Võ Lâm & Nhân Vật Võ Lâm
Sự thực về thân phận của thủ lĩnh Thiên Địa Hội
THIÊN ĐỊA HỘI
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Thiên Địa hội, (tiếng Hoa:天地會 tiandihui) (còn gọi là Hồng Hoa Hội sau này vào thời Càn Long) là một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hy với mục đích phản Thanh phục Minh, khôi phục lại giang sơn của nhà Đại Minh, đánh đuổi quân Mãn Thanh ngoại tộc.
Thiên Địa hội còn được gọi là Hồng môn hay Tam Điểm hội theo Tam Điểm cách mạng thi của hội:
Tam điểm ám tàng cách mệnh tông
Nhập ngã Hồng môn mạc thống phong
Dưỡng thành nhuệ thế tùng cừu nhật
Thệ diệt Thanh triều nhất tảo không.Thiên Địa hội đứng đầu là Tổng đà chủ, tiếp sau gồm có mười đường, Tiền ngũ phòng có năm đường, Hậu ngũ phòng năm đường, mỗi đường hoạt động tại một tỉnh của Trung Quốc.
(Người nổi tiếng) - “Làm người mà không quen biết Trần Cận Nam thì dù có gọi là anh hùng cũng uổng phí!”. Chỉ một câu của Kim Dung cũng đủ làm người ta hình dung ra một thủ lĩnh Thiên Địa Hội đầu đội trời, chân đạp đất, văn có thể trị quốc, an thiên hạ, võ có thể xoay chuyển càn khôn.
Tuy nhiên, những phát hiện sử liệu mới nhất lại cho người ta những sự thực bất ngờ về vị tổng đà chủ nổi danh trong cả đời thực lẫn tiểu thuyết này…
Huyền thoại về thủ lĩnh Thiên Địa Hội
Có thể nói, trong thế giới tiểu thuyết của Kim Dung, Trần Cận Nam là người duy nhất được tác giả này dành cho lời ca ngợi hết mực như vậy. Vậy Trần Cận Nam là ai? Những người đã từng đọc qua tiểu thuyết “Lộc Đỉnh ký” của Kim Dung chắc chắn không ai không biết nhân vật họ Trần này.
Trong tác phẩm trên, Trần Cận Nam - thủ lĩnh của Thiên Đại Hội - được Kim Dung mô tả là “một thư sinh trung niên ăn mặc theo lối văn sĩ” nhưng lại rất giỏi võ công và giàu lòng nghĩa khí.
Văn có thể trị quốc an thiên hạ, võ có thể xoay chuyển càn khôn, lại là người thấy việc bất bình chẳng tha, Trần Cận Nam là thần tượng của không ít nhân sĩ trong võ lâm.
Tuy nhiên, Trần Cận Nam không phải là thủ lĩnh tối cao mà là thuộc hạ của Trịnh Thành Công - thủ lĩnh chủ trương chống lại nhà Minh, lập lại nhà Thanh. Chính Trịnh Thành Công là người ra lệnh cho Trần Cận Nam thành lập ra Thiên Địa Hội để chống nhà Thanh và 10 đường chủ của Thiên Địa Hội đều là thuộc tướng của Trịnh Thành Công.
Trong thế giới tiểu thuyết của Kim Dung có hai nhân vật, hai tổng đà chủ đều mang họ Trần. Một người là Trần Gia Lạc - thủ lĩnh của Hồng Hoa Hội và người còn lại chính là Trần Cận Nam - thủ lĩnh của Thiên Địa Hội.
Theo mô tả của Kim Dung, Trần Gia Lạc là một người võ công cực kỳ siêu phàm, tính cách khí khái, nghĩa hiệp, là một đấng anh hùng thời loạn chuẩn mực.
Tuy nhiên, so với Trần Cận Nam, Trần Gia Lạc dường như vẫn bị Kim Dung xếp ở hàng thứ yếu.
Nếu như Trần Gia Lạc được Kim Dung chú trọng mô tả phần võ công, lời nói thì khi miêu tả Trần Cận Nam, Kim Dung lại dồn hết bút lực của mình cho tài năng tổ chức và lãnh đạo bang hội, khả năng mưu lược và viễn kiến của một lãnh tụ thiên bẩm.
Trên thực tế, là một thủ lĩnh, võ công siêu phàm chỉ là điều kiện thứ yếu, viễn kiến, quyết đoán, mưu lược mới là phẩm chất cần thiết. Trần Cận Nam không chỉ có võ công siêu phàm mà còn hội tụ đầy đủ tất cả những phẩm chất này.
Có thể nói, trong thế giới tiểu thuyết của Kim Dung, khó có thể có một nhân vật nào hoàn hảo và được tác giả võ hiệp nổi tiếng này ưu ái như Trần Cận Nam.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Trần Gia Lạc và Trần Cận Nam có lẽ không phải là ở tính cách hay phẩm chất, cũng chẳng phải sự ưu ái hay không của tác giả Kim Dung mà là ở chỗ, nếu như Trần Gia Lạc và Hồng Hoa Hội là sản phẩm hư cấu hoàn toàn của Kim Dung thì Trần Cận Nam và Thiên Địa Hội lại có thực trong lịch sử Trung Quốc.
Theo những gì Kim Dung mô tả thì Trần Cận Nam vốn tên thật là Trần Vĩnh Hoa, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trong tác phẩm “Lộc Đỉnh ký”, trong đoạn Trần Cận Nam nhận Vi Tiểu Bảo làm đệ tử, có nói: “Ta họ Trần, tên là Cận Nam.
Ba chữ Trần Cận Nam này là để dùng trong giang hồ. Nay ngươi bái ta làm thầy, phải biết tên thật của ta. Ta tên thật là Trần Vĩnh Hoa…”.
Trần Vĩnh Hoa vốn là một thuộc tướng của Trịnh Thành Công - một thủ lĩnh quân nổi dậy chống nhà Thanh ở Đài Loan - và được Trịnh giao cho nhiệm vụ trở về lục địa, đổi tên thành Trần Cận Nam và sáng lập nên Thiên Địa Hội nhằm tập hợp những người trung thành với nhà Minh để chống lại nhà Thanh.
Theo khảo cứu của các nhà lịch sử thì trong lịch sử xác thực là có tồn tại nhân vật Trần Vĩnh Hoa.
Sử liệu chép rằng, cha của Trần Vĩnh Hoa là Trần Đỉnh, đỗ cử nhân năm 1627, trúng tiến sĩ năm 1644. Sau khi nhà Thanh vào Trung Nguyên, vua Sùng Trinh tự sát, Trần Đỉnh lui về quê ở ẩn, tránh thời loạn lạc.
Vào năm 1648, khi Trịnh Thành Công - một thủ lĩnh phản Thanh phục Minh - đem quân tấn công vào Đồng An (thuộc tỉnh Phúc Kiến), Trần Đỉnh từng gặp và cho Trịnh rất nhiều lời khuyên hữu ích. Tới khi quân Thanh tấn công vào Đồng An, Trần Đỉnh đã treo cổ tự sát. Trần Vĩnh Hoa khi đó mới 15, 16 tuổi.
Khi quân Thanh vào thành, Trần Vĩnh Hoa đã bỏ trốn khỏi Đồng An. Khi đó, Trịnh Thành Công chiếm cứ Hạ Môn (cũng thuộc tỉnh Phúc Kiến), mưu đồ phản Thanh phục Minh, vì vậy tìm mọi cách để lôi kéo các nhân sĩ trí thức trong cả nước về với mình.
Khi đó, Binh bộ Thị lang là Vương Trung Hiếu đã tiến cử Trần Vĩnh Hoa với Trịnh Thành Công. Sau khi Trần Vĩnh Hoa tới gặp và trò chuyện với Trịnh, Trịnh vui mừng lắm, nói: “Vĩnh Hoa, cậu thật là Ngọa Long tái thế!”.
Từ đó về sau, Trần Vĩnh Hoa nhận chức Tham quân trong đội quân phản Thanh phục Minh của Trịnh Thành Công. Sau khi liên tiếp gặp thất bại trong các chiến dịch quân sự ở miền Nam Trung Quốc, Trịnh Thành Công đưa toàn bộ tướng sĩ lẫn gia quyến vượt biển ra đảo Đài Loan.
Tại đây, Trịnh tổ chức một hạm đội đánh bại công ty Đông Ấn Hà Lan đang chiếm cứ đảo này, chiếm lại đảo Đài Loan và xây dựng một triều đại riêng, chống lại nhà Thanh. Tại Đài Loan, chính Trần Vĩnh Hoa là người được Trịnh Thành Công giao cho nhiệm vụ kiến thiết và phát triển Đài Loan.
Dưới sách lược của Trần Vĩnh Hoa và sự nỗ lực của những trí thức trung thành với nhà Minh, Trịnh Thành Công đã xây dựng một đế chế của riêng mình tồn tại trên đảo Đài Loan tới hơn 20 năm.
|
Trần Cận Nam |
Ngoài Trần Vĩnh Hoa, nghiên cứu của các sử gia cũng khẳng định Thiên Địa Hội là một tổ chức có thực trong lịch sử.
Tuy nhiên, nó chỉ là một trong những bang hội “phục Minh, phản Thanh” vốn rất phổ biến ở đầu thời kỳ nhà Thanh chứ không phải là một bang hội đông đúc với phạm vi hoạt động lớn như những gì Kim Dung miêu tả trong những cuốn tiểu thuyết của mình.
Địa bàn hoạt động của Thiên Địa Hội chủ yếu là ở các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Vân Nam,… Hoạt động của Thiên Địa Hội càng ngày càng trở nên công khai và rầm rộ bắt đầu từ thời Khang Hy.
Các thành viên của Thiên Địa Hội dùng đủ mọi phương cách tổ chức các cuộc chiến đấu chống lại triều đình phong kiến nhà Thanh.
Tuy nhiên, kể từ thời vua Đạo Quang trở đi, khi Trung Quốc bước vào thời kỳ thực dân nửa phong kiến thì mục tiêu của Thiên Địa Hội bắt đầu chuyển hướng sang chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân và sự áp bức của chế độ phong kiến Thanh triều.
Sau này, phạm vi hoạt động của Thiên Địa Hội còn mở rộng ra cả Đông Nam Á và châu Mỹ La tinh, trở thành tổ chức của những người Hoa Kiều chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Tuy nhiên, khác với những gì Kim Dung miêu tả trong tác phẩm “Lộc Đỉnh ký”, Trần Cận Nam hoàn toàn không phải là người sáng lập ra Thiên Địa Hội.
Ngoài ra, Trần Cận Nam cũng hoàn toàn không biết võ công chứ không phải là một cao thủ võ nghệ siêu phàm giống như Kim Dung mô tả. Trong quá trình tồn tại của mình, Thiên Địa Hội đã tổ chức rất nhiều cuộc nổi dậy chống lại chính quyền nhà Thanh.
Một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất diễn ra tại Đài Loan do Lâm Sướng Văn dẫn đầu. Trong số những cuộc khởi nghĩa mà Thiên Địa Hội tổ chức chống lại nhà Thanh, người ta hoàn toàn không thấy tên tuổi của Trịnh Vĩnh Hoa.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, Trần Cận Nam có thể chỉ là một nhân vật hư cấu có nguyên mẫu thực chính là Trần Vĩnh Hoa. Song, do sự phổ biến quá lớn của những tác phẩm của Kim Dung, người ta dần dần đồng nhất Trần Cận Nam với Trịnh Vĩnh Hoa ngoài đời thực. Tuy nhiên, những bất ngờ về vị thủ lĩnh của Thiên Địa Hội không chỉ dừng lại ở sự khác biệt giữa đời thực và tiểu thuyết.
Và những phát hiện bất ngờ mới nhất
Gần đây, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một khối lượng lớn các tài liệu lưu hành nội bộ của Thiên Địa Hội tại Bảo tàng The British của Anh. Trong những tài liệu này có ghi chép rất rõ về nguồn gốc và quá trình hình thành của Thiên Địa Hội.
Cũng trong những tư liệu mới được phát hiện này, người ta đã có những khám phá bất ngờ về thân phận của thủ lĩnh Thiên Địa Hội Trần Cận Nam.
Theo những gì các tài liệu này ghi chép thì vào những năm đầu thời vua Khang Hy, có một bộ phận người dân tộc thiểu số sống ở vùng phía Tây của Trung Quốc đã dẫn quân tấn công vào vùng nội địa.
Triều đình đã phái quân tới dẹp loạn nhưng liên tiếp gặp phải thất bại. Lúc đó, các võ tăng từ chùa Thiếu Lâm ở Phúc Kiến tới đầu quân, dùng võ nghệ tinh thông cũng như mưu lược của họ để đánh lui quân phiến loạn.
Tuy nhiên, sau khi giúp quân triều đình giành được thắng lợi, những vị võ tăng này âm thầm trở về Thiếu Lâm Tự, không chịu nhận ban thưởng của triều đình.
Một quan đại thần biết chuyện mới tâu lên Hoàng đế rằng những hòa thượng này lập công lớn mà lại không chịu nhận ban thưởng, rõ ràng là có ý đồ khác. Họ giỏi võ công như vậy, nếu một ngày nào đó tạo phản, chống lại triều đình thì quân triều đình khó có thể tiêu diệt được.
Chi bằng, ta ra tay trước, bất ngờ tiêu diệt sạch bọn chúng. Hoàng đế nghe đại thần nói có lý, bèn phái đại quân bao vây chùa Thiếu Lâm Tự rồi phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa cháy liên tiếp trong nhiều ngày, biến ngôi chùa Thiếu Lâm uy nghi trở thành một đống tro tàn.
Đại đa số các hòa thượng trong chùa đều bị thiêu chết, chỉ có 5 võ tăng nhờ công phu thượng thừa của mình mới thoát khỏi ngọn lửa và vòng vây của quân triều đình để chạy thoát.
Sau khi thoát khỏi sự truy sát của quân triều đình, 5 vị võ tăng này đều lấy lại tên tục, lần lượt gọi là Mã Siêu Hưng, Phương Đại Hồng, Hồ Đức Đế, Thái Đức Trung, Lý Sắc Khai.
Để báo thù cho những đồng môn của mình đã bị thiêu chết, 5 vị cao tăng quyết định tìm gặp các cao nhân võ lâm nhờ giúp đỡ, tổ chức một đội nghĩa quân chống lại triều đình nhà Thanh.
Trong quá trình tìm kiếm người giúp đỡ, họ nghe nói ở một ngôi chùa tại Huệ Châu tỉnh Quảng Đông có một vị hòa thượng tên là Vạn Vân Long, võ công hơn hẳn họ một bậc. Vì vậy, cả 5 người lặn lội tới Huệ Châu mời Vạn Vân Long làm thủ lĩnh của họ.
Ngoài ra, còn có một hòa thượng tên là Trần Cận Nam, võ công tuy không giỏi giang như Vạn Vân Long, song lại là người túc trí đa mưu, rất giỏi việc sách hoạch, mưu lược, văn tài xuất chúng, vì vậy được họ mời tới làm quân sư cho nghĩa quân.
Sau đó, nghĩa quân của Vạn Vân Long, Trần Cận Nam cùng 5 vị cao tăng này đã đánh nhau với quân nhiều đình nhiều trận nhưng đều thất bại, Vạn Vân Long không may tử trận.
Lúc bấy giờ, Trần Cận Nam cho rằng, chỉ dựa vào số lượng binh lính ít ỏi của nghĩa quân hiện tại thì khó có thể chống lại được quân triều đình. Vì vậy, muốn thắng được triều đình nhà Thanh buộc phải thành lập một tổ chức với quy mô lớn.
Dưới sự tổ chức và hoạch định của Trần Cận Nam, họ cùng nhau thành lập tổ chức Thiên Địa Hội. Thiên Địa Hội chia làm 5 “phòng”, 5 vị võ tăng của Thiếu Lâm trở thành phòng chủ của 5 phòng này.
Lúc này, Trần Cận Nam vừa là tổng phòng chủ vừa kiêm quân sư của hội. Sau khi thành lập Thiên Địa Hội, Trần Cận Nam phái 5 phòng chủ đi tới các tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Vân Nam, Quý Châu, Giang Tây, Hồ Bắc,… để phát triển lực lượng.
Trải qua vài chục năm, Thiên Địa Hội đã trở thành một bang hội có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, có hội viên ở khắp các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, thậm chí phát triển ra cả đảo Đài Loan.
|
Trần Cận Nam trên phim |
Lúc đó, tổng phòng chủ Trần Cận Nam cùng các phòng chủ như Mã Siêu Hưng, Phương Đại Hồng đều đã chết.
Tuy nhiên, dù các vị lãnh tụ mới nối tiếp nhau kế thừa Thiên Địa Hội, song họ đều nhất loạt tôn xưng Vạn Vân Long là thủ lĩnh, còn 5 vị võ tăng Mã Siêu Hưng, Phương Đại Hồng, Hồ Đức Đế, Thái Đức Trung, Lý Sắc Khai là “ngũ tổ”.
Thiên Địa Hội là một tổ chức chống lại triều đình nhà Thanh, vì vậy đối với chính quyền Thanh triều, họ nằm ngoài pháp luật.
Các thành viên của bang hội nếu không cẩn thận còn bị bắt. Để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động, Trần Cận Nam đã soạn một số câu ám hiệu dùng để các hội viên có thể nhận ra nhau khi liên lạc.
Các câu ám hiệu của Thiên Địa Hội có rất nhiều loại khác nhau nhưng câu nói được phổ biến rộng rãi nhất để các hội viên Thiên Địa Hội có thể nhận ra nhau chính là: “Địa chấn cao cương thiên cổ tại, tam hợp hà thủy vạn niên lưu”.
Khi một người tới nhà một người khác, chủ nhà sẽ đọc một nửa vế đầu: “Địa chấn cao cương thiên cổ tại”. Người mới đến sẽ đọc vế còn lại rằng: “Tam hợp hà thủy vạn niên lưu”.
Nếu như đọc đúng thì chứng tỏ người mới đến là người của Thiên Địa Hội, còn nếu đọc sai thì chắc chắn là không phải.
Những người không biết nhau gặp nhau trên đường cũng có những ám hiệu riêng để biết xem người đó có phải là người của Thiên Địa Hội hay không. Chẳng hạn như một người muốn biết thân phận thật của một người khác, sẽ hỏi: “Anh từ đâu tới?”. Người được hỏi sẽ trả lời: “Minh”.
Lại hỏi: “Vậy anh đi đâu?” Người được hỏi lại trả lời: “Thanh”. Câu trả lời này hàm nghĩa “trừ bỏ nhà Thanh”. Hoặc nếu như nửa đêm gặp nhau, sẽ hỏi: “Đêm nay trăng vì sao không sáng?”. Câu trả lời chính xác để chứng minh thân phận là: “Phục Minh chính là thời điểm đoàn tụ vậy”.
Những tài liệu được lưu trữ tại Bảo tàng The British còn nhắc tới một người tên là Chu Hồng Anh. Người này tự xưng là con cháu dòng đích của vua Sùng Trinh nhà Minh.
Chu gia nhập Thiên Địa Hội từ khi bang hội này mới bắt đầu thành lập và đóng vai trò như một cột trụ về tinh thần cho Trần Cận Nam và 5 vị võ tăng.
Bởi lẽ, trong tên của Chu có một chữ “Hồng”, vì vậy Trần Cận Nam và những người của Thiên Địa Hội mới gọi bang hội của mình là Hồng môn.
Ghi chép trong những tài liệu tìm thấy có nhiều điểm giống với sự lý giải lâu nay mà người ta vẫn thường nhắc tới.
Tuy nhiên, có rất nhiều điểm khác với những gì mà người ta vẫn nghĩ: Thứ nhất, trong quan niệm lâu nay, Trần Cận Nam hay Trần Vĩnh Hoa là một thư sinh, văn võ song toàn, tuy nhiên, trong những tài liệu mới được phát hiện thì Trần Cận Nam lại là một hòa thượng, võ công không hề thượng thừa như miêu tả mà chỉ bình bình.
Tài năng vượt trội của Trần Cận Nam cũng không phải là thủ lĩnh mà chính là quân sư.
Thứ hai, theo như mô tả của Kim Dung thì những cốt cán của Thiên Địa Hội, tức là 10 đường chủ, đều là những thuộc tướng dưới quyền của Trịnh Thành Công.
Tuy nhiên, theo như tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng The British thì họ là 5 võ tăng xuất thân từ chùa Thiếu Lâm ở Phúc Kiến, hoàn toàn chẳng có mối liên hệ nào với Trịnh Thành Công. Thứ ba, nhân vật Vạn Vân Long chính là Trịnh Thành Công ngoài đời thực và trong tiểu thuyết của Kim Dung.
Tuy nhiên, Vạn Vân Long không giống như Trịnh Thành Công, Vạn Vân Long là một hòa thượng ở tỉnh Quảng Đông.
Thứ tư, trong mô tả của Kim Dung, Thiên Địa Hội chia làm 10 đường, trong khi đó, theo mô tả của tài liệu này thì Thiên Địa Hội chỉ có 5 phòng mà thôi. Thứ năm, cách giải thích của tài liệu về tên gọi “Hồng môn” khác hoàn toàn với Kim Dung.
Theo Kim Dung thì chữ Hồng bắt nguồn từ chữ “Hán” (漢), chỉ người Trung Quốc. Do người Hán bị người Mãn chiếm mất đất đai, lãnh thổ, vì vậy bỏ chữ “thổ” (土) trong chữ Hán đi sẽ có chữ Hồng.
Thiên Địa Hội là tổ chức chống nhà Thanh, một bộ tộc ngoại lai, vì vậy mới dùng lấy chữ Hồng để đặt tên nhằm ghi nhớ nỗi nhục mất nước đó. Tuy nhiên, theo cách giải thích của tài liệu nói trên thì cái tên Hồng môn lại bắt nguồn từ tên của Chu Hồng Anh - một tông thất triều Minh.
Từ so sánh này có thể thấy rằng, nếu như những ghi chép từ sử liệu được tìm thấy ở Anh là đúng sự thực thì rõ ràng Trần Cận Nam không phải là Trần Vĩnh Hoa như lâu nay người ta vẫn nghĩ.
Không những thế, cũng theo mô tả này thì Trận Cần Nam không những không phải là một thư sinh mà là một hòa thượng, thủ lĩnh của Thiên Địa Hội cũng không phải là một cao thủ võ công thượng thừa mà là một người không hề giỏi võ công.
Tuy nhiên, cũng có thể những gì ghi chép trong tư liệu này không hẳn là sự thực mà là câu chuyện do các thành viên của Thiên Địa Hội bịa đặt ra trong một giai đoạn phát triển nào đó của bang hội này.
Bởi lẽ, ngoài tài liệu nói trên, người ta cũng phát hiện có nhiều tài liệu khác nói rằng Trần Cận Nam không phải là hòa thượng mà là một đạo sĩ.
Cũng có tài liệu lại nói, Trần Cận Nam không phải là hòa thượng cũng chẳng phải là đạo sĩ mà là một Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Binh bộ Thượng thư nhưng do nhà Thanh đối xử bất công nên mới từ chức, sau đó cùng với các võ tăng ở Thiếu Lâm Tự sáng lập nên Thiên Địa Hội.
Những câu chuyện này đều là những câu chuyện mang đậm tính truyền thuyết, sự khác biệt nhau nhiều khi rất lớn. Điều đó chứng mình rằng, nhất định có nhiều câu chuyện không phải là sự thực, hoặc tất cả chúng đều không phải là sự thực. Điều này không loại trừ cả những tài liệu vừa được phát hiện tại bảo tàng nước Anh.
Theo Hà Phương (Phụ Nữ Today)