Tin Tức
Thủ tục hành hình - trảm thủ trong chế độ phong kiến Việt Nam xưa
Chém đầu là một trong số những hình thức tử hình một phạm nhân mắc trọng tội, tức là làm cho phần đầu và phần thân của phạm nhân tách rời ra, phạm nhân sẽ mất máu mà chết rất nhanh. Lịch sử của hình phạt này rất lâu đời, theo nghiên cứu của các chuyên gia lịch sử thì hình phạt chém đầu xuất hiện quãng tương đương hình phạt treo cổ. Công cụ dùng để chém đầu thường là Rìu, kiếm, đao, ngoài ra ở các nước phương Tây còn phát minh ra máy chém. Chém đầu thường được tổ chức công khai và kèm thêm nghi thức “bêu đầu thị chúng”, đây có thể nói là phương pháp răn đe con người rất hữu hiệu.
Tội phạm khi bị bắt
Tại Việt Nam cũng có sử dụng hình thức tử hình này từ rất lâu đời. Tuy nhiên để khảo sát một cách cụ thể trên sử sách thì rất khó, theo sở đọc hạn hẹp của chúng tôi thì chưa thấy sử sách chính thống nào ghi cụ thể về nghi thức chém đầu. Song, chúng tôi có tìm được một số hình ảnh về nghi thức chém đầu tại Việt Nam qua cuốn sách “Kĩ thuật người An nam” của Henry Orger, nhưng được bố trí một cách tản mát và không có hệ thống.
Mở phiên tòa xét xử
Dẫn giải phạm nhân ra pháp trường...
Sắp xếp lại các hình ảnh tôi cũng mường tượng được đôi chút về nghi thức này, và đoán định hình ảnh vẽ lại nghi thức chém đầu vào thời Nguyễn. Xin trình bày dưới đây:
Tôi xin phân ra làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn hành quyết (tính đến lúc phạm nhân bị chém)
- Giai đoạn hậu hành quyết (sau khi chém)
1) Giai đoạn hành quyết:
Giai đoạn này gồm 2 nghi thức, tôi tạm gọi là THỊ UY và HÀNH QUYẾT.
Thị uy:
Không giống như cảnh xử trảm được xây dựng ở các bộ phim cổ trang Trung Quốc, tại Việt Nam, các phạm nhân không được nói lời trăn trối, mà thay vào đó là nghi thức múa kiếm trước mắt kẻ tử tội, có thể hành động này để thị uy và tăng thêm phần sợ hãi cho người bị xử trảm.
Múa kiếm thị uy trước khi "trảm thủ".
Không chỉ khiến cho kẻ sắp bị xử trảm sợ hãi, mà những người chứng kiến cuộc hành hình cũng vì thế mà khiếp hãi vô cùng. Những đường múa gươm xé gió vun vút cộng với tiếng trống pháp trường càng khiến cho nghi thức thêm phần trang nghiêm, đồng thời cũng có thể coi là màn dạo đầu, màn khởi động của các đao phủ, để nhát kiếm được thêm phần sắc ngọt hơn.
Hành quyết:
Giai đoạn này là lúc đao phủ dùng đao chém phạm nhân một nhát sắc ngọt, đầu phạm nhân lìa khỏi thân thể và chết ngay lập tức. Hình bên chúng ta quan sát thấy tên đao phủ chém xong thì lấy lưỡi liếm máu trên thanh đao.
Trảm thủ
2) Giai đoạn hậu hành quyết:
Sau khi đầu nạn nhân lìa khỏi cổ, đao phủ sẽ nhặt đầu của phạm nhân lên và tung đầu lên trời. Sau đó thầy pháp sẽ tiến hành nghi lễ thấm máu người chết, sau cùng là nghi thức bêu đầu thị chúng. (xem hình)
Thầy pháp làm thủ tục thấm máu tù...
"Tung đầu hứng gió", thủ tục sau khi trảm !!!
Bêu đầu thị chúng !!!!
Khâu đầu trước khi đem mai táng.
Còn một hình ảnh rất đáng để lưu tâm, đó là việc sau khi phạm nhân bị chém xong, bêu đầu xong rồi thì người thân của phạm nhân sẽ được nhận lại xác và đầu đã bị chém về để an táng. Người ta sẽ không chôn ngay người chết mà phải dùng kim để khâu liền đầu người bị chém vào thân, để tránh mang tiếng "chết không toàn thây".
***
Ngoài mô tả nêu trên, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức có gửi cho tôi một số chi tiết để tham khảo thêm như sau:
Trong sách "Lĩnh ngoại đại đáp" soạn thời Nam Tống ghi chép về các hình thức trảm vào thời Lý 《嶺外代答.卷二.安南國》:為盜者,斮手足指。背國逃亡音,斮手足。謀叛者,埋身露頭,旁植勁竹,挽竿系首。以利刃剷之,首歘起揭竿標矣。(Kẻ trộm cắp thì chặt ngón tay ngón chân. Kẻ phản quốc đào tẩu thì chặt tay chân.Kẻ mưu phản thì chôn mình (xuống đất) để lộ đầu, bên cạnh trồng cây tre cứng, vít cành xuống buộc vào đầu, dùng đao sắc phạt (một đường), đầu liền bay vút bêu lên cành cây.)"Đại Việt sử kí toàn thư" còn ghi một việc thế này: "Quan quân vào chùa bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng với hai kỹ nữ về Kinh sư dâng tù, bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đóng đinh vào hai mắt bỏ ở chợ" (Muc ngày mồng 3 tháng 12 năm Nhâm Thìn 1592). Hình phạt chặt đầu, rồi đóng đinh vào hai mắt có lẽ chuyên áp dụng cho kẻ mưu phản.
Như vậy chúng ta thấy rằng nghi thức xử trảm không chỉ đơn thuần là chém một phát để giết chết phạm nhân. Chắc chắn trong lịch sử còn nhiều kiểu xử trảm khác nữa, nhưng sở học có hạn nên phần đánh giá và bổ sung xin mong chờ sự phản hồi từ các bậc trí giả để vấn đề này càng được hiểu rõ ràng hơn.
Đăng bởi: Nguyễn Ngọc Thanh
Nguồn http://nguoihieuco.blogspot.com/2012/10/mo-ta-nghi-thuc-xu-tram-thoi-xua-qua.html#ixzz2b3PUG9xl