Tin Tức
Sống, chiến đấu anh hùng như Lê Đình Chinh
(CATP) Cách đây 35 năm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tuyên dương công trạng và truy tặng Huy hiệu "Vì thế hệ trẻ"; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”. Đó là người anh hùng Công an Nhân dân vũ trang Việt Nam đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2 đến 18-3-1979).
Nước mắt mẹ không còn
Một ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014, trong cái rét cắt da cắt thịt và những bụi mưa xuân giăng mắc, chúng tôi tìm về căn nhà khiêm nhường trong ngõ nhỏ ở phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa, nơi cụ Khương Thị Chu - mẹ Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh đang sống cùng con cháu. Năm nay ngoài 80 tuổi, tuy thời gian đã phủ trắng mái đầu, nhưng mẹ vẫn còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Mẹ sinh được sáu người con, anh Chinh là cả, sinh ngày 1-2-1960. Bố anh Chinh xung phong nhập ngũ từ khi mới 16 tuổi, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi tập kết ra Bắc, ông gặp rồi bén duyên với cô công nhân Nông trường sữa Ba Vì Khương Thị Chu đẹp người, đẹp nết.
Sau khi sinh được con trai đầu lòng Lê Đình Chinh và cô con gái thứ hai thì Nông trường Sông Âm (nay là Công ty TNHH MTV Sông Âm, ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc), một huyện phía tây bắc xa xôi ở tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Nghe tiếng kêu gọi đi xây dựng nông trường, ông lập tức hưởng ứng, đưa vợ con về đầu quân cho nông trường mới. Đàn con sáu đứa lần lượt ra đời trong lúc cả đất nước còn chồng chất khó khăn, thiếu thốn nên anh cả Lê Đình Chinh phải cáng đáng mọi việc, nhường cơm, nhường áo cho các em.
Năm 1975, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, mặc dù đang đi học phổ thông, Lê Đình Chinh liền xung phong nhập ngũ. Mẹ Chu vẫn nhớ như in cái ngày cậu con trai cầm cặp sách chạy vội về nhà hỏi bố mẹ: “Con muốn đi bộ đội!”. Ông bà đắn đo, suy nghĩ vì thấy con còn nhỏ. Thấy con tha thiết, ông bà đành động viên: thôi con cứ đi đi, nếu không được nhập ngũ thì về đi học! Cho đến tận bây giờ, mẹ vẫn thấy thương vì ngày anh lên đường nhập ngũ, mẹ bận đi họp, bố vẫn ngoài nông trường, các em thì đi học nên cả nhà chả có ai đi tiễn. Một tuần sau, Lê Đình Chinh viết thư về cho biết đang huấn luyện bên huyện Triệu Sơn. Thấy vậy, bố cùng cậu em trai út liền sang thăm, chơi với anh một ngày. Ít lâu sau, ông bà nhận thêm lá thư Chinh thông báo đang hành quân vào Đắk Lắk rồi bặt tin.
Năm 1977, biết tin anh bị thương sau nhiều trận đánh chống quân Pôn Pốt - Iêng-xa-ri tại chiến tranh biên giới Tây Nam, đang được đưa ra Xuân Mai điều trị, bố mẹ cùng ba em vội khăn gói lên xin bệnh viện cho anh về chơi một đêm. Sau đợt điều trị đó, Lê Đình Chinh được điều động lên biên giới Lạng Sơn làm nhiệm vụ. Một năm sau, anh đã anh dũng hy sinh.
Rực lửa anh hùng
Vào thời điểm năm 1978, tình hình biên giới Việt - Trung, đặc biệt ở khu vực các cửa khẩu cực kỳ căng thẳng khi dòng người Hoa từ Việt Nam về nước ngày một nhiều qua đường biển và cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn). Ngày 12-7-1978, phía Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở Cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay khu vực cấm, sinh hoạt làm náo loạn cả vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở vùng biên.
Trước tình hình đó, tỉnh Cao Lạng (gồm Lạng Sơn và Cao Bằng hiện nay) đã huy động lực lượng liên ngành tiến hành vận động, giải tỏa số người Hoa đang ùn ứ tại cửa khẩu. Ngày 25-8-1978, đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng, với nòng cốt là Hội phụ nữ tỉnh, đã đến đồi Pù Tèo Hào ở khu vực giáp biên động viên những người Hoa về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Để đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, 25 cán bộ, chiến sĩ Đồn Hữu Nghị và 20 cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang thuộc Trung đoàn 12 được tăng cường tại Km số 0.
Tuy vậy, khi đoàn cán bộ liên ngành lên đồi Pù Tèo Hào đã bị một toán người Trung Quốc dùng gậy gộc, dao quắm, gạch đá hành hung. Trước tình huống trên, lực lượng của Đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ, vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi. Lúc này, hàng chục công an, biên phòng Trung Quốc mặc thường phục từ bên kia biên giới kéo sang tấn công. Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sĩ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào. Trước tình thế hiểm nghèo, thượng sĩ Lê Đình Chinh (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) đã cùng đồng đội xông lên giải vây. Trước mặt Lê Đình Chinh và đồng đội là hàng trăm tên côn đồ và công an, bộ đội Trung Quốc mặc thường phục đang ném đá, dùng dao, gậy nhảy xổ vào đâm chém cán bộ và nhân dân ta đang thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe bà con người Hoa.
Lê Đình Chinh vừa cứu những cán bộ bị chúng hành hung, vừa phải đánh, đỡ những đường dao, gậy gộc của chúng. Khi nghe tiếng chiến sĩ Lê Xuân Tước kêu chi viện, Lê Đình Chinh vọt lên đánh tạt phía sườn bọn côn đồ khiến chúng bị dạt ra và anh Tước được giải vây. Một bọn côn đồ khác gần đó đã ném dao, đá tới tấp vào Chinh. Anh bị một hòn đá to trúng đầu, vết thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Nhưng anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. Lúc đó là 10 giờ 30 ngày 25-8-1978. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh trên mảnh địa đầu biên giới Tổ quốc thân yêu.
Trước lúc hy sinh ba ngày, anh đã viết một lá thư cho người anh họ, trong đó có đoạn:
“Hữu Nghị Quan, ngày 22-8-1978.Anh Thi kính mến!...Em xác định rằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng. Em sẽ là người cầm súng để bảo vệ đất nước khi cần thiết. Chúng ta tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng”.
Ngay hôm sau, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu và phát động đợt học tập noi theo tấm gương dũng cảm của Liệt sĩ Lê Đình Chinh. Thi hài Lê Đình Chinh được an táng tại khu vực hang Muối, xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng, gần với đồi Pù Tèo Hào nơi anh hy sinh. Đến năm 1979, anh được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc. Đơn vị đã cử người về tận Nông trường Sông Âm báo tin cho ba mẹ anh và đón người thân ra Hà Nội dự Lễ tuyên dương công trạng, do TW Đoàn tổ chức và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng vào ngày 30-8-1978. Người dân đã cắm cờ đỏ rực hai bên Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến tận cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để đón đoàn xe của đơn vị. Thanh niên cả nước đều học tập tấm gương rực lửa của Lê Đình Chinh và “trên biên giới xa xôi, nơi hải đảo ngàn trùng khơi” vang mãi lời ca hào hùng “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Sau 35 năm nằm lại nơi địa đầu Tổ quốc trong tình yêu thương, kính trọng của nhân dân, đồng đội, ngày 6-1-2013, Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa theo tâm nguyện cuối đời của người mẹ già.
“Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh”
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại: “Ca khúc nói trên được tôi sáng tác tháng 11-1978, trong chuyến công tác dọc biên giới phía bắc. Trong chuyến công tác này, tôi được các chiến sĩ công an vũ trang kể lại câu chuyện về tấm gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng Lê Đình Chinh. Từ đó tôi đã xúc cảm viết nên ca khúc này”. “Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh” là một trong tám ca khúc nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác từ chuyến công tác biên giới. Ca từ của bài hát không chỉ lan tỏa trong lực lượng vũ trang mà còn chiếm cảm tình của mọi người nghe trên mọi miền đất nước. Bài hát không chỉ vinh danh một chiến sĩ mà còn là nguồn động viên, thôi thúc một thế hệ trẻ sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Hòa - Sơn