Hình Ảnh
Giải mã vũ công múa trên than ngàn độ C
16/10/2012 09:49 | Phóng sự - Khám phá
Nếu bạn nhúng một ngón tay vào nồi nước sôi thì không khéo chỉ mấy phút sau ngón tay bạn sẽ bị… chín nhừ. Ấy thế mà con người có thể chịu được nhiệt độ trên 100 độ C, thậm chí còn cao hơn nữa.Với bàn chân trần, thậm chí cả cơ thể để trần, họ điềm nhiên, chậm rãi đi trên than hồng có sức nóng đến 1000 độ C, mà không bị bỏng hay cảm thấy đau đớn. Những người này phải chăng có sức mạnh siêu nhiên hay sở hữu kỹ thuật phi thường nào đó?
Những người ham “đùa với lửa”
Tại ngôi làng Brodilovo ở dãy núi Strandzha, các vũ công Nestinari người Bulgaria thường xuyên trình diễn một nghi lễ cổ xưa bằng cách nhảy múa với bàn chân trần băng qua đống than củi đang cháy đỏ.
Điệu múa thường bắt đầu sau khi mặt trời lặn và một đống lửa lớn được đốt lên. Khi lửa đã tắt và chỉ còn lại than hồng thì các vũ công Nestinari đi chân trần qua than hồng và nhảy múa theo tiếng nhạc rộn ràng của những người đánh trống và những người thổi kèn túi.
Các màn trình diễn trên than lửa như vậy không phải là trò ảo thuật kiếm tiền trên đường phố mà là một giáo lễ nghiêm túc của không ít dân tộc trên thế giới. Màn trình diễn đầy màu sắc thần bí này đã xuất hiện trong nhiều nghi lễ tôn giáo từ hàng nghìn năm trước.
Theo lược sử cách đây khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, màn trình diễn trên than lửa này có tại Ấn Độ. Một trong nghi lễ quan trọng nhất của lễ tế thần Khatalaza của đạo Hindu ở Sri Lanka, là đi trên lửa. Khả năng “chịu lửa” của người dân ở đây được chia làm ba hạng tùy theo mức độ chịu lửa của bản thân.
Vũ công nhảy chân trần trên than - Sri Lanka
Nhảy trên than hồng của người Pà Thẻn - Việt Nam
Hạng 1 là những người có thể dùng tay trần bê một chậu sành nóng 300 độ C để trao tay cho một vị sư già, nếu tay không bị bỏng thì người đó được coi là người tốt. Hạng thứ 2 là người có thể vừa chạy vừa nhảy hoặc dùng cả tứ chi bò trên con đường lửa dài 9m, rộng 3m. Nếu thân thể không bị thương tích thì sẽ trở thành thánh nhân và được mọi người tôn kính.
Cuối cùng, hạng 3 là những người đã được phong thánh nhân của năm trước. Họ không những có thể đi chân đất trên 12 miếng sắt nung đỏ mà còn có thể nuốt và thổi được lửa...
Không chỉ có thể đi trên lửa, một số người còn có khả năng chế ngự ngọn lửa. Cuốn biên niên sử ghi được trường hợp của đức thánh Polikar Smirxki. Năm 155 trước Công nguyên, Smirxki bị kết tội đưa lên giàn hỏa thiêu nhưng lạ thay, lửa đã sợ và không hề bén vào đức thánh.
Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Klari tại Pháp vào thế kỷ 18. Nhiều người tận mắt chứng kiến cuộc hành quyết kể lại cả thân hình và thậm chí quần áo của Klari còn nguyên vẹn cho tới cuối cùng khi ngọn lửa rụi tắt.
Năm 1930, một người Ấn Độ tên là Kuda Bux và 2 người Anh đã biểu diễn đi bộ 12 bước bằng chân trần trên đống than nóng đỏ. Một cuộc kiểm tra khác được tiến hành sau đó với một người đàn ông có tên là Ahmed Husain.
Tất cả kết quả cho thấy, họ đều đi qua bãi than nóng đỏ bằng chân trần mà không hề bị tổn thương. Kỷ lục thế giới đi trên than nóng đỏ lâu nhất được lập năm 1998 tại Trường Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ). 15 người đã đi 165 bước (khoảng 52m) trên than hồng mà không ai bị bỏng.
Sức mạnh từ niềm tin?
Nhiều người cho rằng, khi nhảy múa trong lễ hội, các tín đồ rơi vào không gian ảo của niềm tin tôn giáo và nghi lễ khiến người ta không cảm thấy là chân mình bị lửa đốt. Ngay cả hai giáo sư người Bungaria Armaudov và tiến sĩ Govalova cũng có đồng quan điểm như trên.
Họ có chung giải thích: “Sự tin tưởng tuyệt đối là sẽ không bị bỏng cộng với điệu nhảy tốc độ là bí quyết của việc đi trên thảm lửa”. Các chuyên gia Đức còn xác định chính xác được nhiệt độ mà đôi chân trần phải chịu trong một lần tổ chức lễ hội của thổ dân đảo Fiji. Lúc cao nhất, nhiệt độ dưới bàn chân người nhảy múa lên tới 80oC trong khi than nóng 330 độ C.
Theo quan điểm này thì tai nạn bỏng, bị thương tích thực ra là một hiện tượng phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý. Chính sự tin tưởng tuyệt đối ở những người cuồng tín có thể đã giúp họ không bị bỏng khi nhảy múa trên đống lửa.
Lửa không cháy được phụ nữ ngoại quốc...
Và cũng không thể hư chân đồng bào Pa Thẻn - Việt Nam
Thông thường giây phút nhảy múa trên đống lửa được tổ chức sau khi mọi con chiên đã bước vào giai đoạn lâng lâng, rơi vào thế giới hư ảo, tâm lý bị “say”. Trong những lúc thần kinh rơi vào tình trạng bị kích động, xung quanh cơ thể sẽ xuất hiện một trường vật chất đặc biệt.
Chưa ai tìm hiểu được các tính chất vật lý của trường này ra sao nhưng nó có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sức nóng của ngọn lửa. Có thể trường vật chất đặc biệt đã làm cho thời gian trong cơ thể chạy nhanh hơn và vì thế khả năng tỏa nhiệt cao hơn hấp thụ nhiệt nên những phần được trường bao bọc rất kỵ lửa.
Có thể lý giải bằng khoa học
Bắt đầu từ những năm 1930, các nhà khoa học Anh đã bắt tay vào nghiên cứu hiện tượng kỳ bí này. Một hội đồng nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra.
Tài liệu về các cuộc kiểm tra này đã được công bố rộng rãi, trong đó khẳng định: không có một năng lực siêu nhiên thần bí nào ở đây cả, hiện tượng đi trên than lửa mà không bị bỏng hoàn toàn có thể lý giải bằng khoa học. Bí quyết là cách thức di chuyển làm sao cho thời gian tiếp xúc với than nóng là ngắn nhất.
Giáo sư vật lý David Willey (Mỹ) - người đã lập kỷ lục đi trên lửa với nhiệt độ lên tới 982,2oC, sau chính những trải nghiệm của mình cho biết: tất cả là nhờ vào sự nhanh nhẹn của đôi bàn chân.
Theo ông, một vật được coi là nóng hay không nóng không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ của nó. Than hồng có thể đạt đến 700oC nhưng vẫn không nướng chín gan bàn chân người vì nó dẫn nhiệt rất kém. Phải mất 2 giây tiếp xúc nó mới truyền sang bàn chân bạn 60oC và bắt đầu nóng lên.
Thứ nhất, khi đốt than củi cho cháy hết lửa ngọn, chỉ còn lại than hồng, thì những cục than này gần như chỉ chứa carbon. Nếu bạn cầm một cục than này lên bạn sẽ thấy nó rất nhẹ. Carbon là một nguyên tố rất nhẹ (vì vậy mà các đồ dùng là từ sợi carbon cũng rất nhẹ như khung xe đạp hay vợt tennis), và quan trọng hơn là chúng dẫn nhiệt kém. Phải mất một lúc lâu để nhiệt độ truyền từ cục than sang da của bạn.
Thứ hai, lớp tro bao quanh than là một chất cách nhiệt rất tốt (người ta thường dùng tro để cách nhiệt cho các thùng nước đá); và than được bọc trong tro cách nhiệt sẽ truyền nhiệt chậm thêm một bước nữa.
Thứ ba, trò này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mặc dù quá trình truyền nhiệt từ than qua lớp tro khá chậm nhưng nó vẫn diễn ra, vì vậy nếu bạn đứng yên trên đống than này vài giây thì sẽ không tránh khỏi bị bỏng. Nếu bước đi thật nhanh thì nhiệt độ sẽ không kịp truyền đến da và do đó bạn sẽ không bị bỏng.
Ông cũng giải thích thêm, nhiệt lượng được truyền theo ba cách: đối lưu, bức xạ và dẫn nhiệt. Trong đó, dạng đối lưu và bức xạ chỉ xảy ra với chất lỏng, tia sóng. Như vậy, khi con người đi trên than hồng, việc truyền nhiệt giữa than nóng và bàn chân thuộc dạng dẫn nhiệt. Đó là sự tiếp xúc trực tiếp giữa các tế bào da chân và than nóng.
Nhưng giữa hai yếu tố này còn có một chất cách nhiệt khác là lớp than chì và gỗ (chưa cháy), trong đó than chì có khả năng cách nhiệt cao gấp 4 lần gỗ ướt. Khi di chuyển nhanh, thời gian tiếp xúc giữa bàn chân và than nóng sẽ rất ngắn, nhiệt lượng truyền theo dạng tiếp xúc sẽ rất thấp, vì thế bàn chân sẽ không bị tổn thương.
Nhờ có những giải thích khoa học trên mà từ những năm 80 thế kỷ trước, ở Mỹ và một số nước nảy sinh dịch vụ làm ăn mới đó là mở các trường đào tạo đi trên lửa. Trường Nghiên cứu và Đào tạo đi trên lửa (Fire) đầu tiên do Tolly Burkan, một chuyên gia về ảo thuật người Mỹ sáng lập.
Chính Burkan đã phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới để đi trên than lửa và tập hợp lại thh một giáo trình để hướng dẫn mọi người. Sau 30 năm hoạt động, Trường Fire của Tolly đã thu hút khoảng 3 triệu người tham gia và đã cấp chứng chỉ cho 2.000 học viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Học viên của ông đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già.
Tuy nhiên, trẻ em chỉ được tham gia lớp quan sát hoặc lý thuyết, không thực hành. Tolly cho rằng, đi trên than nóng là một môn rèn luyện tinh thần rất tốt. Bên cạnh việc rèn luyện thể lực (bằng cách tập đi bộ, tập các môn hỗ trợ khác), bình tĩnh, tự tin, nó giúp người thực hành vượt qua sự sợ hãi của chính bản thân. Tuy nhiên, đây là một trò quá mạo hiểm, chúng ta không thể xem thường tính mạng.
Theo ANTĐ