Chim Trời Cá nước
Nổi nênh phận nghệ sĩ hát bội...
Tản mạn về nghề hát bội
"Nổi nênh" phận nghệ sĩ...
Bài, ảnh: ĐOÀN XÁ
Hát bội đã gắn bó với đời sống văn hóa người dân Nam Bộ khoảng gần 500 năm qua. Tuy nhiên, nay tất cả chỉ còn trong… sử sách bởi những nghệ sĩ hát bội thực thụ hầu như không thể sống bằng chính tài năng và sức sáng tạo của mình. Sau ánh đèn sân khấu, những mảng đời sáng tối hiện ra, vật vã cùng cuộc cơm áo mưu sinh trần trụi, đầy gian khó.
“Ăn mày dĩ vãng”
Nếu phải chọn ra một loại hình nghệ thuật đặc sắc gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người dân Nam Bộ có lịch sử tồn tại và phát triển lâu đời nhất thì đó là hát bội. Từ các bậc vua chúa, quân hầu cho tới những nông dân, kẻ chợ, từ thành thị phồn hoa tới vùng núi, nông thôn dân dã, đâu đâu người ta cũng đam mê, thích thú những vở diễn kèm theo hát, nói và tiếng trống chầu thân thuộc.
Nghệ sĩ Ba Hưng và nghệ sĩ Thanh Thủy.
Làm “vua” sàn diễn, xe ôm sàn đời
Nán lại đình An Sơn một buổi tối để sáng hôm sau xem các nghệ sĩ đoàn Long Phụng biểu diễn vở Trảm Trịnh Ân cho bà con nơi đây xem, nhìn hàng trăm người dân ngồi ngay ngắn nhìn lên sân khấu, nơi nghệ sĩ Ba Hưng cất tiếng lanh lảnh: “Ái khanh ơi, quả Điều Thị Tam Xuân hạ chỉ, tam quân vây cả hoàng cung, một hai cũng quyết bắt nàng, tấn thối ôi vô phương đào tẩu rồi…”, rồi chốc chốc lại nghe: “quân sĩ, quân sĩ đâu…” mà tôi không khỏi bồi hồi, nhìn ra phía cửa đình, nơi dòng sông Sài Gòn vẫn êm đềm như tự ngàn xưa mà lòng buồn man mác. Chỉ mong cái câu “sông có khúc đời có lúc” sẽ đúng với các nghệ sĩ hát bội để qua khỏi khúc sông hiu quạnh này, một tương lại rạng rỡ với ánh đèn rực rỡ sẽ chào đón họ như dưới hạ lưu kia.
-------------------------------------------------------------
Hát bội Nam bộ gắn liền văn hóa tâm linh
Tác giả: Quang Thi
Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Nga: Nghề này buồn mà đam mê ?
“Nghề này buồn mà đam mê. Trên sân khấu thì đam mê, quên hết, nhưng khi nhận tiền công thì... buồn. Được khách nước ngoài hỏi han mình lại thấy tự hào về nghệ thuật dân tộc. Chắc vì vậy mà... sống được!” - cái “mâu thuẫn hai mặt đối lập” của hát bội hôm nay được NSƯT Ngọc Nga, phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, tâm sự như vậy.
Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Nga: Nghề này buồn mà đam mê ???!!!.
Bình quân mỗi nghệ sĩ nhà hát của chị lương tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Đi diễn thì thù lao kép chính độ 150.000 đồng/suất, kép phụ cỡ 100.000 đồng, nhạc công vài chục ngàn. NS Ngọc Nga nói: “Lương anh em bằng công nhân trong khu chế xuất thôi. Còn lại anh em phải kiếm sống bằng nghề tay trái!”.
NS Ngọc Nga cho biết từ nhiều năm nay hát bội không thể diễn bán vé. NS Hữu Lập, 56 tuổi nghề ở đoàn Minh Sen (Vũng Tàu), kể: “Bây giờ lễ hội người ta cũng đòi mời nghệ sĩ tài danh (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng). Họ hát một tiếng thù lao mười mấy triệu, bằng tôi đi hát hơn nửa năm. Hết cải lương là họ rút đi hết, còn lại lơ thơ vài người già xem hát bội. Mà trời ơi, khán giả xem hát bội nhìn rúm ró, khép nép như sở thích của họ có gì... xấu hổ lắm vậy!”.
Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Nga, Phó Giám đốc nhà hát tuồng Tp.HCM
Cùng nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Dung, đoàn NTHB - TP. HCM
Dù hết khán giả, mỗi năm Sở VH-TT&DL TP.HCM ra chỉ tiêu kiếm 500 triệu đồng thì Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đều thu đủ. NSƯT Ngọc Nga cho biết tiền mà đoàn kiếm được là nhờ diễn hợp đồng cho các lễ hội kỳ yên của Nam bộ. Mỗi khi đến lễ hội, những hội đình đứng ra mời đoàn hát bội về làm lễ xây chầu (nghi thức nhạc, bái), lễ đại bội (nghi thức thiên lôi mở cửa trời, thái cực sinh lưỡng nghi, chúc thánh Phúc Lộc Thọ...). Nghi thức này là không thể thiếu. Hát bội bây giờ gắn liền với văn hóa tâm linh dân gian.
Nghệ sĩ Hữu Thoại: Nghề này bạc lắm !!!
Nghệ sĩ Hữu Thoại (1911-1976) là nghệ sĩ hát bội vang danh một thuở với những tên tuổi như Minh Tơ, Thành Tôn, Ba Út, Năm Ðồ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai... Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: “Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại”.
Nghệ sĩ Hữu Thoại |
Không những là nghệ sĩ nổi danh, NS Hữu Thoại còn là giảng viên hát bội Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn từ 1960-1975. Khi cải lương phát triển mạnh vào những năm 1960 làm hát bội thất thế, ông cùng tham gia Hội Khuyến lệ cổ ca nhằm phục hưng hát bội. Cha của NS Hữu Thoại là bầu Huê (Cần Thơ). Các con ông là NSƯT Hữu Danh, NS Hữu Nhi, Kim Nên... đều là nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, thuộc thế hệ thứ ba.
Từ trái qua: NS Hữu Thoại, nhạc sĩ Sáu Vững và NS Thành Tôn - ba nhân vật lãnh đạo Ban hát bội Vân Hạc (1947-1975) - Ảnh tư liệu của NSND Đinh Bằng Phi |
Kiếp ăn đình ngủ ghe
“Ông nội tôi là kép chính, rồi ba tôi cũng là kép chính. Ba tôi kể có lúc ba tôi hát hay hơn, ông nội tôi cũng ganh tị, đòi lại vai...”, NSƯT Hữu Danh bắt đầu nhớ về ba anh như vậy.
Trong ký ức của NSƯT Hữu Danh - người có ông nội và bà cô ruột đều là bầu gánh - thì gánh hát xưa là những người mang kiếp ăn đình ngủ ghe, rày đây mai đó. Khi đi diễn họ thác đâu chôn đó, không tính đến chuyện nhà cửa. Còn khoản ăn chơi hưởng lạc thì họ cũng... “tứ đổ tường”. Hữu Danh kể anh nhớ rất rõ những con thằn lằn trên trần nhà chỗ đặt bàn đèn. Mỗi ngày đúng giờ như boong, những con thằn lằn lại bò ra nằm chờ khói thuốc. Con nào con nấy trắng núc ních.
Trong xã hội xưa, người nghệ sĩ bị xem là “con đào”, “thằng kép”, xướng ca vô loài. Nhưng về nghề, về tổ thì họ rất nghiêm túc. Mỗi năm, đúng vào ngày giỗ tổ, dù đang ở chân trời góc bể nào họ cũng tụ hội về bên bàn thờ tổ, không thiếu một ai.
Người nào theo gánh hát thì ngày làm việc quần quật, tối ngủ dướt đất lạnh không có mền, phải kéo tấm bạt sân khấu đầy bụi đất làm mền. Nếu là con nhà nghệ sĩ thì còn hi vọng chút nâng đỡ, còn không thân thế thì phải hầu hạ, đấm bóp, cơm dâng nước rót... cho thầy mới hi vọng được truyền chút nghề. Có người theo gánh một hai năm được giao cho chút vai lính lệ, đứa ở... đã vui mừng muốn khóc. Hãy nghe tâm sự của NS Năm Lượm khi được giao một vai chính: “Tôi mừng mà nước mắt chảy ròng ròng cứ làm trôi phấn hoài. Tim đập liên hồi, tay run lẩy bẩy... Tới chừng mặc giáp lịnh vào cứ mắc... đi tiểu muốn chết!” (trích Nhìn về sân khấu hát bội Nam bộ, NSND Đinh Bằng Phi). Tình huống thì oái oăm nhưng cái thiêng liêng về nghề thì ai cũng hiểu!
Nhưng điều mà NSƯT Hữu Danh nhớ nhất là ký ức đánh nhau mà ba anh kể lại. Xưa đi hát, gánh hát hay gặp lưu manh du đãng, cường hào ác bá nên Hữu Danh quả quyết: “Cứ ba bữa hát là một bữa đánh lộn”. Trong kiếm, mác đạo cụ của đoàn lúc nào cũng thủ sẵn hai cây giáo thật, hai cây mã tấu thật phòng khi “hữu sự” như vậy.
Một lần gánh hát của ba anh bị chặn trên một cây cầu, một “giang hồ hảo hớn” phanh áo chỉ mâm heo quay bên cạnh nói nếu đánh bại hắn thì được con heo quay, còn nếu thua thì quay đầu đừng hòng vô xã hát. Lúc đó, trong đoàn nhiều người đã xanh mặt! Kép chánh Hữu Thoại nhảy xuống quần với tay anh chị này một hồi, hất được hắn xuống sông thì đoàn mới được “thông quan”.
Trận ác liệt nhất là khi đoàn đang hát ở Vĩnh Long, đám thanh niên địa phương đâm chết người soát vé rồi xông vô đòi phá tan gánh hát. NS Hữu Thoại và người trong đoàn rút gươm giáo chống đỡ. Cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”. Sau trận kinh hoàng đó, anh kép Hữu Thoại trốn lên Sài Gòn lập nghiệp, tránh sự truy bức của đám thanh niên địa phương lẫn nhà chức trách.
Con trai của nghệ sĩ Hữu Thoại - NSƯT Hữu Danh (trái) trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ - Ảnh: H.D. |
Nghệ thuật giờ khó quá!
Hữu Danh kể hồi còn sống ba anh dặn: “Con đừng theo nghề này, bạc lắm!”. Khi NS Hữu Thoại qua đời (1976), có người đồng môn của ông tới nhà thấy gia đình Hữu Danh phải ăn khoai lang chống đói nên đưa anh em Hữu Danh vô khoa hát bội Trường Sân khấu và điện ảnh TP.HCM. Hữu Danh nhớ tiêu chuẩn bao cấp cho sinh viên hồi đó là: kịch nói cấp 16kg gạo/tháng, cải lương cấp 18kg gạo/tháng, hát bội (vì ứ ự à a... tốn sức nhiều hơn) nên được ưu ái 21kg gạo/tháng với hai hộp sữa, 2kg đường. Tiêu chuẩn này đã cứu đói gia đình anh.
Hồi đó khó khăn, bà cô ruột anh trước năm 1975 là bầu gánh hát, hột xoàn đeo 10 ngón tay mà cũng hết.
Trong giới, NS Hữu Thoại và NS Thành Tôn là người có chữ nghĩa nên soạn nhiều tích tuồng. Khi ông chết, kịch bản chất đầy một tủ. NS Hữu Danh kể mẹ anh là người gốc Cần Giờ (TP.HCM), ra chợ bán cá nuôi con. Thời hậu chiến bao cấp thiếu thốn đủ điều, bán cá mà còn thiếu đồ gói cá, bà lanh trí nhớ đến... cái tủ kịch bản của chồng!
Khi anh em Hữu Danh ra trường thì cái tủ kịch bản của NS Hữu Thoại cũng hết. Bây giờ, đã hơn 30 năm trong nghề từ biểu diễn, viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu..., NSƯT Hữu Danh nói mỗi lần nhớ lại cái tủ kịch bản đó anh lại chắc lưỡi ngơ ngẩn: “Tiếc, nhưng cũng không biết làm sao”!
Khi hỏi con anh có ai nối dõi cha, ông nội không, Hữu Danh lắc đầu: “Không, con tôi không đứa nào theo hát bội nữa. Nó còn không quan tâm hát bội là gì!”. Khi hỏi anh có tin vô tương lai hát bội không, Hữu Danh suy nghĩ rồi... lắc đầu! Trung thực và sòng phẳng.
Hữu Danh nói: “Nghệ thuật bây giờ khó quá” !.
“Thu nhập của nghệ sĩ hát bội bây giờ bình quân 2,5 triệu đồng/ tháng. Anh em khó khăn, nhưng rồi quen tính cần kiệm. Phần tôi cộng tiền đạo diễn, tác giả... được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tính ra tiêu xài 200.000 đồng/ngày thì cũng đủ!”.
Giữa đất Sài Gòn, người nghệ sĩ hát bội nhẩm bài toán sinh kế như vậy đó!
Hát bội Nam bộ gắn liền văn hóa tâm linh
“Nghề này buồn mà đam mê. Trên sân khấu thì đam mê, quên hết, nhưng khi nhận tiền công thì... buồn. Được khách nước ngoài hỏi han mình lại thấy tự hào về nghệ thuật dân tộc. Chắc vì vậy mà... sống được!” - cái “mâu thuẫn hai mặt đối lập” của hát bội hôm nay được NSƯT Ngọc Nga, phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, tâm sự như vậy.
Bình quân mỗi nghệ sĩ nhà hát của chị lương tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Đi diễn thì thù lao kép chính độ 150.000 đồng/suất, kép phụ cỡ 100.000 đồng, nhạc công vài chục ngàn. NS Ngọc Nga nói: “Lương anh em bằng công nhân trong khu chế xuất thôi. Còn lại anh em phải kiếm sống bằng nghề tay trái!”.
NS Ngọc Nga cho biết từ nhiều năm nay hát bội không thể diễn bán vé. NS Hữu Lập, 56 tuổi nghề ở đoàn Minh Sen (Vũng Tàu), kể: “Bây giờ lễ hội người ta cũng đòi mời nghệ sĩ tài danh (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng). Họ hát một tiếng thù lao mười mấy triệu, bằng tôi đi hát hơn nửa năm. Hết cải lương là họ rút đi hết, còn lại lơ thơ vài người già xem hát bội. Mà trời ơi, khán giả xem hát bội nhìn rúm ró, khép nép như sở thích của họ có gì... xấu hổ lắm vậy!”.
Hát bội Nam bộ phát triển mạnh nhất thời Tả quân Lê Văn Duyệt ở thành Gia Định (khoảng 1812-1832). Sau năm 1975, hát bội có thời kỳ hoàng kim khoảng 10 năm nữa. Người ta đúc kết rằng hát bội chỉ phát triển khi nó “độc quyền”, không có môn nghệ thuật cạnh tranh.
Cả NS Hữu Danh, Hữu Lập, Ngọc Nga đều nói rằng con cái họ chia sẻ nhưng không muốn theo hát bội như cha mẹ. Họ đã chứng kiến quá nhiều cái khổ của cha mẹ!
Dù hết khán giả, mỗi năm Sở VH-TT&DL TP.HCM ra chỉ tiêu kiếm 500 triệu đồng thì Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đều thu đủ. NSƯT Ngọc Nga cho biết tiền mà đoàn kiếm được là nhờ diễn hợp đồng cho các lễ hội kỳ yên của Nam bộ. Mỗi khi đến lễ hội, những hội đình đứng ra mời đoàn hát bội về làm lễ xây chầu (nghi thức nhạc, bái), lễ đại bội (nghi thức thiên lôi mở cửa trời, thái cực sinh lưỡng nghi, chúc thánh Phúc Lộc Thọ...). Nghi thức này là không thể thiếu. Hát bội bây giờ gắn liền với văn hóa tâm linh dân gian.
Thieulaogia sưu tầm và giới thiệu