Võ Phái Khác
KỸ THUẬT CÙI CHỎ CỦA VÕ PHÁI VỊNH XUÂN
Jane Hallender là một nữ võ sư có kiến thức rất lớn về võ học Đông Phương. Bản thân HaLlender đã đạt tới trình độ cao về nhiều môn võ Đông Phương, đặc biệt là Thiếu Lâm và Tâm Ý Quyền. Jane Hallender còn là một nữ phóng viên nhiếp ảnh, một cây bút chuyên về võ học của nhiều tạp chí võ thuật nổi tiếng Tây Phương, đồng thời là tác giả của nhiều bộ sách võ nổi tiếng, trong đó có các cuốn Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền, Thái Lý Phật Kungfu, Võ khí trong Võ thuật Triều Tiên, Kajukenbo,… Bài việt giới thiệu kỹ thuật đánh cùi chỏ trong võ công Vịnh Xuân của Jane Hallender không chỉ đưa lại cho người đọc một kiến thức tổng quát về kỹ thuật này mà còn có thể giúp ích cụ thể cho những người đang muốn rèn luyện môn võ Vịnh Xuân.
Mặc dù võ công Vịnh Xuân rất hiệu quả trong chiến đấu ở cả tầm xa lẫn tầm gần, các võ sĩ Vịnh Xuân vẫn thích nhập nội để vận dụng các kỹ thuật cận chiến như đấm, đá, đeo bám và nương theo cử động của đối thủ để phá vỡ các thế phòng ngự và mở ra các sơ hở của đối thủ. Cùng với các kỹ thuật trên, võ sĩ Vịnh Xuân còn lợi hại với các đòn cánh tay và cùi chỏ.
Các đòn chỏ Vịnh Xuân được giới thiệu ở đây là hệ thống đòn chỏ hình thành bởi Chưởng Môn Lương Đĩnh của Vịnh Xuân Phái. Chưởng Môn Lương Đĩnh là truyền nhân của cố Chưởng Môn Diệp Vấn đã bỏ rất nhiều công phu nghiên cứu về kỹ thuật đánh chỏ.
Là đệ tử chân truyền của võ sư Diệp Vấn tại Hong Kong. Chưởng môn Lương Đĩnh đã nhận thấy có nhiều khác biệt trong võ công Vịnh Xuân tại Hong Kong và võ công Vịnh Xuân tại nơi phát sinh là Vịnh Xuân, Quảng Châu. Do đó, ông đã nghiên cứu các đặc trưng về kỹ thuật cùi chỏ được truyền dạy ở cả 2 nơi trên để cải biên thành 1 hệ thống mới khả dĩ thể hiện hết đặc trưng chung của môn phái.
Sau một thời gian dài chắt lọc, thử nghiệm, chưởng môn Lương Đĩnh đã hình thành một hệ thống 7 kỹ thuật đòn chỏ bao gồm:
- Cát Trửu là các đòn chỏ đánh thẳng từ trên xuống.
- Quải Trửu là các đòn chỏ đánh theo đường chéo và cong tương tự như một nhát dao chém xả từ mặt xuống phần giữa thân người.
- Bãi Trửu là các đòn chỏ chặt ngang rất hiệu quả trong một khoảng hẹp. Bãi Trửu được tung ra với xánh tay ở tư thế gấp và động tác vặn hông.
- Lan thủ là kỹ thuật gập cùi chỏ để đập mạnh cacnh1 tay vào đầu, cổ hoặc ngực đối thủ với một lực đánh cực mạnh do động tác văn thân mình tạo ra một lực xoắn rất lớn.
- Bình Trửu là các đòn chỏ tung ra khi cánh tay ở vị thế nằm ngang theo đường chân trời nhằm thốc thẳng đầu nhọn của cùi chỏ vào các phần mềm trên cơ thể đối thủ chẳng hạn như yết hầu.
- Hậu Trửu là các đòn chỏ thúc về phía sau cho phần nhọn của cùi chỏ chạm địch. Khi tung đòn, năm đấm phải xoay ngược lên trên.
- Trực Lạc Trửu là các đòn chỏ đánh trừ trên cao xuống tương tự Cát Trửu nhưng nhắm vào các mục tiêu thấp hơn và trong một khoảng không gian cực hẹp không thể thi thố bất kỳ một kỹ thuật nào khác.
Trong hệ thống đòn chỏ trên chỉ có 3 kỹ thuật chỏ đã được truyền dạy ở cả Hong Kong lẫn tại Phật Sơn là Cát Trửu, Quải Trửu và Bãi Trửu. Nhưng trên thực tế thì chỉ các võ sinh Vịnh Xuân ở Phật Sơn mới được truyền dạy cả 3 kỹ thuật còn võ sinh Vịnh Xuân ở Hong Kong chỉ được truyền dạy một kỹ thuật cùi chỏ duy nhất. Điều đặc biệt là việc truyền dạy khác nhau này đều do cố Chưởng Môn Diệp Vấn thực hiện.
Cho tới nay, 3 kỹ thuật chỏ trên vẫn được coi là các kỹ thuật chỏ truyền thống của võ công Vịnh Xuân. Tuy nhiên, trong thời gian theo đuổi việc tìm hiểu kỹ thuật đòn chỏ của môn phái, Chưởng Môn Lương Đĩnh đã nhận ra vẫn có nhiều cách đánh chỏ khác xuất hiện rải rác trong võ công Vịnh Xuân. Vì vậy, ông đã tách riêng các kỹ thuật này, nghiên cứu kỹ hơn và hình thành thêm 4 kỹ thuật đòn chỏ tường được gọi là kỹ thuật đòn chỏ cải biên trong võ công Vịnh xuân bao gồm Lan Thủ, Bình Trửu, Hậu Trửu và Trực Lạc Trửu.
Thêm 4 kỹ thuật chỏ cải biên này, kỹ thuật chỏ trong võ công Vịnh Xuân đã đóng góp vào kho tàng kỹ thuật cận chiến của môn phái nhiều chiêu thế lợi hại.
Tuy nhiên, Chưởng Môn Lương Đĩnh vẫn nhắc nhở cần hạn chế tối đa việc sử dụng cùi chỏ. Vẫn theo Chưởng Môn Luong Đĩnh, việc sử dụng kỹ thuật đòn chỏ không thể tùy tiện mà phải thật đúng lúc. Bởi lẽ, đòn cùi chỏ có thể kể là phương sách cuối cùng trong hệ thống kỹ thuật Vịnh Xuân. Nói thế không có nghĩa coi đòn cùi chỏ nằm ngoài hệ thống kỹ thuật hữu hiệu của môn phái mà chỉ để xác định đây là một loại kỹ thuật đặc biệt cần thiết trong 1 số điều kiện đặc biệt.
Trên thực tế, khi dùng kỹ thuật cùi chỏ, khoảng cách giữa ta và đối thủ chỉ còn bằng nửa khoảng cách khi dùng các kỹ thuật đòn tay. Điều này cho thấy thế an toàn của ta đã giảm rất nhiều. Thêm nữa, để vận dụng kỹ thuật cùi chỏ, bắt buộc phải thâu ngắn khoảng cách tức là cần tới một động tác nhập nội. Thời gian nhập nội này cũng có thể là khoảng thời gian tốt đẹp cho đối thủ tấn công ta. Nhìn chung như thế, việc vận dụng kỹ thuật cùi chỏ rất dễ tạo cho đối thủ cơ hội tấn công ta và đó là điều bất lợi hiển nhiên. Cho nên, nếu không cần thiết do điều kiện chiến đấu bắt buộc thì tốt nhất vẫn là vận dụng các kỹ thuật tay, chân khác.
Chưởng Môn Lương đĩnh phát biểu: “Nếu còn cơ hội, hãy luôn tấn công đối thủ bằng nắm đấm hoặc bàn tay hơn là vận dụng kỹ thuật cùi chỏ. Khi tấn công bằng nắm đấm hay bàn tay, toàn thể cánh tay đều di động và phần tiếp cận với đối thủ chỉ là nắm đấm hoặc cánh tay trước. Khi đó, theo lẽ thường, đối thủ sẽ phải ngăn chạn bàn tay hoặc nắm đấm tấn công và chính là lúc mà nếu muốn ta có thể tung ra đòn cùi chỏ với cánh tay kia. Còn ngược lại, mở đầu ngay bằng một đòn cùi chỏ thì rất khó có một đòn tiếp nối nào, nhất là trong trường hợp đối thủ có một phản ứng tốt”.
Do quan niệm trên, Chưởng Môn Lương Đĩnh đã xếp kỹ thuật cùi chỏ vào vai trò “kỹ thuật trừ bị” chỉ có thể tung ra vào những thời điểm thích hợp nhất để kết thúc trận đấu. Sở dĩ vậy, bởi lẽ sức công phá của đòn cùi chỏ luôn cao hơn bất kỳ sức công phá nào của chân. Lãnh một đòn cùi chỏ vào các vùng hiểm nhược, đối thủ khó có thể còn đủ sức đứng vững trong cuộc giao đấu, nhất là khi 2 bên có sức lực ngang nhau. Đòn cùi chỏ hầu hết lấy điểm chạm địch là điểm nhọn của cùi chỏ nên có sức tập trung lực đánh rất cao so với các đòn đấm, đá bao giờ cũng có điểm chạm lớn hơn là nắm tay hoặc bàn chân.
Tóm lại, kỹ thuật cùi chỏ là một kỹ thuật vô cùng ác liệt có thể đưa tới những hậu khả thảm khốc cho đối thủ chỉ với một đòn đánh. Tuy nhiên, khi ứng dụng kỹ thuật này, người vận dụng cũng lâm vào thế mất nhiều điều kiện an toàn. Vì thế, trong giao đấu thông thường nên hạn chế việc vận dụng kỹ thuật đánh cùi chỏ. Riêng trong tự vệ, nhất là trong những trường hơp nguy nan mà đối thủ đã tiếp cận sát với ta thì đòn cùi chỏ chính là kỹ thuật giải nguy hữu hiệu nhất.
Longqua96 sưu tầm và giới thiệu