Login Form

Số Người Truy cập

04216952
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
170
417
3312
2571464
14232
28625
4216952

2024-03-29 06:14

Võ Lâm & Nhân Vật Võ Lâm

CỐ VÕ SƯ LÂM HỮU HỘI & VÕ PHÁI THIẾU LÂM NỮNG XỊ

 

Thiều gia giản giới: Hiếm có vị võ sư chưởng môn nào có tính cách phong lưu, tinh thần lãng tử như cố Võ sư Lâm Hữu Hội, người kế thừa và phát triển những tinh hoa của võ Thiếu Lâm Bắc phái (môn võ thuật nổi tiếng của Trung Hoa) và là vị sáng tổ của Long Hổ Hội, một võ phái không những lừng danh trên khắp "Lục Tỉnh Nam Kỳ" mà danh trấn các võ đài Đông Nam Á. Shaolaojia tuy chỉ là kẻ hậu bối và chỉ biết sáng tổ của Long Hổ Hội qua lời kể của các vị trưởng bối, của sư phụ Thiều Gia, của võ lâm đồng đạo, lời đồn đại trong giang hồ… và trên báo chí. Nhưng Shaolaojia thực sự ngưỡng mộ trước tài năng võ thuật của sáng tổ Lâm Hữu Hội, trước tấm lòng bao dung, trượng nghĩa của ông. Lâm Hữu Hội không chỉ là một tài năng võ thuật, một người thầy đáng kính mà cuộc đời cố võ sư là cả một thước phim bi hùng với phần kết vô cùng có hậu và đẹp đẽ.

Và nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về võ phái Long Hổ Hội, Thiều gia xin trân trọng giới thiệu với các bạn loạt bài viết ngợi ca công đức của cố võ sư sáng tổ võ phái: Võ sư Lâm Hữu Hội cùng những đệ tử trấn môn vang danh một thủa trên khắp võ đài Đông Dương…

Những giai thoại và hình ảnh của cố Võ sư Lâm Hữu Hội sẽ còn mãi trong làng võ Việt, trong tâm khảm những người yêu mến bộ môn võ thuật và Shaolaojia mong rằng võ phái do thầy sáng lập sẽ ngày càng cường thịnh.

Tp.HCM ngày 17/3/2013
Võ sư: Thiều Ngọc Sơn
NGƯỜI ĐƯA TIN
CƠ QUAN CỦA HỘI LUẬT GIA VN
27.12.2012 | 23:44
 
Bài thứ nhất

Cố Võ sư Lâm Hữu Hội - Cuộc Đời & Sự Nghiệp

     Học võ, hành tẩu giang hồ, bảo kê các sòng bạc rồi mở lò võ, đào tạo nhiều tay võ sĩ danh tiếng chính là cuộc đời của võ sư Lâm Hữu Hội.

     Chúng tôi tìm đến lò võ Long Hổ Hội trên đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) để tìm hiểu về phái võ nổi danh Sài Gòn này. Đến nơi, một tấm bảng cũ kỹ ghi "lò vò Long Hổ Hội" đã sờn màu vẫn còn dựng lên trước cổng. Nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy chỉ có một ngôi nhà cấp bốn. Ngạc nhiên vì lò võ quá đơn sơ, chúng tôi hỏi một số người dân sinh sống gần đó. Tất cả mọi người đều gật đầu đó chính là nhà tổ sư khét tiếng Lâm Hữu Hội.

alt
Lễ khai giảng lò võ Long Hổ Hội

Sư tổ từng vang danh giang hồ Sài Gòn

     Bước vào trong nhà, chúng tôi mới thấy đây đúng là nơi khai sinh ra Long Hổ Hội. Phu nhân của cố võ sư Lâm Hữu Hội vẫn còn ngồi đó, trong căn nhà có nhiều kỷ niệm về phái võ. Bà đã gần 100 tuổi, mái tóc đã bạc trắng. Ra tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trạc trung niên. Người này cho biết, nếu muốn tìm hiểu về võ phái thì phải ra võ đường. Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, chúng tôi muốn tìm thêm các tư liệu từ lời kể của các tuyền nhân. Tuy nhiên, người kế nghiệp võ của võ sư Lâm Hữu Hội là võ sư Long Hổ Bill (tức Lâm Hữu Bình) đã qua đời cách đây 2 năm vì bệnh. Hiện tại, người con trai của cố võ sư Long Hổ Bill đang kế nghiệp.

Read More

     Theo tài liệu còn lưu lại tại tư gia thì người sáng lập ra Long Hổ Hội là cố võ sư Lâm Hữu Hội. Tuy tên tuổi ông vang danh ở đất Sài Gòn nhưng ông lại được sinh ra tại miền Tây, trong một gia đình đúng nghĩa công tử Bạc Liêu. Cố võ sư Lâm Hữu Hội sinh năm 1907 tại xã Vĩnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Theo tiểu sử còn lưu giữ tại võ phái thì ông sinh ra trong một gia đình khá giả. Cha ông vốn là một điền chủ, có nhiều ruộng đất. Sống trong gia cảnh sung sướng nên từ thuở thiếu thời, ông nổi tiếng là người ăn xài phóng khoáng.

     Từ nhỏ, võ sư Lâm Hữu Hội là người rất mê và có năng khiếu trong võ thuật. Ông học võ từ một cao thủ người Tiều (Trung Quốc). Kế tiếp, suốt bảy năm trời, võ sư này thọ giáo võ công với Huỳnh Long đại sư (tức Chu Thiếu Quân, người Quảng Đông, dòng võ Chu gia nổi tiếng Long quyền). Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Long Phi Báu, đệ tử của Long Hổ Hội cho biết: "Ngày trước tôi còn nghe kể lại rằng, cha (cách gọi sư phụ của môn đệ Long Hổ Hội - PV) còn được thọ giáo một người thầy về khả năng đỡ đạn. Một lần, có người lấy súng của Pháp, kê trên hai ngón tay nhưng không thể nào bắn trúng được ông. Học được một thời gian, vì ham chơi nên cha đã bỏ đi. Sau đó, sư phụ muốn truyền lại khả năng này nhưng cha mải chơi nên đã từ chối. Thế là ông lật bàn hương án đổ hết xuống núi. Từ đó thất truyền khả năng này".

     Sau một thời gian thọ giáo nhiều cao thủ, Lâm Hữu Hội cho rằng mình đã đạt đỉnh công phu nên không cần học nữa. Có giai thoại kể rằng, khi gặp lại một người bạn và tỷ thí, Lâm Hữu Hội đã bị bại trận. Sau đó, ông mới ngộ ra "cao nhân ắt có cao nhân trị" nên tìm thầy học thêm võ nghệ.

     Đó là lúc võ sư Lâm Hữu Hội mới tròn 17 tuổi. Với niềm ham mê võ thuật, ông đã rời xa gia đình, tìm lên núi Tà Lơn, giáp ranh Cao Miên (Thất Sơn, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay) để tìm thầy theo chỉ giáo của bạn. Sau chặng đường xa xôi, ông gặp ba người Tiều. Sau khi dò hỏi, Lâm Hữu Hội biết được, họ là những cao thủ của Trung Hoa sang lánh nạn và ẩn dật trên núi Tà Lơn. Thời ấy, khu vực núi này có muôn trùng nguy hiểm, nhất là thú dữ. Với võ nghệ cao cường nên ba cao thủ người Tiều giống như những thần núi, thoát ẩn thoát hiện. Biết được nguyện vọng của Lâm Hữu Hội, cao thủ người Tiều đã dạy cho ông võ công. Đó là phái Thiếu Lâm Nững Xị, một trong hai phái võ lớn của người Triều Châu.

alt
Võ sư Lâm Hữu Hội mất năm 1988, thọ 81 tuổi

Gây sóng gió ở các sàn đấu Đông Dương

     Sau 5 năm ròng rã khổ luyện, trình độ võ công của Lâm Hữu Hội thăng tiến vượt bậc. Một hôm, thầy gọi ông lại cho biết đã hết nạn nên trở về nước. Lâm Hữu Hội cũng xuống núi và bắt đầu hành tẩu giang hồ. Cuộc sống của ông là những ngày tháng phiêu bạt khắp nơi. Vị võ sư này sống ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Với võ công và bản lĩnh của mình, ông sống bằng nghề xếp bến và bảo tiêu, áp tải hàng cho các con buôn. Võ sư Long Phi Thanh (tên thật là Phạm Thanh), một trong những môn đệ của võ phái Long Hổ Hội đang truyền dạy Thiếu Lâm Nững Xị tại quận Thủ Đức cho biết, nghề áp tải thời ấy rất nguy hiểm. Một ông chủ muốn chuyển số lúa từ Vĩnh Long lên Sài Gòn rất cần phải có bảo tiêu. Nếu không, dọc đường thế nào cũng bị cướp. Thời ấy, thầy tôi là một trong những cao thủ nên được nhiều người thuê làm bảo tiêu.

     Khi chán với nghề xếp xe ở các bến, Lâm Hữu Hội chuyển sang đấu võ kiếm tiền. Thời ấy, các võ đài dựng lên khá nhiều. Từ miền Tây, miền Trung và đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi hội tụ nhiều cao thủ võ lâm, các võ đài liên tục được thành lập. Ngày ấy, các đệ tử của Long Hổ Hội liên tục đánh thắng và lập được nhiều kỳ tích vang dội Sài Gòn.

     Suốt thời thanh niên, Lâm Hữu Hội đấu rất nhiều trận tại các võ đài ở Việt Nam. Rồi ông đi Campuchia, Myanma, Thái Lan, Lào... du đấu. Năm 1932, Lâm Hữu Hội hạ đo ván Surivong, nhà vô địch Muay (kick boxing Thái) ngay tại Bangkok. Nghề đấu võ của ông thu nhập rất cao. Nhưng ngặt một nỗi, Lâm Hữu Hội lại rất mê trò đỏ đen. Vì thế, tiền vào tay ông như gió vào nhà trống. Cứ hết tiền thì lại lên đài thách đấu. Quãng thời gian ngốn nhiều tiền nhất chính là lúc Lâm Hữu Hội nhận bảo kê sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Sau này Đại Cathay là tay nối gót bảo kê sòng bài này. Môi trường này đã nhanh chóng cuốn ông vào những cuộc đam mê đỏ đen. Từ đó, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ.

     Nhưng cũng nhờ đó, Long Hổ Hội chuyển hướng sang dạy võ. Lúc đầu là dạy cho con cháu người quen để trả ơn. Rồi sau này, danh tiếng trên võ đài khiến người tìm đến học ngày càng đông. Rồi ông mở lò võ dạy Thiếu Lâm Nững Xị tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp (đường Nguyễn Văn Công, phường 13, quận Gò Vấp ngày nay). Lâm Hữu Hội kết hợp chữ Long và Hổ quyền ghép với tên mình, thành lập võ đường Long Hổ Hội.

     Võ sư Long Phi Báu cũng nghe kể lại: "Có lần, Long Hổ Hội đã giúp cho nghĩa quân Bình Xuyên lấy một đồn Pháp mà không tốn một viên đạn. Sau này, đồng chí Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), Phó Thủ lãnh nghĩa quân Bình Xuyên còn đếm thăm cha".

Trung Nghĩa

-------------------------------------------------------------

Bài thứ hai

Huyền thoại Long Hổ Hội & Đấu sĩ chăn bò Moustaza

 alt CAND.COM
11:40, 10/02/2011

     Thập niên 30 - 40 thế kỷ trước, làng võ Sài Gòn xuất hiện võ đường Long Hổ Hội (ấp Cộng Hòa 5, xóm Võ Ngói, xã Hạnh Thông, Gò Vấp, tp hcm) với võ sư Lâm Hữu Hội - môn phái Thiếu Lâm Nững Xị. Năm 1932, Lâm Hữu Hội từng hạ đo ván Surivong - nhà vô địch Muay (kick boxing Thái) ngay tại Bangkok. 

 Người thầy trên núi Tà Lơn

     Võ sư Lâm Hữu Hội (1907-1988) sinh tại xã Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình đại địa chủ, ruộng đất "thẳng cánh cò bay". Vốn mê quyền cước từ nhỏ, ông học võ với một cao thủ người Tiều (Trung Quốc) rồi "Lão Hổ vương" chuyên Hổ quyền - người Hẹ, sau đó thọ giáo võ công suốt 7 năm ròng với Huỳnh Long đại sư tức Chu Thiếu Quân, người Quảng Đông (dòng võ Chu gia nổi tiếng Long quyền)…

     Vốn mang tâm hồn giang hồ lãng tử, nên khi đã "cứng nghề", Lâm Hữu Hội từ giã quê nhà “bôn tẩu giang hồ” cho thỏa chí tang bồng, ông lang bạt ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh bằng nghề xếp bến và bảo tiêu (áp tải hàng cho các con buôn). Trong thời gian đó, ông đã đụng độ và khuất phục không biết bao nhiêu tay anh chị sừng sỏ, được giới giang hồ nể trọng như một "đại ca lớn". Tuy vậy, ông lại tỏ ra tốt tính và thường hay giúp đỡ, bảo vệ những người nghèo khổ, yếu đuối.

     Một hôm, trên đường xuôi ngược, tình cờ ông gặp lại người bạn đồng môn cũ (cùng học với ông thầy người Tiều). Sau một hồi hàn huyên, người bạn ấy hỏi: "Lâu nay nị có học thêm võ nghệ ở đâu không?". Ông trả lời một cách tự tin: "Mình giỏi quá rồi còn học thêm gì nữa!". Người bạn chỉ mỉm cười lắc đầu rồi mời ông về nhà chơi. Trong bữa cơm chiều, người bạn cho biết là cái vốn võ mà ông học được trước kia chẳng thấm vào đâu cả. Lâm Hữu Hội nổi nóng bỏ đũa đứng dậy đề nghị thử. Và rồi, cuộc tỉ thí giữa hai người bạn đã diễn ra. Kết quả, ông như con cừu non trước mãnh hổ. Từ đó, ông mới hiểu thế nào là cái mênh mông của biển võ.

     Sau đó người bạn dẫn ông lên núi Tà Lơn (Thất Sơn - Châu Đốc, An Giang) gặp 3 người Tiều có vóc dáng rất kỳ dị: Một người cao to vạm vỡ, người thứ hai mập ú tròn lẳn, người còn lại gầy gò nhỏ thó như một cậu bé, cả 3 người là võ sư. Ông xin theo học với người thầy nhỏ thó là cao thủ phái Thiếu Lâm Nững Xị - một trong hai phái võ lớn của người Tiều (Triều Châu). Thiếu Lâm Nững Xị thuộc Bắc phái, du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, võ phái này đặc điểm là chỉ có tấn công và tấn công, sở trường dùng đòn chân trên nền tảng là bộ "Lưỡng tấn".

     Sau 5 năm ròng rã khổ luyện, trình độ võ công của Lâm Hữu Hội thăng tiến vượt bậc. Một hôm, 3 người thầy gọi ông lại, tiết lộ họ là những nghi phạm bị chính quyền Trung Quốc lùng bắt, phải trốn sang Việt Nam ẩn náu, nay đã được giải oan, nên trở về nước.

alt

Võ sĩ "Chà Và Hương" (tức Nguyễn Phi Hoàng, môn sinh của võ sĩ Moustaza - trái) trong trận hạ knock-out võ sĩ Mã Thanh Lèo (Lò Mã Thanh Long) năm 1973 tại sân Tinh Võ (quận 5). Ảnh: Tư liệu.

Những bước ngoặt cuộc đời

     Cuộc đời lại đưa đẩy ông trở thành tay anh chị bảo vệ cho sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn (quận 5). Môi trường này đã nhanh chóng cuốn ông vào những cuộc đam mê đỏ đen. Chẳng mấy chốc bao nhiêu tiền của nướng sạch, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ. Nhưng chính nhờ vậy mà cuộc đời ông lại rẽ sang hướng khác.

     Đầu tiên, để trả ơn, Lâm Hữu Hội nhận dạy võ cho con chủ nhà, sau nhiều người biết đến xin thọ giáo ngày càng đông, dần dần ông nổi tiếng. Lâm Hữu Hội kết hợp "Long - Hổ quyền" ghép với tên mình, thành lập võ đường Long Hổ Hội. Theo lời võ sư Trần Hữu Hoàng: Võ sư Lâm Hữu Hội dáng người cao to khoảng 1m80, thường đội mũ phớt, mặc đồ jean nhạt, đeo kính đen to bản che gần hết khuôn mặt, miệng luôn phì phèo điếu Camel, tay đeo đồng hồ Longine.

     Võ đường Long Hổ Hội là nơi từng đào tạo nhiều thế hệ võ sĩ tài năng, "tứ đại thiên vương" gồm hai võ sĩ gốc Ấn Độ là A Mách và Moustaza, Tôn Ngọc Lực và Hải Huỳnh (từng vô địch 6 tỉnh miền Trung nhiều năm liền). Bốn tay đấm này như 4 trụ đồng vững chắc, bảo đảm thương hiệu võ phái Long Hổ Hội suốt hơn 20 năm (1950-1975).

     Võ sư Lâm Hữu Hội khuất núi tại Sài Gòn ngày 12/9/1988 (12/8 năm Mậu Thìn) hưởng thọ 81 tuổi. Bốn người con trai cố tổ sư môn phái Long Hổ Hội đều là võ sư, hiện người con út là võ sư Lâm Hữu Bình (tự Long Hổ Bill) tiếp tục duy trì võ đường Long Hổ Hội tại số 107/783 Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, TP HCM). Tại đây, ngoài việc dạy võ các tối trong tuần, võ sư Lâm Hữu Bình còn chữa bong gân, sai khớp, gãy xương... theo phương pháp y học cổ truyền.

Moustaza: Từ chuồng bò đến võ đài

     Vào những năm đầu thế kỷ XX, khu Ngã sáu Chợ Lớn (bây giờ là xóm Bàu Sen), chẳng biết tự bao giờ hình thành ở đây một khu dân cư gồm những gia đình người Chà Và (Ấn Độ) chuyên nghề nuôi bò sữa. Moustaza là kết quả từ mối tình say đắm, lãng mạn trong... chuồng bò giữa một anh Chà giữ bò có cái nhìn huyền bí hớp hồn phái đẹp với cô gái Việt lẳng lơ làm nghề buôn sữa lẻ...

     Đám trẻ con của khu xóm Bàu Sen thuở ấy coi Moustaza như thần tượng, người hùng bách chiến bách thắng vì rất lanh lẹ và lì đòn! Đến năm 14 tuổi, Moustaza tìm đến võ đường Long Hổ Hội. Nhận Moustaza làm đệ tử, thầy Lâm Hữu Hội rất thương cậu bé lai Chà nghèo khó nhưng có chí khí, đã không ngần ngại truyền cho Moustaza tuyệt kỹ là bài quyền "Tam chiến Lữ Bố". Moustaza miệt mài ngày đêm khổ luyện với ước mong được thượng đài. Ngày đó cũng đến.

     Ngay trận đầu tiên, Moustaza đã dễ dàng hạ đo ván đối thủ chỉ bằng một cú "Đảo sơn cước". Cứ thế, các tay đấm tên tuổi ở thập niên 60 thế kỷ trước lần lượt "rụng như sung" trước "hiện tượng Moustaza", không một võ sĩ nào chịu nổi cú đá "nhanh và mạnh như điện 220V" của cậu bé chăn bò năm xưa. Moustaza trở thành võ sĩ không có đối thủ ở thể thức võ tự do, được báo chí tôn vinh mỹ từ “Độc cô cầu bại”.

Bi kịch trong ánh hào quang

     Khi đã nhanh chóng nổi tiếng, với "hàng núi" tiền kiếm được quá dễ dàng sau các độ đấu thắng, Moustaza lập gia đình, đưa vợ về Bà Quẹo mở trang trại nuôi bò sữa, trở thành một ông chủ giàu có, tiếng tăm nổi như cồn. Nhưng rồi danh vọng, tiền bạc đã nhanh chóng cuốn Moustaza vào những trò ăn chơi, trụy lạc: cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách... Moustaza lừng lẫy thuở nào giờ đây vật vờ như một bóng ma, công phu luyện tập bao năm qua chẳng mấy chốc tiêu tan.

     Rồi trong lần thượng đài với võ sĩ Ti Noi của Thái Lan, tổ chức tại võ đài sân Tinh Võ (quận 5), Moustaza đã không thể đứng vững sau một hiệp. Sau đó, còn bị võ sĩ Kinh Kha hạ "knock-out", đánh bại ngay đầu hiệp nhì. Lần thảm bại này, sư phụ Lâm Hữu Hội vừa buồn, vừa thương, vừa tức đứa học trò, không dằn được cơn thịnh nộ, ông đã phang cho Moustaza một đá ngay khi vừa bước xuống đài, như để cố ngăn dòng nước mắt...

     Vợ và con bỏ đi biệt tăm, nỗi thất vọng, buồn chán ngày đêm giày vò tâm trí Moustaza, khiến nhà cựu vô địch càng lún sâu vào vũng bùn ăn chơi trụy lạc để mong qua đó sẽ tìm được sự lãng quên, và rồi, bước đường cùng của một tay đấm huyền thoại cũng đã đến: mùa đông năm 1969, Moustaza bị quân cảnh bắt giam vào bót Hàng Keo (Gia Định) vì đã lấy trộm một thùng... sữa Ông Thọ!

     Đầu xuân 1970, mãn hạn tù, Moustaza chỉ còn lại tấm thân tàn, sống lang thang đầu đường xó chợ, rồi vật vã qua đời trên một sạp thịt heo trong "đêm đưa Ông Táo" tại chợ xóm Cháy (Ngã năm Chuồng chó) vì ma túy hành hạ chấm dứt bi kịch của một huyền thoại!alt

Tác giả: Ngọc Thiện
Shaolaojia sưu tầm và biên soạn
 
 

Bài 3

Long Hổ Hội - Người thầy của dòng võ mang họ rồng

      Hiếm có vị võ sư chưởng môn nào có tính cách phong lưu, kiêu bạc như Long Hổ Hội. Cuộc đời ông là một chuỗi đan xen nhiều giai thoại tốt lẫn xấu. Nhưng điều mà không ai có thể phủ nhận ở ông là một tài năng võ thuật và tinh thần thượng võ đáng kính.

Thiếu gia mê võ

     Long Hổ Hội tên thật là Lâm Hữu Hội, sinh năm 1907 tại Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong gia đình là đại điền chủ, ruộng đất bát ngát. Cũng giống như "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy cùng thời, Lâm thiếu gia có tiếng là phóng khoáng, tiêu xài rộng rãi nhưng thương người, hay bênh vực kẻ cô thế, nên cũng thường gây họa vì cái máu "Lục Vân Tiên" của mình.

Long Hổ Hội - Người thầy của dòng võ mang họ rồng, Thể thao, the thao, the thao viet nam, bao, bong da, olympic 2012

Võ sư Long Hổ Hội (thứ hai từ trái sang) cùng vợ con và đệ tử

     Máu lãng tử, cậu chủ Hội không ham nối nghiệp họ Lâm để làm giàu, cũng không mặn mà văn chương chữ nghĩa. Niềm đam mê lớn nhất của Hội là luyện võ để trở thành cao thủ võ lâm. Thấy con như vậy, Lâm lão gia bèn cho người đi rước một thầy võ người Tiều (Triều Châu) về nhà. Trúng ý mình, Lâm Hữu Hội như "lân gặp pháo" mê mải luyện quyền cước quên ăn quên ngủ khiến ông thầy kinh ngạc. Nhiều khi nửa khuya cậu kêu ông thầy dậy để chỉ cách phá đòn, phân thế...

      Được một năm, ông thầy ra đi, Lâm lão gia sang tận Rạch Giá mời một cao thủ nổi tiếng người Hẹ (Khách) biệt danh giang hồ là "Lão Hổ Vương" chuyên về "Hổ quyền". Hơn hai năm sau, Lão Hổ Vương cũng từ giã ra đi. Như một cơ duyên, lúc ấy có một người giới thiệu Hội lên Thất Sơn thọ giáo Huỳnh Long đại sư. Vị này tục danh là Chu Thiếu Quân, người Lôi Châu, hậu duệ đời thứ tám của Chu Chấn Sơn thuộc hoàng tộc nhà Minh.

      Sau khi "kháng Thanh phục Minh" không thành, hai gia tộc họ Chu và họ Mạc đã dong thuyền sang đất Việt, khai phá vùng đất Hà Tiên. Khác với Mạc Cửu, Chu Chấn Sơn mai danh ẩn tích, phát huy dòng võ Chu gia quyền nổi tiếng với "Long quyền". Thân phụ của Huỳnh Long đại sư là Chu Thiếu Hoàng từng là thầy dạy võ của anh hùng Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh nghĩa quân Rạch Giá. Lúc Hội tìm đến thọ giáo, Huỳnh Long đại sư đã ngoài 80 tuổi. Thời gian không còn nhiều, suốt 7 năm trời sư phụ đem hết tuyệt học ra chỉ dạy còn đệ tử ra công khổ luyện đêm ngày. Đại sư tạ thế lúc 90 tuổi.

      Thấy võ công đã "đủ xài", Lâm Hữu Hội nổi máu lãng tử, bắt đầu "bôn tẩu giang hồ". Bước chân lang bạt ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh, sống bằng nghề xếp bến và bảo tiêu (áp tải hàng). Dần dần Lâm thiếu gia ngày nào đã trở thành một đại ca sau những trận thư hùng nảy lửa với những tay anh chị sừng sỏ. Nhưng khi nghe tin trên núi Tà Lơn (Châu Đốc) có 3 cao thủ đang ẩn dật thì Hội liền khăn gói tìm đến xin bái sư.

      Cả ba người đều có những tuyệt học, một người có thuật rẽ nước để đi, người thứ hai biết thuật phi thân, người thứ ba thì có những tuyệt chiêu sát thủ, đánh bại nhiều người. Lâm Hổ Hội theo học người thứ ba. Về sau mới hay môn phái ấy có tên gọi là Thiếu Lâm Nững Xị bắc phái, môn võ lợi hại chính gốc của người Tiều. "Nững xị" (hay "bế xị") theo tiếng Tiều nghĩa là "né lực", không tới không lui, tấn công liên tục.

      Sau 5 năm Lâm Hữu Hội khổ luyện, võ công tiến bộ vượt bậc, ba vị sư phụ từ giã trở về quê hương. Thì ra họ là nghi phạm bị truy nã phải trốn xuống phương nam ẩn thân, nay đã được giải oan nên quay về.

Tung hoành võ đài, khai môn lập phái


      Từ đây "công tử" Lâm Hữu Hội bắt đầu kiếm sống bằng nghề đấu võ đài. Thời ấy ở đâu có võ đài, thi đấu là ở đó có Hội. Anh lấy tên hai dòng võ Long - Hổ quyền ghép vào tên mình thành "Long Hổ Hội". Ít nhiều ảnh hưởng lối đánh dũng mãnh của Muay Thái, những đòn gối bay, chỏ lật của Long Hổ Hội từng là nỗi ám ảnh của không ít đối thủ. Năm 1932, Long Hổ Hội hạ đo ván Surivong, nhà vô địch Muay (Kick Boxing Thái) tại Bangkok, Thái Lan.
 
      Suốt thời thanh niên, Long Hổ Hội đi khắp Campuchia, Myanma, Thái Lan, Lào... Nghề đấu võ đài thời ấy rất thịnh và thu nhập của võ sĩ rất cao, tiền thưởng thắng độ mỗi trận có thể lên đến chục lượng vàng, đủ sống sung túc. Nhưng với Long Hổ Hội thì tiền vào túi ông cũng như "gió vào nhà trống".

      Số là Long Hổ Hội rất mê trò đỏ đen, máu me cờ bạc. Như lời một đệ tử kể "thầy đánh võ thì giỏi chứ đánh bạc dở lắm", nên liên tục bị thua. Cứ lên đài đấu võ, lãnh thưởng xong lấy tiền đó đi đánh bạc. Hết tiền thì lại lên đài. Thời gian nhận bảo vệ sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, Hội nướng sạch hết tiền của, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ.

      Nhưng cũng nhờ đó, Long Hổ Hội chuyển hướng sang dạy võ. Lúc đầu là dạy cho con cháu người quen để trả ơn, sau đó nhờ danh tiếng trên võ đài khiến người tìm đến học ngày càng đông. Và rồi võ đường Long Hổ Hội dạy Thiếu Lâm Nững Xị ra đời tại xã Hạnh Thông, Gò Vấp.

Những đấu sĩ họ Long

      Từ năm 1950 - 1970, đoàn võ sĩ chuyên đánh đài lưu động của võ phái Long Hổ Hội gây sóng gió khắp sàn đấu 3 nước Đông Dương, Sài Gòn - Chợ Lớn, từ miền Trung đến miền Tây và luôn thống trị các giải đấu. Lối đánh dị thường của những võ sĩ lò này là: Di chuyển, chớp thời cơ, nhập nội, không lấy đà và không đỡ. Học trò của võ đường này đều lấy tên Long của thầy làm nghệ danh và đều là những võ sĩ danh tiếng một thời trên sàn đấu, giành cúp, huy chương vàng nhiều năm liền ở các hạng cân trước giải phóng như Long Mutsami (Quang "cao"), Long Moustaza, Long Phi Báu, Long Phi Quý, Long Vân, Long Phi Hải...

Long Hổ Hội - Người thầy của dòng võ mang họ rồng, Thể thao, the thao, the thao viet nam, bao, bong da, olympic 2012
Tượng bán thân của Long Hổ Hội trong tổ đường

      Nổi tiếng nhất là "Tứ đại thiên vương" với anh em võ sĩ gốc Chà Và (Ấn Độ) tên là Moustaza, A Mách, Tôn Ngọc Lực, Hải Huỳnh (từng vô địch 6 tỉnh miền Trung nhiều năm liền). Trên võ đài ở Hội chợ Thị Nghè, võ sĩ A Mách từng gây sốc khi hạ nock out một võ sư Hồng gia quyền nổi tiếng chỉ trong 1 phút 30 giây của hiệp nhì.

     Một trong những đại đệ tử nổi tiếng của Long Hổ Hội có kết cục bi thảm nhất là Long Moustaza. Moustaza là kết quả từ mối tình giữa một chàng trai Chà Và giữ bò với cô gái Việt làm nghề buôn sữa lẻ tại khu Ngã sáu Chợ Lớn (xóm Bàu Sen ngày nay). Từ nhỏ, Moustaza đã rất lì đòn. Đến năm 14 tuổi, Moustaza tìm đến võ đường Long Hổ Hội. Nhận Moustaza làm đệ tử, thầy Lâm Hữu Hội rất thương cậu bé lai Chà nghèo khó nhưng có chí khí, đã không ngần ngại truyền cho tuyệt kỹ là đường quyền "Tam anh chiến Lữ Bố".

      Moustaza miệt mài khổ luyện và ngay trận đầu tiên, chàng trai chăn bò đã dễ dàng hạ đo ván đối thủ chỉ bằng một cú Đảo sơn cước. Từ đó, Moustaza liên tục khiến cho nhiều võ sĩ tên tuổi ở thập niên 60 thế kỷ trước ôm hận trước lối đánh vũ bão và nhất là đòn đá nhanh mạnh như sấm sét. Moustaza trở thành võ sĩ không có đối thủ ở thể thức võ tự do, được tôn vinh là"Độc cô cầu bại".

      Kiếm được nhiều tiền, Moustaza về Bà Quẹo mở trang trại nuôi bò sữa, trở thành một ông chủ giàu có. Nhưng rồi anh lao vào ăn chơi, trụy lạc, dần dần hình hài tiều tụy, công lực tiêu tan.Trong lần thượng đài với võ sĩ Ti Noi của Thái Lan, Moustaza đã không thể đứng vững sau một hiệp. Sau đó, bị võ sĩ Kinh Kha hạ đo ván ngay đầu hiệp nhì. Chứng kiến sự thảm bại của đứa học trò cưng, thầy Long Hổ Hội đã "tặng" Moustaza một đá ngay khi vừa bước xuống đài vì không nén được nỗi đau buồn, tức giận.

      Võ công gần như bị phế, vợ con bỏ đi, Moustaza ngày càng bệ rạc, vướng vào ma túy, sống lang thang, rồi vật vã qua đời tại Ngã năm Chuồng chó vào cuối năm 1970. Tình nghĩa thầy trò Võ sư Phạm Thanh, trưởng võ đường Long Phi Thanh tại Khu chung cư Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TPHCM kể rằng, các môn sinh đều gọi thầy Hội là ba, rất thân mật, gần gũi. Nội bộ bất hòa là thầy đứng ra dàn xếp, tuyệt đối không cho động thủ vì ông lý luận "mày đánh nó cũng bằng nghề của tao". Khi thắt Bạch đai cho Long Phi Thanh hạ sơn, ông nói vui "Tao xong với mày rồi", rất thân thương, trìu mến.

      Võ sĩ Long Mousemy (tức Đới Văn Quý) có lần xin thầy ra Nha Trang để đánh một trận đài lớn. Thầy không đồng ý nhưng anh vẫn lén đi. Biết chuyện, thầy nổi giận cho rằng anh phản sư, khai trừ khỏi võ đường. Lúc chia tay, Mousemy quỳ lạy thầy khóc nói: "Nếu thầy không thương mà tha lỗi cho con, từ nay trở đi con thề sẽ không dùng đến nghề võ nữa!".

      Khoảng hai tháng sau, Long Mousemy bị một đám ma cô vây đánh. Dù có thể hạ gục đám tép riu này nhưng nhớ đến lời thề với thầy, anh đứng yên chịu đòn, thân thể tả tơi. Tình cờ biết chuyện, thầy Long Hổ Hội nhận ra đó là một đệ tử trung thành nên đã xúc động đến thăm và tha thứ cho anh. Và chính Mousemy được thầy truyền cho tuyệt chiêu chỏ lật để hạ đo ván võ sĩ Kinh Kha, rửa nhục cho Moustaza.

      Tháng 2/1974, một võ sĩ lò Long Hổ Hội đã cướp tiền trong một sòng bạc bị cảnh sát bắt. Thầy Hội ngồi đứng không yên vì nếu đệ tử khai là môn đồ Long Hổ Hội thì ông làm sao ăn nói với võ lâm. May nhờ võ sư Trần Hữu Hoàng (võ phái Hắc Hổ) can thiệp nên ngay sau đó đối tượng đi cướp được phóng thích. Mang ơn võ phái Hắc Hổ, từ đó Lâm Hữu Hội ra một "điều luật": "Nghiêm cấm môn sinh Long Hổ Hội động thủ với võ sinh Hắc Hổ dù bất cứ lý do gì!".

Tp.HCM, ngày 17/3/2013
Shaolaojia sưu tầm và giới thiệu

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG