Thiều Gia Tạp Sự Lục
XEM TƯỚNG HỌC TRÒ
NGHE CŨNG… CÓ LÝ
Tặng Sư huynh Phạm Thái Hòa
Trước hết, phải lưu ý người đọc rằng đây là chuyện có thật, thật trăm phần trăm. Nhưng có điều, Văn Đạo tôi cũng có chua thêm nhiều ít (!), mong mọi người “khán thư bất khả nộ”. Chuyện chỉ cốt góp vui, vì:
Suốt đêm trường không sao chợp mắt!
Biết làm chi cho hết đêm đây?...
Sư huynh Phạm Thái Hòa là dân Sài gòn thứ thiệt. Anh có nước da trắng trẻo, dáng dấp thư sinh. Bề ngoài, ai cũng bảo tướng anh “phong lưu nho nhã”, nhìn tấm hình trong văn bằng Võ thuật thấy anh uy nghiêm như cha xứ bên nhà thờ. Anh khó tính nhưng được cái hiền lành, bọn tôi thường vẫn nhờ anh ngồi làm mẫu để học vẽ chân dung. Kết thúc khóa học vẽ, tôi hý hửng đem bức tranh vẽ anh ra khoe ở lớp. Nhìn bức tranh ai cũng ngợi khen, khen anh đẹp, khen tôi vẽ công phu. Chỉ có thầy khi xem tranh lại bảo anh không phải dân Sài Gòn? Bảo số anh là số cô đơn, là “hạc lập kê quần”; số anh là số khổ, khổ vì bị người ta dằn vặt; tướng anh là cái tướng “đào hoa nhưng… làm tôi rất hoang mang. Tôi không tin và thầm nghĩ, thầy võ biết gì về hội họa, biết gì về tử vi, tướng số (?!) Thế nhưng tôi đã nhầm! Té ra, cái câu “võ với vẽ” mà ngày nào tôi cũng nghe má tôi phàn nàn mỗi khi thấy tôi khua tay múa chân, nó lại có mối liên quan và gắn bó rất mật thiết với nhau. Và “ai cũng hiểu chỉ một mình… không hiểu!”.
Trong khi thiên hạ người ta đua nhau đắm chìm trong men bia rượu thì Phạm Thái Hòa lại nổi lên như một hiện tượng lạ giữa mảnh đất Sài Gòn. Với nước da trắng như trứng gà lột vỏ, nên thầy mới bảo anh đích thị là dân nhập cư. Tôi thắc mắc thì thầy giải thích “Nó không những là “dân nhập cư” chính hiệu mà còn có gốc gác là người Bắc Việt”. Và theo thầy, người có nước da trắng hồng và màu mỡ chứng tỏ có gốc gác người miền Bắc. Người miền Nam, kể cả mấy cô mười bảy, mười tám, da dù có trắng cũng không thể như trứng “gà bóc” được mà nó có cái gì đó, không được màu mỡ, vẫn hơi heo héo, thầy cho rằng nó như quả lêkima sau khi cúng ba ngày. Tôi hỏi căn cứ vào đâu? Thầy bảo rằng “miền Nam tuy có cái nắng, có cái gió nhưng không có… cái đó”, và “cái đó” theo thầy là cái “khí của bốn mùa”. Thầy còn nói Hòa tuy đẹp nhưng chân hơi ngắn, điều đó chứng tỏ anh là người miền núi. Nhìn kỹ lại tôi mới thấy anh tuy cao hơn tôi nhưng quả là chân hơi ngắn (sau này tôi được biết, bà nội anh họ “Vi”, họ của người Thái trắng). Nghe cũng có lý.
Sư huynh Phạm Thái Hòa và PTH trong thế “hạc lập kê quần”.
Tính anh trung thực, hiền lành nhưng đa nghi. Anh kể hồi còn nhỏ, cứ vài ba tháng mẹ lại phải chở anh vào bệnh viện để khâu môi vá má. Tôi lạ, hỏi vì sao? Anh nói, lúc anh nhỏ vì trắng như trứng gà bóc nên cả phường ai cũng kêu là “thằng bột”. Thằng Bột đã trắng lại mũm mĩm nên các cô, các bà ai cũng thích bế, thích hôn. Họ hôn riết đến mức má chẳng kịp lên da non. Bởi thế đến giờ anh vẫn còn ám ảnh, hễ nghe ai nói “thương Bột lắm” là anh lại nghĩ đến bệnh viện Nhi Đồng, anh đâm ra hoài nghi tất cả. Chuyện anh nói, thật hư thế nào, tôi không biết. Nhưng tôi biết anh tối ngày bị đám con gái bắt chẹt. Hồi mới vào tập, hễ trời đổ mưa rào tôi lại thấy mặt anh tái xanh tái xám. Mới đầu tôi không hiểu, nhưng qua mấy bận tôi nhận thấy, đẹp trai như anh quả là chẳng sướng tí nào! Tôi không thích. Trời mưa càng to, anh càng sợ. Đám con gái chỉ chờ dịp mưa rào là chúng hùa vào, kẻ túm đầu, người giữ chân, chúng vật anh xuống đất. Cả bọn ghé vai vào, công kênh anh và sau đó chúng lẳng anh xuống hồ nước giữa công viên. Trong khi anh lóp ngóp dưới hồ thì chúng nhăn răng cười khoái chí. Lại có bữa, tôi thấy chúng công kênh đưa anh đi dạo khắp mấy căn lều (lều dùng cho khách trú mưa, trú nắng) sau đó hè nhau đặt anh lên thùng rác (!) Phải thế chúng mới vui! Cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy anh xin thầy thuốc bóp, anh bảo bị bong gân, nhưng tôi biết anh “xạo”! Anh chẳng bong gân bong giếc gì ráo trọi, xin thuốc chẳng qua là để bóp mông. Như tôi đã nói, do anh hiền lành, lại dễ thương nên đứa nào (nhất là đám con gái) cũng thích nhéo, thích véo và đặc biệt chúng rất thích được sút vào cái mông lúc nào cũng cong lên như khiêu khích của anh. Có nghe và chứng kiến tôi mới thật sự thấy anh chẳng sung sướng tí nào… Thầy nói thế, đâm ra cũng có lý.
Trong khi cả xã hội đang nhầy nhụa trong rượu bia thì Phạm Thái Hòa, người có khuôn mặt tròn như cái đĩa của cơ sở gốm sứ Minh Long, lại nổi lên như một minh tinh màn bạc. Còn nhớ cách đây hơn một năm, bữa đầu tiên anh ra sân đăng ký học võ. Đám con gái đi bộ trong công viên Gia định trông thấy, chúng tưởng anh là diễn viên Hàn Quốc nên bu lại khiến tắc cả đường. Bảo vệ cũng nhầm, họ cũng vội cử người để hộ tống, họ sợ đám con gái xâu xé anh nên mới thế (!?) Với ai thì tôi không biết nhưng riêng anh, tôi có thể khẳng định chắc chắn, sự hâm mộ của đám con gái dành cho anh còn hơn cả các tài tử cải lương, ca nhạc như Kim Siêu Quần, Kim Tử Tuyệt. Nếu có thua, cùng lắm anh chỉ thua Kim Tử Long, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Anh Tuấn mà thôi...
Do mọi người còn mãi nhầy nhụa trong men rượu bia. Các buổi sáng, buổi chiều ra công viên tập chỉ rặt ông già bà cả, bói nửa ngày không tìm ra một “trang nam tử”(!), có chăng chỉ vài ba kẻ, nếu không bệnh tật thì đầu óc cũng “có vấn đề”. Do ghét cay ghét đắng rượu bia nên anh sợ nhậu. Nhậu đối với anh thật chẳng khác chi phải chịu cực hình. Đám bạn ban đầu còn năn nỉ mời anh nhậu, chúng lo cho sức khỏe của anh (vì thấy bị đám con gái bu vào đánh quá nhiều) nhưng tính anh quả quyết. Thấy dụ dỗ, lôi kéo không được nên trong các cuộc vui, chúng cũng quen dần với sự vắng mặt của anh. Đám con gái do thiếu thốn cái nửa kia của mình, đang chẳng biết bấu víu vào đâu? Đang mỏi mắt trông mong… và sự xuất hiện của anh đã khiến đám con gái như “Chết đuối vớ được cọc”, như “bắt được vàng”, như "Nắng hạn gặp mưa"... thành thử chúng xem anh là người “Cứu nguy phò khốn”. Sáng chiều bu vào... và thay nhau bắt chẹt !!! Anh lánh bạn ra công viên và nổi lên như “Hạc lập kê quần” (con hạc đứng giữa bầy gà), trông cô đơn, lạnh lẽo, âm khí ngút trời. Bởi vậy, thầy bảo anh là cái số cô đơn, cô đơn giữa phố phường. Nghe cũng… có lý.
Anh tuổi Tuất (sinh 1982), năm nay ba mươi tuổi nhưng nhìn như cậu học trò. Trong lớp, nhiều người không biết nên hỏi tuổi, anh không trả lời mà thường hát “năm nay em vừa tròn ba mươi tuổi, có mỗi mình em xinh đẹp nhất phường. Kiếm khoác trên vai em đi tập võ thuật, em là võ sinh, em cũng là … dân quân”. Mà anh là dân quân thiệt, trong nhà thấy treo la liệt bằng khen, giấy khen về thành tích phòng chống tội phạm. Không những thế, anh còn là Trung đội phó của một phường đội thuộc quận Phú Nhuận. Nghe anh hát sao mà vô tư, sao có vẻ tự hào. Nhưng cũng… có lý.
Là người có phương châm sống rất giản dị "Ăn vi chủ, ngủ vi tiên" (vì đêm phải lo tuần tra canh gác cho [dân tôi ngủ] nên sáng ra việc đầu tiên anh nghĩ đến là phải ăn, sau đó là lăn ra ngủ bù), lại thật thà trung thực nên đôi khi anh không cảm thấy mình rất khổ (khổ vì bị đám con gái nó xâu xé), không nhận ra nỗi bất hạnh (vì quá cô đơn) của mình, nỗi bất hạnh vì quá trẻ, vì quá đẹp trai và quá “khác người”(!).
Giá như anh chịu khó tập nhậu một chút như thiên hạ; chịu lánh xa thế "Hạc lập kê quần" kia một chút; đừng có lúc nào cũng hăng say "Cứu khốn phò nguy" mà nên hòa mình với thiên hạ một chút… thì chắc gì đời anh đã khổ (?!).
Tôi băn khoăn, không biết nên theo anh hay theo thiên hạ? Theo anh thì khỏe nhưng lại khổ? Theo thiên hạ thì rồi mai ngày, đất nước sẽ ... về đâu (?!). Tôi nghĩ thế, không biết đúng hay sai?
Chuyện thấy chép trong “Thiều gia tạp Sự lục”.