Muôn Mặt Cuộc Sống
Tin Buồn: TỔNG TƯ LỆNH TỐI CAO QĐNDVN - ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TỪ TRẦN !!!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Thứ Sáu, ngày 04/10/2013 22:01 PM (GMT+7)
Tổng Tư Lệnh Tối Cao QĐNDVN, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã từ trần chiều tối 4/10 tại Hà Nội. Đại tướng vừa bước sang tuổi 103 vào ngày 25/8 vừa qua.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần chiều tối nay (4/10) - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng cho Báo Người Lao Động biết.
Vị Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), vốn là một thầy giáo dạy Sử, đã trở thành vị Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng trực tiếp chỉ huy những chiến dịch lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, những bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi, ngày 25/8/2011, hãng tin AFP (Pháp) nhận định Đại tướng là một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất lịch sử.
Hãng thông tấn AP của Mỹ dẫn lời Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 35 năm qua, nói: “Đại tướng đã góp phần đánh bại hai cường quốc lớn. Ông là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Theo Nhóm PV (Người Lao Động)
----------------------------------------------------
Truyền thông quốc tế nói về sự ra đi của Tướng Giáp
Thứ sáu, 4/10/2013 22:22 GMT+7
Các hãng thông tấn và báo chí quốc tế hôm nay đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng chỉ huy chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, giúp chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chào cờ trong một cuộc họp năm 1996. Ảnh: AFP
AFP đưa tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của Việt Nam với những chiến thuật tài tình để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua đời ở tuổi 103.
Hãng thông tấn của Pháp nhắc đến việc Tướng Giáp là người Việt Nam được thế giới biết tới nhiều chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiến thuật du kích của ông đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân khắp toàn cầu.
Hãng tin cũng nói về phản ứng của những người dùng Internet tại Việt Nam sau khi sự ra đi của Tướng Giáp được công bố. "Xin hãy yên nghỉ, người anh hùng của nhân dân. Ông sẽ mãi mãi là vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi", AFP dẫn bình luận của một người dùng mạng xã hội.
Với dòng tiêu đề "Tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam từ trần", hãng truyền thông BBC đưa tin vị tướng Việt Nam từng quân sư cho những chiến thắng chống Pháp và Mỹ, vừa qua đời ở tuổi 103. Báo cho biết việc ông Giáp đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã chấm dứt chế độ thuộc địa trong khu vực.
"Ông tiếp tục giám sát cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân chống lại Mỹ năm 1968, và thường được cho là một trong những nhân tố khiến người Mỹ rút lui", hãng này viết.
Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954". Chiến thắng đó, vốn vẫn đang được giảng dạy trong các trường quân sự, không chỉ đưa Việt Nam đến độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và xa hơn thế nữa, AP viết.
"Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20", hãng tin Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, một tác giả từng được giải Pulitzer, viết về chiến tranh Việt Nam, hồi năm 2008. "Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối", Stanley cho biết.
Bản điện tử của Nhân dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã và các báo Trung Quốc cũng đưa tin vị tướng lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam qua đời. Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.
Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h09 chiều nay tại Viện quân y 108 ở Hà Nội khi ông vừa qua tuổi 103. Thi hài của ông được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.
Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trọng Giáp
----------------------------------------------------------
“Tôi hân hạnh được làm kẻ chiến bại trực tiếp của tướng Giáp”
Tướng De Castries thừa nhận "Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre." De Castries: “Tôi hân hạnh được làm kẻ chiến bại trực tiếp của tướng Giáp”.
De Castries: “Tôi hân hạnh được làm kẻ chiến bại trực tiếp của tướng Giáp”
Trước khi được Việt Nam trao trả về Pháp, tướng De Castries – một trong nhiều sĩ quan cấp cao Pháp bị bắt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào”.
"Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi đâu."
Tướng De-castris và bộ sậu bị bắt tại Điện Biên Phủ
De Castries không thể tin rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa hề qua một trường lớp quân sự bài bản nào. Ông ta khăng khăng cho rằng: "Nhất định Tướng Giáp đã tốt nghiệp tại học viện quân sự cấp cao ở Nga Xô hoặc ở Mỹ…"
Tuy nhiên, dù chấp nhận sự thật này hay không, tướng De Castries cũng phải thốt lên rất thành thực rằng: "Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Marcel Bigeard: “Nếu hồi ấy là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”
Tướng Marcel Bigeard, người từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ, đã phải thừa nhận tài năng của người từng là đối thủ của mình trên chiến trường: “Ông Giáp đã lãnh đạo quân đội nước Việt Nam giành được chiến thắng trong một thời hạn thật đặc biệt kéo dài suốt 30 năm, đó là một kỳ tích chưa từng thấy! Đúng vậy, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.
Đại tướng khi ngồi tù của Thực dân Pháp
Trong hồi kí Pour une parcelle de gloire (tạm dịch: Vì một chút vinh quang), ông Bigeard viết rằng: "Giáp từ ấy đã tồn tại hai mươi lăm năm, đã thua điểm đôi khi, thậm chí đo ván, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lĩnh không ai bì kịp, sau khi đã canh tân, đã chỉ huy trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Xin ngả mũ chào ông, ông Giáp".
Năm 1993, khi sang thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, tướng Bigeard đã thốt lên: “Hồi ấy nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.
McNamara: “Ngài lại thắng lợi về thời gian”
Đại tướng trong cuộc gặp với cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara.
Cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người được mệnh danh là “công trình sư” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nói rằng cuộc gặp gỡ lần với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 9/11/1995 là rất ấn tượng. Đây cũng là lần gặp gỡ đầu tiên của ông McNamara với vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.
Đại tướng đã hoàn toàn thuyết phục được đối thủ bên kia chiến tuyến của mình năm xưa khi chỉ ra chính xác những nguyên nhân khiến Mỹ thua cuộc ở Việt Nam. Theo Đại tướng, sai lầm của Mỹ không những chỉ là không lường được sức chịu đựng và tinh thần quyết tâm của nhân dân Việt Nam mà còn thể hiện ở chỗ muốn tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam bằng những cuộc thương lượng với các nước lớn khác.
Trong suốt cuộc gặp mặt lần thứ 2, cũng là lần cuối cùng diễn ra ngày 23/6/1997, ông McNamara không nói quá nhiều mà nhường cho các thành viên phái đoàn mình bày tỏ ý kiến.
Vì thời gian hạn hẹp, lại có những bất đồng về quan điểm, ông NcNamara đã không ít lần ngắt lời Đại tướng, song suốt cuộc gặp kéo dài 1 tiếng rưỡi, Đại tướng bình thản và lịch sự, chủ động giành lấy phần lớn thời gian để phát biểu quan điểm của mình.
Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi... Chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng
Đại tướng khẳng định rằng Việt Nam không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để chấm dứt chiến tranh: “Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”.
Trước những lí lẽ đầy thuyết phục của Đại tướng, không giữ được kiên nhẫn, ông McNamara đã phải thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Cho tới lúc này, Đại tướng vẫn thản nhiên đáp lại: “Các ngài thua vì chưa hiểu, muốn hiểu nên lắng nghe”.
William Westmoreland: “Tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”
Tướng William Westmoreland, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam thì nhận xét: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”.
“Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã cho thấy vai trò quyết định của các nhân vật kiệt xuất của đối phương (Quân đội Việt Nam) và vai trò cao nhất là tướng Giáp - người lão luyện trong việc tổng chỉ huy thực hiện chiến tranh du kích”.
Thieugia - theo Trí Thức Trẻ | 05/10/2013 07:17.
------------------------------------------------------
60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Dân trí) - Trong vai trò là tiêu binh, 60 sĩ quan cấp tướng ở các quân chủng Hải quân, Bộ binh và Không quân sẽ túc trực bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Lễ Quốc tang.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu - cho biết đây là quy định và nghi thức trang trọng nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Lễ Quốc tang.
Xe pháo trong lễ rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Lễ viếng ngày 12/10 đã được chuẩn bị kỹ càng, lực lượng tiêu binh sẽ chia làm nhiều ca túc trực bên linh cữu Đại tướng, mỗi ca khoảng từ 20-30 phút” - Thiếu tướng Sơn cho hay.
Cũng theo Thiếu tướng Sơn, đoàn rước linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài vào Quảng Bình sẽ có 2 xe pháo, trong đó 1 xe chở pháo và 1 xe chở linh cữu của Đại tướng. Linh cữu của Đại tướng sẽ được phủ Quốc kỳ, đặt trong lồng kính để trên xe pháo phía sau xe gắn đại pháo. Các xe chuyên dụng, xe phục vụ trong quân đội sẽ tham gia hộ tống.
Ngoài ra, một lực lượng lớn chiến sĩ, sĩ quan sẽ tham gia bảo vệ nghiêm ngặt linh cữu của Đại tướng và đoàn xe rước ra tới sân bay quốc tế Nội Bài. Tại sân bay Đồng Hới - Quảng Bình, Quân khu IV cũng sẽ có nhiệm vụ tương tự như tại Hà Nội.
“Nghi thức này là quy định được thực hiện trong tang lễ dành cho nguyên thủ quốc gia và các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh cán bộ cao cấp trong quân đội” - Thiếu tướng Sơn nhấn mạnh.
Nói về công tác tổ chức Quốc tang, Đại tá Cao Minh Thành - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tham mưu cho biết thêm: Trong 2 ngày diễn ra lễ viếng và lễ truy điệu tại Hà Nội, ngoài 60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên lĩnh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ có 103 sĩ quan cao cấp đại diện các quân chủng, đơn vị của Bộ Quốc phòng tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng tham gia lễ viếng Người tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông.
Đại tá Thành nói rõ: Có 12 chiến sĩ làm nhiệm vụ khiêng chuyển linh cữu Đại tướng và 4 sĩ quan làm các nhiệm vụ mang di ảnh, gối huân chương, cờ Tổ quốc đi trước linh cữu của Đại tướng và một chiến sĩ đội công tác khi chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang và từ xe tang đến phần mộ.
Đoàn rước sẽ đi qua nhiều tuyến phố tại Hà Nội trước khi ra sân bay Nội Bài
Như thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ viếng sẽ diễn ra 3 nơi là Hà Nội, TPHCM và Quảng Bình.
Tại Hà Nội, lễ viếng bắt đầu từ 7h30 - 21h, ngày 12/10/2013 tại Nhà tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm). Sau kết thúc lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng, đoàn xe rước linh cữu Người sẽ đi từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông theo lộ trình: Trần Thánh Tông - Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu (số 30 nhà riêng Đại tướng làm lễ theo nghi thức tâm linh truyền thống), sau đó đoàn xe tiếp tục đi theo đường Kim Mã - Cầu Giấy - cầu Thăng Long ra sân bay Nội Bài.
Kết thúc hành trình thứ nhất, thi hài Đại tướng sẽ được chuyển lên chuyên cơ ATR72 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để đưa vào Quảng Bình. Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, lĩnh cữu Đại tướng sẽ được rước bằng ô tô về an táng tại Khu Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Châu Như Quỳnh.