Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại
Cái chết âm thầm của trùm du đãng Bảy Viễn
Trong lịch sử nước ta, chưa có tay giang hồ hảo hán nào được như Bảy Viễn. Cuối thập niên 50, Bảy Viễn được phong hàm trung tướng và được bổ nhiệm chức vụ …giám đốc nha cảnh sát đô thành.
Bảy Viễn, tức Lê Văn Viễn, sinh 1904, năm có trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử Nam Bộ. Nơi sinh là Phong Được, quận Cần Giuộc, Chợ Lớn, nay thuộc quận 8, TP.HCM. Số phận Bảy Viễn gắn liền với thời kỳ lịch sử phức tạp lúc bấy giờ nên ông ta cũng là nhân vật lịch sử phức tạp…
Song dù đánh giá thế nào thì Bảy Viễn vẫn là trùm du đãng, kể cả lúc theo Việt Minh lẫn theo Pháp, Bảo Đại. May mắn lớn nhất của Bảy Viễn là không bị chết bởi súng đạn, gươm đao hay nhà tù như những tay trùm du đãng khác mà thôi.
Chân dung Bảy Viễn
Kẻ mang dòng máu giang hồ
Là con của một gã Hoa kiều gốc Triều Châu, Bảy Viễn vào tù khá sớm.
Năm 17 tuổi, y ăn trộm xe đạp, tài sản có giá trị rất lớn lúc bấy giờ nên bị đi tù. Những ngày trong tù, Bảy Viễn thọ giáo với nhiều đàn anh nên khi ra tù, không còn là tên ăn cắp nữa mà trở thành tên du đãng, lưu manh.
Bảy Viễn học hết tiểu học trường làng rồi đi bụi đời, học võ. Mình xăm hình con rồng màu đỏ ở lưng, đầu rồng ở sau cổ, đuôi rồng xuống tới hậu môn. Hai vai, xăm hình đầm ở truồng, đầu rắn xăm ở đầu dương vật. Vì xăm mình rất đau, dùng kim đâm cho chảy máu rồi lấy mực tàu trét vào, cho nên những người chịu nổi thì thuộc về tay anh chị.
Với thân hình lực lưỡng, cao 1,7 m, Bảy Viễn trở về từng bước leo lên “chiếu trên” trong giới giang hồ. Bằng nắm đấm, dao mác, súng đạn, con đường “hoan lộ’ của Bảy Viễn trở nên thênh thang.
Năm 1927, 23 tuổi, Bảy Viễn được ông chủ sòng bài tuyển làm nhân viên gác cửa. Vài hôm sau ông chủ này phải hối hận vì bị Bảy Viễn nện cho một trận. Kết quả Bảy Viễn phải đi tù 2 tháng.
Ra tù lần này, Bảy Viễn đã có số má nên bỏ hẳn những vụ cướp, va chạm lặt vặt. Bảy Viễn quy tụ bạn bè, đàn em, tổ chức thành băng đảng, tham gia nhiều vụ cướp kinh thiên động địa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1936 , Bảy Viễn chỉ huy vụ cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, thu được trên 6.000 đồng, số tiền cực lớn thời bấy giờ, tương đương 30.000 giạ gạo. Ngày 28/8/1936, bị kết án 12 năm khổ sai, đày đi Côn Đảo .
Thụ án được 4 năm, Bảy Viễn vượt ngục về đất liền, tổ chức vụ cướp ở xưởng mộc Bình Triệu. Lại bị bắt. Tòa tuyên 12 năm tù cộng với 8 năm của án trước, tổng cộng là 20 năm.
Trong lịch sử của nhà tù Côn Đảo, chỉ khoảng 10 vụ vượt ngục thành công. Riêng Bảy Viễn đã vượt 3 lần về đất liền thành công! Trong chuyến vượt ngục lần thứ hai, trên bè có Mười Trí, Bảy Viễn,Tư Nhị và Năm Bé.
Vào một buổi sáng, 4 người kết nghĩa huynh đệ, lấy nước tiểu uống thay máu đào. Mười Trí làm đại ca, Bảy Viễn là nhị ca, Năm Bé làm tam ca, Tư Nhị là Út ca.
Trở về đất liền lần này Bảy Viễn như rồng thêm cánh, hổ thêm nanh, đã thực hiện những vụ cướp kinh thiên động địa khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh như đánh cướp tiền của chủ đồn điền Dầu Tiếng ngay tại cửa Văn phòng đồn điền, cướp tiệm vàng Kim Khánh…
Bảy Viễn lại bị cảnh sát truy bắt, đày ra Côn Đảo. Y lại tổ chức vượt ngục, trở lại đất liền.
Số phận hay thời cuộc
Bảy Viễn trở về đất liền vào đúng thời điểm lịch sử sôi động. Thực dân Pháp theo chân quân Anh trở lại gây hấn, quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu.
Chiến tranh nổ ra giữa chính quyền Việt Minh non trẻ và thực dân Pháp – Anh. Thời gian đầu Bảy Viễn đưa đám đàn em dưới trướng tham gia bộ đội Bình Xuyên. Nhưng không lâu sau, được trung tá Savani, phòng nhì Pháp móc nối, Bảy Viễn đưa quân về Sài Gòn hợp tác với chức vụ đại tá.
Thời gian sau do tích cực làm tay sai cho Pháp, Bảy Viễn được Bảo Đại phong chức thiếu tướng!
Được một quân sư Ba tàu chỉ đường, Bảy Viễn hối lộ vua Bảo Đại nhiều tiền để được chức đô trưởng cảnh sát công an Sài Gòn – Chợ Lớn.
Có chức có quyền trong tay, Bảy Viễn thâu tóm, mở rộng Đại Thế Giới (Casino Grand Monde), Kim Chung (Tiếng chuông vàng-Casino Cloche d’Or). Thủ tướng Trần Văn Hữu không ký quyết định mở rộng Đại Thế Giới, nhưng Bảo Đại ký.
Đứng đầu chính quyền bù nhìn, Bảo Đại mời một số chính khách lên biệt điện Đà Lạt để bàn thảo về việc chọn một tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam.
Trong các nhân vật được quốc trưởng đề cử, có tên Bảy Viễn. Thủ hiến Trung phần, dược sĩ Phan Văn Giáo, là người đả kích Bảy Viễn hơn ai hết. Không may cho ông, do ông chê bai Bảy Viễn trước mặt đại diện Lai Hữu Sang. Sang điện khẩn cho Bảy Viễn báo cáo toàn bộ sự việc.
Bảy Viễn tức sôi máu, nhảy lên chiếc Jaguar, chạy một mạch lên Đà Lạt, xông thẳng vào khách sạn Langbian, nơi có quan khách đến ở dự phiên họp với quốc trưởng, Bảy Viễn lớn tiếng hỏi Sang:
- Phan Văn Giáo là thằng nào mà dám nói xấu Bảy Viễn nầy?
Một người bồi nhanh chân báo động, Phan Văn Giáo trốn ra cửa sau, đón taxi lên biệt điện cầu cứu với Bảo Đại. Bảy Viễn và Sang phóng xe lên biệt điện. Lúc này Phan Văn Giáo đã trốn biệt. Bảo Đại phải đứng ra dàn xếp.
Ngô Đình Diệm và tướng Bình Xuyên – Bảy Viễn. Ảnh tư liệu
Dù chết hụt, nhưng Phan Văn Giáo vẫn tiếp tục công kích Bảy Viễn:
“Không hiểu quý ngài nghĩ thế nào, chớ riêng tôi, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu một tướng cướp được chọn để giao chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trước đây, Đại Thế Giới do ông Lâm Giống, người gốc Ma Cau thầu khai thác. Để buộc Lâm Giống phải giao Đại Thế Giới lại cho mình, Bảy Viễn không ngần ngại sai đàn em ném lựu đạn vào sòng bạc Kim Chung, làm thiệt mạng 60 người. Rồi còn bắt cóc những người trong ban giám đốc để tống tiền.
Các ngài có biết không, khi nhậm chức cầm đầu ngành cảnh sát Sài Gòn Chợ Lớn, Bảy Viễn liền cho lập xóm Bình Khang, một nhà chứa khổng lồ hoạt động công khai, phục vụ binh sĩ”.
Ngày tàn của Bảy Viễn
Người Pháp bị thua sau trận Điện Biên Phủ, buộc phải rút lui cho Mỹ vào. Tháng 6 năm 1954, Ngô Đình Diệm được người Mỹ đưa về nước, từng bước thay Bảo Đại. Ông Diệm đã dẹp hết các sòng bài, nhà thổ của Bảy Viễn.
Bảo Đại và Bảy Viễn tức lắm. Bảo Đại và Bảy Viễn đã tổ chức âm mưu lật đổ thủ tướng Diệm, đưa Bảy Viễn lên làm thủ tướng nhưng bất thành. Quân Bình Xuyên tấn công quân đội quốc gia do Ngô Đình Diệm làm thủ tướng.
Kết quả, quân Bình Xuyên bị đánh thua tan tác, phải rút về căn cứ rừng Sác. Tướng Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu truy quét vào rừng Sác, Bảy Viễn thua trận.
Nhờ người Pháp ra tay cứu, Bảy Viễn đến Pa-ri ngày 7/11/1955 âm thầm, không kèn không trống. 3 bà vợ và con trai là thiếu tá Lê Paul bị kẹt ở lại và bị Ngô Đình Nhu tống giam. Năm 1956, Lê Paul bị cảnh sát bắn chết. Bảy Viễn nghe tin đau đớn tột cùng.
Từ tay không bước lên vinh quang tột đỉnh, sống trong nhung lụa bằng con đường trộm cướp, chém giết như một giấc mộng. Qua tới Pháp, Bảy Viễn bước ra khỏi giấc mộng đó, chết âm thầm nơi xứ người trong cô đơn, nghèo đói! Đó là năm 1970…