Chuyện Làng Võ
NGUYỄN HỮU CHỈNH GHEN TÀI GIẾT BẠN...
Nguyễn Hữu Chỉnh[1] vì bất mãn với nhà chúa, cộng thêm mối thù thầy (Huy quận công) nên đã mượn quân Tây Sơn quyết tiêu diệt nhà chúa.
Với danh nghĩa "phò Lê diệt Trịnh". Sau khi vào Thăng Long, Chỉnh cho quân lính tầm nã chúa hết sức gắt gao, thế nhưng lúc nghe tin chúa chết (xem bài Nguyễn Trang khinh sư bán chúa...), Nguyễn hữu Chỉnh lại nói với Đỗ Thế Long[2] rằng :
- Chúa không tin bụng ta, nên mới đến nỗi tự hủy hoại đời mình. Nếu chúa còn sống, hẳn ta cũng đặt vào một địa vị thanh nhàn không để đến nỗi phải mất danh lộc.
Nguyễn Hữu Chỉnh ra mắt Tây Sơn, fò Lê diệt Trịnh (?!).
Đỗ Thế Long nghe thế bèn nói :
- Việc ông đã làm, tiếng là nhân nghĩa nhưng xét rõ thì lại là tàn hại ! Ngày nay ông có cái thế nghiêng non lật bể, quả thật là nhờ vào sự giúp đỡ của quí quốc (ý chỉ nhà Tây Sơn). Nhưng khi ông mới xuất thân, nào cầm quân, nào phong hầu, thử hỏi có cái gì không phải là ơn của nhà chúa ? Chuyến này ông lấy tiếng « phù Lê diệt Trịnh » để kéo quân ra, thật là quá lắm ! Nếu bảo nhà chúa hiếp chế nhà vua là việc có lỗi, thì sao lại không nghĩ đến cái công tôn phò hai trăm năm trời ? Theo người mới mà phản người cũ là bất nghĩa; bới lỗi lầm để lấp công lao là bất nhân. Đã bất nghĩa, bất nhân tức là tàn hại. Kẻ đại trượng phu lập thân, có thể tự mình đứng vào địa vị tàn hại được ư ?
Chỉnh nghe nói, sắc mặt tái mét, lặng đi hồi lâu, đáp :
- Gây dụng là ơn riêng của một người, cương thường là nghĩa lớn của thiên hạ.. Tôi làm cái việc tôn phò ấy, là cốt để chống đỡ cho nên cương thường. Đó là việc nhân nghĩa vô cùng lớn lao, vậy mà ông lại cho là tàn hại, chẳng phải là nói nhau quá tệ ư ? Nếu tôi không nghĩ sai, thì chắc là ông nói quá lời đấy !
Long nói :
- Nhà vua vốn đã tôn quí sẵn rồi, cần gì đợi ông tôn phò nữa ? Chẳng qua ông chỉ mượn cái cớ ấy để trôi cái mưu cướp bóc đó thôi. Nhưng mà, nhà nước đang như chiếc âu vàng lành lặn, bỗng dưng vô cớ ông đưa người ngoài đến đây, làm hại chủ súy, làm hại nhân dân; người trong thiên hạ nhất định còn cho ông là beo, sói, diều quạ. Bảo là tàn hại cũng chưa phải là quá đáng. Nay ông dựa vào thế lực nước ngoài, cũng giống như « cáo mượn oai hùm ». E rằng lòng người còn nhớ họ Trịnh, chắc sẽ có ngày sinh biến. Vả lại, mai đây người ta bỏ ông mà về, bấy giờ ông lấy cái thân cỏn con để cõng cái tội tầy trời, làm sao mà đứng vững được với thiên hạ.
Chỉnh giận nghiến răng lại, nhưng vẫn còn làm ra vẻ mặt tươi cười mà rằng :
- Vậy thì ông bạn của giống beo, sói, diều, quạ bảo giống beo, sói, diều, quạ nên làm thế nào bây giờ ?
Long đáp :
- Ông ra chuyến này, chẳng qua muốn vì ngài trấn thủ trước (chỉ quân Huy) mà trả thù bọn kiêu binh. Nay kiêu binh đã diệt, ấy là chí ông đã thỏa. Nếu ông có thể nhanh chóng xoay lại đường lối đã định, khéo điều đình với qúy quốc, khiến cho họ mãn nguyện rồi rút quân về. Ông ở lại, chọn trong tôn thất họ Trịnh lấy một người lập nên làm chúa, còn ông thì phụ chính. Đó thực là cái công không mấy đời có vậy !
Chỉnh nói :
- Đúng ! Nhưng để tôi nghĩ xem đã. Bây giờ ông hãy về nhà, đi tìm người nào đáng nói, rồi liệu mà sửa lời nói cho khéo, đợi lúc người ta thích nghe, thì ông có thể dùng lời nói mà làm cho mình được vẻ vang đấy !
Long ra khỏi, Chỉnh bảo với mọi người chung quanh :
- Rồng[3] thì phải đưa xuống nước, không nên cho ở trên cạn để nó làm mê hoặc thiên hạ.
Rồi Chỉnh sai người đón đường, bắt Long trói lại, đem dìm xuống giữa sông Nhĩ – hà.
Shaolaojia sưu tầm theo « Hoàng Lê Nhất Thống Chí »
[1] Nguyễn Hữu Chỉnh người Nghi Lộc, Nghệ An. 16 tuổi đỗ Hương cống, sau lại đỗ Tam trường khoa thi võ. Làm môn khách cho tướng Hoàng Ngũ Phúc (quận Việp), sau theo quận Huy (Hoàng Đình Bảo. Huy quận công bị giết trong vụ án kiêu binh, Chỉnh bó trốn theo Tây Sơn, sau mượn Tây Sơn về báo thù cho thầy với danh nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh”. Nguyễn Hữu Chỉnh được phong Bình chương quân quốc trọng sự, tước Bằng trung công.
[2] Đỗ Thế Long, người làng Hoằng Liệt, huyện Thanh Trì. Trước từng ngồi tù cùng với Chỉnh (Chỉnh ngồi tù vì nợ tiền công), Long có tài làm các bài từ khúc bằng chữ nôm rất giỏi, chẳng thua gì Chỉnh. Kịp khi Chỉnh kéo quân ra Bắc Hà, biết Long vẫn còn bị giam, Chỉnh liền cho người đến đón về nhà và đãi vào bậc thượng khanh. Mỗi lần có việc nước, Chỉnh đều hỏi Long. Long biết điều gì, không bao giờ không nói và đã nói thì không bao giờ mà Hữu Chình không theo.