Về Võ Thuật
Năm mới bàn chuyện luyện võ
Trong cuộc sống hiện nay, để rèn luyện, giữ gìn và tăng cường sức khỏe bản thân, chúng ta thường tham gia các hoạt động tập thể dục hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, cầu lông, thể hình… cao cấp hơn thì chơi tenis…v v v … Trong đó có không ít người-đặc biệt các bạn trẻ, lựa chọn luyện tập võ thuật với mong muốn rèn luyện sức khỏe và khả năng chiến đấu tự vệ. Một câu hỏi lớn mà người học võ luôn đặt ra ở đây là: làm sao để có thể luyện tập võ thuật một cách có hiệu quả cao?
Bản chất của võ thuật.
Trước hết, chúng ta cần hiểu bản chất của võ thuật (theo nghĩa giản đơn và chất phác nhất của từ này), từ đó hiểu rõ luyện tập võ thuật là luyện tập cái gì. Phần này người viết chỉ đề cập theo quan điểm cá nhân, và ở góc độ hẹp, không mang tính tổng quát triết học của từ “võ thuật”.
Võ thuật, có một bản chất tối quan trọng đó là: chiến đấu. Đây là bản chất cốt lõi, ảnh hưởng mang tính quyết định đến các yếu tố khác. Điều này vừa mang tính bản chất, vừa mang tính mục đích và vừa mang tính là động lực. Ví như, để đạt được mục đích tự vệ, người học võ phải có một khả năng thực chiến tốt, và để có một khả năng thực chiến tốt thì người học võ cần phải có một thân thể khỏe mạnh, dẻo dai, cùng với một tinh thần linh mẫn, lanh lẹ.
Mục đích khi tham gia luyện tập võ thuật của mỗi cá nhân.
Chúng ta đều thấy rằng, mọi sự vật đều không còn là chính Nó khi Nó không giữ được bản chất bản thể cốt lõi của mình. Võ thuật sẽ không còn là võ thuật khi mất đi tính “chiến đấu”.
Mỗi người trong chúng ta đều có những mục đích khác nhau khi tham gia luyện tập võ thuật. Thực học của mỗi người sẽ được bồi đắp và tích lũy qua những ngày tháng lăn lộn không biết mệt mỏi trên sân tập, chúng được trả giá bởi những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu. Và trên hết, mục đích học võ của mỗi người sẽ quyết định những thành tựu võ học mà họ đạt được. Tuy vậy, cần lưu ý: động cơ-bản chất-mục đích trọng yếu của võ thật là chiến đấu. Khi nắm bắt được trái tim và cái thần quan trọng đó, mỗi võ sinh dường như đã có một trong những chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa vào “bể học” mênh mông của võ đạo.
Phương pháp tiếp cận và luyện tập võ thuật.
Mỗi người đều có những khả năng khác nhau, sở trường sở đoản khác nhau dựa trên những tố chất và tính-khí chất riêng biệt của mình. Do đó, mỗi người đều có những cách tiếp cận và rèn luyện võ thuật rất khác nhau. Vậy thì, nên tiếp cận và luyện tập võ thuật theo phương pháp nào cho thật hiệu quả?
Có nhiều người thể chất cơ bắp khỏe mạnh cường tráng, ưa hoạt động, thường có xu hướng thích các động tác vận động nhanh, mạnh, cứng (tính Cương) trong không gian rộng. Có những người thể chất cơ bắp hạn chế, ưa tĩnh lặng thì có xu hướng thích các động tác vận động chậm, mềm, dẻo (tính Nhu) trong không gian hẹp. Đến đây mọi người sẽ thắc mắc: trong hai nhóm cơ bản này, nhóm nào-hay ai sẽ học võ giỏi hơn? Câu trả lời là: cần phải lựa chọn phương pháp tiếp cận và luyện tập võ thuật cho phù hợp với sở trường-sở đoản của mình.
Trong lý luận truyền thống, Âm-Dương, Cương-Nhu cân bằng là quý. Trong quá trình vận động của sự vật, âm dương giao hòa, tiêu trưởng và chuyển hóa cho nhau để cùng biến đổi, tạo nên sự phát triển cho vạn vật. Âm cùng tất sinh Dương, Dương cùng tất Sinh Âm, để rồi lại cân bằng trung chính, duy trì sự ổn định lâu dài của vạn vật. Cương-Nhu, động-tĩnh trong lý luận võ thuật cũng vậy. “Động trung cầu tĩnh, Tĩnh trung cầu động” là thế đó.
Đạo của võ thuật.
Trên con đường võ học, chúng ta sẽ chạm dần tới cánh cửa: Võ Đạo. Tùy vào cơ duyên và sự giác ngộ của mỗi người mà họ có thể chạm tới cánh cửa đó, có thể mở cánh cửa (có khi không bao giở mở được cánh cửa này) và nhẹ nhàng thư thái mở cánh cửa Võ Đạo để bước sang cảnh giới hoàn toàn khác biệt.
Có gì thần bí ở đây chăng? Nếu điều này là thần bí thì chúng ta cần hiểu những lời giáo huấn của các bậc tôn sư thế nào cho đủ đầy và cặn kẽ, cho hết ý và nghĩa đây.
“Ái quốc ái dân. Vệ quốc phòng thân. Tôn sư ái hữu. Tế bần phù suy. Tôn qui thủ kỷ. Khiêm nhượng nhân từ…”
Một cách nhìn Võ thuật và Võ đạo.
Mượn cách nói của cổ nhân về phạm trù Thể-Dụng. Thể đủ đầy thì Dụng vẹn toàn. Thiếu Dụng thì Thể luôn khiếm khuyết.
Ở một góc độ nhất định, Võ thuật được coi là Thể, và cái Dụng của nó là Võ đạo. Dụng võ là dụng cái Đạo của nó, là “Ái quốc ái dân. Vệ quốc phòng thân. Tôn sư ái hữu. Tế bần phù suy…”, nếu không, chỉ là Võ thuật đơn thuần-là “võ biền”.
Tới đây, thay cho lời kết, người viết chợt nhớ tới bài thơ “Thủy Thiên nhất sắc” của Danh nhân Nguyễn Trãi trong “Quốc âm thi tập”:
Trời nghi ngút, nước mênh mông,
Hai ấy cùng xem một thức cùng.
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy,
Mới hay kìa nước nọ hư không.