Chuyện Xưa Tích Cũ
SƯ TĂNG CHÙA HÀN SƠN VÀ...
... BÀI THƠ “PHONG KIỀU DẠ BẠC”
枫橋夜泊
Trương Kế 张继[1], nhà thơ sống vào đời Đường. Trong một đêm nghỉ tại bến Phong Kiều (thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô), phần do nơi đất khách, lại trước cảnh điều hiu của sông nước làng chài nên Trương tiên sinh mới cảm thán mà làm bài thơ “Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều”, hai câu đầu của bài thơ như sau:
Nguyệt lạc Ô Đề[2] sương mãn thiên
月落乌啼提霜满天 我
Giang phong[3] ngư hỏa đối sầu miên…
江枫渔火对愁眠
Bến Phong Kiều xưa
Dịch nghĩa thơ:
Trăng lặn trên xóm Ô Đề, khắp trời sương
Hàng cây phong đối diện với lửa xóm chài…
Cùng lúc này, tại một ngôi chùa ở ngoại thành Cô Tô, có vị sư trụ trì vì lý do không ngủ nên sư mới lẩn thẩn đi dạo quanh chùa. Nhìn trăng đầu tháng, sư tức cảnh, mới có thơ rằng:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
初三初四月朦胧
Bán tợ ngân câu bán tợ cung…
半似银钩半似弓
Dịch nghĩa thơ:
Mùng ba mùng bốn trăng mông lung
Nửa tợ móc câu nửa tợ cung…
Phong kiều dạ bạc
Tương truyền, khi đọc được hai câu trên thì sư cũng tắc, ý thơ đang hay bỗng dưng bị ngắt ngang không sao liền mạch, nghĩ mãi không sao ra hai câu kết nên sư cứ đi đi lại lại, vừa đi vừa lẩm bẩm. Lúc này, có chú tiểu, nhìn thấy sư cứ đi đi lại lại nên mới đánh bạo hỏi nguyên cớ vì sao? Sư mới nói rõ tâm trạng của mình, tiểu tỏ ra rất cảm thông với tâm trạng của sư phụ, chú nhìn trời, nhìn nước, bỗng chú thấy ánh trăng lung linh huyền ảo, thấp thoáng nằm ở dưới đáy hồ. Và chú liền đọc:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
一 片玉湖分两段
Bán trầm thủy để bán phù không.
半沉水底半浮空.
Dịch nghĩa thơ:
Một mảnh ngọc mà chia ra hai đoạn
Nửa chìm dưới nước nửa bay trên trời.
Dịch thơ toàn bài:
Đêm nay đầu tháng trăng mờ
Nửa như móc bạc nửa ngờ vành cung
Hồ xanh ai xẻ đôi vừng
Nửa chìm đáy nước nửa lồng trên mây.
(Theo bản dịch Trung Hoa Du Ký, HCMTV sản xuât 2004)
Nghe tiểu đọc, sư mừng quá, sư cho rằng Bồ Tát hiển linh chứ như tiểu làm sao có được ý thơ hay như thế. Liền đó, sư sai tiểu lên dộng chuông, thắp nhang cảm tạ Bồ Tát (đã giúp thầy trò làm được bài thơ hay).
… Ở bến Phong Kiều, tương truyền Trương tiên sinh cũng đang khắc khoải, nằm ngồi không yên vì không sao nghĩ ra hai câu kết của bài thơ. Bấy giờ, tiếng chuông cảm tạ Bồ Tát từ chùa Hàn Sơn vang vọng lại khiến Trương tiên sinh như người tỉnh cơn mê. Và ngay lập tức, ông đã hoàn thành hai câu kết trong bài thơ tứ tuyệt của mình.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
姑苏城外寒山寺
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
夜半钟声到客船
Dịch nghĩa thơ:
Tiếng chuông Chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô
Nửa đêm còn vọng đến tận khách đi thuyền.
枫桥夜泊
Nội dung toàn bài:
Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(Trần Trọng Kim dịch)
Bài viết của: Nguyễn Đức Ngọc Phương.
[1]Trương Kế, tự là Ý Tôn, người đất Tương Châu (nay là Tương Phàn, tỉnh Hồ Bắc), thi đậu Tiến sĩ. Làm Tự Bộ Viên Ngoại lang đời Đại Tông nhà Đường, ông mất vào năm 756 tại Quảng Tây, khi coi về tài phú.
[2]Người viết đã từng đọc được bài báo cách nay khoảng 10 năm, trong đó tường thuật lại chuyện một đoàn du khách của Nhật vì hâm mộ thài thơ nên đã đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu và họ phát hiện ra rằng, phía trước bến Phong Kiều ngày xưa từng tồn tại một thôn gọi là thôn Ô Đề và như vậy, Ô Đề là địa danh chứ không phải là tiếng quạ kêu như nhiều người vẫn nghĩ trước đây.