Login Form

Số Người Truy cập

04455831
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
182
1382
4804
2806914
15684
28301
4455831

2024-11-23 08:09

Khí Công - Dưỡng Sinh

TÌM HIỂU VỀ KHÍ CÔNG

HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ KHÍ CÔNG

     1.  Khí công là gì?
     Tại Trung Quốc, Khí công là một bộ môn thể dục vận động rất độc đáo và đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Trung Hoa. Trong quá trình hình thành và phát triển, Khí công đã biết chắt lọc, biết hấp thụ các tinh hoa văn hóa xuyên suốt mấy ngàn năm phát triển của lịch sử Trung Quốc. Từ nền văn minh Hoa Hạ cổ đại, những tinh hoa của Triết học cổ đại (thuyết âm dương ngũ hành), của Y thuật (học thuyết Tạng phủ, Khí huyết tân dịch, Kỳ kinh bát mạch trong Trung-Y, và đây cũng là cơ sở lý luận của phép trị bệnh bằng Khí công), Dưỡng sinh thuật (chủ yếu của Thích gia và Đạo gia), Võ thuật cùng Binh pháp (Đặc dị khí công, Thái cực quyền)… Từ đó, hình thành một phương pháp tập luyện độc đáo, một loại hình vận động có chức năng kiện thân tráng cốt, phòng chống và chữa trị bệnh tật được mọi tầng lớp nhân dân trên khắp thế giới mến mộ và hăng say luyện tập.


     Trong khi các bộ môn thể dục vận động khác coi trọng về kỹ thuật, nặng về hình thức và rất khắt khe trong việc kén chọn đối tượng tập luyện thì Khí công lại có một phương pháp luyện tập cực đơn giản, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng và điều quan trọng, tập luyện Khí công rất hiệu quả trong việc phòng, chữa trị bệnh tật. Khí công từ lâu đã được các giới Nho, Y, Đạo, Thích, Võ thuật và Dân gian triệt để áp dụng.

 

Read More

     Ngày nay, khoa học đã chứng minh Khí công rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội nói chung và sức khỏe của cộng đồng nói riêng. Việc thường xuyên tiến hành các biện pháp như tụ khí, dưỡng khí, điều khí, phóng khí… rất có lợi cho việc cải thiện sức khỏe đối với mỗi cá nhân trong phòng, chống bệnh tật (bổ xung phần khí Tiên thiên bất túc) và kéo dài tuổi thọ. Tất cả các loại hình như: Tọa thiền, Đạo dẫn thuật, Yoga của Ấn Độ, Thổ nạp pháp, luyện Đan thuật, Di tinh biến khí pháp, Thăng giáng điều tức pháp, Phục khí thành đan, Chân khí vận hành pháp, Phóng tung công, Bát đoạn cẩm, Ngũ cầm hý, Dịch cân tẩy tủy kinh, Khí công Thái cực quyền, v.v… tuy có khác nhau về tên gọi, cách thức tập luyện nhưng đều chung mục đích: rèn luyện thân thể, tăng cường trí lực, kéo dài tuổi thọ và đều được gọi với danh từ thống nhất là “Khí công”.
     Tại Trung Quốc, Khí công được Chính phủ Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đặc biệt coi trọng và được đánh giá là di sản phi vật thể, là Quốc hồn Quốc túy, là báu vật của dân tộc Trung hoa. Vậy hiểu như thế nào là Khí công?
     Xét về mặt từ ngữ: Khí công là phương pháp luyện “khí”. Vì chữ “khí” là chỉ Nguyên khí (tức khí trong cơ thể), còn chữ “công” là chỉ công phu trong quá trình luyện tập (tức công sức, ý chỉ về sự kiên trì, sự bền bỉ, trong đó bao gồm cả phương diện về thời gian, tiền bạc ... ví như người Họa sĩ sau khi hoàn thành bức tranh được mọi người đánh giá là vẽ rất đẹp, rất tỉ mỉ và rất công phu).
     Xét về phương diện công năng: Khí công là phương pháp tập luyện nhằm tăng cường và phát huy tính năng động chủ quan của “nội lực”, một phương pháp trị liệu đặc biệt hiệu quả đối với công tác phòng và tự chữa bệnh.
     Vậy để phát huy tính năng động của “nội lực” cần phải làm gì, cụ thể? “Nội lực” ở đây được hiểu chính là bồi bổ cho “Tinh – Khí – Thần ”.
     Người xưa cho rằng: “Trong vũ trụ có [tam tài] Thiên – Đia – Nhân và [tam quang] là Nhật – Nguyệt – Tinh; người có [tam bảo] tức là Tinh – Khí – Thần”. Trời đất phân chia ra ngày đêm để dung dưỡng muôn vật và vạn vật có phát triển là nhờ vào cái đức của “tam quang” thay nhau soi sáng vũ trụ. Đối với con người, trong thì từ Lục phủ, Ngũ tạng, ngoài thì từ da, lông, tóc cho đến xương cốt, tứ chi, ngũ quan, cửu khiếu, ngay đến hoạt động tư duy, suy nghĩ của con người không có gì là không dựa vào Tinh – Khí – Thần mà có thể tự hoạt động được. Do vậy, tất cả các bộ môn dưỡng sinh đều đặc biệt chú trọng đến ba đại dược Tinh – Khí – Thần. Việc làm thế nào để cho ba “đại dược” này luôn luôn trong trạng thái sung mãn? Chính là vấn đề cốt lõi mà các bộ môn cần phải đạt được. Tuy nhiên, mỗi một bộ môn lại có những phương pháp, cách thức tập luyện riêng của mình. Cho dù hình thức tập luyện đôi khi có những khác biệt nhưng tất cả đều chung một mục đích đó là thông qua “tam điều” để điều chỉnh khí huyết, điều chỉnh tâm sinh lý, điều chỉnh thể tạng mà đạt đến “tam lực” là sức đề kháng, sức phục hồi và sức thích nghi, nhằm nâng cao sức khỏe, chất lượng của cuộc sống.
     Thực hiện tốt việc Điều thân, Điều Tức và Điều tâm thực chất là chúng ta đang tu luyện và bồi bổ cho tam bảo Tinh – khí – Thần.  Thế nào là tam bảo Tinh – Khí – Thần?

     Các nhà Dưỡng sinh xưa nay, đặc biệt là các môn đồ thuộc phái Đạo gia rất coi trọng ba đại dược Tinh – Khí – Thần và coi đó là sự tồn vong của sinh mệnh. Họ cho rằng nếu Tinh hao, Khí tổn, Thần bị thương thì không thọ. Muốn thọ, con người phải dồi dào về tinh lực, xung mãn về khí huyết, thần thái phải tiêu dao “Khí túc bất tư phạn, Thần túc bất tư miên, Tinh túc bất úy hàn” (Khí tràn đầy tất không thấy đói, Thần đầy đủ đến ngủ cũng chẳng cần, Tinh sung túc sợ chi băng giá), xem như thế thấy Tinh – Khí – Thần quả là quan trọng. Chính vì lẽ đó, phái Đạo gia luôn tìm mọi cách để “bế Tinh, dưỡng Khí và tồn Thần” (ngay trong chuyện phòng the, họ cũng tìm cách không cho xuất tinh ra ngoài). Vậy ba đại dược đó đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với con người mà được cổ nhân xưa coi trọng như thế?
     a. Tinh:
     Bao gồm tinh Tiên thiên và tinh Hậu thiên. Tinh Thiên thiên là tinh khí của cha và huyết khí của mẹ di truyền cho thai nhi; Tinh Hậu thiên bao gồm chất dinh dưỡng, tinh hoa của trời đất được con người thông qua ẩm thực tạo ra (tục gọi tinh Hậu đắc). Tinh Tiên thiên nếu thiếu hụt sẽ được cơ thể bổ xung bởi tinh Hậu thiên nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của mỗi cá nhân. Tinh Hậu thiên sau khi được hấp thụ vào cơ thể, thông qua quá trình chuyển hóa lập tức nó biến thành năng lượng và tồn tại dưới nhiều hình thức, nó tỏa ra khắp hang cùng ngõ hẻm trong cơ thể, sẵn sàng nhận và hoàn thành một cách xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
     Việc tiếp thụ tinh Hậu thiên nhằm bổ xung năng lượng cho cơ thể hoạt động được tiến hành không những thông qua ngũ quan cửu khiếu mà còn bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau như thông qua các lớp mao bì, qua ẩm thực (tiếp thụ tinh vi của ngũ cốc, thủy cốc chuyển hóa mà thành), thông qua việc tu luyện…
     Bảo tồn tinh khí hay tinh lực là một việc rất quan trọng đối với mỗi cá nhân. Nếu tinh khí hao hụt sẽ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, suy nhược tinh thần và là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật phát triển. Tinh còn có chức năng sản xuất ra tinh trùng hay noãn sào nhằm duy trì nòi giống và mang tính di truyền (gene ADN). Dâm dục quá độ cũng làm hao mòn tinh khí dẫn đến suy nhược cơ thể, chóng già.
     Người xưa nói: “dân dĩ thực vi tiên - dân lấy ăn làm đầu” lại có câu “có thực mới vực được Đạo”  cũng là vì thế. Các bạn hãy thử hoặc tưởng tượng xem nếu chúng ta ngừng cung cấp năng lượng (tinh Hậu thiên) cho cơ thể vài bữa thì thế nào nhỉ? Điều gì sẽ sảy ra? Các cụ bảo: “Đói chỉ nghĩ đến ăn” không biết có đúng hay không?

     Thực chất, tất cả các cuộc chiến xưa nay là gì? Cũng chỉ vì miếng ăn mà thôi (gọi thế thì tục tỉu quá, bởi vậy nhiều người gọi các cuộc chiến tranh đó là vì mục tiêu Kinh tế cho nó dễ lọt tai lại lịch sự), mục đích cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu ăn sung mặc sướng của con người(!). Xem thế đủ biết Tinh quan trọng như thế nào.
     b.    Khí:
     Có thể khẳng định: Khí đóng vai trò quyết định đến mạng sống của con người. Không có Thần thì có thể vẫn sống (đời sống thực vật hoặc khùng khùng điên điên), không có Tinh (Tinh lực) thì chí ít còn lay lắt sống răm bữa nửa tháng. Nhưng nếu không có Khí thì bảo đảm dù ai đó có tài giỏi mấy đi chăng nữa cũng khó tồn tại sau năm phút đồng hồ (não sẽ chết sau ba phút nếu không được cung cấp đầy đủ ôxy. Đây là sự giải thích vì sao có hàng loạt vụ chết ngạt tại các hầm mỏ, tàu cá mà không sao cứu kịp). Theo Hoàng đế Nội kinh: “Nhân thủy sinh, tiên thành tinh. Thành tinh nhi não tủy sinh. cốt vi can, mạch vi doanh, cân vi cương, nhục vi tường, bì phu kiên nhi mao phát trường. Cốc nhập vu vị, mạch đạo dĩ thông, khí huyết nãi hành. Linh khu/ Kinh mạch” (vật chất cơ bản cấu thành con người đầu tiên chính là “Khí”, quá trình phát triển và hoàn thiện ban đầu gọi là “Tinh”; trong cơ thể có Phủ Tạng và các bộ phận bao gồm não, tủy, gân, mạch, lông, tóc... đều do tinh biến hóa mà thành. Sau khi hình thành, tiến hành hấp thụ ngũ cốc làm cho mạch đạo khai thông, khí huyết thay nhau luân chuyển vậy).
     Khí không hình (chúng ta chỉ có thể cảm nhận) nhưng ngày đêm thay nhau luân lưu khắp lục phủ ngũ tạng. Không đâu là không có Khí, Khí khi đi vào cơ thể (mặc dù đã có giấy thông hành) nhưng vẫn phải trải qua sự kiểm tra sàng lọc gắt gao của các Phế nang (còn gọi là túi phổi), sau đó chúng được phân loại, chỉ khí oxy đẹp trai, trong trắng mới được duyệt cấp Visa để tiếp tục cuộc hành trình, nhưng phải rón rén men theo vách Phế nang rồi qua vách Mao mạch mới được phép hiên ngang hòa vào dòng chảy của hồng cầu (Hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng để đem nuôi cơ thể, giúp cho quá trình chuyển hóa, đốt cháy năng lượng và đào thải độc tố ra ngoài cơ thể được tốt hơn). Còn loại xấu trai ô tạp, lý lịch có vấn đề như dioxyt cacbon đành phải lẽo đẽo đi về theo con đường ngược lại.
     Cũng như Tinh, Khí cũng được chia ra làm khí Tiên thiên và khí Hậu thiên. Khí Tiên thiên tức là khí huyết của cha mẹ truyền lại cho con cái, khí Hậu thiên còn gọi là  khí Hậu đắc tức là thứ khí do hấp thụ mà thành (xem giải thích ở phần dưới).
     b.    Thần:
     Là hình thức năng lượng cao cấp mà các động vật đều có, nhưng mức cao nhất chỉ có ở con người. Đó là bộ não cùng với hệ thần kinh, nhờ đó mà con người biết tư duy, có ý thức, có tình cảm, có khoa học và nghệ thuật. Thần được sinh ra và nuôi dưỡng bởi Tinh và Khí nhưng ngược lại ích Tinh bổ Khí đều phải cậy nơi Thần.

dsc03725 dsc03722

        Tĩnh tâm nhập thiền, luyện "tam bảo" Tinh - Khí - Thần (tĩnh công).

dsc03490 dsc03714

       TCQ và Bát đoạn cẩm cũng được xem là Khí công động.

     Thần là trung tâm quyền lực, nơi ban hành các văn bản, các chủ trương chính sách và cũng là Bộ Tổng Tham mưu có chức năng ban bố các hiệu lệnh, chỉ huy giám sát mọi hoạt động của các cơ quan hữu quan trong cơ thể, kể cả các hoạt động tinh thần lẫn thể xác của con người.               
       Như vậy đến đây chúng ta có thể Định nghĩa về Khí Công như sau:

       “Khí công” là loại hình vận động được kết hợp một cách chặt chẽ bởi các động tác, tư thức của cơ thể với hơi thở thông qua tam điều (điều Thân, điều Tức và điều Tâm) nhằm phát huy những nội lực tiềm tàng bên trong cơ thể vào mục đích kiện thân tráng cốt, phòng chống, chữa trị tật bệnh và kéo dài tuổi thọ.
     Hoặc giản đơn: Khí công là công phu luyện khí.
     Chú ý:
     -    Điều Thân tức là điều chỉnh động tác, tư thế của cơ thể trong khi tập luyện, bao gồm cả các động tác, tư thế trước, trong và sau khi luyện công.
     -    Điều Tức là điều chỉnh hơi thở trong quá trình luyện công.
     -    Điều Tâm là điều chỉnh tâm sinh lý của con người, phải gạt bỏ bớt lòng tham, sự thù hận… biết hạn chế ham muốn, sống vui, sống khỏe, sống có ích tức phải “thanh tâm quả dục” hay nói như Hải Thượng Lãn Ông là phải biết “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần; thanh tâm quả dục thủ  chân luyện hình”.
     2.    Khí trong Khí công:
     Nói đến khí trong Khí công chính là nói đến khí trong “cơ thể” và khí trong “không khí tự nhiên”.
Khí trong cơ thể:  Khí trong cơ thể (tức Nguyên khí, Chân khí hay Chính khí theo như cách gọi của Hoàng đế nội kinh) là thứ khí được hình thành bởi khí Tiên thiên và khí Hậu thiên.
     -  Khí tiên thiên:   Như đã giới thiệu ở trên.
     -  Khí hậu thiên:  Khí Hậu thiên là thứ khí trong thiên nhiên tức khí trời (thành phần chủ yếu là Nitơ và Oxy chiếm đến 99%). Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều phải dựa vào nó để mà tồn tại và phát triển. Với con người, khí Hậu thiên lại càng có sự đóng góp hết sức to lớn đối với sự sống, sự tồn tại phát triển và quá trình tìm hiểu, khai sáng thế giới tự nhiên. Khí Hậu thiên là thứ khí mà ngay từ lúc đứa trẻ vừa ra đời đã hít những hơi thở đầu tiên để bắt đầu cho một cuộc sống mới. Và cũng chính là thứ khí mà mỗi sinh linh (kể cả những người không có khả năng nhận thức) buộc phải tiếp nhận không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời nếu muốn duy trì cuộc sống cũng như các hoạt động tư duy của mình. Con người chỉ ngừng tiếp nhận khí Hậu thiên khi tất cả các hoạt động sống đã bị ngừng trệ và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đi về với đất, về với cõi vĩnh hằng.

dsc02360 dsc02657

      Lão Tử (Đạo gia Giáo chủ) và Hoa Đà (cha đẻ của Ngũ cầm hí).

     Khí trong không khí tự nhiên: Tức khí trời, khí đất (tức khí Hậu Thiên). Việc con ng¬ười thông qua các hoạt động hô hấp nhằm hấp thụ khí ngoài tự nhiên vào trong cơ thể, giúp cho quá trình chuyển hóa năng lượng bên trong cơ thể diễn ra đ¬ược thuận lợi, tạo cho cơ thể có một sinh lực dồi dào, trí lực thông tuệ, giúp cơ thể thích nghi và đáp ứng mọi điều kiện trong suốt quá trình sống của mình. Sự kết hợp của hai thứ khí trên đã tạo ra một thứ khí mới (Khí lực, Trí lực), một sức sống mới có khả năng cải tạo và làm thay đổi hẳn diện mạo ban đầu. Thứ khí mới đó chính là thứ khí mà các nhà D¬ưỡng sinh x¬ưa nay vẫn thường gọi bằng thuật ngữ “Khí công”.  
      Trong Trung - Y, ngoài việc chia khí thành khí Tiên thiên, Hậu thiên, còn có rất nhiều loại khí như: Dinh khí, Tông khí, Vệ khí, Chân khí và Tà khí. Lại có cả lục khí: Phong khí, Hỏa khí, Hàn khí, Thử khí, Thấp khí, Táo khí v.v…Như vậy, nói đến khí trong Khí công chính là nói đến khí Tiên thiên và khí Hậu thiên.

       Tóm lại:

       - Khí trong Khí công chính là thứ khí trong cơ thể, là thứ khí vô hình mà mỗi cá nhân chỉ có thể cảm nhận được bằng trực giác của mình hay một Y- sư có thể nhận biết qua sắc mặt, cử chỉ của bệnh nhân hoặc thông qua việc bắt mạch mà nhận biết được thần khí của người bệnh thịnh suy thế nào, từ đó đưa ra những phương sách chữa trị cho thật phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Trong chẩn bệnh, khí có thể được xem là hữu hình (có câu: nhìn sắc biết bệnh, nhìn mắt thấy thần là vậy).

       - Việc luyện khí trong Khí công thật ra không có gì là ghê gớm như nhiều người vẫn nghĩ.  Một số người còn cố tình làm cho bộ môn Khí công trở nên âm u, mù ám đầy tính ma mị khi cố tình thần thánh kiểu như: khí công có thể “Hô phong hoán vũ”, Khí công có thể chữa “bách bệnh”, có ông thầy còn dám tuyên bố sẽ phát công “xua mưa bão” ra khỏi VN; phát công làm tan mưa để giúp cho lễ hội ngàn năm thăng long; phát công làm sạch nước Hồ tây… như báo chí đã đưa tin. Tất cả đếu là những lời khoác lác, cuồng ngôn, giả dối, hoang đường của đám “thầy lang vô học” (!) Xin độc  giả chớ tin.

      - Khí công là một công phu luyện khí rất giản đơn và rất hiệu quả nhưng có điều, muốn đạt hiệu quả cao nhất người tập cần phải tuân thủ một số qui định nghiêm ngặt như phải có lòng tin, có quyết tâm và phải hằng tâm (kiên trì, nhẫn nại)… và tốt nhất là cần có một minh sư chỉ điểm.
     Chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này trong một dịp khác./.

     TP.HCM, lập Đông năm Tân Mão
     Tác giả:  Võ sư Thiều Ngọc Sơn (Shaojiazhuangzhu).

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG