Ngày 23.8.2013
Người viết bài này chưa có dịp gặp ông Lê Hiếu Đằng, nhưng đã vài ba lần gặp ông Trần Bạch Đằng. Trước, vẫn tưởng "hai ông Đằng” nhiều nét tương đồng, nhưng nay khi đọc "Viết trên giường bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng, mới thấy hai ông khác nhau. Lần gần nhất gặp ông Trần Bạch Đằng ở TP.HCM, ông rất yếu, phát âm không rõ, nhưng nhiệt huyết về quê hương đất nước, về Đảng, về cách mạng thì rất mạnh mẽ. Lúc lâm bệnh, ông Trần Bạch Đằng càng thấm thía những cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng- thống nhất đất nước của dân tộc trong thế kỉ 20 là vô cùng vinh quang. Ông một lòng một dạ tin vào Đảng, vào nhân dân, không "sám hối”. Điều đó khiến người ta kính trọng.
GS Lưu Văn Đạt (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam)
Tôi không tán thành việc "đa nguyên, đa đảng”
Liên quan đến cách nhìn của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh về các vấn đề của đất nước, đòi "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” trong bài viết "Đôi điều với tác giả " Viết trên giường bệnh” của ông Đằng, GS Lưu Văn Đạt (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, đây là ý kiến riêng của ông Đằng.
Về phía mình, ông Đạt cho rằng: "Trong nhiều lần phát biểu, đóng góp ý kiến của tôi cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi muốn khẳng định rằng vẫn giữ nguyên Điều 4 về Đảng”. Theo ông Đạt, từ lúc thành lập, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng 8 và đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Đến nay, Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước để đi đến những thành công lớn. "Chính vì vậy, không có lý do gì mà không để Đảng tiếp tục lãnh đạo. Điều đó có nghĩa rằng, tôi không tán thành với việc đa nguyên, đa Đảng” - ông Đạt nhấn mạnh.
1. Trong một lần trò chuyện, ông Trần Bạch Đằng nêu câu hỏi: Nếu không có Đảng Cộng sản thì đất nước mình giờ ra sao? Rồi ông như tự nói với mình: Thì nước ta không giành được độc lập, Bắc - Trung - Nam không phải là con một nhà. Lúc đó nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế dựa do sức đã yếu, ông chảy nước mắt khi nhắc lại câu nói của Cụ Hồ: "Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn, quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam. 15 năm thành lập, chỉ với vài ngàn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám- một cuộc cách mạng long trời lở đất, dựng lên nhà nước công nông. Hàng ngàn năm phong kiến, gần một trăm năm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, khí lực dân tộc tưởng chừng đã kiệt, nhưng theo Đảng, theo Cụ Hồ, người Việt Nam triệu lòng như một đã kiên cường đứng lên. Vai trò của Đảng CSVN là vô cùng vĩ đại trong chiến tranh giải phóng giành độc lập, đấu tranh để thống nhất đất nước. Đồng thời, Đảng CSVN cũng là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn dân trong sự nghiệp kiến quốc.
Mỗi quốc gia chọn cho mình một cách tổ chức xã hội, đa đảng hay một đảng cũng là do nhân dân của đất nước đó lựa chọn. Không cần thiết phải nghĩ ngợi quá nhiều về mô hình của một quốc gia nào đó, rồi tưởng là hay, lên tiếng đề nghị áp dụng ở Việt Nam. Khi đất nước lâm nguy, có đảng phái nào đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lịch sử với dân tộc đâu, ngoài Đảng CSVN. Thế mà nay lại lên tiếng đòi đa nguyên, đa đảng, thì thật kì lạ. Đất nước đang yên đang lành, có cần đa nguyên, đa đảng không? Không cần! Nếu điều đó xảy ra thì chỉ làm cho xã hội rối ren. Đất nước đang yên lành, bày ra chuyện nọ chuyện kia chỉ tạo ra chia rẽ, không loại trừ cả cảnh "nối da nấu thịt” tương tàn.
"Mùa xuân A-rập” là một bằng chứng đau đớn trong quản lý xã hội. Hết đảng phái này đến đảng phái nọ tranh giành quyền lực, lại bị các thế lực bên ngoài lợi dụng, súng nổ, người chết, nhà tan cửa nát. Những vết thương trong lòng xã hội không lên nổi da non, đã thế lại tạo ra sự thù hận không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Ở Ai Cập, nội chiến xảy ra chỉ ít ngày mà đã vài ngàn người chết, có ngày tới hơn 500 người. Người dân có tội tình gì đâu mà mất mạng? Họ chết vì tham vọng chính trị của người khác, chết vì xã hội đã đổ vỡ.
Mới đây nhất là chuyện của người láng giềng Campuchia. Cuộc bầu cử Quốc hội của nước này trở nên vô cùng phức tạp khi nhiều đảng phái tham gia. Kết quả bầu cử đã công bố nhưng bên này tố bên kia gian lận, Chính phủ mới có nguy cơ không thực quyền do bị phân rã. Một tương lai không sáng sủa đối với người dân đất nước này đã được báo trước từ khi Đảng Cứu quốc dân tộc Campuchia đối lập với Đảng Nhân dân Campuchia bằng mọi cách để vận động tranh cử. Lãnh đạo của Đảng này, Sam Rainsy, từng mang cả cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia về Phnôm Pênh rêu rao Đảng Nhân dân Campuchia theo Việt Nam, "bán đất”. Chưa hết, gần đây ông này còn lớn tiếng cho rằng đảo Phú Quốc của Việt Nam là của Campuchia.
Rối loạn, không thể nói khác, khi mà đa nguyên, đa đảng. Mà điều đó thì người dân Việt Nam không bao giờ cho phép.
2. Kêu gọi thành lập thêm một đảng nữa để đối trọng hay là để đối chọi với Đảng CSVN - một chính đảng đã được dân tộc lựa chọn? Xã hội dân chủ không phải là độc đảng hay đa đảng, không phải là tam quyền phân lập hay không tam quyền phân lập- mà là sự phù hợp với thực tế của đất nước, được đại đa số người dân lựa chọn. Và người dân Việt Nam đã chọn Đảng CSVN, thế thì "vẽ rắn thêm chân” để làm gì? Hay là để đánh bóng mình, mưu cầu một điều gì đó to tát hơn cho bản thân. Hy sinh quyền lợi của nhân dân vì quyền lợi bản thân, sẽ dẫn đến thất bại.
Kinh tế đất nước trong vòng 5 năm qua rất khó khăn, trong tình hình suy thoái kinh tế chung của toàn cầu. Một số người bèn cho rằng, đó là do sự lãnh đạo yếu kém của Đảng, Chính phủ. Từ đó có những phát ngôn thiếu thiện chí, làm phân tán nhân tâm. Trong lúc đất nước khó khăn thì phải cùng nhau chung sức vượt qua, tại sao lại đổ thêm dầu vào lửa? Đó có phải là thái độ đúng, hành động đúng? Không! Chúng ta đều không chấp nhận nạn tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân của những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Nhưng đó chỉ là một bộ phận, không bao giờ là bản chất của Đảng, của chế độ. Đấu tranh, góp ý có nhiều kênh, trong đó kênh MTTQ Việt Nam là rất cởi mở, rất quan trọng. Và cũng mong có nhiều ý kiến phản biện, đấu tranh với cái xấu để xã hội tốt lên chứ không phải là làm xã hội đổ vỡ, theo một cách góp ý, một cách "đề nghị” không chính thức.
3. Phải nằm trên giường bệnh, ai cũng suy nghĩ miên man, đôi khi là lan man. Người ta nghĩ về cuộc đời, về xã hội, về những người thân quen, nghĩ về bạn- thù, nghĩ về những năm tháng đã qua trong cuộc đời mình và dự cảm về những ngày sắp tới. Đó cũng là lẽ thường tình.
Nhưng ngẫm nghĩ để củng cố niềm tin, lý tưởng mà cả cuộc đời mình đã vì nó mà hy sinh phấn đấu, đó mới thật sự có ý nghĩa. Thường sau những lần khỏi bệnh, thiện căn trong con người nhiều dày dặn hơn lên, người ta lành hơn vì đã có dịp nghĩ về cuộc đời, về phận người.
Không ai muốn bị bệnh, nhưng nếu "sám hối” trên giường bệnh một cách tiêu cực sẽ là rất không nên.
HÀ TRỌNG NGHĨA