Login Form

Số Người Truy cập

04453881
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
682
384
2854
2806914
13734
28301
4453881

2024-11-21 13:07

Võ Phái Khác

THIẾU LÂM NGŨ HÌNH QUYỀN - 少林五形拳

THIẾU LÂM NGŨ HÌNH QUYỀN
少林五形拳

Nói đến Thiếu Lâm Ngũ Hình quyền là nói đến một loại quyền thuật có nguồn gốc từ môn võ Thiếu Lâm trứ danh của Trung Quốc. Ngũ hình quyền là một loại quyền thuật mang tính tượng trưng (bắt chước hình tượng) của năm loài vật tức Long hình 龙形 (hình của con rồng), Hổ hình 虎形 (hình của con hổ), Xà hình 蛇形 (hình của con rắn), Báo hình 豹形 (hình của loài báo) và Hạc hình 鹤形 (hình của con chim hạc).

dsc00800

dsc03846

 Thiều Minh Nhật & Trần Chí Hoàng Anh trong thế xà Quyền.

 

Nguồn gốc xuất xứ của Thiếu Lâm Ngũ hình quyền cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều điều bất nhất. Nhưng tựu trung, các học giả Trung Quốc về cơ bản đều thống nhất có hai truyền thuyết như sau:

Read More

Truyền thuyết thứ nhất

Tương truyền Thiếu lâm Ngũ hình quyền được hình thành bằng việc bắt chước ý tưởng “Ngũ cầm hý” 五禽 tức hổ hý, hưu hý (lộc hý)鹿, gấu hý (hùng hý), vượn hý (viên hý) và chim hý (điểu hý), những vận động nhằm tăng cường thể lực, trí lực, cường thân tráng cốt ích thọ diên niên được chế tác bởi Y - sư Hoa Đà 华佗 (một danh Y trứ danh trong thời Tam Quốc, người đã từng đề xuất “bổ đầu tẩy độc” nhằm chữa trị chứng đau đầu cho Tào Tháo và do đó mà ông bị Tào Tháo nghi là gián điệp của Đông Ngô nên ngầm sát hại). Do được hình thành từ nền tảng Ngũ cầm hý nên cũng chính vì thế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rất rõ phương pháp chủ đạo trong khi thao luyện Ngũ hình quyền chính là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa “đạo dẫn thuật” và “kỹ kích thuật”, đây chính là hai phương pháp tu luyện hữu hiệu nhằm bồi bổ hiệu qủa cho tam bảo Tinh – Khí – Thần cũng như tăng cường sức mạnh quyền cước khi thực chiến ở ngoài đời.

Truyền thuyết thứ hai

     Võ thuật cổ truyền Trung Hoa đặc biệt dựa trên sự nghiên cứu thói quen và cách thế chiến đấu của loài vật. Trải qua nhiều thế kỉ đặc tính của các loài chim, rắn, thú rừng và ngay cả côn trùng đã được mô phỏng rút tỉa tinh hoa, tái tạo thành kỹ thuật chiến đấu cho con người. Khi có cơ hội hoàn thiện hoặc chuyển hóa một hệ thống hỏa công các nhân vật võ lâm đã mau mắn thêm thắt các kỹ thuật và tinh thần của những con vật gợi hứng cho việc chuyển hóa. Nhiều cách thế còn mang chính ngay tên của những con vật đó được mô phỏng.

     Cuộc nghiên cứu về loài vật tác động lớn vào nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa mà cuộc nghiên cứu dẫn đến môn Ngũ Hình Quyền, một bộ phận chính thống trong võ công Thiếu Lâm có ảnh hưởng đậm đà đối với sự phát triển của nhiều môn võ khác.

      Vào giữa thế kỷ thứ 6 vào thời Nam Bắc triều, Phật gia đã đứng vững ở Trung Hoa. Một nhà sư Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), sau một cuộc du hành dài dừng chân tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, trở thành vị sư tổ thứ nhất của Thiền Môn Trung Hoa. Qua 9 năm liền tĩnh tọa trầm tư, ở độ tuổi 76, Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu chỉ dẫn cách rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu Lâm. Bồ Đề Đạt Ma không phải là người sáng lập Thiếu Lâm Tự và võ công Thiếu Lâm. Ông chỉ đơn giản là người sống tại đây và dạy cho các nhà sư cùng thời. Khi trụ trì chùa Thiếu lâm, Đạt Ma nhận thấy các nhà sư sống trong những điều kiện thực tế rất khắc nghiệt. Hầu hết đều không đủ sức khỏe thể chất để hoàn thành những công việc lao động cần thiết cho sự bảo dưỡng tăng viện và trong trường hợp bị cướp bóc tấn công cũng không có ngay cả khả năng tự vệ. Ông bèn quyết định chỉ cho mọi người những bài tập nhắm hai mục tiêu rõ rệt là tăng cường thể lực và nắm vững kỹ thuật tự vệ căn bản. Những bài tập này bao gồm trong 3 kho sách còn được lưu truyền là La Hán Thập Bát Thủ, Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh. Do ảnh hưởng lớn lao của các kho sách này trong giới võ lâm, Bồ Đề Đạt Ma được coi như cha đẻ của võ công Trung Hoa. Thực ra, trước khi Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện, võ thuật đã xuất hiện phổ biến trong giới binh gia. Các chiến binh đều được truyền dạy cách thể chiến đấu, đặc biệt là về kiếm và thương pháp. Kiếm và thương là những loại võ khí thiện dụng thời bấy giờ. Tất nhiên đối với dân thường thì việc luyện võ vẫn còn hạn chế.

      Nhà Đường (618- 907) là một thời kỳ chiến loạn trong lịch sử Trung Hoa. Võ thuật do đó nở rộ cùng với sự triển khai thêm nhiều loại vũ khí. Các nhà sư Thiếu Lâm được yêu cầu truyền dạy võ thuật để giúp ngăn chống các mối đe dọa đối với triều đình, đồng thời che chở cho tầng lớp thượng lưu. Việc rèn tập võ thuật tại chùa Thiếu Lâm vừa có cơ hội bành trướng ra ngoài lại vừa có điều kiện gạn lọc để lộ rõ các nét đặc sắc. Nối tiếp nhà Đường là một giai đoạn phát triển đầy tính sáng tạo của nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa. Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, vị hoàng đế khai sáng nhà Tống, đã nổi tiếng trong võ lâm do việc sáng lập môn Thái Tổ Trường Quyền. Đối với nhiều người, Thái Tổ Trường Quyền chính là hệ thống tị tổ của nhiều môn võ hiện nay. Vào thời Nam Tống, danh tướng Nhạc Phi góp thêm vào lịch sử võ thuật cổ truyền Trung Hoa các kỹ thuật mới về sử dụng thương và sử dụng tay không trong chiến đấu. Nhiều thế hệ nhân vật võ lâm đã ứng dụng và phát triển kỹ thuật đánh tay không của Nhạc Phi để hình thành môn võ mang tên là Hình Ý Quyền. Đây là sự khởi đầu cho nhu phái là Nội Gia phái trong võ thuật cổ truyền Trung Hoa.

     Tới đời Minh thì võ thuật cổ truyền Trung Hoa gần như đạt mức toàn thịnh. Vào khoảng này đạo sĩ Trương Tam Phong nhận thấy rằng trong võ thuật cổ truyền để phát ra các đòn đánh, người ta thường tận dụng sức mạnh cương mãnh. Người luyện võ hao phí quá nhiều sức lực tự làm suy kiệt mình tới mức có thể đứt hơi ngay trong cả một cử tập đơn giản. Trước mắt Trương Tam Phong cách thế này ngược hẳn với tinh thần Đạo Giáo và các nguyên tắc tăng cường sức khỏe. Vì vậy ông điều phối các bài tập thể dục và võ thuật thành một lối tập thông chuyển nhu nhuyễn nhằm giúp triển nở các nội quan, cơ bắp và xương cốt. Nguyên tắc chỉ đạo trong hệ thống chủ đạo trong hệ thống tập luyện của Trương Tam Phong là sự thư giãn tự nhiên. Trương Tam Phong còn tin rằng có thể kết hợp hữu hiệu hai cách rèn nội lực và ngoại lực để đạt tới môn võ công hoàn hảo. Ông đặc biệt hướng về sự mềm dẻo trong mục tiêu tự vệ và hướng về những nắm đấm cương mãnh trong trường hợp tấn công. Lý thuyết này hình thành môn Thái Cực Quyền và đưa tới sự phát triển nhu phái trong võ thuật cổ truyền Trung Hoa. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất thuộc giáo trình của Trương Tam Phong là tấn công đúng vào lúc nguyên lực của đối thủ đã suy kiệt và tiếp lực chưa kịp phát sinh. Trong hệ thống Nhu Phái Đạo Gia, lý thuyết này đã chiếm được ưu thế và thúc đẩy võ thuật Trung Hoa chuyển hóa mãnh liệt. Không lâu sau đó võ lâm phân thành hai phái Cương, Nhu. Võ công Thiếu Lâm được coi là Hoại Gia Cương Phái hầu như chìm hẳn xuống ngay khi các kỹ thuật thuộc Nội Gia Nhu Phái trở nên phổ cập.

dsc00816 dsc00797

Một biến thế của Xà quyền & Hổ xà hình

     Cuối đời Minh (1368-1640) một nhà sư Thiếu Lâm là Giác Viễn đưa võ công Thiếu Lâm vào cuộc chuyển hướng. Trước khi xuất gia Giác Viễn là một cao thủ về quyền lẫn kiếm. Khi tới Thiếu Lâm Tự, ông nhận thấy võ công Thiếu Lâm thiên về ngoại lực phải sử dụng quá nhiều sức để chống với sức. Ông liền trù hoạch sắp đặt lại cho thích hợp với một cấu trúc cân bằng giữa nội và ngoại lực. Ông du hành xứ, thâu thập nhiều loại võ công còn khả dụng gạn lọc đưa vào hệ thống võ công Thiếu Lâm mới của mình.

      Khi Giác Viễn tới Lan Châu, ông gặp một nhân vật võ lâm là Lý Tẩu. Lý Tẩu giới thiệu Giác Viễn với một nhân vật võ lâm nổi tiếng đương thời là Bạch Ngọc Phong. Cuối cùng, cả ba trở về Thiếu Lâm Tự và lập ra Ngũ Hình Quyền.

      Võ công nguyên thủy thiếu lâm chỉ gồm 18 thế theo La hán thập bát thủ. Bạch Ngọc Phong dựa vào các thế này sáng tạo thành 128 thế, chia ra làm 5 loại mô phỏng đặc tính của 5 con vật khác nhau là Hổ, Báo, Hạc, Xà (rắn) và Long (rồng). Tất nhiên ai cũng thể thấy 5 con vật này có những nét phi thường nổi bật và hoàn toàn khác biệt nhau. Theo Bạch Ngọc Phong mọi người đều phải phát triển 5 phương diện sức mạnh theo cách thế phát triển toàn thân thể để hoàn thiện toàn thân. Năm phương diện đó là LỰC, CỐT, TINH, KHÍ và THẦN (physical strength, bone, libido, “chi”, internal spirit).

      Thiếu Lâm Ngũ Hành Quyền được sáng chế để giúp phát triển cả 5 phương diện sức mạnh kể trên.

LONG HÌNH QUYỀN

       Con rồng Trung Hoa không tương quan với con rồng phun lửa Tây Phương và loại Khủng Long thời tiền sử. Nó chỉ đích thực là sản phẩm của tinh thần tín ngưỡng và được nhắc trong các Kinh sách nhà Phật như một linh vật có toàn năng ẩn hiện, biến hóa.

img 1996 dsc00809

 Long hình quyền

     Theo kinh sách cổ, rồng sống ngoài biển cả và tùy theo ý muốn của nó, rồng sẽ hiện ra hoặc biến đi. Người Trung hoa thường cho rằng rồng có sức mạnh phun nước làm mưa và vào những lúc thực hiện sứ mạng này, rồng sẽ hiện hình trong mây. Thân hình con rồng Trung Hoa tương tự thân hình loài rắn nhưng có vẩy phủ kín. Chân tay rồng giống loài rắn mối, phần cuối có vuốt sắc nhọn. Đầu rồng thì gần như đầu rắn.

     Võ công Thiếu Lâm phát nguyên từ Phật giáo nên rồng trở thành một ứng viên hoàn hảo biểu thị những nét đặc sắc của Ngũ Hình Quyền. Do mang tên của con vật thần bí này, Thiếu Lâm Long Hình Quyền đã vượt quá thế giới thực tế dễ nhận biết của các công phu rèn ngoại lực và xâm nhập thế giới tinh thần của các nhân lực nội tại nhưng dù biểu thị cho nội lực, rồng vẫn đóng góp hữu ích cho việc rèn ngoại lực.

      Rồng vốn không có mặt trong thực tế nên nhiều kỹ thuật của rồng chỉ là biến diện đặc trưng thuộc thường mềm mại và uốn vòng tương tự cử động của loài rắn dù không hoàn toàn giống.

     Tuy nhiên, không hề có sự lẫn lộn giữa Long Hình Quyền và Xà Hình Quyền trong võ công Thiếu Lâm. Dù cả 2 giống loài rắn mối, nhưng rắn không có chân còn vuốt rồng tạo thành một yếu tố quan trọng trong cách thế chiến đấu của rồng.

     Trong khi Xà Hình quyền gồm nhiều động tác mềm mại uốc khúc và tấn công bằng ngón tay thì Long Hình Quyền được biểu hiện bởi các động tác mềm mại và xoay tròn và kết thúc bằng một đòn cương mạnh đột ngột. Rắn chỉ vận dụng riêng nhu lực còn rồng vận dụng sức mạnh phối hợp cả nhu lẫn cương.

dsc00811

dsc00775

Biến thế của long hình quyền

     Do con rồng có móng vuốt, gọi là trảo nên Long Hình Quyền có một kỹ thuật trảo thủ đôi khi có thể lẫn với hổ trảo qua các đặc trưng là Long Trảo Chủ vồ về chụp trong khi Hổ Trảo Chủ lại về cào xé. Kỹ thuật Long Trảo chủ không đánh từ trên xuống để xé toạt đối thủ mà mềm mại hơn, nhắm trước hết tới việc khóa hoặc lôi giựt.

     Kỹ thuật tay căn bản biểu hiện trong Long Hình Quyền là Long trảo. Nhưng không hẳn mọi động tác tay trong Long Hình quyền đều thuộc về trảo, mà vẫn có những đòn tấn công bằng ức bàn tay và nắm tay tức Chưởng và Quyền. Long Trảo chỉ là kỹ thuật tay thường được sử dụng nhất. Đặc điểm của kỹ thuật Long trảo là giữ trảo thủ học vồ chụp một bộ phận nào đó trên người đối thủ như tay, tai…

      Long Hình Quyền nổi tiếng với nhiều trảo thủ khác biệt như:

      1. Thần Long Triển Trảo: Trảo thủ nghiêng về một bên, di động qua lại theo đường chân trời, luôn nhắm vào sườn đối thủ, sử dụng vùng thắt lưng để phát lực.

      2. Kim Long Thí Trảo: Dùng cả hai tay tạo một thế khóa kép, lấy cùi chỏ áp chế cánh tay đối thủ và có thể bẻ gãy, nếu cần.

      3. Thần Long Nhập Hải: khởi đầu như một thế chộp bằng cả hai Trảo thủ rồi dồn hết sức nặng lôi cho đối thủ mất thăng bằng và đả bại.

     Mặc dù Trảo thủ thường được sử dụng nhiều nhất trong Long Hình Quyền nhưng các đòn đánh bằng Quyền và Chưởng vẫn được lưu ý tới. Sau đây là một số thế quyền trong Long Hình Quyền:

     1. Ô Long Bãi Vĩ: tương tự một trái đấm ngược xoay vòng, sử dụng vùng thắt lưng như một động tác quật đuôi để phát lực.

     2. Thanh Long Xuất Hải: là một trái đấm xoay tròn. Một tay lôi đối thủ về phía trước, khi trái đấm công tới.

     3. Kim Long Vọng Nhật: đấm móc ngược lên từ phía trước với một tay phong tỏa trên đầu.

     Kỹ thuật tấn công bằng chưởng trong Long Hình Quyền gần giống Xà Hình Quyền, ngoại trừ điểm khác biệt là Long Hình Quyền là dùng Dũng Chí Công.

     Long trảo công là phép luyện Long trảo bao gồm các bài tập chủ tăng cường sức mạnh riêng cho bàn tay và cánh tay. Võ sinh luyện môn tay nắm chặt những bình đất nặng và đưa lên từ từ. Lúc đầu những chiếc bình để rỗng nhưng sức mạnh sẽ được tăng dần bằng cách đổ thêm nước cho đến khi đầy tràn. Tiếp đó, nước sẽ được thay bằng cát rồi bằng đá với các thể khối và sức nặng lớn hơn.

      Sự góp phần căn bản của Long Hình Quyền cho việc rèn luyện Thiếu lâm Ngũ Hình Quyền là việc luyện tập để triển Khí. Khí là những năng lực nội tại của cơ thể khi được triển khai đúng lúc, Khí có thể phối hợp với ngoại lực để đưa tới những tác dụng đáng kể. Chẳng hạn như tự Thanh long trảo vẫn có ngoại lực lớn nhưng luôn bị hạn chế bởi thể lực. Khi đưa Khí vào trảo thủ của mình, một võ sinh Ngũ Hình Quyền sẽ phát ra một lực mạnh gấp bội lần ngoại lực đơn thuần của trảo thủ.

Trong Long Hình Quyền, nhiều phương pháp triển khí có thể được ứng dụng. Một phương pháp quan trọng là hít thở đúng phép. Hít thở phải thư giãn, dùng phần dưới của cơ thể để hút hơi hơn là chỉ dùng riêng vùng ngực. Hơi thở không thể căng thẳng gấp gáp mà phải mềm mại nhẹ nhàng. Khi thở đúng, hơi thở sẽ giúp chuyển khí về đan điền là vùng tập trung các vùng nội lực của cơ thể. Thở đúng còn khiến thân thể mềm dẻo nhẹ nhàng hơn do tình trạng chu lưu đều khắp của khí.

     Kỹ thuật thở theo Long Hình Quyền ứng dụng trong chiến đấu là một loại hơi thở gắt và nhẹ, phần nào liên qua tới nguyên tắc Nhu tải Cương. Hơi thở đều, nhẹ, tạm nghỉ cho tới khi tung đòn bật mạnh ra, phối hợp với sức đánh.

     Trong việc luyện Long Hình Quyền, võ sinh phải giữ mềm mại khoan thai để triển Khí, tựa như đang tập Thái Cực Quyền. Hấp tấp, căng thẳng quá, Khí sẽ không lưu chuyển. Ngoại lực cương mãnh chỉ phát ra khi có một va chạm. Trong trường hợp ngược lại, võ sinh phải tập trung việc triển Khí để tạo một nội lực cần thiết đủ đối phó với mọi điều có thể tới. Võ sinh còn phải rập khuôn và biểu hiện những đặc tính của rồng. Chẳng hạn, rồng có thể ẩn hiện. Dù võ thuật không thể giúp người ta biến hình, võ sinh vẫn có thể thể hiện đặc tính này bằng cách gây loạn tinh thần đối thủ khiến đối thủ ngỡ mình tấn công ở phía này trong khi mình bất ngờ tấn công từ phía kia. Rồng lại có khả năng biến hóa nên võ sinh có thể dùng cả thân mình làm võ khí để trở thành lớn hơn hoặc chỉ sử dụng riêng mấy đầu ngón tay để tấn kích vào một điểm nhỏ trên người đối thủ. Rồng vốn có tiếng là di động được từ đáy biển tới không trung nên Long Hình Quyền đã truyền dạy cho võ sinh cả hai kỹ thuật là Xuyên (vân) và Nhập (hải).

     Một phần tinh thần của rồng là Ý. Tinh thần của việc triển khí là Thần. Võ sinh Ngũ Hình Quyền có thể dồn khí qua mắt để tạo ra Thần và Ý. Thường, chỉ một cái nhìn cũng đủ khiến đối thủ phải khiếp hãi. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng hiển nổi Thần vì điều kiện bắt buộc của việc này là một cơ thể cường tráng và một khí lực toàn triển.

    Tóm lại, Long Hình Quyền đem cho con người một cỗ xe mà bước lên đó, người ta thấy đích tới là sự phối hợp Nội năng với Ngoại lực để sinh sản một sức mạnh vô cùng đáng sợ.

HỔ HÌNH QUYỀN

     Cổ ngữ Trung Hoa nói rằng: “ Một trái núi không dành cho hai con cọp”. Lời nói xuất phát từ ý nghĩ cho là loài cọp thường tự hào tới mức luôn luôn đặt mình vào vị thế độc bá một vùng. Vì tại Trung Hoa không có sư tử nên cọp chính là chúa sơn lâm. Cũng do đó, Hổ Hình Quyền đã có mặt trong Thiếu lâm Ngũ Hình Quyền.

     Khi ngắm hoạt động của loài cọp, các nhà sư Thiếu lâm đã thấy được sức mạnh, sự dũng cảm và uy lực của chúng và đi tới kết luận đây con vật có giá trị vô biên với tư cách một mẫu mực để noi theo rèn luyện võ thuật. Ngũ Hình Quyền phản chiếu ảnh hưởng đậm đà hành vi của loài cọp. So với 4 loại hình quyền kia, Hổ Hình Quyền khác biệt hẳn ở điểm chủ tạo một thể cốt mạnh mẽ. Cọp là con vật mau lẹ và quyết liệt. Động tác tấn công của cọp là động tác ép tới giống như đang bị xô bởi một cỗ xe. Sức cọp là một loại ngoại lực cương mãnh hung bạo.

dsc00804 dsc00803

 Long trảo là kỹ thuật bắt, khóa còn Hổ trảo là một cử động xé hoặc ép bất chợt...                        

     Hổ Hình Quyền không chỉ nhằm phát huy uy lực mà còn nhằm biến đổi tình trạng gân, xương để tăng phần kiêu hãnh cho cổ và sống lưng. Cổ và sống lưng phải đạt tới mức bền dẻo, có khả năng căng ra đủ để phát nổi một ngoại lực cưỡng mãnh. Bởi uy lực của nhiều loại công phu do các thể tấn vững và cử động mạnh của thắt lưng tạo ra, nên người luyện võ phải có một sống lưng hoàn kiện. Hổ Hình Quyền khai triển ý hướng đó.

     Kỹ năng căn bản trong Hổ Hình Quyền là hổ trảo. Hổ trảo hình thành bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng cọp. Đây là một đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Đích nhắm của hổ trảo là mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh để giúp các ngón tay bấu chắc hơn rổi bẻ quặp hoặc lôi thẳng xuống.

      Hổ trảo khác Long trảo ở điểm Long trảo là một kỹ thuật bắt, khóa còn Hổ trảo là một cử động xé hoặc ép bất chợt. Dù hầu hết kỹ thuật Hổ Hình Quyền xoay quanh hổ trảo nhưng cũng có một số thể sử dụng nắm tay, trong đó có thể Lão Hổ Đái Đầu dùng nắm tay siết chặt phỏng theo cách tấn công bằng đầu của cọp. Nhưng nổi bật và đậm màu sắc vẫn là các thế đánh bằng trảo thủ như Mãnh Hổ Hồi Đầu, Ngạ Hổ Khiên Dương, đặc biệt là Lão Hổ Tiển Đầu. Ứng dụng kỹ thuật sau này có nhiều cách khác nhau. Hoặc biến một tay thành hổ trảo chụp lấy cổ tay đối thủ trong khi tay kia dùng quyền đánh thẳng xuống. Hoặc một tay chộp ngược cổ tay rổi bẻ cánh tay đối thủ, trong lúc tay kia nắm tay áp mạnh xuống một điểm ở phía sau và trên cùi chỏ đối thủ. Đây là một thế khóa kép tạo ra đau đớn dữ dội. Thiếu Lâm Hổ Hình Quyền cũng sử dụng chưởng, chẳng hạn như kỹ thuật Mãnh Hổ Thôi Sơn, một tay biến thành hổ trảo chộp nắm tay tấn công của đối thủ đồng thời úp bàn tay kia đánh vào sườn đối thủ.

     Nhiều kỹ thuật đá đặc biệt cũng được biểu hiện trong Hổ Hình Quyền, trong đó một kỹ thuật đã trở nên quen thuộc với tên gọi là Hồ Vĩ Thoái hoặc Hồ Vĩ Cước. Khi thực hiện kỹ thuật đá này phải giữ cho thân hình song song với mặt đất, hai cánh tay dang về phía trước. Điểm cần lưu ý khi sử dụng hổ trảo thì không phải các ngón tay mà chính toàn thể bàn tay mới thực sự quan trọng. Đây là chiếc khóa để triển khai ngón tay, ức bàn tay và cả chân nữa.

     Để luyện hổ trảo, người ta tung lên những túi cát nặng, nhỏ rồi dùng ngón tay bắt lại. Các túi cát này cũng được dùng khi luyện các thế vồ chụp của hổ trảo nhưng với tốc độ cực nhanh. Về việc tăng cường sức mạnh của các ngón tay và cánh tay thì phương pháp tương tự như phương pháp luyện Long Trảo Công. Trước đây, để biến đổi và tăng sức cho ngón tay, bàn tay và cánh tay luyện hổ trảo, các võ sinh vồ chụp và bấu cánh cây. Ngày nay, cành cây được thay thế bằng trái banh cao su. Vì bàn tay được vận dụng để tạo hiệu năng cho hổ trảo nên cánh tay và ngón tay được phát triển qua cách thực hiện tập đẩy bằng ngón tay. Việc hoàn thiện lưng và cổ được thực hiện với một phương pháp đẩy đặc biệt nhằm tạo lực cho cả cánh tay, lưng và thân. Phương pháp đòi hỏi phải kéo toàn thân về phía trước cho tới khi ngực gần như sát đất thì vận dụng các cơ bắp trên lưng đảo ngược cử động lôi toàn thân về phía sau. So với các phương pháp đẩy thông thường chỉ lên và xuống thẳng thì phương pháp này cử động giống như cuốn về phía trước rồi cuốn về phía sau. Hổ Hình Quyền cũng có nhiều kỹ thuật thở để phát triển sức mạnh và uy lực. Khi thở phải phát ra những tiếng động với số lượng được quy định rõ ràng theo thời khắc. Hơi thở có tiếng động là một nét đặc biệt quan trọng vì nó tạo ra sức bền bằng cách thúc ép tống xuất hết thán khí để thay bằng dưỡng khí cần thiết cho sự phát lực. Bật ra hơi thở có tiếng động còn là cách giữ vững tinh thần ở độ cao, một yếu tố quan trọng khi cử động mạnh mẽ và chớp nhoáng. Cho nên, võ sinh bao giờ cũng bật thở và phát ra một tiếng “oác” khi tung một đòn hổ trảo. Không có phần nào trong Hổ Hình Quyền đề cập tới tinh thần. Khi thực hiện Hồ Hình Quyền, chỉ cần chiếc cổ căng thẳng và cặp mắt giận dữ. Võ sinh phải cảm và nghĩ mình như một con cọp hoang vừa xuống rời núi. Uy lực luôn luôn đến do lòng tự hào. Đây là lúc tinh thần của con cọp hoang hiển hiện để tăng thêm uy lực phi thường cho mọi cuộc chiến đấu. Tinh thần tự hào của loài cọp vươn lên cũng khiến tiêu giảm nhược điểm trước bất kỳ đối thủ nào.

XÀ HÌNH QUYỀN

     Do thiếu chân để xoay trở mau lẹ và tính chất mềm mại âm hiểm hơn là hung bạo, mạnh mẽ mà con rắn có vẻ giống với con vật không giống nó trong Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền.

dsc00800 dsc00789

Xà hình quyền

     Chủ đích của Xà Hình Quyền là phát triển và tăng bồi Khí lực, tức là một tinh thể cho phép tập trung và thấu chuyển uy lực vào các đòn đánh.

     Do thiếu tay, chân, loài rắn phải cử động bằng cách vặn bẻ ngoằn ngoèo toàn thân. Để tạo hiệu năng chiến đấu, loài rắn phải san lấp nhược điểm thiếu chân của mình bằng một số điều, chẳng hạn như: có thể cuộn mình và vươn thẳng đứng, như giống rắn hổ thường làm. Từ thế cuốn khúc này, với sự chính xác và một tốc độ khủng khiếp, nó phóng thẳng về phía con mồi. Chính vì ngay sự xung kích và cử động bẻ vặn thân mình, rắn đã đạt tới một uy lực và sức mạnh cực lớn. Một điểm lợi khác có thể còn quan trọng hơn cả kỹ thuật chiến đấu độc đáo của loài rắn nằm ở việc phát triển và truyền phóng khí lực trong từng đòn đánh. Bởi lẽ luôn trầm tĩnh, thư giãn, rắn tích tu nhiều khí hơn những con vật khác. Do đó, khi phối hợp nội năng vào kỹ thuật ngoại kích, rắn trở thành một đối thủ mạnh mẽ và đáng sợ. Xà Hình Quyền khác với bốn loại quyền kia nhờ những cử động lưu loát linh hoạt thư giãn, phóng ra một uy lực gồm cả hai tính chất Cương và Nhu. Các loại hình quyền kia thường dùng một sức mạnh căng bạo để hạ đối thủ, trong khi Xà Hình Quyền không có đòn đấm, chỉ tấn công qua ức bàn tay và đầu ngón tay. Đối với Hổ Hình Quyền chẳng hạn, Xà Hình Quyền trái ngược hẳn. Sức mạnh của Hồ Hình Quyền dứt khoát thuộc về Ngoại lực. Hổ Hình Quyền náo hoát với mức độ gây âm ĩ trong từng đòn đánh để đạt tới sức mạnh siêu tuyệt. Năng lực của rắn mang tính trầm lặng và thuộc về nội tại. Cho nên, rắn hoàn toàn lặng lẽ khi sắp xếp một đòn xuyên phá uyển chuyển.

dsc00786 dsc00815

 Xà quyền đối luyện

     Vì vậy, toàn bộ kỹ thuật của rắn mang một trình độ võ thuật hoàn hảo trong đó, thủ và công được thực hiện nhất loạt. Không có sự khác biệt giữa thủ và công, vì thủ lập tức biến thành công và ngược lại. Đối với Xà Hình Quyền, các kỹ thuật khác và uốn vòng của rắn thường mang tính phong thủ lúc đàn hồi vụt chuyển thành trực kích, cốt yếu ở sự mềm mại hơn là tốc độ tấn công.

     Xà Hình Quyền gồm nhiều lối đánh bằng ngón tay, trong đó có một đòn tạo thành hình lưỡi rắn bằng cách chĩa ngón trỏ và ngón giữa về phía trước trong khi bè gập các ngón khác lại. Đòn này thường nhắm vào các điểm nhược của cơ thể chẳng hạn như mắt chẳng hạn.

     Một cách đánh ngón tay khác gọi là Thanh Xà Xuất Động xếp các ngón tay lại như đầu một con rắn hổ đang cuốn khúc vươn lên. Theo đúng cách tấn công mồi của loài rắn, đòn ngón tay này phóng ra từ một cùi chỏ uốn cong xuống để đạt tới cực điểm mạnh khi vươn cánh tay về phía trước. Đòn này còn được dùng như thế thượng tỏa (thủ phần trên cao) có thể biến nhanh chóng thành một thế tấn công sát tử nhắm vào cuống họng hoặc mắt.

     Một cách đánh ngón tay khác nữa gọi là Thủy Xà Thượng Diện là một cú móc ngược ngón tay nhắm vào một điểm thuộc họng hoặc nách.

     Ngoài các kỹ thuật chiến đấu căn bản, mọi loại hình quyền đều không bỏ quên thái độ và tinh thần của các con vật được mô phỏng. Thói quen chiến đấu của loài vật luôn dựa trên bản năng nên việc đưa được bản năng đó vào trong võ công là điều quan trọng. Do đó, giữ cho thân hình sinh động và linh hoạt là điều tất yếu khi thực hiện Xà Hình Quyền. Trù hoạch sự tiếp giao đúng lúc cho nguồn sức mạnh nhu nhuyễn, lưu hoàn nơi các cánh tay với nguồn ngoại lực cương mãnh nơi các bàn tay là cần thiết vì Xà Hình Quyền nhiều khi vẫn cần tới Cương lực. Đóng góp quan trọng nhất của Xà Hình Quyền là sự phát triển Khí lực, thành quả gặt hái từ sự thư giãn và sự tập trung. Khi luyện Xà Hình Quyền võ sinh phải tập cho được hai điều là Tĩnh và Nhu, cố mô phỏng cái thân hình dài có thể phát lực qua từng cử động. Để dễ thư giãn, toàn bộ kỹ thuật Xà Hình Quyền cần được thực hiện một cách khoan thai và với sự tập trung. Theo cách tập này, mỗi phần của cơ thể đều chịu tác động và đều được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi hay thư giãn giúp thân thể mềm mại, bền dẻo trong khi tập trung đưa đến sự bình thản sáng suốt là một trong những điều cần thiết cho bất kể nhân vật võ lâm nào.

     Do kỹ thuật Xà Hình Quyền, người luyện Ngũ Hình Quyền biết được cách chuyền Khí lực qua cánh tay để phóng ra đầu ngón tay. Khi không có va chạm thì có vẻ như tất cả đều vô lực. Tuy nhiên, khi va chạm xảy ra, sức mạnh lập tức phát sinh. Nhưng, Xà Hình Quyền không có kỹ thuật tập để phát triển và tăng cường ngoại lực các ngón tay. Điều này sẽ được đạt tới qua các bài tập đặc biệt liên hệ tới Long, Hổ và Hạc Hình Quyền. Điều quan trọng với người thực hành Xà Hình Quyền là phải giữ được bình thản và trầm lặng để triển khai giác quan và cảm nhận cách thế của đối thủ. Va chạm thực sự bằng cách tay luyện Xà Hình Quyền có hiệu quả tương tự như bàn tay trực đả của Vịnh Xuân hoặc bàn tay xô tới của Thái Cực Quyền. Khi chưa va chạm thì tất cả đều như vô lực không có nghĩa là các đòn đánh của rắn chỉ đơn thuần là những va chạm yếu ớt, nhẹ nhàng của một chiếc nanh độc ma quái. Mặc dù có vẻ mềm mại, mọi động tác của người sử dụng Xà Hình Quyền đều mau lẹ và mạnh mẽ. Khi va chạm, sức mạnh của khí lực nội tại sẽ tạo nên một uy lực có thể lớn gấp quá 7 lần sức mạnh bình thường của con người.

     Thể hiện tinh thần đặc biệt của loài rắn, người luyện Ngũ Hình Quyền phải Tĩnh để đủ quán triệt bản thân mình và cảm thấy hoàn toàn bình lặng, bất kể mọi quấy rầy của ngoại cảnh. Trong điều kiện đó, khí lực sẽ thông từ sóng lưng qua cánh tay tới tận các đầu ngón tay. Để đúng như rắn, trước khi công hay thủ, mọi động tác đều cần khoan thai (tương tự như tập Thái Cực Quyền) và thận trọng. Trong ứng dụng thực tế, nhiều đòn đánh đều nhắm vào yếu huyệt nhạy cảm của đối thủ. Những yếu huyệt này là những vùng cốt tử của cơ thể chỉ cần bị kích thích sẽ gây ra đau đớn dữ dội, ngất xỉu thậm chí vong mạng nữa.

     Sau khi thẩm thấu kỹ thuật Thiếu Lâm Xà Hình Quyền, người ta có thể chiến đấu với một tốc độ chớp nhoáng và một sự tập trung thông suốt.

HẠC HÌNH QUYỀN

     Hạc chỉ đơn thuần là một loài chim, nhưng là một loài chim nổi tiếng về tuổi thọ và một dục tính dị thường. Do dục tính dị thường biểu thị một nguồn năng lực sung mãn và do tính biểu thị cho sự trường thọ. Hạc đã được lựa chọn làm con vật mẫu trong Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền.

dsc00792

dsc00814

 Hạc hình quyền

      Người ta tin rằng hạc sống lâu chỉ vì thân thể nó tích trữ được một lượng Tinh cực lớn. Tinh là tiếng chỉ cho nguồn năng lực nguyên sinh hoặc sinh năng của loài động vật. Hạc triển khai Tinh một cách dễ dàng, vì vốn là một con vật trầm tỉnh và có khả năng tập trung cao độ. Bằng chứng cho tính kiên trì và tập trung trên là hạc có thể đứng bất động nhiều giờ liền trên một chân duy nhất. Luyện Hạc Hình Quyền là cách giúp võ sinh kiên thủ nội năng và tăng cường lần sức mạnh về cả hai mặt Nội và Ngoại lực. Tác dụng của việc luyện tập là phát triển khí lực nội tại đồng thời làm cứng chắc xương, và cơ bắp.

      Hạc có bản chất trầm lặng tương tự như rắn và cũng như rắn, mọi động tác của hạc để triệt hạ hoặc chế ngự đối thủ đều chỉ dùng một lực tối thiểu. Toàn bộ kỹ thuật Hạc Hình Quyền là những động tác xoay vòng. Tất cả đều nhu nhuyễn và được thư giãn. Tuy nhiên, những động tác này sẽ bật ra một uy lực bất thần, chớp nhoáng ngay khi chạm vào mục tiêu. Có hai loại kỹ thuật khác nhau gọi là trường và đoản thủ. Các động tác thuộc đoản thủ thường là những thế khóa nhằm lại bại liệt tay chân trong khi kỹ thuật tầm xa thường là những đòn trực đả vào các yếu huyệt hoặc các phần hiểm nhược trên người đối thủ.

     Nổi tiếng nhất trong Hạc Hình Quyền là những đòn mở rộng tương tự như cánh hạc xòe gọi là Hạc Dực. Nay là những đòn rất phổ dụng trong Thiếu Lâm ngũ Hình quyền với kỹ thuật vươn tay, xoay vòng và quyets. Trong kỹ thuật Hạc Dực, cánh tay hạ thấp bao gồm cả ngón tay chính là võ khí tấn công. Hạc Dực biểu hiện động tác xòe ra và mở rộng cánh của hạc. Vì các thế sử dụng uy lực toàn thân để phát sinh năng lực, đòn này phóng ra một sức mạnh rất lớn. Dã Hạc Khai Dực là một đòn nhắm cắt ngang cặp mắt của đối thủ.

dsc00793 dsc00798

 Hạc còn dùng cho các động tác vươn xa & hổ hạc xong hình quyền

      Hạc còn có cần cổ dài để dùng cho các động tác vươn xa. Trong khuôn khổ Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền, những động tác này thường kết thúc với một đòn đánh bằng mỏ. Mỏ hạc, gọi là Hạc Chủy là biểu hiện thông thường nhất cho cách thế chiến đấu của hạc. Hạc chủy hình thành do chụm sát năm ngón tay và một điểm trong khi giữ cho cườm tay hơi cong lại. Đích tấn công của hạc chủy là mắt, cuống họng và những vùng dễ bị sát thương trên thân thể đối thủ. Đòn hạc chủy thường thấy trong Ngũ Hình Quyền là Song Hạc Đái Đầu. Đòn này được biểu hiện bằng vị thế nghịch hướng của hai tay nhằm tấn công vào vùng thái dương của đối thủ. Phần trong của bàn tay hạc chủy cũng có thể trở thành một bàn tay đánh móc gọi là Hạc Cảnh, được dùng trước hết để xô cho đối thủ mất thăng bằng rồi chộp vào cổ, cánh tay hoặc chân đối thủ. Đòn này được trù định với một sức mềm mại, có thư giãn. Tuy nhiên tốc độ và cử động vồ chộp của cườm tay sẽ tăng thêm uy lực đã được tập trung cho cú đánh. Bạch Hạc Thủ Sào là một đòn đánh biểu hiện sự sử dụng hạc cảnh đề thủ. Mặc dù hạc chủy là biểu trưng quen thuộc nhất cho Hạc Hình Quyền, một lối đánh khác cũng được xử dụng nhiều là hạc đỉnh, tức đầu hạc. Theo lối đánh này, phần chót cùng nơi cổ tay của người sử dụng hạc đỉnh mô phỏng như một đầu hạc. Đúng như cách con hạc có thể đánh bằng đầu rồi xô hoặc đẩy bằng cổ, người sử dụng hạc đỉnh đánh bằng chóp cùng của cổ tay bẻ cong lại rồi phóng tiếp cú đẩy mạnh vào thân hình đã ở sẵn trong thế bị đả thương đối của đối thủ. Mục tiêu tấn công của những đòn đánh như thế này nhiều khi là cằm, thái dương hoặc nách. Người sử dụng hạc đỉnh không chỉ phóng đòn bằng phần cứng của cườm tay mà còn bồi thêm cú xô bằng phần cườm tay uốn cong trong khi toàn thể cánh tay như cần cổ hạc (hạc cảnh).

     Kỹ thuật hạc đỉnh mang tên Dã Hạc Thủ Động là những động tác nhằm cả công công lẫn thủ cùng một lúc. Đây là một thế thủ cao chận cánh tay tấn công của đối thủ bằng cườm tay hạc đỉnh đồng thời đánh trả vào một yếu huyệt trên cánh tay trước của đối thủ. Thế thủ này nhiều uy lực đến độ tức khắc biến thành đòn công gây đau đớn bại liệt cho cánh tay đối thủ.

      Hạc Hình Quyền còn có một đòn chân đặc biệt là Bạch Hạc độc lập, theo đó, người ta sẽ trụ trên một chân trong khi chân kia nhấc lên để triệt một cú đã thấp đang công tới. Liền ngay sau đó, lập tức phản cước bằng chân đang nhấc cao. Đây là một cú đá thẳng chính diện gọi là Bạch Hạc Tản Trảo. Việc luyện Hạc Hình Quyền nhằm giúp cánh tay và ngón tay vươn dài và thêm sức mạnh. Luyện Hạc Hình Quyền cũng còn để hoàn thiện tốc độ ra đòn và khả năng giữ thăng bằng, vì các động tác đều mau lẹ, linh hoạt, sử dụng vùng thắt lưng, mềm mại, bền dẻo với nhịp chân uyển chuyển. Nhiều kỹ thuật tập đặc biệt cũng được vận dụng để cải thiện và tăng cường sức mạnh cho bàn tay của người luyện Hạc Hình Quyền. Vì Hạc Hình Quyền chủ gom hết sức mạnh tấn công chỉ vào một mục tiêu nhỏ nên kiện toàn các ngón tay trở nên đều quan trọng. Ngoài các bài tập riêng của Hạc Hình Quyền để tăng cường sức cho các ngón tay, người luyện Hạc Hình Quyền còn tập thêm những bài tập thuộc các loại hình quyền khác. Xà Hình Quyền dạy cho truyền thẳng khí lực vào các ngón tay trong Long Trảo và Hổ Trảo sẽ tiếp thêm Ngoại lực cho các bàn tay và cả ngón tay nữa. Xỉa, đẩy các túi cát căng cứng là cách tập để phát triển hạc chủy. Khi các bàn tay đã hoàn thiện sẽ thay cách xỉa đẩy bao cát bằng cách thọc cánh tay hạc chủy vào các thùng sỏi, đá cục. Việc tập luyện này khiến các tay trở nên cứng chắc và biến thành những vũ khí hiệu quả khi đánh trúng mục tiêu. Để cải thiện cườm tay hạc chủy thì dùng phần chót cùng cổ tay hạc chủy đánh váo túi cát và phần uốn cong của cườm tay hạc đỉnh đẩy túi cát. Đáp ứng cho đòn đòi hỏi phải có mắt cá trân mạnh để giữ nổi thăng bằng khi thực hiện thế Bạch Hạc Độc Lập, người luyện Thiếu Lâm Hạc Hình Quyền thường tập với mắt cá chân có đeo năng. Tinh thần tập trung sâu lắng có thư giãn của hạc cũng giúp phát triển sự tập trung và chuyên chú cho người luyện Hạc Hình Quyền.

BÁO HÌNH QUYỀN

     Tại Trung Hoa, so cả với tính hung bạo lẫn uy lực thì báo chỉ xếp hàng thứ nhì sau cọp. Nhìn chung trên thực tế, nhờ thân hình thon gọn hơn, báo lại mạnh và nhanh hơn cọp.

     Để áp đảo đối thủ, cọp dựa vào hình vóc và sức mạnh bộc phát từ khối cơ bắp đầy, ngắn. Khác với cọp, báo là một hệ thống tổng hòa các cơ bắp cường tráng, dài, dẻo trong một thân hình thon láng, nhanh nhẹn. Sức mạnh và uy lực của loài báo tùy thuộc vào tốc độ chớp nhoáng và động tác chân. Uy lực của báo rất vững chắc nhưng không căng thẳng, mãnh liệt. Cho nên Báo Hình Quyền chú trọng tới các kỹ thuật quật đuôi tự do có thư giãn phát sinh từ tốc độ và sự thăng bằng, phối kết với các động tác dẻo của vùng háng và vùng thắt lưng. Chính vì đạt tới một mức cân xứng giữa sức mạnh công phá mãnh liệt của cọp và sức mạnh tập trung, mau lẹ của hạc mà các nhà sư Thiếu Lâm đã dành cho báo một vị trí trong Ngũ Hình Quyền.Báo Hình Quyền giúp người luyện Ngũ Hình Quyền phát triển về cả hai mặt về thể lực và tốc độ. Thuật ngữ võ học Trung Hoa gọi chung thành quả này là lực, biểu thị một ngoại trạng hoàn hảo của da, gân, xương và cơ bắp. Báo Hình Quyền lưu ý nhiều về mặt luyện khí. Bởi lẽ đặc trưng kỹ thuật của báo là quyết liệt, chớp nhoáng vốn thuộc kỹ thuật ngoại chiến, trong khi việc khai triển ngoại công cho sự phát sinh là lắng đọng Khí lại đòi hỏi những động tác khoan thai chính xác. Tuy nhiên, đã có một tương quan chặt chẽ giữa phương thức luyện nội công theo Long và Xà Hình Quyền với ngoại lực của Báo Hình Quyền. Sự hỗ tương cần thiết này nhằm đưa tất cả tới một trình độ hiệu quả hơn.

dsc00778 dsc00780

 Báo hình quyền

      Đòn tay căn bản trong Báo Hình Quyền gọi là Báo Chùy. Đây là một đòn đánh vận dụng sức mạnh tập trung, mau lẹ để đả thương đối thủ. Nắm đấm Báo Chùy kết thành do sự xiết chặt đốt tay thứ nhất của bốn ngón tay, tương tự một nắm đấm bình thường. Ngón tay ép sát dọc phía ngoài nắm tay để tăng thêm độ chắc. Hình thức kết ngón tay của nắm tay Báo Chùy có hiệu năng tập trung uy lực vào một vùng nhỏ để gia cường sức đánh.

     Luyện Báo Chùy cũng bằng cách đánh và đẩy các túi cát, nhưng thay vì dùng bàn tay thì dùng khớp ngón tay. Các khớp ngón tay chưa luyện tới mức sẽ dễ dàng bị trật, gẫy khi sử dụng Báo Chùy.

     Để tăng hiệu lực của nắm tay Báo Chùy, không chỉ cần riêng những khớp ngón tay mạnh mà còn cả những bàn tay mạnh đủ chịu nổi sức dội của đòn đánh. Các bàn tay được luyện mạnh bằng cách ép và xiết một trái banh cao su mỗi ngày trên 100 lần. Ngoài nắm tay Báo Chùy, Báo Hình Quyền cũng thường sử dụng nắm tay xiết chặt bình thường và nhiều đòn cánh tay hoặc cùi chỏ. Báo rất thành thạo việc chuyển ngoại Kình tới phần thân thể va chạm với đối thủ. Trong trường hợp sử dụng Báo Chùy, Kình phát ra qua các khớp ngón tay. Khi sử dụng ngón tay hoặc cùi chỏ, Kình sẽ phát riêng tại điểm có va chạm để gom sức đánh mạnh hơn.

     Hình ảnh hoàn hảo nhất về kỹ thuật chiến đấu của Báo Hình Quyền nằm trong một số đòn phòng thủ ngăn đỡ. Thay vì ngăn đỡ rồi phản kích, người luyện Báo Hình Quyền chỉ cần dùng cánh tay làm lệch hướng đòn đánh tới cùng lúc phóng nắm tay tấn công. Ngay khi gạt đòn của đối thủ, người sử dụng Báo Hình Quyền đã mau chóng chuyển góc độ của nắm tay để có thể đánh vào chỗ yếu của đối thủ.

dsc00781 dsc00785

 Phong phú & đa dạng hóa báo hình quyền

     Cước pháp của Báo Hình Quyền gồm những bước ngắn, gấp có mục đích tấn vững và tạo ra những bước dài, mạnh cần thiết cho việc chuyển vị trí một cách dễ dàng, mau lẹ. Nhiều kỹ thuật Ngũ Hình Quyền mang dấu ấn của báo, Hắc Báo Thượng Thụ biểu thị tốc độ và tính chủ động tấn công của báo. Kỹ thuật này là một trong bốn đòn tay chớp nhoáng đánh vào cả hai bên mặt lẫn thân hình đối thủ.

     Kim Báo Hí Cầu là một thế phối hợp tay, chân. Trong kỹ thuật này, nắm tay gọi là Ấn Quyền hoặc Ấn Chùy nắm như một trái đấm bình thường đánh vào đầu đối thủ tương tự một trái banh nảy lên, cùng lúc, phóng một cú đá ngang, thấp vào háng đối thủ.

      Một kỹ thuật khác có tên gọi là Báo Tử Định Thân. Kỹ thuật này có thể sử dụng trong cả thủ lẫn công. Khi thủ, Báo Tử Định Thân là một thế khóa thượng kép kiên cố, còn khi công, nó trở thành hai trái đấm đánh vào thái dương đối thủ.

      Về tinh thần, báo cũng không khác cọp. Võ sinh Báo Hình Quyền luôn luôn tự hào và chủ động tấn kích. Sự khác biệt chỉ nằm ở điểm trong cả tinh thần lẫn kỹ thuật, tốc độ cũng bao giờ cũng bản thể của báo.

      Tóm lại, Báo Hình Quyền nhằm gia tăng tốc độ đòn đánh và cước pháp của người luyện Ngũ Hình Quyền, giúp tăng cường các thế tấn, đồng thời còn tạo thêm một uy lực và sức mạnh đáng kể.

     Tp. HCM, một ngày giữa Hạ năm 1012.
     Võ sư: Thiều Ngọc Sơn giới thiệu, với sự cộng tác diễn luyện của hai HDV Thiều Minh Nhật và Trần Chí Hoàng Anh.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG