Chuyện Xưa Tích Cũ
BÀI DỤ TỰ TRÁCH MÌNH CỦA VUA TỰ ĐỨC
Tự Đức 嗣德 (1829 – 1883), tên húy là Hồng Nhậm 洪任, miếu hiệu là Dực Tông 翼宗. Tự Đức là một tín đồ tích cực của Khổng giáo, một ông vua cực kỳ thông minh và có tài văn học. Sử mô tả, vua có dáng vẻ của một nho sinh, không cao không thấp, hơi gầy, mặt hơi dài, cằm nhỏ, trán rộng mà thẳng, mũi cao mà tròn, hai con mắt tinh mà hiền. Có thể nói Tự Đức là một người uyên bác nhất thời bấy giờ, thích nghiền ngẫm kinh điển Nho giáo và là ông vua cực kỳ hiếu thảo với mẹ.
Tự Đức trị vì đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thử thách mang tính sống còn. Nhà vua tính tình hiền lành, thiếu tính quyết đoán và thường phải dựa vào triều thần để bàn việc… cho nên xảy ra vụ cắt ba tỉnh (Biên Hòa, Định Tường và Gia Định) cho Pháp theo hòa ước Nhâm Tuất (1862) và để mất nốt ba tỉnh Nam kỳ (gồm Vĩnh Long, An Giang và tỉnh Hà Tiên) vào năm Tự Đức thứ 20 (1867). Bài dụ tự trách mình được làm vào năm Tự Đức thứ 30 (1877) lúc này nhà vua đã 48 tuổi.
Dụ rằng: Trẫm còn nhỏ tuổi, được lên ngôi báu, nhờ phúc ấm lúc mà nhà nước toàn thịnh,việc nước việc đời chưa từng để ý, không hiểu lời dặn “Ở lúc yên phải nghĩ lúc nguy”[1], đam mê theo sự vui chơi.
Cho đến nỗi trên trời cao trách phạt, dưới thì dân chúng oán hờn, ngoài thì các nước láng giềng thù oán, trong thì việc thù hoạch chẳng giỏi dang. Cứ việc tới thì lo mà không giúp ích gì cho việc. Gắng gượng theo mưu kế của người lão thành, mất cả đất đai và dân chúng sáu tỉnh Nam Kỳ, để cầu cho khỏi việc chiến tranh và được yên thiên hạ. Cơ nghiệp sáng lập giữ gìn hơn hai trăm năm, bỗng một bỏ mất, thực là tội của tiểu tử này không thể nói xiết. Dù cho có làm được công đức cũng không thể chuộc được tội lỗi.
Huống hồ, trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt ngồi suông, lần lữa đến ngày già yếu. Tuy người ta không nỡ trách, song lòng ta cũng không sao yên được. Tuy tình nghĩa bang giao cũng hậu, song đất đai vẫn chưa thu về, “Dân con thương xót, như mất mẹ cha!”[2].
Trẫm vốn không có tài năng gì khác, chỉ riêng có một dạ yêu dân, đến tuổi già càng đốc thiết. Trông lên cúi xuống, sống đã không mặt mũi nào, chết cũng không thể nhắm mắt!
Xưa kia Sở Tử làm táng sư (thua trận), đến khi chết đặt tên thụy là “lệ” (tội lỗi), theo pháp chế tôn miếu nhà Hán, từ đời vua Hòa Đế trở xuống, người nào không có công và có tội, thì không được đặt chữ “Tông”[3] trẫm có lẽ vào không biết? Nhưng thực ra là trẫm không muốn lấy cái mình yêu thích để chuộc tội lỗi của mình. Nếu may ra mà nước bạn cảm lòng thành tín, sớm trao trả lại đất đai, trẫm sống còn được trông thấy, thì thực là một điều đại nghĩa. Nhược bằng không được toại nguyện, mà trẫm không may mất đi, dầu thần dân thứ không nỡ truất bỏ, viện lệ đặt tên thụy cho trẫm, nhưng trẫm là người có tội, không nên làm điếm nhục quốc lệ ấy. Nếu các khanh cứ miễn cưỡng làm việc ấy, thì hồn phách của trẫm cũng rất không yên. Vậy phải nên bỏ đi, không nên đặt gia Tông hiệu, để làm gương cho những nhân quân có lỗi muôn thuở về sau. Và cho trẫm được cùng với các bầy tôi có lỗi, cùng chia sẻ tội tình, cùng chịu tủi nhục, ấy là chí hướng của trẫm.
Lời nói trung trực, phát tự trong lòng ra, chớ nên trái ngược, chớ nên quá lạm.
Vậy bố cáo cho cả thiên hạ đều biết.
KHÂM THỬ
Ngày mùng 2 tháng 6 Tự Đức năm thứ 29.
Xem như thế cũng đủ biết, vua không những thẳng thắn, khiêm nhường, vua không những tốt tính, tốt nết, tốt chữ mà lại còn văn hay.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài dụ của nhà vua (một Nho sĩ đúng nghĩa) và mong rằng mọi người có thể hiểu, cảm thông với tâm trạng của nhà vua.
Nguyễn Đức Ngọc Phương sưu tầm theo “Thơ Văn Tự Đức/Ngự Chế Thi Văn". NXB Thuận Hóa 1996.
Thiều Gia: Bài gởi từ Australia cho diễn đàn của Nguyễn Đức Ngọc Phương.
[1] Luận ngữ: Khổng Tử nói “Cư an tư nguy, cư tri tư loạn” nghĩa là ở lúc yên phải lo tính lúc nguy (ý phải phòng bị ), ở lúc trị phải tính lúc loạn.