Login Form

Số Người Truy cập

04453832
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
633
384
2805
2806914
13685
28301
4453832

2024-11-21 12:45

Thiều Gia Tạp Sự Lục

QUÂN TỬ DĨ ĐỨC

QUÂN TỬ DĨ ĐỨC

Nhớ Nguyễn Duy Thuật.

     Duy Thuật, người phố núi (Plâycu). Vì thích võ nên quyết định xuống Sài Gòn “tầm sư học nghệ”.

     Hắn lang thang khắp các trung tâm, thăm hỏi đủ các võ đường trong thành phố nhưng chẳng ưng ý một nơi nào. Hắn bảo, luyện võ mà chỉ có đấm đá thì là loại “võ biền”, hắn không học; luyện võ mà đứng trong nhà tôn, chung cư, ký túc xá, theo hắn đó là loại công phu thô lậu, hắn không học; luyện võ mà vào mấy chỗ đông người như kiểu CLB Phan Đình Phùng, Trung tâm Thể thao Quốc phòng… rất ô tạp, chẳng ra gì, vào đó chẳng qua để giải quyết khâu oai nên hắn cũng không học… Theo hắn, người luyện võ cần phải chọn nơi có sơn thủy hữu tình, phải là nơi có cỏ cây hoa lá, có vượn hú chim kêu. Hắn nói, tập như thế thì đầu óc sảng khoái, tâm hồn mới phiêu diêu, chiêu thức mới biến hóa (!?) Có như thế, võ mới cao siêu, mới mong thành “Anh hùng cái thế” (!?).

 

   Nghe giọng hắn có vẻ khùng khùng nhưng thấy cũng có lý. Bảo hắn sao không ở trên rừng mà tập, xuống đây làm gì? Hắn bảo người thời này khác thời xưa. Khác xa lắm! Khác xa lắm! Ngày xưa – hắn giải thích – người ta sống bằng tình bằng nghĩa, đối xử theo cách ông Khổng ông Tô [1]. Người thời nay – theo hắn – họ sống kiểu Mỹ, đối xử theo kiểu Lý Thông (?!). Hắn nói: Ngay như các thầy ở trên phố núi cũng đua nhau về thành phố. Đúng là “Chúng thủy triều đông tẩu”, “nước dồn chỗ trũng”!

     Với tâm hồn ngây ngô trong sáng của kẻ ở trên rừng, sự mê muội của dân phố núi. Hắn lang thang hết trung tâm nọ, đến phố kia nhưng không sao kiếm được cái sân tập cho ra hồn. Hắn vào Tao Đàn, đi qua công viên Lê Văn Tám, dời về Lê Thị Riêng, đi đủ cả. Hắn lầm bầm: Tao Đàn ồn ào, người đông đúc, chim không có chỗ đậu (!?) ; công viên Lê Văn Tám thì hắn chê không khí tù túng, bụi bặm; xuống Đầm Sen hắn chê an ninh không tốt, hỏi sao như thế? Hắn bảo thấy Vệ sĩ hơi... nhiều !. Hắn cho rằng: sân tập võ chí ít cũng phải như cái sân Quân khu 7 nhưng hắn chê sân Quân khu 7 là tạp nham, không thuần (ý hắn là chỉ dùng để tập võ thôi, không cho các môn khác tập “võ phi lợi nhuận”). Nhưng rồi hắn cũng kiếm được một chỗ, đó là cái sân tập trên công viên Gia Định. Hắn bảo nơi này cũng gần như quê hắn, có nhiều cây to, có cái nắng, có cái gió… nhưng không có máy lạnh? Tập được mấy bữa, hắn lại chê.

     Nghe hắn nói, sao mà nghịch cái lỗ nhĩ, sao mà ấu trĩ. Thời buổi bây giờ lại nứt đâu ra các thằng như thế không biết?

-   Ở thành phố, nơi “Gạo châu củi quế”, đất đai đắt đỏ. Nhiều ông thầy bây giờ muốn kiếm lấy một cục đá để chọi chim còn không có nữa là đòi miếng đất cắm dùi. Tiền đâu mà mua đất dựng võ đường, tiền đâu trả tiền điện mà đòi lắp máy lạnh? Đúng là khùng, khùng nặng! – tôi gắt lên – Đất thành phố mà mày làm như trên phố núi nhà mày ấy.

     Tôi bỏ đi, nhưng lòng cứ thắc mắc. Không biết ở trên rừng hắn học ai, ai dạy mà hắn nói như người xưa thế nhể? Ngày xưa, khi còn học phổ thông hắn như con gái, mặt tròn xoe, trên núi mà da trắng ởn, cứ ỏn ẻn, thích nhảy dây chứ nào biết võ vẽ gì? Bây giờ, tự nhiên lại…trở chứng.

     Bẵng đi một thời gian dài không gặp. Một bữa, tôi đang lang thang chụp hình trước cửa dinh Thống Nhất. Bỗng có bàn tay vỗ nhẹ vào vai, tôi giật mình quay lại.

-         Trời! Thuật!

-         Tớ đây! Sao thế, lạ lắm à?

     Lạ chứ, Không lạ mới là lạ! Hắn bây giờ là Trung úy Công an mới ghê chứ. Cái đoàn xe hú còi inh ỏi chạy thẳng vào trong Dinh lúc nãy, khiến tôi giật mình là do hắn cỡi mô tô hộ tống dẫn đoàn.

-   Hồi đó, lang thang mấy tháng trời – giọng hắn nhỏ nhẹ – không tìm được chỗ nào tập cho nó ra hồn. Cậu biết không? Về sau tớ phải hạ cái tiêu chí của mình xuống đến hai phần ba ấy chứ! Nhưng khốn nỗi, khi tớ kiếm được cái sân thì lại trục trặc về chuyện mấy ông thầy.

-   Mấy ông thầy làm sao? Tôi ngắt lời.

-   Thì đại loại, một số ông trông rất uy vũ nhưng võ vẽ lại rất nghèo nàn. Đã vậy lại hay ưa giảng đạo, nói nhiều, mà toàn nói chuyện đâu đâu. Một số thầy, võ vẽ thì hay đấy, nói ít làm nhiều nhưng sao “khẩu khí” của các thầy nghe nó rờn rợn, ớn lạnh!

-    Võ thì phải như thế, tốt chứ sao?

-   Không, tớ không nói như thế mà tớ nói là nghe giọng của các thầy tớ thấy nó lạnh, cái lạnh của sắt.

-     Nói thế là thế nào? Tôi thật sự không hiểu.

-     Tiền !

     Hắn nói tỉnh bơ. Hắn bảo, đã đành dạy học thì phải lấy tiền. Mà hắn có xù bao giờ đâu? Vẫn đóng đủ, đóng sớm nữa là khác. Hắn than, bỏ bao công sức, bao tiền của chỉ cốt được thỏa cái chí “tang bồng”.

     Hắn nghe người ta nói, đất kinh kỳ là nơi “Long chầu hổ phục”, nơi ẩn thân của các bậc “Kỳ sĩ dị nhân” nên mới lặn lội đi tìm. Nào ngờ … hắn lại chán. Tiền mấy héc café cha mẹ hắn cho cũng cạn, hắn trăn trở ! Chẳng nhẽ cái nguyện vọng muốn trở thành “Bắc Kiều Phong” của mình không thể nào đạt được? Buồn! Hắn nằm xem tivi, thấy xã hội bây giờ đâm chém nhau dữ quá, trộm cướp như rươi. Hắn ghét cái đám cô hồn “Ỷ đa hiếp quả”, muốn làm một cái gì đó để tận diệt đám cô hồn. Một bữa hắn đọc báo thấy vụ chém nhau tại quán café LinDa [2] bên quận Bốn, hắn sợ! Miên man suy nghĩ và rồi hắn chợt nhớ ra. Hắn nhớ đến câu: “Quân tử dĩ Đức, tiểu nhân dĩ lực, lực giả đức chi dịch dã” (Người quân tử dùng đức ‘trị thiên hạ’, kẻ tiểu nhân dùng sức mạnh. Sức mạnh là để cho cái đức sai khiến) của Tuân Tử. Hắn bảo đó là câu thầy hắn hay nói. Tôi hỏi “thầy của cậu là ai? Trước cậu chả bảo là mấy thầy trên đó chẳng phải đã bỏ rừng về thành phố hết rồi sao?”. Hắn cười, nói vẫn còn. Còn độc một thầy, nhưng tính gàn! Thích nơi yên tĩnh. Hôm hắn chán thành phố, bỏ về tìm thầy, dễ phải hai ngày mới tìm được. Tội nghiệp! Thầy già rồi vậy mà cứ phải chuyển chỗ liên miên. Hắn trách đám người Kinh cứ phá rừng không cho thầy tu luyện. Hắn kể tiếp: gặp hắn, thầy bảo hắn diễn công phu cho thầy coi. Hắn khóc, nói không học được gì? Thầy kể cho hắn nghe chuyện Hạng Vũ học nghệ. Thế là hắn vui trở lại.

     Tôi thắc mắc:

-         Ông ấy dạy cho cậu võ gì?

-         Dạy cái võ mà Hạng Bá ngày xưa đã truyền cho Hạng Vũ.

-         Xin nói toạc móng heo ! Tôi khó chịu.

-   Thầy tớ bảo: "Kiếm" chỉ đánh lại một người, "võ" giỏi lắm cũng chỉ đánh được bốn “Song quyền nạn địch tứ nhân”, không bõ công học. Chi bằng ta dạy cho con cái cách có thể đánh cả trăm người. Trên thì giúp nước, dưới thì giúp dân.

-         Là sao?

-   Thì cậu thấy đấy, lúc nãy tớ chẳng dẫn cả đoàn quân đấy sao? Hiện tại tớ phụ trách cả trung đội, cũng ngót năm chục mạng, hét ra lửa đấy. Bây giờ, cái đám cô hồn bên quận Tư quận Tám, nhìn thấy tớ chỉ có chạy mất dép.

-   Đúng! Đúng rồi! Anh nói đúng. Tôi như người tỉnh mộng.

 “Thiều Gia Tạp sự lục”.


[1] Ông Tô, theo hắn chính là cụ Tô Hiến Thành một đại thần nhà Lý. Nhận di mệnh của Lý Anh Tông bảo hộ và phò tá Thái tử Long Trát mới ba tuổi lên ngôi vua (vào tháng 7 năm 1175 tức Lý Cao Tông). Tô Hiến Thành phục mệnh giữ chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương Quân quốc trọng sự, tước Vương coi chính sự. Ngoài thì trấn áp phiên bang khiến tứ di khuất phục (Xiêm La, Chiêm Thành đều sang triều cống và xin giữ lễ phiên thần); trong thì dẹp yên phản loạn, giữ nghiêm phép nước, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục. Tô Hiến Thành được ví như ông Chu Công bên Tàu.

[2] Vụ án giết người sảy ra tại quán café LinDa (cuối năm 1996) do Võ sư Nguyễn Văn Vạn là HLV Trưởng đội tuyển Taekwondo quốc gia cầm đầu. Nguyễn Văn Vạn đã trực tiếp dùng gươm sát hại anh Lê Hồng Quân và chém liệt một cánh tay của anh Nguyễn Phương Nam (chủ quán café LinDa trên đường Nguyễn Trường Tộ, quận 4, TP. HCM). Thứ 5, ngày 13.1.2005, Nguyễn Văn Vạn đã bị Tòa án NDTPHCM thi hành bản án tử hình tại trường bắn Thủ Đức, TP.HCM.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG