số ra ngày 14-9-1969).
Bác Hồ tiếp khách Văn Nghệ
“Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau”.
(Điện chia buồn, ngày 4-9-1969).
Bác Hồ đang xem báo
“... Được gặp gỡ và nói chuyện với Đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ Người tỏ ra mình là một con người vĩ đại.
Mặc dầu những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái ngay”.
(Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 15-11-1969).
“... Tôi chưa có dịp được hân hạnh gặp Người, nhưng qua nhiều tài liệu mà tôi đã được đọc, qua những hoạt động của Người, sự thật Người là một nhà cách mạng vĩ đại, một người vĩ đại của thời đại...”.
T.Étlandô, Thủ tướng Thụy Điển.
(Báo Nhân Dân, số ra ngày 9-9-1969).
“Trước hết phải nói một ý nghĩa rất riêng: chúng tôi thấy và cảm thấy rằng ở Việt Nam mọi người yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh như thể yêu mẹ hoặc yêu con của mình. Mọi người yêu Người, song không phải như yêu một ông Trời, mà yêu như thể yêu mẹ hoặc yêu con. Bởi thế, tình yêu đối với Người sâu xa, vô tận. Có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam. Đây không phải là tình yêu huyền bí, mà là một tình yêu thực tế. Nhưng cũng có cái thực tế tuyệt đẹp tới mức có thể biến thành một bông hoa. Và tình yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình yêu đối với hoa hoặc đối với súng, cũng như tình yêu đối với mẹ hoặc đối với con. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy ở Việt Nam.
... Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức mạnh khiến người ta vững tin rằng có Người ở Việt Nam thì không thể có chuyện gì xảy ra, rằng không bao giờ vắng Người ở Việt Nam, rằng Người mãi mãi ở Việt Nam, và vì thế Việt Nam mãi mãi có Người, Việt Nam mãi mãi là của Người”.
Tuần báo Cuba Bôhêmiêng : Việt Nam mãi mãi có Người, số ra ngày 12-9-1969.
Thế giới mãi mãi có người
“Tôi đã thấy được một con người đôn hậu, vui tính, giản dị, hết sức nhạy bén đối với những người xung quanh. Đồng thời tôi cũng thường xuyên cảm nhận được tầm vóc lớn lao và siêu phàm trong nhân cách - sức mạnh trí tuệ, sự sáng suốt và ý chí của Người.
Mối liên hệ giữa Đồng chí Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào mình là mối liên hệ thường xuyên và vững chắc. Trong nhiều năm, Người sống xa Việt Nam, nhưng không bao giờ mối liên hệ đó suy giảm đi, đó là nguồn sức mạnh và là chỗ dựa vững chắc của Người trong những năm khó khăn nhất.
Làm cách mạng, tìm kiếm con đường đi đến tự do, đó là tính chất chủ yếu trong nhân cách của Đồng chí Hồ Chí Minh”.
Ecatêrina Vecnisêva, Đạo diễn phim Tên Người là Hồ Chí Minh.
(Tạp chí Tổ quốc, số 9-1985).
“Bác Hồ của chúng tôi”! Biết bao lần trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã nghe mấy tiếng đó! Trong giọng nói trẻ trung của các em bé, trong giọng nói ngọt ngào của các cô gái, trong tiếng nói có vẻ mệt mỏi của những người già, nhưng luôn luôn những tiếng ấy vang lên một cách trìu mến, kèm theo một nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt.
“Bác Hồ!” hai tiếng ấy là cả tình yêu của hơn ba mươi triệu người Việt Nam đối với vị Chủ tịch nước.
“Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình...
Nếu so sánh với vũ khí thì điều đó quan trọng không kém tất cả vũ khí của hạm đội 7... Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên...”.
(Sách vàng về Việt Nam, Nhà sách Viện Hàn lâm, Béclin, 1966).