Tin Tức
Nảy sinh pháp lý xung quanh vụ "người rừng" !?
Tóm tắt sự việc: NDĐT- Sáng 8-8, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Văn Ngọc cho biết: Gần đây, người dân địa phương loan tin có “người rừng” xuất hiện tại khu rừng rậm tại xã Trà Xinh nên huyện đã bố trí lực lượng tìm kiếm và phát hiện nơi cư trú của 2 “người rừng” tại khu vực rừng nguyên sinh của huyện vào tối ngày 7-8 và đã đưa họ trở về làng để chăm sóc sức khỏe và tái hòa nhập với cộng đồng.Nảy sinh vấn đề pháp luật: Còng tay "người rừng" đưa về cộng đồng có "xâm phạm" quyền tự do?
Chủ nhật, 11/08/2013 07:36:29
(Tinmoi.vn) - Một số ý kiến cho rằng việc chính quyền, người dân còng tay, bắt "người rừng" về, xông vào căn chòi của họ lục lọi đồ đạc, thậm chí tự ý mang đồ đi nơi khác… là xâm phạm quyền tự do cá nhân.
Đưa người rừng về với cộng đồng
Vụ việc hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang được chính quyền, người dân huyện Tây Trà đưa về làng sống hòa nhập với cộng đồng đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Trên một diễn đàn, một độc giả nêu ý kiến: “Đặt trường hợp là bạn, nếu tự nhiên người ta vào nhà bạn, kéo bạn đi đâu đấy mà không hỏi hay giải thích gì, rồi tự tiện lục lọi đồ đạc của bạn, xem xét, thậm chí mang đi nơi khác… thì bạn có tức sôi máu không. Vậy người ta cũng thế, cũng là con người, công dân như mình, thiết nghĩ cái quyền tối thiểu đấy của họ phải được tôn trọng”. Ý kiến này được khá nhiều thành viên khác nhấn like.
'Vật dụng cá nhân của cha con người rừng bị xâm phạm'
Tương tự, độc giả Nguyễn Tấn Tài cũng bình luận nhân đọc bài về “người rừng” trên báo Tuổi Trẻ: “Tôi cho rằng việc chính quyền xã Trà Phong đưa cha con ông Thanh chuyển ra khỏi nhà họ mà không hề hỏi ý kiến của họ, không được sự đồng ý của họ là một sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do của những người này. Chúng ta cứ tưởng tượng xem họ đang sống yên ổn với cuộc sống của mình, bỗng đâu một đoàn người lạ ập đến bắt dời đi chỗ khác. Đồ đạc cũng bị lấy đưa đi hết. Cảm giác sẽ ra sao? Dẫu biết rằng việc làm của chính quyền với mục đích tốt đẹp là muốn “giải cứu” cho họ, muốn giúp họ hội nhập xã hội. Nhưng vấn đế ở chỗ người ta không muốn “được” “giải cứu” theo cách đó. Nói trắng ra là họ không muốn trở về hòa nhập xã hội và như thế thì tại sao chúng ta lại xăm xăm đi làm một chuyện người ta không muốn. Ánh mắt của "người rừng" vẫn ngóng về rừng sâu thăm thẳm, nơi đã cưu mang họ trong 40 năm. Họ sợ hãi, hoảng loạn trước người lạ. Họ không biết giao tiếp xã hội. Thậm chí họ không thể ăn được các món ăn người dân đãi đằng cho họ. Đọc những chi tiết trên, tôi cảm thấy thật sự ái ngại cho cha con "người rừng". Rồi đây, họ sẽ sống như thế nào? Họ sẽ làm gì để có "miếng ăn"? Họ có hòa nhập được với xã hội hay không hay chúng ta lại gán cho họ một cuộc sống khiên cưỡng mà họ chẳng hề muốn? Sai lầm lớn nhất là chúng ta đã không hiểu họ, không hiểu họ muốn gì mà đã ùn ùn hành động. Cách tốt nhất là nên trả họ lại về rừng sâu. Xin hãy tôn trọng quyền tự do của "người rừng".
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã hỏi ý kiến của một số luật sư. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Trưởng Văn phòng luật sư Hồng Bách và cộng sự cho biết, ông không có bình luận gì về chuyện này, tuy nhiên, ông nói: “Thiết nghĩ đây là việc làm bình thường, mang tính chất giúp đỡ người ta”.
Còn theo luật sư Ngô Đình Hoàng, Trưởng văn phòng Luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP HCM, về lý thuyết thì việc chính quyền và một số người dân còng tay và đưa hai cho con “người rừng” về làng ở trong khi chưa hỏi ý kiến họ là vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân. Điều này được quy định trong chương XIII Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân.
Căn chòi, nơi cư ngụ của người rừng
“Tuy nhiên, chủ trương, chính sách của chính quyền huyện Tây Trà đưa cha con “người rừng” về hòa nhập với cộng đồng về nguyên tắc là chính sách nhân đạo, nên tôi nghĩ không nên đề cập đến vấn đề phạm pháp ở đây, và chắc chắn cũng không ai bị xử lý dân sự hay hình sự vì việc này. Có điều tốt hơn hết là chính quyền nên tôn trọng ý kiến, quyền tự do dân chủ của công dân. Chính quyền nên hỏi xem hai cha con ông Hồ Văn Thanh muốn quay trở về với rừng hay ở lại sống cùng với dân làng và thuận theo ý kiến của họ. Nếu họ muốn trở về rừng thì nên để họ về, khi đó chính quyền chỉ nên quan tâm, giúp đỡ họ khi cần thiết. Còn nếu hai cha con muốn ở lại với dân làng thì các chính sách của Ban lãnh đạo huyện Tây Trà như hỗ trợ làm nhà cho hai cha con, đồng thời tiến hành làm các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách liên quan đến chế độ cho người có công đối với ông Thanh… là hợp tình hợp lý”, Luật sư Hoàng phân tích.
Cũng theo ông Hoàng, nói về việc vi phạm chỗ ở của công dân như nhiều người phản ánh thì trong Điều 124, chương XIII của Bộ luật Hình sự quy định về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân có ghi: “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực thi khi chỗ ở kia là chỗ ở hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, còn căn chòi của hai cha con “người rừng” lại không phải chỗ ở hợp pháp, mà chỉ là chỗ ở tự phát, nên không thể nói xâm phạm chỗ ở công dân.
Thiều Ngọc Sơn (theo Báo mới .com)