Chuyện Làng Võ
Trong lịch sử Việt Nam: Ai là người khinh sư bán chúa ?
Quân - Sư - Phụ là ba bậc bề trên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tất cả ai đã sinh ra và tồn tại trên cõi đời này. Đặc biệt với người Á Đông, vị trí của ba vị Quân - Sư - Phụ được coi là lãnh tụ tối cao của mỗi người cả về thể xác lẫn tinh thần.
Phàm là kẻ trượng phu, thân làm quan mà để vua mang nhục thì bề tôi chỉ còn nước chết để tỏ lòng trung; đã là đệ tử mà để thầy phải lo (lão sư hữu sự, đệ tử phục kỳ lao 老师有事第子服其劳), để thầy mang tiếng thì lập tức sẽ tự động dời khỏi sư môn ; kẻ làm con,là trò mà không ra làm quan để dương danh tông phái, rạng rỡ tổ tiên, hiển danh cha mẹ thì đều được liệt vào phường “đại bất hiếu”. Do vậy, ơn của vua, của thầy, của cha không thể nào không báo; mệnh của vua, của thầy, của cha thì không thể không tuân; thù của vua, của thầy, của cha cũng không thể nào không trả. Tuyệt đối trung thành với vua (vua với tổ chức chính trị, với giai cấp cầm quyền ngày nay thực chất cũng vậy mà thôi) với nước, với dân là đạo lý, là phẩm chất tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc và cũng vì vậy, việc bán chúa cầu vinh, lừa thầy phản bạn dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là điều đáng ghê tởm, là quốc nhục, bị đời đời lên án trong xã hội Á Đông. Sự thật vẫn là sự thật, chuyện “Phản thầy lừa bạn, bán chúa cầu vinh” không chỉ xảy ra trong xã hội xưa mà ngày nay, dù là xã hội văn minh nhưng những chuyện ấy (khinh sư bán chúa) vẫn thường xảy ra như cơm bữa và đang có nguy cơ ngày càng gia tăng. Chúng tôi thiển nghỉ chẳng riêng gì ở Việt Nam ta, ngay cả các nước phát triển những chuyện đó cũng không phải là chuyện hi hữu. Có điều, tính chất trắng trợn và nhâng nháo thì chỉ có ở Việt Nam ta (?!).
Dưới đây, chúng tôi xin kể hầu các bạn một câu chuyện, chuyện xảy ra dưới thời vua Lê chúa Trịnh nhưng theo chúng tôi, có lẽ đây là câu chuyện có tính kinh điển về mọi phương diện liên quan đến chủ đề trên:
Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (Bính ngọ, năm 1786), đời vua Lê Hiển Tông nhà Lê. Do sự chuyên quyền, hiếp đáp vua của nhà chúa (Trịnh Tông) khiến cho mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị ngày càng trở nên vô cùng gay gắt, đặc biệt là sự phế lập, tranh giành ngôi cao trong phủ chúa đã khiến cho chính sự đảo điên, thời cục hỗn loạn. Lợi dụng cơ hội này Nguyễn Hữu Chỉnh[2] đã bày mưu cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân Bắc phạt nhằm báo thù cho thầy của mình là Quận Huy (Hoàng Đăng Bảo). Quân Tây Sơn lấy cớ “Phò lê diệt Trịnh”, lại cậy có loại “hỏa hổ” [3], như nước vỡ bờ ồ ạt tấn công khiến quân nhà chúa đều sợ mất mật, không đánh mà tan, bỏ cả khí giới chạy thục mạng. Theo “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”:
Nguyễn Trang khinh sư bán chúa... cầu vinh.
Bấy giờ Bình đã vào thành[4], hạ lệnh nghiêm cấm quân sĩ không được cướp bóc của dân, rồi Bình vào phủ chúa nghỉ ngơi.
Chúa (Trịnh Tông) thấy quân lính tan tác, ngoảnh nhìn quanh mình, đã không còn một người nào… chúa vội cởi bỏ quần áo, đội khăn chữ đinh tụt xuống ngồi núp dưới ngăn hòm da ở mé sau bành voi, rồi co đầu voi quay về phủ. Khi qua cửa Tuyên Vũ, thì thấy tiền binh của địch chừng vài chục người đã lọt vào trong phủ và đang kéo cờ ở ngoài phủ; chúa liền quay voi men theo bờ hồ Minh Đường, nhằm cửa ô Yên Hoa[5] mà chạy. Mấy viên cận thần và các thân binh biết chúa chạy ra phía Tây, bèn lục tục chạy theo. Tới ngoài của thành, hãy còn chín thớt voi, hơn mười con ngựa và hơn ngàn người. Lúc đến huyện Yên Lãng thì có người con trai Nguyễn Thưởng là Nguyễn Noãn, quê ở làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, vốn là gia thần của chúa, đón chúa ở dọc đường quỳ xuống mép đường bên trái mà thưa rằng:
- Ngày trước tôi vâng mệnh chúa đi mộ quân, hiện đã mộ được năm trăm tên, đang chờ ở phía bắc bờ sông này. Xin chúa hãy ngự giá sang phía Bắc, tới làng tôi đóng tạm để lo công việc về sau.
Chúa bèn sai gọi đò để sang sông. Bao nhiêu chân sào ở bến đò mỗi người lẩn đi mỗi ngả. Tìm mãi mới được ba chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chỉ chở được khoảng mười ba, mười bốn người. Chúa vội lên thuyền, chỉ có năm sáu viên quan hoạn trẻ tuổi và Noãn đi theo, còn bao nhiêu quan quân và voi ngựa đều phải ở lại.
Chúa lên bờ, không thấy một tên quân nào, vội hỏi Noãn thì Noãn đáp:
- Lính tráng hiện ở làng tôi, xin chúa hãy quá bộ đi dần lên phía trước, làng tôi cách đây cũng không xa.
Chúa có ý hối Noãn đã làm lỡ việc, lại sợ đi nữa chưa chắc giữa đường có được yên hay không. Bấy giờ quanh mình chẳng có ai đáng tin, chúa nghĩ rằng chỉ có những bậc văn thần tiến sĩ là có thể trông cậy được bèn hỏi Noãn:
- Những thôn ấp gần đây có viên tiến sĩ nào không?
Noãn thưa:
- Ở đây thì chẳng có ai là tiến sĩ. Chỉ có viên Thiêm sai tri lại phiên Lý Trần Quán, trước kia phụng mệnh đi chiêu dụ nhân dân, vẫn đóng tạm tại làng Hạ Lôi, nhưng không biết hiện giờ có còn ở đó nữa không?
Chúa nói:
- Ngươi hãy thử đi hỏi xem. Nếu còn thì nên bảo kín tình trạng này để cho viên ấy biết mà lo liệu giúp ta.
Noãn vâng mệnh, đi tới ra mắt Lý Trần Quán kể rõ đầu đuôi, rồi nói:
- Tôi trước vâng mệnh về quê mộ quân, hiện nay đã mộ được một số, đang đợi ở địa giới huyện tôi. Quan lớn hãy liệu cách nào mượn tạm lấy ít binh lính, khí giới hộ vệ cho chúa tới đó, thế là yên ổn.
Quán có người quen là viên Tuần huyện tên là Nguyễn Trang ở làng Hạ Lôi. Trang vốn là một tên tướng cướp, trước có học với Quán. Bấy giờ, Quán trú ở Hạ Lôi cũng là nhờ có Trang che chở. Nghe Noãn nói thế, Quán bèn cho gọi Trang vào bảo:
- Hiện có quan tham tụng là Kế Liệt hầu tránh loạn đến đây, muốn phiền anh hộ tống ra khỏi địa phận.
Trang xin vâng. Quán liền cùng Trang theo Noãn đến yết kiến chúa.
Nguyên lúc trước Quán có làm việc trong phủ chúa nhưng vì chức quan nhỏ nên chưa từng được thấy mặt chúa, mà chúa cũng chưa hề biết Quán bao giờ. Khi ấy, chợt thấy Quán đến, chúa bèn ngoảnh lại hỏi mấy viên thị thần:
- Đó là người nào?
Bọn thị thần đáp:
- Đó là Lý Trần Quán.
Chúa đang nhún nhường chưa biết nên nói câu gì, Quán khi được triệu kiến cũng tỏ ra hết sức cung kính, điệu bộ rụt rè, khúm núm. Vô tình chúa và tôi đều lộ rõ chân tướng. Hồi lâu, chúa mới nói tâm sự với Quán. Quán chỉ vào Trang thưa:
- Tôi có tên này, vốn là học trò cũ của tôi, việc đó hắn có thể đảm đương được.
Rồi Quán quay sang bảo Trang:
- Anh phải cẩn thận hộ vệ quan lớn ra khỏi địa giới đấy nhé!
Trang thưa “dạ!”.
Quán bèn từ biệt chúa, trở về nơi trọ. Còn Trang thì đem năm mươi thủ hạ đi hộ vệ chúa. Lúc đi qua một ngôi nhà mà Quán đã từng ở, Trang giữ chúa lại trong một căn buồng bỏ không và hỏi:
- Ông có phải là Đoan Nam vương thì cứ nói thực với tôi. Nếu không, rồi xảy ra việc gì, ông đừng có trách!
Chúa mới đầu còn định giấu giếm, bèn đáp:
- Sao anh lại đoán xằng như vậy? Ta chỉ là quan Tham tụng Bùi Huy Bích mà thôi!
Trang nói:
- Ông chớ nói dối người ta. Các điệu bộ che đậy của chúa tôi nhà ông lúc nãy tôi đã thấy cả rồi, còn che mắt được ai nữa? Từ xưa đến nay, hưng phế là việc thường, ông cũng không thể tránh khỏi, đừng có làm gì nữa cho thêm nhọc mình!
Rồi Trang đưa chúa về nhà. Chúa giận lắm, đổi sắc mặt mà nói:
- Vua chúa phải có mệnh trời. Chính thật Đại nguyên soái Nam vương là tao đây! Nếu có chết về tay người trong nước thì cũng là mệnh trời. Tha hồ cho mày làm gì thì làm!
Trang bèn sai người đi báo tin cho Tây Sơn. Hết thảy những kẻ đi theo chúa đều bị bắt giữ. Quán nghe tin có việc biến, thân hành đến tận chỗ chúa, rập đầu xuống đất mà nói:
- Làm lâm đến chúa nông nỗi này, là do tội của tôi cả!
Chúa đáp:
- Người ta ai có bụng nấy, khanh có can dự gì?
Quán lui trở ra, bảo Trang:
- Chúa là chúa chung của thiên hạ. Mà ta lại là thầy anh. Vua tôi là nghĩa lớn, sao anh nỡ làm như thế?
Trang đáp:
- Quan lớn không bảo tôi trước, khiến tôi trót lầm đến gặp chúa. Nếu chúa trốn thoát ở tay tôi, rồi nữa quân Nam đến hỏi tội tôi, liệu quan lớn có thể biện bạch hộ được không? Sợ thấy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình, tôi không để cho quan lớn làm cho lầm lỡ đâu!
Tiếp đó, Trang bức Quán trở về nhà, rồi quát thủ hạ dìu chúa về kinh đô.
Quán tới lạy chúa, vừa khóc vừa kêu gào rằng:
- Ối trời ơi! Tôi giết chúa tôi rồi, trời có hay chăng?
Chúa an ủi:
- Tấm lòng trung thành của khanh, “cô” đã biết rồi! Đừng nên tự oán mình như thế!
Quán muốn nèo chúa ở lại chút nữa, nhưng chưa kịp nói thì chúa đã bị Trang đẩy đi rồi.
Lý Trần Quán sau lúc từ biệt chúa, liền quay về nhà trọ nói với chủ nhà rằng:
- Bề tôi mà làm lâm vua, tội thật đáng chết! Nếu ta không chết không lấy gì tỏ được lòng này với trời đất. Vậy hãy sắm cho ta một cỗ quan tài, mười vuông vải trắng, để ta làm theo cái chí của ta.
Chủ nhà hết sức khuyên giải, Quán vẫn không nghe, nó rằng:
- Ta muốn chết, tự khắc còn có những cách khác, nhà ngươi không thể ngăn nổi đâu. Nếu quả là yêu mến ta, thì cứ để mặc ta làm gì thì làm.
Qua hai ngày sau, Quán càng phẫn uất, bồn chồn. Chủ nhà ngăn Quán chẳng được, biết lòng trung của Quán không thể lay chuyển, đành phải sắm sửa đầy đủ các thứ theo như lời Quán đã bảo.
Quán sai đào đào huyệt ở ngay vườn sau nơi mình ở đặt sẵn chiếc quan tài xuống đó. Lại lấy vải trắng xé làm một chiếc khăn đội đầu và một chiếc thắt lưng sau đó đội mũ, mặc áo chỉnh tề, hướng về phía Nam lạy hai lạy. Lạy xong, lại bỏ mũ, lấy khăn trắng chít trên đầu, lấy dải lưng trắng thắt ngang lưng rồi nằm vào trong quan tài, bảo chủ nhà đậy nắp lại.
Tấm ván vừa đặt lên, bỗng Quán ở trong áo quan nói vọng ra:
- Hãy còn thiếu một câu nữa, phải nói hết cái đã.
Chủ nhà lại mở nắp ra, Quán liền đọc hai câu rằng:
Tam niên chí khí dĩ hoàn
三年志气已还
Thập phần chi trung vị tận
十分之忠未尽
Nghĩa là:
Đạo hiếu ba năm đã trọn
Chữ trung mười phần chưa xong.
Rồi Quán bảo với chủ nhà:
- Phiền ông đem câu ấy dặn lại con ta, bảo nó sau này dán ở nhà thờ mà thờ ta.
Nói xong, lại tiếp:
- Đa tạ ông chủ, ta vĩnh biệt từ đây nhé!
Chủ nhà và năm sáu tên đầy tớ cùng sụp xuống lạy chào ở trước quan tài, rồi đậy nắp và lấp đất lên. Hôm ấy là ngày 29 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) ngay sau khi chúa chết hai ngày.
Nghe tin Quán tự chôn tỏ lòng trung với chúa, thiên hạ ai cũng thương chúa và kính trọng Quán là bậc nghĩa khí. Rồi nhân đó truy nguyên ra kẻ gây ra tai họa, không ai là không oán Chỉnh. Chỉnh cũng cảm thấy điều ấy.
Lại nói chuyện chúa, Trang dẫn chúa vào nộp cho Tây Sơn, đi đến giữa đường, vào nghỉ trong một cái quán. Chúa vớ được con dao con của nhà hàng, đưa lên đâm ngay vào cổ mình. Trang trông thấy vội vàng giằng lấy con dao, mũi dao đâm vào hãy còn nông nên vết thương ở cổ cũng còn nhỏ. Chúa bèn dùng ngón tay chọc vào vết thương xé cho rách thêm ra, nhưng cũng bị Trang ngăn chặn. Một chốc, chúa thấy trong bụng nôn nao, buồn bực, đòi uống nước lạnh. Trang sai người lấy nước cho chúa. Chúa bưng nước uống xong thì chết liền. hôm ấy là ngày 27 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786). Trang đưa thi hài chúa đến kinh, Quân Tây Sơn mừng lắm phong Trang làm Tráng Nghĩa Hầu và kiêm chức Trấn thủ Sơn Tây. Tây Sơn đem phơi xác chúa ra ngoài cửa Tuyên Vũ để cho thiên hạ cùng biết, sau đó sai khâm liệm rồi dùng kiệu rồng đưa ra chôn ở lăng Cung Quốc công[6].
Shaolaojia sưu tầm
--------------------------------------.
[1] Tiêu đề do Shaolaojia tự đặt.
[2] Nguyễn Hữu Chỉnh, hiệu là Bằng Lĩnh Hầu (là thuộc hạ của quận Huy, quê ở làng Đông Hải, huyện Châu Phúc, trấn Nghệ An (nay là ) Chỉnh phong tư đẹp đẽ, trí tuệ hơn người. lúc nhỏ theo học Nho, đọc khắp kinh sử, 16 tuổi đỗ Hương cống. Tính Chỉnh hào hiệp, giao du khắp thiên hạ, trong nhà lúc nào cũng có vài chục tân khách, khi ngâm thơ, khi uống rượu, tùy theo sự húng thú mà thù tạc với nhau… Vì thế, Chỉnh được xem là tay phong lưu bậc nhất ở đất Trường An. Cha con Chỉnh trước thờ Bình Nam thượng tướng quân quận Việp (Hoàng Ngũ Phúc), sau lại thờ quận Huy làm thầy, quận Huy phong Chỉnh làm Hữu Tham quân và vì rất giỏi thủy chiến nên Huy giao cho Chỉnh luyện tập thủy quân phòng chống giặc biển. Sau Quận Huy bị giết, Chỉnh chạy sang đầu hàng nhà Nguyễn Tây Sơn.