Login Form

Số Người Truy cập

04453576
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
377
384
2549
2806914
13429
28301
4453576

2024-11-21 09:55

Võ Lâm & Nhân Vật Võ Lâm

Ký sự: VÕ LÂM SÀI GÒN - CHỢ LỚN

 

VÕ LÂM SÀI GÒN CHỢ LỚN
                                                        Tác giả: Ngọc Thiện

          Ngày nay, trong guồng quay hối hả của cuộc sống bộn bề lo toan, hình ảnh ông thầy dạy võ tung quyền phóng cước bên lũy tre làng dưới ánh trăng hay tiếng thét “ki… ai” đầy uy lực trong những trận “đả lôi đài”, giờ đây thuộc về hoài niệm của một thời xưa cũ. Thế nhưng, trong chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu, những người mê quyền cước vẫn thường kể nhau nghe những giai thoại võ lâm để… luận anh hùng.

Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tường tận về võ thuật ở đất Sài Gòn đồng thời tôn vinh các hệ phái võ cổ truyền của dân tộc, bắt đầu từ số này Báo CATP sẽ lần lượt đăng tải kỳ tích của các bậc cao thủ làng võ Sài Gòn – Chợ Lớn.

BỐN CAO THỦ ĐẾN TỪ THƯỢNG HẢI

 

      Sân Tinh Võ được thành lập vào năm 1922 với tên gọi “Việt Nam Tinh Võ thể dục học hiệu” do Tổng hội Tinh Võ Thượng Hải sáng lập, gồm Chiêu Tráng Chí (hội trưởng), Lý Nghị Hoàn (hội phó), Diệp Bá Hành (chánh trị sự), Tào Diên Sương (phó trị sự)… tập hợp 85 hội viên, trụ sở tọa lạc tại “Thất phủ Thiên Hậu cung” số 114 đường Mai Sơn, Q5, đến năm 1955 đổi tên thành Hội Thể thao Tinh Võ, nay là Trung tâm TDTT Q5, CLB Tinh Võ (756 Nguyễn Trãi, P11Q5, TPHCM).

vl ky12 1 v s

        Sư tổ Bạch My đạo nhân và cố võ sư Huỳnh Tân Tửu

Read More

     Tổng hội Tinh Võ Thượng Hải cử bốn võ sư là Triệu Chấn Quần, Nhan Quế Chi, Bạch Liên Trân và Vương Phượng Cang sang dạy võ thuật, sau đó phát triển thêm các môn bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, cờ tướng… Năm 1945, Việt Nam Tinh Võ thể dục học hiệu đổi tên thành Hội Thể dục Tinh Võ Việt Nam do võ sư Tạ Lâm Tường trực tiếp giảng dạy. Sau đó Tạ Lâm Tường mất, Lệ Nhật Lâm lên thay. Năm 1952, võ sư Triệu Trúc Khê được ban trị sự của hội mời sang dạy Thái Cực Đường Lang đến năm 1968. Một năm sau đó, Thái Cực Đường Lang bắt đầu xuất hiện trên võ đài sân Tinh Võ, thi đấu cùng các lò võ Long Hổ Hội, La Khôn, Nguyễn Hớn Minh, Hồng Nghĩa, Xuân Bình…

Trước 1975, võ cổ truyền (tức võ tự do) ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khoảng 15 môn phái thuộc Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam. Võ đài thời đó có hai hình thức thi đấu gồm võ tự do (được sử dụng các đòn chỏ, gối, đấm, đá, kể cả đá hạ bộ) và quyền anh, chia làm bốn hạng: Hạng muỗi (võ sĩ đánh đài lần đầu); hạng ruồi (võ sĩ đã tham gia đánh đài từ 3 – 5 trận); hạng gà (từng thượng đài nhiều lần, có trận thắng) và hạng lông (rất hiếm) dành cho số ít võ sư thách đấu nhau nhằm gây quỹ ủy lạo người nghèo, người bệnh tật.

Võ tự do, người thi đấu mang “găng sáu” (six), môn quyền anh, võ sĩ mang “găng chín” (neuf), nam võ sĩ đấu đài mình trần, mặc quần đùi, mang giáp bảo hộ hạ bộ (coqui). Trọng lượng hai võ sĩ cho phép chênh lệch tối đa 3kg. Mỗi đêm sân Tinh Võ có khoảng 5 độ đài, để đỡ nhàm chán, trong ba độ võ tự do chen vào hai độ quyền anh. Mỗi trận ba hiệp (3 phút/hiệp), giữa mỗi hiệp giải lao một phút, giá vé 200 đồng, võ sĩ chiến thắng được nhận 1.800 đồng từ ban tổ chức, kẻ “rớt đài” được an ủi 800 đồng. Trước trận đấu, hai võ sĩ ký bản cam kết “Ban tổ chức hoàn toàn không chịu trách nhiệm về tính mạng võ sĩ”, nói nôm na là… “đánh chết ráng chịu”! Sân Tinh Võ là nơi vinh danh các “tay đấm vượt thời gian” làng võ miền Nam (1925 – 1975): Nguyễn Văn Phát (Kid Dempsey), sư Muôn, Đông Phương Sóc, Kim Sang, Văn Thọ, Minh Cảnh, Minh Thành, Minh Sang, Huỳnh Tiền, Trần Xil, Xuân Bình, Nguyễn Nhiều, Lê Đại Hoan, Mai Thái Hòa, Nguyễn Son, Từ Thanh Nghĩa, Trần Mạnh Hiền, Kê Hoàng Hổ, Lý Huỳnh Cường, Xuân Hùng, La Khôn, Nguyễn Hớn Minh, Mã Thành Long, Trần Minh…

NHỮNG TRẬN “ĐI ĐÊM” TẠI SÂN TINH VÕ           

Tại đây cũng từng diễn ra nhiều trận “đánh cuội”, chẳng hạn hôm nay võ sinh môn phái A hạ môn sinh võ phái B thì tuần sau kết quả diễn ra ngược lại, cả hai võ sĩ đều nhận được tiền đăng đài vừa không mất uy tín môn phái bởi “ăn qua ăn lại”, xem như huề! Nhiều trận võ sĩ tung đòn nhẹ hều như… gãi ngứa, vờn qua lượn lại quanh võ đài chờ hết giờ vào lãnh tiền! Nếu trọng tài tinh ý phát hiện, trận đấu lập tức bị “cắt” ngay. Trận N.H.M đấu với M.C (năm 1970) tại võ đài Tinh Võ bị trọng tài Minh Sang phát hiện khi nghe võ sĩ N.H.M trách: “Sao bữa nay mày đánh mạnh quá vậy?”. Báo chí làm rùm beng, tiếng tăm võ sĩ  N.H.M coi như tiêu tùng!

 Võ sư Từ Thiện từng kể: “Một số trận đấu võ tự do nam, có người sử dụng đòn… cắn! Năm 1970, võ sĩ T.Q.C đã dùng đòn… “cẩu xực” trong pha nhập nội, bị trọng tài cảnh cáo trừ điểm!”. Có trường hợp, một võ sĩ đã lợi dụng sức bật dây đài để bung mình nhanh vào tấn công đối thủ, hành động này vi phạm luật đấu võ đài.  

Một lối đánh xấu nữa: tấn công đối thủ ngay sau khi lệnh trọng tài vừa phát ra. Trong thi đấu võ Thiếu Lâm vốn có lệ “bái Tổ” trước khi xung trận, lệ “bái Tổ” thực hiện ngay sau khi lệnh trọng tài phát ra. Có trường hợp võ sĩ tranh thủ “bái Tổ” thật nhanh nhằm tận dụng chút thời gian hiếm hoi tấn công đối thủ đang trong tư thế… “bái Tổ” khiến kẻ giao đấu trở tay không kịp!     

Tệ hơn nữa là “đánh cuội”. Nghĩa là võ sĩ thi đấu được trả tiền từ võ sĩ đối phương, lên đài làm “hình nhân” cho võ sĩ đã “mua” tha hồ đấm đá, nếu có phản công lại (để tránh bị phát hiện) võ sĩ “bán độ” cũng vờ ra đòn không trúng hoặc đánh nhẹ như… phủi bụi, sao cho phần thắng thuộc về người bỏ tiền ra! Đó là trường hợp võ sĩ L.K đấu với võ sĩ võ đường Mã Thành Long hay võ sĩ N.G đấu với võ sĩ N.H.M… Cá biệt, một số võ sư chỉ “bán độ” hai hiệp đầu, hiệp thứ ba trở đi bắt đầu “đánh thật”.

u v i xa ii v s ch v hng nm 18t

                          Đấu võ đài xưa...

“Đi đêm có ngày gặp ma”, thỉnh thoảng những trận võ đài “móc ngoặc” bị “tổ trác”. Võ sĩ Long Mouse của võ đường Long Hổ Hội trong lúc nhập nội… lỡ tay tung đòn chỏ láy vào chân mày võ sư K. làm máu tuôn lênh láng; võ sĩ Phạm Công Thành và võ sĩ A. Mách đánh một hồi… quên “giao kèo” đã dùng thế Bàng long cước hạ knock-out võ sư H.C – người tự xưng là “đại lực sĩ quốc tế”! Những sự cố ngoài ý muốn làm “bể” hợp đồng giữa hai võ sĩ, tất nhiên người “lỡ tay” mặt mày méo xệch bởi sơ ý… đá “bể nồi cơm” của mình! Cũng may, những trường hợp trên không phổ biến với tất cả cao thủ võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn. Võ thuật là một lĩnh vực đề cao tinh thần thượng võ: thắng vinh – bại không nhục. Do đó, những trận võ đài vẩn đục khó tồn tại trong dòng chảy của một nền võ thuật Việt Nam chân chính, đậm tính “anh hùng mã thượng”.

P/s: mời bạn bấm vào chữ Next phía dưới để xem tiếp bài 2.

 

                      

Hổ Bạch Ân Trừng Trị Ô Hắc Lợi

         Lĩnh hội bí kíp võ công nơi cửa thiền

Tương truyền, ở Trung Hoa vào đời nhà Nguyên, có một vị cao tăng là Lâm Đạo Thai ẩn tu tại chùa Thiếu Lâm, tỉnh Hồ Bắc. Một hôm, Lâm Đạo Thai lên non hái lá thuốc, bất chợt trông thấy một con cọp trắng nhỏ và một con khỉ đột khổng lồ đang giao đấu. Ông dừng lại xem. Con cọp trắng có vẻ thất thế trước địch thủ quá to lớn. Sau một hồi quần thảo, con khỉ đột chụp được con cọp và chuẩn bị xé ra làm hai mảnh thì bất ngờ cọp trắng vùng dậy tát mạnh vào hạ bộ khỉ đột. Con khỉ rú lên rồi ngã xuống chết tốt. Lâm Đạo Thai chứng kiến cảnh ấy lấy làm thích thú, sau đó ông cho ra đời môn võ Bạch Hổ quyền.

Trải qua hàng thế kỷ, môn phái Thiếu Lâm Bạch Hổ theo chân những võ sư người Hoa du nhập vào Sài Gòn những năm 30. Tại TP.HCM, nắm quyền chưởng môn Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hổ hiện nay là đại lão võ sư Hổ Bạch Ân. Ông tên thật là Trịnh Văn Ân, sinh năm 1929 tại huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Năm lên hai tuổi, cậu bé Ân phải theo cha mẹ chạy giặc, trôi dạt đến tận huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Nhà nghèo lại gặp thời ly loạn nên năm Ân lên 7 tuổi, cậu được cha gởi vào chùa nương nhờ cửa Phật, vừa có “cái chữ thánh hiền” lại “đỡ một miệng cơm”.
 
alt
                       Võ sư Hổ Bạch Ân người đứng thứ hai từ phải qua

       Vào chùa, Ân được hòa thượng trụ trì Thích Thiện Duyên, vốn là cao thủ võ lâm trong chốn giang hồ nay mai danh ẩn tích, đem lòng thương mến bởi tính thật thà, gan dạ và có chí khí hơn người. Nhận thấy ở chú tiểu nhỏ có thể trở thành người chấp chưởng môn phái sau này nên hòa thượng Thích Thiện Duyên đã dốc hết tinh hoa võ học và y học chân truyền lại. Bảy mùa mai nở cũng là khoảng thời gian Trịnh Văn Ân lĩnh hội các tuyệt kỹ Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hổ của vị tăng già.

Một lần, bọn Tây càn vào phá chùa, vị sư già chống trả kiên cường, hạ gục hàng chục tên địch, sau cùng ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù. Trước lúc viên tịch, vị cao tăng trăng trối: “Ân con! Môn phái Thiếu Lâm Bạch Hổ là môn võ của nhà Phật, luyện ra cốt để tự vệ, chỉ được sử dụng khi bị bức bách vào đường cùng hoặc phải ra tay diệt kẻ bạo tàn gây hại cho dân!”. Chùa cháy, thầy mất, lòng căm thù giặc như đốt cháy tâm can, Ân quyết định theo “các anh” tham gia kháng chiến, trả thù cho thầy, bảo vệ quê hương. Vào du kích, Ân được giao nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho đội đặc công huyện Long Phú. Nhiều tên hương hào, lý trưởng, địa chủ hống hách, ức hiếp dân lành đã phải ôm đầu máu chạy thục mạng khi “nếm” các tuyệt kỹ của vị chưởng môn Thiếu Lâm Bạch Hổ. Năm 1950, Ân được cơ sở cách mạng đưa ra hoạt động công khai dưới cái “tên cúng cơm” Trịnh Văn Ân.

Về Sài Gòn, Ân  mở võ đường tại chùa Định Thành trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường CMT8, cạnh công viên Lê Thị Riêng) lấy pháp danh là Hổ Bạch Ân, ghép tên môn phái với tên khai sinh. Với cái tâm nhà Phật cùng cả một kho tàng quí báu về võ thuật đã được thọ giáo, “Hổ Bạch môn” lần lượt cho ra lò nhiều võ sĩ tên tuổi thời bấy giờ như Hổ Bạch Ba, Hổ Bạch Dạng, Hổ Bạch Hoa (Trần Beo), Hổ Bạch Xuân, Hổ Bạch Biểu, Hổ Bạch Hiếu... Theo nghi thức nhập môn Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hổ, nam môn sinh được đặt là “Hổ Bạch” ghép với tên của mình, nữ môn sinh là “Hổ Kim”. Giai đoạn 1950 - 1960, vị chưởng môn Thiếu Lâm Bạch Hổ đã thượng đài và đoạt nhiều HCV võ tự do, trong đó có những trận thắng lẫy lừng chấn động làng võ Sài Gòn ở một giải thi đấu bao gồm nhiều võ sĩ nổi tiếng 3 nước Đông Dương (1951 - 1952), với các tuyệt kỹ Quan Âm xuất thế, Thập bát La Hán... Tuy nhiên, trận đấu ấn tượng nhất của võ sư Hổ Bạch Ân đến nay vẫn còn được truyền tụng trong giới cao thủ võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn đó là trận thượng đài hạ “knock-out” võ sĩ Ô Hắc Lợi năm 1949.

       Ba nén tâm nhang trước trận "đả lôi đài"

         Một giờ trước lúc thượng đài với Ô Hắc Lợi, võ sư Hổ Bạch Ân vào chánh điện chùa Định Thành thắp ba nén nhang trước bài vị Phật Bà Quan Âm, Bồ Đề Đạt Ma và vị tổ sư Thích Thiện Duyên, sau đó ông đến sân Tinh Võ (quận 5). Sở dĩ chưởng môn Hổ Bạch Ân đích thân lâm trận vì chỉ ông mới có đủ bản lĩnh trừng trị Ô Hắc Lợi - tên trưởng ấp ác ôn, cậy quyền thế ức hiếp dân lành, cam tâm làm “chó săn” cho thực dân Pháp. Trận đấu gồm sáu hiệp (hai phút/hiệp) thể thức võ tự do, võ sĩ không mang thiết bị bảo hộ. Ô Hắc Lợi thân hình vạm vỡ, cao gần 1m80, da đen sạm, mặt mày hung dữ trông như một bức tượng La Hán bằng đồng trong chùa. Đòn tay của Ô Hắc Lợi ra chiêu khá nhanh do có pha trộn quyền anh, đôi chân di chuyển rất lẹ quanh khắp sàn đấu dụng ý triệt tiêu thể lực đối phương. Dù đấm đá liên tục, nhưng thấy địch thủ chẳng dính đòn nào, Ô Hắc Lợi tỏ ra nôn nóng, chiêu thức bắt đầu chệch choạc. Qua hai hiệp đầu đánh thăm dò, Hổ Bạch Ân dùng kế điệu hổ ly sơn nhằm làm cho Ô Hắc Lợi mất tập trung, sau một đòn “hư chiêu” khiến Ô Hắc Lợi lỡ đà, nhanh như cắt, bằng tuyệt kỹ “trên dao dưới thớt” vị chưởng môn Thiếu Lâm Bắc phái Bạch Hổ lao tới cắm cùng lúc hai đòn chỏ xuống lưng đồng thời phóng một đòn gối mạnh như trời giáng vào giữa ngực nơi huyệt chấn thủy của Ô Hắc Lợi. Tên ác ôn gây nhiều nợ máu với nhân dân lập tức đổ gục xuống sàn đấu giãy đành đạch, hai mắt trợn ngược, miệng sùi bọt...

        Dù đã 80 tuổi, nhưng hiện nay đại lão võ sư Hổ Bạch Ân vẫn minh mẫn và khỏe mạnh, hằng ngày ông dạy võ, khám chữa bệnh tại tịnh xá cũng là tư gia (hẻm 209, số 15, Vườn Lài, phường Phú Thọ, quận Tân Phú, TP.HCM) với mong muốn trong những ngày cuối đời kịp truyền lại những tinh hoa võ học cho thế hệ sau này.

 Shaolaojia sưu tầm.

Đón xem bài 3:  Tuyệt Kỹ Kim Kê

 

 

 

 TUYỆT KỸ KIM KÊ

      Năm 1930, tại làng Phước Vân, huyện Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn cũ, nay là tỉnh Long An) có cậu bé Đặng Văn Anh 9 tuổi, một tối theo chú đi coi hát bộ ở đình làng. Trong lúc chen lấn để xem đào kép, người chú xích mích với đám trai làng, đụng độ xảy ra. Hình ảnh tả xung hữu đột hạ gục đám thanh niên hơn chục tên của ông chú đã gieo vào tâm trí trẻ thơ của cậu bé niềm đam mê võ thuật. Năm 12 tuổi (1933) , cậu được cha - một võ sư - bắt thắp nhang, bái tổ nhập môn để rồi 22 năm sau (1955), cậu sáng lập Kim Kê môn lừng lẫy  võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn với biệt danh Phi Vân Nhạn.

alt

alt

                          Đặng Văn Anh - Tổ sư Kim Kê

           PHI VÂN NHẠN - ĐẶNG VĂN ANH

       Chưởng môn phái Đặng Văn Anh sinh năm 1921, thuộc dòng dõi võ thuật từ đời cụ cố Đặng Văn Thơ đến ông nội Đặng Văn Chương và cha là Đặng Văn Tưởng. Từ nhỏ, Đặng Văn Anh đã mê quyền cước, ngoài học võ với ông nội và cha, ông còn thọ giáo với các võ sư nổi tiếng do cha mời về dạy. Vì thế ở quê, Đặng Văn Anh sớm thành danh với biệt danh Hai Thép, huấn luyện đội du kích huyện Cần Đước. Sau đó, ông lên Sài Gòn thọ giáo bậc cao thủ là võ sư Bùi Văn Hóa (Chín Hóa) – chưởng môn phái Tây Sơn Nhạn tại trường học Chợ Quán (nay là trường Kim Đồng). Do sáng dạ và có căn cơ võ thuật, chẳng bao lâu Đặng Văn Anh đã tinh thông quyền cước và thập bát ban binh khí. Năm 1955, ông sáng lập Kim Kê môn (võ đường số 25E, Khổng Tử, Q5) đến năm 1994 chính thức trở thành Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn nhạn (TLNQKKTSN) cho đến nay. Môn sinh Kim Kê lừng lẫy giới võ lâm qua các trận đấu đài khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đến các tỉnh miền Trung, nổi bật là chưởng môn Kim Kê Đặng Văn Anh tự Phi Vân Nhạn. Vậy “Kim Kê” là gì? Trên bàn thờ tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh có treo bức tranh con gà trống đứng gáy trên đỉnh núi, cùng 4 câu thơ: 

Phong vũ như mai
Kê mình bất kỷ
Kích kiến quân tử
Vân hồ bất hỉ

 Tạm dịch:

Mặc dù ngoài mưa gió
Gà không ngớt tiếng gáy
Thấy được người quân tử
Còn gì vui sướng bằng.

        “Kim Kê” nghĩa là “gà trống vàng”,  lấy cảm hứng từ bài Mai hoa quyền của Thiếu Lâm Tây Sơn nhạn, trong đó có thế Kim Kê độc lập, tổ sư Đặng Văn Anh mê thế võ hiểm này bèn lấy chữ “Kim Kê” đặt tên môn phái với ước muốn đào tạo những võ sĩ hùng dũng, nhanh nhẹn, gan lì, dám đối đòn. Kim Kê độc lập với tư thế đứng trụ chân trái, co cao chân phải, hai tay thủ theo bộ song chủy (gập ngón cái, áp út và út). Khi thủ, che kín những yếu huyệt, lúc bị tấn công phản đòn bằng cách: chân đá vào hạ đẳng (hạ bộ), tay phải đánh vào vùng thượng đẳng (mặt, mắt, mũi), tay trái tung cú đấm thôi sơn vào vùng trung đẳng (ngực, hông) đối thủ.

      TLNQKKTSN lấy Yêu tự xà hành làm thân pháp; Thôi sơn làm thủ pháp; Bình sa lạc nhạn làm cước pháp; Mai hoa quyền và Kim Kê quyền làm quyền pháp; thuật cường thân làm nội lực; lừng lẫy với bài Tứ linh đao và Kim Kê đao. Năm 1969, chưởng môn Đặng Văn Anh cùng 13 võ sư là Mai Văn Phát, Lê Văn Kiển, Từ Thiện, Trần Xil, Nguyễn Văn Mách, Xuân Bình, Quách Phước, Minh Sang... thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam.

       Nguồn gốc “Kim Kê” còn có nguyên nhân khác. Theo võ sư Đặng Kim Anh: “Hồi nhỏ ở quê, ba tôi rất mê đá gà, ông thường ôm gà đi đá đầu làng cuối xóm. Nhà ông nội tôi nuôi hàng chục con gà đòn và gà cựa đều do ba tôi chăm sóc. Ba tôi rất tâm đắc những đặc tính của gà: Biểu tượng cho sự thịnh vượng, nghiêm túc và vinh hoa, gà trống còn có đức tính mà đấng nam nhi, đấng trượng phu cần có”. Hàn Thi ngoại truyện nêu đặc tính gà trống: cái mào đỏ tựa mũ cánh chuồn là văn. Chân có cựa sắt như kiếm là võ. Dũng cảm đương đầu với kẻ thù là dũng. Gọi nhau cùng chia mồi là nhân. Gáy đúng giờ gọi mọi người dậy là tín.

alt

 

 

 

 

 

 

 

 

   

Võ sư Kê Hoàng Hổ trong trận thắng 1971

       LẪY LỪNG TUYỆT KỸ KIM KÊ

       TLNQKKTSN đào tạo nhiều võ sĩ từng “làm mưa làm gió” võ đài Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn 1965 - 1974, nam võ sĩ lấy họ “Kê”, nữ họ “Kim” như Kê Hồng Đăng, “máy đấm” Kê Hoàng Long (Huỳnh Hữu Hào), “trụ đồng” Kê Hoàng Hổ (Huỳnh Thượng Hải), Kê Hùng Sơn, Kê Minh Sơn, Kê Thắng Sơn, Kê Hoa Sơn, Kê An Sơn (Trần Văn Mười)... Sau 1975 có Lê Đình Long, Nguyễn An Tâm Khánh, Kê Huỳnh Long, Hoàng Hạnh Phúc, Phan Văn Trí Nhân, Dương Thị Thanh Trúc, Ngô Thị Ngọc Chi, Kê Long Sơn, Kê Bạch Long, Lương Văn Thành (mở võ đường Kabudo - Kim Kê Kung-fu tại Berlin - Đức)...

       Môn phái TLNQKKTSN lừng lẫy với thế Sát thủ giản (võ sư Kê Hoàng Hổ thường tung liên tiếp hai cú Bàng long cước ép đối thủ vào góc đài rồi hạ knock-out bằng đòn revers) và thế Bình sa lạc nhạn. Hồi nhỏ nếu nghe ai nói: “Có ông thầy đá trói rất hay” thì đó là thế Bình sa lạc nhạn. Khi đá trúng hồng hải huyệt (giữa bắp đùi) hoặc bạch hải huyệt (gần đầu gối) địch thủ lập tức “rớt” liền (nghĩa là tự trói mình vậy).

       Lúc sinh thời, tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh từng nhận xét: “Đòn thế hay đẹp là do người thực hiện chứ không có riêng đòn thế này hoặc đòn thế kia đẹp. Chẳng hạn Yêu tự xà hành đi tiếp với Siêu phong hoán vũ thì rất hay và đẹp”. Về đấu võ đài, tổ sư cho rằng: “Lên võ đài mà đánh loạn đả là do võ sĩ ấy mất bình tĩnh hoặc còn non nghề! Võ thuật tuy phát triển hơn trước năm 1975 nhưng trình độ võ sinh không bằng do ít ai chịu khổ luyện”.

       14 giờ ngày 3-5-1998, tổ sư Kim Kê Đặng Văn Anh về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 77 tuổi. Con trai tổ sư Kim Kê - võ sư Đặng Kim Anh chấp chưởng môn phái, tổ đường đặt tại số 75 đường 26A, Bình Phú, P10Q6, TPHCM. Võ sư Đặng Kim Anh hiện là Phó chủ nhiệm CLB Tinh Võ, Q5. Đệ tử ruột cố tổ sư Kim Kê là Kê Hoàng Hổ (tức võ sư Huỳnh Thượng Hải, năm nay 62 tuổi) hiện dạy TLNQKKTSN tại Trung tâm TDTT Q5 (CLB Tinh Võ, 756 Nguyễn Trãi, P11Q5) và tại tư gia (258/68/6 Dương Bá Trạc, P2Q8).

Còn tiếp.

Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG