Muôn Mặt Cuộc Sống
Câu chuyện "đầu thai" & sự lý giải !
Kỳ lạ về chuyện "đầu thai" ở tỉnh Hòa Bình - VN !
Thiều gia: Cách nay hơn hai năm (2010), ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) đang tồn tại câu chuyện khá ly kỳ. Một cháu bé cứ nằng nặc nhận mình là đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều “bằng chứng” chứng tỏ mình là người đã chết, cháu bé đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
Có kiếp luân hồi?
Anh Tân và chị Thuận đều là cán bộ công tác tại thị trấn Vụ Bản. Anh chị kết hôn năm 1987, đến năm 1992 chị Thuận sinh cháu trai đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến, Tiến khoẻ mạnh bụ bẫm và lớn lên trong sự vui mừng khôn tả. Tai họa ấp đến trong một lần ra sông chơi, Tiến chẳng may chết đuối, khi ấy cháu 5 tuồi. Lúc này chị Thuận cũng không thể sinh thêm con vì lý do sức khỏe.
Con mất, vợ chồng anh Tân suy sụp. Anh nghỉ việc, ra làm tự do. Vợ chồng anh tưởng như sẽ phải sống với nhau trong sự côi cút không con, thì một ngày đầu năm 2006, bỗng có một cháu bé tự khẳng định cháu chính là cháu Tiến, người đã bị chết đuối năm 1997!
Nhấp chén nước, thả những vòng khói thuốc lá chậm rãi, anh Tân đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện ly kỳ này. Khi Tiến mất, cháu đang là học sinh trường mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Vụ Bản. Cô giáo dạy cháu Tiến là cô Đông và chính cô Đông là người đã phát hiện ra cháu Tiến đã “lộn về nguyên bản” ở cháu Bình con anh Hoan, chị Dự, người trong bản. Cháu Bình sinh ngày 06/10/ 2002.
Lần đầu tiên cô Đông thấy cháu Bình có những biểu hiện rất lạ, cô hỏi chuyện, cháu bảo cháu không muốn học ở đây, cháu muốn được học ở trường của cháu. Cô Đông hỏi lại, thế trường cháu ở đâu? "Trường Hoa Hồng ở ngoài thị trấn", cháu Bình trả lời.
Cháu Bình
Sao lại là trường Hoa Hồng, làm sao cháu biết trường đó, cô Đông thắc mắc. “Nhà cháu ở ngoài đó, nhà cháu gần nhà ông Lai”. Nghe Bình nói đến đây, cô Đông sởn hết cả tóc gáy. Cạnh nhà ông Lai là nhà anh Tân, và lẽ nào…
Thời gian tiếp theo, cô Đông âm thầm tìm hiểu và biết thêm. Một lần chị Dự mẹ cháu Bình đánh cháu vì cháu nghịch bẩn hết áo quần. Rơm rớm nước mắt, thằng bé bảo: “Mẹ đừng đánh con, bẩn áo quần thì mẹ đưa con về nhà con để con lấy”. Chỉ nghĩ trẻ con nói nên chị Dự không để ý gì. Những lần khác chị Dự có đánh Bình lại bảo “con đã chết một lần rồi, mẹ đừng đánh con lại chết lần nữa đấy”. Sau mỗi lần bị mắng là cháu lại đòi được về nhà. Một lần cháu Bình đòi chị đưa về nhà, điên tiết chị Dự bảo "thích thì ngồi lên xe tao chở đi". Bình ngồi sau xe bảo mẹ chở ra thị trấn, từ chợ thị trấn Bình bảo mẹ chở đến cuối sân vận động và rẽ vào phố Hữu Nghị. Đến số nhà 25, chính là nhà anh Tân, Bình xuống xe nói với mẹ “nhà con đây”. Tuy nhiên nhà đóng cửa, chị Dự lại chở Bình về. Một lần nữa, chị Dự đi chợ thị trấn và cho Bình đi cùng. Khi đến chợ, Bình lại nằng nặc đòi mẹ “đưa về nhà con”, hai mẹ con lại đến trước nhà anh Tân. Sau khi thấy cửa đóng then cài, mẹ con lại ra về. Mặc dù Bình nói vậy nhưng chưa bao giờ bao giờ chị Dự để ý gì vì nghĩ Bình chỉ là một đứa trẻ mới 4 tuổi. Câu chuyện thực sự “nóng” từ ngày cô Đông phát hiện ra những biểu hiện lạ ở Bình cùng với lời chị Dự kể. Từ đó, cô Đông mới hoài nghi thực sự.
Chị Dư (ngoài cùng bên trái) cùng cháu BÌnh và vợ chồng anh Tân
Cô Đông đem chuyện kể lại với những giáo viên trong trường, trong đó có cô Phương. Là người quen biết với chị Thuận, nên cô Phương đã lập tức kể lại câu chuyện ly kỳ này cho chị Thuận nghe: “Cô vào trong bản Cọi xem sao, nghe nói thằng Tiến nó “lộn” về vào cháu Bình đang học ở trường trong đó”.
Cũng chẳng dám tin và đem chuyện kể lại với chồng, anh Tân lập tức giục vợ phải vào xem sao. Trước đây, khi cháu Tiến mới mất có một bà xem bói người Mường nói với anh rằng: “Anh đừng buồn, cháu Tiến linh thiêng lắm rồi sẽ quay về với anh thôi”. Lần khác anh đi xem bói tận Hoà Bình, ông thầy cũng nói điều tương tự. Là người không mê tín nên lúc đó anh chỉ nghĩ rằng người ta động viên mình. Thế nhưng lúc nghe vợ kể lại câu chuyện Tiến "lộn" về trong bản Cọi, anh Tân cũng bán tín bán nghi và phân vân liệu lời thầy bói năm xưa có chăng lại là sự thật? Anh đã quyết định phải một lần đi tìm hiểu xem sao.
Hành trình tìm lại con
Một ngày sau, anh Tân đã cùng với chị Thuận tìm đến bản Cọi, tìm đến nhà vợ chồng Hoan - Dự. Vốn chưa biết nhau, nhưng khi đến nhà, anh Tân cứ làm như đã quen biết gia đình từ lâu lắm. Không nhận ra ai nhưng chị Dự, anh Hoan cũng không dám hỏi vì nhỡ đâu người quen lâu rồi mình không nhận ra nếu hỏi lại…vô duyên.
Sau mấy câu hỏi thăm anh Tân bắt đầu hỏi đến cháu bé: Thằng bé Bình đâu nhỉ bác ngắm tý xem lớn đến đâu rồi? Chị Dự cho biết cháu đang đi chơi cùng chúng bạn, một lát sau chị Dự cũng gọi cháu về để anh Tân gặp mặt. Về đến nhà thằng bé cứ lấm lét nấp sau cảnh cửa.
Cháu Bình tình cảm với anh Tân, chị Thuận
Anh Tân buông lời: Có nhớ bác không, bác mua nhiều bi cho cháu đây này. “Biết rồi, lúc nãy thấy hai người đi đầu làng, biết rồi”. Nghe thằng bé nói vậy anh Tân phát hoảng. Sao nó lại biết mình vào đây cơ chứ. Sau vài câu chuyện hai bên trở nên thân tình, anh Tân ngỏ ý muốn đưa cháu Bình về nhà chơi, anh Hoan chị Dự đồng ý. Riêng thằng bé nghe nói được đi là leo tót lên xe và chiều hôm đó anh Tân đưa cháu Bình về nhà mình. Trên đường về, để thử thằng bé, anh Tân dừng xe trước một ngôi nhà cao tầng bảo cháu, nhà bác đấy cháu vào đi. Lập tức Bình bảo, đây không phải, nhà ở dưới kia cơ. Đi qua rất nhiều đường trong thị trấn, anh Tân không đi theo đường chính vì muốn thử thằng bé. Ngạc nhiên là Bình cứ chỉ rành rọt và cho đến ngôi nhà anh Tân thì mới thôi.
Vừa mở cửa nhà, Bình lập tức xuống xe và chạy tót vào trong và mở tủ bới đồ đạc. Chị Dự đi cùng đã định ngăn lại vì sợ vợ chồng anh Tân đánh giá con mình thiếu giáo dục, nhưng anh Tân đã ngăn lại. Mặc cho cháu Bình tìm kiếm. Anh Tân hỏi:
- Cháu đang tìm gì?
- Tìm cái máy bay và cần cẩu.
Nghe Bình nói, anh Tân giật mình vì đây là hai món đồ chơi anh đã mua cho cháu Tiến trước đây. Đến lúc cháu qua đời anh mới mang vứt đi.
- Bác cất đi rồi, để lúc nào bác tìm lại cho cháu - anh nói với cháu Bình.
Sau bữa cơm, anh Tân bảo cháu ra xe để chở hai mẹ con về, nhưng thằng bé bảo, nhà ở đây, không về đâu. Nói rồi Bình chạy vào nhà leo lên giường:
- Đây là giường con, chỗ con nằm ở đây.
- Thế cháu hay nằm thế nào?
- Con nằm thế này này (nói rồi Bình nằm sấp xuống giường).
Nhìn cái dáng Bình nằm y như Tiến năm xưa, vợ chồng anh Tân lặng người, chị Thuận chỉ còn biết úp mặt vào lưng chồng khóc sụt sùi, bởi thằng bé có những cử chỉ giống con mình năm xưa quá.
Trước sự tha thiết của thằng bé đêm hôm đó chị Dự đã miễn cưỡng cho con ở lại với gia đình anh Tân. Biết chuyện thằng bé, đêm hôm đó hàng xóm láng giềng kéo đến chật kín nhà. Ai cũng thử Bình bằng những câu hỏi để xem nó kể lại chuyện ngày xưa có chính xác không...
Đêm đầu tiên Bình ở với anh Tân - chị Thuận, anh chị đã hỏi cháu rất nhiều chuyện. Hỏi chuyện… con chết thế nào, tại sao lại về trong bản Cọi. Bình bảo "con cũng đã quay về nhà, nhưng đến cái cống đầu ngõ có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà... ".
Từ lời đồn trở thành sự thật
Cũng đêm đó, anh Tân giả vờ gọi lớn "Tiến ơi!", lập tức ở trong nhà Bình "Dạ" và còn hỏi lại "Bố gọi gì con?". Anh chỉ vào chị Thuận hỏi đây có phải là mẹ con không, cháu cũng trả lời "phải". Những lời nói, những hành động rất giống Tiến đã làm cho anh Tân - chị Thuận nghĩ rằng Bình chính là do Tiến “lộn” về. “Việc cháu gọi chúng tôi cũng hoàn toàn tự nhiên, chẳng ai bảo với cháu cả”, anh Tân nhớ lại.
Cháu Tiến ở nhà gia đình bố mẹ "nuôi".
Đưa cháu Bình trả về với bố mẹ đẻ của cháu, anh Tân vẫn canh canh trong lòng. Nghĩ đến chuyện thằng bè khóc lóc khi phải bắt về, anh lại thương nó vô cùng, từ ngày nó đến với gia đình, anh cứ nghĩ nó chính là Tiến. Thế nhưng, nó là con nhà người ta, mình nói ra không chỉ vợ chồng Hoan - Dự mà cả thị trấn này sẽ nói là muốn cướp con người ta nên dựng chuyện. Bao nhiêu suy nghĩ cứ giằng xé trong con người anh Tân. Về phần nhà chị Dự, mặc dù con cứ nằng nặc đòi ở với anh Tân chị Thuận nhưng đó là điều không thể. Anh chị lấy nhau cũng sáu năm mới có được cháu Bình, chị cũng không thể sinh được con nữa. Nhà anh Tân lại giàu có, nếu cho cháu về ở dư luận lại cho rằng mình bịa chuyện chỉ vì hám tiền.
Ba ngày hôm sau, vì nhớ thằng bé anh Tân lại vào bản Cọi thăm. Vừa thấy anh Tân, Bình đã nhảy tót vào lòng anh như người thân thiết từ lâu lắm, mặc cho bố mẹ, bà nội vẫn đang ngồi bên cạnh. Điều ngạc nhiên là chính bà Thỉn - bà nội cháu Bình nói với anh Tân: “Từ ngày thằng Bình bắt đầu bi bô tập nói, tôi đã biết nó không phải người Mường mà là người Kinh. Nó nói tiếng Kinh rành rọt, điều mà chưa một đứa bé người Mường nào giống thế”. Chính Bình cũng đã có lần nói với mẹ: “Con là người Kinh, con không phải người Mường. Mẹ không đưa con về con sẽ chết”. Bà Thỉn đưa Bình đi học, cháu khóc và nói: “Cháu không học trường này đâu, cháu học trường gần nhà cháu cơ, trường ở ngoài thị trấn”. Một thời gian sau đó, Bình liên tục đòi bố mẹ “đưa về nhà con” và doạ “không đưa về con sẽ chết”. Một lần Bình ốm nặng, anh Hoan - chị Dự đã rất lo lắng, sợ điều thằng bé nói sẽ linh, nó sẽ chết thật.
Dù được mỗi mình cháu nhưng không còn cách nào khác, cuối năm 2006 anh chị đã đồng ý cho Bình về ở hẳn với nhà anh Tân - chị Thuận. Từ ngày về với “nhà của con”, Bình chơi vui vẻ và không còn bệnh tình gì nữa.
Ở Lạc Sơn, chuyện “con lộn” xưa nay không phải là hiếm, không có gì là quá lạ lẫm. Thế nhưng, “con lộn” về ở hẳn với bố mẹ người đã chết như Bình thì chưa từng xảy ra. Sau khi Bình về ở với anh Tân - chị Thuận, cả hai gia đình đã làm thủ tục cho nhận con nuôi. Bình được chuyển về trường mầm non Hoa Hồng nơi Tiến ngay xưa học và tiếp tục đi học. Kể từ ngày về ở với bố Tân, mẹ Thuận, Bình cũng được đổi thành tên Tiến và mang họ Nguyễn Phú Quyết Tiến, tên họ trùng với cháu Tiến con anh Tân đã chết đuối cách đây hơn 10 năm.
Cậu bé Nguyễn Phú Quyết Tiến.
Chị Thuận bảo, thời gian cháu Bình về ở với vợ chồng chị, câu chuyện này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Không chỉ ở thị trấn Vụ Bản, cả tỉnh Hoà Bình đi đâu cũng nghe nói về chuyện “lộn con” có một không hai này.
Những “bằng chứng” khó giải thích
Trong cuốn sách phật Hương Hiếu Hạnh xuất bản năm 2007, câu chuyện về “con lộn” Tiến - Bình đã được đưa vào sách với nhan đề “Một trường hợp tái sinh ở Vụ Bản”. Cuốn sách không đưa ra sự phủ nhận hay khẳng định mà chỉ ghi nhận đó là trường hợp người thật việc thật đang hiện diện tại Vụ Bản. Và câu chuyện kỳ lạ nay cũng đã đến tai những người nghiên cứu về tâm linh. Anh Tân cho biết, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã nhiều lần điện thoại gặp anh chị để xin được tìm hiểu, nhưng anh Tân từ chối. Hiện Bình - Tiến đã đi học lớp 1 và cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh Tân không muốn sự việc lại trở nên phức tạp và được thêu dệt thêm.
Trước khi gặp gia đình anh Tân, tôi thật sự ái ngại khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, trái hẳn với lo lắng của tôi, anh Tân rất vui vẻ kể lại câu chuyện một cách tỷ mỉ. Thậm chí, đang giờ hành chính nhưng anh vẫn gọi chị Thuận về để hai vợ chồng kể chuyện Tiến - Bình cho tôi nghe. Tuy nhiên, hôm tôi đến nhà, Tiến đang đi học, cháu học cả ngày và trưa ở lại trường. Để giúp tôi hiểu rõ hơn, trưa đó chị Thuận đã đón cháu về nhà. Vừa về đến cổng, Tiến đã nhanh miệng gọi bố, thấy tôi, Tiến khoanh tay chào rất lễ phép. Cháu rất khôi ngô, nói chuyện tự nhiên. Vừa vào nhà là kể chuyện cô, chuyện lớp, hết chuyện này sang chuyện khác. Cháu cứ ôm lấy anh Tân mà kể, chẳng biết ngại ngùng mặc cho lúc đó trong nhà có rất nhiều người, và cả mẹ đẻ của cháu, chị Dự.
- Bình này, chú ở trong bản Cọi ra đưa cháu về với mẹ Dự đây ? Tôi hỏi cháu.
- Cháu là Tiến chứ.
- Không. Cháu là Bùi Văn Bình, hôm nay trong bản có lễ hội chú ra đưa cháu về xem.
- Không về đâu, cháu là Nguyễn Phú Quyết Tiến, cháu không phải Bình, cháu ở với bố Tân mẹ Thuận cơ !
Anh Tân ngồi cạnh cháu cũng thêm vào:
- Chú nói đúng đó, con là Bình không phải Tiến đâu.
- Bố nói dối, con là Tiến. Bố đừng đuổi con nghe bố, bố thương con mà!
Nói rồi thằng bé rơm rớm nước mắt, hai tay ôm chặt lấy anh Tân như van xin trông đến tội nghiệp. Lúc mới về, Tiến còn vui mừng nói cười và mỗi lần thấy tôi cầm máy ảnh lên cháu lại làm dáng. Thế nhưng khi nói đưa cháu đi về bản Cọi cháu chẳng còn nói cười nữa mà chỉ ôm lấy bố Tân. Câu chuyện đang dang dở với Tiến thì cũng là lúc cháu phải vào lớp. Trước lúc đi, Tiến lại khoanh tay dõng dạc chào chú và không quên dặn “cháu không về bản Cọi đâu nhé!”. Thời gian tiếp xúc với cháu không được bao lâu nhưng tôi thật sự ấn tượng với thằng bé. Tiến thật khôn và lanh lợi nhất là khi tiếp xúc với người lạ, mới 6 tuổi hiếm có cháu nào được như Tiến.
Bây giờ, mỗi tuần anh Tân lại đưa Tiến - Bình về ở với mẹ đẻ của mình một lần. Dù Tiến chẳng muốn về, nhưng anh Tân buộc phải làm như vậy, bởi anh muốn cháu luôn biết rằng: chị Dự mới là người sinh thành ra cháu. Anh Tân luôn khẳng định, Tiến giờ hoàn toàn bình thường như các bạn cùng trang lứa. Chuyện của cháu ở Vụ Bản ai cũng biết, anh cũng chẳng có ý định dấu giếm điều gì.
Thiều gia - theo Việt Nam.Net
-----------------------------------------------------------------------------
8:25, 15/12/2010
Chuyên đề ANTG sẽ đăng tải loạt bài về hiện tượng kỳ bí này: Câu chuyện đang diễn ra - ngờ vực - và những lý giải của các nhà khoa học.
Thực hư cậu bé đầu thai
Chuyện xảy ra ở bản Cọi, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Không phải chỉ một, mà có ít nhất 3 trường hợp. Những đứa trẻ, đã chết vì một lý do bất thường nào đó và rồi người ta tin rằng chúng đã trở về với hình hài của đứa trẻ khác. Những đứa trẻ đã chết là có thật. Những đứa trẻ đang sống cũng có thật. Chỉ có mối liên hệ giữa chúng thì chính những người trong cuộc cũng chưa ai giải thích được.
Một cậu bé, hai số phận?
"Thuận ơi, chị bảo này!". Đang vội vàng với buổi chợ đầu hôm ở ngã ba thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, chị Thuận giật mình quay lại. Người vừa gọi là cô Phương, giáo viên thị trấn. Cô Phương sinh năm 1961, là giáo viên của Trường tiểu học Yên Phú từ năm 1990. Trường tiểu học Yên Phú gồm các chi Bùi, chi Đá và chi Vành. Cô giáo Phương dạy ở chi Bùi, nhưng rất hay phải vào vận động trong Cọi, là bản người dân tộc Mường nằm cách Vụ Bản chừng 2 cây số đường đất về phía đông.
"Có chuyện này chị định nói với em, nếu phải hay không phải thì em cũng đừng có gì mà buồn nhé", cô Phương nói tiếp: "Có một thằng bé ở trong Cọi, các cô giáo bảo nó là con nhà em "lộn" vào nhà ấy đấy. Em vào trong đó xem thế nào đi!". Trong ngôn ngữ địa phương, từ "con lộn, con lẫn" dùng để chỉ những đứa bé đã chết nhưng qua những biểu hiện, cử chỉ, người ta tin rằng nó đã "đầu thai" vào một đứa trẻ khác? Tất nhiên, ngay cả ở Vụ Bản, không phải ai cũng tin vào điều này.
Theo mô tả của cô Phương thì thằng bé ấy lạ lắm. Có lần bị mẹ đánh, nó khóc và nói: "Mẹ đánh con là con lại chết đuối lần nữa đấy!". Cả bố, mẹ đều là người Mường, vậy mà nó cứ khăng khăng rằng nó là người xuôi. Người trong đó thấy lạ, xúm vào hỏi nhiều lần, thằng bé đều nói rằng mẹ nó không phải làm ruộng như mẹ bây giờ. "Mẹ cháu ở nhà tầng cơ. Mẹ cháu làm việc còn đánh đánh như thế này này", thằng bé giơ hai bàn tay làm động tác giống như người gõ máy chữ vậy.
Chị Phạm Thị Thuận là cán bộ của UBND huyện Lạc Sơn, đóng ngay trung tâm thị trấn Vụ Bản. Chồng chị, anh Nguyễn Phú Tân có nghề sửa chữa điện. Hai anh chị bằng tuổi nhau, đều sinh năm 1960 tuổi Canh Tý. Năm 1992, anh chị sinh cháu trai, đặt tên là Nguyễn Phú Tiến. Cháu Tiến đã mất năm 1997, khi mới 5 tuổi. Trong một lần ra sông Bưởi ngay phía sau nhà chơi, Tiến ngã xuống sông mà không ai hay biết. Thời điểm đó, chị Thuận đang đánh máy chữ cho ủy ban. Hiện tại chị Thuận đã chuyển sang làm thủ quỹ của UBND huyện. Chị Thuận và cô giáo Ngô Thị Phương mặc dù có biết nhau bởi cùng làm cán bộ trên một địa bàn thị trấn nhỏ, tuy nhiên hai người chưa lần nào nói chuyện với nhau. Chính vì thế nên trong các câu chuyện kể, chị Thuận vẫn gọi cô Phương là chị, xưng em. Nửa tin nửa ngờ, chị Thuận cũng không thực sự quan tâm lắm.
Bẵng đi vài ngày, trong lúc vợ chồng ngồi xem tivi, chị Thuận chợt nhắc lại với anh Tân việc này. Anh chị Thuận - Tân lấy nhau mấy năm mới sinh được cu Tiến, rồi chị Thuận không sinh nở được nữa. Bởi vậy, nỗi nhớ con luôn ám ảnh cả hai vợ chồng. Đang nằm ườn trên chiếc ghế băng, anh Tân bật phắt dậy, nói ngay: "Có chuyện như thế, sao em không nói với anh ngay? Mình đi tìm con!". Tìm đến nhà cô Phương để nhờ cô dẫn đi nhưng không gặp, hai người quyết định tự đi vào bản Cọi. Không có người dẫn đường nhưng chẳng khó khăn lắm hai vợ chồng cũng tìm được nhà anh Bùi Văn Hoan và chị Bùi Thị Dự, là bố mẹ của bé Bùi Lạc Bình bởi người trong bản hầu như ai cũng biết chuyện lạ về cu Bình. Anh Hoan đi làm ăn xa, chỉ có chị Dự ở nhà. Lúc ấy Bình đã được 4 tuổi. Cậu bé sinh ngày 6/10/2002. Hôm ấy là buổi trưa.
Mẹ nghèo, nhưng đâu để con thiếu áo mặc !
Chị Dự và anh Hoan đều là người dân tộc Mường. Gia đình anh Hoan từ bé sống trong bản Cọi. Hai vợ chồng lấy nhau 6 năm mới sinh được bé Bùi Lạc Bình. Chị Dự sinh khó. Ngày chị sinh, anh Hoan không về kịp, bác cháu là Bùi Văn Tuấn phải thuê xe đưa hai mẹ con đi Hòa Bình đẻ mổ. Khi đón hai mẹ con về, anh Hoan đã đặt tên con là Bùi Lạc Bình. "Là bởi nó không sinh ở đây như những đứa trẻ khác, mà phải ra tận Hòa Bình, nên gọi nó là Lạc Bình", anh Hoan cười.
Như lời chị Dự kể lại, khi còn nhỏ, cu Bình cũng hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. Bắt đầu từ khi gần 2 tuổi, bập bẹ biết nói, Bình mới bắt đầu có biểu hiện khác. Vì anh Hoan đi làm xa nên ở nhà chỉ có hai mẹ con, giao tiếp với nhau bằng cả tiếng xuôi lẫn tiếng Mường. Tuy nhiên, ngay từ đầu bé Bình đã tỏ ra nói rất rõ tiếng xuôi. Nhiều lần, Bình nằng nặc đòi mẹ "cho con về nhà để lấy quần áo". Chị Dự nói: "Con à, nhà mình tuy nghèo thật, nhưng mẹ chẳng đến nỗi để con phải không có quần áo mặc, việc gì phải đi xin của ai". Thì Bình đáp: "Không, con không xin, con về nhà con để lấy cơ. Con vẫn còn quần áo để ở nhà đấy!". Có lần, vì Bình cứ lẽo nhẽo đòi mãi, tức quá chị Dự đã phết vào mông cu cậu mấy cái. Bình mếu máo: "Con đã chết một lần rồi. Mẹ đánh con là con lại chết lần nữa đấy. Mẹ không thương con à?". Nghe những lời nói không hề trẻ con chút nào ấy, chị Dự sởn gai ốc mà không biết phải làm sao.
Một lần khác, khi đã ngoài 3 tuổi, Bình được mẹ Dự cho theo ra chợ ngoài thị trấn Vụ Bản. Ra đến chợ, Bình cứ kéo tay mẹ và nói: "Mẹ đi với con, con dắt mẹ về nhà con". Chị Dự tức quá, mắng Bình. Bình khóc lóc, nhưng vẫn cố kéo mẹ đi. Cực chẳng đã, chị Dự đành phải chiều thằng bé. Từ chợ thị trấn, Bình dắt mẹ đi ngược lại phía sân vận động rồi rẽ vào đường Hữu Nghị và dừng trước cửa nhà số 25. Chính là nhà anh chị Tân - Thuận bây giờ. "Lúc bấy giờ tôi không để ý số nhà, nhưng nhớ rất rõ đó là nhà một tầng, có giàn cây trước cửa. Bình chỉ vào đó và bảo đấy là nhà nó", chị Dự quả quyết. Khi ấy nhà không có ai, quanh quẩn một lúc hai mẹ con lại đi về. Sau khi dắt mẹ đến chỗ căn nhà đấy, trên đường về Bình có vẻ vui và thoải mái hơn. Chị Dự cũng chẳng hiểu ra làm sao, chỉ mừng là thằng bé bớt lèo nhèo hơn.
Thấy Bình nói nhiều chuyện lạ, các cô giáo ở Trường Mầm non Yên Phú thuộc chi Cọi, nơi Bình đang học, thường xuyên kéo riêng Bình ra hỏi chuyện. Rất nhiều lần, khi hỏi tên, Bình đều nói tên cháu không phải là Bình, mà là Tiến. Bình còn nói mình đã bị chết đuối. Bình kể có một lần đi chơi với hai chị hàng xóm ra bờ sông, Bình trèo lên hòn đá, thò xuống nước rửa chân nên bị trượt, lăn xuống sông chết đuối. Rồi Bình kể chuyện người ta đưa em đi chôn thế nào.
Các cô giáo hỏi làm thế nào mà cháu về được nhà ba Hoan, mẹ Dự? Bình bảo vì "người ta" bỏ cháu trên đồi cao (mộ Nguyễn Phú Tiến táng trên một quả đồi), nên "cháu chẳng có gì ăn. Cháu khát lắm nên tìm đường về nhà. Nhưng về đến ngã ba nhà ông Lai thì có một "bóng lớn" (theo cách của người địa phương thường dùng để chỉ những oan hồn vô chủ) ở đấy nó chặn đường, đuổi đánh nên cháu không về được. Cháu sợ quá chạy vấp xuống một cái mương gần sân rộng thì vừa hay ba đi qua. Cháu quàng vào người ba và theo ba về nhà luôn". "Ba" mà Bình nói đến đây chính là anh Hoan.
Theo quan sát của chúng tôi khi thực hiện loạt ghi chép này, đúng là có một rãnh thoát nước gần sân vận động trung tâm thị trấn Vụ Bản thật. Sân vận động này nằm bên trái Quốc lộ 12B hướng đi về Nho Quan, Ninh Bình. Bên phải là ngã ba rẽ vào đầu đường phố Hữu Nghị. Còn ngã ba thị trấn Vụ Bản có chợ trung tâm thị trấn như đã nói ở phần đầu thì lại nằm lùi phía trên, nơi có Nhà Văn hóa huyện.
Bản Cọi, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm bên bờ sông Bưởi.
Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh (trái) và anh Bùi Văn Hoan, bố đẻ bé Bùi Lạc Bình.
Trong số các cô giáo, người quan tâm nhiều nhất đến chuyện này là một cô giáo hàng xóm nhà anh chị Tân - Thuận (mặc dù đồng ý kể chuyện cho tôi, nhưng cô đề nghị xin được giấu tên). Cô giáo người Mường này đã từng dạy Nguyễn Phú Tiến từ khi Tiến còn sống và gửi ở Trường Mầm non Hoa Hồng ngoài thị trấn Vụ Bản. Mấy năm nay, cô giáo được tăng cường vào chi Cọi, và lại dạy cu Bình nên biết chuyện.
Khi đem những chuyện lạ về cậu học sinh tên Bình về kể ở nhà, chồng cô đã cấm cô không được nói chuyện đó với anh chị Tân - Thuận. "Anh ấy không cho tôi nói, vì chưa biết thực hư câu chuyện thế nào, sợ như thế lại gợi vào nỗi đau của người ta", cô giáo bảo thế. Và mãi về sau này, khi vợ chồng anh chị Tân - Thuận đã đón được cu Bình ra ngoài thị trấn rồi, cô giáo mới kể lại toàn bộ những gì cô biết được từ trong trường mầm non chi Cọi.
Như có tình máu mủ ruột rà
"Ngay lần đầu gặp tôi, thằng bé đã chẳng hề tỏ ra sợ sệt. Điều này trái ngược hẳn với đám trẻ con trong bản, vốn rất nhát người lạ", anh Tân nhớ lại lần đầu tiên gặp bé Bùi Lạc Bình ở nhà chị Dự. Ngồi chơi hồi lâu, vợ chồng anh đã rủ mẹ con chị Dự sang nhà chơi. Chẳng đợi mẹ đồng ý, Bình nhận lời ngay. "Thực tình là tôi muốn thử xem câu chuyện về việc nó biết rõ nhà tôi như thế nào", anh Tân nói. Cả 4 người trèo lên chiếc xe máy. Bình ngồi đằng trước. Trước khi lên xe, anh Tân đã nháy mẹ Dự và chị Thuận im lặng, để anh nói chuyện với cháu.
Từ trong bản đi ra, vừa qua cây xăng thị trấn, sắp đến đầu đường Hữu Nghị, Bình đã chỉ sang bên trái: "Bác rẽ vào đây nhé. Rẽ theo lối này này". Anh Tân nhớ rất rõ hôm ấy anh cố tình đi chầm chậm trong phố, nhưng không tạt vào nhà nào cả. Khi đi ngang qua nhà số 25, Bình lập tức hét toáng lên: "Nhà cháu đây rồi. Bác không biết à? Nhà cháu đây rồi mà!".
Cửa nhà vừa mở, Bình chạy xộc vào trong nhà như quen thuộc lắm. Cậu bé mở tủ lục lọi lung tung như muốn tìm cái gì đó. Anh Tân hỏi: Thế giường mà thằng cò hay nằm ở đâu ấy nhỉ? Cu Bình lập tức chạy vào buồng giữa và chỉ lên chiếc giường duy nhất. Nguyên nhà vợ chồng anh chị Tân - Thuận là nhà ống một tầng, mái bằng. Ngoài cùng là sân, gian phòng khách rồi đến buồng ngủ và trong cùng là gian bếp với khu công trình phụ và một bể nuôi cá tăng gia chừng 2m2.
"Khi tôi thử hỏi nó rằng ngày trước nó nằm ở góc nào, nằm như thế nào, cháu nó đã trèo lên giường nằm đúng góc bên trong sát tường, và nằm sấp. Ngày trước thằng cu Tiến cũng hay nằm y hệt như thế!" - anh Tân miêu tả lại.
Một điều lạ nữa là ngay hôm đầu tiên "về nhà" ấy, cu Bình đã tỏ vẻ quyến luyến, không muốn vào lại trong bản nữa. Cả anh Tân và chị Thuận phải dỗ mãi, nó mới chịu theo chị Dự và cả ngày hôm sau ngồi ngóng "hai bác qua đón cháu nhé". Chị Dự cũng xác nhận điều này và còn cho biết thêm Bình chưa bao giờ chịu ở lại nhà ai hồi còn ở trong bản. Đã vài lần chị Dự cho Bình về nhà bà ngoại ở ngoài thị trấn, đối diện Trạm Y tế huyện chơi nhưng Bình không chịu ngủ lại, cứ đến tối là khóc đòi về.
Và thế là bắt đầu từ đấy, theo thỏa thuận giữa hai bên và được sự đồng ý của chính cu Bình, anh chị Tân - Thuận đã đón Bùi Lạc Bình ra ngoài thị trấn ở cả tuần. Đến cuối tuần lại đưa cháu vào trong bản Cọi. Bấy giờ mọi người đều gọi Bình là Tiến, như tên của con anh chị Tân - Thuận trước đây. Chính bản thân Bình cũng rất thích được gọi như thế. Theo anh Tân kể lại, thì lúc đó mặc dù đồng ý cho Bình ra ở ngoài với mình, nhưng anh Tân chưa thực sự tin vào điều gì. "Vợ chồng tôi cũng khó khăn về đường con cái, nên khi thấy cháu có tình cảm như thế, chúng tôi chấp nhận ngay. Nhưng chúng tôi chưa thể tin ngay được. Chúng tôi đã thử rất nhiều lần..." - anh Tân nói.
Liệu Bùi Lạc Bình có phải là Nguyễn Phú Tiến thật không? Nếu đúng thì chẳng lẽ kiếp luân hồi lại có thực, điều mà bấy lâu nay luôn bị khoa học hiện đại bác bỏ? Còn nếu như không có thực, thì tại sao Bình lại biết được những chuyện liên quan đến Tiến mặc dù gia đình hai bên chưa hề bao giờ biết đến nhau? Hay liệu có phải do hoàn cảnh gia đình neo đơn, hiếm con nên anh chị Tân - Thuận đã tìm cách nhận Bình làm con nuôi và dựng chuyện lên như thế? Nhưng nếu đúng như thế, thì tại sao không tìm một gia đình nào đông con hơn chứ không phải gia đình anh chị Hoan - Dự lấy nhau tới 6 năm trời mới có được một mụn con; hoặc chọn một khoảng cách xa xôi cách trở hơn để có thể hoàn toàn có được đứa bé, thay vì cho nó đi lại thường xuyên như thế? Và, điều quan trọng hơn cả, tại sao người nói ra đầu tiên, như rất nhiều nhân chứng ở đấy, lại chính là cậu bé Bình chứ không phải ai khác? Có quá nhiều thắc mắc xung quanh chuyện về cậu bé kỳ lạ ấy!
Việt Anh
11:35, 19/12/2010
Ngộ nhận về những đứa trẻ "đầu thai" ở bản Cọi?
Có hay không một mối quan hệ thần giao?
Trong phần đăng ở số báo trước, có một chi tiết, đó là khi nghe tin lạ về thằng bé người Mường ấy, anh Tân đã bật ngay dậy và đòi đi tìm con. Về sau, khi đã trở nên thân tình, anh Tân mới tâm sự với tôi rằng khi "thằng cò" nhà anh mất (người trong vùng thường hay gọi các bé trai một cách yêu thương như thế), anh đã đi "chạy vạy" nhiều nơi.
Chị Bùi Thị Dự bên tấm ảnh cậu con trai Bùi Lạc Bình khi vừa tròn 3 tháng tuổi.
Anh Tân kể đã từng chầu chực hơn 10 ngày trời ở nhà bà Thi "Mán" ở dưới Hòa Bình vì nghe đồn "có khả năng ngoại cảm" để mong "gặp lại" con. "Trong 10 ngày ăn nghỉ ngay tại đó, chính mắt tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp những người vào đó đã rất hả hê vì gặp được đúng người nhà họ. Tuy nhiên, đến trường hợp của tôi, thì lại không phải", anh Tân nhớ lại.
Tôi hỏi tại sao, anh Tân bảo "khi gọi đến tên nhà tôi, tôi tiến lại gần để nghe cho rõ. Đúng lúc có vẻ như "hồn nhập" thì tôi thấy bà Thi dùng tay phải đập con muỗi đậu vào tay trái đánh "bốp" một tiếng. Thế là tôi không tin nữa!". Và anh Tân bảo, hôm đó, bà Thi "Mán" nói cũng không đúng về chuyện nhà anh, mặc dù "gọi được hay không cũng tùy người, tùy lúc", anh Tân vớt vát.
Một trường hợp mà anh Tân có vẻ rất chú ý, đó là gặp "thầy" Duy ở Yên Thủy, trước cổng Nông trường 29. "Sau khi nghe xong, thầy nhắm mắt một lúc và rồi lấy một tờ giấy, vẽ sơ đồ lên mộ thằng cò nhà tôi. Thầy đưa cho tôi xem và hỏi: Đúng không? Tôi bảo: Đúng! Rồi "thầy" lại hỏi: Có phải mộ nó ngày càng tròn, bên trên không có cỏ mọc có phải không? Tôi ngạc nhiên trả lời: Đúng! Thế rồi thấy thầy trầm ngâm một lúc và phán: Tôi nghi mộ này đang "phát", hoặc thằng này nó về rồi đấy. Anh đừng xây bịt kín mà chỉ quây ven chân thôi".
Như đã nói, trong khuôn khổ của báo chí, chúng tôi không có ý định chứng minh điều gì, và thực tế là với phương tiện của báo chí thì cũng không thể làm được điều gì tại Lạc Sơn, Hòa Bình trong hoàn cảnh ấy. Mong muốn duy nhất là làm sao ghi lại được những gì tai nghe, mắt thấy để biết đâu, có một ngày nào đó, khoa học sẽ chứng minh được nó có thật hay không có thật.
Trở lại trường hợp của cậu bé Bình - Tiến. Khi anh chị Tân - Thuận ngỏ ý muốn mời tôi ở lại dùng bữa tối với gia đình, tôi đã nhận lời ngay. Đó sẽ là một dịp tốt để tôi có thể tiếp cận gần gũi hơn với những điều đã được nghe. May mắn thế nào, đúng hôm đó người bác ruột của cậu bé, tức là anh trai của anh Hoan là Bùi Văn Tuấn lại sang chơi nhà. Anh Tuấn sinh năm 1966, có 2 con trai, 1 con gái. Con trai út của anh Tuấn ít tuổi hơn bé Bình - Tiến. "Về bản chơi với em Út không Tiến?", người bác ruột hỏi. Nguyên phong tục người Mường, bất kể là con bác hay con chú, cứ đứa nào nhìn thấy mặt trời trước là anh, là chị. Nghe hỏi, cu Bình - Tiến lắc đầu nguây nguẩy. Nó thực sự không muốn về bản nữa rồi!
Nguyễn Phú Tân và cậu con nuôi Bùi Lạc Bình - Nguyễn Phú Quyết Tiến.
Anh Tuấn nhắc lại câu chuyện Bình - Tiến đã dẫn mẹ Ba của nó (anh Hoan là con trai thứ 3 trong gia đình, nên khi nói chuyện, Bình vẫn hay gọi là mẹ Ba) "về nhà" thế nào. Lại có chuyện khi đón Bình - Tiến về nhà, vợ chồng anh chị Tân - Thuận đã làm mấy mâm cơm, mời cả gia đình anh Hoan và những người thân thiết trong bản tham dự gọi là có cái lễ xin cho cháu được qua lại. "Bà cụ nói bà đã biết thằng Bình không phải là người Mường từ lâu rồi. Và bà còn nói bố nó cũng là người ở Mát, dưới chân Cun ấy chứ không phải người ở đây đâu", anh Tân chêm vào. Khi gặp anh Hoan, tôi đã trực tiếp hỏi thẳng anh về việc này, và cả anh cũng xác nhận luôn.
Con tôi là một đứa trẻ bình thường...
Thoạt nhìn thì bề ngoài cậu bé Bùi Lạc Bình - Nguyễn Phú Quyết Tiến không có gì khác những đứa trẻ khác. Cũng liến láu, cũng tinh nghịch lắm. Có lẽ ở cái tuổi nghịch nhiều hơn ăn này, đứa trẻ nào cũng nhăng nhẳng thế. Nhìn diện mạo không thấy có nét nào của anh Tân, chị Thuận cả. Đôi lông mày cong tròn rõ rệt, lại gần như giao nhau. Đặc biệt nhất ở Bình - Tiến có lẽ là cặp lông mi. Thú thực tôi chưa bao giờ thấy cặp lông mi của một đứa bé trai nào dài và bóng đẹp đến thế.
Biết tôi đang chú ý vào cu cậu, cả anh Tân, chị Thuận và bác Tuấn đều cố tình gợi chuyện với Bình - Tiến. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, thì đúng là những hành động, cử chỉ đến cách ăn uống, nói chuyện của cậu hoàn toàn như một đứa trẻ bình thường. Ngoại trừ một số lời đối đáp tôi thấy hơi lạ. "Mời chú uống rượu bằng tiếng Mường đi con", anh Tân gợi ý. Mặc dù được sự cổ vũ nhiệt tình của bác Tuấn, Bình - Tiến vẫn kiên quyết không chịu nói tiếng Mường. "Nói tiếng Mường để ba đưa con vào trong làng à", cuối cùng, Bình - Tiến cũng phụng phịu. "Con nhà Mường, không về trong làng thì về đâu nữa", chị Thuận bồi tiếp. Chẳng nói chẳng rằng, thằng bé đi vào nhà trong, một lúc sau nói vọng ra: "Mẹ mà nói thế, con đánh chết mẹ bây giờ!".
Một đặc điểm nữa trong cách ăn nói của Bình - Tiến, là nó lảng tránh khi bị hỏi đến chuyện trong làng, trong bản Cọi vốn trước đây của nó. Không hiểu vì sao. Còn những câu trả lời khác nó trả lời tôi cứ nửa bí hiểm, nửa ngây ngô, chịu không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Anh Tân bảo hồi đầu mới về, cu cậu nói nhiều về chuyện cũ hơn. Nhưng dần dà chắc nó cũng nguôi ngoai đi? Theo quan sát của tôi, thằng bé thực sự quấn quýt với bố mẹ nuôi (anh Tân, chị Thuận đã làm thủ tục xin nhận Bùi Lạc Bình làm con nuôi, và đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến), đặc biệt là với anh Tân. Kể cả những lúc anh Tân nhắc nhở những chuyện trẻ con như nói phải có thưa gửi, phải dạ vâng... như người xuôi, thằng bé cũng nem nép nghe theo.
Người ta con đàn cháu đống đã đành...
Sau khi đồng ý cho Bình - Tiến sang ở với vợ chồng anh chị Tân - Thuận, nhà cửa trống trải, cả anh Hoan và chị Dự đều bỏ đi làm ăn xa cả. May thế nào, hôm ấy cả hai vợ chồng lại cùng về bản. Với sự giúp đỡ của Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh, chúng tôi đến thăm vợ chồng Hoan - Dự. Hai vợ chồng đều sinh năm 1971, tuổi Tân Hợi. Trưởng bản Bùi Văn Tỉnh cũng là người trong họ với anh Hoan, hôm nay nhân hai vợ chồng có nhà nên đi luôn cùng tôi để thu tiền lãi ngân hàng.
"Đẻ ra được đứa con như thế, rồi nó lại về theo người ta mất, tôi cũng buồn lắm cơ", anh Hoan tâm sự "nhưng cũng không thể ngăn nó được. Ở bên này nó đau ốm suốt. Tôi hỏi liệu anh chị có kế hoạch sinh đứa con tiếp theo chưa? Anh Hoan bảo chắc rồi cũng phải sinh thêm, thế này mãi chịu sao nổi. Nhưng bây giờ thì chưa có tiền, phải cố "cời" thêm ít nữa...
Đang cuộc nói chuyện thì chị Dự đi đâu đó về. Người mẹ tội nghiệp ngồi kể chuyện mà mắt cứ rơm rớm lệ. Đẻ con ra, nuôi lớn rồi nó lại theo về nhà người khác. Không khóc sao được. Chị Dự bảo nhà người ta con đàn, con đống, mất một đứa còn chấp nhận được. Đằng này, hai vợ chồng lấy nhau đến 6 năm trời mới có được một mụn con, thế mà... Rồi chị Dự kể ngày xưa ở nhà, thằng bé nó ngoan thế nào, mẹ dặn đi học (đi đến trường mầm non chi Cọi) đi đường bên phải, nó đi đứng như thế ra sao... rồi cả chuyện mẹ bận việc nhà, lấy cho nó cái ghế, bảo nó ngồi im là nó ngồi im cả buổi cho mẹ làm, không quấy khóc...
Tôi hỏi hồi thằng Cò còn ở nhà, chị có đánh con không? Người đàn bà bẽn lẽn: “Có!”. Tôi lại hỏi vì sao khi nghe thằng bé nói thế, và nó đã dẫn chị ra tận nhà ngoài ấy, vậy mà cũng phải mãi sau chị mới cho nó về bên kia? Chị Dự bảo chị có cho nó về đâu, là do bố mẹ nuôi của nó (anh Tân - chị Thuận) tự tìm đến đấy chứ. "Hồi đó nó nói thế thì mình biết thế. Nhà mình ở trong bản, lại nghèo, chẳng quen biết gì, tự dưng ra nhà người ta nhận nọ nhận kia, biết đâu người ta lại nghĩ khác, lại tưởng mình vụ lợi, ham tiền ham bạc gì...". Đợi cho cơn xúc động của người mẹ đau khổ qua đi, tôi hỏi thẳng: Thế cho thằng cò về bên đấy, anh chị có đòi hỏi gì không? Chị Dự lắc đầu: “Không!”. Rồi chị Dự bảo tối nay chị lại ra thăm nó. Nhớ con quá...
Hé mở một phần những kỳ bí.
Ở bên trên, chúng tôi có nói đến trường hợp "thầy" Duy "phán" về mộ của cậu bé Nguyễn Phú Tiến. Riêng về hiện tượng mộ "phát" này, xin nói luôn là có. Đó là hiện tượng mộ chôn đắp hình dài, và rồi cứ càng ngày càng phình to sang hai bên, dần trông như hình tròn. Bên trên mộ không có cỏ, trơ toàn đất. Tuy nhiên, đây chẳng phải là một hiện tượng kỳ bí hay thần thánh gì. Chẳng qua chỉ là vì một lý do nào đó, hoặc chẳng vì lý do gì mà chỉ là ngẫu nhiên, người chết đã được chôn đúng chỗ có nguồn nước ở bên dưới nên mối, kiến tìm đến làm tổ ngay trên mộ. Khối đất đùn càng ngày càng to ra và chẳng có thứ thực vật nào, kể cả cỏ dại, mọc được trên đám mối đùn ấy. Lẽ dĩ nhiên là xung quanh đó dân gian tha hồ mà đồn thổi thêu dệt.
Khi tôi đặt câu hỏi, liệu việc nhận cu Bình - Tiến còn có khúc mắc gì bên trong hay không, anh Tân hiểu ngay. Anh biết xung quanh cũng có nhiều người tỏ ý hoài nghi về chuyện này. Có người nói rằng có thể do vợ chồng anh gặp khó khăn về đường con cái, nên đón cu Bình - Tiến về nuôi và dựng lên câu chuyện mang màu sắc bí hiểm. "Bản thân gia đình chúng tôi cũng không hề có ý muốn khẳng định điều gì", anh Tân nói. "Tôi chỉ muốn mọi người biết một điều rằng thằng bé Bình - Tiến hiện giờ đang ở với chúng tôi, và nó là một đứa trẻ hết sức bình thường". Rồi anh Tân nói không giấu nổi xúc động: "Con tôi đã chết rồi. Cháu chết còn trẻ quá...”.
Lại nói sau khi đón Bình - Tiến về, anh Tân đã bỏ rất nhiều thời gian để theo dõi, tìm hiểu thằng bé. Anh Tân kể có lần cùng một người họ hàng nữa đi mua vật liệu xây dựng, không may bị ngã xe. Khi gọi điện về nhà, chị Thuận cứ gặng hỏi lên hỏi xuống rằng có đúng bị ngã xe hay không, anh Tân lấy làm lạ, bèn hỏi lại. Thì ra lúc chiều đi đón cu Bình - Tiến, tự dưng thằng bé nói "mẹ ơi, con biết rồi nhé, bố bị ngã xe đấy!" như là có thần giao cách cảm vậy?
Không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, tuy không thừa nhận, nhưng cũng chưa một ai bác bỏ hoàn toàn được hiện tượng "thần giao cách cảm" bởi trên thực tế vẫn có những trường hợp xảy ra một cách kỳ lạ. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, thì thần giao cách cảm là hiện tượng truyền ý nghĩ, cảm xúc qua khoảng cách không gian dựa vào các giác quan cảm xúc, chứ không dựa vào các phương tiện kỹ thuật. Hiện tượng kỳ lạ này đang được nghiên cứu, chưa khẳng định rõ ràng về bản chất vật lý, cơ chế của sự mã hóa các thông tin, các phương sách, sự giải mã và ảnh hưởng của nó đến các quá trình sinh lý thần kinh và các quá trình tâm lý như thế nào.
Và người ta cũng thống kê được rằng, đa phần các trường hợp được cho là thần giao cách cảm" đều xảy ra giữa những người thân thích với nhau như vợ - chồng hoặc là những người có mối quan hệ huyết thống như bố, mẹ, anh, chị em. Vậy nếu như câu chuyện về việc Bình - Tiến biết anh Tân bị ngã xe ở cách đó gần 60 cây số là có thật, thì có thể giải thích thế nào về mối quan hệ này?
Để rộng đường dư luận, trong số báo tiếp, chúng tôi sẽ đưa đến cho bạn đọc những đánh giá, lý giải và phản bác của các nhà khoa học xung quanh hiện tượng này.
Việt Anh
-----------------------------------------------------------------------
11:45, 25/12/2010
Lý giải khoa học về “những đứa trẻ đầu thai” ở bản Cọi
Sau khi phóng sự "Đi tìm sự thật về những đứa trẻ "đầu thai" ở bản Cọi" được đăng, Chuyên đề ANTG đã rất chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía các nhà khoa học. Trong số báo này, chúng tôi xin được trích đăng một phần ý kiến của một số nhà khoa học và cả những lý giải ngay tại địa phương của thời điểm thực hiện loạt bài viết này.
Một phần của tập tục?
Trong quá trình thực hiện bài viết tại bản Cọi, chúng tôi đã tìm đến UBND huyện Lạc Sơn. Bà Phạm Thị Hảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn khi ấy đã thừa nhận có nghe những câu chuyện xung quanh "thằng bé nhà chị Thuận". Theo bà Hảo, thì đấy là cuộc sống riêng của gia đình người ta, chính quyền không tìm hiểu sâu. Tuy nhiên "câu chuyện thằng bé tự tìm về ở nhà chị Thuận tôi có nghe. Hôm nọ tôi gặp hai mẹ con ở ngoài kia, thằng bé còn chào tôi", bà Hảo tươi cười.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hảo cho biết ngoài trường hợp của chị Thuận, bà cũng đã nghe một số trường hợp con lộn, con lặn khác trên địa bàn, trong đó có trường hợp con lộn khi tìm về được nhà rồi còn bảo vẫn giấu cái đồng mảng (vật hình tròn dẹt trẻ con Mường hay chơi, tựa như đánh đáo) trên ống máng nhà. Người nhà trèo lên tìm mà thấy đúng có thật... “Nhưng những chuyện như thế ở đây người ta thấy cũng bình thường thôi, chẳng mấy ai quan tâm đâu" - bà Hảo kết luận.
Còn ông Hoàng Tiến An - Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Sơn, là lãnh đạo trực tiếp của chị Phạm Thị Thuận tại Văn phòng UBND huyện thì dè dặt hơn. Trước hết ông An xác nhận chị Thuận lúc ấy đang làm công tác thủ quỹ của Ủy ban và từng chuyển từ công tác văn thư đánh máy của Văn phòng lên. "Nếu bây giờ thằng cu nhà chị Thuận còn sống, chắc nó phải học cấp 3 rồi ấy chứ". Ông An nói mới nghe về trường hợp "thằng cò" nhà chị Thuận, và cũng đã được gặp nó một lần. "Tôi thấy thằng bé cũng bình thường như những đứa trẻ khác, cũng khôi ngô, nhanh nhẹn lắm", ông An cho biết.
Giống như bà Hảo, ông An thừa nhận đã nghe một số chuyện về con lộn, con lẫn tương tự. Ông An còn cho biết theo kinh nghiệm của nhiều người có tuổi trong vùng, thì "những trường hợp như thế thường là đến ngoài 12 tuổi, chúng lại tìm đường quay trở về với bố mẹ đẻ thôi".
Chúng tôi cũng thực hiện một số cuộc tiếp xúc riêng với người dân trong vùng thị trấn Vụ Bản thì được biết đúng là có chuyện con lộn, con lẫn được lưu truyền. Theo những câu chuyện đó thì đa phần đều liên quan tới những đứa trẻ chết một cách bất thường (không nằm trong vòng "sinh, lão, bệnh, tử", hay chuẩn xác hơn mà dân gian vẫn hay dùng là "chết bất đắc kỳ tử") không phải vì những lý do thông thường .
Ngoài ra, cũng theo những câu chuyện ấy thì phần lớn các trường hợp con lộn, con lẫn ấy, những đứa trẻ nhớ rất rõ những gì xảy ra trong vòng 100 ngày trước khi chúng qua đời và khi đã "lộn" lại rồi, chúng sẽ cố gắng tìm mọi cách để quay về nhận người thân cũ. Tuy nhiên, không phải đứa nào cũng cố để "quay về nhà cũ" mà thường chỉ là nhận ra nhau hoặc ở đó một thời gian rồi lại quay về với bố mẹ đẻ. Và còn một chi tiết nữa, rằng giai đoạn bộc lộ ham muốn "tìm về chốn cũ" của chúng mạnh nhất là từ 2 đến 6 tuổi, sau đó nhạt dần và nếu đứa trẻ đó sống được đến ngoài 12 tuổi thì sẽ không còn thiết tha tìm lại người thân nữa?
Tâm lý con người mang tính đa dạng và muôn vẻ
Chia sẻ với Chuyên đề ANTG, PGS.TS Trần Hữu Bình - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học, quyền Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, về một mặt nào đó có thể lý giải những hành vi của cậu bé Bình - Tiến dựa trên những cơ sở vấn đề nhân cách thuộc tâm thần học. Theo ông Bình, trong xã hội thì tâm lý của con người mang tính đa dạng và muôn vẻ. Và nền tảng tâm lý đó liên quan đến đặc điểm nhân cách, hoặc đặc điểm tính cách mà người ta còn gọi là đặc điểm tâm lý chung khi nói đến vấn đề nhân cách.
Đó là sự cấu thành toàn bộ những đặc điểm tâm lý của một cá thể đấy. Đứng về khía cạnh tâm thần học mà nói thì những đặc điểm tâm lý đó là cảm xúc, tư duy, hoạt động, chú ý, trí nhớ, trí tuệ, cảm giác, tri giác v.v... của con người ta. Ví dụ như khi tôi cảm giác, tôi tri giác một ai đó thì trong cảm xúc của tôi sẽ xuất hiện 2 trạng thái: thích hoặc không thích. Đấy gọi là tính đa dạng của nhân cách. Vậy thì vấn đề tiếp theo: Thế nào là nhân cách?
Nhân cách là đặc điểm tâm lý để làm cho con người này khác với con người kia. Mỗi một con người đều có một dáng dấp tâm lý riêng biệt không giống ai cả, nó quy định cho tính cách của con người đó. Và nó là sự hình thành và phát triển từ bé cho đến khi trưởng thành. Chỉ trừ khi bị bệnh, thì tính cách tâm lý, đặc điểm tâm lý mới bị biến đổi đi là do đặc tính của bệnh lý đó. Ví dụ như bệnh trầm cảm hoặc là bệnh lo âu...
Ban đầu ông Bình khẳng định vấn đề tâm lý này không liên quan gì đến âm hay dương, đến "người âm" hay "người dương" cả. Đây đơn thuần là vấn đề về khoa học. Mỗi một con người đều có một đặc điểm tâm lý không ai giống ai, tạo nên cho con người đó tính cách riêng. Và điều này, theo ông Bình, sẽ lý giải một phần về việc có chuyện một đứa trẻ như Bình - Tiến lại có thể chấp nhận đến ở nhà một người mới lạ (gia đình vợ chồng anh Tân - chị Thuận) thay vì nằng nặc đòi theo bố, theo mẹ như những đứa trẻ bình thường khác.
Sau đó ông Bình cho rằng để lý giải đầy đủ hành vi của cậu bé Bình - Tiến, cần phải bàn thêm về vấn đề tính xã hội học, tức là phải nghiên cứu về tập tục của nơi cậu bé đang được nuôi dưỡng, nhân sinh quan mà cậu bé đang sống, cái thế giới quan của cậu bé đó ra làm sao. Và ngay cả cụm từ thế nào là "lặn", thế nào là "lộn" tại địa phương ấy cũng cần phải được xem xét?
Tuy nhiên, sau khi khẳng định mình là nhà khoa học về tâm thần học, và cho rằng các vấn đề, các quan điểm của thần học, các chủ nghĩa tôn giáo đều phải đứng trên quan điểm triết học duy vật biện chứng và lịch sử thì trong trường hợp cụ thể của trường hợp cậu bé Bình - Tiến, PGS.TS Trần Hữu Bình lại cho rằng câu chuyện không liên quan đến đặc điểm tâm lý nữa, mà nó trở thành vấn đề khác đi rồi.
"Hiện tượng đấy tôi cho là có thực", nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã bày tỏ quan điểm ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi với Chuyên đề ANTG về các trường hợp "đầu thai" tại bản Cọi, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề trên cơ sở chuỗi thực nghiệm như là một mảng của bộ môn khoa học cận tâm lý mà Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đang theo đuổi...
Với kinh nghiệm hơn 30 năm quan tâm tới các hiện tượng dị thường, TS Đỗ Kiên Cường cho rằng, khoa học có thế lý giải trường hợp bé Bùi Lạc Bình nhận mình là Nguyễn Phú Tiến. Ông nhận xét: “Để khảo sát độ tin cậy của các bằng chứng luân hồi, hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé Bùi Lạc Bình cứ nhận mình là Nguyễn Phú Tiến và tại sao Bình lại biết một số thông tin về Tiến và gia đình. Thứ nhất là do phân ly nhân cách mà Bình tự nhận mình là Tiến, như một cách để thoát ly thực tế không mong muốn.
Từ bên trái sang: Chị Thuận, cậu bé Bình - Tiến, anh Nguyễn Phú Tân và người bác ruột Bùi Văn Tuấn. |
Trường mầm non Chi Cọi nơi cậu bé Bùi Lạc Bình được nuôi dưỡng. |
Phút nghỉ trưa của các cô giáo chi Cọi, trường mầm non Yên Phú, nơi bé Bình từng học. |
Nguyễn Phú Quyết Tiến cũng nghịch ngợm, hiếu động như các trẻ khác. |
Xin lưu ý bạn đọc rằng, Bình ở miền ngược với gia cảnh khó khăn hơn, trong khi Tiến ở dưới xuôi với gia cảnh thuận lợi hơn. Ta thường thấy sự "đầu thai" theo chiều như vậy hơn là theo chiều ngược lại. Và khi đạt được mong muốn thì "em bé đầu thai" ít nhắc tới gia cảnh khó khăn lúc trước. Đó là lý do Bình ít nhắc tới bản Cọi, khiến phóng viên ANTG cũng phải thắc mắc "không biết vì sao". Nếu "đầu thai" đúng là sự thật, em bé "đầu thai" phải vô cùng biết ơn nơi chốn đã sinh ra mình lần thứ hai mới là phải đạo.
Tại sao Bình biết thông tin về Tiến, biết "Mẹ cháu ở nhà tầng cơ. Mẹ cháu làm việc còn đánh đánh như thế này này" (tức đánh máy)? Người viết cho rằng đó là kết quả của hiện tượng ký ức ẩn giấu: Bình từng tình cờ nghe một số thông tin về Tiến. Và bộ não con người, dù chỉ của em bé dăm bảy tuổi, cũng đủ khả năng ghép nối chúng thành một câu chuyện có lớp lang.
Tại sao trên đường về nhà Tiến, Bình biết đường đi lối rẽ, về đến nhà biết chỗ nằm...? Đó là do đọc ngôn ngữ cơ thể người đi cùng qua hiệu ứng Hans thông minh. Một con ngựa còn biết làm nhiều phép toán hay tổng thống Mỹ là ai, chẳng có lý do gì để một chú bé khôn như Bình lại không biết cách hành xử thích hợp để mọi người và bản thân đều hài lòng.
Theo bài viết thì anh Tân, gia đình và hàng xóm đã thử thách nhiều lần mà Bình đều vượt qua nên mọi người mới tin Bình đúng là Tiến "đầu thai". Tuy nhiên, những phép thử đó không thể khách quan vì ước vọng muốn tin của vợ chồng anh Tân quá mạnh, nên mọi người có thể tạo ra nhiều ám hiệu, cả vô tình hay cố ý, giúp Bình dễ dàng vượt qua. Về mặt khoa học, chỉ những người trung gian, hoàn toàn khách quan và không biết câu trả lời (để không thể tạo ám hiệu hay ngôn ngữ cơ thể), mới đủ thẩm quyền thử nghiệm".
TS Đỗ Kiên Cường kết luận: "Theo quan điểm cá nhân, đây không phải là sự đầu thai, mà chỉ là một trường hợp phân ly nhân cách. Đề nghị mọi người hãy theo dõi và chăm sóc bé Bình như một trường hợp rối loạn tâm thần kiểu phân ly, có thể chưa điển hình”
Việt Anh