Tin Tức
Phú Yên Lữ Du Ký Sự (4): Non Nước & Con Người Xứ "Nẫu"
Tìm Hiểu Non Nước & Con Người Xứ “Nẫu”
Phú Yên là cái tên do chúa Nguyễn Hoàng đặt vào năm 1611, và cái tên đó, dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gần như vẫn đứng vững, đứng vững cho đến tận bây giờ. Ngoài ý nghĩa là vùng đất trù phú, an vui, đất Phú Yên nói riêng và xứ Bình Định nói chung còn được dân gian đặt cho cái tên là vùng “Nẫu”, hay xứ “Nẫu”. Vậy tại sao thiên hạ lại kêu người Bình Định-Phú Yên là dân xứ “Nẫu” ?
Nhân có chuyến lữ du thăm bà con trong gia tộc họ Thiều ở 02 huyện Đông Hòa và Tây Hòa, mình có những lượm lặt, chắp vá về địa danh xứ Nẫu, những mong để mọi người hễ rảnh thì đọc phần cho vui, phần hiểu thêm tí tị về Đất & Người Bình Định- Phú Yên cũng như hiểu thêm về quá trình hình thành mảnh đất hình chữ ét, chữ u của cha ông, tiên tổ. Sự lượm lặt đó có bi nhiêu đây hè:
Vào khoảng năm 1558, Nguyễn Hoàng (con trai út của Nguyễn Kim) vì sợ anh rể là Trịnh Kiểm bức hại nên xin vua Lê vào Nam trấn thủ vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của Đại Việt.
Vì cái cớ người Chiêm Thành thường hay quấy nhiều Thuận Hóa, năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng (còn gọi là Chúa Tiên) sai tướng dưới quyền là Lương Văn Chánh tấn công vào thành Ayaru, thủ phủ của Chăm Pa (Phú Yên bây giờ) và theo chính sách của Chúa Nguyễn, Lương Văn Chánh
đã chiêu tập và đưa lưu dân các vùng Thanh-Nghệ, Thuận-Quảng vào đây để khẩn hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp. Tuy thất thủ nhưng kể từ đó, vùng đất Ayaru trở thành vùng đất xảy ra tranh chấp thường xuyên giữa người Việt và người Chăm… Để ghi nhớ công lao của cụ Chánh, người Phú Yên đã lập đề thờ, tạc tượng bốn mùa tế khấn và tôn cụ là sáng tổ của vùng đất Phú Yên.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng lại sai viên tướng dưới quyền là Văn Phong tấn công vào Ayaru, Chăm Pa thất bại, Nguyễn Hoàng bèn sáp nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng trong với tên gọi Phú Yên và giao cho Văn Phong cai quản. Tên gọi Phú Yên là do chúa Nguyễn Hoàng đặt với ý nghĩa, ước nguyện đây là vùng đất trù phú, thanh bình.
Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu , Man..
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu (từ này đến nay ngoài Bắc vẫn dùng để chỉ nhóm người lợi dụng sơ hở của chủ trương, chính sách để đầu cơ tích trữ như lúa, gạo, hay các sản vật như lụa là, vải vóc…).
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm…
Tác giả Thiều Ngọc Sơn
Do thời gian, từ “Nậu” dần biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và cũng do thời gian, từ “Nậu” được người dân nói trại thành “Nẫu”, nói riết rồi trở thành đặc sản của xứ Bình Định, Phú Yên. Là phương ngữ tỉnh lược thay thế đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) kiểu như: “ổng”, “bả” hay anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ” của người Nam Bộ vậy.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê.
Hay
Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.
– Tiếc công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu.
– Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Giống như người Thanh Hóa nhà tui, dù có đi xa quê, dẫu có ba, bốn chục năm sống ở giữa Sài Gòn, Hà Nội thì cái giọng quê nằng nặng, chua chua cũng không thể phai nhạt, sẽ được mọi người nhanh chóng nhận ra. Người Bình Định – Phú Yên cũng thế, do cách phát âm sai bét be khiến các âm tiết bị méo mó chả tròn vành, cộng vào đó là âm lượng khá to lại nặng như búa bổ khiến cho người trong thiên hạ, nhất là những người mới gặp gỡ lần đầu hoặc lần đầu nghe “Nẫu” nói chỉ có khóc… Bởi vậy mới có câu “Nẫu nói Nẫu nghe”.
Tác giả giao lưu cùng bà con thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa, Phú Yên)
Người xứ Nẫu vốn quê mùa cục mịch nên từ ngữ cũng cục mịch, quê mùa (đoạn này là người khác nói chứ không phải giọng mình, mình hổng dám, nhớ nha mọi người !):
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.
Ấy là câu hát ru con của người xứ Nẫu, nghe cũng nặng trình trịch phải nào.
Dân Nẫu đi đến đâu cũng là “dân nhà quê”, học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, lịch lãm như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, vô tư như người Nam. Nẫu là Nẫu. “Nẫu dzẫy” (nậu vậy) á !
Dân Nẫu không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, tốt hay xấu gì cũng mặc, “kệ nẫu”. Cho nên dân Nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều. Người Nẫu ít bạn, nhưng nếu có bạn, Nẫu sẽ sống chết với bạn… hí hí.
Nha Trang, ngày 13.8.2018
Võ sư: Thiều Ngọc Sơn
———————-
Ghi chú: Bài viết chủ đích muốn cung cấp thêm chút ít thông tin, cứ liệu về nguồn gốc một số dòng họ trong đấy có họ Thiều nhằm hoàn chỉnh phả hệ. Trong bài viết có sử dụng một số tư liệu trôi nổi trên mạng Internet đấy nha cả nhà.