Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại
Phóng sự - Ký sự : Hà Nội - 12 ngày đêm dưới mưa bom
Theo báo Tuổi Trẻ thứ Ba, 18/12/2012
Hà Nội - 12 ngày đêm dưới mưa bom - Kỳ 1:
Với mục đích ép Hà Nội chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều kiện của Mỹ, cách đây đúng 40 năm, vào đêm 18-12-1972, tổng thống Nixon ra lệnh mở màn chiến dịch Linebacker II với thời hạn ba ngày, nhằm vào các mục tiêu quanh Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng trên thực tế chiến dịch kéo dài đến 12 ngày đêm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang duyệt phương án đánh B.52
Sẵn sàng tiếp đón khách
Đây gần như là một cuộc biểu dương lực lượng vũ khí hiện đại nhất, được mang ra đối phó với một nước VN còn chưa phát triển. Vì vậy mà Nixon ung dung đi nghỉ Giáng sinh và chờ tin chiến thắng. Nhưng họ chẳng bao giờ hiểu được Hà Nội đã chuẩn bị cho những ngày khốc liệt nhất của chiến tranh như thế nào.
“Cuộc đón tiếp lịch sự” bắt đầu!
TT - Năm 1972, chàng phi công Nguyễn Đức Soát - người sau này là anh hùng lực lượng vũ trang tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân, mới 26 tuổi. 26 tuổi nhưng anh đã kịp bắn rơi sáu máy bay Mỹ.
Hà Nội đã sẵn sàng đón khách
Trong đó có năm chiếc chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-1972, và là đại đội trưởng đại đội chiến đấu chủ lực của đoàn không quân Yên Thế, một đơn vị mà chỉ nhắc đến tên, những người bay, đã sống dậy cả một niềm tự hào của bầu trời.
Người Mỹ đã sử dụng pháo đài bay khổng lồ B-52 để trút mưa bom xuống Hà Nội - Ảnh: USAF |
Nguyễn Đức Soát ghi nhật ký từ năm 1964, và cuốn nhật ký thời chiến của ông dừng lại đúng ngày cuối cùng của năm 1972. Hầu như không ngày nào ông quên ghi nhật ký. Cuốn nhật ký được nhét gọn trong túi áo bay, theo ông khắp các sân bay dã chiến miền Bắc: Đa Phúc, Kép, Gia Lâm, Thọ Xuân, Vinh, Hòa Lạc...
Nhật ký một phi công
“Đêm 18-12-1972
Hồi kẻng báo động sơ tán đầu tiên lúc 7 giờ đã làm hơi men cuối cùng của buổi liên hoan với C9 trong mình bị bay ra hết.
Có cảm giác đêm nay sẽ ác liệt. Ban chiều trong hội nghị các đại đội trưởng và chính trị viên toàn trung đoàn, đồng chí phó chính ủy đã thông báo về cuộc đàm phán ở Paris bị bế tắc. Bọn Mỹ không chịu ký kết, vẫn âm mưu đình chiến trên thế mạnh.
Thế nào chúng cũng “gây sức ép tối đa” với ta. Con chủ bài cuối cùng của bọn Mỹ là B-52 đã liều lĩnh bay ra ném bom Hà Nội. Bây giờ đã hơn 12g đêm mà cả hầm mình không đứa nào ngủ được. Từng vầng lửa bừng lên ở phía Hà Nội. Sau khoảng nửa phút là từng tràng bom nổ rung chuyển cả hầm. Tiếng bom B-52 nghe rền rền như nghe từng hồi trống để sát tai mà gõ.
Đợt đầu tiên, bọn Mỹ dùng A6, A7, F.111 đánh hết các sân bay của mình. Yên Bái, Hòa Lạc, Kép, Gia Lâm, Vĩnh Phú, Miếu Môn rồi Kiến An nữa. Sân bay mình bị ba dải B-52.
Bọn bạn bay đêm ở trung đoàn 921 cất cánh. Nhiễu lần mờ hết rađa. Bọn F4 bắn tên lửa tới tấp vào chúng. Trong tiếng bom, tiếng súng loạn xạ sáng trời, ông Cung bay từ Hòa Lạc về đây hạ cánh sau khi đánh không được. Bom đầy sân mà ông hạ được. Phục nhất là thằng Tuân hạ cánh. Hệ thống đèn hiệu ở sân bay hỏng hết. Mây thấp. Dầu hết. Đang không tìm thấy sân bay thì một chiếc B-52 bị tên lửa bắn cháy lao xuống, soi sáng cả một khoảng lớn.
Thế là nó lao xuống hạ. Chạm đất, máy bay bị rơi vào mấy hố bom, cứ nhảy lên, nhảy xuống. Cuối cùng máy bay lật ngửa, lăn kềnh trên cỏ. Nó đu chân đạp vỡ nắp buồng lái chui ra.
Phi công Nguyễn Đức Soát
Chỉ riêng hành động ấy cũng đáng được tặng thưởng huân chương rồi. Ban nãy lúc 9g, chúng mình đùa nó như thế!
Đêm nay, bao nhiêu đồng bào mình bị hi sinh vì bom đạn giặc Mỹ. Nằm đây mà lòng nôn nao, bứt rứt...”.
Tướng Soát nhỏ nhẹ nói: “Tôi vẫn giữ cuốn nhật ký thời chiến của mình. Không có gì đặc biệt đâu, chỉ là những ghi chép hằng ngày của một phi công trẻ. Trong 12 ngày đêm đối mặt với B-52, tôi chỉ có một ngày không ghi chép: đêm Noel, Mỹ không đánh Hà Nội, và chúng tôi chuyển quân”.
Hà Nội không bất ngờ
Từ năm 1962, khi quyết định thành lập lực lượng phòng không và bổ nhiệm tướng Phùng Thế Tài làm tư lệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với vị tư lệnh mới: “Các chú giờ chỉ có pháo cao xạ, chưa làm gì được B-52 đâu. Ngay từ bây giờ các chú phải tìm hiểu, nắm vững, tìm cách đánh B-52 vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa nó vào chiến trường VN”. Lời tiên tri báo trước 10 năm và bộ đội VN có 10 năm để chuẩn bị chiến đấu trên bầu trời Hà Nội.
Tháng 8-1965, Mỹ bắt đầu đưa máy bay vào yểm trợ các cuộc hành quân của quân đội Mỹ và Sài Gòn trên chiến trường miền Nam. Cũng năm 1965, VN có trung đoàn tên lửa SAM2 đầu tiên.
Năm 1966, Mỹ đưa B-52 ném bom rải thảm khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình. Ngay năm đó, Quân chủng phòng không - không quân đã đưa nhiều đơn vị: tham mưu, rađa, tên lửa, không quân vào chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Bình tìm cách phát hiện và đánh B-52.
Trong năm 1972, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ thị cho sư đoàn phòng không 361 lần lượt đưa 1-2 trung đoàn tên lửa vào đường Trường Sơn để tiếp cận, nghiên cứu mức độ gây nhiễu điện tử của B-52. Các đơn vị tên lửa sau khi vào Trường Sơn và Bắc Quảng Trị đã tổng hợp các ghi nhận về chiến thuật chống B-52 của tên lửa phòng không SAM-2.
Các ghi nhận này đã được đúc kết thành cuốn “cẩm nang bìa đỏ” rất nổi tiếng sau này của Quân chủng phòng không - không quân. Vào tháng 10 năm 1972, cuốn cẩm nang này được phát cho tất cả các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu luyện tập phương án đánh B-52.
Hà Nội không bất ngờ và không hề run sợ.
Hà Nội không bất ngờ và không hề run sợ
“Cuộc đón tiếp lịch sự của Mỹ”
Ông Lưu Văn Lợi, thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ, kể lại: “Kissingger rời Paris ngày 13-12-1972 thì ngày 14 phái đoàn ông Lê Đức Thọ cũng rời Paris. Trên đường từ Paris về Hà Nội, chúng tôi còn phải qua Matxcơva (ngày 15) và Bắc Kinh (ngày 17) để tiếp dầu.
Bay ngang bầu trời Bắc Kinh, chúng tôi nhận được thông tin: “Có hoạt động của B-52 ở Utapao - Thái Lan và Guam - ngoài khơi Thái Bình Dương”. Máy bay xuống sân bay Gia Lâm khoảng hơn 6g chiều. Ông Lê Đức Thọ yêu cầu chúng tôi đừng về thăm nhà vội, mà cắm trại tại số 6 Nguyễn Cảnh Chân (nhà riêng ông Thọ, lúc này con cháu cũng đi sơ tán hết, chỉ còn bà ở nhà đợi ông về).
Khoảng hơn 1 giờ sau thì B-52 đánh. Trời đất sáng rực vì tên lửa và cao xạ bắn lên, đất rung ầm ầm, mảnh đạn rơi vào sân nhà, vào vườn rào rào. Chúng tôi không xuống hầm dù mỗi người đều có hầm cá nhân ở trong vườn. Hết đợt bom lại lên”.
Ông Lưu Văn Lợi nhớ lại: khi quay lại bàn đàm phán ở Paris, ông Lê Đức Thọ đã rất nhẹ nhàng và mỉa mai khi nói chuyện với Kissinger và giới ngoại giao ở Paris: “Mỹ đã đón tiếp khi tôi trở về Hà Nội “hết sức lịch sự”...
“Cuộc đón tiếp lịch sự” đó bắt đầu vào lúc 16g30 ngày 18-12-1972, khi Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam thông báo: máy bay B-52 đang trên đường bay từ đảo Guam đến Việt Nam.
17g toàn Quân chủng phòng không - không quân đã hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu.
18g30 trạm rađa 12 trung đoàn 290 ở Quảng Bình và trạm rađa 16 trung đoàn 291 ở Nghệ An phát hiện có nhiều máy bay ném bom B-52. Tiếp đó, trạm rađa 45 trung đoàn 291 ở Nghệ An khẳng định: “B-52 đang bay tới hướng Hà Nội”.
19g15, lệnh báo động Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh trên miền Bắc.
Trận “Điện Biên Phủ trên không” bắt đầu.
THU HÀ - TUỆ HUYỀN
Kỳ tới: Khi SAM-2 lên tiếng...
____________
Theo báo Tuổi Trẻ thứ Tư, 19/12/2012
Kỳ 2:
Khi SAM-2 lên tiếng
TT - Đêm 18 rạng sáng 19-12-1972 là một đêm trăng mờ, còn hai đêm nữa là đến rằm. Dù đã chuẩn bị tất cả cho cuộc chiến và sẵn sàng hi sinh cho chiến thắng vì danh dự và lòng tự hào dân tộc, nhưng người lính vẫn không khỏi hồi hộp và đau xót.
“Cuộc đón tiếp lịch sự” bắt đầu!
Tên lửa Sam-2 Ảnh tư liệu |
Đêm ray rứt của Phạm Tuân
Anh hùng Phạm Tuân, lúc đó 25 tuổi, là phi công Mig-21 bay đêm. Ông nhớ lại:
“...Đêm 18-12 tôi trực chiến đấu ở sân bay Đa Phúc (Nội Bài bây giờ). Hơn 19g thì có lệnh báo động, tôi nhảy vào buồng lái. Đêm ấy có trăng, nhìn qua lớp mây mỏng tôi thấy bóng một chiếc máy bay bay thấp.Tôi hỏi đài chỉ huy: Máy bay nào bay vào? Chưa nghe thấy trả lời thì bom đã nổ ngay trước mặt. Tôi nói: “Địch đánh sân bay rồi! Bom nổ ngay trên đường băng!”.
Tôi được lệnh cất cánh. Dưới đất pháo cao xạ quanh sân bay bắn lên mù mịt. Tôi kéo luôn độ cao, bay qua Hà Nội luôn (trước đây không bao giờ được phép làm thế vì Hà Nội là vùng cấm không quân bay), rồi sang Hòa Bình.
Chỉ huy báo B-52 vào đến Hòa Bình rồi nên tôi được phép vứt thùng dầu phụ, kéo độ cao. Bay qua Hòa Bình thì phát hiện được một tốp B-52. Lần đầu tiên thấy B-52 bật đèn, xung quanh cả bầy F4 cũng bật đèn. Đông quá, chúng phải nhận nhau qua tín hiệu đèn. Sở chỉ huy cho phép công kích. Tôi kéo cao lên nữa và bật radar. Phát hiện sóng radar của máy bay ta, chúng gây nhiễu rồi tắt đèn luôn.Tôi không nhìn thấy gì nữa. Đài chỉ huy cứ thông báo địch bên phải, địch bên trái... Cả đàn F4 quần nhau với tôi cho đến khi đồng hồ báo sắp hết dầu, tôi phải bay về Đa Phúc hạ cánh.
Cả bầu trời Hà Nội lúc ấy sáng rực lên vì tên lửa và cao xạ bắn B-52. Khi tôi về đến Đa Phúc thì cũng là lúc chiếc B-52 đầu tiên rơi xuống Phù Lỗ, cháy ngùn ngụt. Tôi lượn thêm một vòng, dầu hết... Tôi bắt buộc phải hạ cánh tự động xuống Đa Phúc không đèn chiếu.Vừa tiếp đất đầu đường băng thì nhảy luôn vào hố bom, rầm một cái, máy bay nâng lên rồi nghiêng, lật, cuối cùng lộn đầu xuống đất, đuôi chổng lên.Tôi đập buồng lái chui ra. Máy bay đã hỏng hết. Xung quanh bom vẫn nổ. Anh em cầm loa gọi tên tôi: “Tuân ơi, ở đâu?”.
Trong trận đầu đánh B-52, phi công Mig-21 chúng tôi - “quả đấm thép”, đã không đánh được. Cứ đòi đi đánh ngày mãi, đến lúc nó vào, đúng sở trường đánh đêm thì không đánh được. Chúng tôi cực kỳ căng thẳng và ray rứt...”.
“Tôi lấy tính mạng tôi bảo đảm với Tổ quốc!”
Ông Vũ Xuân Vinh, lúc ấy 49 tuổi, tham mưu phó Quân chủng phòng không - không quân, kể lại:
“...Quân chủng phòng không - không quân được lệnh sẵn sàng chiến đấu từ ngày 17-12. Ngày 18-12 tôi trực chỉ huy cùng với anh Nguyễn Quang Bích, tư lệnh phó quân chủng. Hơn 10g sáng, hai chiếc máy bay không người lái vào trinh sát Hà Nội, sau đó là một chiếc RF-4C vào trinh sát khí tượng. Rõ ràng Mỹ chuẩn bị đánh lớn. Anh Bích và tôi nhận định: phải 7 tiếng sau nó mới hành động, tức là khoảng 6g tối. Chắc chắn nó đánh Hà Nội.
Tôi phát lệnh toàn quân chủng: 17g sẵn sàng chiến đấu cấp 1. 18g30, tổng trạm radar báo đã thu được nhiễu B-52. Sau đó thông báo từ đại đội 45, trung đoàn 291: “B-52 đang trên đường bay hướng Hà Nội”. Tôi phải hỏi lại: “Các đồng chí có chắc chắn không? Các đồng chí phải chịu trách nhiệm về báo cáo của mình”. Đầu dây bên kia khẳng định chắc chắn”.
Nhưng “đầu dây bên kia” là ai? Đó chính là đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, nay đã thành đại đức Thích Chánh Tuệ. Đại đức đang chủ trì xây dựng một thiền viện trên Sa Pa, không còn muốn nói nhiều về chuyện trần thế. Nhưng Đại đức - Đại đội trưởng năm ấy - không giấu được xúc động khi nhớ lại những khoảnh khắc khó quên của một đời người:
“Tôi còn nhớ chính xác là 18g37, đài P12 báo nhiễu. Mà nhiễu nặng lắm, trắng xóa màn hình. Tôi linh tính: B-52 rồi, quyết định cho mở P35 luôn. P35 là máy hiện đại nhất mà ta có lúc bấy giờ, do Liên Xô viện trợ. Quy trình là mở P35 phải báo cáo và chờ lệnh từ trung đoàn, mất 7 phút, thế thì B-52 vào đến đâu mất rồi. Nhờ vậy, chỉ 2 phút sau, P35 đã thông báo có máy bay B-52 xuất hiện. Tôi báo cáo chỉ huy sở tốp đầu tiên. Tổng cộng chín tốp B-52, mỗi tốp ba chiếc. 27 chiếc B-52 đánh vào Hà Nội”. Tôi cho đánh chín lần tín hiệu “ba chiếc B-52 đánh vào Hà Nội”. Chỉ huy quân chủng gọi điện thẳng cho tôi: “Anh bảo B-52 đánh vào Hà Nội? Anh chịu trách nhiệm thế nào với trung ương? Bộ Chính trị? Nhà nước?”. Tôi vẫn khẳng định B-52 sẽ đánh vào Hà Nội. Ông ấy lại gọi lần nữa: “Anh xác định lại đi”.Tôi nói dứt khoát: “Tôi đảm bảo với đồng chí là tin B-52 đánh vào Hà Nội là chính xác.Tôi lấy tính mạng tôi ra đảm bảo với Tổ quốc”.
Lúc ấy tôi đang ở trận địa Đồi Si, Đô Lương, Tây Nghệ An, cách Hà Nội những 400km.Về sau tôi biết là trinh sát radar của chúng tôi đã giúp Hà Nội báo động sớm được gần 30 phút. 30 phút quý giá của chiến tranh. Chúng tôi đã không để Tổ quốc bị bất ngờ”.
Chúng tôi đã không để tổ quốc bị bất ngờ
Khi SAM-2 lên tiếng
Đại đội trưởng Dương Văn Thuận, sĩ quan điều khiển tên lửa SAM, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261, sư đoàn 361 đóng ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, vẫn còn nhớ:
“...Đêm đó, trận đầu, lúc 8 giờ tối, đại đội tôi đã bắn ba quả tên lửa nhưng không rơi máy bay nào. Trận thứ hai được lệnh tiêu diệt tốp B-52 bay sau. Khi xác định chính xác dải nhiễu, mở đồng bộ sẵn sàng thì bom nổ ngay trên trận địa, đất đá rào rào. Khi máy bay vào gần đến cự ly phóng tên lửa thì tự nhiên tôi rét run. Ấn nút phóng, mất 2 giây tên lửa mới rời khỏi bệ, lúc đó mới hết run. Rồi quả thứ hai, quả thứ ba, mỗi quả cách nhau 6 giây. Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, phải hô bằng miệng để báo cự ly tên lửa. Đến cự ly 22km, chưa bao giờ họ thấy một điểm nổ đặc biệt như vậy: cùng lúc ở xe điều khiển, màn theo dõi của ba trắc thủ và màn của sĩ quan điều khiển mất hẳn dải nhiễu.Trắc thủ Nguyễn Trí Quang hô rất to: “Máy bay cháy rồi, cháy to lắm”. Khoảng 1 tiếng sau, cấp trên thông báo mới biết chính xác là B-52 rơi. Chúng tôi cũng không hề biết đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hạ trên bầu trời Hà Nội”.
Đêm hôm đó, theo trung tướng Vũ Xuân Vinh nhớ lại: “Những tốp B-52 đầu tiên vào, trung đoàn 257 phóng tên lửa đầu tiên, không kết quả. Liên tiếp phóng 39 quả tên lửa đều không trúng B-52. Không khí căng thẳng. Chính ủy Trần Phương và phó chính ủy quân chủng đều điện xuống từng trung đoàn, động viên anh em: phải cố gắng bắn rơi B-52”. 20g13, tiểu đoàn 59 mới bắn rơi chiếc đầu. Tư lệnh Phùng Thế Tài ra lệnh phải sang Đông Anh xác minh ngay. Chính xác! 4g sáng 19-12, tiểu đoàn 77 tại Chèm bắn rơi chiếc B-52 thứ hai. Chúng tôi ôm nhau, cười ra nước mắt”...
Từ 19g40 tối 18 đến 5g30 sáng 19-12: máy bay Mỹ đã tấn công các sân bay ở Hà Nội, Hải Phòng và phụ cận; các trận địa phòng không, các khu công nghiệp, các chân hàng, kho tàng và khu dân cư, ga Giáp Bát, Đài Tiếng nói VN ở Mễ Trì, các nhà máy cơ khí và ximăng ở Hải Phòng...
Kết quả: tên lửa Hà Nội đã bắn rơi ba chiếc B-52, trong đó có hai chiếc B-52 rơi tại chỗ. Lực lượng pháo cao xạ và tự vệ Hà Nội bắn rơi ba máy bay chiến thuật, trong đó có hai máy bay F-111, pháo cao xạ Hải Phòng bắn rơi tại chỗ một chiếc A7 của hải quân Mỹ.
THU HÀ - TUỆ HUYỀN
Kỳ tới: B-52 liên tiếp... rụng
----------------------------------------------------
Theo báo Tuổi Trẻ thứ Năm, 20/12/2012
Kỳ 3:
B-52 liên tiếp... rụng
TT - Tối 19-12.
Mới 7g tối, bọn Mỹ lại vào. Đêm qua chúng đánh ba đợt lớn B-52. Tiếng súng tiếng bom suốt đêm không ngớt. Ta bắn rơi năm máy bay Mỹ, có ba B-52. Một chiếc rơi ở ngay Phủ Lỗ, ba giặc lái bị tóm gọn.
Sáng sớm hôm nay khi mình vừa thông báo có lệnh đi cơ động, mọi người trong đại đội đến xin đi. Sâm dẫn thằng Bồng, Kiên, Hùng xuống Gia Lâm.
Phố Khâm Thiên tan hoang sau trận bom Mỹ Ảnh tư liệu (Mai Kỳ chụp lại) |
Sau khi hội ý với anh Năng, mình để đại đội vào ngủ trong hầm trong, sau cửa sắt. Ngủ thế này tuy ngạt nhưng chắc chắn. Lực lượng chiến đấu chủ yếu của những trung đoàn chỉ có đại đội mình thôi.
(Trích nhật ký phi công Nguyễn Đức Soát)
“Địch đánh ta vẫn đi” vào Nam
Rạng sáng 19, sau khi máy bay rơi thì Quân ủy trung ương họp ngay. Cuộc họp, diễn ra tại tổng hành dinh trong Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, xác định ba nhiệm vụ lớn: tập trung tiêu diệt máy bay B-52, tăng cường phòng không nhân dân; phải ra lệnh cho các cơ quan xí nghiệp, chính quyền phường... đưa đồng bào đi sơ tán hết. Nhiệm vụ thứ ba là vẫn phải đảm bảo “địch đánh ta vẫn đi”, vẫn tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Tận dụng thời cơ Mỹ tập trung lực lượng vào Hà Nội, Hải Phòng để tăng cường vận tải quân sự từ Hàm Rồng vào Vĩnh Linh. Ôtô, tàu hỏa, xe đạp... mọi phương tiện đều được huy động để tham gia vận tải, chi viện cho miền Nam.
Người Mỹ chắc nằm mơ cũng không thể hình dung nổi sau một đêm chịu ba lượt B-52 rải thảm liên tục mà ngay rạng sáng hôm sau, tướng Giáp vẫn nghĩ đến việc tiếp tục vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam.
Ông Lê Quang Thừa, trợ lý khí tài điều khiển, phòng kỹ thuật tên lửa, Cục Kỹ thuật, cho biết những con số mà 40 năm trước người Mỹ hẳn không tưởng tượng nổi: “Trước khi vào chiến dịch, lực lượng dự trữ của ta rất mỏng. Bao nhiêu khí tài mới dồn cho chiến trường miền Nam. Ngoài một số khí tài đang sửa chữa, trong kho chỉ còn 2,5 bộ ăngten. Lực lượng kỹ thuật cũng đưa vào phía Nam hết. Về đạn tên lửa, ta còn 1.090 quả đạn tốt trong số hơn 1.450 quả, trữ ở kho quân chủng và các đơn vị tên lửa. Đúng thời gian ấy, chúng tôi được lệnh đưa vào chiến trường 500 quả đạn, nhưng đưa được 410 quả thì dừng lại. Thế là đạn ở ngoài Bắc còn có hơn 600 quả”.
Từ 11g30 ngày 19 đến 5g20 sáng 20-12: máy bay Mỹ đã đánh phá dữ dội nhiều khu vực ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các lực lượng tên lửa Hà Nội bắn rơi hai chiếc B-52, không chiếc nào rơi tại chỗ, tên lửa và pháo cao xạ Hải Phòng bắn rơi bốn máy bay chiến thuật (có một chiếc A7 rơi tại chỗ), pháo cao xạ phía bắc đường số 1 bắn rơi một chiếc F-4.Từ 12g20 ngày 20-12 đến 5g40 sáng 21-12: máy bay Mỹ giội bom các sân bay và đánh phá mở rộng sang Bắc Giang, Thái Nguyên. Không quân VN xuất kích đánh B-52, khống chế đội hình máy bay chiến thuật bảo vệ B-52, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tên lửa ta phát hiện B-52 dễ dàng hơn. Kết quả: 16 máy bay Mỹ trong đó bảy máy bay B-52 bị hạ (năm chiếc B-52 rơi tại chỗ). Pháo cao xạ bắn rơi bốn máy bay chiến thuật. Lực lượng dân quân, tự vệ bắn rơi năm máy bay Mỹ bay thấp, trong đó có một chiếc F-111.
Chỉ trong hai đêm 18 và 19-12, các đơn vị tên lửa ở Hà Nội và Hải Phòng đã bắn trên 100 quả đạn. Ông Nguyễn Văn Ninh, trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, cho biết: Bộ Tổng tham mưu và tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân đã ra lệnh cho Cục Kỹ thuật quân chủng tăng cường thêm dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa và chỉ huy điều hành tiếp đạn cho các đơn vị hỏa lực. Các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu bắn tiết kiệm đạn, chỉ dùng đạn để bắn B-52.
Chiều 19, tại Câu lạc bộ Quốc tế (phố Lê Hồng Phong), Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo công bố tin chiến thắng. Đông đảo nhà báo trong nước và quốc tế đã tham dự. Những phi công B-52 bị bắt được đưa ra trình diện tại cuộc họp này.
Ngày và đêm 20: B-52 liên tiếp... rụng!
Ngày 20-12-1972.
Bọn Mỹ đã đánh một đợt đêm nay rồi. Chúng đánh hầu hết các mục tiêu quanh Hà Nội: Yên Viên, Đông Anh, Gia Lâm, Chàm, Phà Đen. Nhà ga máy bay Gia Lâm bị cháy đêm đầu. Ta bị cháy 1 chiếc UV-18, 2 AH-24 và 2 MU-4. Sốt ruột quá! Bao nhiêu là hàng hóa của ta bị phá! Và hơn thế, cuộc sống ấm cúng của bao gia đình bị nát tan.
Ngày mai mình sẽ trực. Đường băng chính hỏng nặng. Đường lăn đã chữa xong. Ước muốn lớn nhất của mình lúc này: được trả thù.
Mình nguyện đã gặp B-52 sẽ không để nó về được Utapao hay Guam!
Đã gặp thì không để...
... không để cho chúng nó về
(Trích nhật ký phi công Nguyễn Đức Soát)
Khi quyết định cho B-52 ném bom Hà Nội, Nixon và các chiến lược gia của ông ta đã tính toán chắc chắn là Hà Nội chỉ chịu đựng được ba ngày. Họ tính toán: tên lửa SAM-2 mà Liên Xô viện trợ chỉ đủ dùng cho ba ngày. Súng cao xạ thì không với tới tầm bay của B-52, còn Mig 21 thì khó lòng vượt qua được hàng rào bảo vệ của hàng trăm chiếc máy bay tiêm kích.
Nhưng đến đêm thứ ba, lưới lửa phòng không Hà Nội vẫn sáng rực và pháo đài bay B-52 rớt như sung rụng: bảy chiếc lần lượt bị bắn hạ.
Bắn rơi B-52 bằng tên lửa quá hạn
Hai đêm đầu, các đơn vị tên lửa dốc gần hết vốn ra (mỗi đêm bắn 50 quả) mà chỉ rơi năm chiếc, tỉ lệ bắn trúng là 1/20. Nhà nghèo không chơi sang như vậy được. Tư lệnh Nguyễn Văn Tri và chính ủy Hoàng Phương, phó chính ủy Nguyễn Xuân Mậu hết sức lo lắng. Các ông chỉ đạo cho Cục Kỹ thuật và Bộ tham mưu phải tập trung giải quyết chuyện đạn cho bộ đội tên lửa, cũng như thay đổi cách đánh.
Ông Phan Thái, cục phó Cục Kỹ thuật, cho biết: “Kho của quân chủng lúc đó chỉ còn 50 quả đạn dự trữ. Tôi đề nghị anh Lương Hữu Sắt (chủ nhiệm kỹ thuật quân chủng) chuyển ngay 50 quả này xuống các tiểu đoàn đang thiếu đạn. Nhưng cũng chả thấm vào đâu so với nhu cầu. Tự nhiên tôi nhớ ra 200 quả đạn mà các chuyên gia Liên Xô bảo là quá hạn, không sử dụng được nữa đang nằm trên các công trường sửa chữa đạn của quân chủng. Lính ta có khả năng tận dụng vũ khí giỏi lắm. Tôi nghĩ phải biết cách sử dụng các quả đạn này. Xuống bãi đạn xưởng A31, còn 20 quả đạn, anh em đã rút hết nhiên liệu lỏng ra. Kiểm tra độ mòn vỏ đạn vẫn tốt. Tôi bảo anh em: “Tẩy rửa đi, nạp nhiên liệu mới vào, bắn được!”.
50 quả đạn như thế nữa đã được khẩn trương chuẩn bị ngay trong ngày 20. Ông Thái đã trực tiếp áp tải bốn chiếc xe TZM chở bốn quả tên lửa quá hạn “vừa ra lò” xuống tiểu đoàn 57, lúc này đang bị “trắng bệ”. Rạng sáng 21-12, bằng hai quả tên lửa quá hạn, tiểu đoàn 57 đã bắn rơi hai chiếc B-52 chỉ trong vòng 10 phút.
THU HÀ - TUỆ HUYỀN
Kỳ tới: Tan hoang Bệnh viện Bạch Mai
--------------------------------------------------
Theo báo Tuổi Trẻ Thứ Sáu, 21/12/2012
Kỳ 4:
Đêm dài nhất ở Bệnh viện Bạch Mai
TT - 21-12-1972. Tin chiến thắng dội về đây như những đợt sóng thần, xua tan những lo lắng về B-52. Bọn gieo gió đã gặt bão. Tên lửa của thủ đô đã gây sức ép lại bọn cuồng chiến. Đêm qua Hà Nội và các tỉnh thành khác đã hạ bảy B-52 và chín chiếc máy bay phản lực khác. Đám cháy của những đợt bom B-52 xuống làng xóm quê hương đã nung nấu căm thù trong lòng mình.
Sớm nay khi mình còn đang ngủ, bọn bạn đã reo hò: B-52 cháy rồi! Cháy to quá! Mình chạy ra, không kịp xỏ dép, thấy một khối lửa khổng lồ đang từ trên mây chúi xuống.
Vậy là quanh sân bay mình đã có ba chiếc B-52 tìm thấy mồ chôn. Một chiếc ở gần Phủ Lỗ, một chiếc đằng sau Núi Đôi, một chiếc ở Phúc Yên. Trong lịch sử chiến tranh, chưa một trận đánh nào mà lực lượng phòng không một nước lại bắn rơi nhiều máy bay chiến lược đến thế.
Bọn bạn đánh đêm xuất kích liên tục. Chúng đều thấy B-52 cả song không bắn được vì chỉ thấy bằng mắt khi chúng bật đèn. Tiếp cận lại thì bọn B-52 sẽ tắt đèn. Rạng đã đuổi lũ B-52 phải vứt bom ở gần Phú Thọ. Thiều đã đuổi một tốp lũ này chạy ra khỏi nhiễu. Thế là tên lửa mặt đất bắn lên thoải mái!
Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao, quyết liệt như lúc này. Cũng chưa bao giờ Hà Nội lại viết được những trang sử chói lọi chiến công và lòng dũng cảm như những ngày qua. Một bài hát cứ vang lên trong mình: bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Tự hào thật!
(trích nhật ký Nguyễn Đức Soát)
22-12: Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom
Lễ tưởng niệm những nạn nhân B-52 tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bettmann/Corbis |
Trong đời làm thầy thuốc của bác sĩ Lê Bá Kinh, đêm 22-12 chắc chắn là đêm kinh hoàng nhất mà ông đã phải trải qua.
“Đêm 22-12 là ca trực của tôi. Từ 20-12, bom đánh ký túc xá trường y. Tôi vừa là bác sĩ ngoại Bạch Mai, vừa là giảng viên ĐH Y nên chúng tôi đã dọn hết về ở bên bệnh viện. Khoa ngoại, trừ một bộ phận đã sơ tán, còn lại giám đốc yêu cầu trực chiến 24/24 giờ trong ngày. Quy định của trực cấp cứu là tất cả những ai trực phải ở trên, không được xuống hầm - trừ lúc đánh bom - để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Chiến sĩ ta bị thương nhiều, đồng bào ngoài An Dương trúng bom cũng được đưa vào Bạch Mai rất đông.
Đêm ấy, khoảng 4g sáng thì B-52 vào, tiếng gầm rát quá chúng tôi phải xuống hầm. Khoảng 15 phút sau thì thấy đất rung chuyển. Báo yên, chúng tôi chui lên khỏi hầm: tất cả đã tan hoang. Khoa ngoại chỗ tôi vừa trực cũng trúng bom, chậm một chút thì tất cả chúng tôi đã tan nát. Anh Đại (GS Đỗ Doãn Đại - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) gọi tôi sang bên khoa da liễu. Bên ấy sập hầm, nhiều bệnh nhân và bác sĩ mình đang kẹt dưới đấy.
Hệ thống hầm Bạch Mai do Pháp làm từ xưa, vững chãi lắm, chúng tôi vẫn có thể mổ dưới hầm, đi lại trong hầm không phải cúi đầu, bêtông rất dày, nay nếu nó sập thì mang anh em dưới hầm ra thật không đơn giản.
Đội chống sập của Bạch Mai - do anh Đại thành lập từ hồi đầu chiến tranh phá hoại - đã kê kích những tấm bêtông lên, chỗ nào đào được thì đào, chỗ nào kẹt thì phải đi vòng, rất cẩn trọng, kẻo còn bom chưa nổ hoặc tạo rung chấn thì cực kỳ nguy hiểm. Anh Đại bảo có đến 15-16 bệnh nhân còn trong đó với một chị bác sĩ trẻ và một cô hộ lý, Luân và Kinh bò vào để tìm cách đưa anh em ra. Chúng tôi bò vào đến nơi, còn thấy cô hộ lý kêu rất thương tâm: “Anh Kinh, anh Luân ơi cứu em!”. Cô kẹt sau 2-3 người đã chết nên đưa cô ra ngay là không thể vì đường hầm sập, lôi người ra rất khó. Lỗ khoan do đội chống sập khoan không đủ rộng lôi người ra, ánh sáng không có, chúng tôi xoay trở rất khó khăn.
Tôi với anh Kinh phải bò ngược ra, xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện: “Chúng tôi xin phép được tháo khớp người đã chết để đưa qua chỗ kẹt”. Anh Đại đồng ý. Chúng tôi ra giữa trời, lúc đấy đã khoảng 4g chiều, mưa lâm thâm, chúng tôi thắp hương rồi ngửa mặt lên trời chắp tay khấn vái xin trời đất phù hộ để đưa thi thể đồng bào đồng chí ra yên lành. Sau đó bò vào mày mò trong bóng tối, dùng dao mổ tháo khớp các nạn nhân rồi chúng tôi buộc dây vào người nằm đầu tiên, kéo ra, cứ thế mười mấy người chết được lần lượt đưa ra, cùng với một cô hộ lý đã lả đi vì kiệt sức và sợ hãi. Khi tất cả các thi thể được đưa ra hết đã là hơn 7g tối, Hà Nội lại chuẩn bị một đêm chờ đón những đợt oanh kích của B-52. Còn bệnh viện của tôi thì đã tan hoang, đồng đội tôi đã hi sinh, bệnh nhân đã mất. Một ngày đêm dài nhất trong đời tôi...
Nỗi đau từ bầu trời
Ngày 22-12-1972
Gần 10g30 mới rút kinh nghiệm chiến đấu ở sở chỉ huy về. Không sao chợp mắt được. Trận đánh lúc 1g35 chiều nay như ngàn vạn mũi kim đâm vào lòng. Cảm giác đầu tiên: mình đã không hoàn thành nhiệm vụ. Không đánh được địch lại để nó bắn rơi số 2 là Quý. Và suýt nữa nó bắn rơi cả mình.
Đã trên hai tháng nay, không quân chưa đánh một trận nào với bọn F.4. Mình đã nghĩ thế nào chúng cũng thay đổi thủ đoạn. Thay đổi thế nào mình chưa nghĩ hết. Mấy hôm nay bọn Mỹ đánh vào Hà Nội, đứa nào cũng muốn trả thù. Mình muốn đánh trước một trận xem tình hình ra sao. Đường băng còn đầy hố bom. Chỉ có đường lăn rộng khoảng 16m là đã chữa xong. Trời đầy mây. Gió mùa về, lạnh.
Chúng mình đi đội hình cao, đến gần 10km. Bọn Mỹ đi đến hơn 8km. Mình thấy trước. Lúc đầu hai chiếc. Chỉ huy bảo tám chiếc. Mình đã định lao vào đánh hai chiếc ấy thì thấy sau nó bốn chiếc nữa...
Không đánh được tốp đầu và tốp giữa rồi, mình quyết định đánh tốp sau cùng. Đúng là một cuộc diễu binh qua cả đội hình địch. Mình đi xuôi, nó đi ngược. Yếu tố bí mật không còn nữa. Khi bám phía sau hai chiếc F.4 độ 3km, thấy hai chiếc khác phóng tên lửa đối đầu. Mình nghĩ ngay: nó phóng vào thằng Quý nên hô: nó phóng tên lửa. Không thấy Quý nói gì suốt cả trận đánh nên rất sốt ruột. Hai chiếc F.4 mình bám theo cũng vòng rất mạnh. Biết là không đánh được, mình quyết định thoát ly. Lại thấy hai thằng đến phóng tiếp vào mình bốn phát tên lửa nữa. Mình kéo gập xuống dưới thấp, bay vào trong mây. Chỉ huy sĩ quan nhắc mãi là có núi. Mình biết đó là Tam Đảo. Nhưng không còn cách nào khác để che mắt địch. Mình bay trong mây ở H.1300 về gần Kép thì chui xuống dưới mây bay về sân bay.
Chỉ huy sở gọi Quý mãi không thấy. Mình lo nó bị rơi ngay từ hai phát tên lửa đầu. Tối nay chính ủy bảo Quý đã nhảy dù ở Sơn Dương. Sức khỏe không tốt. Không biết nó ra sao?
Giá mình không định thoát ly ngay thì hay bao nhiêu!
Ngày xưa khi mình là trung đội trưởng, đánh không thắng, về thấy tội lỗi rất nặng. Bây giờ khi bọn Mỹ đang liều lĩnh gây sức ép tối đa với ta, không quân chưa làm ăn gì cả. Mình lại là đại đội trưởng một đại đội vừa qua được ca ngợi là lá cờ đầu của không quân.
Phi công Nguyễn Đức Soát - Mình không sợ nguy hiểm...
Như thế, khuyết điểm lớn biết chừng nào. Mình không sợ khuyết điểm. Chỉ ân hận là đã không hoàn thành nhiệm vụ. Với người lính, đó là nỗi lòng day dứt nhất.
(trích nhật ký Nguyễn Đức Soát)
THU HÀ
--------------------------------------------------------
Ca sĩ Joan Baez (giữa) và các nhà hoạt động chống chiến tranh Việt NamẢnh: Bettmann/Corbis
Con trai ơi, giờ này con ở đâu?Chúng tôi tụ tập ở sảnh khách sạn cùng đón Giáng sinh.
Người Pháp, người Ba Lan, người Ấn Độ, người Cuba và người Việt Nam.
Cây thông nhỏ khách sạn dành tặng mang đến sự ngọt ngào cho bài thánh ca quen thuộc.
Nhưng sự linh thiêng của những lời nguyện cầu vỡ tan theo cơn bão bom khốc liệt.
Trở lại căn hầm tránh bom nơi có hai người phụ nữ ở đó.
Với tài năng tuyệt vời, tinh thần không hề sợ hãi và rất đỗi dịu dàng.
Đưa tất cả chúng tôi về với bình yên bằng tiếng hát vút cao cùng niềm hân hoan dâng trào.
Rực sáng hơn hết thảy những quả bom ném xuống Hà Nội đêm hôm đó.
Ta hát lên với sự quả cảm.
Nhưng con trai ơi, giờ này con ở đâu?
Ôi những con người của căn hầm ấy, những món quà vô giá họ dành tặng tôi.
Họ cười với tôi và tôi âm thầm chia sẻ sự đau đớn tột cùng.
Và tôi chỉ có thể cúi đầu với sự khiêm nhường tuyệt đối.
Để xin được khoan dung, khoan dung để vượt qua quá khứ đau thương...
Khách sạn Metropole (Hà Nội) vẫn lưu giữ kỷ niệm về Joan Baez dưới căn hầm tránh bom - Ảnh: Hữu Việt |
Ca sĩ Joan Baez - Ảnh: HEINRICH KLAFFS |
Dội lên trang giấy.
Mảnh như một ánh trăng ngần.
Hiền như lá mọc mùa xuân.
Những đứa trẻ bò lên khỏi hố bom khổng lồ ở phố Khâm Thiên - Ảnh: Bettmann/Corbis |
Sau 36 giờ tạm ngừng, ngày 26-12 chiến dịch Linebacker II của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc lại tiếp tục.Tại Hà Nội, 56 lần máy bay B-52 tập kích từ ba hướng: tây bắc, tây nam, đông bắc. Gần 100 điểm trong thành phố bị bom rải thảm, trong đó có những khu đông dân như phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, Bệnh viện Bạch Mai...Đêm 26-12, không quân không xuất kích, nhưng lực lượng tên lửa đánh rất chính xác ở cả các hướng. Tính ra trong đêm 26-12, số tên lửa phóng lên tăng gấp 1,7 lần so với đêm 18-12 và bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất.Kết quả ngày và đêm 26-12-1972: 11 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có tám máy bay B-52.Tuệ Huyền
Những gì còn lại sau trận bom B-52 - Ảnh: Bettmann/Corbis |
Tin thằng Tuân đêm qua bắn rơi một chiếc B-52 như một làn sóng vui sà đến đâu làm mọi người phấn chấn đến đấy. Mấy cô chị nuôi cũng bảo: có cả công của chúng em.
Phi công Phạm Tuân năm 1972 - Ảnh: LÊ MINH HUỆ |
Các đồng chí cán bộ bảo: bước đầu ta đã trả được món nợ với Trung ương Đảng. Nhớ hôm Thủ tướng đến thăm quân chủng, Thủ tướng bảo: tôi đến, thay mặt BCT, khen ngợi và cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí đánh tốt lắm. Khi biết không quân đánh có khó khăn, Thủ tướng bảo: Mong các đồng chí bắn rơi dù chỉ một chiếc B-52 cũng tốt. Hơn lúc nào hết, bây giờ ta rất cần chiến thắng.Từ dạo mình về đây (đã gần năm năm) năm nào ta cũng lùng B-52 để đánh. Các sân bay Đồng Hới, Vinh, Anh Sơn phải sửa mấy chục lần để máy bay ta cất cánh đi đánh. Nhiều đồng chí hi sinh vì việc này.Trong chiến tranh, những bất ngờ thường vượt quá trí tưởng tượng của con người. Đến sáng nay, 31 chiếc B-52 đã bỏ mạng. Mà 30 chiếc lại do tên lửa bắn rơi.Chiếc của Tuân bắn rơi ngay ở gần Phú Thọ. Nó phát hiện bằng mắt vì bọn B-52 phải bật đèn để lũ F.4 bay theo yểm hộ. Rađa thông báo cự ly đến mục tiêu. Bọn F.4 nhìn theo luồng lửa của chiếc MIG tăng lực bắn với theo. Nhưng không kịp rồi. Cả khối sắt thép nặng đến 220 tấn ấy đã cháy bùng và cắm xuống miền núi phía tây của Tổ quốc (?) bởi hai quả tên lửa nhiệt P-3C chỉ nặng 160kg.Cảm ơn Tuân vô cùng. Mày đã nhấc hộ bọn tao gánh nặng mà lịch sử sẽ mãi mãi treo lên đầu cả lũ lái máy bay tiêm kích.(Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát)
Chiếc MIG-21 mang số hiệu 5121, do Phạm Tuân lái, đã bắn rơi pháo đài bay B-52 đêm 27-12-1972. Chiếc máy bay này vừa được công nhận là một trong những báu vật quốc gia- Ảnh tư liệu |
Sáng 27-12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chia sẻ với nhân dân đang khắc phục hậu quả ở Khâm Thiên. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến thăm Bệnh viện Bạch Mai và khu lao động An Dương.Từ 13g30 ngày 27-12, Mỹ vẫn tiếp tục cho trên 50 lần chiếc máy bay chiến thuật vào Hà Nội và Hải Phòng.Đêm 27-12, phi công Phạm Tuân bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời tỉnh Sơn La. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi kể từ đầu chiến dịch.Chỉ tính riêng ngày và đêm 27-12 có 13 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có năm chiếc B-52 (hai chiếc B-52 rơi tại chỗ). Trong hai chiếc B-52 bị hạ tại chỗ thì một chiếc rơi trên đường Hoàng Hoa Thám và hồ Hữu Tiệp. Đây là chiếc B-52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi nó chưa kịp cắt bom.
Tướng Nguyễn Đức Soát và những hồi ức 12 ngày đêm không quên. Ông là một phi công Mig xuất sắc và đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ - Ảnh: Trần Việt Văn |
Sáng 28-12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết.Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu: tổng kho Văn Điển, ga Giáp Bát, Nhà máy dệt 8-3, cảng Vĩnh Tuy, cầu Đuống, các trận địa tên lửa ở Chèm, Đại Đồng (Hà Nội), một số mục tiêu ở Thường Tín, Thanh Mai, Chúc Sơn, Gốt, Mỹ Đức, Miếu Môn (Hà Tây), Chợ Bến (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phú)...
Di ảnh của Liệt sĩ AHLLVT Vũ Xuân Thiều
Không điều gì bị lãng quên
TT - Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát ngày 29-12-1972
Hai tháng sau ngày Mỹ ngưng ném bom miền Bắc (tháng 3-1973), những cô gái cật lực dọn dẹp đống đổ nát trên quê hương mình - Ảnh: Werner Schulze |
Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong. Đoàn trưởng lại gọi sang gặp. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, đoàn trưởng thông báo: trên chính thức công nhận đêm qua Thiều hạ được một B-52. Rađa C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy - tên mật: XB-90 - lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở H-10km, mà góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật rađa).Thiều vào công kích. Một phút sau, chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hi sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Hiện nay bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La.
Đồng thời anh Nghị còn bảo: Hùng hôm qua hạ hai máy bay. Người ta bắt thêm hai thiếu tá Mỹ. Nó khai bị Mig bắn rơi. Hùng đã hi sinh.
Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về cho đại đội mình. Thiều là B trưởng.
Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi.
Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách.
Máu đổ cho ngày hòa bình
Ngày 29-12-1972, máy bay Mỹ vẫn đánh phá các trận địa tên lửa, sân bay, các đầu mối giao thông quan trọng và cầu, phà quanh Hà Nội.Đêm 29, máy bay Mỹ hoạt động ít hơn những ngày trước.Ngày và đêm hôm đó hai máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B-52 bị hạ. Đây là chiếc B-52 cuối cùng bị bắn rơi trong 12 ngày đêm.Sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra, kết thúc cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên Linebacker II.
Cuộc thu dọn chiến trường lúc mờ sáng ám ảnh những người lính tên lửa suốt đời, ông Cường dấm dứt: “Nhiều anh em hi sinh, ruột bắn cả lên cây, có người hi sinh trong tư thế nằm, phải xẻ quần áo để thay. Có một anh người Hà Tây, khi chết bị bay xuống ao, cụt một chân, anh em đi tìm không thấy, hôm sau ông bố ở Sơn Tây xuống hỏi đơn vị, đơn vị nói dối anh đi công tác. Cụ bảo: “Đừng giấu tôi, tôi biết con tôi chết rồi, mà chết rét”.Thế là anh em xuống ao mò, tìm được xác đồng đội”.
Anh em hi sinh, chỉ có một anh bên quân nhu là nằm thẳng, tất cả đều nằm co vì bó gối trong hầm chữ A. Quan tài để ngoài đường, tất cả nhờ dân hết, dân mang xe bò, xe cải tiến đến chở mỗi anh em một xe, đi mai táng. Các bà mẹ nhận liệt sĩ làm con nuôi, mỗi mẹ nhận một người, chôn cất rồi chăm lo phần mộ”.
Nếu mình không về….
Sáng 14-12-2012, gia đình phi công Hoàng Tam Hùng có một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với anh em đồng đội cùng chiến đấu với anh. Chàng sinh viên bách khoa, con trai duy nhất của một vị phó thủ tướng, đã tình nguyện nhập ngũ và hi sinh khi mới 23 tuổi đời, sau một trận đánh oanh liệt trên bầu trời, bắn rơi một lúc hai máy bay địch. Anh chết quá trẻ. Nhưng đồng đội thì không ai quên. Ngày ấy tháng ấy, bao giờ bàn thờ người lính trẻ cũng có hoa trắng của bạn bè.
Cũng tháng 12 này, trong cái lạnh tê tái của miền sơn cước, dưới mái thiền viện mới dựng sơ sài, đại đức Thích Chánh Tuệ - ngày nào là đại đội trưởng rađa Đinh Hữu Thuần - ngồi bâng khuâng: “Thầy đã quyết đi theo Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đất nước hết binh đao là buông tay gác kiếm, ăn chay niệm Phật. Nhưng chẳng thể nào hết lo: sao dân mình cứ nghèo mãi…”.Vị tu hành đang băn khoăn giữa việc tu hành với việc về Hà Nội dự lễ kỷ niệm Nhà nước 40 năm chiến thắng B-52: “Không muốn xuất hiện ở chốn đông người, không muốn nhắc lại những chuyện đã qua, nhất là nhớ đến những cái chết đau thương của anh em. Nhưng lại vẫn nhớ. Nhớ những đồng đội cùng đại đội với mình, nhớ những giọng nói của các anh phi công ngày nào cũng dẫn đường mà chưa hề thấy mặt. Thầy nhớ nhất giọng nói anh Vũ Đình Rạng. Thầy đã dẫn đường cho anh Rạng đánh bao nhiêu trận. Chưa gặp bao giờ, nhưng chỉ cần nghe giọng nói là nhận ra ngay. Dù hơn 40 năm rồi. Cái giọng nói của những người cùng chiến đấu với nhau nó lạ lắm, ăn vào tim óc”.
Tháng 12, chuẩn bị tết, trong một con ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, nhà quay phim Trần Hùng - người đã nổi tiếng với những thước phim tuyệt đẹp trong các bộ phim Thời xa vắng và Chuyện của Pao - đang chuẩn bị kế hoạch lên Mộc Châu kiếm một cành đào phai về chơi tết. Năm nào anh cũng rong ruổi đi kiếm đào tết về để biếu nhà văn Nguyên Ngọc một cành và cho căn gác nhỏ xíu trong hẻm phố Khâm Thiên của mình một cành.
Căn gác nhỏ đã tan tành sau trận bom B-52 đêm 26-12-1972, cậu bé Trần Hùng năm đó 14 tuổi từ nơi sơ tán về đã sững sờ trước dãy phố Khâm Thiên đổ nát và tổ ấm của gia đình mình tan hoang. Nhưng thời gian đã làm tròn nhiệm vụ của nó, Trần Hùng vẫn ở lại phố Khâm Thiên, nhặt từng viên gạch xây lại tổ ấm. Và giờ đây, con anh lớn lên trên phố Khâm Thiên, chỉ biết về những trận bom B-52 qua câu chuyện của bố. Trần Hùng vẫn mơ ước được quay một bộ phim về Khâm Thiên - Hà Nội - B-52. Nhưng có lẽ trong thời buổi điện ảnh thị trường này điều đó hơi xa vời.
Và một buổi chiều mùa đông xám lạnh cũng tháng 12 này, trên nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, nơi có ngôi mộ bé nhỏ của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, có hai người lặng lẽ đến thắp một nén hương. Họ luôn bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn tận đáy lòng mà chỉ có những người trong cuộc hiểu được. Đó là tướng Nguyễn Đức Soát và vợ ông, bà Lê Hoàng Hoa. Bà Hoa là người yêu của anh hùng Vũ Xuân Thiều. Mối tình thơ mộng của cô nữ sinh Hà Nội xinh đẹp và anh phi công hào hoa đã tràn ngập qua những bức thư tình mà Vũ Xuân Thiều gửi gắm cho Nguyễn Đức Soát trước giờ ra trận: “Mình không về, Soát đưa cái này cho mẹ mình, còn cái này tìm đưa cho Hoa”.
Vũ Xuân Thiều không về. Và hơn một năm sau Nguyễn Đức Soát mới gặp Lê Hoàng Hoa, khi cô đang du học ở Liên Xô. Tình yêu giữa đôi trai tài gái sắc và tình yêu chung với người đã khuất đã kéo dài gần 40 năm. Nhìn họ, người ta hiểu hạnh phúc là có thật. Và máu xương của những người như Vũ Xuân Thiều đổ xuống đã không tan vào hư vô.
THU HÀ