Login Form

Số Người Truy cập

04463192
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
402
412
1303
2817258
1303
21742
4463192

2024-12-03 17:41

Tin Tức

Tìm Hiểu Tập Quán: Cúng giỗ, Gửi Giỗ Của Người Việt

Tập Quán: Cúng giỗ, Gửi Giỗ Của Người Việt

Võ sư: Thiều Ngọc Sơn

alt
Trang thờ Gia Tiên họ Thiều tại đền thờ đức Thiều Thốn

1. Tục Thờ Gia tiên (家 先 )

Chữ “gia” (家) trong Hán tự có nhiều nghĩa. Nhưng trong trường hợp này được hiểu một cách giản đơn là nhà (gia lý 家 里 = trong nhà), là dòng họ (gia tộc 家族 = người cùng một ông tổ), và rộng hơn nữa là tổ quốc (国家).

 

Chữ “tiên” (先) ở đây được hiểu là trước và dùng với hàm ý tôn kính.

Gia tiên 家 先 là cụm danh từ dùng để tôn xưng các vị tiên tổ 先祖 (tức thủy tổ 始祖, người sáng lập ra dòng tộc), các bậc tiền bối (前背) và những người thuộc các thế hệ trước. Nói một cách nôm na “gia tiên” tức là ông bà ông vải; thờ gia tiên là thờ ông “vải”.

gia tin
Bàn thờ Gia tộc họ Thiều (Đệ ngũ chi Y Xá) tại Tp. HCM

Thờ cúng tổ tiên hay gia tiên (家 先) là tục lệ thờ cúng những người đã chết. Đối với người Việt, thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ tín ngưỡng, tôn giáo không thể thiếu và không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa người Việt.

Read More

Thờ cúng gia tiên thường được tổ chức vào các ngày giỗ tết, ngày sóc vọng… đây là dịp để người sống, để các lớp con cháu, lớp hậu sinh, hậu bối (hậu bối 后 背) tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn của mình đối tổ tiên; Là dịp để con cháu kiểm điểm, báo cáo với tổ tiên những việc đã làm được và chưa làm được (thực hiện di mệnh của tổ tiên); Là dịp để những người sống có kiều kiện để ngồi lại với nhau, ôn cố tri tân, xóa bỏ các mặc cảm, định kiến, lòng hận thù… đoàn kết một lòng, chung tay, góp sức xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh.

2. Giỗ

alt
Bàn thờ gia tộc họ Thiều (Đệ Ngũ Chi) tại Y Xá thôn - Đông Sơn - Thanh Hóa

Giỗ là một trong nhiều nghi thức nằm trong tập tục thờ gia tiên của người Việt. Giỗ là dịp để con cháu có điều kiện ngồi lại với nhau nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng hiếu kính đến tổ tiên, với những người đã mất. Giỗ là dịp để gắn kết tình cảm của các thành viên trong một gia đình, dòng tộc, trong một ngành nghề (giỗ tổ nghề).

Giỗ được tổ chức theo đúng tập tục thờ cúng, nghi lễ cổ truyền của từng vùng miền vào đúng ngày mất của người được thờ cúng theo Âm lịch (Xưa kia qui định chỉ được làm giỗ trước ngày mất chứ tuyệt nhiên không được làm sau ngày mất. Ngày nay do tiến bộ nên cũng có sự thay đổi, trong trường hợp đặc biệt có thể làm giỗ trước vài ba ngày nhưng đến ngày mất vẫn phải làm cơm canh đạm bạc để cúng chứ tuyệt đối không được bỏ giỗ).

Giỗ có thể làm to hay nhỏ tùy thuộc vào gia cảnh, tùy theo con cháu đông hay vắng và nhiều khi còn tùy theo sự liên lạc, mối quan hệ giữa người sống với người đã chết mà làm to hay nhỏ. Giỗ cha mẹ, giỗ ông bà thường làm to; giỗ anh em, chú bác cùng các vị cao tằng tỉ khảo thường chỉ cơm canh cúng đơn sơ để khỏi bỏ giỗ. Những ngày giỗ này (tức giỗ các bậc xa với mình như cao, tằng, tỉ, khảo...) người ta gọi là giỗ “mọn”. Ở ta (tức ở Đông Văn, Đông Sơn, Thanh Hóa) kêu là giỗ “cứu” [ý là vì nhiều lý do như bận bịu việc nông trang, mùa màng; vì đơn chiếc không có người làm; hoặc có khi vì năm mất mùa đói kém... nên viện lý rằng chúng em không "làm" mong các vị cứu xét, thông cảm cho (!)], và những buổi giỗ này thường chỉ có con cháu, người trong nhà cúng rồi ăn với nhau.

alt
Con cháu trong nhà tổ chức ăn uống nhân ngày giỗ

Giỗ cũng là dịp để gia chủ được mời lại những người đã giúp đỡ, chia xẻ với mình trong những lúc hoạn nạn, khó khăn; những người đã từng mời mình đi ăn uống (trong trường hợp này người ta gọi là “trả nợ miệng”).

Nhà giàu, nhà có điều kiện thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, anh em, bạn bè gần xa về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, và vài món ăn giản dị cúng người mất… như thế cũng đã có lòng Thành kính đối với người đã mất, với tổ tiên.

Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

祖宗雖遠,祭祀不可不誠;
Tổ tông tuy viễn, tế tự bất khả bất thành
子孫雖愚,經書不可不讀。
Tử tôn tuy ngu, kinh thư bất khả bất độc.

Dịch nghĩa:
Tổ tông dù xa, thờ cúng không thể không thành tâm.Con cháu dù ngu, kinh sách không thể không tìm đọc.

(Sách ChuTử Gia Huấn Cách Ngôn)

Thân bằng, cố hữu của những người quá cố nếu thấy lưu luyến thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn từ trước, không cần phải đợi đến khi có thiệp mời như tiệc cưới, lễ mừng... mới đến. Không nên có chuyện hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo (有請有来, 无请不到), nghĩa là có mời thì đến, không mời không đến.

Người cúng giỗ

Trong một dòng họ, gia tộc thường có rất nhiều con cháu nhưng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ xưa nay đều do ông trưởng tộc, người con trai trưởng (người con Cả đối với người miền Bắc, anh Hai đối với người miền Nam) trong gia đình đảm nhận. Trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, hiếu hỉ... con cháu trong dòng họ, gia đình thường tụ tập về nhà thờ tự, nhà người trưởng tộc, nhà người con "trai cả" để tiến hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, cúng người đã mất. Trong trường hợp người con trưởng mất thì việc làm giỗ, cúng giỗ... được cử hành tại nhà của người cháu đích tôn.

Việc bá cáo với tổ tiên cũng như cầu mong sự phù hộ độ trì của tổ tiên đối với con cháu thường do người trưởng tộc, người con trai cả tiến hành. Nhưng đôi khi, vì lý do nào đó việc cúng tế tổ tiên cũng có thể được giao cho người có vai vế, uy tín, đức độ (uy tín, đức độ là tiêu chí hàng đầu) trong dòng họ đại diện cúng thay.
alt
Bàn thờ gia tiên nhà Shaolaojia tại Tp. HCM

Những người gửi giỗ

Người trai trưởng hay cháu đích tôn trong một dòng họ, một chi, một cành phải lo việc cúng giỗ.

Tất cả con cháu trong dòng tộc đều phải có trách nhiệm trong việc hiếu kính với ông bà tổ tiên. Lòng hiếu kính của con cháu được thể hiện qua nhiều góc độ, khía cạnh trong đấy có việc đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng từ đường, duy trì tập tục thờ cúng và làm cho buổi giỗ tổ tiên thêm phần long trọng. Trong các dòng tộc, việc cúng giỗ, tế họ thường do các vị trong Hội đồng trị sự đảm nhận, phí tổn cúng tế do con cháu cúng dường hoặc được trích xuất từ tiền công đức, hoặc được phân chia cho các đầu ngành, các chi, cành của dòng họ.

Những người con thứ, con chú, cháu thứ, những đứa cháu ngoại không thể bỏ giỗ ông bà cha mẹ mình được. Ngày giỗ, tất cả con cháu phải tề tựu tại nhà người con trưởng hoặc nhà trưởng chi họ, trưởng tộc (nếu là giỗ của một vị đã xa, vào hàng cao tằng, tổ khảo) để tiến hành làm lễ cũng giỗ. Những người này phải có đồ lễ mang tới cúng. Việc mang đồ lễ đến cúng ông bà, cha mẹ ở nhà người con trai trưởng, nhà trưởng chi, trưởng tộc hoặc nhà người cháu đích tôn như vậy được gọi là "Gửi Giỗ".

Chia xẻ "Giỗ Phí"

Lễ gửi giỗ “trọng” hay “mọn” tùy thuộc một phần ở khả năng tài chính của người sống và một phần tùy theo mối quan hệ giữa người sống với người đã khuất. Một tằng tôn, huyền tôn “gửi giỗ” có thể chỉ là gửi thẻ hương, nải chuối, chai rượu; một người họ hàng xa xôi, bà con láng giềng có thể gửi cúng người đã khuất một vài cân trái cây, một bó hoa cùng vàng hương nến.

Con cháu trong nhà phải có trách nhiệm xẻ chia với người con trưởng, trưởng tôn về các khoản "Giỗ Phí". Bởi vậy, không những phải gửi giỗ “trọng” hơn, nhiều hơn mà còn phải đóng góp công sức nhằm giúp buổi giỗ được tiến hành đúng trình tự, thủ tục, tôn nghiêm và ấm cúng.

Con cháu thường gửi giỗ bằng tiền, kèm theo đồ lễ đáng giá như gà lợn, thúng gạo nếp hay bất cứ thứ gì để tham gia nhằm giúp cho bữa giỗ thêm phần sung túc. Cũng có khi con cháu mua những đồ mà sinh thời người chết ưa thích để cúng. Nhiều người ở xa không về được cũng cố để mua đồ lễ gửi về nhà người trưởng tộc, những người này ngoài việc gửi giỗ còn làm cỗ cúng tại nhà để cho con cháu tụ tập ăn uống, tưởng nhớ người đã khuất, việc cúng người đã khuất như vậy ta gọi là cúng “vọng” trong ngày giỗ.

Việc làm giỗ, gửi giỗ, tuy không qui định rõ ràng, “bất thành văn” nhưng việc được "làm giỗ", được "gửi giỗ" là trách nhiệm, nghĩa vụ, và là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của con cháu trong gia đình, dòng tộc.

Người Việt thường rất băn khoăn nếu không được về dự đám giỗ mặc dù đã tổ chức cúng vọng. Trong nhiều trường hợp, người trưởng họ không nhận đồ lễ “gửi giỗ” của một thành viên nào đó ấy là thường vì người ấy có những hành vi bất kính với tổ tiên hoặc là do người này cậy của khinh thường bà con trong dòng họ. Thật là một điều buồn cho người đi “gửi giỗ” không xong ! Lẽ tất nhiên người ấy có thể “cúng vọng” nhưng cái sự hiếu kính chắc gì tổ tiên đã chấp nhận. Và sao cúng vọng lại có thể bằng tỏ lòng thành kính trước bàn thờ tiên tổ tại nhà người trưởng tộc.

Tập tục thờ cúng gia tiên, làm giỗ, cúng giỗ và gửi giỗ là một trong những tín ngưỡng có giá trị giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người; đậm bản sắc văn hóa và đầy tính nhân văn trong đạo “làm người” của dân tộc Việt.

Tp. HCM ngày 11.3.Giáp Ngọ
Shaolaojia viết nhân sắp đến ngày giỗ Ông nội.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG