Tin Tức
“Sống Tết, chết giỗ” - một nét đẹp của đạo lý dân tộc
Chuyện ngày Tết: “Sống Tết, chết giỗ” - một nét đẹp của đạo lý dân tộc
Khi nói về ai đó có công cưu mang hay từng có sự giúp đỡ hết sức lớn lao đối với ta mà ta cần phải ghi nhớ mãi mãi, dân gian ta hay dùng thành ngữ “Sống tết, chết giỗ”.
Hàm ý câu này được biểu trưng qua một cách nói ẩn dụ từ thực tế: Khi người mà ta chịu ơn còn sống thì ta phải nhớ lễ tết cho chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta phải nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục.
Điều này là lẽ thường đối với tứ thân phụ mẫu mỗi người. Nhưng còn có những người khác nữa mà nghĩa ơn sâu đến nỗi họ cần phải được ứng xử như cha mẹ trong cuộc sống. Đó là những người thầy từng dạy dỗ ta.
Cha ông ta có câu: “Mồng một thì đi tết cha/ Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Câu ca dao này trong dân gian còn có khá nhiều dị bản, nghĩa tương đồng cũng có, nghĩa hơi khác cũng có (Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy; Mồng một tết mẹ, tết cha/ Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy…). Nhưng dù có nói theo cách nào đi nữa thì câu chuyện lễ nghĩa ở đây cũng chỉ xoay quanh trong “ba ngày tết”. Đây là khoảng thời gian chủ chốt, là tiêu điểm của các hoạt động hướng trong cái Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc ta (sang ngày mồng 4, mồng 5 chẳng hạn, không khí tết vẫn còn nhưng cảm xúc và ý nghĩa của nó đã giảm đi nhiều).
Vấn đề đáng nói là các “nhân vật” được “tết” (và khi chết được “giỗ”). Ở đây chỉ có 3 đối tượng: cha, mẹ và thầy.
Cha là người đàn ông trực tiếp sinh ra ta, là hiện thân của “họ hàng bên nội”. Cũng nghĩa đó, mẹ là hiện thân của “họ hàng bên ngoại”. Còn thầy tức là người dạy ta học hành.
Ngày xưa, nói chung ở các gia đình gia giáo nền nếp, con cái được gửi gắm cho các thầy đồ dạy dỗ ngay từ tấm bé. Thầy đồ nuôi cho ăn, dạy cho chữ nghĩa thánh hiền và cách thức ứng xử ở đời. Quyền uy của thầy rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Điều đó cũng nói lên quan niệm về chữ hiếu và chữ đạo của cha ông ta ngày xưa rất rõ.
Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo vốn coi trọng mọi mối quan hệ xã hội theo thuyết “Tam cương ngũ thường” (tam cương chỉ ba mối quan hệ trong đạo làm người là: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ; ngũ thường chỉ năm đức tính chủ yếu mà người đời phải trọng là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Vậy mà ngay cả tiết nghĩa quân thần (vua - tôi) kia cũng phải đứng sau nghĩa thầy - trò. Vua đang xa giá, gặp thầy dạy học của mình cũng phải xuống ngựa chắp tay cung kính vái chào. Triều đình gặp hệ trọng, vua và quần thần bàn bạc nghĩ chưa ra, nhiều khi phải vời thầy dạy vào cung để thỉnh cầu và nghe lời chỉ giáo...
Vậy là cùng với cha mẹ - những người mà ta mang nặng công ơn sinh thành (Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra) - thầy dạy học cũng chính là người ta mang ơn “ghi xương khắc cốt”, không thể quên mỗi khi tết đến xuân về.
Nhà học giả Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục” đã viết: “Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi ngày Tết như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Dương, Tết Trung Thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”.
Cũng cần nói thêm về hai từ “đi tết” và “đi chúc tết”. Chúc tết là đi chúc mừng ai đó nhân dịp tết. Còn đi tết lại hơi khác. Đi tết là mang lễ vật, quà cáp, tiền bạc… để dâng biếu, chúc tụng ai đó nhân dịp tết. Đi tết có thể sớm (thường là trước hoặc trong ngày 30 tết), có thể vào đúng ngày tết, nhưng không thể thiếu lễ vật cần thiết (cau rượu, gà sống thiến, thủ lợn, gạo nếp, hương nến…). Lễ vật có thể nhiều ít tuỳ gia chủ, nhưng nhất thiết phải có đủ lệ bộ và phải chuẩn bị một cách trang trọng, thiêng liêng.
Việc tết cha, tết mẹ, tết thầy là chuyện đương nhiên. Bố mẹ, là một phần tất yếu của cuộc đời ta. Nhớ về cha mẹ có nghĩa là chúng ta đã nhớ về họ hàng, tổ tiên, nguồn cội. Vả lại, tết bố mẹ là một dịp để làm đẹp lòng các cụ, là một dịp khẳng định sự hiếu nghĩa cũng như sự khôn lớn trưởng thành của con cái. Điều này chỉ làm cho mái ấm mỗi gia đình thêm sum vầy, đề huề, an vui, hạnh phúc.
Còn việc nhớ đến thầy cô dạy dỗ âu cũng là chuyện thường tình của lẽ đời muôn thuở. Là bổn phận mà bất cứ ai từng một thời cắp sách đến trường đều phải ghi nhớ trong lòng. Cha ông đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế, tôn sư trọng đạo là một trong những đạo lí cơ bản trong lẽ làm người và chính đạo lí này đã làm nên nét đẹp đậm chất nhân văn nhất mà tổ tiên còn truyền lại cho chúng ta hôm nay.
Lễ tết, xét về ý nghĩa văn hoá, phong tục, tín ngưỡng là một nghĩa cử nhân văn cao đẹp. Người nhận và người tặng đều thấy tấm lòng và thịnh tình ở đó.
“Sống tết, chết giỗ”, đạo lí dân gian ta xưa đã vậy và nay vẫn vậy.
Thiều gia: Theo báo "Hà Nội Mới" số ra ngày 22.1.2012.