Chim Trời Cá nước
Đứng Tim Khi Nghe Bộ GD&ĐT Công Bố Điểm Bài Thi "Kiểm Tra Nhận Thức Cuối Năm" giữa Giáo Sư Võ Tòng Xuân và Nghệ sĩ UT Chí Trung !
Chiều hôm qua (Chủ nhật ngày 20.01.2013), lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quyết định, công khai công bố điểm bài thi "kiểm tra nhận thức cuối năm 2012" của Bộ (môn văn) dành cho 2 thí sinh: một bên là Giáo sư Võ Xuân Tòng và một bên là danh hài, Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung.
Đề bài:
Câu 1: Theo anh chị, thế nào là văn hóa ? Nêu khái niệm về văn hóa truyền thống. (1 điểm)
Câu 2: Thế nào là bản sắc văn hóa? Làm thế nào để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Việt ? (1 điểm)
Câu 3: Có rất nhiều người còn mơ hồ về "tết", không phân biệt được tết tây, tết ta và ý nghĩa của nó. Theo anh chị, tết nào mới là tết mang đậm bản sắc dân tộc, tây hay ta ? vì sao ?. (2 điểm)
Có rất nhiều người còn mơ hồ về "tết", không phân biệt được...
Câu 4: Anh hay chị nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho rằng: cần tổ chức ăn "tết ta" dồn vào "tết tây" vì theo họ ăn tết cùng với "tây" vừa vui, vừa hợp xu thế hội nhập, vừa tạo đà phát triển kinh tế, vừa chống lãng phí, chống lợi dụng tết để quà cáp hối lộ, bài bạc rượu chè hư đốn, tiết kiệm sức khỏe và tiền bạc cho dân chúng... ; Ăn tết "tây" lại vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc ? (6 điểm)
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể chép đề).
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, kết quả bài thi:
- Nghệ sĩ Chí Trung: 9 điểm
- Giáo sư Võ Tòng Xuân: 2 điểm kèm lời phê (về ôn bài, ba tháng sau lên KT lại).
"Một năm có 365 ngày, chúng ta làm tốt 360 ngày, còn 5 ngày nên để dành cho gia đình, cho tổ tiên, cho những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc" - NSƯT Chí Trung phản đối luận điểm ăn tết Ta theo tết Tây của GS Võ Tòng Xuân.
Nghệ sĩ Chí Trung dù sứt đầu mẻ trán vẫn cố bênh vực... "tết" !
Và Giáo sư Võ Tòng Xuân
"Từ ngày ấu thơ, tôi đã nhớ mãi hương vị ngày tết với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, với “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.Hội nhập là xu thế tất yếu của bất cứ một quốc gia nào, và Việt Nam cũng vậy, chúng ta phải mở cửa để đón những luồng tư tưởng mới, những phương cách làm ăn hiện đại.
Nhưng dù có hội nhập thế nào, có tân tiến đến đâu, cái cốt lõi, theo tôi thì chúng ta vẫn cần phải giữ là phong tục tập quán truyền thống ngàn đời, những nét văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc mà cha ông phải mất hàng ngàn năm máu xương gìn giữ.
Trên thế giới chỉ có một Việt Nam, và chỉ có một những nét hồn cốt đặc trưng không trộn lẫn với bất cứ một quốc gia nào ăn sâu bám rễ trong tâm trí mỗi người dân bao đời nay.
Chúng ta xuất phát điểm từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, dù có công nghiệp hóa đến đâu cũng không thể nhổ hết lúa đi để xây nhà cao tầng, không thể để đô thị hóa xâm lấn hoàn toàn nông thôn, để rồi biết đâu từ một nước xuất khẩu lúa gạo chúng ta sẽ trở thành một nước phải đi nhập khẩu lương thực. Tất cả những cái đó chúng ta đều phải trả giá.
Với cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc chúng ta giữ nguyên việc đón Tết như hiện nay, nghỉ Tết dương lịch một ngày và nghỉ Tết âm lịch dài ngày hơn.
GS Võ Tòng Xuân nói rằng việc đón Tết cổ truyền theo dương lịch vừa giữ được tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ, một năm có 365 ngày, chúng ta làm tốt 360 ngày, còn 5 ngày chúng ta để dành cho gia đình, cho tổ tiên, cho những phong tục tập quán truyền thống đẹp đẽ bao đời của dân tộc thì sẽ hợp lý.
Cái đáng bàn hơn ở đây là chúng ta đang lãng phí thời gian bởi không sử dụng nó một cách hiệu quả, tính cách căn cốt của chúng ta là căn cốt người nông dân, chưa thay đổi phong cách làm việc hiệu quả như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nếu có thay đổi thì phải thay đổi tư duy làm việc đó, chứ không phải vài ba ngày nghỉ.
Tôi nghĩ rằng phương Tây họ thích tới Việt Nam du lịch, họ tôn trọng những giá trị và bản sắc riêng của chúng ta khi họ được đi giữa miền Bắc lạnh ngắt chúm chím hoa đào, khi đi giữa phương Nam ấm áp rực rỡ và rợp trời sắc hoa, sắc xuân trong ngày Tết đặc trưng như thế, chứ họ không đến Việt Nam để tìm một cái Tết giống hệt của họ.
Điều thứ hai GS nói là ăn Tết theo dương lịch sẽ ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
Nếu tôi không nhầm, một năm đất nước ta có khoảng 5000 lễ hội, nước ta thuộc diện nước nghèo mà lễ hội nhiều nhất thế giới. Đó mới là cái đáng bàn, chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian cho lễ hội, chứ không phải cho một vài ngày tết.
Văn hóa là tốt, lễ hội nhảy múa hát ca là tốt, kích cầu là tốt nhưng phải biết giới hạn và tiết chế, đó mới là điều nên bàn.
Lễ hội nằm trong tâm mỗi người chứ không phải sự hoành tráng, không phải hình thức bên ngoài. Tất cả chúng ta xuống đồng cấy lúa nước cũng là lễ hội chứ không phải lên chùa nhảy múa tưng bừng mới là lễ hội.
Còn một vài ngày Tết, hãy để người nông dân nghỉ ngơi sau những ngày mùa mệt nhọc với ruộng đồng, với con trâu, cái cày.
Nếu GS Võ Tòng Xuân nói rằng học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành khi chúng ta ăn tết theo dương lịch, thì có lẽ, nhiều người sẽ nghĩ khác.
Nếu có thể, hãy quan tâm tới việc cải cách giáo dục, tôi nghĩ hẳn GS cũng đau xót khi nền giáo dục của chúng ta luôn đi chậm hơn và luôn đi sau thế giới.
Còn một vài ngày nghỉ Tết, hãy để những người sinh viên cả năm miệt mài đèn sách nơi thành phố được háo hức về với gia đình, với làng quê, với những gì thân thuộc, để họ thấy yêu mến hơn nơi mình sinh ra và khi ra đi, sẽ là quyết tâm và hoài bão lớn hơn.
GS cũng nói rằng việc ăn Tết theo dương lịch sẽ giảm tình trạng nhậu nhẹt và đánh bạc, nhưng xin thưa, với những người đã hay nhậu nhẹt và đánh bạc thì ngày nào cũng là Tết, công an vẫn bắt được những ổ cờ bạc lớn cho dù đó là ngày nào trong năm.
Còn nếu đã tận dụng ngày nghỉ để nhậu nhẹt, bài bạc, thì Tết dương hay Tết âm cũng vậy cả, cái này chúng ta nên quy về ý thức của mỗi người, GS khoan lo, vì mỗi người làm chủ thể cho riêng mình, không ai có thể làm hộ được.
Việc chuyển sang ăn Tết theo dương lịch cũng không hẳn chấm dứt nhiều ngày nghỉ lãng phí. Đúng là chúng ta nghỉ tết trong khi đó là những ngày các nước phương Tây vẫn làm việc bình thường, nhưng tôi nghĩ rằng, cái nên bàn là làm sao tăng hiệu suất lao động, làm sao kích thích hạt nhân cảm xúc trong mỗi người phát tác, để dù chỉ làm việc 4 ngày, 5 ngày vẫn bằng hiệu suất 7 ngày.
Một vài ngày Tết để cả gia đình quây quần bên nhau sau một năm mỗi người một phương làm ăn nơi chân trời góc bể, để con cái được ở bên cha mẹ, ông bà, để mỗi người được về lại nơi chôn rau cắt rốn, được thấy lại những phong tục tập quán ngàn đời, được sống trong không khí và hồn cốt thiêng liêng của dân tộc, thì một vài ngày nghỉ, liệu có đáng để bàn?
Tôi nghĩ rằng những lý lẽ mà GS Võ Tòng Xuân đưa ra không sai, tôi tôn trọng những ý kiến đó, nhưng có lẽ GS đưa ra là để chúng ta bàn bạc, cùng đưa ra quan điểm của riêng mình. Và với cá nhân tôi thấy nó chưa phù hợp trong thời đại hiện nay, khi mà mọi thứ đều lao vun vút tăng tốc theo xu hướng hiện đại, chỉ còn những giá trị truyền thống là kéo chúng ta lại với gia đình, với tổ tiên.Ghi chú: Chuyện nằm trong chuyên mục "Tào lao -- Tán Dzóc" do vậy chỉ mang tính tào lao như chính cái chuyên mục đã nói. Đề nghị mọi người "coi xong quên liền" ! Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, tán phát dưới mọi hình thức.
Bài viết trên là của bạn có nick backieuphong đăng trong diễn đàn võ thuật Thiều gia/Tào lao_Tán dzóc, ngày 21/01/2013.