Muôn Mặt Cuộc Sống
Kép hát bội đóng vai Châu Do hộc máu thật...
Thứ tư - 28/03/2012 00:33
Thời ấy, đêm hát bội tại Trung Ương Hí Viện Aristo đối diện tường rào nhà ga xe lửa (hình như nằm trên đường Doubonet hay Colonel Grimaux) mà tôi quên tên.
Kép Mười Vàng diễn vai Châu Do, tới lớp tuồng có “hộc máu” thì Mười Vàng hộc máu thật khiến cho nhiều người thất kinh hồn vía, khi thấy từng đợt máu trào ra từ miệng của người diễn viên ấy, máu tươi lẫn lộn máu bầm, loang từ ngực áo đến tấm thảm trải sàn sân khấu.
Trước đó người ta đã có dịp xem vài diễn viên lớn diễn vai này, chỉ hộc máu theo tính cách tượng trưng, nên khi nghe “Mười Vàng hộc máu thật” thì ai cũng nôn nao muốn đi xem cho thỏa óc tò mò. Mười Vàng đã gây cho khán giả ấn tượng khó quên.
Thế nhưng, nếu mỗi lần hát lại phải hộc máu thật như vậy thì chịu đời sao thấu chớ? Ðâu có khác gì bệnh lao thổ huyết!
Tìm hiểu vấn đề, tôi được biết như sau:
Diễn những lớp tuồng “hộc máu thật” thì ngày hôm đó, sau bữa cơm trưa, phải hoàn toàn nhịn ăn đến tối. Sắm tuồng xong, uống một thau nước pha những lát vang cây (mua ở tiệm thuốc Bắc) sắc kẹo, kèm một chén sương sáo. Gần tới lớp hộc máu, uống thêm cả lít nước pha bông vang và xi rô đỏ, trong kẽ răng ngậm một viên nhỏ vị thuốc ô quỳ. Ðến lúc cần, nuốt nước miếng một cái, chất tanh vừa vào cổ, kích thích dạ đày, khiến bao nhiêu là nước đỏ pha sương sáo, tuôn trào ra đường miệng, nhiều lần như thế mới chịu chết. Diễn lớp nầy mệt lắm, gần kiệt sức, nhưng nhờ khán giả có nhiều người khoái, thưởng tiền nườm nượp, quạt giấy kẹp tiền quăng lên tới tấp.
Một kép hát yêu nghệ thuật đến thế, vậy chớ lúc mới vào nghề ra sao? Mười Vàng xuất thân trong một gia đình thuộc giới nghèo thành thị, ở Chợ Ðũi, Sài Gòn. Cha mẹ sống bằng nghề mua bán cỏ ngựa (lúc ấy thành phố còn nhiều xe thổ mộ). Nhà ở gần rạp hát, cậu bé Vàng đi xem riết rồi mê.
Năm mười bốn tuổi, Mười Vàng trốn nhà theo gánh Nhơn Ðức Ban, gốc ở Gò Công, được ông bầu Cự chấp thuận cho theo đoàn. Năm đầu tiên, Vàng chỉ là đứa chuyên làm tạp dịch, ai sai gì thì làm nấy, mình chỉ mặc chiếc quần đùi, cái áo cũ thì gói lót đầu nằm. Hằng đêm khi đoàn diễn thì ngồi dựa cửa buồng coi hát. Những đêm trời lạnh, phải chui mình dưới tấm thảm trải sân khấu, mặc cho cát đất phủ đầy người. Tới bữa ăn, phải đứng hầu bên mâm đào kép, bới cơm, bưng thức ăn cho mọi người. Ai nấy ăn xong, mấy đứa nhỏ mới tới phiên, còn gì ăn nấy, mà thường là cơm cháy và nước mắm.
Năm thứ nhì mới được ra sân khấu, thủ vai quân chạy hiệu từ đầu tuồng đến vãn. Ðược phát cho bộ đồ quân, với cây cờ hiệu, lòng rộn nở hoa, như lính được lên lon. Sau đêm hát, được bầu gánh hát cho một xu, chỉ đủ sáng ăn xôi. Nhọc nhằn, đói rách, khổ sở bao nhiêu cũng chịu nổi, chỉ sợ nhất là bị đuổi khỏi đoàn. Nhờ siêng năng lanh lẹ, lại có đầu óc cầu tiến, Mười Vàng được cô bác lớn thương tình, chỉ dạy cho điệu nghệ căn bản, lời văn câu hát, múa diễn, màu mè.
Thập niên 1930, 1940, có nhiều chuyển biến mới: Sài Gòn, Gia Ðịnh, các tỉnh thành đã xuất hiện nhiều rạp hát dành cho chớp bóng và cải lương. Hát bội phải lui về các đình miếu, các vùng chợ quê, con đường suy tàn đã mở ra trước mắt.
Theo: ngocanh