Home
Công Thành Thân Thoái !
Vừa qua, trong Website có loạt bài viết và phân tích về “Đạo Đức Kinh” của tác giả Ngochai rất hay, rất có ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi giới. Cũng trong diễn đàn, chúng tôi thấy có bài bàn về “Công thành thân thối” của Backieuphong, bài phản hồi qua lại giữa Ngochai và Backieuphong cũng rất ý tứ nên mạn phép đăng lên để mọi người cùng đọc và chiêm nghiệm.
Công Thành Thân Thoái
Vừa rồi, tệ bang có nhiều chuyện nên Kieu mỗ tui phải bí mật hồi hương. Tuy rằng xuôi Việt Quốc cũng ngót nghét chục hôm, lẽ ra cũng nên tham gia “trảm phong” cùng võ lâm bằng hữu. Nhưng phần vì ngấm bụi hồng trần, phần chưa hợp thổ nhưỡng nên Backieuphong vẫn chẳng dám xuất chiêu.
Ngồi nghe bác Ngọc Hải “trảm phong”, mà lại đem toàn chuyện của ông tằng, tằng tằng tổ ngoại của tui ra mà “trảm” với thiên hạ, khiến Backieuphong tui cũng cảm thấy quá “đã” nên không nỡ ngồi im. Vậy tui xin được “tiếp phong” với bác Ngochai một hơi (đề nghị bác nghỉ lấy sức một tí) để Kiều mỗ chém thay cho một chút.
Kiều mỗ tui xin được chém lại chương 9 (Vận di/Đạo đức kinh). Dù Ngochai đã trảm qua, nhưng xét thấy cây “thiên nhai Minh_nguyệt đao” chưa sắc nên Kiều mỗ xin được dùng “Đả cẩu bổng” của bản môn để trảm thêm về câu “Công thành thân thoái”.
“Công thành thân thoái” tuy là câu nói cách nay cả mấy ngàn năm của Lão Tử nhưng lại là câu “răn ngôn” gối đầu của giới quan trường.
Nguyên văn Hán tự
持而盈之 , 不如其已 ; 揣而銳之 , 不可長保 . 金玉滿堂 , 莫之能守 ; 富貴而驕 , 自遺其咎 . 功成身退 , 天之道 .
Dịch Hán Việt
Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ; suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái, thiên chi đạo.
Dịch nghĩa
Giữ cho đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn chắc gì bền lâu. Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành nên thối (lui về), đó là Đạo trời.
Luận giải
Quả là tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời. Ôi! Cái người sống vào thời cổ lỗ sĩ! Cái thời, nghe mệnh vua là phải cỡi trâu vào triều thính chính, bàn chuyện “quốc thái dân an” chứ nào có chuyện đi chuyên cơ với xe bọc thép. Nào cứ phải có google hay kỹ nghệ thông tin mới có thể biết đây biết đó. Thế nhưng, vào cái thời mà người nay chê là mông muội ấy, Lão tử lại có những nhận định xác đáng, chính xác đến mức còn hơn cả máy tính bây giờ.
Thật đúng như thế. “trì nhi doanh chi,…”. Trì ở đây là cầm, là giữ, là vơ vào, là cất giấu… thói đời, hễ mà cái gì cũng vơ vào, gặp gì cũng muốn lấy tất phải có lúc đầy (doanh = đầy), mà đã đầy thì tắc tràn (mãn), đã tràn thì ai dám nói là không mất, ai dám chắc là chỉ tràn mất một ít thôi… phàm một khi nước đã tức thì hậu quả thật khó lường. Đã biết thế sao không “… bất như kỳ dĩ”. Dĩ ở đây được hiểu là thôi, là nghỉ ngơi, là ngưng lại.
Lại như: “sủy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo” có nghĩ là, như cái rùi nhọn kia, dẫu là nhọn đấy, sắc đấy… nước chảy đá mòn, ai dám chắc rằng nó mãi mãi nhọn đây?
Lại như “Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ”. Vàng bạc đầy nhà nhưng lẽ nào cứ đầy mãi. Dân gian có câu “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, mà phải gì đâu xa, chuyện mới đây thôi, chẳng phải là chuyện “thằng Luyện” đấy sao? “Phú quí nhi kiêu,… ” tức giàu, có của, không biết giấu, thân phú quí không biết khiêm cung lại cứ kiêu căng, khoe khoang khoác lác thì chỉ có mang họa vào thân “… tự di kỳ cữu”. Đến lúc gặp “Luyện” hối đâu kịp nữa, lại ngồi trách, sao đời nhiều thằng Luyện đến thế (!?)
“Công thành thân thối, chi kỳ đạo”. Hay! Thật hay cho câu “Danh thành thân thối” (Công thành thân thoái). Nói đâu chết đó! Nói như thế thì thảo nào hậu thế chả tôn làm “thánh nhân”, làm “Thái thượng Lão quân”, là “Đạo gia giáo chủ” cơ chứ!
Người ta ở đời, cái quí giá nhất là mạng sống. Từ kẻ cùng đinh tưởng không còn gì để lưu luyến, cho đến hạng vua chúa sống trong lụa trong nhung; từ đứa thất phu cho đến bậc túc nho bác lãm… không ai là không quí cái “mạng sống” của mình. Thế nhưng, ở đời ai cũng biết mạng sống là vô giá, do vậy phải biết “Còn người là còn của”, mạng sống quí hơn vàng nên phải hết sức giữ gìn. Phàm hễ khi đi đâu, xa cũng như gần, câu mà người ta nhắn gởi cho nhau ấy là câu "bảo trọng"; trong giao thiệp phải biết “dĩ hòa vi quí”, khi cần cũng phải biết “bỏ của chạy lấy người”… cốt cũng chỉ được "toàn" cái thân đấy thôi. Biết thì biết thế nhưng vẫn cứ “ngu” như thường, vẫn cứ đến phút “89” mới giật mình khi phát hiện, đứng bên ta toàn là: “Lê Văn Luyện” (!).
Kể vài trường hợp:
Xưa:
- Ngũ Tử Tư, người nước Sở vì báo thù cho cha, cho anh, phải bỏ Sở chạy trốn sang Ngô. Tử Tư là trọng thần nước Ngô, hết lòng phò giúp công tử Thắng (vua Hạp Lư) và Phù Sai đăng cơ, xưng hùng xưng bá. Thế nhưng, về sau Phù Sai nghe lời rèm của Bá Hi sai người đem thanh kiếm “Trúc lâu” đưa cho Ngũ Viên. Ngũ Viên cầm thanh kiếm mà than rằng: “Đại vương muốn cho ta tự tử đây!”. Nói xong chạy ra giữa sân, ngửa mặt lên trời chửi: “Trời ơi! Trời ơi! Ngày xưa tiên vương không muốn lập mày (mất cả tư cách, dám gọi vua bằng mày!), mày nhờ sức ta mới được nối ngôi. Ta vì mày mà phá Sở phá Việt, khiến cho uy danh lừng lẫy chư hầu. Nay mày không theo lời nói của ta, lại bắt ta phải chết. Ta chết ngày nay thì ngày mai quân Việt đến đào bỏ xã tắc nước Ngô!”.
Thương cho mưu thần Ngũ Tử Tư, người nổi tiếng cơ biến, tính việc thiên hạ như thần mà nhận ra việc của mình lại... chậm thế (?!).
- Văn Chủng Đại phu vì không nghe lời của Thiếu Bá (tên tự của Phạm Lãi) dặn “Điểu mà tận thì cung xếp xó, giảo thỏ đã hết thì chó săn bị nấu, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng hết…”, đại khái công đã thành, danh đã toại sao không biết lui về. Và vì không biết “trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ” lại “Phú quí nhi kiêu, tự di kỳ cữu” nên chỉ đến khi Việt Vương đến nhà đưa cho thanh kiếm “Trúc lâu”, lại là thanh “Trúc lâu” và nói: “Ta nghe: người chí sĩ không lo thân mình chết, mà lo đạo mình không được làm. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà nước Ngô đã bị diệt. Còn thừa 4 thuật xin nhà ngươi đem 4 thuật ấy mà giúp cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ phỏng có nên chăng?”.
Ôi! thôi thôi! Thật thương thay cho Văn Chủng, một đời lao tâm khổ tứ để rồi kết cục còn chết nhục chết nhã, chết đau chết đớn… Rồi thì đám Tô Tần, Bạch Khởi, Hàn Tín, Thương Quân… toàn là trang anh kiệt, sức có thể nâng nổi ngàn cân, tài có thể phiên giang đảo hải. Thế nhưng… cũng toàn chết tức tửi cả đấy thôi!
Nay: Những Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng bộ Thương mại), Trần Mai Hạnh (nguyên Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội Nhà báo VN), Bùi Quốc Huy… cũng chẳng phải là những tay anh kiệt hay sao? Vì sao thân tàn danh bại (chí tại ngoại, phàm xác tại ngục trung)…. phải chăng họ quá nhiệt tình với Đảng, với dân nên danh mới vong thân mới dính vào vòng lao lý? Và còn rất nhiều người, nhiều lắm… tất cả đâu có phải là kém cỏi, ngu si dốt nát gì. Chẳng qua cũng chỉ vì… quá "tham" đấy thôi!.
Giàu sang phú quí nào có thấy đâu? Chỉ thấy khi cho nói “lời cuối cùng”, kẻ nào cũng tỏ ra ân hận và những mong được hưởng lượng khoan hồng, những mong làm lại cái thời oanh oanh liệt liệt.
Lão Tử nói: Họa không có gì lớn bằng không biết tự đủ, không có hại nào to bằng lòng tham muốn chiếm cho được nhiều” (Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc) và ông nhấn mạnh: Người mà biết đủ cái đủ của mình thì không bị nhục, biết dừng đúng lúc thì không nguy. Được như thế thì có thể trường tồn (Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi. Khả dĩ trường cửu).
![]() |
|
Công thành Thân Thoái
Thái Trạch là người nước Yên, cỡi cái xe nát đi du thuyết chư hầu chẳng nước nào nghe. Thái Trạch đến Hàm Dương nói với người chủ nhà trọ: “Dọn cơm cho ta ăn, gạo phải trắng, thịt phải béo, đợi khi ta làm thừa tướng nước Tần ta sẽ hậu đãi”. Người Tần nghe Thái Trạch nói, ai cũng cho rằng cuồng. Tin đồn rồi cũng đến tai Thừa tướng Phạm Chuy, Phạm Chuy nói: “Sự nghiệp ngũ đế tam vương, học thuyết bách gia chư tử, không điều gì là ta không biết, bao nhiêu tay hùng biện gặp ta đề phải thua. Vậy cái thằng Thái Trạch là thằng nào, tài cán gì lại nói lọt được vua Tần mà đòi cướp tướng ấn của ta?” Nói xong sai người đến nhà trọ đòi Thái Trạch vào hầu. Chủ trọ nói: “Tai họa của khách đến nơi rồi!”. Thái trạch mặc áo vải, đi dép vào yết kiến Phạm Chuy. Phạm Chuy ngồi xổm để đợi, Thái Trạch chỉ vái mà không chịu lạy. Phạm Chuy tấn công: “Nói rêu rao bên ngoài là muốn thay ta làm tướng có phải là mày đó không?”. Thái Trạch đáp: “Chính là tôi đây”. Phạm Chuy chồm đến: “Mày có thuyết gì mà có thể cướp được tước vị của ta?”. Thái trạch nói: “Ôi! Sao ngài lại hiểu chậm như thế? Đã thành công rồi thì nên lui về nhường cho người sau. Ngày nay, ngài nên lui về là phải… Vua thánh tôi hiền là phúc của nước, cha hiền con hiếu là phúc của nhà, làm con hiếu ai chẳng muốn có được cha hiền, làm tôi hiền ai chẳng muốn được vua sáng. Tỉ Can trung mà nhà Ân mất, Thân Sinh hiếu mà nước Tấn loạn, thân dẫu chết mà không ích gì cho vua, cho cha là cớ làm sao? Là vì vua không sáng và cha không hiền vậy. Thương Quân, Ngô Khởi, Văn Chủng đều là không may mà bị chết há phải cầu chết để lấy cái tiếng để lại đời sau đâu. Đại trượng phu ở đời, thân danh đều toàn là bậc nhất; danh truyền mà thân chết là thứ nhì; còn như danh nhục mà thân toàn đó là kẻ hèn kém… tục ngữ nói: “Mặt trời đến lúc giữa thì bóng xế, mặt trăng đến lúc đầy thì vành khuyết”, ngài sao không nhân lúc này nộp trả tướng ấn, chọn người hiền mà tiến cử lên, tiếng là từ bỏ vinh hoa, nhưng thực chất là cất được gánh nặng, rồi sẽ tìm nơi cao ẩn, hưởng hết tuổi trời, con cháu đời đời nối làm Ứng Hầu, chẳng hơn là cứ giữ lấy cái địa vị bấp bênh không vững mà còn lo cái họa vô hình không khéo sẽ xảy ra chăng?”. Phạm Chuy nghe nói, như người tỉnh cơn mê, vội chạy xuống mời Thái Trạch lên trên ngồi rồi quì lạy hai lạy, nói xin vâng theo lời…
|
|
Công thành Thân Thoái
“Công thành thân thoái” phải chăng mới là thiên đạo?... Tài như Lão Trang, Khổng Mạnh rồi cũng chết. Chỉ có lời nói hão là còn. Lời nói khiến cho hậu nhân nửa tỉnh nửa mê!
Kính anh Ngọc Hải.
Kiều Mỗ
Mừng backieuphong vân du Nam hạ
Bắc Kiều Phong đúng là Bắc Kiều Phong, văn võ song toàn. Xem ra Bổng còn sắc bén hơn đao kiếm. Ngòi bút còn bén nhọn hơn mũi tên hòn đạn. Lịch duyệt giang hồ nên nhận định nhân tình thế thái – từ cổ chí kim, thật sâu sắc và thâm thúy.
Hay cho câu: ”Tài như Lão Trang, Khổng Mạnh rồi cũng chết. Chỉ có lời nói hão là còn. Lời nói khiến cho hậu nhân nửa tỉnh nửa mê!”
“Lời nói khiến cho hậu nhân nửa tỉnh nửa mê!” Ôi, có người cho mình là tỉnh, nhưng lúc đó là đường mê chăng? Thế nên, giữ được nửa tỉnh nửa mê có lẽ cũng là tốt lắm rồi ư! Để giữ được Liên “tỉnh”, há được mấy người.
Dường như đạo học của Thánh nhân có nhiều điểm phù hợp và có thể ứng dụng, không những trong cuộc sống, mà ứng dụng cả trong nghiệp Võ chăng.
Câu: “Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; Giầu sang mà kiêu là tự rước lấy họa”. Có thể suy diễn một chút được chăng: “Võ nghệ đầy mình, làm sao giữ nổi; Giỏi võ mà kiêu, tự rước lấy họa”?... và suy diễn nữa …
Cho nên, người xưa có nói: đạo học là học Đạo. (hi hi, các cụ nhà mình chơi Chữ ghê thật)
----------------------
Backieuphong ôi, tên của bác theo Dịch: Bắc-Khảm; Phong-Tốn: Thủy Phong TỈNH. Ứng với câu: “Mộc thượng hữu Thủy, Tỉnh, quân tử dĩ lạo dân khuyến tương.”
Là chưởng môn của Cái Bang phương bắc, chắc hào Nguyên đường của bác rơi vào Hào 5: Cửu ngũ-Tỉnh liệt, hàn tuyền thực.
Có thơ rằng:
ngochaiNước lành suối mát trong veo
Bên đông trời mọc, nước reo, núi hùng.
.